Phần 02

04/06/201112:00 SA(Xem: 9145)
Phần 02

THIỀN SƯ VIỆT NAM

Hoà Thượng Thích Thanh Từ
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh 1992




Thiền Sư PHÁP THUẬN
(914 - 990)
(Đời thứ 10, dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi)

Sư họ Đỗ, không rõ quê quán ở đâu, xuất gia từ thuở bé, thọ giới với Thiền sư Long Thọ Phù Trì. Sau khi đắc pháp, Sư nói lời nào cũng phù hợp sấm ngữ.

Nhà Tiền Lê mới dựng nghiệp, thường mời Sư vào triều luận bàn việc chánh trị và ngoại giao. Khi quốc thái dân an, Sư không nhận sự phong thưởng. Vì thế, vua Lê Đại Hành rất kính trọng, không dám gọi tên, chỉ gọi là Đỗ Pháp Sư. Nhà vua nhờ Sư trông coi việc soạn thảo văn kiện, thư từ ngoại giao.

Năm Thiên Phước thứ bảy (986), nhà Tống sai sứ là Lý Giác sang phong tước hiệu cho vua Đại Hành. Vua nhờ Sư cải trang làm lái đò để đón Sứ. Trên sông, bất chợt Lý Giác thấy hai con ngỗng bơi, cảm hứng liền ngâm:
 Song song ngỗng một đôi
 Ngửa mặt ngó ven trời. 
 (Nga nga lưỡng nga nga 
 Ngưỡng diện hướng thiên nha.)
Sư đang chèo, ứng khẩu ngâm tiếp:
 Lông trắng phơi dòng biếc
 Sóng xanh chân hồng bơi. (T.T.Mật Thể)
 (Bạch mao phô lục thủy 
 Hồng trạo bãi thanh ba.) 
 Lý Giác rất thán phục.
*
* *
Vua Đại Hành hỏi vận nước dài ngắn thế nào, Sư đáp bằng bài kệ:
 Vận nước như dây quấn
 Trời Nam sống thái bình
 Rảnh rang trên điện các
 Chốn chốn dứt đao binh.
 (Quốc tộ như đằng lạc 
 Nam thiênthái bình 
 Vô vi cư điện các 
 Xứ xứ tức đao binh.) 
Về sau, Sư trụ trì chùa Cổ Sơn làng Thừ, quận Ải.
 Niên hiệu Hưng Thống thứ hai (990), Sư không bệnh mà tịch, thọ 76 tuổi. Tác phẩm của Sư có:
 * Bồ Tát Hiệu Sám Hối Văn
 * Thơ tiếp Lý Giác
 * Một bài kệ.

Theo Dòng Sự Kiện:
Bài Thơ Vận Nước và Tư Tưởng Chính Trị của Thiền Sư Pháp Thuận, Lê Mạnh Thát

Thiền Sư VÂN PHONG
(? - 956)-(Đời thứ ba, dòng Vô Ngôn Thông)
 

Sư họ Nguyễn, quê ở Từ Liêm quận Vĩnh Khương. Khi mẹ mang thai Sư, thường trai giới tụng kinh, lúc sanh ra có hào quang chiếu sáng cả nhà. Bởi cha mẹ nhận thấy sự linh dị ấy nên cho Sư đi xuất gia.

Đến lớn, Sư theo hầu Thiền sư Thiện Hội ở Siêu Loại. Sư thuộc hàng cao đệ, được thầy truyền dạy thiền yếu. Thiện Hội thường bảo Sư:
- Sống chết là việc lớn, cần phải thấu triệt.
Sư hỏi:
- Khi sống chết đến làm sao tránh được?
- Hãy nắm lấy chỗ không sống chết mà tránh.
- Thế nào là chỗ không sống chết?
- Ngay trong sống chết nhận lấy mới được.
- Làm sao mà hiểu?
- Ngươi hãy đi, chiều sẽ đến.
Chiều Sư lại vào. Thiện Hội bảo:
- Đợi sáng mai, chúng sẽ chứng minh cho ngươi.
Sư hoát nhiên tỉnh ngộ, liền sụp xuống lạy.
Thiện Hội hỏi:
- Ngươi thấy đạo lý gì?
Sư thưa:
- Con đã lãnh hội.
- Ngươi hội thế nào?
Sư bèn đưa nắm tay lên thưa:
- Chẳng tỉnh ngộ là cái gì?
Thiện Hội liền thôi.
*
* *
Sau, Sư trụ trì chùa Khai Quốc trong kinh đô Thăng Long. Đến năm thứ ba niên hiệu Hiển Đức đời Châu (956), Sư thị tịch.
 

Đại Sư KHUÔNG VIỆT
(933 - 1011)
(Đời thứ 4, dòng Vô Ngôn Thông)

tục danh Ngô Chân Lưu, quê làng Cát Lợi quận Thường Lạc, dòng dõi của Ngô Thuận Đế. Sư dáng mạo khôi ngô, ý chí lỗi lạc và tánh tình bình thản. Thuở nhỏ theo nghiệp Nho, lớn lên trở về Phật. Sư thọ giáo với Thiền sư Vân Phong ở chùa Khai Quốc, thấu tột thiền yếu và đọc khắp các kinh điển.

Năm 40 tuổi, danh Sư vang khắp tùng lâm, vua Đinh Tiên Hoàng mời vào cung hỏi đạo. Sư ứng đối rành rẽ, vua rất mến phục, phong chức Tăng Thống. Năm sau, niên hiệu Thái Bình thứ hai (971), vua lại phong Khuông Việt Đại Sư.

Đến đời vua Lê Đại Hành, Sư càng được kính trọng. Bao nhiêu việc binh, việc nước, vua đều mời Sư vào hỏi.

Năm thứ bảy niên hiệu Thiên Phước (986), nhà Tống sai sứ là Lý Giác sang nước ta, vua Đại Hành sắc Sư ra đón tiếp sứ. Khi Lý Giác về có để lại một bài thơ:
 May gặp minh quân giúp việc làm
 Một mình hai lượt sứ miền Nam.
 Mấy phen qua lại lòng thêm nhớ
 Muôn dặm non sông mắt chửa nhàm
 Ngựa đạp mây bay qua suối đá
 Xe vòng núi chạy tới dòng lam.
 Ngoài trời lại có trời soi rạng
 Vừng nguyệt trong in ngọn sóng đầm. (T.T. Mật Thể)
 * Hạnh ngộ minh thời tán thạnh du
 Nhất thân lưỡng độ sứ Giao Châu
 Đông đô tái biệt tâm vưu luyến
 Nam Việt thiên trùng vọng vị hưu
 Mã đạp yên vân xuyên lãng thạch
 Xa từ thanh chướng phiếm trường lưu
 Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu
 Khê đàm ba tịnh kiến thiềm thu.)
Vua Đại Hành đưa bài thơ ấy cho Sư xem, và hỏi có ý gì không.
Sư tâu:
- Câu thứ bảy sứ Tống có ý tôn bệ hạ ngang hàng với vua của họ.
Vua Đại Hành nhờ Sư làm một bài tiễn sứ. Sư vâng lệnh làm bài từ theo điệu “Tống vương lang qui”:
 Gió hòa phấp phới chiếc buồm hoa
 Thần tiên trở lại nhà.
 Đường muôn nghìn dặm trải phong ba
 Cửa trời nhắm đường xa.
 Một chén quan hà dạ thiết tha
 Thương nhớ biết bao là
 Nỗi niềm xin nhớ cõi Nam hà
 Bầy tỏ với vua ta. (T.T.Mật Thể)
 (Tường quang phong hảo cẩm phàm trương
 Thần tiên phục đế hương.
 Thiên lý vạn lý thiệp thương lương
 Cửu thiên qui lộ trường.
 Nhân tình thảm thiết đối ly thương
 Phan luyến sứ tình lang.
 Nguyện tương thâm ý vị nam cương.
 Phân minh tấu ngã hoàng.)
Sau, Sư viện lẽ già yếu xin từ quan, về quê dựng một ngôi chùa hiệu Phật Đà trên núi Du Hý, làng Cát Lợi, quận Thường Lạc, rồi trụ trì ở đó. Học giả bốn phương tụ họp về học vấn rất đông.
Một hôm, đệ tử nhập thấtĐa Bảo hỏi:
- Thế nào là trước sau học đạo ?
Sư đáp:
- Trước sau không vật tợ hư không,
 Hội đắc chân như thể tự đồng.
 (Thủy chung vô vật diệu hư không
 Hội đắc chân như thể tự đồng.)
- Làm sao gìn giữ ?
- Không chỗ cho ngươi hạ thủ.
- Hòa thượng nói rõ rồi.
- Ngươi hội thế nào ?
Đa Bảo hét một tiếng.
*
* *
Năm thứ hai niên hiệu Thuận Thiên triều Lý (1011) ngày rằm tháng hai, Sư gọi Đa Bảo lại nói kệ:
 Trong cây sẵn có lửa,
 Có lửa, lửa lại sanh.
 Nếu bảo cây không lửa,
 Cọ xát làm gì sanh.
 (Mộc trung nguyên hữu hỏa, 
 Hữu hỏa, hỏa hoàn sanh. 
 Nhược vị mộc vô hỏa, 
 Toản toại hà do manh.) 
Dạy kệ xong, Sư ngồi kiết già thị tịch, thọ 79 tuổi.
 

Thiền Sư MA HA
(Ma-ha Ma-da)
(Đời thứ 10, dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi)

Sư gốc người Chiêm Thành, sau đổi họ là Dương. Cha tên Bối Đà, tinh thông sách lá bối, làm quan dưới triều Lê là Bối trưởng (xưa gọi Đà Phan). Lớn lên Sư có nhận thức thấu đáo, học thông cả hai thứ chữ Phạn và Hán.

Năm 24 tuổi, Sư nối nghiệp cho cha kế thế trụ trì ngôi chùa cũ. Một hôm, đang lúc giảng kinh thấy Hộ pháp Thiện thần xuất hiện quở rằng: “Đâu cần cái học bên ngoài ấy làm gì? Ắt không thể thông lý.” Do đây hai mắt Sư bị mù. Sư hết lòng ăn năn hối lỗi, toan gieo mình xuống vực sâu mà chết. Bỗng gặp Đông Lâm Viễn ngăn rằng: “Dừng! Dừng!” Sư nghe lời này liền tỉnh ngộ.

Về sau, Sư đến chùa Cổ Sơn thọ giáo với Thiền sư Đỗ Pháp Thuận. Ở đây Sư chuyên việc sám hối và tụng Đại Bi tâm chú, ròng rã ba năm chưa từng có một phút giây biếng trễ. Cảm Bồ-tát Quan Âm lấy nước cành dương rưới trên đảnh và mặt mắt. Bỗng nhiên mắt Sư sáng lại tâm càng thanh tịnh.

Niên hiệu Thuận Thiên năm thứ năm (1014), Sư dời về ngọn núi Đại Vân ở Trường An ngày ngày chuyên cần tu tập được “Tổng trì tam-muội” và các pháp thuật, người đời không thể lường nổi.

Hoàng đếĐại Hành ba lần triệu Sư vào cung thưa hỏi, Sư chỉ chấp tay cúi đầu mà thôi. Đến lần thứ ba, Sư mới đáp: “Cuồng tăng ở chùa Quan Ái.” Vua nổi giận sai cầm Sư ở chùa Vạn Tuế trong Đại nội, cắt người canh gác. Sáng hôm sau thấy Sư ở ngoài phòng tăng, mà cửa vẫn kín như cũ. Vua rất kinh dị, bèn trả tự do cho Sư.

Sư dạo phương Nam châu Ái, đến trấn Sa Đảng. Nhân dân ở đây rất sùng mộ quỉ thần, lấy việc sát sanh làm chủ yếu. Sư khuyên họ ăn chay làm phước, họ đồng đáp: “Thiên thần của chúng tôi, họa phước không dám trái.” Sư bảo: “Các ngươi nếu bỏ ác làm lành, dù có quỉ thần xúc hại Lão tăng sẽ gánh chịu cho.” Dân làng thưa: “Gần đây có người mang bệnh hủi nặng, các thầy thuốc đều bó tay, nếu ông trị lành được bệnh này, chúng tôi sẽ nghe theo lời khuyên.” Sư bảo dẫn người bệnh ấy đến. Họ đến, Sư liền tụng chú, lấy nước phun vào người bệnh, chẳng bao lâu bệnh được lành. Dân làng tuy cảm phục, mà tập nhiễm của họ đã lâu, chưa có thể nhất thời cảm hóa được.

