THIỀN SƯ VIỆT NAM
Hoà Thượng Thích Thanh Từ
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh 1992
Thiền Sư ĐẠO HẠNH
(? - 1115)-(Đời thứ 12, dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi)
Sư tục danh là Từ Lộ, con viên Tăng quan Đô Án Từ Vinh. Thuở nhỏ, Từ Vinh trọ học ở làng Yên Lãng, lấy người con gái họ Tăng, bèn theo quê quán bên vợ. Bà Tăng sanh ra Sư.
Sư tánh tình hào hiệp và có chí lớn. Thường làm bạn với nho giả tên Phí Sinh, đạo sĩ tên Lê Toàn Nghĩa và một phường chèo tên Vi Ất. Ban đêm, Sư cần cù đọc sách, ban ngày lại thổi sáo, đá cầu, đánh cờ vui chơi. Thân phụ thấy thế thường quở mắng về tội biếng nhác.
Một đêm, ông vào phòng dò xét thấy ngọn đèn đã tàn, sách vở chất đầy bên cạnh, Sư thì tựa án ngủ say, trong tay còn cầm quyển sách, tàn đèn rơi đầy cả mặt bàn. Ông mới biết con chăm lo học, chẳng còn lo lắng nữa.
Sau, Sư thi đỗ Tăng quan, do nhà vua tổ chức.
*
* *
Từ Vinh có sự trái ý với Diên Thành Hầu, Hầu nhờ pháp sư Đại Điên đánh chết. Sư muốn trả thù cho cha, định sang Ấn Độ học thuật linh dị để giết Đại Điên. Nhưng khi đi tới xứ mọi răng vàng, vì thấy đường sá hiểm trở, Sư đành trở về. Sư vào ẩn trong hang đá Từ Sơn chuyên trì Đại bi tâm Đà-la-ni. Thời gian sau, Sư thấy đủ khả năng trả thù cha, bèn tìm đến Đại Điên đánh ông ta mang bệnh rồi chết.
Từ đây, oan nghiệp xưa sạch như tuyết tan, các việc đời lặng như tro lạnh, Sư trải khắp tùng lâm tìm học pháp thiền.
*
* *
Nghe Kiều Trí Huyền hóa đạo ở Thái Bình, Sư thân đến tham vấn. Sư nói kệ hỏi về chân tâm:
Lẫn lộn phàm trần chưa hiểu vàng
Chẳng biết nơi nào phải chân tâm?
Cúi mong chỉ thẳng bày phương tiện
Thấy rõ như như hết khổ tầm.
(Cửu hỗn phàm trần vị thức câm (kim)
Bất tri hà xứ thị chân tâm?
Nguyện thùy chỉ đích khai phương tiện
Liễu kiến như như đoạn khổ tầm.)
Trí Huyền đáp:
Trong ngọc ẩn thanh diễn diệu âm,
Nơi kia đầy mắt bày thiền tâm.
Hà sa cảnh là Bồ-đề cảnh,
Nghĩ đến Bồ-đề cách vạn tầm.
(Ngọc lý bí thanh diễn diệu âm
Cá trung mãn mục lộ thiền tâm.
Hà sa cảnh thị Bồ-đề cảnh,
Nghĩ hướng Bồ-đề cách vạn tầm.)
Sư vẫn mờ mịt chẳng hiểu, lại tìm đến pháp hội của Thiền sư Sùng Phạm ở chùa Pháp Vân. Đến đây, Sư cũng lặp lại câu hỏi:
- Thế nào là chân tâm ?
Sùng Phạm đáp: - Cái gì chẳng phải chân tâm ?
Sư hoát nhiên nhận được. Lại hỏi: - Làm sao gìn giữ ?
Sùng Phạm bảo: - Đói ăn, khát uống.
Sư liền lễ bái rồi lui.
Sau, Sư trụ trì chùa Thiên Phúc ở núi Phật Tích, (Chùa Thiên Phúc cũng gọi là chùa Thầy ở núi Phật Tích, nay là núi Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây. Nơi sanh Thiền sư Đạo Hạnh có lập chùa
Chiêu Thiền cũng gọi là chùa Láng để thờ Ngài. Chùa Láng ở làng Yên Lãng, huyện Từ Liêm, kinh thành Thăng Long, hiện nay là phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. Ca dao có câu: Nhớ ngày mồng bảy tháng ba,Trở về chùa Láng, trở ra hội Thầy. ) tăng chúng tìm đến tham vấn. Có vị tăng hỏi:
- Đi đứng nằm ngồi thảy đều Phật tâm, thế nào là Phật tâm ?
Sư nói kệ đáp:
Có thì muôn sự có,
Không thì tất cả không.
Có, không trăng đáy nước,
Đừng mắc có cùng không.
(Tác hữu trần sa hữu,
Vi không nhất thiết không.
Hữu không như thủy nguyệt,
Vật trước hữu không không.)
Sư lại tiếp:
Nhật nguyệt tại non đầu
Người người tự mất châu.
Kẻ giàu sẵn ngựa mạnh
Bộ hành chẳng ngồi xe.
(Nhật nguyệt tại nham đầu,?
Nhân nhân tận thất châu.
Phú nhân hữu câu tử
Bộ hành bất kỵ câu.)
Sư sắp tịch, tắm rửa sạch sẽ, thay đổi y phục, gọi các môn đồ đến dạy:
- Túc nhân của ta chưa hết phải còn sanh lại thế gian này tạm làm vị quốc vương. Sau khi mạng chung ta lại sanh lên cõi trời thứ ba mươi ba làm Thiên chủ. Nếu thấy thân ta bị hư hoại thì ta mới thật vào Niết-bàn, chẳng còn trụ trong vòng sinh diệt này nữa.
Môn đồ nghe lời dạy này ai nấy đều buồn thảm rơi lệ. Sư nói kệ dạy:
Thu về chẳng hẹn nhạn cùng bay,
Cười lạt người đời luống xót vay.
Thôi! Hỡi môn nhân đừng lưu luyến,
Thầy xưa mấy lượt hóa Thầy nay.
(Thu lai bất báo nhạn lai qui,
Lãnh tiếu nhân gian tạm phát bi.
Vị báo môn nhân hưu luyến trước,
Cổ sư kỷ độ tác kim Sư.)
Nói xong, Sư an nhiên mà hóa, mãi đến sau này thân xác vẫn còn [Đến năm Vĩnh Lạc nhà Minh, bị người Minh đốt cháy. Người làng ấy đắp tượng để thờ như cũ, hiện nay hãy còn (Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)]
Thiền Sư BẢO TÁNH và Thiền Sư MINH TÂM
(? - 1034)-(Đời thứ 7, dòng Vô Ngôn Thông)
Hai Sư quê ở Chu Minh, Bảo Tánh họ Nghiêm, Minh Tâm họ Phạm. Cùng xuất gia thuở nhỏ đồng làm bạn chí thân với nhau. Hai vị cùng với Thiền sư Viên Chiếu đồng thờ Trưởng lão Định Hương và sâu được cốt tủy của Thiền.
Về sau, mỗi người mang tâm ấn tùy phương giáo hóa, đều là hàng tuấn kiệt trong tùng lâm. Riêng hai Sư cùng trụ tại chùa Cảm Ứng ở Sơn Ấp, phủ Thiên Đức, chuyên trì tụng kinh Pháp Hoa, trải 15 năm chưa khi nào thiếu sót. Mỗi khi hai vị tụng đến phẩm Dược Vương thảy đều rơi nước mắt, bảo nhau:
- Nhân địa của Bồ-tát đã nhiều huân tu, đối với tâm Đại thừa vẫn hay phát đại dõng mãnh tinh tiến chẳng tiếc thân mạng. Huống là chúng ta ở trong đời Mạt pháp, là người sơ phát tâm, nếu không có lòng chí thành như thế, thì đối với Đại Bồ-đề tâm chân đại thừa, làm sao có thể trông mong ?
Tháng 4 niên hiệu Thiên Thành thứ bảy (1034), hai Sư muốn thiêu thân, vua Thái Tông được tin, cho sứ thỉnh về triều, lập hội giảng kinh. Giảng kinh xong, hai Sư đồng nhập hỏa quang tam-muội, hài cốt còn lại đều thành bảy báu. Vua ra chiếu lưu hài cốt để ở chùa Trường Thánh cúng dường. Do có sự linh dị, vua Thái Tông đổi niên hiệu là Thông Thụy, xây chùa tháp.
Thiền Sư QUẢNG TRÍ
(Đời thứ 7, dòng Vô Ngôn Thông)
Sư họ Nhan, người ở kinh đô, là anh của Hoàng phi Chương Phụng, vốn người không ưa cái đẹp xa xỉ bên ngoài, chỉ thích giữ khí tiết thanh cao của mình. Năm đầu niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh (1059), Sư từ bỏ thế tục, đến tham vấn với Thiền Lão Thiền Sư ở Tiên Du. Ngay một câu nói của thầy, Sư nhận được yếu chỉ. Từ đó, năm tháng miệt mài. Sư dốc hết ý chí vào thiền học, chưa bao lâu tiếng tăm vang xa khắp nơi.
Về sau, Sư trụ chùa Quán Đỉnh núi Không Lộ, thường mang một y nạp, ăn uống rất đạm bạc. Sư cùng tăng Minh Huệ kết bạn đồng tu. Người đời cho là “Hàn Sơn, Thập Đắc tái thế”. Công bộ Thượng thơ Đoàn Văn Khâm rất kính trọng Sư, có làm thơ tặng:
Chống gậy non cao bỏ sáu trần,
Ở yên huyễn mộng hỏi phù vân.
Ân cần không cách tham Trừng, Thập
Trót vướng bầy cò lớp mũ cân.
(Quải tích nguy phong bãi lục trần,
Mặc cư huyễn mộng vấn phù vân.
Ân cần vô kế tham Trừng, Thập
Sách bán trâm anh tại lộ quần.)
Khoảng niên hiệu Quảng Hựu (1085-1091) đời Lý Nhân Tông, Sư qui tịch. Đoàn Văn Khâm thương tiếc làm lời văn điếu rằng:
Lánh chợ vào rừng tóc bạc phơ,
Non cao rũ áo ngát hương thừa,
Chùn khăn những muốn hầu bên chiếu,
Treo dép đà nghe khép cửa chùa.
Trăng dọi sân trai chim khắc khoải,
Tháp không bia chữ, mộ thờ ơ,
Bạn thiền thôi cũng đừng thương xót!
Non nước ngoài am đó dáng xưa. (Ngô Tất Tố)
(Lâm man bạch thủ độn kinh thành
Phất tụ cao sơn viễn cánh hinh.
Kỷ nguyện tịnh trung xu trượng tịch,
Hốt văn di lý yểm thiền quynh.
Trai đình u điểu không đề nguyệt,
Cơ tháp thùy nhân vi tác minh,
Đạo lữ bất tu thương vĩnh biệt,
Viện tiền sơn thủy thị chân hình.)
Thiền Sư THUẦN CHÂN
(? - 1101)-(Đời thứ 12, dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi)
Sư họ Đào, quê làng Cửu Ông, huyện Tế Giang. Thuở nhỏ Sư bác thông kinh sử. Lớn lên Sư gặp Thiền sư Pháp Bảo ở chùa Quang Tịnh, qua một câu nói, liền nhận được yếu chỉ. Bấy giờ, tất cả sở học Sư đều buông bỏ.
Chẳng bao lâu, Sư mở tung được cánh cửa áo diệu, tia sáng đá lửa xuất hiện. Từ đó, Sư đến trụ trì chùa Hoa Quang, làng Tây Kết, Thượng Nghi. Tùy người đến thưa hỏi, Sư phát huy tông chỉ, dẫn dắt những kẻ mờ tối.
Ngày 7 tháng 2 nhằm năm đầu niên hiệu Long Phù đời Lý Nhân Tông (1101), Sư báo tin sắp tịch. Có đệ tử là Bổn Tịch vào thất thưa hỏi thêm, Sư nói kệ dạy:
Chân tánh thường không tánh,
Đâu từng có sanh diệt.
Thân là pháp sanh diệt,
Pháp tánh chưa từng diệt.
(Chân tánh thường vô tánh
Hà tằng hữu sanh diệt
Thân thị sanh diệt pháp
Pháp tánh vị tằng diệt.)
Nói xong, Sư tịch. Phụ quốc Thái bảo là Cao Công trông nom việc hỏa thiêu và dựng tháp.
Thiền Sư TRÌ BÁT
(1049 - 1117)-(Đời thứ 12, dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi)
Sư họ Vạn, quê ở Luy Lâu, tuổi trẻ mà tâm mộ Phật pháp rất thiết tha. Đến độ 20 tuổi, Sư theo Thiền sư Sùng Phạm ở chùa Pháp Vân xin xuất gia và thọ giới cụ túc.
Thiền sư Sùng Phạm thấy Sư siêng năng tu học, đức hạnh hoàn bị, làm việc rất cẩn thận, thầm ấn chứng và ban đạo hiệu là Trì Bát.
Sau khi Sùng Phạm tịch, Sư dạo khắp các thiền tịch, tham yết các vị tôn túc, và đến trụ trì chùa Tổ Phong ở núi Thạch Thất, làng Đại Cầu, Tân Trại để giảng cứu. Tướng quốc Lý Thường Kiệt là một thí chủ của Sư. Những tài vật tín thí cung cấp, Sư đều để hết vào Phật sự trùng tu các ngôi chùa: Pháp Vân, Thiền Cư, Thê Tâm, Quảng An... để báo đáp phần nào công ân pháp nhũ.
Niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ tám (1117) đời Lý Nhân Tông, ngày 18 tháng 2, Sư gọi đồ chúng đến nói bài kệ thị tịch:
Có tử ắt có sanh,
Có sanh ắt có tử.
Chết là người đời buồn,
Sanh là người đời vui.
Buồn, vui hai không cùng
Chợt vậy thành kia đây.
Đối sanh tử chẳng để lòng,
Án tố rô tố rô tất rị.
(Hữu tử tất hữu sanh
Hữu sanh tất hữu tử
Tử vi thế sở bi
Sanh vi thế sở hỉ
Bi hỉ lưỡng vô cùng
Hốt nhiên thành bỉ thử
Ư chư sanh tử bất quan hoài
Án tố rô tố rô tất rị.)
Nói kệ xong, Sư ngồi ngay thẳng mà đi, thọ 69 tuổi. Đệ tử là Thiền sư Tịnh Hạnh, Pháp Nhãn... làm lễ hỏa táng thu xá-lợi xây tháp cúng dường.
Thiền Sư HUỆ SINH
(? - 1063)-(Đời thứ 13, dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi)
Sư họ Lâm tên Khu quê làng Đông Phù Liệt, dòng dõi Lâm Phú ở Trà Sơn, Vũ An. Cha Sư tên Khoáng kết duyên với con gái nhà họ Quách, vì theo quê vợ nên lập nghiệp ở làng Phù Liệt. Sư có hai anh em, người anh cả làm quan đến chức Thượng Thơ Binh Bộ Viên Ngoại Lang và Sư.
Sư tướng mạo khôi ngô biện luận lưu loát, lại nổi tiếng văn hay, chữ tốt, vẽ khéo. Ngoài giờ học Nho, Sư nghiên cứu sách Phật, chư kinh bách luận không bộ nào chẳng qua mắt Sư. Mỗi khi luận đến chỗ cốt yếu của Phật pháp, Sư thường than thở rơi nước mắt.
Năm 19 tuổi, Sư xả tục xuất gia cùng Sư Pháp Thông ở Hạc Lâm thờ Thiền sư Định Huệ ở chùa Quang Hưng làm thầy. Từ đây, huyền học càng ngày càng tiến. Định Huệ an ủi và ấn chứng cho Sư.
Sau đó, Sư lê gót khắp tùng lâm tham vấn đầy đủ yếu chỉ Thiền. Rồi trụ ở Trà Sơn, ngọn núi Bồ-đề. Mỗi lần Sư vào Thiền định ít ra cũng năm ngày. Thời nhơn gọi Sư là nhục thân Đại sĩ.
Vua Lý Thái Tông (1028-1054) nghe danh Sư, sai sứ đến mời về kinh.
Sư bảo sứ rằng:
- Ông không thấy con vật đem tế lễ sao? Khi chưa tế thì người ta cho nó ăn cỏ thơm, mặc áo gấm, đến khi dẫn vào Thái miếu thì chỉ xin một chút sống cũng không được, huống là việc gì !
Nói xong, Sư từ chối không đi. Sau vì nhà vua cố ép bất đắc dĩ Sư phải đến cửa khuyết. Sau khi đàm đạo với Sư, vua rất kính phục, phong chức Nội Cung Phụng Tăng và sắc Trụ trì tại chùa Vạn Tuế gần thành Thăng Long.
Một hôm, nhân lễ trai tăng trong Đại nội, vua hỏi:
- Trẫm nghĩ nguồn tâm của Phật Tổ, học giả các nơi tranh cãi nhau mãi. Vậy xin các bậc thượng đức ở đây, mỗi vị tự thuật chỗ thấy của mình, để trẫm rõ cách dụng tâm của các Ngài thế nào ?
Sư ứng thinh đọc kệ:
Pháp gốc như không pháp,
Chẳng có cũng chẳng không.
Nếu người biết pháp ấy,
Chúng sanh cùng Phật đồng.
Trăng Lăng-già vắng lặng
Thuyền Bát-nhã rỗng không.
Biết không, không giác có
Chánh định mặc thong dong.
(Pháp bản như vô pháp
Phi hữu diệc phi vô
Nhược nhân tri thử pháp
Chúng sanh dữ Phật đồng.
Tịch tịch Lăng-già nguyệt
Không không độ hải chu.
Tri không, không giác hữu
Tam-muội nhậm thông châu.)
Vua nghe qua càng mến phục, phong Sư chức Đô Tăng Lục.
Bấy giờ, các vương công như: Phụng Càn Vương, Uy Vũ, Hỉ Từ, Thiện Huệ Chiêu Khánh, thái tử Hiến Minh, Thượng tướng Vương Công Tại, Thái sư Lương Văn Nhậm, Thái bảo Đào Xử Trung, Tham chánh Kiều Bồng v.v... đều tới lui thưa hỏi đạo lý với Sư.
Đến đời vua Lý Thánh Tông (1054-1072), lại thăng Sư chức Tả Nhai Đô Tăng Thống, ngang với tước Hầu.
Niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh thứ năm (1063), Sư sắp tịch, liền họp chúng nói kệ:
Nước lửa ngày hỏi nhau,
Nguyên do chưa thể bàn.
Đáp anh không nơi chốn,
Tam tam lại tam tam.
Xưa nay kẻ tham học,
Người người chỉ vì Nam.
Nếu người hỏi việc mới,
Việc mới, ngày mùng ba.
(Thủy hỏa nhật tương tham
Do lai vị khả đàm.
Báo quân vô xứ sở
Tam tam hựu tam tam.
Tự cổ lai tham học
Nhân nhân chỉ vị Nam.
Nhược nhân vấn tân sự
Tân sự, nguyệt sơ tam.)
Nói xong, Sư tắm gội, thắp hương, vào giữa đêm lặng lẽ viên tịch.
Sư có soạn văn bia các chùa: Thiên Phúùc, Thiên Thánh, Khai Quốc ở Tiên Du; Diệu Nghiêm, Báo Đức v.v. ở Vũ Ninh. Các tác phẩm: Pháp Sự Trai Nghi, Chư Đạo Tràng Khánh Tán Văn… vẫn còn lưu hành.
Thiền Sư NGỘ ẤN
(1019 - 1088)-(Đời thứ 8, dòng Vô Ngôn Thông)
Sư họ Đàm, tên Khí, quê ở Tư Lý làng Kim Bài. Theo truyền thuyết, mẹ Sư họ Cù, khi chưa lấy chồng nhà bà ở gần khu rừng cạnh làng. Một hôm, bà đang dệt vải ở trong nhà, bỗng có một con khỉ lớn vào ôm sau lưng bà trọn cả ngày rồi mới đi. Sau đó, biết có thai. Khi bà sanh được một đứa con trai, bà ghét lắm đem bỏ trong rừng. Trong làng có một nhà sư họ Đàm, người Chiêm Thành, lượm đem về nuôi đặt tên là Khí.
Năm Sư lên mười, nhà sư Chiêm Thành cho Sư theo học Nho, học vấn càng ngày càng tiến. Sư thông cả hai thứ chữ Hán và Phạn. Năm 19 tuổi, Sư xuất gia thọ giới cụ túc, chuyên học hai bộ kinh Viên Giác và Pháp Hoa, nghĩa lý thông suốt. Sư theo học thiền với Thiền sư Quảng Trí ở chùa Quán Đỉnh và được Quảng Trí truyền tâm ấn.
Sau, Sư đi vào Ninh Sơn phủ Thiên Ứng kết cỏ làm am tranh ở tu (sau thành chùa hiệu là Long Ân), lấy hiệu là Ngộ Ấn.
Có vị tăng đến hỏi: - Thế nào là đại đạo ?
Sư đáp:- Là đường cái.
- Con hỏi đại đạo, Hòa thượng đáp đường cái, chưa biết bao giờ đạt được đại đạo ?
- Con mèo chưa biết bắt chuột.
- Con mèo có Phật tánh chăng ?
- Không.
- Hòa thượng có Phật tánh chăng ?
- Không.
- Tất cả chúng hàm linh đều có Phật tánh, vì sao riêng Hòa thượng không co ù?
- Vì ta chẳng phải hàm linh.
- Đã chẳng phải hàm linh tức là Phật chăng ?
- Ta chẳng phải Phật, cũng chẳng phải hàm linh.
*
* *
Có người đến hỏi:- Thế nào là Phật, Pháp và Thiền ?
Sư đáp:
- Đấng Pháp Vương Vô Thượng, ở thân là Phật, ở miệng là Pháp, ở tâm là Thiền. Tuy có ba thứ, kỳ thật là một. Ví như nước ba con sông, tùy chỗ đặt tên tuy chẳng đồng, mà tánh nước không khác.
*
* *
Niên hiệu Quảng Hựu thứ tư (1088), ngày 14 tháng 6, sắp thị tịch Sư nói bài kệ:
Diệu tánh rỗng không chẳng thể vin,
Rỗng không tâm ngộ việc dễ tin.
Tươi nhuần sắc ngọc trong núi cháy,
Lò lửa hoa sen nở thật xinh.
(Diệu tánh hư vô bất khả phan,
Hư vô tâm ngộ đắc hà nan.
Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận,
Liên phát lô trung thấp vị càn.)
Nói kệ xong, Sư vui vẻ thị tịch, thọ 69 tuổi, môn nhân để tâm tang ba năm.
Thiền Sư MÃN GIÁC
(1052 - 1096)-(Đời thứ 8, dòng Vô Ngôn Thông)
Sư họ Nguyễn tên Trường, quê ở Lũng Chiền làng An Cách. Thân phụ là Hoài Tố làm chức Trung Thơ Viên Ngoại Lang.
Lúc vua Lý Nhân Tông còn làm Thái tử, triều đình có chọn con em của các danh gia vào hầu. Sư là người học rộng hiểu nhiều lại thông cả Nho, Lão, Phật nên được dự tuyển. Những lúc rảnh, Sư thường chú tâm vào Thiền-na. Đến khi vua Lý Nhân Tông lên ngôi, vì lòng mến Sư nên ban hiệu Hoài Tín.
Khoảng niên hiệu Anh Võ Chiêu Thắng (1076-1084), Sư dâng biểu xin xuất gia, theo học với Thiền sư Quảng Trí. Sau khi được tâm ấn, Sư thường chống gậy mang bát vân du khắp nơi, để tìm thiện tri thức. Sư đến nơi nào thường có học giả vân tập đông đảo.
Sau, Sư xem Đại tạng kinh được Trí vô sư, là bậc lãnh tụ pháp môn trong một thời vậy.
Vua và bà Hoàng Thái hậu Cảm Linh Nhân (Ỷ Lan) đang để tâm học Thiền, bèn dựng ngôi chùa bên cạnh cung Cảnh Hưng hiệu là Giáo Nguyên, thỉnh Sư trụ trì để tiện việc tới lui học hỏi. Đối với Sư chẳng dám gọi danh thường, chỉ xưng là Trưởng Lão.
Một hôm, nhà vua bảo Sư:
- Bậc chí nhân thị hiện, cốt cứu vớt chúng sanh, không hạnh nào chẳng đủ, không việc nào chẳng tu, chẳng phải chỉ sức định huệ, mà cũng có công giúp ích, nên phải kính nhận đó.
Bèn phong hiệu Giáo Nguyên Thiền Viện, Hoài Tín Đại Sư truyền Tổ Vô Tu Vô Chứng Tâm Ấn.
Sư phụng chiếu nhận chức Nhập Nội Đạo Tràng, Tứ Tử Đại Sa-môn, Đồng Tam Ty Công Sự, được quyên 50 hộ.
Niên hiệu Hội Phong thứ năm (1096), cuối tháng 11, Sư cáo bệnh để kệ dạy chúng:
Xuân đi trăm hoa rụng,
Xuân đến trăm hoa cười.
Trước mắt việc đi mãi,
Trên đầu già đến rồi.
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua, sân trước, một cành mai.
(Xuân khứ bách hoa lạc, ?
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tùng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.)
Nói kệ xong, Sư ngồi kiết già thị tịch, thọ 45 tuổi, được 19 tuổi hạ.
Vua kính lễ rất hậu, các công khanh đi đưa đều có đốt tín hương, làm lễ hỏa táng thu xá-lợi xây tháp thờ tại chùa Sùng Nghiêm làng An Cách. Vua ban thụy là Mãn Giác.
Quốc Sư THÔNG BIỆN
(? - 1134)-(Đời thứ 8, dòng Vô Ngôn Thông)
Sư họ Ngô, quê ở Đan Phượng, vốn con nhà họ Thích, tánh rất thông minh lại hiểu tột Tam học.
Ban đầu, Sư đến chùa Kiết Tường tham vấn với Thiền sư Viên Chiếu, thầm nhận được ý chỉ. Sau, Sư đến trụ tại Quốc tự trong kinh đô Thăng Long, từ đó Sư lấy hiệu là Trí Không.
Năm thứ năm niên hiệu Hội Phong (1096), ngày rằm tháng hai, bà Hoàng thái hậu Phù Thánh Cảm Linh Nhân (Ỷ Lan) đến chùa thiết lễ trai tăng. Khi đó, bà hỏi các vị kỳ túc:
- Nghĩa Phật, Tổ có gì hơn kém ? Phật ở phương nào ? Tổ ở thành nào ? Đến nước này từ bao giờ? Truyền trao đạo này ai trước ai sau ? Người niệm danh hiệu Phật, người đạt tâm ấn Tổ, chưa rõ ý chỉ thế nào ?
Mọi người đều không đáp được, Sư bèn tâu:
- Thường trụ thế gian, không sanh không diệt gọi là Phật. Rõ biết tâm tông của Phật, hạnh và giải tương ưng gọi là Tổ. Phật và Tổ chỉ là một, bởi những kẻ lạm học dối nói có hơn kém mà thôi. Vả lại, Phật là giác. Cái giác này xưa nay lặng lẽ thường trụ. Tất cả chúng sanh đều đồng có lý này, chỉ vì tình trần che lấp, theo nghiệp trôi lăn, chuyển thành các cõi.
Phật do lòng từ bi, cho nên thị hiện sanh ở Ấn Độ, mười chín tuổi xuất gia, ba mươi tuổi thành đạo, ở đời nói pháp bốn mươi chín năm, mở bày pháp phương tiện khiến người ngộ đạo, đây là một thời đại hưng giáo vậy. Sắp nhập Niết-bàn, Phật sợ người đời lầm mắc kẹt, nên bảo ngài Văn Thù rằng: “Ta bốn mươi chín năm chưa từng nói một chữ, sẽ bảo là có nói ư ?”
Nhân Phật đưa cành hoa sen lên, trong hội chúng đều mờ mịt, chỉ có tôn giả Ca-diếp chúm chím miệng cười, Phật biết Ca-diếp đã ngộ, bèn đem Chánh pháp nhãn tạng trao cho, đó là vị Tổ thứ nhất. Đây gọi là Tâm tông giáo ngoại biệt truyền vậy.
Sau ngài Ma-đằng mang giáo pháp vào Lưu Hán, Tổ Đạt-ma đem ý chỉ này vào nước Ngụy, nước Lương. Người truyền giáo pháp đến ngài Trí Giả ở núi Thiên Thai là thạnh, gọi là Giáo tông. Người được tông chỉ thiền đến Tổ Huệ Năng ở Tào Khê là sáng tỏ, gọi là Thiền tông.
Hai tông truyền vào nước Việt chúng ta đã lâu. Về Giáo tông, lấy ngài Mâu Bác, Khương Tăng Hội làm đầu. Về Thiền tông lấy ngài Tỳ-ni-đa-lưu-chi làm trước, ngài Vô Ngôn Thông là sau. Đây gọi là Tổ của hai phái vậy.
Thái Hậu lại hỏi:
- Phần Giáo tông thì gác lại, còn hai phái Thiền tông có hiệu nghiệm gì ?
Sư tâu:
- Xét theo truyện Pháp sư Đàm Thuyên có nói, vua Tùy Cao Tổ bảo các Pháp sư rằng: “Trẫm nghĩ ơn từ bi dạy dỗ của đấng Điều Ngự, ân đức đó không biết lấy gì báo đền. Trẫm thẹn ở ngôi nhân vương, muốn hộ trì tam bảo rộng khắp, cho góp hết xá-lợi ở trong toàn quốc, xây dựng bốn mươi chín ngôi bảo tháp tôn thờ, để tiêu biểu cho đời và sửa sang xây cất một trăm năm mươi ngôi chùa. Những cõi ngoài như xứ Giao Châu, cũng muốn xây dựng các ngôi chùa tháp để cho đạo đức thấm nhuần khắp cõi đại thiên. Nhưng xứ Giao Châu tuy nội thuộc nước ta (Trung Quốc) vẫn là sự liên hệ ràng buộc. Pháp sư nên chọn những vị Sa-môn danh đức sang xứ ấy giáo hóa họ, khiến tất cả đều được đạo Bồ-đề.” Pháp sư tâu: “Cõi Giao Châu có đường thông Thiên Trúc gần hơn nước ta (Tàu), lúc Phật pháp mới du nhập Giang Đông chưa truyền khắp, mà xứ này đã xây dựng trên hai mươi ngôi bảo tháp, độ hơn năm trăm vị tăng, phiên dịch được mười lăm quyển kinh, do đó ở bên ấy có Phật pháp trước ta vậy. Thuở ấy đã có các Tỳ-kheo Ma-ha Kỳ-vực, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương và Mâu Bác đến đó truyền đạo. Hiện nay lại có Pháp Hiền thượng sĩ đắc pháp nơi ngài Tỳ-ni-đa-lưu-chi, kế thừa truyền bá tông phái của Tam tổ, là hàng Bồ-tát trong loài người, hiện Trụ trì tại chùa Chúng Thiện, thu nhận môn đồ giáo hóa trong hội không dưới ba trăm người, cùng Trung Quốc không khác. Bệ hạ là cha lành khắp trời, muốn bình đẳng bố thí nên muốn phái chư tăng đến đó giáo hóa, song họ đã có đủ người rồi, ta chẳng cần phải sang.”
Lại, Tướng quốc nhà Đường hiệu Quyền Đức Dư, làm bài tựa truyền pháp rằng: “Sau khi Tổ Tào Khê mất, pháp thiền được thạnh hành, mỗi nơi đều có dòng dõi: Thiền sư Chương Kỉnh Uẩn mang tâm yếu Mã Tổ giáo hóa thạnh hành ở xứ Ngô Việt. Đại sĩ Vô Ngôn Thông truyền tông chỉ của Tổ Bá Trượng khai ngộ ở đất Giao Châu.”
Lấy đây để nghiệm xét biết vậy.
Thái Hậu lại hỏi:- Sự truyền thừa của hai tông thứ tự thế nào ?
Sư đáp:
- Người kế thừa phái Lưu-chi hiện nay chính là Thiền sư Huệ Sinh, Thiền sư Chân Không vậy. Người kế thừa phái Vô Ngôn Thông hiện là Thiền sư Viên Chiếu, Thiền sư Quảng Trí. Bên phái Khương Tăng Hội hiện nay có Lôi Hà Trạch ấy vậy. Ngoài ra những vị kế thừa phụ nhiều không thể kể hết.
Thái Hậu rất hoan hỉ lễ bái phong Sư chức Tăng Lục, ban tử y ca-sa và hiệu là Thông Biện Đại Sư cùng trọng thưởng rất hậu. Bởi kính trọng Sư, Thái Hậu thường triệu thỉnh vào nội và lễ bái phong làm Quốc Sư. Do sự giáo hóa của Sư, Thái Hậu nhận được yếu chỉ. Chính bà làm kệ ngộ đạo rằng:
Sắc là không, không tức sắc,
Không là sắc, sắc tức không.
Sắc không đều chẳng quản,
Mới được hợp chân tông.
(Sắc thị không, không tức sắc,
Không thị sắc, sắc tức không.
Sắc không câu bất quản,
Phương đắc khế chân tông.)
Lúc tuổi cao, Sư về trụ chùa Phổ Minh ở Từ Liêm, mở đàn thuyết pháp. Sư dạy người tu thường lấy kinh Pháp Hoa làm dụng. Thế nên thời nhân gọi Sư là Ngô Pháp Hoa.
Ngày rằm tháng hai năm Giáp Dần, nhằm niên hiệu Thiên Chương Bảo Tự thứ hai (1134), đời Lý Thần Tông, Sư cho hay có bệnh rồi tịch.
Thiền Sư BỔN TỊCH
(? - 1140)-(Đời thứ 13, dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi)
Sư họ Nguyễn, trước tên Pháp Mật, quê làng Tây Kết, dòng dõi Nội cung phụng đô úy Nguyễn Kha dưới triều Lê. Thuở nhỏ Sư đã có tư thái khác thường. Có một vị tăng lạ khen: “Đứa bé nầy cốt tướng phi thường, nếu xuất gia ắt thành tựu giống pháp chân thực.”
Lớn lên, Sư đến thụ nghiệp với Thiền sư Thuần Chân chùa Hoa Quang. Sau khi nhận được yếu chỉ, Sư xin thầy thọ giới cụ túc. Thuần Chân thấy Sư giới, định đều được tròn đầy thanh tịnh, học một biết mười, bèn xoa đảnh bảo: “Chánh pháp ở phương Nam đợi ngươi xiển dương đây !”
Bấy giờ, đối với chánh pháp, Sư đã vượt ngoài có, không và gồm thông cả đốn, tiệm. Nơi nào Sư đến đều rưới những trận mưa pháp, làm chấn động huyền phong, Tăng Ni sĩ thứ đều quí mộ.
Sau, Sư trụ trì chùa Chúc Thánh làng Nghĩa Trụ, khiến Phật pháp nơi đây càng hưng thạnh.
Đến niên hiệu Thiệu Minh thứ ba (1140) ngày 14 tháng 6, Sư gọi đồ chúng lại bảo: - Vô sự ! Vô sự !
Nói xong, Sư tịch.
Thiền Sư THIỀN NHAM
(1093 - 1163)-(Đời thứ 13, dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi)
Sư họ Khương, tên Thông, gia thế đời đời làm Tăng quan, tinh thần quắc thước, tiếng nói trong thanh.
Triều đình mở khoa thi về các kinh điển Đại thừa: Pháp Hoa, Bát Nhã, Sư đỗ Giáp khoa (thủ khoa). Sư tìm đến chùa Thành Đạo tham vấn với Thiền sư Pháp Y, qua một câu nói Sư lãnh hội, liền được ấn chứng. Nhân đó, Sư mới xuất gia.
Ban đầu Sư trụ trì chùa Thiên Phúc trong núi Tiên Du, giới hạnh tinh nghiêm, tâm đạo rộng lớn. Đói thì ăn lá cây, khát thì uống nước suối, suốt sáu năm trường như vậy. Sau, Sư trở về quê trùng tu ngôi chùa Trí Quả làng Cổ Châu, Long Biên và trụ trì nơi đây.
Khoảng niên hiệu Thiên Thuận (1128-1132), triều đình gởi chiếu vời Sư về kinh đô cầu mưa. Bởi có linh nghiệm nên vua Lý Thần Tông trọng Sư vào hàng danh tăng và ban cho Sư thượng phục.
Năm Chính Long Bảo Ứng thứ nhất (1163), khoảng giữa mùa xuân, lúc ban ngày, Sư đốt hương từ biệt mọi người, ngồi an nhiên mà tịch, thọ 71 tuổi.
Thời gian sau, thể xác của Sư vẫn còn, thời nhân gọi Sư là “Phật sống”.
Thiền Sư MINH KHÔNG
(1076 - 1141)-(Đời thứ 13, dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi)
Sư tên Nguyễn Chí Thành, sinh ngày 14 tháng 8 năm Bính Thìn (1076) tại làng Loại Trì, huyện Chân Định, tỉnh Nam Định, thường cùng với Giác Hải, Đạo Hạnh làm bạn thân. Năm 29 tuổi, Sư cùng hai vị ấy sang Thiên Trúc học đạo với Thầy Sa-môn, được phép Lục trí thần. Trở về quê, Sư tạo ngôi chùa Diên Phước, ở đó chuyên trì chú Đại bi.
Bấy giờ, Sư muốn tạo Đại Nam Tứ Khí (tượng Phật, hồng chung, cái đỉnh, cái vạc) không nệ nhà nghèo sức mọn. Một hôm, Sư suy nghĩ: “Nước Tống ắt có nhiều đồng tốt, có thể dùng đúc được.” Nghĩ xong, Sư thẳng đường sang Bắc triều (Trung Quốc). Trước nhất, Sư ghé trọ một nhà trưởng giả xin mảnh đất bằng chiếc ca-sa để lập Kỳ Viên. Trưởng giả cười bảo: “Xưa kia Thái tử nhà Lương muốn lập Kỳ Viên, khoảng đất rộng đến ngàn dặm, lấy vàng lót đất. Tại sao ông chỉ xin mảnh đất bằng áo ca-sa, chỉ bằng chuồng gà mà làm gì ?” Đêm ấy, Sư trải chiếc ca-sa khắp mười dặm đất. Trưởng giả thấy Sư có phép thần liền dẫn vợ con ra lễ bái, từ đây cả nhà đều qui y Tam bảo.
Hôm khác, Sư đắp y mang bát chống gậy trước thềm rồng đứng khoanh tay. Vua Tống vào triều, bá quan văn võ tung hô xong, xem thấy vị sư già bèn triệu vào, hỏi:
- Thầy già ốm này là dân phương nào, tên họ là gì ? đến đây có việc chi ?
Sư tâu:
- Thần là kẻ bần tăng ở tiểu quốc, xuất gia đã lâu, nay muốn tạo Đại Nam Tứ Khí, mà sức không tùy tâm, nên chẳng sợ xa xôi lặn lội đến đây, cúi mong Thánh đế mở rộng lòng thương ban cho chút ít đồng tốt, để đem về đúc tạo.
Vua Tống hỏi:- Thầy đem theo bao nhiêu đồ đệ ?
Sư tâu:- Bần tăng chỉ có một mình, xin đầy đãy này quảy về.
Vua bảo:
- Phương Nam đường xa diệu vợi, tùy sức Sư lấy được bao nhiêu thì cho bấy nhiêu, đủ quảy thì thôi.
Sư vào kho đồng lấy gần hết sạch mà chưa đầy đãy, quan giữ kho le lưỡi lắc đầu, vào triều tâu việc ấy cho vua. Vua ngạc nhiên hối hận, nhưng lỡ hứa rồi, không biết làm sao.
Sư nhận đồng xong, vua Tống sai bá quan tiễn Sư đưa về nước. Sư từ rằng:
- Một đãy đồng này, tự thân bần tăng vận sức quảy nổi, không dám làm phiền nhọc các ngài tiễn đưa.
Nói xong, Sư bước ra lấy đãy máng vào đầu gậy nhẹ nhàng mang đi. Đến sông Hoàng Hà, Sư lấy nón thả xuống nước sang sông chỉ trong khoảng chớp mắt đã đến bờ.
Về nước, Sư đến chùa Quỳnh Lâm huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương đúc một tượng Phật Di-đà thật cao lớn. Tại kinh đô nơi tháp Báo Thiên, Sư đúc một cái đỉnh. Ở Phả Lại, Sư đúc một quả đại hồng chung. Tại Minh Đảnh, Sư đúc một cái vạc.
Phần còn dư, Sư đem về chùa quê làng đúc một đại hồng chung nặng ba ngàn ba trăm cân, và đúc một đại hồng chung ở chùa Diên Phước Giao Thủy nặng ba ngàn cân. Công quả hoàn thành, Sư làm bài tán rằng:
Nón nổi vượt biển cả,
Một hơi muôn dặm đường.
Một đãy sạch đồng Tống,
Dang tay sức ngàn ngựa.
(Lạp phù việt đại hải,
Nhất tức vạn lý trình.
Tống đồng nhất nang tận,
Phấn tý thiên câu lực.)
Thời vua Lý Nhân Tông kiến tạo điện Hưng Long cả năm mới xong, điện cực kỳ tráng lệ. Bỗng trên nóc có hai con chim cáp đậu kêu to, tiếng vang như sấm. Vua lo buồn chẳng vui, quan chỉ huy thấy thế tâu: “Điềm này chỉ có Minh Không và Giác Hải mới trừ được.” Vua bèn sai ông đi thỉnh Sư, ngày rằm tháng giêng, ông đến trước am Sư. Sư hỏi: “Quan chỉ huy sao đến chậm vậy?” Ông hỏi lại: “Sao Thầy biết trước chức của tôi?” Sư đáp: “Ta cỡi trăng đạp gió chợt vào thành vua, sớm đã nghe biết việc này.” Liền hôm ấy, Sư đến kinh đô, thẳng đến điện Hưng Long, Sư tụng chú thầm, hai con chim lạ ấy nghẹn cổ chẳng kêu, giây lát sau liền rơi xuống đất. Vua thưởng cho Sư một ngàn cân vàng, và năm trăm khoảnh ruộng để hương hỏa cho chùa và phong chức Quốc Sư.
Năm vua Lý Thần Tông 21 tuổi, bỗng nhiên mắc bệnh biến thành cọp, ngồi xổm chụp người, cuồng loạn đáng sợ. Triều đình phải làm cũi vàng nhốt vua trong đó. Khi ấy có đứa bé ở Chân Định hát rằng:
Nước có Lý Thần Tông,
Triều đình muôn việc thông.
Muốn chữa bệnh thiên hạ,
Cần được Nguyễn Minh Không.
Triều đình sai quan chỉ huy đi đón Sư. Đến am, Sư cười bảo: “Đâu không phải là việc cứu cọp đó ư ?” Quan chỉ huy hỏi: “Sao Thầy sớm biết trước ?” Sư bảo: “Ta đã biết việc này trước ba mươi năm.” Sư đến triều vào trong điện ngồi, lên tiếng bảo: “Bá quan đem cái đảnh dầu lại mau, trong đó để một trăm cây kim, và nấu cho sôi, đem cũi vua lại gần đó.” Sư lấy tay mò trong đảnh lấy một trăm cây kim găm vào thân vua, nói: “Quí là trời.” Tự nhiên lông, móng, răng đều rụng hết, thân vua hoàn phục như cũ. Vua tạ ơn Sư một ngàn cân vàng và một ngàn khoảnh ruộng để hương hỏa cho chùa, ruộng này không có lấy thuế.
Đến năm Đại Định thứ hai (1141) Sư qui tịch.
Hiện nay tại Hà Nội, trước đền thờ Lý Quốc Sư vẫn còn tượng Sư và có bia ký. Dân chợ Tiên Du muôn đời hương khói phụng thờ.
*
Chú thích: Nguyễn Minh Không hay Khổng Minh Không chùa Lý Quốc Sư, thôn Tiên Thị huyện Thọ Xương, nay là phố Lý Quốc Sư, quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội.
Lời người soạn: Thiền sư Không Lộ không có trị bệnh vua Lý Thần Tông, vì khi vua mắc bệnh hóa hổ lúc 21 tuổi, nhằm năm 1136, còn Thiền sư Không Lộ tịch vào niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ 10 tức là năm 1119. Thế là Không Lộ tịch trước khi vua Lý Thần Tông hóa hổ 17 năm.
Thiền sư Nguyễn Minh Không tịch năm 1141 mới thực sự là người trị bệnh hóa hổ cho vua Lý Thần Tông.
Thiền sư Nguyễn Minh Không là họ Nguyễn, sinh ngày 14 tháng 8 năm Bính Thìn (1076) tại làng Loại Trì, huyện Chân Định, tỉnh Nam Định. Thiền sư Không Lộ họ Dương, không biết năm sanh, quê ở Hải Thanh. Thiền sư Minh Không sau về quê tạo ngôi chùa Diên Phước ở đó. Thiền sư Không Lộ tạo chùa Nghiêm Quang sau đổi tên là Thần Quang. Cả hai họ khác, tên khác, xứ sở khác, tuổi tác khác và chỗ trụ trì khác mà nói là một người là không hợp lý.