QUI SƠN CẢNH
SÁCH
Thiền Sư Linh Hựu
Hòa Thượng Thích Thanh Từ Việt dịch
Phần 9
Chánh Văn:
“Thân phụ thiện giả, như
vụ lộ trung hành, tuy bất thấp y, thời thời hữu nhuận”.
Gần gũi người lành như đi
trong sương móc, tuy không thấy ướt áo mà dần dần thấm nhuần.
Như buổi sáng sớm có sương chúng ta đi ngoài
trời, tuy không thấy sương rơi ướt áo, nhưng một lát sau cảm thấy hơi sương ướt
lành lạnh. Cũng thế, được gần Thầy lành, bạn tốt, không phải chúng ta được lành
tốt ngay, nhưng sống gần gũi lâu ngày tự nhiên có sự nhuần thấm. Nói đến đây
tôi nhớ lại Thầy tôi là Hòa Thượng Viện Trưởng, Ngài trách tôi: “Thanh Từ thuở
xưa không khác nào cục sắt do tôi mài dũa nay được thành cây kim, giờ lại không
ưng ý làm việc gì hết”. Thật đúng như thế, nay tôi được hữu dụng cho Phật pháp
cũng nhờ công thầy uốn nắn lo lắng hoàn toàn từ vật chất đến tinh thần. Vì thế,
đời tu chúng ta nếu gặp Thầy lành bạn tốt là điều may mắn, cần thiết cho sự
tiến tu của chúng ta.
“Hiệp tập ác giả, trưởng
ác tri kiến, hiểu tịch tạo ác, tức mục giao báo, một hậu trầm luân, nhất thất
nhân thân, vạn kiếp bất phục”.
Gần gũi kẻ ác, thêm ác tri
kiến, sớm tối tạo ác, trước mắt chịu quả báo, chết rồi phải trầm luân. Một phen
mất đi thân người, muôn kiếp khó tìm lại được.
Đây là lời cảnh cáo, nếu không
chịu gần Thầy lành bạn tốt cố gắng tiến tu, mà chỉ gần gũi kẻ ác thì hậu quả sẽ
thảm hại như thế, sẽ mãi mãi trầm luân chịu mọi thống khổ, một phen mất thân
này muôn kiếp khó tìm lại. Tổ thật từ bi chỉ dạy chúng ta từng li từng tí, chỉ
cốt mong sao chúng ta thành người hữu dụng.
“Trung ngôn nghịch nhĩ,
khởibất minh tâm giả tai? Tiện năng tháo tâm dục đức, hối tích thao danh, uẩn
tố tinh thần, huyên hiêu chỉ tuyệt”.
Lời thẳng trái tai, há chẳng
ghi lòng đó sao? (Có thể) mới hay rửa lòng nuôi đức, ẩn tích mai danh, chứa
nhóm tinh thần, xa lánh ồn náo.
“Trung ngôn nghịch nhĩ, khởi
bất minh tâm giả tai?”. Lời nói thẳng thường trái tai, tuy trái tai song phải
ghi lòng, có thế mới tiến được. Bây giờ Tổ mới bắt đầu vào việc tu hành.
“Nhược dục tham thiền học
đạo, đốn siêu phương tiện chi môn, tâm khế huyền tân, nghiên cơ tinh yếu, quyết
trạch thâm áo, khởi ngộ chân nguyên”.
Nếu muốn tham thiền học đạo,
là môn vượt ngoài phương tiện, thì trong phải hợp với mé huyền và nghiên cứu
tường tận cái tinh yếu của đạo. Chọn lựa được chỗ thâm sâu rồi mới có thể khai
ngộ được nguồn chơn (tức bản tánh).
Người tham thiền học đạo trước
phải rõ đây là pháp môn vượt ngoài phương tiện. Tại sao lại thế? Như trong kinh
Phật dạy quán sổ tức hoặc quán từ bi hay quán bất tịnh v.v…thì tất cả phương
pháp tu ấy đều có danh ngôn hình tướng tức là phương tiện. Sao đây lại nói pháp
môn không phương tiện? Tôi xin nói lược rồi sẽ chỉ kỹ ở sau. Tổ Bồ Đề Đạt Ma
khi sang Trung Hoa, Ngài thấy chư Tăng thời ấy chuyên về văn tự mà không rõ lý
đạo, nên Ngài mới dạy một pháp môn gọi là “Giáo ngoại biệt truyền” là truyền ngoài
giáo lý, để dứt khoát không còn kẹt trong văn tự nữa. Rồi: “ Trực chỉ nhân tâm
kiến tánh thành Phật”. Kiến tánh là gì? Có phải kiến tánh là thành Phật, là có thần
thông…hay không? Sao có nhiều người nói thấy tánh mà chẳng thấy có thần thông
gì hết? Nếu hiểu như vậy là chúng ta đã bị chữ nghĩa làm rối rắm, sự thật không
phải như vậy. Đây tôi phân tích để quý vị rõ. Như trong nhà Thiền, khi người
học đạo hỏi một câu, được các Thiền sư hoặc đáp, hoặc đánh, hoặc la hét v.v…nhờ
đó người hỏi được ngộ. Vậy “ngộ” là ngộ cái gì? Có thành Phật chưa?. Chính
“ngộ” là thấy đạo hay “kiến tánh”, tức thấy được chân tánh bất sanh bất diệt
của mình. Nhận ra mình có bản tánh bất sanh bất diệt rồi, nhìn lại thấy rõ thân
này cho đến vũ trụ đều là pháp sanh diệt, huyễn hóa. Đã là huyễn hóa thì đâu có
dại dột gì đắm nhiễm chạy theo.Từ đó tiến tu mãi không lùi thẳng đến quả vị
Phật, chứ không phải kiến tánh là thành Phật ngay. Kiến tánh là nhơn, thành
Phật là quả, thẳng một đường không trải qua một ngôi vị nào khác, nên gọi giáo
lý này là tối thượng thừa. Phật đã nói: “Ta là Phật đã thành, các người là Phật
sẽ thành”, đó là sự thật. Chỉ vì chúng ta chưa tin được nên không là “Phật sẽ
thành”. Kiến tánh là chủ yếu của người tu. Vì có kiến tánh mới có thể thành
Phật được, nên Tổ chỉ thẳng vào tâm mà không dùng phương tiện. Chỉ cái nào sanh
diệt thì đừng theo, cái nào không sanh diệt thì hằng sống, đó là không dùng
phương tiện. Như trong kinh Pháp Hoa, Phật nói: Chư Phật ra đời cốt chỉ cho
chúng ta nhận được “tri kiến Phật” của chính mình. Các Tổ Thiền Tông cũng chỉ
cho chúng ta nhận được cái sẵn có đó. Và, chính tôi giảng kinh đây cũng cốt làm
sao cho quí vị nương nơi kinh mà thấy được cái sẵn có nơi mình, chừng ấy bản
hoài của tôi đã trọn. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Kinh là ngón tay chỉ mặt trăng”.
Như quí vị mới tập tu vào chùa, quí Thầy dạy đếm hơi thở, rồi niệm Phật trì chú
hay quán bất tịnh v.v…tất cả cái đó đều là phương tiện. Nếu mình bám chặt
phương tiện mà mình đang theo, rồi chỉ trích pháp “không phương tiện”, đó là
lầm lỗi. Phương tiện ví như cây vịn để vịn tay lần qua cầu, người nào yếu chân
sợ té thì phải nương cây để qua, còn người nào mạnh chân thì cứ thẳng mà đi, không
cần nương vịn. Qua khỏi cầu là phải buông cây, chứ đâu có nắm hoài. Cũng vậy,
niệm Phật đến vô niệm mới là cứu cánh, khi được nhất tâm rồi thì câu niệm Phật không
cần thiết nữa. Hay như trong kinh A-Hàm Phật dạy: Người nào quán Tứ niệm xứ
hoặc một ngày… cho đến bảy ngày mà không có tạp niệm thì người đó chứng quả.
Còn tôi nói nếu quí vị quán Bát Nhã từ một ngày cho đến bảy ngày mà không có
niệm khác thì sẽ được Bát Nhã hiện tiền. Những lời nói này đâu có khác. Đến chỗ
cứu cánh thì phương tiện không còn. Thế mà, vì không thực hiểu nên chúng ta
chấp cho thế này là hay, thế kia là dở. Sở dĩ không dung hội được như thế, là
vì chúng ta đứng ở một khía cạnh mà nhận xét. Nếu thật thâm hiểu sẽ thấy ngôi
nhà Phật pháp chỉ có một, mà cửa phương tiện bước vào thì có nhiều.
“Bác vấn tiên tri, thân
cận thiện hữu. Thử tông nan đắc kỳ diệu, thiết tu tử tế dụng tâm, khả trung đốn
ngộ chánh nhân, tiện thị xuất trần giai tiệm”.
Rộng hỏi tiên tri, thân gần
thiện hữu. Tông này khó đạt được chỗ nhiệm mầu, cần phải dụng tâm chính chắn.
Nếu trong ấy đạt được chánh nhân, đó chính là thềm bực giải thoát.
Nếu không khế ngộ được nguồn chơn thì phải tham vấn các bậc tiên tri. Chữ “tiên tri” đây có nghĩa là người đã học đã tu trước mình. Vì tông này rất khó mà đạt được diệu chỉ, nên cần phải dụng tâm cho chính chắn. Nếu ở trong ấy mà ngộ được chánh nhân rồi thì liền vượt khỏi cõi trần không cần theo thứ lớp. Đây là chỗ quan trọng của Thiền tông. Thiền tông là con đường tắt không quanh co, không theo thứ tự, nên khó mà nhận được yếu chỉ. Nhưng nếu khéo dụng tâm và đạt được bản nhân rồi, thì tin chắc ngay trong đời hiện tại không còn bị luân hồi lôi kéo nữa. Song đây không phải là việc dễ, phải khéo cẩn thận. Có nhiều người tu thiền cầu được những điều hay lạ, tâm chạy theo danh sắc nên đã lạc lầm đi trong sanh diệt. Có người muốn tu, đến đây nhờ tôi nói một câu chỉ thẳng yếu chỉ. Tôi biết nói thế nào, chỉ có cách là học ba năm đi rồi sẽ thấy, chớ chỉ liền không thể được. Vì đây là chỗ không hình tướng. Tuy không phải là không, nhưng khó thể chỉ bày. Quí vị chịu khó ngày nay nghe thấm một ít, ngày mai nghe thấm một ít. Cho đến hôm nào đó, chợt lãnh hội được yếu chỉ, thì sự tu hành mới bảo đảm không lầm. Dẫu đây là pháp môn không phương tiện, nhưng trình độ quí vị không thể khai thông liền, nên phải có thời gian, rồi cơ hội tốt đến, quí vị tự lãnh hội. Đó là điều mà chúng tôi mong mỏi.