Phần 15

04/06/201112:00 SA(Xem: 8854)
Phần 15

THIỀN SƯ VIỆT NAM

Hoà Thượng Thích Thanh Từ
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh 1992


Thiền Sư TỊNH GIÁC THIỆN TRÌ
(MỘC Y SƠN ÔNG)

Thiền sư Tịnh Giác - Thiện Trì, húy Tánh Ban, hiệu là Mộc Y Sơn Ông thường được gọi là Ông Núi hay Ông Núi mặc áo vỏ cây, tên là Lê Ban, người Trung Hoa (?).
Năm Nhâm Ngọ (1702), thời chúa Nguyễn Phước Chu, Ông Núi đến núi Linh Phong ở vùng miền biển Phương Phi, Phương Thái, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, lập am tranh tu hành, đặt tên chùa là Dũng Tuyền.
Tương truyền, hằng ngày ông vào núi hái củi, bó thành bó to, đội củi xuống núi đặt bên vệ đường, người dân địa phương đem gạo, rau đổi lấy. Núi này nhiều cọp beo và thú dữ, nhưng với đức hạnh cao phong của Ông Núi, thú dữ trở nên hiền lành, gần gũi nhau thân thiện, không còn cách biệt giữa người và vật.
Năm Quí Sửu (1733), chúa Nguyễn Phước Trú (1726-1738) nghe danh Ông Núi, quí trọng ông là một Thiền sư chân chính nên ra lệnh xây cất lại chùa Dũng Tuyền trở thành một ngôi chùa lớn, đặt tên chùa là “Linh Phong Thiền Tự”, lại ban cho tấm hoành có viết bốn chữ “Linh Phong Thiền Tự”, phía trái khắc chữ “Vĩnh Khánh, tháng giêng năm Quí Sửu”, phía mặt có khắc chữ “Quốc Chủ ngự đề”. Chúa cũng ban cho chùa câu đối:
 Hải ngạn khởi lương nhân, pháp vũ phổ thiên tư Phật thổ. 
 Linh Phong ngưng thoại khí, tường vân biến địa ấm nhân gian.
 (Bờ biển gặp duyên may, mưa pháp khắp trời thấm nhuần đất Phật.
 Núi Linh đọng khí tốt, mây lành khắp chốn che chở người đời.) 
Chúa lại ban cho Ông Núi hiệu “Tịnh Giác Thiện Trì Đại Lão Thiền sư”.
Năm Tân Dậu (1741), niên hiệu Cảnh Hưng thứ ba, chúa Võ Vương Nguyễn Phước Khoát (1738-1765) sắc triệu “Ông Núi” về đô thành Phú Xuân tham vấn Phật pháp. Ông Núi xách tích trượng về phủ Chúa ở đó một tháng. Chúa ban cho Ông Núi ca-sa có móc vàng, vòng ngọc.
Ông Núi viên tịch tại chùa Linh Phong vào thời Tây Sơn, đồ chúng lập tháp thờ ở bên phải chùa vào năm Thái Đức thứ tám (1785). Tháp có câu đối:
 “Quyền thạch tiệm thành sơn, thản thản u trinh thường lạc thổ.
 Chúng lưu năng vi thủy, man man không tế Động Đình thiên.”
 (Gom đá dần dần thành núi, tĩnh mịch thênh thang đất Phật vui.
 Nhiều dòng nước thành sông, mênh mông bát ngát trời Động Đình.)
Năm Gia Long thứ bảy (1808), Hoàng hậu Hiếu Khương ra lịnh cho trùng tu chùa Linh Phong, trong khi trùng tu, không ai được lấy đi bất cứ một vật gì của chùa. 
Tương truyền vào thời vua Minh Mạng (1821-1840), một hôm vua bị bệnh, vừa chợp mắt mộng thấy một vị sư già mặc áo vỏ cây đứng bên giường ngọc quạt cho vua. Sáng sớm hôm sau vua hết bệnh, và khỏe mạnh như thường. Ngự triều kể lại chuyện đêm qua, có quan trong triều cho rằng: vị Sư già đó có lẽ là Mộc Y Sơn Ông (ông Núi mặc áo vỏ cây) ở chùa Linh Phong ngày xưa. Vì vậy vua xuống sắc ra lịnh cho quan trấn tỉnh Bình Định trùng tu lại chùa Linh Phong, cấp cho một trăm hai mươi lượng bạc, đồng thời vua ra lệnh cho quan địa phương thỉnh pháp phục của Sơn Ông được triều trước ban thưởng đem về cung Nội ở kinh đô Huế để vua chiêm ngưỡng, rồi theo mẫu đó, chế ra một áo ca-sa móc vàng, vòng ngà mới ban cho đem về chùa thờ cúng.
 
 

Hòa Thượng MINH VẬT NHẤT TRI
( ? - 1786)-(Đời pháp thứ 34, tông Lâm Tế)

Hòa thượng Minh Vật Nhất Tri thuộc phái thiền Lâm Tế đời pháp thứ 34, trụ trì chùa Kim Cang ở Đồng Nai, là đệ tử của Tổ sư Nguyên Thiều Siêu Bạch.
Trước đây, trong các sách Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam chỉ biết Hòa thượng Minh Vật Nhất Triđệ tử của Tổ sư Nguyên Thiều Siêu Bạch, nhưng không biết rõ Hòa thượng Nhất Tri hoằng hóa ở đâu, hành trạng như thế nào.
Nhờ đi tìm tòi, nghiên cứu về các Thiền sư hoằng hóa ở Đồng Nai, chúng tôi phát hiện được tháp của Tổ sư Nguyên Thiều, Long vị của Hòa thượng Minh Vật Nhất Tri ở chùa Kim Cang (Đồng Nai), chúng tôi mới biết được là Hòa thượng Minh Vật Nhất Tri cùng với Bổn sư là Tổ sư Nguyên Thiều Siêu Bạch hoằng hóa ở chùa Kim Cang. Sau đó, chúng tôi theo dấu vết của các Thiền sư hoằng hóa ở Đồng Nai, tìm thấy thêm các đệ tửpháp tôn của Hòa thượng Minh Vật Nhất Tri hoằng hóa ở nhiều nơi như sau:
1. Hòa thượng Liên Hoa, tức Thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt, là Tăng cang chùa Thiên Mụ (Đô thành Phú Xuân), sau Trụ trì chùa Sắc Tứ Từ Ân (ở Gia Định), Hòa thượng Liên Hoa có các đệ tử cũng là Tăng cang chùa Thiên Mụ là Tế Chánh Bổn Giác, Tế Bổn Viên Thường ...
2. Thiền sư Thiệt Thoại Tánh Tường khai sơn chùa Hoa Nghiêm (Thủ Đức, Gia Định) và chùa Long Thọ (xã Phú Cường, Thủ Dầu Một), có đệ tử nổi danh là Tế Giác Quảng Châu trụ trì ở chùa Giác Lâm (Gia Định), Tế Vĩnh Quảng Nhân và Tế Lý Quảng Đức trụ trì chùa Hoa Nghiêm (Huê Nghiêm) ở Thủ Đức.
3. Thiền sư Phật Chí Đức Hạnh khai sơn chùa Long Nhiễu (Thủ Đức Gia Định).
Hiện chưa biết rõ về hành trạng của Hòa thượng Minh Vật Nhất Tri, nhưng có thể đoán biết Hòa thượngcao tăng tài đức đúng theo ý nghĩa của pháp danh của Ngài, và vì có những đệ tửpháp tôn nổi danh trên.
Hiện chưa biết Hòa thượng Minh Vật Nhất Tri sanh năm nào, ở đâu, là người Việt hay người Hoa (có thể là người Trung Hoa). Chỉ biết được là Hòa thượng Minh Vật Nhất Tri viên tịch ngày mùng 10 tháng 10 năm Bính Ngọ (1786) nhờ phía sau long vị có đề:
“Thập ngoạt sơ thập nhật viên tịch.” (Viên tịch ngày mùng 10 tháng 10.)
“Tuế thứ Đinh Mùi niên, Trọng Xuân ngoạt, cát nhật cẩn tạo.” (Cẩn tạo ngày tốt, tháng hai năm Đinh Mùi.)
Long vị được tạo mùa Xuân năm Đinh Mùi (1787), mà Hòa thượng viên tịch ngày mùng 10 tháng 10, như vậy phải là năm trước năm Đinh Mùi, tức năm Bính Ngọ (1786?).
Đặc biệt, các đệ tử của Hòa thượng Minh Vật Nhất Tri truyền thừa theo nhiều bài kệ truyền pháp khác nhau; trong đó Thiền sư Thiệt Thoại Tánh Tường truyền theo bài kệ “Thiệt Tế Đại Đạo, Tánh Hải Thanh Trừng...” mà nhiều người cho là bài kệ do Thiền sư Thiệt Diệu Liễu Quán đặt ra (?).
- Thiền sư Thiệt Thoại Tánh Tường khai sơn chùa Huê Nghiêm (Thủ Đức, Gia Định) có truyền thừa theo bài kệ “Thiệt Tế Đại Đạo...” ở các chùa Đức Lâm (Gia Định), Linh Sơn (Bà Đen); ở chùa Huê Nghiêm lại truyền theo bài kệ của Tổ Vạn Phong “Tổ Đạo Giới... Siêu Minh Thiệt Tế Liễu Đạt Ngộ Chân Không”.
- Thiền sư Phật Chí Đức Hạnh khai sơn chùa Long Nhiễu (Thủ Đức) truyền theo bài kệ của Tổ Đạo Mân “Đạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên...”.
 (Xem Phổ hệ truyền thừa của Hòa thượng Minh Vật Nhất Tri.)
 
 

Hòa Thượng THÀNH ĐẲNG MINH LƯỢNG (MINH YÊU)
PHÁP TỬ

Thiền sư Thành Đẳng Minh Lượng là đệ tử của Tổ sư Nguyên Thiều Siêu Bạch, thuộc phái thiền Lâm Tế, thế hệ thứ 34, hiện chưa biết rõ quê quán và hành trạng của Ngài ...
Có thể Thiền sư Thành Đẳng thọ giáo qui y với Hòa thượng Minh Vật Nhất Tri ở chùa Kim Cang (Bình Thảo - Đồng Nai), và sau đó, Thiền sư đến trụ trì chùa Đại Giác ở Đại Phố Đồng Nai (cù lao Phố, xã Hiệp Hòa, tỉnh Biên Hòa sau này).
Chúng tôi chưa tìm được pháp danh (húy) của Thiền sư Quảng Đức là gì và chưa tìm được về truyền thừa của vị này cũng như chưa có tài liệu về các Thiền sư Chí Toàn, Đức Bổn, Chí Bi, Tịnh Nhãn, Viên Trừng, Toàn Chương ... Nhưng về truyền thừa của Thiền sư Linh Nhạc, chúng tôi tìm được sự truyền thừahành trạng của các Thiền sư khá đầy đủ như: Thiền sư Linh Nhạc, Thiền sư Mật Hoằng, Thiền sư Viên Quang.
 
 

Hòa Thượng THÀNH NHẠC ẨN SƠN
( ? - 1776)-(Đời pháp thứ 34, tông Lâm Tế)

Hiện chưa biết rõ về quê quán và hành trạng của Hòa thượng Thành Nhạc Ẩn Sơn, chỉ biết:
Hòa thượng Thành Nhạc là đệ tử của Tổ sư Nguyên Thiều Siêu Bạch, và Hòa thượng Thành Nhạc đã khai sơn chùa trên núi Châu Thới. Hòa thượng Thành Nhạc vẫn thỉnh thoảng xuống Bến Ngựa ở trên sông Đồng Nai để tắm, sau này các đệ tử hay pháp tôn mới lập chùa Long Thiền (xã Bửu Hòa, tỉnh Biên Hòa sau này).
Hòa thượng Thành Nhạc Ẩn Sơn viên tịch ngày 17 tháng chạp năm Bính Thân (1776) ở chùa núi Châu Thới, đệ tử lập tháp ở gần chùa để an tángthờ cúng. Sau này, tháp này bị hư sập nên môn đồ lập thêm vọng tháp ở chùa Long Thiền để thờ (Theo lời kể của hai huynh đệ là Tỳ-kheo ... và Đại đức ... chùa núi Châu Thới kể năm 1989.)
Qua tài liệu ở chùa núi Châu Thới, chùa Phước Tường (Thủ Đức), chùa Long Thiền và chùa Hiển Lâm (Đồng Nai), chúng ta biết được là Hòa thượng Thành Nhạc Ẩn Sơn có đệ tử nổi danhThiền sư Phật Chiếu Linh Quang Trụ trì chùa Long Hưng (?) và chùa Phước Tườngxã Tăng Nhân Phú (Thủ Đức).
Hòa thượng Thành Nhạc còn có hai đệ tử nữa là Phật Bửu và Phật Định, nhưng hiện chưa biết về tiểu sửhành trạng của hai vị này.
Qua các tài liệu ở các chùa trên, chúng ta có được tạm thời về sự truyền thừa của Hòa thượng Thành Nhạc Ẩn Sơn như sau:

Đời 33 Nguyên Thiều
 Siêu Bạch
 
Đời 34 Thành Nhạc
 Aån Sơn
Đời 35 Phật Chiếu Phật Bửu Phật Định
 Linh Quang
Đời 36 Tổ Kim Tổ Thuận Lâm Đức Sơn
 Từ Chân Đức An Phổ Chiếu
Đời 37 Tiên Đức
 Tịnh Tạng
Đời 38 Minh Thi
 Thiện Bảo
Đời 39 Như Luật
Đời 40 Kiểu Oai
 Tâm Minh
Đời 41 Nhật Giác Nhật Giáo
 Huệ Đạt Huệ Lâm
 ­ ½
 ( Lệ Hạnh
 ( Thiện Viên
 ½ ­
 Chùa Long Thiền Chùa Hiển Lâm
 
 

Thiền Sư PHẬT Ý LINH NHẠC
(1725 - 1821)
VỚI CHÙA SẮC TỨ TỪ ÂN VÀ CHÙA QUỐC ÂN KHẢI TƯỜNG

Hiện chưa biết về quê quán của Thiền sư Phật Ý Linh Nhạc, có lẽ quê ở dinh Trấn Biên (tỉnh Biên Hòa, Bà Rịa sau này). Tài liệu ở chùa Đại Giác cho biết: Thiền sư Phật Ý tịch năm Tân Tỵ (1821) thọ 97 tuổi, như vậy là sanh năm Ất Tỵ (1725).
Thiền sư Linh Nhạc Phật Ý qui y thọ giáo với Hòa thượng Thành Đẳng Minh Lượng chùa Đại Giác tại Đại Phố Đồng Nai, dinh Trấn Biên (cù lao Phố, xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa ngày nay).
Năm Giáp Ngọ (1744), chúa Võ Vương tổ chức lãnh thổ Đàng Trong thành một nước riêng biệt, coi như ngang hàng với Đàng Ngoài chứ không chịu thần phục vua Lê, chúa Trịnh ở Đàng Ngoài nữa. Chúa đã cho mở rộng lãnh thổ Đàng Trong, phát động phong trào di cư đông đảo đến huyện Tân Bình, dinh Phiên Trấn của phủ Gia Định, tức vùng đất Sài Gòn-Gia Định sau này. Dân chúng từ các địa phương miền Trung nước Việt và vùng Đồng Nai di chuyển đến huyện Tân Bình.
Thiền sư Phật Ý Linh Nhạc vâng lời thầy, theo lớp người dân từ Đồng Nai xuống huyện Tân Bình, trong đó có cả người Việt và người Hoa. Trên đường đi, Thiền sư Linh Nhạc gặp một tăng sĩ cùng lứa tuổi (hiện chưa biết rõ pháp danhtông phái) kết làm huynh đệ và cùng nhau đến làng Tân Lộc lo khai phá rừng, cất am tranh tu hành và cùng với dân chúng khai khẩn ruộng đất canh tác. Hai huynh đệ chia phiên nhau: cứ nửa tháng ra làm ruộng rẫy, đốn củi, hái rau, trái cây về ăn, nửa tháng sau ở nhà lo sửa sang am thờ Phật, đóng bàn ghế, tủ thờ... đêm đến hai huynh đệ cùng nhau tọa thiền tụng kinh, học thêm kinh sách Phật giáo.
Người dân di cư sống xa quê hương, ở vùng đất mới hoang vắng giữa rừng rậm đầy thú dữ, rắn rít độc...Ban ngày lo khai phá ruộng đất ở giữa rừng, vừa mệt nhọc vừa sống trong cảnh bất trắc trước những tai họa do ác thú gây ra (cọp beo ăn thịt, rắn độc cắn, cá sấu ăn...), đêm đến sống trong cảnh âm u hoang vắng giữa vùng rừng rậm, con người cảm thấy quá bé nhỏ giữa thiên nhiên rộng lớn bao la. Trước những tai họa do ác thú gây ra, hoặc tai nạn lao động (cây đè chết chóc, gãy tay chân...), hoặc bệnh hoạn chết chóc vì khí thiêng nước độc... làm cho con người thấy rõ được sự vô thường của cuộc đời, nay còn mai mất, sự thay đổi của cuộc đờithỉnh thoảng lại gặp những sự việc hay hiện tượng huyền bí, mầu nhiệm... con người cảm thấy cần đến sự an ủi tinh thần và cần đến sự hộ trì của Trời Phật, của những đấng vô hình, nên họ tìm đến chùa chiền và các tăng sĩ Phật giáo để nhờ an ủi, cầu nguyện... Vì vậy, dân chúng trong vùng mới đến am tranh của Thiền sư Linh Nhạc để cầu nguyện, nghe thuyết giảng về Phật pháp, tụng kinh lễ sám, nhất là những ngày 14, rằm, 30, mùng 1 âm lịch (sóc, vọng).
Sau đó, khi cuộc sống tạm ổn định, người bạn đạo của Thiền sư Linh Nhạc cũng cất thêm một am tranh mới, cách am tranh cũ vài trăm thước để thuận tiện cho việc tu hành.
Sau hơn mười năm lao động vất vả, cuộc sống của người dân di cư được ổn định, khai khẩn trồng trọt đã thu hoạch được hoa lợi, cuộc sống người dân thoải mái hơn, nên Phật tử đến chùa càng ngày càng đông. Vì vậy năm Nhâm Thân (1752), Thiền sư Linh Nhạc với sự hộ giúp của bổn đạo đã dỡ bỏ am tranh, cất thành một ngôi chùa khang trang, có đủ chánh điện, nhà Tổ, phòng khách... Thiền sư Linh Nhạc Phật Ý đặt tên chùa là “Từ Ân” với ngụ ý là nhờ lòng từ bi và ân huệ của đức Phậtbá tánh được bình an, tạo được cuộc sống ấm no hạnh phúc nơi vùng đất mới và cũng nhờ lòng từ bi và ân huệ của đức Phật, chư vị hộ pháp mà tạo nên được cơ sở để truyền bá đạo pháp cho bá tánh.
Ngôi am của vị sư gần đó cũng được sửa thành ngôi chùa khang trang với tên là “Khải Tường” với ngụ ý là mở rộng phước lành cho bá tánh.
Chùa Khải Tường ở góc đường Lê Quí Đôn và Trần Quí Cáp, tức vị trí ở ngôi nhà lớn dùng làm trường Đại học Y khoa; chùa Từ Ânvị trí chợ Đũi, thuộc quận 3 Sài Gòn sau này.
Sau một thời gian hoằng hóa, vị sư ở chùa Khải Tường viên tịch, Thiền sư Phật Ý Linh Nhạc trụ trì luôn cả hai chùa. Do tài đức và nhiệt tâm hoằng pháp của Thiền sư Linh Nhạc, hai chùa Từ Ân và Khải Tường trở thành hai ngôi chùa lớn và nổi tiếng ở phủ Gia Định.
Trong khi hai chùa Từ Ân và Khải Tường phát triển rộng lớn, Thiền sư Linh Nhạc Phật Ý được sự phụ giúp của sư đệ trong tông phái Lâm Tế là:
- Thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt, cũng thuộc đời 35 như sư Linh Nhạc (đệ tử của Hòa thượng Minh Vật Nhất Tri) được cử giữ chức Thủ tọa, lo điều khiển tăng chúng trong hai chùa. Nhưng sau khi Hòa thượng Minh Vật Nhất Tri viên tịch (năm 1786), Thiền sư Liễu Đạt kính Sư huynh Linh Nhạc Phật Ý như thầy.
Ngoài ra, Thiền sư Phật Ý Linh Nhạc cũng đào tạo được một số đệ tửtrình độđức hạnh để lo việc trong chùa:
- Thiền sư Tổ Tông Viên Quang: là trưởng tử của Hòa thượng Linh Nhạc, được giao lo phụ trách việc giảng giải kinh điển cho đồ chúng trong chùa.
- Thiền sư Tổ Đạt Trí Tâm được trao chức Tri khách, lo việc tiếp khách và việc giao dịch của chùa; sau được cử trụ trì chùa Khải Tường. Thiền sư Tổ Ấn Mật Hoằng sau thời gian tu học ở chùa Từ Ân, được về trụ trì chùa Đại Giác ở dinh Trấn Biên (Biên Hòa) có lẽ vào năm 1775, sau này còn được vua Gia Long mời ra kinh đô Huế hoằng hóa, được phong chức Tăng cang chùa Thiên Mụ (1814-1817), trụ trì chùa Quốc Ân (do Tổ sư Nguyên Thiều thành lập) cho đến ngày viên tịch (năm 1835).
- Thiền sư Tế Chánh Bổn Giác: Đệ tử của Thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt, được Thiền sư Linh Nhạc giao chức Tri sự, lo việc điều hành nội bộ chùa Từ Ân.
Năm Nhâm Thìn (1772), Phật tử ở chùa Giác Lâm (Phú Thọ, Gia Định) đến chùa Từ Ân xin Hòa thượng Linh Nhạc Phật Ý cử tăng sĩ vào trụ trì chùa này. Chùa Giác Lâm do cư sĩ Lý Thoại Long, người Minh Hương, quyên tiền bá tánh xây cất năm Giáp Tý (1744). Hòa thượng Linh Nhạc cử Thiền sư Viên Quang Tổ Tông vào trụ trì chùa Giác Lâm từ đó cho đến ngày viên tịch (1827).
Năm 1801, Nguyễn Vương chiếm lại được kinh đô Phú Xuân và sau đó chiếm luôn cố đô Thăng Long, dẹp tan nhà Tây Sơn, thống nhất đất nước Đại Việt sau mấy thế kỷ phân chia ly tán. Năm 1802, Nguyễn Vương lên ngôi lấy hiệu là Gia Long.
Sau khi lên ngôi, vua Gia Long (1802-1820) sắc tứ trùng tuban thưởng cho các chùa:
- Sắc Tứ Từ Ân Tự, Quốc Ân Khải Tường Tự, cấp lương tiền và mọi chi phí cho tăng chúngsinh hoạt của hai chùa này, coi là hai chùa của quốc gia, dân thường gọi là “chùa quan”.
- Vua sai quan trấn Trấn Biên (tỉnh Biên Hòa sau này) đem tượng binh và công thợ trùng tu chùa Đại Giác. Sau đó công chúa Ngọc Anh cũng tu hành ở chùa Đại Giác. Vua ban y bát và sắc phong cho Thượng tọa Phật Ý Linh Nhạc làm Hòa thượng.
Năm 1814, vua Gia Long lại phong cho đệ tử của Hòa thượng Linh Nhạc là Thiền sư Tổ Ấn Mật Hoằng làm Tăng cang chùa Thiên Mụ. Năm 1817, vua lại cử Thủ tọa chùa Từ ÂnThiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt làm Tăng cang chùa Thiên Mụ, thay thế cho Thiền sư Mật Hoằng qua trụ trì chùa Quốc Ân. Sau đó, vua lại ban cho Tăng cang Liễu Đạt danh hiệuHòa thượng Liên Hoa. Đại lão Hòa thượng Linh Nhạc là bậïc giác ngộ, khoảng năm 1820-1821, dù Hòa thượng Linh Nhạc ở chùa Từ Ân (Gia Định) nhưng biết việc ở xa, nên có nói với đệ tửThiền sư Viên Quang (Trụ trì chùa Giác Lâm) là sợ cho duyên trần ràng buộc Hòa thượng Liên Hoa đang hoằng hóa ở kinh đô Huế. Quả thực, Hòa thượng Liên Hoa ở Huế đang bị Hoàng Cô là Tế Minh Thiên Nhật thương mến và cố kết gây nghiệp duyên oan trái.
Ngày 20 tháng 11 năm Tân Tỵ (1821), Minh Mạng nguyên niên, Đại lão Hòa thượng Phật Ý Linh Nhạc viên tịch tại chùa Từ Ân, thọ 97 tuổi. Khi Đại lão Hòa thượng viên tịch có mùi hương ngát ở chùa. Chắc hẳn là Ngài đã đạt thành Chánh giác.


Đồ chúng và quan chức Gia Định làm lễ an táng Đại lão Hòa thượng hết sức long trọng, lập tháp trong khuôn viên chùa Từ Ân (trong khuôn viên vườn Tao Đàn ở Sài Gòn ngày nay).
Đến năm Quí Hợi 1923, Thiền sư Hồng Hưng tổ chức lễ thỉnh hài cốt của Tổ Phật Ý Linh Nhạc về chùa Giác Lâm và lập tháp mới bên cạnh tháp của Hòa thượng Tổ Tông Viên Quang trong khuôn viên chùa Giác Lâm.
 
 

Thiền Sư LIỄU ĐẠT THIỆT THÀNH
(? - 1823)-(Đời pháp thứ 35, tông Lâm Tế)
 

Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành hay Hòa thượng Liên Hoa. Hiện chưa biết tên họ thực, quê quán ở đâu, chỉ biết: Thiền sư Liễu Đạtđệ tử Hòa thượng Minh Vật Nhất Tri, có lẽ Thiền sư Liễu Đạt qui y với Hòa thượng Nhất Tri ở chùa Kim Cang (Bình Thảo, Đồng Nai).
Trong thời gian Hòa thượng Phật Ý Linh Nhạc (cũng thuộc phái thiền Lâm Tế, đời 35) hoằng hóa ở chùa Từ Ân (Gia Định), từ năm 1744 đến năm 1821 Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành được cử làm Thủ tọa ở chùa này.
Năm Đinh Sửu, niên hiệu Gia Long thứ 16 (năm 1817) vua xuống sắc, triệu Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành ra kinh đô Huế, cử làm Tăng cang chùa Thiên Mụ (1817-1823), trong thời gian này, Tăng cang Liễu Đạt còn được cử làm Pháp sư để thuyết giảng Phật pháp trong Nội cung của vua Gia Long. Mỗi tháng, Tăng cang Liễu Đạt phải vào nội cung 8 ngày để thuyết pháp cho Hoàng gia. Sau đó, vua phong cho Tăng cang Liễu Đạt Thiệt Thành danh hiệuHòa thượng Liên Hoa.
Hòa thượng Liên Hoatướng mạo oai nghiêm, tướng tốt (tướng hảo), thông minh, có tài thuyết giảngbiện luận về Phật pháp nên được nhiều Phật tử trong cung Nội và triều thần nhà Nguyễn kính phục và mến mộ tài đức.
Trong thời gian Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành hoằng hóa ở kinh đô Huế (vào khoảng năm 1821), Hòa thượng Phật Ý Linh Nhạc ở chùa Từ Ân (Sài Gòn) nói với đệ tửThiền sư Viên Quang Tổ Tông Trụ trì chùa Giác LâmHòa thượng lo cho Sư Liễu Đạt không tránh khỏi mối dây ràng buộc của nghiệp trần duyên vì Thiền sư Liễu Đạttướng hảo, có tài thuyết giảng và khoa ăn nói, lại giảng giải trong nội cung, gần nhiều với nữ sắc quyền quí.
Ngày 20 tháng 11 năm Tân Tỵ (1821), Đại lão Hòa thượng Phật Ý Linh Nhạc viên tịch ở chùa Từ Ân, Thiền sư Liễu Đạt không hay biết việc này. Mãi đến đầu năm 1823, có các quan đại thần từ Gia Định ra kinh đô Huế dự lễ, Hòa thượng Liên Hoa mới biết được tin đó, và nhân đó mới có cớ để xin vua cho từ nhiệm ở chùa Thiên Mụ và ở kinh đô Huế về Gia Định. Sau cả tháng, Thiền sư Liễu Đạt mới được vua cho phép về Trụ trì chùa Từ Ân ở Gia Định…
… Năm Qúi Mùi (1823) Hòa thượng Liên Hoa lên chùa Đại Giáccù lao Phố, tỉnh Biên Hòa để nhập thất… 
bài kệ Niết-bàn do Hòa thượng Liên Hoa viết bằng mực đen trên vách chánh điện:
 THIỆT đức rèn kinh vẹn kiếp trần
 THÀNH không vẩn đục vẫn trong ngần
 LIỄU tri mộng huyễn chân như huyễn
 ĐẠT đạo mình vui đạo mấy lần.
Phía dưới có đề: Sa-môn Thiệt Thành hiệu Liễu Đạt.
Hay tin Hòa thượng Liên Hoa đã viên tịch, các quan tỉnh Biên Hòa và các quan thuộc dinh Tổng trấn ở Gia Định phải báo tin về triều và hợp nhau tổ chức tang lễ. 
*
Hòa thượng Liên Hoa hay Thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt có các đệ tử nổi danh như:
- Thiền sư Tế Chánh Bổn Giác: sau là Tăng cang chùa Thiên Mụ (1823-1825), Tăng cang chùa Giác Hoàng đứng ra lo trùng tu chùa Quốc Ân và chùa Từ Ân.
- Thiền sư Tế Bổn Viên Thường (1769-1848) trụ trì chùa Long Quang và chùa Pháp VânThừa Thiên (Huế), và Tăng cang chùa Thiên Mụ.
- Thiền sư Tế Tín Chánh Trực trụ trìtrùng tu chùa Sắc Tứ Từ Ân và chùa Quốc Ân Khải Tường.
 
 

Thiền Sư TỔ ẤN MẬT HOẰNG
(1735 - 1835)-(Đời pháp thứ 36, tông Lâm Tế)

Thiền sư Mật Hoằng, húy Tổ Ấn, họ Nguyễn, sanh năm Ất Mão (1735), quê ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.
Năm 1749, lúc mới 15 tuổi, Mật Hoằng từ Bình Định vào Gia Định, tu hành ở chùa Đại Giác, tại Đại Phố Đồng Nai, huyện Phước Long, dinh Trấn Biên (nay là cù lao Phố, xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa tỉnh Đồng Nai). Sau đó, Mật Hoằng đến thọ giới cụ túc với Hòa thượng Phật Ý Linh Nhạc ở chùa Từ Ân, làng Tân Khai, huyện Tân Bình, dinh Phiên Trấn (nay thuộc quận 3, thành phố Hồ Chí Minh). Tu trì giới hạnh tinh nghiêm.
Năm Quí Tỵ (1773), Thiền sư Mật Hoằng được cử làm Trụ trì chùa Đại Giác (Biên Hòa, Đồng Nai).
Trong thời gian chống với nhà Tây Sơn ở phủ Gia Định (năm 1778 đến năm 1801) Nguyễn Vương Nguyễn Phước Ánh nhiều lần phải lánh nạn ở các chùa miền Nam như chùa Kim Cang, Bửu Phong (Đồng Nai), Tập Phước (Gia Định), Long Nguyên (hay Linh Thứu, Mỹ Tho)... Nguyễn Vương cũng có thời gian tạm trú ở chùa Đại Giác (Biên Hòa), Từ Ân và Khải Tường (Gia Định). Trong thời gian đó, con gái thứ ba của Nguyễn Vương là Ngọc Anh, lánh nạn ở chùa Đại Giác (Biên Hòa), một thời gian sau, công chúa Ngọc Anh xin xuất gia thọ giới với Thiền sư Mật Hoằng, hiện chúng ta không biết rõ hành trạng của công chúa, trong tạp chí Bulletin des Amis du Vieux Huê (B.A.V.H.) năm 1915, có viết như sau: Công chúa Ngọc Anh, chị của Vua (Minh Mạng), còn trẻ và tiết liệt, khi tị nạn nhà Tây Sơn đã đến tu ở chùa Đại Giác, giữ cuộc sống trầm tư mặc tưởng, hành đạo một cách sùng mộ.
Năm 1802, sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, Nguyễn Vương lên ngôi, lấy hiệu là Gia Long. Vua nhớ ơn sự giúp đỡ của các chùa trên, nên sắc tứban thưởng cho các chùa. Riêng phần chùa Đại Giác (Biên Hòa), vua ra lịnh cho quan trấn ở địa phương phải lo trùng tu cho chùa, cho Tượng binh đem voi đến dậm nền chùa. Vì vậy, sau này, chùa Đại Giác còn được gọi là chùa Tượng. Chùa được xây dựng to lớn hơn, có lầu chuông và lầu trống. Vua lại cho tạo tượng Phật A-di- đà cao đến 2m25, nên chùa cũng được gọi là chùa Phật lớn. Vua sắc phong chức Hòa thượng và ban y bát cho bổn sư của Thiền sư Mật Hoằng là Thiền sư Phật Ý Linh Nhạc (chùa Từ Ân).
Năm Gia Long thứ mười bốn (năm 1815) vua xuống chiếu triệu Thiền sư Mật Hoằng về kinh đô Huế, phong chức Tăng cang chùa Thiên Mụ, đồng thời thỉnh vào nội cung thuyết pháp cho Hoàng gia.
Năm 1817, vua lại cử Tăng cang Mật Hoằng trụ trì chùa Quốc Ân (chùa do Tổ sư Nguyên Thiều Siêu Bạch lập). Trong thời gian hoằng hóa ở chùa này, Tăng cang Mật Hoằng cho xây dựng lại chùa Quốc Ân (bị phá sập trong thời Tây Sơn chiếm đô thành Phú Xuân).
Năm Minh Mạng nguyên niên (1820), Tăng cang Mật Hoằng lại lo trùng tu lại chùa Thập Tháp Di-đà ở Bình Định, là Tổ đình của phái thiền Lâm Tế Đàng Trong, do Tổ sư Nguyên Thiều thành lập khi Tổ từ Trung Hoa mới sang Đàng Trong. Tăng cang còn cúng cho chùa này một tấm hoành có viết tên “Thập Tháp Di-đà Tự”, hiện vẫn còn.
Ngày mùng 1 tháng 10 năm Ất Mùi (năm 1835), Thiền sư Tổ Ấn Mật Hoằng viên tịch tại chùa Quốc Ân (Huế) thọ 101 tuổi, đồ chúng lập tháp thờ ở bên hông chùa. Bia tháp có ghi: “Sắc tứ Thiên Mụ tự, Trụ trì Mật Hoằng Đại lão Hòa thượng chi tháp”.
Long vị ở chùa Quốc Ân ghi: Sắc tứ Thiên Mụ Trụ trì, trùng kiến Quốc Ân, Lâm Tế chánh tông, tam thập lục thế, húy Tổ Ấn, thượng Mật hạ Hoằng, Lão Hòa thượng.
Chùa Long Hưng hay chùa Tổ (Tổ Đỉa) ở tỉnh Sông Bé cũng có thờ long vị của Hòa thượng Mật Hoằng. 
Sách Đại Nam Nhất Thống Chí, Thừa Thiên phủ, viết về Thiền sư Mật Hoằng như sau:
 “Nguyễn Mật Hoằng 
Người huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, 15 tuổi xuất gia, lưu ngụ Gia Định đầu thiền ở chùa Đại Giác, tu trì giới hạnh. Đời vua Duệ Tông Hoàng đế, năm thứ bảy (Quí Tỵ, 1773) Hoằng mới cắt tóc làm thầy. Năm Gia Long thứ mười ba, vua triệu Hoằng về kinh cấp cho chức Tăng cang Trụ trì chùa Thiên Mụ, quán thống tăng chúng. Mùa đông năm Minh Mạng thứ mười sáu (1835) Hoằng tịch, thọ 101 tuổi.
Hòa thượng Mật Hoằng có đệ tử nổi danhThiền sư Tiên Huệ Tịnh Nhãn, sau cũng được vua nhà Nguyễn cử làm Tăng cang, Trụ trì chùa Thiên Mụ.
Thiền sư Tánh Thiên Nhất Định, một danh tăng ở kinh đô Huế thời nhà Nguyễn, sau được vua Minh Mạng phong chức Tăng cang chùa Giác Hoàng (năm 1839), Tổ khai sơn chùa Từ Hiếu (Huế), cũng đã cầu pháp với Hòa thượng Mật Hoằng (thế độ với Hòa thượng Đạo Minh Phổ Tịnh chùa Báo Quốc).
 
 

Thiền Sư TỔ TÔNG VIÊN QUANG
(1758 - 1827)-(Đời pháp thứ 36, tông Lâm Tế)

Thiền sư Viên Quang, húy Tổ Tông, chưa rõ tên họ thật, có thể là người Minh hương (người Việt lai Trung Hoa) vì ông nội của Sư là một trong số tướng sĩ trong đạo quân của Tổng binh Cao Lôi Liêm Trần Thượng Xuyên của nhà Minh không chịu thần phục nhà Thanh, nên bỏ Trung Hoa qua Đàng Trong (Đại Việt) xin thần phục chúa Nguyễn vào năm 1679, được chúa Nguyễn cho vào làm ăn sanh sống ở Đồng Nai. Tổng binh Trần Thượng Xuyên đã định cư ở vùng Bàn Lân, sau dời lên vùng Tân Lân (trung tâm thành phố Biên Hòa ngày nay) và phát triển cù lao Phố (xã Hiệp Hòa ngày nay) thành một thành phố lớn, đồng thời là một giang cảng quốc tế, gọi là “Đại Phố Đồng Nai” (Đồng Nai Đại Phố).
Lúc còn nhỏ, Thiền sư Viên Quang cùng Trịnh Hoài Đức [Trịnh Hoài Đức (1765-1825)] thường đến chùa Đại Giác tại Đại Phố Đồng Nai để lễ sám. Sau đó, lớn lên Thiền sư Viên Quang tiếp tục tu hành, Trịnh Hoài Đức theo nho học, và ra làm quan dưới thời vua Gia Long và Minh Mạng, được thăng đến chức Hiệp Biện Đại Học Sĩ, tước An Toàn Hầu.
Lúc còn nhỏ, Thiền sư Viên Quang đã tu học ở chùa Đại Giác, Trụ trìHòa thượng Thành Đẳng Minh Lượng.
Khi lớn lên, Thiền sư Viên Quang qui y thọ giáo với đệ tử của Hòa thượng Thành Đẳng là Thiền sư Phật Ý Linh Nhạc, là vị khai sơn chùa Từ Ân ở Gia Định (năm 1744).
Thiền sư Viên Quang tu học từ nhỏ giỏi chữ Hán, chịu khó và chăm chỉ tu hành, nghiên cứu nhiều kinh sách, từ kinh sách Phật giáo đến các môn học khác như sách Nho học, Lý dịch, Địa lý... nên uyên thâm cả Phật học và Nho học. Với sức học uyên bác đó, Thiền sư Viên Quang được thầy cử thay thầy diễn giảng kinh pháp cho tăng chúng ở chùa.
Năm Nhâm Thìn (1772), chùa Giác Lâm khuyết thầy Trụ trì, nên Phật tử chùa này đến chùa Từ Ân xin Hòa thượng Phật Ý Linh Nhạc cử Sư đến hoằng hóa. Thiền sư Viên Quang được thầy bổ đến Trụ trì tại chùa Giác LâmPhú Thọ, huyện Tân Bình, dinh Phiên Trấn (thành phố Hồ Chí Minh ngày nay).
Khi về chùa Giác Lâm, Thiền sư Viên Quang đã là một vị cao tăng uyên bác với tâm nguyện phổ hóa Phật pháp, Thiền sư Viên Quang mở rộng chùa Giác Lâm thành Phật học xá, thông báo cho chư tăng khắp nơi ai muốn tham học Phật pháp thì đến chùa Giác Lâm. Chùa đài thọ cho học tăng mọi phí tổn, từ việc ăn uống đến kinh sách, tập bút...
Thiền sư Viên Quang đứng ra thuyết giảng kinh pháp, vừa lo cả vấn đề tài chánh cho chùa. Phật học xá này hoạt động suốt hai mươi mấy năm, mà chi phí cho chùa vẫn được đầy đủ, sung túc.
Năm Mậu Ngọ (1798), Thiền sư Viên Quang phải tạm cho học tăng nghỉ học một thời gian để lo đại trùng tu lại chùa Giác Lâm, vì chùa đã bị hư mục sau khi được lập đến hơn nửa thế kỷ (lập năm 1744). Chùa Giác Lâm do cư sĩ Lý Thoại Long đứng ra quyên góp tiền của bá tánh để xây dựng, nên chùa cất bằng cây thường và không mỹ thuật, cột kèo bằng cây tạp nên mau hư mục. Thiền sư Viên Quang cho xây cất chùa lại bằng các loại gỗ quí, cây to, có cây to đến nỗi hai mươi người vẫn chưa khiêng được. Gỗ, ngói được chuyển đến bằng đường thủy. Gỗ quí từ rừng đưa về, được chở bằng thuyền hoặc kết bè, mà chùa Giác Lâm cách xa bến sông đến 2km. Gỗ được đưa từ rừng, xuôi theo sông Đồng Nai, đổ vào sông Bến Nghé, theo rạch Ông Bường, ghé vào bến ở trên bờ rạch Hổ Đất. Từ rạch Hổ Đất đưa về chùa bằng xe trâu. Có nhiều cây to quá, xe trâu kéo không muốn nổi. Cây gỗ chuyển về bến ở rạch Hổ Đất quá nhiều nên Thiền sư Viên Quang phải cử sư Hương đăng của chùa Giác Lâm xuống đó lập am tranh vừa tu hành, vừa giữ gỗ. Chùa phải xây cất trong nhiều năm mới hoàn thành (1798-1804), ông Hương đăng ở bến lo giữ gỗ vẫn chuyên cần công phu, lại khéo léo tu bổ trang trí biến am tranh thành một am thờ Bồ-tát Quan Thế Âm rất đẹp.
Năm Giáp Tý (1804), việc xây cất lại chùa Giác Lâm được hoàn mãn, chùa được dựng với cột gỗ rất quí, cột được làm bằng lõi cây, đường kính bốn, năm tấc tây nên rất chắc, không bị mối mọt và mục nát. Muốn có cột to với lõi cây như thế, cây nguyên của nó đường vòng phải đến hai người ôm mới hết, các thợ mộc phải đẽo gọt rất công phu và mất nhiều thì giờ. Ngoài ra, các câu đối được khắc ngay trên cột, nên các tấm liễn này cũng rất bền chắc; các chữ Nho khắc trên cột rất mỹ thuật, lớp vàng mạ sơn lên chữ Nho làm bằng vàng tốt nên chữ vẫn còn màu vàng sáng óng ánh, không bị mờ đen, lớp mạ không bị tróc vỡ.
Hiện trong chùa Giác Lâm còn hai tấm liễn có ghi như sau:
Vạn pháp đài trung tuyên tứ đế, báo Phật Tổ hồng ân kỳ phong điều vũ thuận.
Đại hùng bảo điện diễn tam thừa, chúc Hoàng vương thánh thọ nguyện quốc thái dân an.
(Trên đài Phật pháp, truyền Tứ đế, đáp hồng ân Phật Tổ, cầu mưa hòa gió thuận.
Nơi điện Phật Tổ, diễn Tam thừa, chúc Hoàng vương sống thọ, nguyện đất nước thái bình dân an.)
Trên hai câu liễn có khắc các hàng chữ nhỏ: “Gia Long tam niên Giáp Tý, thái tuế trọng Đông, kiết đán” và “Mộc Ân đệ tử, thiện tín chúng đẳng khẩn bái phụng cúng”; cho chúng ta biết được; Phật tử Mộc Ân và thiện nam tín nữ khẩn thành lễ bái và phụng cúng vào ngày tốt, trọng Đông (tháng 11) năm Giáp Tý, niên hiệu Gia Long thứ ba (1804).
Sau khi chùa hoàn thành, Hòa thượng Tổ Tông Viên Quang tiếp tục khai giảng kinh luận trở lại, chư tăng ở các tỉnh tựu về theo học rất đông.
Khoảng năm 1816-1820, An Toàn Hầu Trịnh Hoài Đức được Gia Long cử làm Hiệp Tổng Trấn “Gia Định Thành” (gồm 6 tỉnh Nam kỳ sau này). Trong thời gian này, trong một dịp lễ ở chùa Tập Phước (xã Bình Hòa, Gia Định), tình cờ Hiệp Biện Đại học sĩ Trịnh Hoài Đức gặp lại Hòa thượng Tổ Tông Viên Quang, là bạn cũ từ thuở thơ ấu ở quê ngoại, cảm hứng thành bài thơ ngũ ngôn rất đặc sắc, thể hiện trình độ thâm hiểu Phật pháp sâu xatâm chân thực của một bực trí giả liễu ngộ lý đạo và hành thâm Phật đạo:
 “Ức tích thái bình thì,
 Lộc Động phương thịnh mỹ,
 Thích-ca giáo hưng sùng,
 Lâm ngoại tổ phú quí.
 Ngã vi thiêu hương đồng,
 Sư tác chi giới sĩ,
 Tuy ngoại phân thanh hoàng,???
 Nhược mạc khế tâm chí.
 Phong trần thứ lương bằng,?
 Thế giới nhập ngạ quỉ,?
 Bình ngạnh nhậm phù trầm,
 Bào ảnh đẳng sanh tử.
 Yểm tứ thập dư niên,
 Hoàn thuấn tức gian sự,?
 Tây giao thích nhàn hành,?????
 Sơn môn ngẫu tương trị.?
 Ngã Hiệp Biện Trấn Công,?
 Sư Đại Hòa thượng vị,?
 Chấp thủ nghĩ mộng hồn,? 
 Đàm tâm tạp kinh quí,?
 Vãng sự hà túc luận,? 
 Đại Đạo hiệïp như thị.?
 * Nhớ xưa thuở thái bình,
 Đất Đồng Nai thạnh mỹ,
 Đạo Phật được hưng sùng,
 Nhà ngoại thêm phú quí.
 Ta đồng tử đốt hương,
 Sư theo đòi giáo nghĩa,
 Bên ngoài chia đạo đời,
 Bên trong đồng tâm chí.
 Loạn lạc phải xa nhau,
 Thế giới thành ngạ quỉ,
 Ta trôi nổi vào ra,
 Bọt bèo biển sanh tử.
 Mới đó bốn mươi năm,
 Chớp nhoáng chuyện thế sự,
 Nay bỗng nhiên nhàn hành,
 Nơi thiền môn gặp gỡ.
 Ta Hiệp Biện Trấn Công,
 Sư Cao tăng Thượng sĩ.
 Nhìn xưa như giấc mộng,
 Tâm cùng tâm tương nghị,
 Chuyện xưa nói sao cùng,
 Đại Đạo vốn Như Thị. [Bài này dựa theo Nguyễn Lang, có thay đổi chút ít]
Sau đó, có lẽ Hiệp Biện Đại học sĩ Trịnh Hoài Đức cũng thường viếng chùa Giác Lâm và đã tặng chùa câu đối mà chính Ngài đã viết kính điếu thầy học của Ngài là “Xử sĩ Võ Trường Toản”:
 Sanh tiền giáo huấn đắc nhân, vô tử nhi hữu tử,
 Một hậu lưu danh tại thế, tuy vong giả bất vong.
 (Khi sống dạy dỗ được người, không con như có con,
 Lúc mất lưu danh lại đời, tuy mất nhưng không mất)
Cặp câu đối này vừa mang ý nghĩa hợp với đạo và đời. Một vị “Thầy” (thầy giáo hay thầy tu), lúc còn sống dạy dỗ được người đời, dầu không có con để nối dòng dõi mà cũng như có con vì có học trò nối truyền. Vị thầy này khi mất rồi, danh tiếng vẫn lưu lại trong đời. Tuy thân xác không còn nhưng danh vẫn không bao giờ mất. 
Năm Gia Long thứ mười tám (1819), Hòa thượng Viên Quang mở Giới đàn tại chùa Giác Lâm, tăng chúngthiện nam tín nữ đến qui y thọ giới rất đông.
Hòa thượng Tổ Tông Viên Quang viên tịch tại chùa Giác Lâm vào ngày mùng ba tháng chạp năm Đinh Hợi (1827), thọ 70 tuổi, đồ chúng lập tháp chôn hài cốt tại sân chùa, trên bia tháp chỉ ghi đơn sơ: “Lâm Tế Chánh Tông, Tông Hiến Quang Công, Đại Lão Hòa thượng.”
Hiệp Biện Đại học sĩ Trịnh Hoài Đức viết về Đại lão Hòa thượng Viên Quang như sau:
“Đại lão Hòa thượng Viên Quang thuộc thế hệ 36 của phái thiền Lâm Tế chánh tông, trải từ tuổi nhỏ cho đến khi già, kiên trì tu hành, ngày càng tinh tấn, lại có tánh ưa cảnh khói mây, núi non sông suối (yên hà tuyền thạch), ít khi đến chỗ thành thị huyên náo.”
Từ khi Ngài đến chùa Giác Lâm, chùa này có tình cảnh hợp với câu thơ:
 Sơn trung tức phiền não
 Lâm hạ xuất già-lam.
Tạm dịch:
 Trên núi dứt phiền não
 Trong rừng xuất hiện chùa.
Theo tài liệu ở chùa Giác Lâm cho biết, Hòa thượng Tổ Tông Viên Quang tịch năm Đinh Hợi (1827), thọ 70 tuổi, như vậy là Hòa thượng có thể sanh vào năm Mậu Dần (1758). 





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
24/08/2015(Xem: 11037)
Tôi hôm nay hân hạnh được góp một vài ý kiến trong Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, vị đạo sư đã khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc và vì ngài có một thời gian cư trú ở Chùa Tây An (Thiền phái Lâm Tế) dưới chân núi Sam (Châu Đốc), nên vị đạo sư họ Đoàn được người dân một cách tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Từ gốc rễ đó, Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, thường được coi là sự kế thừa và phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương trong bối cảnh mới. Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :