Thư Viện Hoa Sen

Phần 06

04/06/201112:00 SA(Xem: 8850)
Phần 06

THIỀN SƯ VIỆT NAM

Hoà Thượng Thích Thanh Từ
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh 1992


Thiền Sư GIÁC HẢI

(Khoảng thế kỷ 11-12)-(Đời thứ 10, dòng Vô Ngôn Thông)

Sư họ Nguyễn, quê làng Hải Thanh, thuở nhỏ làm nghề chài lưới, thường dùng một chiếc thuyền con làm nhà, sống lênh đênh trên khắp sông hồ. Năm 25 tuổi, Sư dứt bỏ thế nghiệp xuất gia làm tăng. Ban đầu, Sư cùng Thiền sư Không Lộ đồng thờ thầy Hà Trạch ở chùa Diên Phước, Hải Thanh. Sau, Sư lại kế thừa dòng pháp của Không Lộtrụ trì luôn chùa này.

Đời vua Lý Nhân Tông (1072-1127), Sư cùng Thông Huyền bị triệu vào hầu. Bỗng đâu có hai con cắc kè cất tiếng kêu chát tai. Vua bảo Thông Huyền làm cho nó đừng kêu. Thông Huyền thầm niệm thần chú, một con rơi xuống. Thông Huyền cười nhìn Sư, bảo: “Để lại một con cho Sa-môn.” Sư chú mắt nhìn nó, chốc lát nó cũng rơi xuống. Nhà vua kinh dị, làm thơ tặng:
 Giác Hải tâm như biển,
 Thông Huyền đạo lại huyền.
 Thần thông gồm biến hóa,
 Một Phật, một thần tiên.
 (Giác Hải tâm như hải, 
 Thông Huyền đạo hựu huyền.
 Thần thông kiêm biến hóa
 Nhất Phật nhất thần tiên.) 
nổi tiếng khắp thiên hạ, tăng tục đều quí kính. Vua Nhân Tông mỗi khi ra chơi hành cung Hải Thanh đều ghé chùa thăm Sư.
Một hôm vua hỏi:
- Phép chân thần túc có thể được nghe chăng?
Sư liền hiện tám phép thần biến: Thân vọt lên hư không cách đất vài trượng, chợt lại trở xuống...
Vua và quần thần vỗ tay khen ngợi. Từ đó vua ban chotự do ra vào cung vua.
Đến đời vua Lý Thần Tông (1128-1138), nhiều lần triệu vào cung, nhưng Sư từ chối viện cớ già bệnh chẳng đến được.
*
Có vị tăng hỏi:
- Phật và chúng sanh ai khách ai chủ?
Sư dùng bài kệ đáp:
 Gái để chỏm đầu bạc,
 Bảo ông, tác giả biết.
 Nếu hỏi cảnh giới Phật,
 Long môn bị điểm trán.
 (A giác nữ đầu bạch, 
 Báo nhĩ tác giả thức.
 Nhược vấn Phật cảnh giới,
 Long môn tao điểm ngạch.)
Lúc sắp tịch, Sư gọi chúng nói kệ:
 Xuân về hoa bướm gặp nhau đây,
 Hoa bướm phải cần họp lúc này.
 Hoa bướm xưa nay đều là huyễn,
 Giữ tâm bền chặt bướm hoa thây.
 (Xuân lai hoa điệp thiện tri thì,
 Hoa điệp ưng tu cộng ứng kỳ.
 Hoa điệp bổn lai giai thị huyễn,
 Mạc tu hoa điệp hướng tâm trì.)
Đêm ấy có ngôi sao lớn rơi xuống góc Đông nam thất Sư, Sư ngồi ngay thẳng an nhiên thị tịch. Vua hạ chiếu quyên ba mươi hộ để cúng hương hỏa. Hai đứa con Sư cũng được ân thưởng làm quan.
 

Thiền Sư TỊNH KHÔNG
(? - 1170)-(Đời thứ 10, dòng Vô Ngôn Thông)

Sư họ Ngô quê ở Phúc Xuyên. Ban đầu đến viện Sùng Phước trong bản châu xuất giathọ giới cụ túc.

Năm 30 tuổi, Sư đi hành khước phương Nam đến chùa Khai Quốc, phủ Thiên Đức dừng lại Trụ trì. Khoảng năm sáu năm chuyên tu hạnh đầu-đà, ngày chỉ dùng một ít đậu, một ít mè, ngồi hoài không ngủ. Mỗi khi Sư nhập định đến nhiều ngày mới xuất. Đàn thí bốn phương đem lễ vật cúng dường chất cao như núi. Những kẻ gian đến rình mò, Sư trông thấy bảo “tự do lấy đi.”

công chúa Nam Khương ý muốn xuất gia, sắp soạn lễ vật định xin xuống tóc. Triều đình hay được, xuống chiếu bắt Sư vào triều. Vào đến cửa khuyết, thần sắc Sư vẫn bình thường, vua thấy thế càng thêm kính nể, bái phong là bậc danh tăng.

Một hôm, có một vị thiền khách đến chùa Sư, hỏi thăm sự tu hành, biết Sư chưa đạt yếu chỉ Thiền tông, liền giới thiệu Sư đến tham vấn Thiền sư Đạo Huệ ở núi Tiên Du, Sư bèn giao chùa đi thẳng đến núi Tiên Du.
Đến nơi Sư hỏi Đạo Huệ:
- Nơi này có tông chỉ Thiền tông chăng?
Đạo Huệ đáp:
- Nơi đây tông chỉ chẳng phải không, nhưng Xà-lê làm sao đảm nhận?
suy nghĩ trả lời. Đạo Huệ nạt:
- Ngay trước mặt đã lầm qua rồi!
Sư liền lãnh hội yếu chỉ. Sư ở lại đây hầu hạ thầy ba năm.
Sau, Sư về chùa cũ thu nhận đồ chúng. Một hôm Sư hội chúng nói kệ:
 Trên không miếng ngói che,
 Dưới không đất cắm dùi.
 Hoặc đổi áo thẳng đến,
 Hoặc xách trượng mà đi.
 Khoảng chuyển động xúc chạm, 
 Tợ rồng vẫy đớp mồi.
 (Thượng vô phiến ngõa giá,
 Hạ vô trác chùy địa. 
 Hoặc dịch phục trực nghệ, 
 Hoặc sách trượng nhi chí. 
 Chuyển động xúc xứ gian, 
 Tợ long dước thôn nhĩ.) 
Có vị tăng đến hỏi:
- Từ trước chỉ thẳng là nói cái gì ?
Sư đáp:
- Ngày ngày đi gặt lúa, giờ giờ kho lẫm không. 
 (Nhật nhật khứ hoạch hòa, 
 Thì thì không thương lẫm)
- Con chẳng hội.
- Nhật nguyệt hằng sáng, mây nổi phủ che.
 (Nhật nguyệt trường minh, 
 phù vân cái ấm)
Sư nói kệ:
 Người trí không ngộ đạo,
 Ngộ đạo tức kẻ ngu.
 Khách nằm thẳng duỗi chân,
 Nào biết ngụy và chơn.
 (Trí nhânngộ đạo
 Ngộ đạo tức ngu nhân
 Thân cước cao ngọa khách,
 Hề thức ngụy kiêm chân.) 
*
* *
Tăng hỏi:- Thế nào là Phật ?
Sư đáp:- Nhật nguyệt sáng trời trùm ức cõi,
 Ai biết mây mù rơi núi sông.
 (Nhật nguyệt lệ thiên hàm ức sát,
 Thùy tri vân vụ lạc sơn hà.)
- Thế nào hội được ?
- Mục đồng chỉ thích nằm lưng trâu,
 Kẻ sĩ thường khoe được anh hùng.
 (Mục đồng chí quán ngọa ngưu bối,
 Thổ hữu anh hùng khóa đắc y.)
- Ý tổ và ý kinh là đồng là khác ?
- Muôn dặm nhờ thuyền đều đến triều vua.
- Hòa thượng có việc kỳ đặc, tại sao không nói cho con ?
- Ngươi thổi lửa, ta hốt gạo, ngươi khất thực, ta giữ bát, ai mà cô phụ ngươi ?
Tăng nghe xong liền khai ngộ.
Năm thứ tám niên hiệu Chính Long Bảo Ứng (1170) đời Lý Anh Tông, sắp tịch Sư từ giã chúng dặn:
- Các ngươi khéo tự gìn giữ như lúc ta còn, chớ nhiễm thế gian sanh ra quyến luyến.
Đến nửa đêm, Sư ngồi kiết già mà tịch, thọ hơn 80 tuổi.
 

Thiền Sư ĐẠI XẢ
(1120 - 1180)-(Đời thứ 10, dòng Vô Ngôn Thông)

Sư họ Hứa, quê ở phường Đông Tác (nay thuộc huyện Hoàng Long, Hà Đông). Xuất gia từ thuở bé, theo học với Thiền sư Đạo Huệ, nhận được chút ít yếu chỉ thiền học, Sư thường trì tụng kinh Hoa Nghiêmthần chú của ngài Phổ Hiền làm việc thường nhật. Có lúc, Sư xõa tóc bỏ ăn, chỗ ở không nhất định. Các vương công đều quí kính, Kiến Ninh Vương và công chúa Thiên Cực cũng rất kính trọng.

Sư thường ở Tuyên Minh Hỗ Nham lập chùa giáo hóa, học giả các nơi đến học rất đông. Có vị tăng nước Tống hiệu Nham Ông, nghe tiếng Sư cảm mộ đốt ngón tay để cúng dường. Có người nghi Sư dùng yêu thuật, nên trong khoảng niên hiệu Thiên Cảm Chí Bảo (1174-1175) Thái úy Đỗ Anh Vũ ra lệnh bắt Sư vào giam, hành phạt nặng nề mà Sư không có vẻ sợ hãi. Sau đó, có lệnh thả Sư.

Vua Lý Anh Tông triệu Sư vào hỏi:
- Trẫm bị phiền muộn, Sư có thuật gì trị chăng ?
Sư đáp:
- Pháp Mười hai nhơn duyêncăn bản tiếp nối sự sống chết, cần lấy đó để trị, nó thật là phương thuốc hay vậy.
Vua hỏi:- Ý chỉ nó thế nào ?
Sư đáp:
- Vô minhnhân duyên của Hành cho đến lo buồn khổ não, muốn cầu quả Bích-chi Phật nên nói Mười hai nhơn duyên. Đem trị trong thân này thì không còn phiền não.
Vua hỏi:- Thế thì, trẫm phải tĩnh tâm tu tập ?
Sư đáp:
- Khi giữ được nghiệp thức yên tịnh, tức là lóng trong phiền não, không còn pháp nào khác đáng tu tập cả. Xưa kia vua Lương Võ Đế thường đem vấn đề này hỏi Thiền sư Bảo Chí, Bảo Chí cũng đáp như thế. Hôm nay trộm vì bệ hạ đưa ra điều tương tợ ấy.
*
* *
Đến ngày 2 tháng 5 niên hiệu Trinh Phù thứ năm (1180), Sư gọi đệ tử dặn dò nói kệ:
 Bốn rắn chung rương trước giờ không,
 Núi cao năm uẩn đâu chủ ông.
 Chân tánh sáng ngời không chướng ngại,
 Niết-bàn sanh tử mặc che lồng.
 (Tứ xà đồng khiếp bổn lai không,
 Ngũ uẩn sơn cao diệc bất tông.
 Chân tánh linh minh vô quái ngại,
 Niết-bàn sanh tử nhậm già lung.)
Lại nói:
 Ngựa đá nhe răng cuồng,
 Ăn mạ ngày tháng kêu.
 Đường cái người đồng qua,
 Trên ngựa không người đi.
 (Thạch mã xỉ cuồng nanh,
 Thực miêu nhật nguyệt minh.
 Đồ trung nhân cộng quá,
 Mã thượng nhân bất hành.) 
Nói kệ xong, đến canh năm Sư tịch, thọ 61 tuổi.
 

Thiền Sư TÍN HỌC
(? - 1190)-(Đời thứ 10, dòng Vô Ngôn Thông)

Sư họ Tô quê ở làng Chu Minh, phủ Thiên Đức. Gia đình chuyên nghề khắc bản kinh. Thuở nhỏ Sư theo học với thầy Thành Giới, không thích giao du.

Năm 32 tuổi, Sư đến Thiền sư Đạo Huệ ở núi Tiên Du thọ giáo. Ở đây hầu Thầy ba năm, Sư nhận được tông chỉ thiền tông một cách sâu sắc. Sau đó, Sư một mình chống gậy du phương, đến chùa Quán Đảnh núi Không Lộ huyện Thạch Thất, Sơn Tây dừng lại trụ trì.

Sư ở trước Phật đốt ngón tay cúng dườngphát nguyện lớn:
- Con đã nhiều kiếp trôi lăn trong trần lao, nay nguyện dứt hẳn không còn tạo lại.
chuyên tu Tam quán theo trong kinh Viên Giác, ngày chỉ ăn một bữa, đến hình dung tiều tụy, trải nhiều năm như thế mà chẳng thối chí. Do đây, thâm đắc Chánh định tam quán. Công khanh sĩ thứ ngưỡng mộ phong thái cao nhã của Sư đua nhau đến học hỏi rất đông.
Một hôm Sư tự bảo:
- Có lợi ắt có nhiễm, có nhiễm ắt có lợi; có lợi có nhiễm Bồ-tát chẳng làm; không lợi không nhiễm, Bồ-tát mới làm.
Đến ngày 9 tháng giêng năm Thiên Tư Gia Thụy thứ năm (1190) đời Lý Cao Tông, Sư cáo bệnh nói kệ:
 Núi rừng cọp beo,
 Vằn vện lẫn lộn.
 Nếu muốn phân rành,
 Con kêu, mẹ mổ.
 (Sơn lâm hổ báo, 
 Hoành văn ban bác. 
 Nhược dục chân biệt, 
 Tử thốt mẫu trác.) 
Nói kệ xong, Sư thị tịch.
 

Thiền Sư TRƯỜNG NGUYÊN
(1110 - 1165)-(Đời thứ 10, dòng Vô Ngôn Thông)

Sư họ Phan, quê ở Trường Nguyên, Tiên Du, dòng dõi theo Phật. Khi mới xuất gia thọ giáo với Thiền sư Đạo Huệ. Sau khi được Đạo Huệ ấn chứng, Sư đi thẳng vào núi Từ Sơn ẩn tích. Ở đây, hàng ngày Sư mặc áo cỏ, ăn trái dẻ, làm bạn cùng suối, đá, khỉ, vượn. Suốt mười hai giờø, Sư nhồi nặn thân tâm lặng lẽ thành một mảnh. Trải qua năm, sáu năm, người đời không ai xem thấy được chỗ ảnh hưởng của Sư.

Vua Lý Anh Tông nghe tiếng ái mộ, muốn gặp Sư mà không thể được. Vua thầm sai Phiên thần họ Lê là bạn cũ của Sư khéo dẫn dụ về triều. Họ Lê dụ được Sư về đến nhà trọ chùa Hương Sát. Sư tự hối hận, liền trốn trở về núi xưa. Sư bảo đồ đệ:
- Hạng người thân khô tâm nguội như ta, không phải những vật phù ngụy thế gian có thể cám dỗ được. Bởi vì chí, hạnh của ta chưa thuần nên bị các thứ bẫy lồng vây khốn. Nghe ta nói kệ đây:
 Khỉ vượn bồng con lại núi xanh,
 Từ xưa hiền thánh không mối manh.
 Xuân về oanh hót trong vườn uyển,
 Thu đến cúc cười mất dáng hình.
 Viên hầu bão tử qui thanh chướng
 Tự cổ thánh hiền một khả lượng.
 Xuân lai oanh chuyển bách hoa thâm,
 Thu chí cúc khai một mô dạng.)
Sư thường bảo mọi người:
- Lạ thay ! Lạ thay ! Tại sao các chúng sanh này có đủ trí tuệ Như Lai, mà ngu si mê hoặc chẳng thấy chẳng biết. Ta thường đem đạo lý dạy dỗ, khiến họ lìa hẳn vọng tưởng chấp trước trong tự thân, mà thấy trí tuệ rộng lớn Như Lai của mình, được lợi ích an lạc.
Đến ngày 7 tháng 6 niên hiệu Chính Long Bảo Ứng thứ ba (1165), Sư có chút bệnh, nói kệ dạy chúng:
 Ở chỗ bóng trần,
 Thường lìa bóng trần,
 Tâm phủ lóng tột, 
 Cùng vật không thân.
 Thể vốn tự nhiên,
 Hiện vật không thiên,
 Tài bằng trời đất,
 Vượt cả nhân luân.
 Dưỡng nuôi muôn vật,
 Cùng vật làm xuân,
 Đứng múa gái sắt,
 Đánh trống người cây.
 (Tại quang tại trần, 
 Thường ly quang trần, 
 Tâm phủ trừng triệt, 
 Dữ vật vô thân. 
 Thể ư tự nhiên
 Ứng vật vô ngân, 
 Tông tượng nhị nghi
 Đào thải nhân luân. 
 Đình độc vạn vật
 Dữ vật vi xuân, 
 Tác vũ thiết nữ, 
 Đả cổ mộc nhơn.) 
Nói kệ xong, Sư viên tịch, thọ 56 tuổi.
 