Trong đó, có Hương hào họ Ngô nhân ăn thịt uống rượu bèn đem nài ép Sư: “Hòa thượng có thể thưởng thức cái vui này với chúng tôi, chúng tôi sẽ tuân theo lời Ngài dạy.” Sư đáp: “Đã mời thì chẳng dám từ, chỉ sợ e đau bụng thôi.” Hương hào mừng rỡ thưa: “Có đau thì tôi xin thay cho.” Sư nhận lời, ăn uống được vài tuần rượu, chợt bụng sình to lên, hơi thở hào hển. Sư kêu to: “Ông Hương hào đâu chịu thay cho tôi!” Ông Hương hào và cả bọn mặt xám ngắt, không biết làm sao.

Sư tự chấp tay niệm lên: “Nam-mô Phật, Nam-mô Pháp, Nam-mô Tăng cứu con.” Giây lát, Sư mửa ra thịt thì biến thành thú chạy, cá thì hiện cá nhảy, rượu thì hóa thành nước đồng. Mọi người trông thấy đều kinh hãi. Sư bảo: “Thân các ngươi bệnh thì ta chữa được lành, ta đau bụng các ngươi không thay thế được. Vậy từ nay các ngươi có theo lời ta dạy hay không?”

Tất cả dân làng đều bái tạ xin vâng.

Năm Thiên Thành thứ hai (1029) quan Đô úy Nguyễn Quang Lợi mời Sư trụ trì chùa Khai Thiên, phủ Thái Bình. Ở đây được sáu năm, Sư lại rời châu Hoan. Từ đó về sau chẳng biết Sư trụ ở phương nào. 
 
 

THIỀN ÔNG ĐẠO GIẢ
(902 - 979)


(Đời thứ 11, dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi)

Sư họ Lữ quê làng Cổ Pháp, tuổi nhỏ đã không thích việc đời. Sau theo Đinh trưởng lão xuất giađắc pháp.

trụ trì ở chùa Song Lâm làng Phù Ninh, phủ Thiên Đức. Niên hiệu Thái Bình thứ mười triều Đinh (979) nhằm năm Kỷ Mão, Sư viên tịch, thọ 78 tuổi.
 

Thiền Sư SÙNG PHẠM
(1004 - 1087)
(Đời thứ 11, dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi)

Sư họ Mâu, dáng vẻ mạnh mẽ to lớn, hai trái tai thòng đến vai. Xuất gia xong, Sư đến tham vấn với ngài Vô Ngại ở Hương Thành. Sau khi được tâm ấn, Sư dạo khắp nước Thiên Trúc để cầu học hỏi sâu rộng. Mãn chín năm Sư trở về nước gồm thông giới định.

Về sau, Sư trụ trì chùa Pháp Vân làng Cổ Châu, Long Biên thuyết pháp giáo hóa, học giả các nơi qui hướng rất đông. 

Hoàng đếĐại Hành nhiều phen thỉnh Sư vào cung để thưa hỏi huyền chỉ. Vua lấy lễ đãi Sư rất trọng hậu.

Đến năm Quảng Hựu thứ ba triều Lý (1087) nhằm năm Đinh Mão, Sư viên tịch, thọ 84 tuổi.

Vua Lý Nhân Tông có làm bài kệ truy tặng Sư:

 Nước Nam ngài Sùng Phạm
 Tâm không thi đậu về
 Tai dài hiện tướng lạ
 Pháp pháp thảy nhiệm mầu.
 (Sùng Phạm cư Nam quốc 
 Tâm không cập đệ qui 
 Nhĩ trường hồi thụy chất 
 Pháp pháp tận ly vi.) 
 

Thiền Sư ĐỊNH HUỆ
(Đời thứ 12, dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi)

Sư họ Khúc quê ở Cẩm Điền, Phong Châu. Lúc đầu, Sư cùng Thiền sư Vạn Hạnh thờ Thiền Ông Đạo Giả làm thầy, và được truyền tâm ấn. Sau Sư về trụ trì ở chùa Quang Hưng, làng An Trinh, phủ Thiên Đức.

Khi sắp tịch, Sư trao Pháp ấn lại cho đệ tử Lâm Huệ Sinh.
 

Thiền Sư VẠN HẠNH
(? - 1018)-(Đời thứ 12, Dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi)

Sư họ Nguyễn, quê ở làng Cổ Pháp, gia đình đời đời thờ Phật. Thuở nhỏ Sư đã thông minh khác thường, thông suốt Tam họcnghiên cứu Bách luận, mà vẫn xem thường công danh phú quí.

Năm 21 tuổi Sư xuất gia, cùng Thiền sư Định Huệ, thọ học với Thiền Ông Đạo Giả ở chùa Lục Tổ làng Dịch Bảng phủ Thiên Đức. Khi việc rảnh rỗi, Sư học hỏi quên cả mỏi mệt.

Sau khi Thiền Ông tịch, Sư kế tiếp trụ trì chùa này và chuyên tập pháp “Tổng trì tam-ma-địa” lấy đó làm sự nghiệp. Bấy giờ Sư có nói ra lời gì dân chúng đều cho là lời sấm ký. Vua Lê Đại Hành rất tôn kính Sư.

Niên hiệu Thiên Phúc năm thứ nhất (980), tướng Tống là Hầu Nhân Bảo kéo quân sang đánh nước ta, đóng binh ở Cương Giáp, Lãng Sơn, vua Lê Đại Hành mời Sư đến hỏi: 
- Quân ta thắng bại thế nào? 
Sư đáp: 
- Trong ba, bảy ngày thì giặc ắt lui. 
Quả đúng như lời Sư đoán. 
Có kẻ gian tên Đỗ Ngân âm mưu hại Sư. Biết trước sự việc, Sư đưa cho y một bài thơ:
 Thổ mộc sanh nhau Cấn với Kim,
 Vì sao ôm ấp lòng hận phiền?
 Bấy giờ tôi biết lòng buồn dứt,
 Thật đến sau này chẳng bận tâm.
(Thổ mộc tương sanh Cấn bạn Câm (kim) [Thổ Mộc là Đỗ, Cấn Kim là Ngân]
 Vân hà mưu ngã uẩn linh khâm?
 Đương thời ngũ khẩu thu tâm tuyệt
 Chân chí vị lai bất hận tâm.) 
Được thơ này gã Ngân hoảng sợ không tiến hành mưu hại nữa.

Lúc vua Lê Ngọa Triều ở ngôi quá tàn bạo, mọi người đều oán ghét. Khi ấy Lý Thái Tổ còn làm chức Thân Vệ, chưa lên ngôi. Bấy giờ trong nước có những điềm lạ xuất hiện liên miên. Tùy theo chỗ thấy nghe, Sư đều bàn giải phù hợp với triệu chứng nhà Lê sắp mất, nhà Lý lên thay.

Ngày vua Lý Thái Tổ lên ngôi, Sư ở tại chùa Lục Tổ mà vẫn biết trước, báo tin cho chú và bác vua Lý hay: “Thiên tử đã băng hà, Lý Thân Vệ đã khuất phục trong thành nội, túc trực trong vài ngày Thân Vệ ắt được thiên hạ.” Và để chiêu an bá tánh, Sư ra yết thị rằng:
 Tật Lê chìm biển Bắc
 Cây Lý che trời Nam
 Bốn phương binh đao dứt
 Tám hướng thảy bình an
 (Tật Lê trầm bắc thủy 
 Lý tử thọ nam thiên 
 Tứ phương qua can tịnh 
 Bát biểu hạ bình an.)
*
* *

Niên hiệu Thuận Thiên thứ chín (1018) ngày rằm tháng năm, Sư không bệnh chi, mà gọi chúng nói kệ:
 Thân như bóng chớp có rồi không,
 Cây cỏ xuân tươi, thu đượm hồng,
 Mặc cuộc thạnh suy không sợ hãi,
 Thạnh suy như cỏ hạt sương đông.
 (Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
 Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô,
 Nhậm vận thạnh suy vô bố úy
 Thạnh suy như lộ thảo đầu phô.) 

Nói xong, Sư lại bảo chúng: “Các ngươi cần trụ chỗ nào? Ta chẳng lấy chỗ trụ mà trụ, chẳng y không trụ mà trụ.” Ngừng giây lát, Sư tịch.
*

Vua Lý Thái Tổđệ tử làm lễ hỏa táng, nhặt xá-lợi xây tháp cúng dường.

Về sau vua Lý Nhân Tông có làm bài truy tán Sư rằng:
 Vạn Hạnh thông ba mé (Ba mé: quá khứ, hiện tại, vị lai.)
 Thật hợp lời sấm xưa.
 Quê nhà tên Cổ Pháp
 Dựng gậy vững kinh vua.
 (Vạn Hạnh dung tam tế
 Chơn phù cổ sấm cơ (ky) 
 Hương quan danh Cổ Pháp,
 Trụ tích trấn vương kỳ.) 
 

Thiền Sư ĐA BẢO
(Đời thứ 5, dòng Vô Ngôn Thông)

Chẳng rõ Sư người ở đâu và họ gì. Chỉ biết, khi Khuông Việt đại sư mở trường giáo hóa ở chùa Khai Quốc, Sư đến tham học. Được Đại sư khen là bậc gặp cơ lãnh ngộ, xử sự rất đặc cách, riêng cho vào thất.

Sau khi đắc pháp, Sư chỉ một mình một bình bát tiêu dao ngoại vật.

Lúc Lý Thái Tổ còn nhỏ, Sư trông thấy dung nghi dị thường, bèn bảo: “Đứa bé này cốt tướng phi thường, sau này ắt làm chủ nước Nam.” Thái Tổ nghe nói thất kinh thưa: “Nay Thánh thượng anh minh còn tại vị, chốn hải nội đều trị yên, cớ sao Thầy lại nói lời phải tội tru di này?” Sư bảo: “Mệnh trời đã định, người dù muốn tránh cũng chẳng được nào.”

Đến khi Thái Tổ lên ngôi, thường thỉnh Sư vào cung thưa hỏi yếu chỉ Thiền và ân lễ Sư rất thâm hậu. Vua xuống chiếu trùng tu ngôi chùa Kiến Sơ làng Phù Đổng là nơi Sư trụ trì.

Sau không rõ Sư tịch ở đâu và lúc nào.
 

Trưởng Lão ĐỊNH HƯƠNG
(? - 1051)-(Đời thứ 6, dòng Vô Ngôn Thông)

Sư họ Lữ, quê ở Chu Minh, xuất gia hồi thuở nhỏ, theo học với Thiền sư Đa Bảo. Sư theo hầu thầy ngót 24 năm, thâm hiểu Thiền chỉ. Trong nhóm môn đồ của Đa Bảo, Sư là người xuất sắc nhất.

Một hôm Sư hỏi thầy:
- Làm sao thấy được chân tâm?
Đa Bảo đáp:
- Là ngươi tự nhọc.
Sư hoát nhiên tỉnh ngộ, thưa:
- Tất cả đều như vậy, đâu phải riêng con.
- Người hội chưa?
- Đệ tử hội rồi lại đồng chưa hội.
- Cần phải gìn giữ cái ấy.
bịt tai, xây lưng đứng.
Đa Bảo liền nạt: Đi!
Sư sụp xuống lạy.
Đa Bảo dạy:
- Về sau ngươi lại giống một kẻ điếc để tiếp người.

Bấy giờ Đô tướng Thành Hoàng Sứ tên Nguyễn Tuân rất quí mến Sư, thỉnh Sư về trụ trì chùa Cảm Ứng, ở Tiêu Sơn, phủ Thiên Đức. Học chúng các nơi vân tập đông đảo, Sư có công lớn trong việc giáo hóa người.

Đến ngày mồng 3 tháng 3 năm Canh Dần nhằm niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo thứ ba đời Lý Thái Tông (1051), Sư gọi đồ chúng lại từ biệt và để kệ:
 Xưa nay không xứ sở
 Xứ sở là chân tông,
 Chân tôâng như thế huyễn
 Huyễn có là không không.
 (Bản lai vô xứ sở 
 Xứ sở thị chân tông 
 Chân tông như thị huyễn 
 Huyễn hữu tức không không.)

Dạy kệ xong, Sư im lặng mà hóa.
 

Thiền Sư THIỀN LÃO
(Đời thứ 6, dòng Vô Ngôn Thông)

Không rõ tên họ và sanh quán Sư ở đâu. Chỉ biết Sư đến tham học với Thiền sư Đa Bảo ở chùa Kiến Sơ, thầm được tâm yếu. Sau, Sư tìm đến Từ Sơn cắm gậy ở đó, trụ trì chùa Trùng Minh trên núi Thiên Phúc huyện Tiên Du

Thiền phong của Sư lan khắp, học giả theo học có trên ngàn người, cảnh chùa này trở thành một tùng lâm sung thạnh.

Khoảng niên hiệu Thông Thụy (1034-1038) vua Lý Thái Tông thường đến viếng chùa Sư. Vua hỏi Sư:
- Hòa thượng trụ núi này đã được bao lâu?
Sư đáp:-Chỉ biết ngày tháng này
 Ai rành xuân thu trước.
 (Đản tri kim nhật nguyệt
 Thùy thức cựu xuân thu.)
Vua hỏi:- Hằng ngày Hòa thượng làm gì?
Sư đáp: - Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác
 Trăng trong mây bạc hiện toàn chân.
 (Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh
 Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân.)
Vua lại hỏi:- Có ý chỉ gì?
Sư đáp:- Lời nhiều sau vô ích.
Vua hoát nhiên lãnh hội.
*
* *
Sau khi về cung, vua sai sứ đến chùa rước Sư vào triều làm cố vấn. Khi đến nơi, Sư đã viên tịch. Vua rất đỗi mến tiếc, ngự chế thi và ai vãn, sai Trung sứ đến cúng và tặng lễ, thu linh cốt xây tháp cúng dường. Tháp dựng tại cửa núi, vua lại cho trùng tu lại ngôi chùa Sư ở và đặt người hôm sớm lo hương hỏa.
 

Thiền Sư THẢO ĐƯỜNG
(Tổ khai sáng dòng thiền Thảo ĐườngViệt Nam)

Sư người Trung Hoa, là đệ tử của Thiền sư Trùng Hiển ở Tuyết Đậu (Tuyết Đậu Trùng Hiển) nhằm đời pháp thứ ba phái Vân Môn. Không rõ lý do gì, Sư sang ở Chiêm Thành.

Năm Kỷ Dậu (1069), vua Lý Thánh Tông đem binh sang đánh Chiêm Thành, bắt được Chế Củ là vua nước ấy cùng một số tù binh. Về triều, vua ban cho bá quan những tù binh để làm nô bộc. Sư cũng nằm trong tù binh ấy, và chính Sư lại rơi vào làm nô bộc cho một vị Tăng lục.

Một hôm vị Tăng lục đi khỏi, Sư thấy bản Ngữ lục để trên bàn có mấy chỗ sai, bèn tự ý sửa chữa lại. Vị Tăng lục đi về, xem thấy thế ngạc nhiên, hỏi ra mới biết Sư sửa. Ông đem việc ấy tâu lên vua Lý Thánh Tông. Vua đòi Sư vào triều, đem kinh luận và thiền hỏi Sư. Sư ứng đối rất lanh lẹ và xác đáng. Vua rất kính phục, truy nguyên ra mới biết tông tích của Sư.

Từ đó, vua Thánh Tông thường thưa hỏi Phật pháp nơi Sư và phong Sư chức Quốc sư, mời ở chùa Khai Quốc trong thành Thăng Long. Đồ chúng nghe tiếng tìm đến tham vấn rất đông. Do đây biến thành phái thiền thứ ba ở Việt Nam.

Đến 50 tuổi, Sư có chút bệnh ngồi kiết già thị tịch.

Phái thiền của Sư truyền xuống được năm đời, song ít thấy ghi chép lịch sử đầy đủ.





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
24/08/2015(Xem: 11037)
Tôi hôm nay hân hạnh được góp một vài ý kiến trong Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, vị đạo sư đã khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc và vì ngài có một thời gian cư trú ở Chùa Tây An (Thiền phái Lâm Tế) dưới chân núi Sam (Châu Đốc), nên vị đạo sư họ Đoàn được người dân một cách tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Từ gốc rễ đó, Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, thường được coi là sự kế thừa và phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương trong bối cảnh mới. Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :