Phần 8

25/06/201012:00 SA(Xem: 15477)
Phần 8

QUI SƠN CẢNH SÁCH
Thiền Sư Linh Hựu
Hòa Thượng Thích Thanh Từ Việt dịch

Phần 8

Chánh Văn:

“Nhược bất như thử, lạm xí tăng luân, ngôn hạnh hoang sơ, hư triêm tín thí”.

Dịch:

Nếu chẳng như thế, xen lẫn trong chúng tăng, ngôn hạnh hoang sơ, luống hao của tín thí.

Giảng:

Nếu chẳng làm được những điều kể trênthì chỉ là kẻ lẫn lộn, làm ô danh chúng tăng, chứ chẳng phải là người chân chánh xuất gia. Chữ “lạm xí” có nơi giải thích là “điểu thử Tăng” tức ông thầy chim chuột. Nghĩa là dụ như con dơi gặp chim thì nó xòe cánh ra, bảo: tôi đây là chim, gặp chuột thì hắn xếp cánh lại nói: tôi đây là chuột. Ông thầy chim chuột là ông thầy cạo đầu mặc áo nhuộm trông giống người tu mà tâm chí thì lạng quạng gặp chim làm theo chim, gặp chuột làm theo chuột. Sống như thế đó gọi là “lạm xí tăng luân”. Phần đông tu sĩ bây giờ là thế ấy, thường là “điểu thử tăng” hay có chỗ gọi là “phóc cư sĩ” tức là ông cư sĩ trọc đầu. Tuy đầu trọc mà tâm niệm thì thế tục, làm tăng mà không có tâm hạnh của người xuất gia, lời nói việc làm không phù hợp chánh pháp, nên gọi là cư sĩ trọc đầu. Người như thế chỉ luống ăn tiêu của tín thí mà chẳng lợi ích gì cho đạo. Hãy tự kiểm vậy!

Chánh Văn:

“Tích niên hành xứ, thốn bộ bất di, hoảng hốt nhất sanh, tương hà bằng thị”

Dịch:

“Chỗ đi năm trước, tấc bước không rời, lơ láo một đời, lấy chi nương tựa”.

Giảng:

Chúng ta thấy có người xuất gia được 20 năm, 30 năm rồi, thế nhưng năm thứ nhứt thì Phật tại tiền, năm thứ hai Phật thăng thiên, đến năm thứ ba, thứ tư…cho đến năm 30 thì chẳng còn thấy Phật. Thế là càng tu càng lùi. Tôi thường nói rằng người tu giống như kẻ chèo thuyền ngược nước, ngược gió. Trong trường hợp đó phải thế nào? Nếu quí vị có cảm thấy quá mệt mỏi thì nên cắm sào bỏ neo đậu lại, đợi nghỉ ngơi cho khỏe rồi tiếp tục chèo, chớ chẳng nên buông chèo mặc nó trôi giạt đến đâu cũng được. Như vậy đâu có ý nghĩa chèo thuyền ngược dòng nữa. Chúng ta là kẻ đi ngược dòng đời, thế gian mê ta tỉnh, thế gian đắm chìm trong ái dục, chúng ta là người giải thoát khỏi dòng ái dục. Vì thế, chúng ta phải luôn cần mẫn, vững tay chèo mới có cơ tiến nổi, bằng chúng ta lơ là ắt dòng đời như thác lũ kia sẽ kéo phăng chúng ta trở lại dòng sanh tử. Chúng ta phải tự xét lại coi, từ khi xuất gia đến giờ trải qua 5,10 năm rồi đã tiến được bao nhiêu hay vẫn còn nguyên chỗ cũ? Có người thậm chí còn lùi nữa, thì than ôi, đời tu nào có ra gì! Thật đáng hổ thẹn! Thật là : “Lơ láo một đời, lấy chi nương tựa?” Tổ cho một roi đau điếng như vậy để chúng ta hổ thẹn, nhớ lại bổn phận của mình mà cố gắng.

Chánh Văn:

“Huống nãi đường đường tăng tướng, dung mạo khả quan. Giai thị túc thực thiện căn, cảm tư dị báo. Tiện nghĩ đoan nhiên củng thủ, bất quí thốn âm. Sự nghiệp bất cần, công quả vô nhân khắc tựu. Khởi khả nhất sanh không quá, ức diệc lai nghiệp vô tì.”

Dịch:

Huống nãi đường đường tăng tướng, (sáu căn đầy đủ) dung mạo dễ xem. Sở dĩ được như thế là do đời trước đã gieo trồng căn lành nên đời này mới cảm quả báo thế ấy. Lại chỉ biết ngồi sửng khoanh tay, chẳng tiếc thì giờ. Đạo nghiệp không nổ lực chuyên cần thì công quả do đâu thành tựu? Chẳng những đời nay luống qua, đời sau cũng sẽ vô ích.

Giảng:

“Huống nãi đường đường tăng tướng, dung mạo khả quan, giai thị túc thực thiện căn cảm tư dị báo”.

Chúng ta ngày nay được mang thân người, sáu căn đầy đủ, lại được xuất gia hình tướng như Phật. Đó là do đời quá khứ đã gieo trồng căn lành, đời nay mới cảm được quả báo tốt như vậy. Nhìn quả hiện tại biết nhân quá khứ. Cũng vậy, nhìn nhân hiện tại, biết quả vị lai. Thế nên đời nay đã được duyên lành thì phải làm sao nữa, chứ chẳng lẽ:

“Tiện nghĩ đoan nhiên củng thủ bất quý thốn âm, sự nghiệp bất cần công quả vô nhân khắc tựu”. Chỉ biết ngồi sửng khoanh tay ngu ngơ qua ngày tháng, thì chẳng những đời này không lợi íchđời sau cũng không chỗ tựa nương. Ngài Hiếp tôn giả suốt đời lưng không dính chiếu, Tổ Bá Trượng: “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực”. (Một ngày không làm, một ngày không ăn). Chúng ta ngày nay vào chùa thọ lãnh của thí chủ thì nhiều mà không siêng tu phước huệ, không biết tiếc thời giờ, một mai cởi áo cà sa, lui mất thân người, thì thật là đáng tiếc!

“Khởi khả nhất sanh không quá, ức diệc lai nghiệp vô tì”. Đời này không có công đức gì làm sao đời sau được tốt đẹp, Tổ Qui Sơn có tâm lão bà tha thiết, Ngài quở rầy xong lại quở rầy. Thật là đắng miệng khô môi, chỉ vì muốn cho con cháu đời sau được nên người xứng đáng.

Chánh Văn:

“Từ thân quyết chí phi tri, ý dục đẳng siêu hà sở. Hiểu tịch tư thổn, khởi khả thiên diên quá thời”.

Dịch:

Từ giả thân quyến, quyết chí mặc áo nhuộm là ý muốn vượt đến chỗ nào? Sớm tối lo nghĩ, đâu thể dần dà để thời giờ qua mất.

Giảng:

Đây Tổ nhắc lại bổn phận của người xuất gia, nhắc lại ước nguyện ban đầu của mình khi từ bỏ cha mẹ, anh em vào chùa mặc áo nhuộm để chi? Chúng ta xuất gia là vì lý tưởng cao siêu giải thoát, chớ đâu có ai nghĩ vào chùa để tìm chỗ an thân! Thế nhưng, dần dà chúng ta quên mất bổn phận của mình. Vì vậy, ở đây Ngài nhắc chúng ta phải sớm tối suy nghĩ, phải thường tự hỏi: “Tại sao mình đi tu?” Thường nghĩ nhớ lại tâm nguyện xuất gia ban đầu để nổ lực vươn lên, chứ không nên bỏ lửng, ăn rồi giỡn cười để ngày giờ qua mất.

Chánh Văn:

“Tâm kỳ Phật pháp đống lương, dụng tác hậu lai qui cảnh. Thường dĩ như thử, vị năng thiểu phần tương ưng!”

Dịch:

Lòng tự hẹn làm rường cột cho Phật pháp, gương mẫu cho đời sau. Thường xét nghĩ như thế mà còn chưa được chút phần tương ưng.

Giảng:

Tổ nhắc chúng ta nên xét lại ý nguyện xuất gia của mình. Khi xuất gia là trong lòng đã kỳ hẹn làm rường cột cho Phật pháp, gương mẫu cho đời sau, chứ không phải để ăn tiêu của tín thí, không phải để làm con mọt đục chùa. Hằng xét nét như thếmà còn chưa phù hợp được một phần nhỏ của sự xuất gia thay, huống là tu bao nhiêu năm mà không biết mình phải làm cái gì, thì thật là tệ! Mà muốn thực hiện được ý nguyện đó thì phải:

Chánh Văn:

“Xuất ngôn tu thiệp ư điển chương, đàm thuyết nãi bạng ư kê cổ, hình nghi đĩnh đặc, ý khí cao nhàn”.

Dịch:

 Nói ra phải hợp với kinh điển, luận bàn phải noi theo gương mẫu người xưa, hình dung đĩnh đạc, ý chí cao nhàn.

Giảng:

Nếu thực tình chúng ta muốn làm rường cột cho Phật pháp, làm mẫu mực cho người sau, thì nói ra lời gì cũng phải phù hợp với kinh điển, với lời Phật ý Tổ. Phải nói đúng đắn chân thật, chẳng nên nói bướng, nói đùa hay đặt điều nói bậy. Về thân tướng thì phải trang nghiêm, đi đứng chỉnh tề; ý chí phải thênh thang siêu thoát, chẳng nên có những ý tưởng thấp thỏi, tầm thường. Tổ chỉ dạy thật tường tận từ ngôn ngữ, hình nghi cho đến ý chí…Chúng ta phải cố gắng như lời Tổ dạy mới xứng đáng là Sa Môn Thích tử, là người chơn chánh xuất gia.

Chánh Văn:

“Viễn hành yếu giả lương bằng, sác sác thanh ư nhĩ mục, trú chỉ tất tu trạch bạn, thời thời văn ư vị văn. Cố vân, sanh ngã giả phụ mẫu, thành ngã giả bằng hữu”.

Dịch:

Đi xa cần nương bạn lành để thường gạn lọc tai mắt. Trú ở cần nên chọn bạn, thường được nghe điều chưa nghe. Nên nói: sanh ta là cha mẹ, tác thành nên ta là bạn bè.

Giảng:

Chúng ta ra đi tìm Thầy học đạo cốt phải nhờ bạn lành, Thầy tốt khiến tai mắt chúng ta được trong sạch, được nghe lời hay, thấy được cái đẹp. Khi dừng ở cần phải chọn bạn chọn Thầy, gần được Thầy hay bạn tốt, chúng ta mới nghe được điều lợi ích chưa từng nghe, Bằng gần ông Thầy không hơn mình, bạn lại chẳng tốt thì dầu ở chung ngàn năm cũng chẳng lợi gì, đôi khi lại còn lui sụt. Nên người tu cần phải chọn thầy, chọn bạn là như thế. “Sanh ta là cha mẹ, làm nên ta là Thầy bạn”. Đây là sự thật không nghi ngờ gì hết. Vì chúng ta có được hình vóc vẹn toàn này là từ cha mẹ mà có, nhưng chúng ta có được trí tuệ, hiểu biết những điều siêu xuất thế gian lại chính nhờ Thầy bạn nuôi dưỡng bồi đắp mà nên. Nhờ Thầy bạn chúng ta mới thành người hữu ích cho chính mình và cho chúng sanh. Riêng tôi, nay được biết đạo lý giảng dạy thế này hoàn toàn là nhờ thầy bạn, chứ cha mẹ thì không thể làm được. Có nhiều người không may khi phát tâm xuất gia mà không gặp Thầy hay, bạn tốt, nên ở chùa năm, mười năm hay hai, ba mươi năm rồi, vẫn lẩn quẩn cũng chỉ trong hai thời khóa tụng, thật là tội nghiệp! Điều này cũng do phước duyên của mỗi người, chứ thật ra lúc phát tâm đi tu, vào chùa gặp đâu ở đó, có biết đâu mà chọn. Vì thế, chúng ta có phước duyên được gặp Thầy chỉ dạy nên người hữu dụng thì công ơn ấy thật vô cùng to lớn.





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
01/07/2010(Xem: 58904)
29/06/2010(Xem: 53249)
Tôi hôm nay hân hạnh được góp một vài ý kiến trong Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, vị đạo sư đã khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc và vì ngài có một thời gian cư trú ở Chùa Tây An (Thiền phái Lâm Tế) dưới chân núi Sam (Châu Đốc), nên vị đạo sư họ Đoàn được người dân một cách tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Từ gốc rễ đó, Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, thường được coi là sự kế thừa và phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương trong bối cảnh mới. Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :