Trong suốt cuộc đời, đạo sư Jamyang Khyentse Wangpo Kunga Tenpe Gyaltsen Pal Zangpo[1] vĩ đại đã có nhiều linh kiến về Bạch Độ Mẫu, trong đó, Bổn tôn trí tuệ thực sự tan hòa vào bức hình này. Thỉnh thoảng, Độ Mẫu sẽ thọ ký, ban giáo lý và lời khuyên và trao quán đỉnh bằng cách phóng những tia sáng diệu kỳ, cũng như khơi dậy vô số linh kiến thanh tịnh.
Các đệ tử chính yếu và tâm tử của Đức Khyentse Wangpo, chẳng hạn Ngài Jamgon Kongtrul Lodro Thaye[2], Terchen Chokgyur Lingpa[3] và Terton Sogyal[4], đã thọ nhận sự gia trì từ bức hình này một cách trực tiếp và trong các linh kiến thanh tịnh. Điều này được miêu tả rõ ràng trong tiểu sử của chư vị và cũng nổi tiếng nhờ sự truyền miệng.
Tiểu sử bí mật của Đức Jamyang Khyentse thứ nhì – Chokyi Lodro[5] cũng đề cập đến cách thức mà bức hình Bạch Độ Mẫu này đã ban quán đỉnh, thọ ký và ban tặng sự gia trì trường thọ và cách mà những đệ tử sùng mộ khác đã có thể thọ nhận lời khuyên từ bức hình một cách trực tiếp. Người ta cũng kể rằng tiếng tách từ một ngọn đèn bơ đặt trước chính bức hình này đã tạo ra sự phát lộ một Terma. Vì thế, chính bức hình linh thiêng và mạnh mẽ này đã khơi dậy vô số linh kiến thanh tịnh theo năm tháng và là điểm nổi bật trong nhiều câu chuyện nổi tiếng.
Năm 1967, khi Tu viện sắp bị phá hủy bởi bàn tay của những người Trung Hoa cộng sản thù ghét giáo lý, một đệ tử sùng kính và nhanh trí đã tháo bức hình khỏi tường, bọc cẩn thận trong một miếng vải và đặt nó tại một địa điểm an toàn. Sau này, khi vị tái sinh hiện tại của Đức Như Ý Bảo Châu – Ngài Dzongsar Khyentse Thubten Chokyi Gyatso du hành đến Tu viện Dzongsar được xây dựng lại, bức hình được lấy ra và cúng dường lên Ngài; kế đó, sau sự kiện cát tường này, bức hình đã được đem đến Ấn Độ.
Lịch sử vắn tắt này, được viết theo lời thỉnh cầu của vị Tulku tối thắng – Sogyal Rinpoche và để đánh dấu việc in ấn một trăm nghìn bản sao của bức hình linh thiêng này như một sự hỗ trợ cho những kẻ có nghiệp may mắn, đã được biên soạn bởi Orgyen Tobgyal[6], vị nhận được sự bảo hộ từ ái của những hóa thân nối tiếp của Jamgon Lama.
Nguồn Anh ngữ: https://www.lotsawahouse.org/tibetan-masters/orgyen-tobgyal-rinpoche/history-tara-image.
Adam Pearcey chuyển dịch Anh ngữ năm 2000.
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ năm 2018, hiệu đính toàn bộ năm 2021.
[1] Về Đức Jamyang Khyentse Wangpo, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a30571/cuoc-doi-duc-jamyang-khyentse-wangpo..
[2] Về Đức Jamgon Kongtrul, tham khảo https://thuvienhoasen.org/p38a35061/tieu-su-van-tat-duc-jamgon-kongtrul-yonten-gyatso-lodro-thaye-1813-1899-1900-.
[3] Về Đức Chokgyur Lingpa, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a30774/cuoc-doi-duc-chokgyur-lingpa.
[4] Về Terton Sogyal, tham khảo https://thuvienhoasen.org/p38a33571/3/tieu-su-terton-sogyal.
[5] Về Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a32327/cuoc-doi-duc-jamyang-khyentse-chokyi-lodro.
[6] Về Orgyen Tobgyal Rinpoche, tham khảo phần Phụ Lục trong Hoạt Động Kính Ái (https://thuvienhoasen.org/p38a34386/2/hoat-dong-kinh-ai).