[42] Chương Viii Tương Ưng Thôn Trưởng

11/05/201012:00 SA(Xem: 23865)
[42] Chương Viii Tương Ưng Thôn Trưởng
Đại Tạng Kinh Việt Nam
KINH TƯƠNG ƯNG BỘ

Samyutta Nikàya

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt - Phật Lịch 2537 - 1993

TẬP IV - THIÊN SÁU XỨ

[42] Chương VIII
Tương Ưng Thôn Trưởng

I. Canda (Tàn bạo) (S.iv,305)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng Lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Độc).

2) Rồi thôn trưởng Canda bạch Thế Tôn:

-- Do nhân gì, bạch Thế Tôn, do duyên gì ở đây, có người được gọi tên là tàn bạo? Do nhân gì, do duyên gì ở đây, có người được gọi là hiền lành (sùrato)?

4) -- Ở đây, này Thôn trưởng, có người tham dục (ràyo) chưa được đoạn tận. Do tham dục (ràga) chưa được đoạn tận, người ấy bị người khác làm cho phẫn nộ. Do bị người khác làm phẫn nộ nên phẫn nộ hiện hành. Người ấy do vậy được gọi là tàn bạo. Sân chưa được đoạn tận. Do sân chưa được đoạn tận, người ấy bị người khác làm cho phẫn nộ.Do bị người khác làm cho phẫn nộ nên phẫn nộ hiện hành. Người ấy do vậy được gọi là tàn bạo. Si chưa được đoạn tận. Do si chưa được đoạn tận, người ấy bị người khác làm cho phẫn nộ. Do bị người khác làm cho phẫn nộ nên phẫn nộ hiện hành. Người ấy do vậy được gọi là tàn bạo.

Này Thôn trưởng, đây là nhân, đây là duyên, ở đây, có người được gọi tên là tàn bạo.

5) Nhưng ở đây, này Thôn trưởng, có người tham dục được đoạn tận. Do tham dục được đoạn tận nên người ấy không bị người khác làm cho phẫn nộ. Do không bị người khác làm cho phẫn nộ nên phẫn nộ không hiện hành. Người ấy do vậy được gọi là hiền lành. Sân được đoạn tận. Do sân đã được đoạn tận nên người ấy không bị người khác làm cho phẫn nộ. Do không bị người khác làm cho phẫn nộ nên phẫn nộ không hiện hành. Người ấy do vậy được gọi là hiền lành. Si đã được đoạn tận. Do si đã đoạn tận nên người ấy không bị người khác làm cho phẫn nộ. Do không bị người khác làm cho phẫn nộ nên phẫn nộ không hiện hành. Người ấy do vậy được gọi là hiền lành.

Này Thôn trưởng, đây là nhân, đây là duyên, ở đây, có người được gọi tên là hiền lành.

6) Được nghe nói vậy, thôn trưởng Canda bạch Thế Tôn:

-- Thật là vi diệu, bạch Thế Tôn! Thật là vi diệu, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Bạch Thế Tôn, con nay xin quy y Phật, Pháp và chúng Tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!

II. Puta (S.iv,306)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá), tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

2) Rồi Talaputa, nhà vũ kịch sư (natagàmani), đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

3) Ngồi một bên, vũ kịch sư Talaputa bạch Thế Tôn:

-- Con được nghe, bạch Thế Tôn, các vị Đạo sư, Tổ sư thuở xưa nói về các nhà vũ kịch, nói rằng: "Ai là nhà vũ kịch, trên sân khấu giữa kịch trường, với các điệu bộ giả sự thật, làm quần chúng vui cười, thích thú; người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh cọng trú với chư Thiên hay cười (pahàsadeve)". Ở đây, Thế Tôn nói như thế nào?

-- Thôi vừa rồi, này Thôn trưởng. Hãy dừng ở đây. Chớ có hỏi Ta về điều này.

4) Lần thứ hai, vũ kịch sư Talaputa bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, con có nghe các vị Đạo sư, Tổ sư thuở xưa nói về các nhà vũ kịch, nói rằng: "Ai là nhà vũ kịch, trên sân khấu hay giữa kịch trường, với các điệu bộ giả sự thật, làm quần chúng vui cười, thích thú; người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh cọng trú với chư Thiên hay cười". Ở đây, Thế Tôn nói như thế nào?

-- Thôi vừa rồi, này Thôn trưởng. Hãy dừng ở đây. Chớ có hỏi Ta về điều này.

5) Lần thứ ba, vũ kịch sư Talaputa bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, con có nghe các vị Đạo sư, các vị Tổ sư thuở xưa nói về các nhà vũ kịch, nói rằng: "Ai là nhà vũ kịch, trên sân khấu hay giữa kịch trường, với các điệu bộ giả sự thật, làm quần chúng vui cười, thích thú; người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh cộng trú với chư Thiên hay cười". Ở đây, Thế Tôn nói như thế nào?

-- Thật sự, Ta đã không chấp nhận và nói rằng: "Thôi vừa rồi, này Thôn trưởng. Hãy dừng ở đây. Chớ có hỏi Ta về điều này". Tuy vậy, Ta sẽ trả lời cho Ông.

6) Này Thôn trưởng, đối với những loài hữu tình thuở trước chưa đoạn trừ lòng tham, còn bị lòng tham trói buộc, nếu nhà vũ kịch trên sân khấu hay trong kịch trường, tập trung những pháp hấp dẫn, thời khiến lòng tham của họ càng tăng thịnh. Này Thôn trưởng, đối với những loại hữu tình thuở trước chưa đoạn trừ lòng sân, còn bị lòng sân trói buộc, nếu nhà vũ kịch trên sân khấu hay trong kịch trường tập trung những pháp liên hệ đến sân, thời khiến cho lòng sân của họ càng tăng thịnh. Này Thôn trưởng, đối với loài hữu tình thuở trước chưa đoạn trừ lòng si, còn bị lòng si trói buộc, nếu nhà vũ kịch trên sân khấu hay trong kịch trường tập trung những pháp liên hệ đến si, thời khiến cho lòng si của họ càng tăng thịnh.

7) Người ấy tự mình đắm say, phóng dật, làm người khác đắm say và phóng dật, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh trong địa ngục Hý tiếu (Pahàso). Nếu người ấy có (tà) kiến như sau: "Người vũ kịch nào, trên sân khấu hay giữa kịch trường, với các điệu bộ giả sự thật, làm quần chúng vui cười, thích thú; người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh cộng trú với chư Thiên hay cười". Như vậy là tà kiến. Ai rơi vào tà kiến, này Thôn trưởng, Ta nói rằng người ấy chỉ có một trong hai sanh thú: một là địa ngục, hai là súc sanh.

8) Khi được nói vậy, vũ kịch sư Talaputa phát khóc và rơi nước mắt.

-- Chính vì vậy, này Thôn trưởng, Ta đã không chấp nhận và nói: "Thôi vừa rồi, này Thôn trưởng. Hãy dừng ở đây. Chớ có hỏi Ta về điều này".

-- Bạch Thế Tôn, con khóc không phải vì Thế Tôn đã nói như vậy. Nhưng, bạch Thế Tôn, vì con đã bị các Đạo sư, các Tổ sư vũ kịch thời trước đã lâu ngày lừa dối con, dối trá con, dắt dẫn lầm lạc con rằng: "Người vũ kịch nào trên sân khấu hay giữa kịch trường, với các điệu bộ giả sự thật, làm quần chúng vui cười, thích thú; người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên hay cười".

9) Thật là vi diệu, bạch Thế Tôn! Thật là vi diệu, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Bạch Thế Tôn, con nay xin quy y Phật, Pháp và chúng Tăng. Mong Thế Tôn cho con được xuất gia với Thế Tôn, được thọ đại giới!

10) Vũ kịch sư Talaputa được xuất gia với Thế Tôn, được thọ đại giới.

11) Thọ đại giới không bao lâu, Tôn giả Talaputa... trở thành một vị A-la-hán nữa.

III. Yodhàjivo (Kẻ chiến đấu) (S.vi,308)

1) ...

2) Rồi chiến đấu sư Yodhàjivo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

3) Ngồi xuống một bên, chiến đấu sư bạch Thế Tôn:

-- Con được nghe, bạch Thế Tôn, các vị Đạo sư, Tổ sư thuở xưa nói về các chiến đấu viên, nói rằng: "Vị chiến đấu viên nào trong chiến trường, hăng say, tinh tấn; do hăng hay tinh tấn như vậy, bị người khác tàn sát, đánh bại; vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với chư Thiên tên là Saràjità". Ở đây, Thế Tôn nói như thế nào?

-- Thôi vừa rồi, này Chiến đấu sư. Hãy dừng ở đây. Chớ có hỏi Ta về điều này.

4) Lần thứ hai...

5) Lần thứ ba, chiến đấu sư bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, con được nghe các vị Đạo sư, Tổ sư thuở xưa nói về các chiến đấu viên, nói rằng: "Vị chiến đấu viên nào trong chiến trường hăng say, tinh tấn; do hăng say, tinh tấn như vậy, bị người khác tàn sát, đánh bại, vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với chư Thiên tên là Saràjità". Ở đây, Thế Tôn nói như thế nào?

-- Thật sự, Ta đã không chấp nhận và (nói rằng): "Thôi vừa rồi, này Chiến đấu sư. Hãy dừng ở đây. Chớ có hỏi Ta về điều này". Tuy vậy, Ta sẽ trả lời.

6) Này Thôn trưởng, đối với chiến đấu viên nào trong chiến trường hăng say, tinh tấn, tâm của vị ấy trước đó phải có những ý nghĩ thấp kém, ác ý, ác nguyện như sau: "Mong rằng các loài hữu tình ấy bị giết, bị bắt, bị tàn sát, bị tàn hại!", hay: "Mong họ chớ có tồn tại!" Do vị ấy hăng hái, tinh tấn như vậy, nếu vị ấy bị người khác tàn sát, đánh bại, thời người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào địa ngục tên là Saràjità. Nếu người ấy có (tà) kiến như sau: "Vị chiến đấu viên nào giữa chiến trường hăng say, tinh tấn; do hăng say, tinh tấn như vậy, bị người khác tàn sát, đánh bại, vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với chư Thiên tên là Saràjità". Như vậy là tà kiến. Ai rơi vào tà kiến này, này Chiến đấu sư, Ta nói rằng, người ấy chỉ có một trong hai sanh thú: Một là địa ngục, hai là súc sanh.

7) Khi được nói vậy, vị chiến đấu sư phát khóc, rơi nước mắt.

-- Chính vì vậy, này Thôn trưởng, Ta không chấp nhận và nói: "Thôi vừa rồi, này Chiến đấu sư. Hãy dừng ở đây. Chớ có hỏi Ta về điều này".

-- Bạch Thế Tôn, con khóc không phải vì Thế Tôn đã nói như vậy. Nhưng, bạch Thế Tôn, vì con đã bị các Đạo sư, các Tổ sư, các chiến đấu viên thuở trước đã lâu ngày lừa dối con, dối trá con, dắt dẫn con lầm lạc, nói rằng: "Ai là người chiến đấu viên giữa các chiến trường hăng say, tinh tấn; do hăng say, tinh tấn như vậy, bị người khác tàn sát, đánh bại, vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với chư Thiên tên là Saràjità".

8) Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn!... Từ nay cho đến mệnh chung con trọn đời quy ngưỡng!

IV. Voi (S.iv,310)

1) ...

2-8) (Giống như kinh trước, chỉ khác đấy là vị tượng sư hay người nài voi).

V. Ngựa (S.iv,310)

1-8) (Giống như kinh trước, chỉ khác đấy là vị mã sư hay người huấn luyện ngựa).

VI. Người Đất Phương Tây hay Người Đã Chết (S.iv,311)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Nàlandà, tại rừng Pàvàrikamba.

2) Rồi thôn trưởng Asibandhakaputta đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

3) Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Asibandhakaputta bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, các vị Bà-la-môn trú đất phương Tây, mang theo bình nước, đeo vòng hoa huệ (sevàla), nhờ nước được thanh tịnh. Những người thờ lửa, khi một người đã chết, đã mệnh chung, họ nhắc bổng và mang vị ấy ra ngoài (uyyàpenti), kêu tên vị ấy lên, và dẫn vị ấy vào Thiên giới. Còn Thế Tôn, bạch Thế Tôn, là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Thế Tôn có thể làm như thế nào cho toàn thể thế giới, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này?

4) -- Vậy, này Thôn trưởng, ở đây, Ta sẽ hỏi Ông. Nếu Ông kham nhẫn hãy trả lời.

5) Này Thôn trưởng, Ông nghĩ thế nào? Ở đây, một người sát sanh, lấy của không cho, sống theo tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham lam, sân hận, theo tà kiến. Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chấp tay đi cùng khắp và nói rằng: "Mong người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên Thiện thú, thiên giới, cõi đời này!" Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng, người ấy do nhân cầu khẩn của đại quần chúng ấy, hay do nhân tán dương, hay do nhân chấp tay đi cùng khắp, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

6) -- Ví như, này Thôn trưởng, có người lấy một tảng đá lớn ném xuống một hồ nước sâu. Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chấp tay đi cùng khắp và nói rằng: "Hãy đứng lên, tảng đá lớn! Hãy nổi lên, tảng đá lớn! Hãy trôi vào bờ, này tảng đá lớn!" Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng, tảng đá lớn ấy do nhân cầu khẩn của đại quần chúng ấy, hay do nhân tán dương, hay do nhân chấp tay đi cùng khắp, có thể trồi lên, hay nổi lên, hay trôi dạt vào bờ không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

-- Cũng vậy, này Thôn trưởng, người nào sát sanh, lấy của không cho, sống theo tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham lam, sân hận, theo tà kiến. Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chấp tay đi cùng khắp và nói rằng: "Mong người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên Thiện thú, thiên giới, cõi đời này!" Nhưng người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

7) Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng? Ở đây, có người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ sống tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, không có tham, không có sân hận, có chánh tri kiến. Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chấp tay đi cùng khắp và nói rằng: "Mong người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục!" Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng, người ấy do nhân cầu khẩn của quần chúng đông đảo ấy, hay do nhân tán dương, hay do nhân chấp tay đi cùng khắp, sau khi thân hoại mạng chung, có thể sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

8) -- Ví như, này Thôn trưởng, có người nhận chìm một ghè sữa đông (sappi) hay một ghè dầu vào trong một hồ nước sâu rồi đập bể ghè ấy. Ở đây, ghè ấy trở thành từng miếng vụn, hay từng mảnh vụn và chìm xuống nước. Còn sữa đông hay dầu thời nổi lên trên. Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chấp tay đi cùng khắp và nói: "Hãy chìm xuống, này sữa đông và dầu! Hãy chìm sâu xuống, này sữa đông và dầu. Hãy chìm xuống tận đáy, này sữa đông và dầu!". Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng, sữa đông ấy, dầu ấy, có do nhân cầu khẩn của đám quần chúng đông đảo ấy, do nhân tán dương, do nhân chấp tay đi cùng khắp của quần chúng đông đảo ấy nên bị chìm xuống, hay chìm sâu xuống, hay đi xuống tận đáy không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

-- Cũng vậy, này Thôn trưởng, có người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ sống tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, không có tham, không có sân, theo chánh tri kiến. Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chấp tay đi cùng khắp và nói: "Mong rằng người này, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh vào cõi dữ ác thú, đọa xứ, địa ngục!" Nhưng người ấy sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này.

9) Khi nghe nói vậy, thôn trưởng Asibandhakaputta bạch Thế Tôn:

-- Thật là vi diệu, bạch Thế Tôn! Thật là vi diệu, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Bạch Thế Tôn, con nay xin quy y Phật, Pháp và chúng Tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!

VII. Thuyết Pháp (S.iv,314)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Nàlandà, tại rừng Pàvàrikamba.

2) Rồi thôn trưởng Asibandhakaputta đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

3) Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Asibandhakaputta bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, có phải Thế Tôn sống vì hạnh phúc, vì lòng thương tưởng đối với tất cả chúng sanh và loài hữu tình?

-- Đúng vậy, này Thôn trưởng, Như Lai sống vì hạnh phúc, vì lòng thương tưởng đối với tất cả chúng sanh và loài hữu tình.

4) -- Nhưng vì sao, bạch Thế Tôn, đối với một số người, Thế Tôn thuyết pháp một cách hoàn toàn trọn vẹn; đối với một số người, Thế Tôn thuyết pháp không hoàn toàn trọn vẹn như vậy?

-- Vậy, này Thôn trưởng, ở đây, Ta sẽ hỏi Ông, Ông kham nhẫn như thế nào, hãy trả lời như vậy.

5) Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng, ở đây, một người cày ruộng có ba thửa ruộng, một loại tốt, một loại bậc trung, một loại xấu, đất cứng, có chất muối, đất độc. Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng? Người cày ruộng ấy muốn gieo hột giống, thời gieo ở thuở ruộng nào trước, ruộng tốt, hay ruộng bậc trung, hay ruộng loại xấu, đất cứng, có chất muối, đất độc?

-- Bạch Thế Tôn, người gia chủ cày ruộng muốn gieo hột giống, gieo vào thửa ruộng tốt; sau khi gieo ở đấy xong, lại gieo vào thửa ruộng loại trung; sau khi gieo ở đấy xong, vị ấy có thể gieo hay không gieo hạt giống vào thửa ruộng loại xấu, đất cứng, có chất muối, đất độc. Vì sao? Tối thiểu cũng có thể làm món ăn cho các trâu bò.

6) -- Ví như thửa ruộng tốt, này Thôn trưởng, là các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni của Ta. Đối với họ, Ta thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn. Ta nói lên cho họ biết đời sống Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn, thanh tịnh. Vì sao? Này Thôn trưởng, vì họ sống lấy Ta làm ngọn đèn, lấy Ta làm hang ẩn, lấy Ta làm chỗ che chở, lấy Ta làm chỗ nương tựa.

7) Ví như thửa ruộng loại trung, này Thôn trưởng, là các vị nam cư sĩ, nữ cư sĩ của Ta. Ta thuyết pháp cho họ, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn. Ta nói lên cho họ biết đời sống Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn, thanh tịnh. Vì sao? Này Thôn trưởng, vì họ sống lấy Ta làm ngọn đèn, lấy Ta làm hang ẩn, lấy Ta làm chỗ che chở, lấy Ta làm chỗ nương tựa.

8) Ví như thửa ruộng xấu, đất cứng, có chất muối, đất độc, này Thôn trưởng, là các ngoại đạo Sa-môn, Bà-la-môn, du sĩ. Ta thuyết pháp cho họ sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa có văn, trình bày cho họ biết đời sống Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn, thanh tịnh. Vì sao? Vì rằng, nếu họ hiểu được chỉ một câu, như vậy là họ được hạnh phúc, an lạc lâu dài.

9) Ví như, này Thôn trưởng, một người có ba bình nước, một bình nước không nứt rạn, không chảy nước, không thấm nước; một bình nước không nứt rạn, nhưng chảy nước và thấm nước; một bình nước nứt rạn, chảy nước, thấm nước. Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng? Nếu có người muốn chứa nước, người ấy sẽ chứa nước ở đâu trước, người ấy chứa bình nước không nứt rạn, không chảy nước, không thấm nước, hay bình nước không nứt rạn, nhưng chảy nước và thấm nước, hay bình nước nứt rạn, chảy nước và thấm nước?

-- Bạch Thế Tôn, người ấy muốn chứa nước, người ấy sẽ chứa vào bình nước không có nứt rạn, không có chảy nước, không có thấm nước. Sau khi chứa nước vào đấy rồi, người ấy mới chứa nước vào bình nước không nứt rạn, nhưng chảy nước và thấm nước. Sau khi chứa nước vào đấy rồi, người ấy mới chứa nước hay không chứa nước vào bình nước bị nứt rạn, bị chảy nước, bị thấm nước. Vì sao? Vì ít nhứt cũng có thể dùng để rửa vật dụng.

10) -- Ví dụ với bình nước không nứt rạn, không chảy nước, không thấm nước, này Thôn trưởng, là các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni của Ta. Ta thuyết pháp cho họ, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, trình bày đời sống Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn, thanh tịnh. Vì sao? Này Thôn trưởng, vì họ sống lấy Ta làm ngọn đèn, lấy Ta làm hang ẩn, lấy Ta làm chỗ che chở, lấy Ta làm chỗ nương tựa.

11) Ví dụ với cái bình nước không nứt rạn, nhưng chảy nước và thấm nước, này Thôn trưởng, là các nam cư sĩ, nữ cư sĩ của Ta. Ta thuyết pháp cho họ, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa có văn, trình bày đời sống Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn,thanh tịnh. Vì sao? Này Thôn trưởng, vì họ lấy Ta làm ngọn đèn, lấy Ta làm hang ẩn, lấy Ta làm chỗ che chở, lấy Ta làm chỗ nương tựa.

12) Ví dụ với cái bình nước bị nứt rạn, bị chảy nước, bị thấm nước, này Thôn trưởng, là các ngoại đạo Sa-môn, Bà-la-môn, du sĩ. Ta thuyết pháp cho họ, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa có văn, trình bày cho họ biết đời sống Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn, thanh tịnh. Vì sao? Vì rằng, nếu họ chỉ hiểu được một câu, như vậy là họ được hạnh phúc, an lạc lâu dài.

13) Khi được nghe nói vậy, thôn trưởng Asibandhakaputta bạch Thế Tôn:

-- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn!... từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

VIII. Vỏ Ốc (S.iv,317)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Nàlandà, tại rừng Pàvàrikamba.

2) Rồi Thôn trưởng Asibandhakaputta, đệ tử của phái Ni-kiền-tử đi đến Thế Tôn...

3) Thế Tôn nói với thôn trưởng Asiband-hakaputta đang ngồi một bên:

-- Này Thôn trưởng, Nigantha Nàtaputta thuyết pháp như thế nào cho chúng đệ tử?

4) -- Bạch Thế Tôn, Nigantha Nàtaputta thuyết pháp cho chúng đệ tử như sau: "Ai sát hại sanh mạng, tất cả phải sanh vào đọa xứ, địa ngục. Ai lấy của không cho, tất cả phải sanh vào đọa xứ, địa ngục. Ai sống tà hạnh trong các dục, tất cả phải sanh vào đọa xứ, địa ngục. Ai nói láo, tất cả phải sanh vào đọa xứ, địa ngục. Phàm sống tối đa, tối đa như thế nào, chiều hướng ấy sanh thú của họ sẽ như vậy". Như vậy, bạch Thế Tôn, Nigantha Nàtaputta thuyết pháp cho các đệ tử.

-- Phàm sống tối đa, tối đa như thế nào, này Thôn trưởng, chiều hướng ấy sanh thú của họ sẽ như vậy. Nếu sự thật là vậy, thời sẽ không có ai phải sanh vào đọa xứ, địa ngục như lời của Nigantha Nàtaputta.

5) Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng? Có người sát hại sanh mạng, ban đêm hay ban ngày, hay thỉnh thoảng làm. Thời nào là nhiều hơn, thời vị ấy sát hại sanh mạng, hay thời vị ấy không sát hại sanh mạng?

-- Bạch Thế Tôn, có người sát hại sanh mạng, ban đêm hay ban ngày, hay thỉnh thoảng làm. Thời này là ít hơn, là thời vị ấy sát hại sanh mạng. Và thời kia là nhiều hơn, thời vị ấy không sát hại sanh mạng.

-- Phàm sống tối đa, tối đa như thế nào, này Thôn trưởng, chiều hướng ấy sanh thú của vị ấy sẽ như vậy. Nếu sự thật là vậy, thời sẽ không có ai phải sanh vào đọa xứ, địa ngục như lời của Nigantha Nàtaputta.

6) Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng? Có người lấy của không cho, ban đêm hay ban ngày, hay thỉnh thoảng làm. Thời nào là nhiều hơn, thời vị ấy lấy của không cho hay thời vị ấy không lấy của không cho?

-- Bạch Thế Tôn, có người lấy của không cho, ban đêm hay ban ngày, hay thỉnh thoảng làm. Thời này là ít hơn, thời vị ấy lấy của không cho. Và thời kia là nhiều hơn, thời vị ấy không lấy của không cho.

-- Phàm sống tối đa, tối đa như thế nào, này Thôn trưởng, chiều hướng ấy sanh thú của vị ấy sẽ như vậy. Nếu sự thật là vậy, thời sẽ không có ai sanh vào đọa xứ, địa ngục như lời của Nigantha Nàtaputta.

7) Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng? Có người sống theo tà hạnh trong các dục, ban đêm hay ban ngày, hay thỉnh thoảng làm. Thời nào là nhiều hơn, thời vị ấy sống theo tà hạnh trong các dục, hay thời vị ấy không sống theo tà hạnh trong các dục?

-- Bạch Thế Tôn, có người sống theo tà hạnh trong các dục, ban đêm hay ban ngày, hay thỉnh thoảng làm. Thời này là ít hơn, thời vị ấy sống theo tà hạnh trong các dục. Và thời kia là nhiều hơn, thời vị ấy không sống theo tà hạnh trong các dục.

-- Phàm sống tối đa, tối đa như thế nào, này Thôn trưởng, chiều hướng ấy sanh thú của vị ấy sẽ như vậy. Nếu sự thật là vậy, thời không có ai sẽ sanh vào đọa xứ, địa ngục như lời của Nigantha Nàtaputta.

8) Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng? Có người sống nói láo, ban đêm hay ban ngày, hay thỉnh thoảng nói. Thời nào là nhiều hơn, thời vị ấy nói láo, hay thời vị ấy không nói láo?

-- Bạch Thế Tôn, có người nói láo, ban đêm hay ban ngày, hay thỉnh thoảng nói. Thời này là ít hơn, thời vị ấy nói láo. Và thời kia là nhiều hơn, thời vị ấy không nói láo.

-- Phàm sống tối đa, tối đa như thế nào, này Thôn trưởng, chiều hướng ấy sanh thú của vị ấy sẽ như vậy. Nếu sự thật là vậy, thời không ai sẽ sanh vào đọa xứ, địa ngục như lời của Nigantha Nàtaputta.

9) Ở đây, này Thôn trưởng, có vị Đạo sư nói như sau, thấy như sau: "Ai sát hại sanh mạng, tất cả phải sanh vào đọa xứ, địa ngục. Ai lấy của không cho, tất cả phải sanh vào đọa xứ, địa ngục. Ai sống theo tà hạnh trong các dục, tất cả phải sanh vào đọa xứ, địa ngục. Ai nói láo, tất cả phải sanh vào đọa xứ, địa ngục". Này Thôn trưởng, người đệ tử đặt lòng tin tưởng vào vị Đạo sư ấy.

10) Vị ấy suy nghĩ: "Thầy ta nói như sau, thấy như sau: 'Ai sát hại sanh mạng tất cả phải sanh vào đọa xứ, địa ngục'. Nay ta có sát hại một sanh mạng. Như vậy, ta phải sanh vào đọa xứ, địa ngục". Vị ấy chấp trước tà kiến ấy. Này Thôn trưởng, không đoạn tận lời ấy, không đoạn tận tâm ấy, không từ bỏ kiến ấy, vị ấy chắc chắn sẽ rơi vào địa ngục như vậy. " Thầy ta nói như sau, thấy như sau: 'Ai lấy của không cho,tất cả phải sanh vào đọa xứ, địa ngục'. Nay ta có lấy của không cho. Như vậy, ta phải sanh vào đọa xứ, địa ngục" Vị ấy chấp trước tà kiến ấy. Này Thôn trưởng, không đoạn tận lời ấy, không đoạn tận tâm ấy, không từ bỏ kiến ấy, vị ấy chắc chắn rơi vào địa ngục vậy. "Thầy ta nói như sau, thấy như sau: 'Ai sống theo tà hạnh trong các dục, tất cả phải sanh vào đọa xứ, địa ngục'. Nay ta sống theo tà hạnh trong các dục. Như vậy, ta phải sanh vào đọa xứ, địa ngục". Vị ấy chấp trước tà kiến ấy. Này Thôn trưởng, không đoạn tận lời ấy, không đoạn tận tâm ấy, không từ bỏ kiến ấy, vị ấy chắc chắn rơi vào địa ngục như vậy. "Thầy ta nói như sau, thấy như sau: 'Ai nói láo, tất cả phải sanh vào đọa xứ, địa ngục'. Nay ta nói láo. Như vậy, ta phải sanh vào đọa xứ, địa ngục". Vị ấy chấp trước tà kiến ấy. Này Thôn trưởng, không đoạn tận lời ấy, không đoạn tận tâm ấy, không từ bỏ kiến ấy, vị ấy chắc chắn rơi vào địa ngục như vậy.

11) Ở đây, này thôn trưởng, Như Lai sanh ra ở đời, bậc ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn; Như Lai dùng nhiều phương tiện chỉ trích, công kích sát sanh và nói: "Chớ có sát sanh"; chỉ trích, công kích lấy của không cho và nói: "Chớ có lấy của không cho"; chỉ trích, công kích sống theo tà hạnh trong các dục và nói: "Chớ có sống theo tà hạnh trong các dục"; chỉ trích, công kích nói láo và nói: "Chớ có nói láo". Này Thôn trưởng, người đệ tử đặt lòng tin tưởng vào vị Đạo Sư ấy. Vị ấy suy tư như sau:

12) "Thế Tôn dùng nhiều phương tiện chỉ trích, công kích sát sanh và nói: 'Chớ có sát sanh". Nay ta có sát hại như thế này, hay như thế kia. Như vậy là không nên (sutthu), như vậy là không tốt. Và do duyên ấy ta có thể hối hận: 'Ác nghiệp ta làm, nay sẽ không làm nữa'". Người ấy do suy tư như vậy, liền từ bỏ sát sanh. Và trong tương lai, người ấy đình chỉ sát sanh. Như vậy, ác nghiệp ấy được vượt qua.

13) "Thế Tôn dùng nhiều phương tiện chỉ trích, công kích lấy của không cho và nói: 'Chớ có lấy của không cho". Nay ta có lấy của không cho như thế này, hay như thế kia. Như vậy là không nên, như vậy là không tốt. Và do duyên ấy, ta có thể hối hận: 'Ác nghiệp ta làm, nay sẽ không làm nữa'. Người ấy do suy tư như vậy, liền từ bỏ lấy của không cho. Và trong tương lai, người ấy đình chỉ lấy của không cho. Như vậy, ác nghiệp ấy được vượt qua.

14) "Thế Tôn dùng nhiều phương tiện chỉ trích, công kích sống theo tà hạnh trong các dục.."..

15) "Thế Tôn dùng nhiều phương tiện chỉ trích, công kích nói láo.."..

16) Do đoạn tận sát sanh, người ấy trở thành người không sát sanh. Do đoạn tận lấy của không cho, người ấy trở thành người không lấy của không cho. Do đoạn tận sống theo tà hạnh trong các dục, người ấy trở thành người không sống theo tà hạnh trong các dục. Do đoạn tận nói láo, người ấy trở thành người từ bỏ nói láo. Do đoạn tận nói hai lưỡi, người ấy trở thành người từ bỏ nói hai lưỡi. Do đoạn tận nói lời độc ác, người ấy trở thành người từ bỏ nói lời độc ác. Do đoạn tận lời nói phù phiếm, người ấy trở thành người từ bỏ nói lời phù phiếm. Đoạn tận tham, không có tham lam, đoạn tận sân, không có sân tâm, đoạn tận tà kiến, người ấy trở thành người theo chánh kiến. Này Thôn trưởng, vị Thánh đệ tử ấy từ bỏ tham, từ bỏ sân, từ bỏ si, chánh niệm, tỉnh giác, với tâm câu hữu với từ, sống biến mãn một phương. Như vậy, phương thứ hai. Như vậy, phương thứ ba. Như vậy, phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, trên dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại vô biên, không hận, không sân.

17) Ví như, này Thôn trưởng, một người lực sĩ thổi tù và (bằng con ốc), với ít mệt nhọc làm cho bốn phương được biết. Cũng vậy, này Thôn trưởng, tu tập từ tâm giải thoát như vậy, làm cho tăng trưởng như vậy, phàm nghiệp làm có hạn lượng, ở đây, sẽ không còn dư tàn; ở đây, sẽ không còn tồn tại. Này Thôn trưởng, vị Thánh đệ tử ấy, như vậy từ bỏ tham, từ bỏ sân, từ bỏ si, chánh niệm, tỉnh giác, với tâm câu hữu với bi... với tâm câu hữu với hỷ... với tâm câu hữu với xả, sống biến mãn một phương. Như vậy, phương thứ hai. Như vậy, phương thứ ba. Như vậy, phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới trên dưới bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với xả, quảng đại vô biên, không hận, không sân.

18) Ví như, này Thôn trưởng, một người lực sĩ thổi tù và, với ít mệt nhọc làm cho bốn phương được biết. Cũng vậy, này Thôn trưởng, tu tập xả tâm giải thoát như vậy, làm cho tăng trưởng như vậy, phàm nghiệp làm có hạn lượng, ở đây, sẽ không còn dư tàn; ở đây, sẽ không còn tồn tại.

19) Khi được nghe nói vậy, thôn trưởng Asibandhakaputta bạch Thế Tôn:

-- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn!... từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

IX. Gia Tộc (S.iv,322)

1) Một thời Thế Tôn du hành ở giữa dân tộc Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo và đi đến Nàlandà. Tại đây, Thế Tôn trú ở Nàlandà, tại rừng Pàvarikamba.

2) Lúc bấy giờ, Nàlandà đang bị đói kém, khó để lo miệng sống (dviihitikà), xương trắng đầy tràn, lúa chỉ còn cọng rạ (sàlàkàvuttà).

3) Lúc bấy giờ Nigantha Nàtaputta sống ở Nàlandà với đại chúng Nigantha.

4) Rồi Thôn trưởng Asibandhakaputta, đệ tử của Nigantha Nàtaputta, đi đến Nigantha Nàtaputta; sau khi đến đảnh lễ Nigantha Nàtaputta rồi ngồi xuống một bên.

5) Nigantha Nàtaputtta nói với thôn trưởng Asibandhakaputta đang ngồi một bên:

-- Hãy đến, này Thôn trưởng, hãy đến cật vấn Sa-môn Gotama. Như vậy, tiếng đồn tốt đẹp sẽ được lan khắp về Ông: "Sa-môn Gotama, một vị có thần lực như vậy, có uy lực như vậy, đã bị thôn trưởng Asibandhakaputta cật vấn!"

-- Thưa Tôn giả, làm thế nào con có thể cật vấn Sa-môn Gotama, một vị có đại thần lực như vậy, có đại uy lực như vậy?

6) -- Hãy đến, này Thôn trưởng, hãy đến Sa-môn Gotama; sau khi đến nói với Sa-môn Gotama như sau:

"-- Bạch Thế Tôn, có phải Thế Tôn dùng nhiều phương tiện tán thán, thương kính các gia đình, tán thán bảo vệ các gia đình, tán thán từ mẫn với các gia đình"?

Này Thôn trưởng, được hỏi như vậy, nếu Sa-môn Gotama, trả lời như sau:

"-- Đúng như vậy, này Thôn trưởng, Như Lai dùng nhiều phương tiện tán thán, thương kính các gia đình, tán thán sự bảo vệ, tán thán lòng từ mẫn".

Thời ông hỏi Sa-môn Gotama:

"-- Vậy vì sao, bạch Thế Tôn, Thế Tôn cùng đại chúng Tỷ-kheo lại du hành tại Nàlandà đói kém, khó để lo miệng sống, xương trắng đầy tràn, lúa chỉ còn cọng rạ? Như vậy, Thế Tôn thực hành tàn phá các gia đình, thực hành sự bất hạnh cho các gia đình, thực hành sự tổn hại cho các gia đình".

Như vậy, này Thôn trưởng, bị ông hỏi với câu hỏi có hai đầu nhọn, Sa-môn Gotama không có thể nhổ ra, cũng như không có thể nuốt xuống.

7) -- Thưa vâng, Tôn giả.

Thôn trưởng Asibandhakaputta vâng đáp Nigantha Nàtaputta, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Nigantha Nàtaputta, thân phía hữu hướng về người rồi đi đến Thế Tôn; sau khi đến, thôn trưởng đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

8) Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Asiband-hakaputta bạch Thế Tôn:

-- Có phải, bạch Thế Tôn, Thế Tôn dùng nhiều phương tiện tán thán, thương kính các gia đình, tán thán sự bảo vệ, tán thán lòng từ mẫn?

-- Đúng vậy, này Thôn trưởng, Như Lai dùng nhiều phương tiện tán thán, thương kính các gia đình, tán thán sự bảo vệ, tán thán lòng từ mẫn.

-- Vậy vì sao, bạch Thế Tôn, Thế Tôn cùng đại chúng Tỷ-kheo lại du hành tại Nàlandà đói kém, khó để lo miệng sống, xương trắng đầy tràn, lúa chỉ còn cọng rạ? Như vậy, Thế Tôn thực hành tàn phá các gia đình, thực hành bất hạnh cho các gia đình, thực hành tổn hại cho các gia đình.

9) -- Này Thôn trưởng, Ta nhớ từ chín mươi mốt kiếp về trước, Ta không hề biết đã có làm hại một gia đình cho đến một bữa cơm nấu cúng dường. Các gia đình ấy đều rất giàu, tiền của nhiều, tài sản nhiều, vàng bạc nhiều, vật dụng nhiều, ngũ cốc nhiều. Tất cả tài sản ấy được thâu hoạch do bố thí, được thâu hoạch một cách chân thật, được thâu hoạch một cách tự chế.

10) Này Thôn trưởng, có tám nhân, có tám duyên làm tổn hại các gia đình. Do quốc vương, các gia đình đi đến tổn hại. Hay do trộm cướp, các gia đình đi đến tổn hại. Hay do lửa, các gia đình đi đến tổn hại. Hay do nước, các gia đình đi đến tổn hại. Hay họ tìm không được tiền của dấu cất. Hay do biếng nhác, họ bỏ bê công việc. Hay trong gia đình khởi lên kẻ phá hoại gia đình, người ấy phân tán, phá hoại, làm tổn hại (vikirati vidhamati viddhamseti). Và vô thường là thứ tám. Này Thôn trưởng, chính tám nhân, tám duyên này làm tổn hại các gia đình.

11) Này Thôn trưởng, vì rằng tám nhân này, tám duyên này có mặt, có hiện hữu, nếu ai nói về Ta như sau: "Thế Tôn thực hành tàn phá các gia đình, thực hành bất hạnh cho các gia đình, thực hành tổn hại cho các gia đình; thời này Thôn trưởng, nếu người ấy không bỏ lời nói ấy, không bỏ tâm ấy, không từ bỏ kiến ấy, chắc chắn (yathàhatam) người ấy sẽ bị ném vào địa ngục như vậy.

12) Khi được nói vậy, thôn trưởng Asiband-hakaputta bạch Thế Tôn:

-- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn!... từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

X. Manicùlam (Châu báu trên đỉnh đầu) (S.iv,325)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

2) Lúc bấy giờ trong cung vua, quần thần nhà vua đang ngồi tụ họp, câu chuyện sau đây được khởi lên: "Các Sa-môn thuộc dòng Thích tử được phép dùng vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử được giữ vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử được nhận lấy vàng bạc".

3) Lúc bấy giờ, thôn trưởng Manicùlaka đang ngồi trong hội chúng ấy.

4) Rồi thôn trưởng Manicùlaka thưa với hội chúng ấy: "Các Tôn giả chớ có nói như vậy. Các Sa-môn Thích tử không được phép dùng vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử không được giữ vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử không được nhận lấy vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử từ bỏ châu báu và. Họ đã ly khai vàng và bạc". Nhưng thôn trưởng Manicùlaka không có thể làm cho hội chúng ấy chấp nhận.

5) Rồi thôn trưởng Manicùlaka đi đến Thế Tôn; sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

6) Ngồi một bên, thôn trưởng Manicùlaka bạch Thế Tôn:

-- Ở đây, bạch Thế Tôn, trong cung vua, một số quần thần nhà vua đang ngồi tụ họp, và câu chuyện sau đây được khởi lên: "Các Sa-môn Thích tử được phép dùng vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử được giữ vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử được nhận lấy vaụng bạc". Khi được nói vậy, bạch Thế Tôn, con nói với hội chúng ấy: "Các Tôn giả chớ có nói như vậy. Các Sa-môn Thích tử không được phép dùng vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử không được giữ vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử không được nhận lấy vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử từ bỏ châu báu và vàng. Họ đã ly khai vàng và bạc". Nhưng bạch Thế Tôn, con không có thể làm cho hội chúng ấy chấp nhận.

7) Trả lời như vậy, bạch Thế Tôn, không biết con có nói đúng lời Thế Tôn? Con không xuyên tạc Thế Tôn với điều không thật? Con đã trả lời thuận pháp, đúng pháp và không một ai nói lời tương ứng đúng pháp có lý do để chỉ trích?

-- Trả lời như vậy, này Thôn trưởng, Ông nói đúng lời của Ta. Ông không xuyên tạc Ta với điều không thật. Ông đã trả lời thuận pháp, đúng pháp và không một ai nói lời tương ứng đúng pháp có lý do để chỉ trích.

8) Này Thôn trưởng, các Sa-môn Thích tử không được phép dùng vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử không được giữ vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử không được nhận lấy vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử đã từ bỏ châu báuvàng bạc. Họ đã ly khai vàng và bạc. Đối với ai được dùng vàng bạc, người ấy cũng được phép dùng năm dục công đức. Đối với ai được phép dùng năm dục công đức, người ấy hoàn toàn thọ trì phi Sa-môn pháp, phi Thích tử pháp. Này Thôn trưởng, Ta nói như sau: Cỏ được đi tìm cầu bởi ai cần đến cỏ. Củi được đi tìm cầu bởi ai cần đến củi. Cỗ xe được đi tìm cầu bởi ai cần đến cỗ xe. Người được đi tìm cầu bởi ai cần đến người. Nhưng này Thôn trưởng, không bất cứ một lý do gì Ta nói rằng vàng, bạc được chấp nhận, được tìm cầu.

XI. Bhadra (Hiền) hay Bhagandha-Hat- Thaha (S.iv,327)

1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Malla tại Uruvelakappa, một thị trấn của dân chúng Malla.

2) Rồi thôn trưởng Bhadraka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

3) Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Bhadraka bạch Thế Tôn:

-- Lành thay Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết cho con về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ!

-- Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời quá khứ, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy đã xảy ra trong thời quá khứ"; ở đây, Ông sẽ phân vân, sẽ có nghi ngờ. Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời vị lai, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy sẽ xảy ra trong thời tương lai"; ở đây, Ông sẽ có phân vân, sẽ có nghi ngờ. Nhưng nay Ta ngồi chính ở đây, này Thôn trưởng, với Ông cũng ngồi ở đây, Ta sẽ thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ nói.

-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Thôn trưởng Bhadraka vâng đáp Thế Tôn.

4) Thế Tôn nói như sau:

-- Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng, ở tại Uruvelakappa có những người, nếu họ bị giết, hay bị tù, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, Ông có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không?

-- Thưa có, bạch Thế Tôn. Ở tại Uruvelakappa có những người, nếu họ bị giết hay bị tù, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, thì con có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.

5) -- Này Thôn trưởng, ở tại Uruvelakappa này có những người, nếu họ bị giết, hay bị tù, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, nhưng Ông không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não?

-- Thưa có, bạch Thế Tôn, ở tại Uruvelakappa có những người, nếu họ bị giết, hay bị tù, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, nhưng con không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.

-- Do nhân gì, do duyên gì, này Thôn trưởng, đối với một số người ở tại Uruvelakappa, nếu họ bị giết, hay bị bắt, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, thì Ông có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não? Do nhân gì, do duyên gì, này Thôn trưởng, đối với một số người ở Uruvelakappa, nếu họ bị giết, hay bị bắt, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích nhưng Ông không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não?

-- Đối với một số người ở tại Uruvelakappa, bạch Thế Tôn, nếu họ bị giết, hay bị bắt, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, con có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não, là vì con có dục và tham đối với họ. Nhưng đối với một số người ở tại Uruvelakappa, bạch Thế Tôn, nếu họ bị giết, hay bị bắt, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, nhưng con không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não, là vì con không có dục và tham đối với họ.

-- Ông nói: "Con có lòng dục tham đối với họ. Con không có lòng dục tham đối với họ". Này Thôn trưởng, có phải được thấy, được biết, được đạt tới tức thời, được thể nhập nhờ pháp này, Ông uốn nắn phương pháp (naya) theo phương pháp ấy đối với quá khứ, vị lai? Nếu có khổ nào khởi lên trong quá khứ, tất cả khổ ấy khởi lên lấy dục làm căn bản, lấy dục làm sở nhân. Dục là căn bản của khổ. Phàm có khổ nào khởi lên trong tương lai, tất cả khổ ấy khởi lên lấy dục làm căn bản, lấy dục làm sở nhân. Dục là căn bản của khổ.

-- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Thật là khéo nói, lời nói này của Thế Tôn: "Phàm có khổ gì khởi lên, tất cả khổ ấy khởi lên đều lấy dục làm căn bản, lấy dục làm sở nhân. Dục là căn bản của khổ!"

7) Bạch Thế Tôn, con có người con trai tên là Ciravàsii, sống xa ở đây. Khi giờ nó dậy, bạch Thế Tôn, con cử người đi và nói: "Này Ông, hãy đi và hỏi thăm đứa trẻ Ciravàsii". Cho đến khi người ấy trở về, bạch Thế Tôn, con ở trong tình trạng bồn chồn hồi hộp: "Không biết đứa trẻ Ciravàsii có bệnh tật gì không?"

8) -- Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng, nếu đứa trẻ Ciravàsii của Ông bị giết, hay bị bắt, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, Ông có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không?

-- Bạch Thế Tôn, nếu đứa con trai Ciravàsii của con bị giết, hay bị bắt, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, hay sinh mạng bị đổi khác, thời làm sao con không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não được?

-- Với pháp môn này, này Thôn trưởng, cần phải hiểu như sau: Phàm có khổ nào khởi lên, tất cả khổ ấy đều lấy dục làm căn bản, lấy dục làm sở nhân. Dục là căn bản của khổ.

9) Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng, nếu Ông không thấy, không nghe mẹ của Ciravàsi, Ông có lòng dục, lòng tham hay lòng ái đối với mẹ của Ciravàsii không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

-- Nhưng này Thôn trưởng, khi Ông thấy được, này Thôn trưởng, khi Ông nghe được, thời Ông có lòng dục, hay lòng tham, hay lòng ái đối với mẹ của Ciravàsi không?

-- Thưa có, bạch Thế Tôn.

10) -- Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng, nếu mẹ của Ciravàsii bị giết, hay bị bắt, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, thời Ông có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không?

-- Bạch Thế Tôn, nếu mẹ của Ciravàsii bị giết, hay bị bắt, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, hay mạng sống bị đổi khác, thời làm sao con không khởi sầu, bi, khổ, ưu, não được?

-- Với pháp môn này, này Thôn trưởng, cần phải hiểu biết như sau: Phàm có khổ gì khởi lên, tất cả khổ ấy đều lấy dục làm căn bản, lấy dục làm sở nhân. Dục là căn bản của đau khổ.

XII. Ràsiya (S.iv,330)

1) ...

2) Một thời thôn trưởng Ràsiya đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

3) Ngồi một bên, thôn trưởng Ràsiya bạch Thế Tôn:

-- Con có nghe rằng Sa-môn Gotama chỉ trích tất cả khổ hạnh, bài bác, chống báng hoàn toàn mọi người sống khổ hạnh, mọi lối sống khắc khổ. Những người nói như vậy, bạch Thế Tôn, không biết có nói đúng với lời Thế Tôn, không xuyên tạc Thế Tôn với điều không thực, trả lời thuận pháp, đúng pháp, và không một ai nói lời tương ứng đúng pháp có lý do để chỉ trích?

-- Này Thôn trưởng, những ai đã nói như sau: "Sa-môn Gotama chỉ trích tất cả khổ hạnh, bài bác, chống báng hoàn toàn mọi lối sống khắc khổ"; họ nói không đúng lời Ta nói, họ xuyên tạc Ta với điều không thật, với điều không chơn chánh.

I

4) Có hai cực đoan mà người xuất gia không nên thực hành: Một là say đắm dục lạc đối với các dục vọng hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng Thánh hạnh, không liên hệ đến mục đích. Hai là hành hạ tự thân, khổ đau, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích. Từ bỏ hai cực đoan này là con đường trung đạo, đã được Như Lai giác ngộ, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

5) Thế nào là con đường trung đạo ấy, này Thôn trưởng, đã được Như Lai giác ngộ, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn? Đây là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Đây là con đường trung đạo, này Thôn trưởng, được Như Lai giác ngộ, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

II

6) Này Thôn trưởng, có ba hạng người hưởng thọ vật dục có mặt ở trong đời. Thế nào là ba?

II.(i)

7) Ở đây, này Thôn trưởng, có người hưởng thọ vật dục, tìm cầu tài sản phi phápdùng sức mạnh. Sau khi tìm cầu tài sản phi phápdùng sức mạnh, người ấy không tự mình vui sướng, không hoan hỷ, không san sẻ, không làm các công đức.

II.(ii)

8) Ở đây, này Thôn trưởng, có người hưởng thọ vật dục, tìm cầu tài sản phi phápdùng sức mạnh. Sau khi tìm cầu tài sản phi phápdùng sức mạnh, người ấy tự mình vui sướng, hoan hỷ, không san sẻ, không làm các công đức.

II.(iii)

9) Ở đây, này Thôn trưởng, có người hưởng thọ vật dục, tìm cầu tài sản phi phápdùng sức mạnh. Sau khi tìm cầu tài sản phi phápdùng sức mạnh, người ấy tự mình vui sướng, hoan hỷ, san sẻ và làm các công đức.

II.(iv)

10) Ở đây, này Thôn trưởng, có người hưởng thọ vật dục, tìm cầu tài sản hợp phápphi pháp, dùng sức mạnh và không dùng sức mạnh. Sau khi tìm cầu tài sản hợp phápphi pháp, dùng sức mạnh và không dùng sức mạnh, người ấy không tự mình vui sướng, không hoan hỷ, không san sẻ, không làm các công đức.

II.(v)

11) Ở đây, này Thôn trưởng, có người hưởng thọ vật dục, tìm cầu tài sản hợp phápphi pháp, dùng sức mạnh và không dùng sức mạnh. Sau khi tìm cầu tài sản hợp phápphi pháp, dùng sức mạnh và không dùng sức mạnh, người ấy tự mình vui sướng, hoan hỷ, không san sẻ, không làm các công đức.

II.(vi)

12) Ở đây, này Thôn trưởng, có người hưởng thọ vật dục, tìm cầu tài sản hợp phápphi pháp, dùng sức mạnh và không dùng sức mạnh. Sau khi tìm cầu tài sản hợp phápphi pháp, dùng sức mạnh và không dùng sức mạnh, người ấy tự mình vui sướng, hoan hỷ, san sẻ, làm các công đức.

II.(vii)

13) Ở đây, này Thôn trưởng, có người hưởng thọ vật dục, tìm cầu tài sản hợp pháp, không dùng sức mạnh. Sau khi tìm cầu tài sản hợp pháp và không dùng sức mạnh, người ấy không tự mình vui sướng, không hoan hỷ, không san sẻ, không làm các công đức.

II.(viii)

14) Ở đây, này Thôn trưởng, có người hưởng thọ vật dục, tìm cầu tài sản hợp pháp và không dùng sức mạnh. Sau khi tìm cầu tài sản một cách hợp pháp và không dùng sức mạnh, người ấy tự mình vui sướng, hoan hỷ, không san sẻ, không làm các công đức.

II.(ix)

15) Ở đây, này Thôn trưởng, có người hưởng thọ vật dục, tìm cầu tài sản hợp pháp và không dùng sức mạnh. Sau khi tìm cầu tài sản hợp pháp và không dùng sức mạnh, người ấy tự mình vui sướng, hoan hỷ, san sẻ, và làm các công đức. Nhưng người ấy hưởng thọ với tâm tham trước, đắm say, phạm tội, không thấy sự nguy hiểm, không với trí tuệ xuất ly.

II.(x)

16) Ở đây, này Thôn trưởng, có người hưởng thọ vật dục, tìm cầu tài sản hợp pháp và không dùng sức mạnh. Sau khi tìm cầu tài sản hợp pháp và không dùng sức mạnh, người ấy tự mình vui sướng, hoan hỷ, san sẻ và làm các công đức. Nhưng người ấy hưởng thọ với tâm không tham trước, không say đắm, không phạm tội, thấy sự nguy hiểm và với trí huệ xuất ly.

III

III.(i)

17) Ở đây, này Thôn trưởng, có người hưởng thọ vật dục, tìm cầu tài sản phi phápdùng sức mạnh. Sau khi tìm cầu tài sản phi phápdùng sức mạnh, người ấy không tự mình vui sướng, không hoan hỷ, không san sẻ, không làm các công đức. Người hưởng thọ vật dục này, này Thôn trưởng, về ba phương diện bị chỉ trích. Về ba phương diện nào chỉ bị chỉ trích? Người ấy tìm cầu tài sản phi phápdùng sức mạnh, về phương diện thứ nhất này, người ấy bị chỉ trích. Người ấy không vui sướng, không hoan hỷ, về phương diện thứ hai này, người ấy bị chỉ trích. Người ấy không san sẻ, không làm các công đức, về phương diện thứ ba này, người ấy bị chỉ trích.

Này Thôn trưởng, người hưởng thọ vật dục này về ba phương diện bị chỉ trích.

III.(ii)

18) Ở đây, này Thôn trưởng, có người hưởng thọ vật dục, tìm cầu tài sản phi phápdùng sức mạnh. Sau khi tìm cầu tài sản phi phápdùng sức mạnh, người ấy tự mình vui sướng, hoan hỷ, nhưng không san sẻ, không làm các công đức. Người hưởng thọ vật dục này, này Thôn trưởng, về hai phương diện bị chỉ trích, về một phương diện được tán thán. Về hai phương diện gì bị chỉ trích? Người ấy tìm cầu tài sản phi phápdùng sức mạnh, về phương diện thứ nhất này, người ấy bị chỉ trích. Người ấy không san sẻ, không làm các công đức, về phương diện thứ hai này, người ấy bị chỉ trích. Về một phương diện gì người ấy được tán thán? Người ấy tự mình vui sướng, hoan hỷ, về phương diện này, người ấy được tán thán.

Người hưởng thọ vật dục này, này Thôn trưởng, về hai phương diện bị chỉ trích, về một phương diện được tán thán.

III.(iii)

19) Ở đây, này Thôn trưởng, có người hưởng thọ vật dục, tìm cầu tài sản phi phápdùng sức mạnh. Sau khi tìm cầu tài sản phi phápdùng sức mạnh, người ấy tự mình vui vẻ, hoan hỷ, san sẻ và làm các công đức. Người hưởng thọ vật dục này, này Thôn trưởng, về một phương diện bị chỉ trích, về hai phương diện được tán thán. Về một phương diện gì người ấy bị chỉ trích? Người ấy tìm cầu tài sản phi phápdùng sức mạnh, về phương diện này, người ấy bị chỉ trích. Về phương diện gì người ấy được tán thán? Người ấy tự mình vui vẻ, hoan hỷ, về phương diện thứ nhất này, người ấy được tán thán. Người ấy san sẻ và làm các công đức, về phương diện thứ hai này, người ấy được tán thán

Người hưởng thọ vật dục này, này Thôn trưởng, về một phương diện bị chỉ trích, về hai phương diện được tán thán.

III.(iv)

20) Ở đây, này Thôn trưởng, có người hưởng thọ vật dục, tìm cầu tài sản hợp phápphi pháp, dùng sức mạnh và không dùng sức mạnh. Sau khi tìm cầu tài sản hợp phápphi pháp, dùng sức mạnh và không dùng sức mạnh, người ấy không tự mình vui sướng, không hoan hỷ, không san sẻ, không làm các công đức. Người hưởng thọ vật dục này, này Thôn trưởng, về một phương diện được tán thán, về ba phương diện bị chỉ trích. Một phương diện gì được tán thán? Người ấy tìm cầu tài sản một cách hợp pháp và không dùng sức mạnh, về phương diện này, người ấy được tán thán. Về ba phương diện nào người ấy bị chỉ trích? Người ấy tìm cầu tài sản một cách phi phápdùng sức mạnh, về phương diện thứ nhất này, người ấy bị chỉ trích. Người ấy không tự mình vui sướng, không hoan hỷ, về phương diện thứ hai này, người ấy bị chỉ trích. Người ấy không san sẻ, không làm các công đức, về phương diện thứ ba này, người ấy bị chỉ trích

Người hưởng thọ vật dục này, này Thôn trưởng, về một phương diện được tán thán, về ba phương diện bị chỉ trích.

III.(v)

21) Ở đây, này Thôn trưởng, có người hưởng thọ vật dục, tìm cầu tài sản một cách hợp phápphi pháp, dùng sức mạnh và không dùng sức mạnh, tự mình vui sướng, hoan hỷ, nhưng không san sẻ, không làm các công đức. Người hưởng thọ vật dục này, này Thôn trưởng, về hai phương diện được tán thán, về hai phương diện bị chỉ trích. Về hai phương diện nào người ấy được tán thán? Người ấy tìm cầu tài sản hợp pháp và không dùng sức mạnh, về phương diện thứ nhất này, người ấy được tán thán. Người ấy tự mình vui sướng, hoan hỷ, về phương diện thứ hai này, người ấy được tán thán. Về hai phương diện nào người ấy bị chỉ trích? Người ấy tìm cầu tài sản phi phápdùng sức mạnh, về phương diện thứ nhất này, người ấy bị chỉ trích. Người ấy không san sẻ, không làm các công đức, về phương diện thứ hai này, người ấy bị chỉ trích

Người hưởng thọ vật dục này, này Thôn trưởng, về hai phương diện được tán thán, về hai phương diện bị chỉ trích.

III.(vi)

22) Ở đây, này Thôn trưởng, có người hưởng thọ vật dục, tìm cầu tài sản hợp phápphi pháp, dùng sức mạnh và không dùng sức mạnh. Sau khi tìm cầu tài sản hợp phápphi pháp, dùng sức mạnh và không dùng sức mạnh, người ấy tự mình vui sướng, hoan hỷ, san sẻ và làm các công đức. Người hưởng thọ vật dục này, này Thôn trưởng, về ba phương diện được tán thán, về một phương diện bị chỉ trích. Về ba phương diện nào được tán thán? Người ấy tìm cầu tài sản hợp pháp và không dùng sức mạnh, về phương diện thứ nhất này, người ấy được tán thán. Người ấy tự mình vui sướng, hoan hỷ, về phương diện thứ hai này, người ấy được tán thán. Người ấy san sẻ và làm các công đức, về phương diện thứ ba này, người ấy được tán thán. Thế nào là một phương diện người ấy bị chỉ trích? Người ấy tìm cầu tài sản phi phápdùng sức mạnh, về một phương diện này, người ấy bị chỉ trích.

Người hưởng thọ vật dục này, này Thôn trưởng, về ba phương diện được tán thán, về một phương diện bị chỉ trích.

III.(vii)

23) Ở đây, có người hưởng thọ vật dục, này Thôn trưởng, tìm cầu tài sản hợp pháp và không dùng sức mạnh. Sau khi tìm cầu tài sản hợp pháp và không dùng sức mạnh, người ấy không tự mình vui sướng, hoan hỷ, không san sẻ và không làm các công đức. Người hưởng thọ vật dục này, này Thôn trưởng, về một phương diện được tán thán, về hai phương diện bị chỉ trích. Về một phương diện nào được tán thán? Người ấy tìm cầu tài sản hợp pháp và không dùng sức mạnh, về phương diện này, người ấy được tán thán. Về hai phương diện nào người ấy bị chỉ trích? Người ấy không tự mình vui sướng, hoan hỷ, về phương diện thứ nhất này, người ấy bị chỉ trích. Người ấy không san sẻ, không làm các công đức, về phương diện thứ hai này, người ấy bị chỉ trích

Người hưởng thọ vật dục này, này Thôn trưởng, về một phương diện được tán thán, về hai phương diện bị chỉ trích.

III.(viii)

24) Ở đây, có người hưởng thọ vật dục, này Thôn trưởng, tìm cầu tài sản hợp pháp và không dùng sức mạnh. Sau khi tìm cầu tài sản hợp pháp và không dùng sức mạnh, người ấy tự mình vui sướng, hoan hỷ, không san sẻ, không làm các công đức. Người hưởng thọ vật dục này, này Thôn trưởng, về hai phương diện được tán thán, về một phương diện bị chỉ trích. Về hai phương diện nào người ấy được tán thán? Người ấy tìm cầu tài sản hợp pháp và không dùng sức mạnh, về phương diện thứ nhất này, người ấy được tán thán. Người ấy tự mình vui sướng, hoan hỷ, về phương diện thứ hai này, người ấy được tán thán. Về một phương diện nào người ấy bị chỉ trích? Người ấy không san sẻ, không làm các công đức, về phương diện này, người ấy bị chỉ trích

Người hưởng thọ vật dục này, này Thôn trưởng, về hai phương diện được tán thán, về một phương diện bị chỉ trích.

III.(xi)

25) Ở đây, này Thôn trưởng, có người hưởng thọ vật dục, tìm cầu tài sản hợp pháp và không dùng sức mạnh. Sau khi tìm cầu tài sản hợp pháp và không dùng sức mạnh, người ấy tự mình vui sướng, hoan hỷ, san sẻ và làm các công đức. Người hưởng thọ các tài sản một cách tham trước, say đắm, phạm tội, không thấy sự nguy hiểm, với trí tuệ không xuất ly. Người hưởng thọ vật dục này, này Thôn trưởng, về ba phương diện được tán thán, về một phương diện bị chỉ trích. Về ba phương diện nào người ấy được tán thán? Người ấy tìm cầu tài sản hợp pháp và không dùng sức mạnh, về phương diện thứ nhất này, người ấy được tán thán. Người ấy tự mình vui sướng, hoan hỷ, về phương diện thứ hai này, người ấy được tán thán. Người ấy san sẻ và làm các công đức, về phương diện thứ ba này, người ấy được tán thán. Về một phương diện nào người ấy bị chỉ trích? Người hưởng thọ các tài sản ấy với tâm tham trước, say đắm, phạm tội, không thấy sự nguy hiểm, với trí tuệ không xuất ly, về phương diện này, người ấy bị chỉ trích.

Người hưởng thọ vật dục này, này Thôn trưởng, về ba phương diện được tán thán, về một phương diện bị chỉ trích.

III.(x)

26) Ở đây, này Thôn trưởng, có người hưởng thọ vật dục, tìm cầu tài sản hợp pháp và không dùng sức mạnh. Sau khi tìm cầu tài sản hợp pháp và không dùng sức mạnh, người ấy tự mình vui sướng, hoan hỷ, san sẻ và làm các công đức. Người ấy hưởng thọ các tài sản ấy, không có tham trước, không có say đắm, không có phạm tội, thấy sự nguy hiểm và với trí tuệ xuất ly. Người hưởng thọ vật dục này, này Thôn trưởng, về bốn phương diện được tán thán. Về bốn phương diện nào được tán thán? Người ấy tìm cầu tài sản hợp pháp và không dùng sức mạnh, về phương diện thứ nhất này, người ấy được tán thán. Người ấy tự mình vui sướng, hoan hỷ, về phương diện thứ hai này, người ấy được tán thán. Người ấy san sẻ và làm các công đức, về phương diện thứ ba này, người ấy được tán thán. Người ấy hưởng thọ tài sản ấy không có tham trước, không có say đắm, không có phạm tội, về phương diện thứ tư này, người ấy được tán thán.

Người hưởng thọ vật dục này, này Thôn trưởng, về bốn phương diện được tán thán.

IV

IV.(i)

27) Này Thôn trưởng, có ba hạng người tu khổ hạnh, sống khắc khổ, có mặt hiện sống ở đời.

28) Này Thôn trưởng, có hạng người tu khổ hạnh, sống khắc khổ, do lòng tin đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Vị ấy nghĩ rằng: "Mong rằng ta chứng được thiện pháp; mong rằng ta chứng ngộ các Thượng nhân pháp, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh!". Vị ấy tự mình hành xác, hành khổ, nhưng không chứng được thiện pháp nào, không chứng ngộ Thượng nhân pháp, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh nào.

IV.(ii)

29) Ở đây, này Thôn trưởng, có người tu khổ hạnh, sống khắc khổ, vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, nghĩ rằng: "Mong rằng ta chứng được thiện pháp ; mong rằng ta chứng ngộ các Thượng nhân pháp, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh!". Người ấy tự mình hành xác, hành khổ, chứng được thiện pháp, nhưng không chứng ngộ Thượng nhân pháp, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh.

IV.(iii)

30) Ở đây, này Thôn trưởng, có người tu khổ hạnh, sống khắc khổ, vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, nghĩ rằng: "Mong rằng ta chứng được thiện pháp ; mong rằng ta chứng ngộ các Thượng nhân pháp, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh!" Người ấy tự mình hành xác, hành khổ, chứng được thiện pháp, chứng ngộ Thượng nhân pháp, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh. 

V

V.(i)

31) Ở đây, này Thôn trưởng, có người tu khổ hạnh, sống khắc khổ, tự mình hành xác, hành khổ, không chứng được thiện pháp, không chứng ngộ Thượng nhân pháp, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh. Người tu khổ hạnh, sống khắc khổ này, này Thôn trưởng, về ba phương diện bị chỉ trích. Thế nào là về ba phương diện bị chỉ trích? Người ấy tự mình hành xác, hành khổ, về phương diện thứ nhất này, người ấy bị chỉ trích. Người ấy không chứng đắc thiện pháp, về phương diện thứ hai này, người ấy bị chỉ trích. Người ấy không chứng ngộ Thượng nhân pháp, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh, về phương diện thứ ba này, người ấy bị chỉ trích.

Người tu khổ hạnh, sống khắc khổ này, này Thôn trưởng, về ba phương diện này bị chỉ trích.

V.(ii)

32) Ở đây, này Thôn trưởng, có người tu khổ hạnh, sống khắc khổ, tự mình hành xác, hành khổ, chứng được thiện pháp, nhưng không chứng ngộ Thượng nhân pháp, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh. Người tu khổ hạnh, sống khắc khổ này, này Thôn trưởng, về hai phương diện bị chỉ trích, về một phương diện được tán thán. Thế nào là về hai phương diện người ấy bị chỉ trích? Người ấy tự mình hành xác, hành khổ, về phương diện thứ nhất này, người ấy bị chỉ trích. Người ấy không chứng ngộ Thượng nhân pháp, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh, về phương diện thứ hai này, người ấy bị chỉ trích. Thế nào là về một phương diện người ấy được tán thán? Người ấy chứng được thiện pháp, về phương diện này, người ấy được tán thán

Người tu khổ hạnh, sống khắc khổ này, này Thôn trưởng, về hai phương diện bị chỉ trích, về một phương diện được tán thán.

V.(iii)

33) Ở đây, này Thôn trưởng, có người tu khổ hạnh, sống khắc khổ, tự mình hành xác, hành khổ, chứng được thiện pháp, và chứng ngộ Thượng nhân pháp, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh. Người tu khổ hạnh, sống khắc khổ này về một phương diện bị chỉ trích, về hai phương diện được tán thán. Về một phương diện nào bị chỉ trích? Người ấy tự mình hành xác, hành khổ, về phương diện này, người ấy bị chỉ trích. Về hai phương diện nào người ấy được tán thán? Người ấy chứng được thiện pháp, về phương diện thứ nhất này, người ấy được tán thán. Người ấy chứng ngộ Thượng nhân pháp, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh, về phương diện thứ hai này, người ấy được tán thán.

Người tu khổ hạnh, sống khắc khổ này, này Thôn trưởng, về một phương diện bị chỉ trích, về hai phương diện được tán thán.

VI

34) Này Thôn trưởng, có ba pháp thiết thực hiện tại, không có già lão, có hiệu quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người có trí tự mình giác hiểu. Thế nào là ba?

VI.(i)

35) Phàm người tham dục (ràga), do nhân tham dục, nghĩ đến tự hại, nghĩ đến hại người khác, nghĩ đến hại cả hai. Khi tham dục được đoạn tận, người ấy không nghĩ đến tự hại, không nghĩ đến hại người khác, không nghĩ đến hại cả hai. Như vậy, những (quả này) thiết thực hiện tại, không có già lão, có hiệu quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người có trí tự mình giác hiểu.

VI.(ii)

36) Phàm người sân hận, do nhân sân hận, nghĩ đến tự hại, nghĩ đến hại người khác, nghĩ đến hại cả hai. Khi sân hận được đoạn tận, người ấy không nghĩ đến tự hại, không nghĩ đến hại người khác, không nghĩ đến hại cả hai. Như vậy, những (quả này) thiết thực hiện tại, không có già lão, có hiệu quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người có trí tự mình giác hiểu.

VI.(iii)

37) Phàm người si mê, do nhân si mê, nghĩ đến tự hại, nghĩ đến hại người khác, nghĩ đến hại cả hai. Khi si mê được đoạn tận, vị ấy không nghĩ đến tự hại, không nghĩ đến hại người khác, không nghĩ đến hại cả hai. Như vậy, những (quả này) thiết thực hiện tại, không có già lão, có hiệu quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.

Ba pháp này, này Thôn trưởng, thiết thực hiện tại, không có già lão, có hiệu quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.

38) Khi được nghe nói vậy, thôn trưởng Ràsiya bạch Thế Tôn:

-- Thật là vi diệu, bạch Thế Tôn!... từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!

XIII. Pàtali (Khả ý) (S.iv,340)

1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Koliya, tại thị trấn của dân chúng Koliya tên là Uttara.

2) Rồi thôn trưởng Pàtaliya đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

Ngồi một bên, thôn trưởng Pàtaliya bạch Thế Tôn:

-- Con được nghe rằng, bạch Thế Tôn, Sa-môn Gotama biết huyễn thuật. Bạch Thế Tôn, những ai nói rằng Sa-môn Gotama biết huyễn thuật; những người ấy, bạch Thế Tôn, có nói đúng với lời Thế Tôn hay không? Họ không xuyên tạc Thế Tôn với điều không thật, họ trả lời đúng pháp, tùy pháp? Và những ai nói lời tương ứng đúng pháp khônglý do gì để chỉ trích. Bạch Thế Tôn, chúng con không muốn chống báng Thế Tôn (abbhakkhàti).

3) -- Những ai nói rằng, này Thôn trưởng, Sa-môn Gotama biết huyễn thuật, những người ấy nói đúng lời nói của Ta. Họ không xuyên tạc Ta với điều không thật. Họ nói lời đúng pháp, tùy pháp. Và những ai nói lời tương ứng đúng pháp khônglý do để chỉ trích.

4) -- Như vậy là đúng sự thật, bạch Thế Tôn tuy rằng con không tin các vị Sa-môn, Bà-La-Môn ấy, nói rằng Sa-môn Gotama biết huyễn thuật. Như vậy, bạch Thế Tôn, cuối cùng Sa-môn Gotama là người sống theo huyễn thuật.

-- Ai nói rằng: "Như Lai biết huyễn thuật", người ấy có nói rằng Như Lai là người sống theo huyễn thuật, nói rằng như vậy là Thế Tôn, như vậy là Thiện Thệ? Vậy này Thôn trưởng, về vấn đề này Ta sẽ hỏi Ông. Nếu có thể kham nhẫn, Ông có thể trả lời.

I

I.(i)

5)-- Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng? Ông có biết, này Thôn trưởng, các người làm thuê của dân chúng Kosala có búi tóc thòng xuống?

-- Con có biết, bạch Thế Tôn, các người làm thuê của dân chúng Kosala có búi tóc thòng xuống.

6) -- Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng? Dùng vào mục đích gì mà những người làm thuê của dân chúng Kosala có búi tóc thòng xuống?

-- Những người làm thuê có búi tóc thòng xuống của dân chúng Kosala được dùng để chế ngự các người ăn trộm và để mang đi các tin tức cho dân chúng Kosala. Được dùng vào mục đích ấy, bạch Thế Tôn, là những người làm thuê có búi tóc thòng xuống của dân chúng Kosala.

7) -- Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng? Ông có biết những người làm thuê có búi tóc thòng xuống của dân chúng Kosala là những người trì giới hay là những người ác giới?

-- Con được biết, bạch Thế Tôn, những người làm thuê có búi tóc thòng xuống của dân chúng Kosala là những người ác giới, theo ác pháp. Nếu có những người theo ác giới, theo ác pháp ở đời, chính là những người làm thuê có búi tóc thòng xuống của dân chúng Kosala, không có ai khác.

8) -- Này Thôn trưởng, nếu có ai nói rằng: "Thôn trưởng Pàlaliya biết được các người làm thuê có búi tóc thòng xuống của dân chúng Kosala là người ác giới, theo ác pháp, thời thôn trưởng Pàtaliya cũng là người theo ác giới, theo ác pháp", người nói như vậy có nói một cách chân chánh không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn. Những người làm thuê có búi tóc thòng xuống của các dân chúng Kosala là khác. Còn con là khác. Tự tánh của những người làm thuê có búi tóc thòng xuống của dân chúng Kosala là khác. Tự tánh của con là khác.

9) -- Này Thôn trưởng, Ông sẽ được tiếng như sau: "Thôn trưởng Pataliya biết rằng, các người làm thuê có búi tóc thòng xuống của dân chúng Kosala là những người ác giới, theo ác pháp. Nhưng thôn trưởng Pataliya không phải là người có ác giới, theo ác pháp". Như vậy, tại sao Như Lai lại không được tiếng rằng Như Lai là người biết huyễn thuật, nhưng Như Lai không phải là người sống theo huyễn thuật? Này Thôn trưởng, Ta rõ biết huyễn thuật và quả dị thục của huyễn thuật. Và thực hành như thế nào mà một người làm huyễn thuật, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Ta rõ biết như vậy.

II.(ii)

10) Này Thôn trưởng, Ta rõ biết sát sanh và quả dị thục của sát sanh. Và Ta cũng rõ biết sự thực hành như thế nào mà một người sát sanh, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

11) Này Thôn trưởng, Ta rõ biết lấy của không cho và quả dị thục của lấy của không cho. Ta cũng rõ biết sự thực hành như thế nào mà một người lấy của không cho, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

12) Này Thôn trưởng, Ta rõ biết sự sống tà hạnh trong các dục và quả dị thục của sự sống theo tà hạnh trong các dục. Và Ta cũng rõ biết sự thực hành như thế nào mà một người sống tà hạnh trong các dục, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

13) Này Thôn trưởng, Ta rõ biết nói láo và quả dị thục của nói láo. Và Ta cũng rõ biết sự thực hành như thế nào mà một người nói láo, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

14) Này Thôn trưởng, Ta rõ biết nói hai lưỡi và quả dị thục của nói hai lưỡi. Và Ta cũng rõ biết sự thực hành như thế nào mà một người nói hai lưỡi sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

15) Này Thôn trưởng, Ta rõ biết nói lời độc ác và quả dị thục của nói lời độc ác. Và Ta cũng rõ biết sự thực hành như thế nào mà một người nói lời độc ác, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

16) Này Thôn trưởng, Ta rõ biết nói lời phù phiếm và quả dị thục của nói lời phù phiếm. Và Ta cũng rõ biết sự thực hành như thế nào mà một người nói lời phù phiếm, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

17) Này Thôn trưởng, Ta rõ biết lòng tham dục và quả dị thục của lòng tham dục. Và Ta cũng rõ biết sự thực hành như thế nào mà một người có lòng tham dục, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

18) Này Thôn trưởng, Ta rõ biết lòng sân hận và quả dị thục của lòng sân hận. Và Ta cũng rõ biết sự thực hành như thế nào mà một người có lòng sân hận, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, đọa ngục.

19) Này Thôn trưởng, Ta rõ biết tà kiến và quả dị thục của tà kiến. Và Ta cũng rõ biết một người có tà kiến, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

20) Này Thôn trưởng, có một số Sa-môn, Bà-la-môn nói như sau, thấy như sau: "Ai sát hại sanh mạng; tất cả, ngay trong hiện tại, cảm thọ khổ ưu. Ai lấy của không cho; tất cả, ngay trong hiện tại, cảm thọ khổ ưu. Ai sống tà hạnh trong các dục; tất cả, ngay trong hiện tại, cảm thọ khổ ưu. Ai nói láo; tất cả, ngay trong hiện tại, cảm thọ khổ ưu".

II.(i)

21) Nhưng này Thôn trưởng, ở đây, chúng ta thấy có người đeo vòng hoa, đeo bông tai, khéo tắm, khéo thoa dầu sáp, tóc râu chải chuốt, được các nữ nhân phục vụ các dục chẳng khác vị vua. Về người này, họ hỏi: 

-- "Này Bạn, người này đã làm gì mà được đeo vòng hoa, đeo bông tai, được khéo tắm, tóc râu chải chuốt, được nữ nhân phục vụ các dục chẳng khác vị vua?"

Các Ông trả lời về người ấy như sau:

-- "Này Bạn, người này đã đập tan kẻ thù nghịch của vua và đoạt mạng sống của kẻ đó. Nhà vua hoan hỷ đối với người ấy, nên đã thưởng cho người ấy. Do vậy, người này được đeo vòng hoa, được đeo bông tai, được khéo tắm, râu tóc chải chuốt, được các nữ nhân phục vụ các dục chẳng khác vị vua".

II.(ii)

22) Nhưng này Thôn trưởng, ở đây, chúng ta thấy có người hai tay bị trói chặt ra đằng sau bởi một sợi dây thật chắc, đầu cạo trọc, với tiếng trống chát tai, được dẫn đi từ đường này qua đường khác, từ ngã tư đường này qua ngã tư đường khác, rồi được dắt ra khỏi cửa thành phía Nam, và bị chặt đầu tại cửa thành phía Nam. Về người này, họ hỏi:

"-- Này Bạn, người này đã làm gì mà hai tay bị trói chặt ra đằng sau bởi một sợi dây thật chắc, đầu cạo trọc, với tiếng trống chát tai, được dẫn đi từ đường này qua đường khác, từ ngã tư đường này qua ngã tư đường khác, rồi được dắt ra khỏi cửa thành phía Nam, và bị chặt đầu tại cửa thành phía Nam?"

Các Ông trả lời về người ấy như sau:

"-- Này Bạn, người này là kẻ thù của vua. Người này đã đoạt mạng sống một người đàn bà hay một người đàn ông. Do vậy, người của vua bắt người này và đối xử như vậy với người này".

23) Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng? Ông có bao giờ thấy hay nghe một người như vậy chăng? 

-- Bạch Thế Tôn, con từng thấy và nghe một người như vậy, và sẽ được nghe trong tương lai.

24) -- Ở đây, này Thôn trưởng, những người Sa-môn hay Bà-la-môn nào nói như sau: "Ai sát hại sanh mạng; tất cả, ngay trong hiện tại, cảm thọ khổ ưu". Họ nói đúng sự thật hay nói láo?

-- Bạch Thế Tôn, họ nói láo.

-- Và những người nói lời hư ngụy, nói láo, họ là người trì giới hay ác giới.

-- Là người ác giới, bạch Thế Tôn.

-- Những người ác giới, theo ác pháptà hạnh hay chánh hạnh?

-- Là tà hạnh, bạch Thế Tôn.

-- Những người tà hạnh là những người có tà kiến hay có chánh kiến?

-- Là những người có tà kiến, bạch Thế Tôn.

-- Và những người có tà kiến, có hợp lý chăng khi đặt tin tưởng vào họ?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

II.(iii)

25) -- Nhưng này Thôn trưởng, ở đây, chúng ta thấy có người đeo vòng hoa, đeo bông tai... được các nữ nhân phục vụ các dục chẳng khác vị vua. Về người này, họ hỏi: 

"-- Người này đã làm gì mà được đeo vòng hoa, đeo bông tai... được các nữ nhân phục vụ các dục chẳng khác vị vua?"

Các Ông trả lời về người ấy như sau:

"--Này Bạn, người này đã đập tan kẻ thù nghịch của vua và đem về châu báu. Nhà vua hoan hỷ với người ấy nên đã thưởng người ấy. Do vậy, người này được đeo vòng hoa, được đeo bông tai... được các nữ nhân phục vụ các dục chẳng khác vị vua".

II.(iv)

26) Nhưng này Thôn trưởng, ở đây, chúng ta thấy có người hai tay bị trói chặt ra đằng sau... và bị chặt đầu tại cửa thành phía Nam. Về người này, họ hỏi:

"-- Này Bạn, người này đã làm gì mà hai tay bị trói chặt ra đằng sau... tại cửa thành phía Nam?"

Các Ông trả lời về người ấy như sau:

"-- Này Bạn, người này đã từ làng hay từ ngôi rừng lấy những vật không cho, được gọi là ăn trộm. Do vậy, những người của nhà vua bắt người này và đối xử như vậy với người này".

27) Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng? Ông có bao giờ thấy hay nghe một người như vậy chăng?

-- Bạch Thế Tôn, con từng thấy và nghe một người như vậy, và sẽ được nghe trong tương lai.

28)-- Ở đây, này Thôn trưởng, những người Sa-môn, hay Bà-la-môn nào nói như vậy, thấy như sau: "Ai lấy của không cho; tất cả, ngay trong hiện tại, cảm thọ khổ ưu". Họ nói đúng sự thật hay họ nói láo?... (như trên số 24)... Và những người có tà kiến, có hợp lý chăng khi đặt tin tưởng vào họ?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

II.(v)

29) -- Nhưng này Thôn trưởng, ở đây, chúng ta thấy có người đeo vòng hoa, đeo bông tai... được các nữ nhân phục vụ các dục chẳng khác vị vua. Về người này, họ nói:

-- "Người này đã làm gì mà được đeo vòng hoa, đeo bông tai... được các nữ nhân phục vụ các dục chẳng khác vị vua?"

Các Ông trả lời về người ấy như sau:

--"Này Bạn, người này có tà hạnh với những người vợ của kẻ thù nghịch của vua. Nhà vua hoan hỷ với người ấy nên đã thưởng người ấy. Do vậy, người ấy được đeo vòng hoa, được đeo bông tai... được các nữ nhân phục vụ các dục chẳng khác vị vua".

II.(vi)

30)-- Nhưng này Thôn trưởng, ở đây, chúng ta thấy có người hai tay bị trói chặt... và bị chặt đầu tại cửa thành phía Nam. Về người này, họ nói:

--"Này Bạn, người này đã làm gì mà hai tay bị trói chặt ra đằng sau... tại cửa thành phía Nam?"

Các Ông trả lời về người ấy như sau:

--"Này Bạn, người ấy đã phạm tà hạnh với các phụ nữ và các con gái các gia đình. Do vậy, các người của nhà vua bắt người ấy và đối xử như vậy với người ấy".

31) Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng? Ông có bao giờ thấy hay nghe một người như vậy chăng?

-- Bạch Thế Tôn, con từng thấy và nghe một người như vậy, và sẽ được nghe trong tương lai.

32) -- Ở đây, này Thôn trưởng, những người Sa-môn, Bà-la-môn nào nói như sau, thấy như sau: "Ai có tà hạnh trong các dục; tất cả, ngay trong hiện tại, cảm thọ khổ ưu" Họ nói đúng sự thật hay họ nói láo?... (như trên số 24)... Và những người có tà kiến, có hợp lý chăng khi đặt tin tưởng vào họ?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

33) -- Nhưng ở đây, này Thôn trưởng, chúng ta thấy có người đeo vòng hoa, đeo bông tai... được các nữ nhân phục vụ các dục chẳng khác vị vua. Về người ấy, họ nỏi:

--"Người này đã làm gì mà được đeo vòng hoa, đeo bông tai... được các nữ nhân phục vụ các dục chẳng khác vị vua?"

Các Ông trả lời về người ấy như sau:

--"Này Bạn, người này làm cho vua cười với lời nói láo. Nhà vua hoan hỷ với người ấy nên đã thưởng người ấy. Do vậy, người ấy được đeo vòng hoa, được đeo bông tai... được các nữ nhân phục vụ các dục chẳng khác vị vua".

II.(viii)

34) -- Nhưng này Thôn trưởng, ở đây, chúng ta thấy có người hai tay bị trói chặt... và bị chặt đầu tại cửa thành phía Nam. Về người này, họ hỏi:

--"Này Bạn, người này đã làm gì mà hai tay bị trói chặt ra đàng sau... tại cửa thành phía Nam?"

Các Ông trả lời về người ấy như sau:

--"Này Bạn, người ấy do nói láo, đã phá hại tài sản của người gia chủ hay con của người gia chủ. Do vậy, các người của nhà vua bắt người ấy và đối xử như vậy với người ấy".

35) Này Thôn trưởng, Ông nghĩ thế nào? Ông có bao giờ thấy hay nghe một người như vậy chăng?

-- Bạch Thế Tôn, con từng thấy và nghe một người như vậy, và sẽ được nghe trong tương lai.

36) Ở đây, này Thôn trưởng, những Sa-môn, Bà-la-môn nào nói như sau, thấy như sau: "Ai nói láo; tất cả, ngay trong hiện tại, cảm thọ khổ ưu". Họ nói đúng sự thật hay nói láo... (như trên số 24)... Và những người có tà kiến, có hợp lý chăng khi đặt tin tưởng vào họ?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

III

37) Thật là vi diệu, bạch Thế Tôn! Thật là hy hữu, bạch Thế Tôn! Con có một ngôi nhà nghỉ mát, tại đấy có những giường, có những chỗ ngồi, có những đèn dầu. Có vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào đến trú ngụ tại đấy, tùy theo khả năng, tùy theo sức lực, con chia sẻ với các vị ấy. Thuở trước, bạch Thế Tôn, có bốn vị Đạo sư có quan điểm khác nhau, có (kham nhẫn) khác nhau, có sở thích khác nhau đến trú ngụ tại ngôi nhà nghĩ mát ấy.

III.(i)

38) Một vị Đạo sư nói như sau, thấy như sau: "Không có bố thí, không có lễ hy sinh, không có tế tự, không có quả dị thục các nghiệp thiện ác, không có đời này, không có đời sau, không có cha, không có mẹ, không có loại hóa sanh ; ở đời, không có những vị Sa-môn, những vị Bà-la-môn chánh hướng chánh hạnh, đã tự mình chứng tri, chứng ngộ đời này đời khác, và truyền dạy lại".

III.(ii)

39) Một vị Đạo sư nói như sau, thấy như sau: "Có bố thí, có lễ hy sinh, có tế tự, có quả dị thục các nghiệp thiện ác, có đời này, có đời sau, có cha, có mẹ, có loại hóa sanh ; ở đời, có những vị Sa-môn, Bà-la-môn chánh hướng, chánh hạnh, đã tự mình chứng tri, chứng ngộ đời này đời khác, và truyền dạy lại".

III.(iii)

40) Một vị Đạo sư nói như sau, thấy như sau: "Tự làm, hay khiến người làm, chém giết, hay tự mình chém giết, đốt nấu, hay khiến người đốt nấu, gây phiền muộn, hay khiến người gây phiền muộn, gây ảo não, hay khiến người gây ảo não, tự mình gây sợ hãi, hay khiến người gây sợ hãi, sát sanh, lấy của không cho, phá cửa nhà mà vào, cướp bóc, đánh cướp một nhà lẻ loi, chận đường cướp giựt, tư thông vợ người, nói láo. Do duyên như vậy, không có tội ác, không có đi đến tội ác. Nếu lấy một bánh xe sắc bén, giết hại tất cả chúng sanh trên cõi đất thành một đống thịt, thành một chồng thịt; do duyên ấy, cũng không có tội ác, không đi đến tội ác. Nếu có người đi trên bờ phía Nam sông Hằng giết hại, tàn sát, chém giết, khiến người chém giết, đốt nấu, khiến người đốt nấu; do duyên ấy cũng không có tội ác, không đi đến tội ác. Nếu có người đi trên bờ phía Bắc sông Hằng bố thí, khiến người bố thí, tế lễ, khiến người tế lễ; do duyên ấy, không có công đức, không đi đến công đức".

III.(iv)

41) Một vị Đạo sư nói như sau, thấy như sau: "Tự mình làm hay khiến người làm, chém giết, hay tự mình chém giết, đốt nấu, hay khiến người đốt nấu, gây phiền muộn, hay khiến người gây phiền muộn, gây ảo não, hay khiến người gây ảo não, tự mình gây sợ hãi, hay khiến người gây sợ hãi, sát sanh, lấy của không cho, phá cửa nhà mà vào, cướp bóc, đánh cướp một nhà lẻ loi, chận đường cướp giựt, tư thông vợ người, nói láo. Hành động như vậy có tội ác, có đi đến tội ác. Nếu lấy một bánh xe sắc bén, giết hại tất cả chúng sanh trên cõi đất thành một đống thịt, thành một chồng thịt; vì vậytội ác, có đi đến tội ác. Nếu có người đi đến bờ phía Nam sông Hằng giết hại, tàn sát, chém giết, khiến người chém giết, đốt nấu, khiến người đốt nấu, có tội ác; do duyên như vậy, có đi đến tội ác. Nếu có người đi trên bờ phía Bắc sông Hằng bố thí, khiến người bố thí, tế lễ, khiến người tế lễ; do duyên như vậy, có công đức, có đi đến công đức".

III.(v)

42) -- Về vấn đề này, bạch Thế Tôn, con có phân vân, con có nghi ngờ. Giữa những Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn này ; ai là người nói sự thật, ai là người nói láo?

-- Thôi vừa rồi, này Thôn trưởng, là sự phân vân của Ông. Thôi vừa rồi, là sự nghi ngờ của Ông. Chính do ở điểm phân vân mà nghi ngờ khởi lên.

-- Bạch Thế Tôn, nhưng con có lòng tín thành như vậy đối với Thế Tôn. Thế Tôn có thể thuyết pháp cho con để sự phân vân này có thể đoạn diệt.

IV

43)-- Này Thôn trưởng, có pháp Thiền định (Dhammasamàdhi). Ở đây, nếu Ông chứng được tâm định (cittasamàdhi), thời Ông có thể đoạn diệt sự phân vân này của Ông. Và này Thôn trưởng, thế nào là pháp Thiền định? 

IV.(i)

44) Ở đây, này Thôn trưởng, vị Thánh đệ tử sau khi đoạn tận sát sanh, sống từ bỏ sát sanh. Sau khi đoạn tận lấy của không cho, vị ấy sống từ bỏ lấy của không cho. Sau khi đoạn tận tà hạnh trong các dục, vị ấy sống từ bỏ tà hạnh trong các dục. Sau khi đoạn tận nói láo, vị ấy sống từ bỏ nói láo. Sau khi đoạn tận nói hai lưỡi, vị ấy sống từ bỏ nói hai lưỡi. Sau khi đoạn tận nói lời độc ác, vị ấy sống từ bỏ nói lời độc ác. Sau khi đoạn tận nói lời phù phiếm, vị ấy sống từ bỏ nói lời phù phiếm. Sau khi đoạn tận tham dục, vị ấy sống từ bỏ lòng tham. Sau khi đoạn tận lòng sân, vị ấy sống từ bỏ lòng sân. Sau khi từ bỏ tà kiến, vị ấy sống theo chánh kiến.

Vị Thánh đệ tử ấy, này Thôn trưởng, với lòng tham từ bỏ như vậy, với lòng sân từ bỏ như vậy, không có lòng si, tỉnh giác, chánh niệm, sống biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ; cũng vậy, phương từ hai; cũng vậy, phương thứ ba; cũng vậy, phương thứ tư; như vậy, cùng khắp thế giới, trên dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ cùng khắp vô biên giới. Vị ấy an trú với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Vị ấy suy tư như sau: "Vị Đạo sư nói như sau, thấy như sau: 'Không có bố thí, không có lễ hy sinh, không có tế tự, không có quả dị thục các nghiệp thiện ác, không có đời này, không có đời sau, không có cha, không có mẹ, không có loại hóa sanh. Ở đời không có những vị Sa-môn, Bà-la-môn chánh hướng, chánh hạnh, đã tự mình chứng tri, chứng ngộ đời này, đời khác, và truyền dạy lại". Nếu vị Tôn giả Đạo sư này nói đúng sự thật, ta cũng không có tội lỗi gì. Vì ta không có hại một ai, kẻ yếu hay kẻ mạnh, ở đây cả hai phương diện, ta là kẻ gieo quẻ gặp may. Thân ta được hộ trì, lời nói được hộ trì, ý được hộ trì. Và sau khi thân hoại mạng chung, ta sẽ được sanh thiện thú, Thiên giới, cõi đời này". Với vị ấy, hân hoan sanh khởi; do hân hoan, hỷ sanh khởi; do hỷ, thân được khinh an; do thân khinh an, lạc thọ được cảm giác; với người cảm giác lạc thọ, tâm được định tĩnh. Này Thôn trưởng, đây là pháp Thiền định. Ở đây, nếu Ông được tâm định như vậy, sự phân vân của Ông được đoạn diệt.

IV.(ii)

45) Vị Thánh đệ tử ấy, này Thôn trưởng, với lòng tham được từ bỏ như vậy, với lòng sân được từ bỏ như vậy, không có lòng si, sống tỉnh giác, chánh niệm, biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ; cũng vậy, phương thứ hai; cũng vậy, phương thứ ba; cũng vậy, phương thứ tư; như vậy, cùng khắp thế giới, trên dưới bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới. Vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại vô biên, không hận, không sân. Vị ấy suy tư như sau: "Vị Đạo sư nói như sau, thấy như sau: 'Có bố thí, có lễ hy sinh, có tế tự, có quả dị thục các nghiệp thiện ác, có đời này, có đời sau, có cha, có mẹ, có các loại hóa sanh. Ở đời, có những vị Sa-môn, Bà-la-môn chánh hướng, chánh hạnh, đã tự mình chứng tri, chứng ngộ đời này, đời khác và truyền dạy lại". Nếu vị Tôn giả Đạo sư này nói đúng sự thật, ta cũng không có tội lỗi gì, vì ta không hại một ai, kẻ yếu hay kẻ mạnh. Ở đây, cả hai phương diện, ta là kẻ gieo quẻ gặp may. Thân ta được hộ trì. Lời nói ta được hộ trì. Ý ta được hộ trì. Và sau khi thân hoại mạng chung, ta sẽ được sanh thiện thú, Thiên giới, cõi đời này". Với vị ấy hân hoan sanh khởi... (như trên, số 44)... như vậy, sự phân vân của Ông được đoạn diệt.

IV.(iii)

46) Vị Thánh đệ tử, này Thôn trưởng, với lòng tham được từ bỏ như vậy... biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ... không hận, không sân. Vị ấy suy tư như sau: "Vị Đạo sư nói như sau, thấy như sau: 'Tự làm hay khiến người làm... (như trên, số 40)... hành động như vậy không có tội ác gì'. Nếu vị Tôn giả Đạo sư này nói đúng sự thật, ta cũng không có tội lỗi gì..". (như trên, số 44)... như vậy, sự phân vân của Ông được đoạn diệt.

IV.(iv)

47) Vị Thánh đệ tử, này Thôn trưởng, với lòng tham được từ bỏ như vậy... biến mãn một phương tâm câu hữu với từ... không hận, không sân. Vị ấy suy tư như sau: "Vị Đạo sư nói như sau, thấy như sau: 'Tự làm hay khiến người khác làm... (như trên, số 41)... do duyên ấy, có tội ác, có đi đến tội ác... do nhân duyên ấy, có công đức, có đi đến công đức". Nếu Tôn giả Đạo sư này nói đúng sự thật, ta cũng không có tội lỗi gì..". (như trên, số 44)... như vậy, sự phân vân của Ông được đoạn diệt.

V

V.(i)

48) Vị Thánh đệ tử, này Thôn trưởng... (hoàn toàn giống như đoạn (i) số 44, chỉ khác, trước là tâm câu hữu với từ, nay là tâm câu hữu với bi. .. tâm câu hữu với hỷ. .. tâm câu hữu với xa).

V.(ii)

49)... (giống như đoạn (ii) số 45, chỉ khác, đây với tâm câu hữu với bi. .. câu hữu với hỷ... tâm câu hữu với xả).

V.(iii)

50)... (giống như đoạn (iii) số 46, chỉ khác, đây với tâm câu hữu với bi... câu hữu với hỷ... câu hữu với xả).

V.(iv)

51)... (giống như đoạn (iv) số 47, chỉ khác, ở đây với tâm câu hữu với bi... câu hữu với hỷ... câu hữu với xả).

52) Khi được nói vậy, thôn trưởng Pàtaliya bạch Thế Tôn:

-- Thật là vi diệu, bạch Thế Tôn, thật là vi diệu, bạch Thế Tôn!... Từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
10/08/2011(Xem: 45418)
18/04/2016(Xem: 27124)
02/04/2016(Xem: 10194)
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :
Một hình chụp văn bản lan truyền qua mạng xã hội hôm 12 Tháng Tám được cho là thư thông báo rời bỏ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (giáo hội quốc doanh) của Thượng Tọa Thích Minh Đạo, trụ trì tu viện Minh Đạo ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Từ chuyện xuất hiện của sư Minh Tuệ, nếu Phật giáo và một số cá nhân tu sỹ không có những sai lầm do chủ quan thiếu khiêm tốn trong quyền lực, phát ngôn ỷ thị và hành chánh thiếu cẩn trọng, vô tình đẩy sự kiện sư Minh Tuệ lên cao trào trong khi quần chúng dành sự ngưỡng mộ một tu sỹ khổ hạnh không thuộc Giáo hội Phật giáo, và lại thêm một hình ảnh như chiếc bóng thứ hai của sư Minh Tuệ là sư Minh Đạo tiếp nối lòng tôn kính của người dân có đủ mọi thành phần sau khi sư Minh Tuệ bị khiển trách rồi ẩn tu. Còn Chân Quang không thọ cụ túc chính thức một giới đàn nào, bằng cấp ba, bằng Tiến sỹ còn giả thì điệp đàn thọ giới chả là gì đối với người thiếu minh bạch. Hiện nay Chân Quang có hai bản lý lịch khác nhau và Điệp đàn thọ giới cũng không giống nhau đã bị cộng đồng mạng phanh phui.