Thiền Sư TỊNH LỰC
(1112 - 1175)-(Đời thứ 10, dòng Vô Ngôn Thông)

Sư họ Ngô tên Trạm, quê ở Cát Lăng, Vũ Bình. Thuở nhỏ, Sư rất thông minh, lớn lên càng giỏi về văn chương, nghệ thuật và chữ viết. Sư gặp Thiền sư Đạo Huệ thầy trò tương ưng như cây kim hạt cải. Tâm dừng nơi cảnh Phật, mặc cỏ ăn cây, phước huệ song tu. Trải qua nhiều năm giữ tâm càng vững chắc. Thiền sư Đạo Huệ bảo:
- Tâm ấn của chư Phật, ngươi tự có đó, chẳng phải từ nơi người mà được.
Sư thưa:
- Đã nhờ Thầy chỉ dạy, con phải trụ nơi nào ?
- Chẳng cần đi xa, nên ở Vũ Ninh là tốt.

vâng lời thầy thẳng lên núi cất một am cỏ tên Vương Trì, làng Cương Việt, Vũ Ninh rồi trụ trì nơi đây. Trong mười hai giờ, Sư lễ Phật sám hối, được niệm Phật tam-muội. Bấy giờ tiếng nói của Sư trong vắt như tiếng Phạm Thiên. Sư thường giảng kinh Viên Giác, nghĩa lý chỗ nào chẳng ổn, đích thân Sư cải chính. Thời nhân bảo trong miệng Sư có chất thư hoàng (Thư Hoàng: là một khoáng chất có màu vàng đỏ. Đời xưa dùng tán nhỏ hòa nước làm mực để bôi những chữ viết lầm. Câu này dùng chỉ người có tài biện bác, lỡ nói sai sửa được ngay, như trong miệng có sẵn thư hoàng.)

Đến niên hiệu Thiên Cảm Chí Bảo thứ hai (1175) một hôm Sư cáo bệnh nhóm môn đồ dạy:
- Các ngươi! Tất cả các người học đạo lấy tâm siêng năng cúng dường Phật, không gì khác hơn chỉ cầu dứt được các nghiệp ác. Tâm miệng niệm tụng, tin hiểu nghe nhận, ở chỗ vắng vẻ yên lặng, gần thiện tri thức. Nói ra lời hòa nhã, nói phải thời đúng lúc, trong tâm không khiếp nhược. Liễu đạt nghĩa lý, xa lìa ngu mê, an trụ chỗ bất động. Quán tất cả pháp vô thường vô ngã, vô tác vô vi. Nơi nơi lìa phân biệt, ấy là người học đạo. Nay phần hóa duyên của ta đã xong.
Lại nói kệ:
 Trước tuy nói kiết, sau gọi hung,
 Từ đời Thái Tổ kiêng chẳng tùng.
 Vì thấy rồng lên làm Phật tử,
 Chợt trông chuột hiện lặng vô cùng.
 (Tiên tuy ngôn kiết, hậu ngôn hung,
 Tự thị Thái Tổ húy bất tùng,
 Vi ngộ kiến long vi Phật tử,
 Hốt tao thử xuất tịch vô cùng.)
Nói xong, Sư ngồi ngay thẳng an nhiên thị tịch, thọ 64 tuổi.
 

Thiền Sư TRÍ BẢO
(? - 1190)-(Đời thứ 10, dòng Vô Ngôn Thông)

Sư họ Nguyễn, quê ở Ô Diên, Vĩnh Khương, là cậu ruột Tô Hiến Thành, một đại công thần đời Lý Anh Tông.

xuất gia vào tu ở chùa Thanh Tước trên núi Du Hý làng Cát Lợi, đất Thường Lạc. Thường ngày mặc áo vá ăn cơm hẩm, cả mười năm không đổi chiếc áo, đến ba ngày chẳng thổi lửa nấu cơm, tay chân chai cóp, thân thể khô khan. Thấy có người đến thì khoanh tay đứng nép một bên, gặp bậc Sa-môn thì quì gối lễ bái. Sư chuyên tu như vậy đến sáu năm mới xuống núi.

Xuống núi, Sư chuyên tạo phước nào sửa đường, bắc cầu, cất chùa, xây tháp, tùy duyên khuyến khích người, không vì lợi dưỡng.
Chợt gặp một vị tăng hỏi:- Sanh từ đâu lại, tử đi về đâu ?
Sư liền suy nghĩ. Vị tăng ấy bảo:
- Trong lúc ông suy nghĩ, mây trắng bay ngàn dặm.
Sư không đáp được. Vị tăng ấy quát:- Chùa tốt mà không có Phật.
Nói rồi bèn bỏ đi. Sư tự than rằng:
- Ta tuy có tâm xuất gia, nhưng chưa được yếu chỉ của người xuất gia, ví như kẻ đào giếng, dù đào đến chín, mười thước mà chưa có nước, vẫn phải bỏ đi. Huống là, tu thân mà chẳng ngộ đạo thì có ích gì ?
Từ đây, Sư dạo khắp bốn phương tham tìm bậc thiện tri thức. Nghe Thiền sư Đạo Huệ giáo hóaTiên Du, Sư liền đến đó.
hỏi Đạo Huệ:- Sanh từ đâu lại, tử đi về đâu ?
Đạo Huệ bảo:- Sanh không từ đâu lại, tử chẳng đi về đâu.
Sư thưa:- Thế ấy, đâu chẳng rơi vào chỗ không sao ?
Đạo Huệ bảo:
- Chân tánh diệu viên, thể tự không tịch, vận dụng tự tại, chẳng đồng với sanh tử. Thế nên, sanh không từ đâu đến, tử chẳng đi về đâu.
Ngay câu nói này, Sư liền lãnh ngộ, nói:
 Chẳng nhân gió cuốn mây trôi hết,
 Đâu thấy trời trong muôn dặm thu.
 (Bất nhân phong quyển phù vân tận,
 Tranh kiến thanh thiên vạn lý thu.)
Đạo Huệ hỏi:- Ngươi thấy cái gì ?
Sư thưa:- Biết nhau khắp thiên hạ
 Tri âm có mấy người.
 (Tương thức mãn thiên hạ,
 Tri âm năng kỉ nhân.)
Sư bèn từ tạ trở về núi.
Từ đây, Sư nói ngang nói dọc, như chọi đá nháng lửa. Một hôm, Sư thăng đường, tăng tục vây quanh, có người hỏi:
- Thế nào là tri túc ?
Sư đáp:
- Phàm người xuất giatại gia đều phải biết tri túc. Nếu người biết tri túc thì ngoài chẳng lấn người, trong không tổn mình. Vật nhỏ nhít như rau cỏ, người không cho, mình chẳng nên lấy. Huống là, những vật lớn khác thuộc của người, khởi tưởng là vật của người, trọn không do đây mà sanh tâm trộm cắp. Cho đến, thê thiếp của người, khởi tưởng là thê thiếp người, cũng không do đây mà sanh tâm dâm. Các ngươi nghe ta nói kệ:
 Của dùng Bồ-tát biết vừa đủ,
 Đối người thương xót chẳng lấn tham.
 Vật mọn không cho ta chẳng lấy,
 Chẳng quản của người đức ngọc lành.
 Bồ-tát vợ nhà còn biết đủ,
 Tại sao vợ người lại khởi tham ?
 Thê thiếp của người người bảo hộ,
 Đâu nỡ lòng mình khởi vạy tà.
 (Bồ-tát tư tài tri chỉ túc,
 Ư tha từ bi bất dâm dục.
 Thảo diệp bất dữ ngã bất thủ,
 Bất tưởng tha vật đức như ngọc.
 Bồ-tát tự thê phương tri túc,
 Như hà tha thê khởi tham dục ?
 Ư tha thê, thiếp, tha sở hộ,
 An nhẫn tự tâm khởi tâm khúc.)

Đến ngày 14 tháng 4 năm thứ năm niên hiệu Thiên Tư Gia Thụy (1190) đời Lý Cao Tông (Thiền Uyển Tập Anh ghi “Lý triều Anh Tông hoàng đế Thiên Tư Gia Thụy ngũ niên” là nhầm. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, niên hiệu này thuộc triều Cao Tông.)Sư cáo bệnh và thị tịch. Đệ tử làm lễ hỏa táng, thu linh cốt, xây tháp thờ tại sơn môn.
 

Thiền Sư NGUYỆN HỌC
(? - 1174)-(Đời thứ 10, dòng Vô Ngôn Thông)

Sư họ Nguyễn, quê ở làng Phù Cầm. Thuở nhỏ, Sư thọ pháp với Thiền sư Viên Trí ở chùa Mật Nghiêm, đã lãnh hội yếu chỉ.

Ban đầu, Sư ở ẩn trên núi Vệ Linh chuyên tu phạm hạnh mười hai năm. Mỗi khi nhập thiền quán đến ba ngày mới xuất. Sư thường trì Hương Hải Đà-la-ni nên các môn trị bệnh, cầu mưa rất được linh nghiệm.

Vua Lý Anh Tông cảm nhận sự linh nghiệm của Sư, cho Sư được ra vào cung vua tự do.

Sau Sư viện cớ già bệnh về trụ trì chùa Quảng Báo làng Chân Hộ, Như Nguyệt, tăng chúng đến tham học thường có mặt không dưới một trăm người.

Đến ngày 11 tháng 6 niên hiệu Thiên Cảm Chí Bảo năm đầu (1174), sắp thị tịch, Sư bảo chúng:
 Đạo không hình tướng,
 Trước mắt chẳng xa,
 Xoay lại tìm kiếm,
 Chớ cầu nơi khác.
 Dù cho cầu được, 
 Được tức chẳng chân.
 Ví có được chân,
 Chân ấy vật gì?
 Vì thế, 
 Chư Phật ba đời,
 Lịch đại Tổ sư
 Ấn thọ tâm truyền,
 Cũng nói như thế.
 (Đạo vô ảnh tượng 
 Xúc mục phi diêu 
 Tự phản suy cầu 
 Mạc cầu tha đắc. 
 Túng nhiêu cầu đắc 
 Đắc tức bất chân, 
 Thiết sử đắc chân 
 Chân thị hà vật 
 Sở dĩ
 Tam thế chư Phật
 Lịch đại Tổ sư
 Ấn thọ tâm truyền
 Diệc như thị thuyết.) 
Nghe ta nói kệ đây:
 Thân tâm liễu ngộ mắt tuệ mở,
 Biến hóa linh thông bày tướng báu.
 Đi đứng ngồi nằm riêng vững vàng,
 Hóa thân ứng hiện đâu tính được.
 Mặc dầu đầy dẫy cả hư không,
 Xem ra nào thấy có tướng gì.
 Thế gian không có vật để sánh,
 Thường hiện linh quang sáng khắp nơi.
 Luôn luôn diễn nói không nghĩ bàn,
 Không có một lời cho thỏa đáng.
 (Liễu ngộ thân tâm khai tuệ nhãn,
 Biến hóa linh thông hiện bảo tướng,
 Hành trụ tọa ngọa độc trác nhiên,
 Ứng hiện hóa thân bất khả lượng.
 Tuy nhiên sung tắc biến hư không,
 Quan lai bất kiến như hữu tướng.
 Thế gian vô vật khả tỷ huống,
 Trường hiện linh quang, minh lãng lãng.
 Thường thời diễn thuyết bất tư nghì,
 Vô đắc nhất ngôn dĩ vi đáng.)

Nói xong, Sư ngồi kiết già thị tịch.
 

Thiền Sư MINH TRÍ
(? - 1196)-(Đời thứ 10, dòng Vô Ngôn Thông)

Sư họ Tô, tên Thiền Trí, quê ở làng Phù Cầm. Tư chất thông minh, đọc khắp sách vở ngoài đời. Lúc trẻ gặp Thiền sư Đạo Huệ liền xả tục xuất gia. Theo hầu Đạo Huệ, Sư thấu đạt lý huyền diệu của Thiền, trực nhận được ý chỉ các bộ kinh Viên Giác, Nhân Vương, Pháp Hoa và sách Truyền Đăng. Do chuyên cần đọc tụng quên cả nhọc nhằn, nên nhà vua ban hiệu cho Sư là Minh Trí.

Sau Sư trụ trì chùa Phúùc Thánh, tăng chúng theo học đông đảo. Một hôm Sư đang bàn luận với một vị tăng, có vị tăng bên cạnh nói:
- Nói là Văn Thù, nín là Duy Ma.
Sư bảo:- Không nói, không nín, đâu chẳng phải là ông ?
Vị tăng ấy liền chấp nhận. Sư bảo:- Sao chẳng hiện thần thông ?
Vị tăng thưa:
- Chẳng từ chối hiện thần thông, chỉ sợ Hòa thượng bắt vào dạy.
Sư bảo:- Ngươi chưa phải là con mắt giáo ngoại biệt truyền.
Bèn nói kệ:
 Giáo ngoại nên biệt truyền,
 Lâu xa Phật Tổ sâu.
 Nếu người cầu phân biệt,
 Ánh nắng tìm khói mây.
 (Giáo ngoại khả biệt truyền,
 Hy di Tổ Phật uyên. 
 Nhược nhân dục biện đích, 
 Dương diệm mích cầu yên.)
Đến niên hiệu Thiên Tư Gia Thụy thứ mười một (1196) Sư sắp thị tịch, nói kệ:
 Gió tùng, trăng nước sáng,
 Không bóng cũng không hình.
 Sắc tướng chỉ thế ấy,
 Trong không tìm tiếng vang.
 (Tùng phong thủy nguyệt minh,
 Vô ảnh diệc vô hình. 
 Sắc tướng giá cá thị, 
 Không không tầm hưởng thinh.) 
Nói xong, Sư lặng lẽ thị tịch.
 

Thiền Sư TỊNH GIỚI
(? - 1207)-(Đời thứ 10, dòng Vô Ngôn Thông)

Sư tên Chu Hải Ngung, quê làng Giang Mão. Xuất thân trong gia đình hàn vi, nhưng tánh tình Sư rất thuần hậu, lúc nhỏ theo học Nho. Đến năm 26 tuổi, Sư mang bệnh nặng, mộng thấy thần nhân cho thuốc. Tỉnh giấc, bệnh được lành, Sư bèn quyết chí xuất gia. Theo một vị kỳ túc trong làng, Sư được thọ giới cụ túc và chuyên nghiên cứu về Luật tạng.

Nghe ở vùng Lãng Sơn thanh u vắng vẻ, tiện cho sự tu học, Sư chống gậy đi về phương đông. Trải qua bảy năm tham học, Sư gặp được Thiền sư Bảo Giác ở chùa Viên Minh, qua một câu nói, Sư liền khế hội.
Khoảng niên hiệu Chính Long Bảo Ứng (1163-1173), lúc Thiền sư Bảo Giác sắp tịch có nói:
- Sanh già bệnh chết là việc thường của người đời, riêng ta há lại khỏi sao?
Sư liền hỏi:- Ngày nay Tôn đức thế nào ?
Bảo Giác cười nói kệ:
 Muôn pháp về không không thể nương,
 Chân như lặng lẽ hiện tỏ tường,
 Thấu tột nguồn tâm không chỗ chỉ,
 Nước tâm bóng nguyệt bặt nghĩ lường.
 (Vạn pháp qui không vô khả y,
 Qui tịch chân như mục tiền ky,
 Đạt ngộ tâm viên vô sở chỉ,
 Thủy tâm thủy nguyệt dẫn tâm nghì. (Câu này nguyên văn “thủy thủy tâm nguyệt dẫn tâm nghì”, hai chữ thủy viết lộn nên đổi lại.)
Nói kệ xong, Bảo Giác truyền tâm ấn cho Sư.
Từ đây, tùy phương giáo hóa, dần dần đến chùa Quốc Thanh trên núi Linh Bí ở An Phủ, Sư bèn dừng lại trụ trì. Sư ở đây cấm túc sáu năm chuyên tu hạnh đầu-đà. Quan Châu mục tên Phạm Từ nghe danh đức rất quí mến, đến ra mắt và kính lễ, ông phát tâm thỉnh Sư đúc hồng chung để tại sơn môn.
Sau, Sư trở về làng cũ trùng tu lại ngôi chùa Quảng Thánh và quyên tiền đúc chuông, mua trống, dựng bia. Sư trụ luôn ở đây thu nhận môn đồ giáo hóa.
Có vị tăng hỏi:- Thế nào là Phật lý ?
Sư đáp:- Ngươi, ta.
Sư thường bảo:
- Tánh của tâm chính là tánh của Như Lai tạng tâm. Thế nên tự tánh tâm thanh tịnh vậy.
Đến ngày 7 tháng 7 niên hiệu Trị Bình Long Ứng thứ ba (1207), sắp tịch Sư nói kệ:
 Thời nay giảng đạo hiếm tri âm,
 Chỉ bởi vì người mất đạo tâm.
 Nào giống Tử Kỳ nghe nhạc giỏi,
 Nghe qua suốt cả Bá Nha cầm.
 (Thử thời thuyết đạo hãn tri âm,
 Chỉ vị như tư tán đạo tâm.
 Hề tợ Tử Kỳ đa sảng sấm,
 Thính lai nhất đạt Bá Nha cầm.)
Lại nói:
 Thu về mát mẻ thích trong lòng,
 Tám đấu tài cao hát thong dong.
 Cửa thiền những thẹn người si độn,
 Biết lấy câu gì để truyền tâm.
 (Thu lai lương khí sảng hung khâm,
 Bát đấu tài cao đối nguyệt ngâm.
 Kham tiếu thiền gia si độn khách,
 Vi hà tương ngữ dĩ truyền tâm?)
 Nói kệ xong, Sư ngồi kiết già thị tịch.

Tạo bài viết
24/08/2015(Xem: 11331)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: