QUI SƠN CẢNH
SÁCH
Thiền Sư Linh Hựu
Hòa Thượng Thích Thanh Từ Việt dịch
Phần 4
Chánh Văn:
“Phật tiên chế luật khởi
sáng phát mông. Quỹ tắc oai nghi tịnh như băng tuyết. Chỉ trì tác phạm thúc
liễm sơ tâm, vi tế điều chương cách chư ổi tệ. Tỳ ni pháp tịch tằng vị thao
bồi, liễu nghĩa thượng thừa khởi năng chân biệt. Khả tích nhất sanh không quá,
hậu hối nan truy. Giáo lý vị thường thố hoài, huyền đạo vô nhân khế ngộ”.
Dịch:
Phật trước tiên chế luật để mở
mang hạng sơ cơ. Phép tắc oai nghi sạch như băng tuyết. “ Chỉ trì tác phạm” để kềm
thúc kẻ sơ tâm, điều luật chi li để cải sửa những điều dở tệ. Trường giới luật
chưa từng học hỏi thì liễu nghĩa thượng thừa làm sao lãnh hội? Đáng tiếc, một đời
luống qua, sau rồi ăn năn đâu kịp. Giáo lý chưa từng để lòng, đạo huyền nhân
đâu khế ngộ?
Giảng:
“Phật tiên chế luật khởi sáng
phát mông”. Tổ dạy chúng ta muốn tu học đúng tư cách người tu phải đầy đủ ba
môn học: Giới, định, huệ. Trước, Phật chế luật để mở mang chỉ bày cho kẻ sơ cơ
(mông, là kẻ đồng mông, tức sơ cơ).
“Quỹ tắc oai nghi
tịnh như băng tuyết”. Chúng ta mới thọ giới thì bao nhiêu oai nghi giới luật
Phật chế ra phải cố giữ gìn đúng đắn, trong sạch như băng tuyết.
“Chỉtrì tác phạm
thúc liễm sơ tâm”. Thế nào là chỉ trì, tác phạm? Chỉ là trì, là gìn giữ. Tác là
phạm. Như trong năm giới của người tại gia, giới thứ nhứt là không được sát sanh.
Không sát sanh gọi là trì giời, có nghĩa là ngưng việc ấy không làm, tức “chỉ
trì”. Còn nếu làm việc ấy gọi là phạm giới, tức “tác phạm”. Vì người mới vào
đạo, tâm còn buông lung nhiều nên phải nhờ giới luật để kềm chế, chẳng khác nào
dùng lồng để nhốt con khỉ không cho nó chạy nhảy tứ tung. Đây gọi là “thúc liễm
sơ tâm”.
“Vi tế điều
chương cách chư ổi tệ”. Vi tế điều chương là những phần giới luật nhỏ nhiệm.
Thí dụ giới của Phật tử tại gia, Phật cấm nămđiều; còn giới của Sa di đến mười
điều. Mười giới này nhỏ nhiệm hơn năm giới trước, như giới không đeo tràng hoa,
ướp nước hoa. Việc làm này có hại ai đâu, nhưng sao Phật lại cấm? Vì đối với
Phật tử tại gia Phật chỉ cấm tà dâm, còn đối với hàng xuất gia Phật cấm hẳn
việc dâm dục. Nếu còn đeo tràng hoa, ướp nước hoa, còn trang sức, tức nói lên
lòng ái nhiễm vẫn còn. Mà lòng ái còn thì tuy giới thô không phạm, nhưng ái vi
tế trong tâm có phạm. Lỗi tế không tránh được thì lỗi thô một ngày nào đó có
thể sẽ phạm. Phật muốn người xuất gia không phạm giới thô mà cả giới tế cũng
không phạm, nên mới chế ra những điều luật nhỏ nhiệm. Tu càng cao thì giới càng
vi tế, cốt để tẩy sạch những tâm niệm xấu xa. Như khi mình ăn mặc dơ bẩn thì
thấy mình cũng tầm thường thôi, nhưng khi ăn mặc sang trọng, ướp nước hoa thơm
phức thì lúc đó thấy mình sang đẹp quá, phải không? Chính khi khởi niệm đẹp và
sang trọng đó là nhiễm ái đã sanh. Cho nên chúng ta đừng coi thường những giới
luật Phật chế ra, cho rằng không có gì hại lắm. Sở dĩ Phật cấm là để ngừa tâm
ái nhiễm của chúng ta, để chúng ta hằng xét lại mình vậy.
“Tỳ ni pháp tịch
tằng vị thao bồi, liễu nghĩa thượng thừa khởi năng chân biệt”. “Tỳ ni” là chỉ
cho luật. “Pháp” là chỉ cho pháp, “tịch” là chiếc chiếu. “pháp tịch” nghĩa là
hội nghe pháp ngồi dưới chiếu. Câu này ý nói trường giảng luật mình chưa từng
đến thưa hỏi thực hành, thì đối với “liễu nghĩa thượng thừa” làm sao rành rẽ
được. Chúng ta bước chân vào đạo, trước phải lấy giới luật làm sợi dây để cột
tâm buông lung vọng tưởng phần nào, kế đó mới đem những giáo lý cao siêu ra ứng
tu hành để thoát khỏi mê lầm. Vì thế, ở đây tuy là một Thiền Viện, song cũng
phải giữ tối thiểu 10 giới làm căn bản. Có nhiều vị cho rằng tu thiền cần gì
giữ giới? Quan niệm của tôi thì không như vậy. Nếu tâm chúng ta được nhất như
thì giới luật cũng bằng thừa. Nhưng tâm còn xao động, còn đang chạy theo sáu
trần mà không có giới luật làm sao ngăn nó nổi? Giới luật chẳng khác nào hàng
rào của Tu viện vậy. Hàng rào có cổng khóa đàng hoàng thì trong khó ra, mà
ngoài cũng khó vào, nhờ vậy mà hạn chế được tâm phóng túng. Sau đó mới học cách
tọa thiền ngồi yên một chỗ. Đến khi nào tất cả trong chúng đây tâm tâm niệm
niệm lúc nào cũng ứng dụng Bát Nhã, hoặc dùng Bát Nhã chiếu soi chẳng phút giây
quên, hoặc hằng sống với tâm nhất như không bao giờ loạn động, thì lúc đó có
hàng rào của Tu viện cũng bằng thừa. Còn bây giờ tâm mình còn loạn, ngồi lại
thì nhớ người này, nghĩ việc nọ, nên phải cần có hàng rào để ngăn chận, bớt
những cái nghĩ tưởng sằng bậy của chúng ta. Cũng vậy, giới luật là hàng rào để
gìn giữ thân tâm. Muốn đạt đến chỗ cao siêu trước phải lấy giới luật làm căn
bản lúc sơ cơ, sau ứng dụng liễu nghĩa thượng thừa mới dễ thành tựu.
“Khả tích nhất
sanh không quá hậu hối nan truy”. Đáng tiếc một đời luống qua,về sau hối hận
khó kịp. Nếu chúng ta vào chùa mà cứ chạy theo ăn mặc, ngủ nghỉ, không học luật
cũng chẳng hiểu đường lối tu hành, cứ để một đời trôi qua, sau ăn năn khôngkịp.
Vì thế, nay khi còn khỏe mạnh đầy đủ sức lực, chúng ta phải nghĩ đến sự giải
thoát cho chính mình và cứu độ chúng sanh mà nổ lực tiến tu. Như vậy dù sống
40,50 tuổi thôi cũng có giá trị . Còn trái lại dù sống đến 100 tuổi cũng không
có ý nghĩa gì.
“Giáo lý vị
thường thố hoài, huyền đạo vô nhân khế ngộ”. Giáo lý chưatừng học hỏi huân tập,
thì huyền đạo làm sao mà khế ngộ được. Ở trước, Tổ quở chúng ta không học luật
giữ giới, đến đây Tổ quở chúng ta không học giáo lý (tức kinh điển của Phật).
Bởi vì có lắm người cạo tóc xuất gia vào chùa, mà chỉ biết có việc đầu hôm Tịnh
độ khuya công phu, cho đó là đủ. Như thế để ngày tháng dần qua, chỉ lấy việc công
quả bình thường cho là tròn bổn phận, đâu ngờ cái đó chỉ là việc lơ láo qua
ngày. Đến phút tắt hơi mới thấy mình mờ mịt chẳng rõ lối đi. Vì thế, người có chí
xuất gia trước phải hiểu rành luật lệ của Phật dạy, kế đến hiểu sâu giáo lý thì
mới mong tiến trên con đường cao siêu giải thoát. Chữ “huyền đạo” đây có nghĩa
giáo lý cao siêu của Phật, mà cũng có nghĩa là tông chỉ của Thiền Tông. Tu học
có ba môn giới, định và huệ. Giới, định, huệ là ba môn then chốt, người vào đạo
không thể thiếu được, thiếu ắt không rõ đường đi. Đây Tổ trách chúng ta về lỗi
không tu học.