THIỀN SƯ VIỆT NAM
Hoà Thượng Thích Thanh Từ
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh 1992
Thiền Sư QUẢNG NGHIÊM
(1121 - 1190)-(Đời thứ 11, dòng Vô Ngôn Thông)
Sư họ Nguyễn, quê huyện Đan Phượng, mồ côi từ thuở bé, theo học Phật pháp với người cậu là thầy Bảo Nhạc. Sau khi thầy Nhạc qua đời, Sư đi hành khước bốn phương, viếng khắp các nơi thiền tứ. Nghe Thiền sư Trí Thiền giáo hóa ở chùa Phúc Thánh hạt Điển Lãnh, Sư liền đến đây tham vấn.
Một hôm nhân nghe Trí Thiền giảng ngữ lục của ngài Tuyết Đậu, đến chỗ Đạo Ngô và Tiệm Nguyên đến nhà người điếu tang đối đáp về vấn đề sanh tử, Sư có sở đắc liền hỏi:
- Một câu thoại đầu ấy, người xưa nói ở trong sanh tử, lại có lý hay không ?
Trí Thiền đáp:
- Ngươi nhận được lý này chăng ?
- Thế nào là lý không sanh tử ?
- Chỉ ở trong sanh tử khéo nhận lấy.
- Đạt vô sanh rồi.
- Vậy thì tự liễu.
Ngay câu nói này, Sư càng thấu suốt, lại hỏi:
- Làm sao bảo nhậm (gìn giữ) ?
- Đã liễu ngộ lại đồng chưa liễu.
Sư sụp xuống lạy.
*
* *
Từ đây tiếng Sư vang khắp tùng lâm. Trước Sư đến chùa Thánh Ân ở làng Siêu Loại dừng trụ. Binh bộ thượng thư Phùng Giáng Tường nghe danh kính mộ, thỉnh Sư về trụ trì chùa Tịnh Quả do chính ông lập. Nơi đây Sư xiển dương tông chỉ, thiền giả đến học đều được lợi ích.
Một hôm, đệ tử nhập thất là Thường Chiếu đem kinh Kim Cang hỏi:
- “Pháp Như Lai đã được, pháp này không thật không hư”, ấy là pháp gì ?
Sư đáp:
- Ngươi chớ hủy báng Như Lai.
- Hòa thượng chớ hủy báng kinh.
- Kinh này là ai nói?
- Hòa thượng chớ đùa với con, đâu không phải là Phật nói sao ?
- Nếu là Phật nói, vì sao trong kinh lại nói: “Nếu nói Như Lai có nói pháp tức là hủy báng Phật!” ?
Thường Chiếu không đáp được.
*
* *
Có vị tăng hỏi:- Thế nào là pháp thân ?
Sư đáp:- Pháp thân vốn không tướng.
- Thế nào là Bát-nhã ?
- Bát-nhã không hình.
- Thế nào là cảnh Tịnh Quả ?
- Cây thông, cây thu bên ngôi mộ xưa.
- Thế nào là người trong cảnh ?
- Một mình ngồi bịt miệng bình.
- Chợt gặp tri âm làm sao tiếp ?
- Tùy duyên nhướng đôi mày.
- Thế ấy là cháu chắt Kiến Sơ, là con Âu Tông ?
- Người ngu nước Sở.
Tăng không đáp được.
*
Đến ngày 15 tháng 2 năm Canh Tuất, nhằm niên hiệu Thiên Tư Gia Thụy thứ năm (1190), Sư sắp tịch liền nói kệ:
Lìa tịch mới bàn câu tịch diệt,
Được vô sanh, sau nói vô sanh.
Làm trai có chí xông trời thẳm,
Chớ dẫm Như Lai vết đã qua.
(Ly tịch phương ngôn tịch diệt khứ,
Sanh vô sanh hậu thuyết vô sanh.
Nam nhi tự hữu xung thiên chí,
Hưu hướng Như Lai hành xứ hành.)
Nói kệ xong, Sư chấp tay vui vẻ thị tịch, thọ 69 tuổi.
Thiền Sư THƯỜNG CHIẾU
(? - 1203)-(Đời thứ 12, dòng Vô Ngôn Thông)
Sư họ Phạm, quê làng Phù Ninh. Triều Lý Cao Tông (1176-1210), Sư làm quan Lệnh Đô Tào ở cung Quảng Từ. Sau từ quan đi xuất gia theo học với Thiền sư Quảng Nghiêm ở chùa Tịnh Quả, chính Sư là người được tâm ấn. Sư ở đây hầu thầy nhiều năm.
Sau đó, Sư tìm đến phường Ông Mạc trụ trì một ngôi chùa cổ, mở mang giáo hóa môn đồ. Rốt sau, Sư dời về chùa Lục Tổ ở làng Dịch Bảng, phủ Thiên Đức trụ trì. Tăng chúng tìm đến tu học càng ngày càng đông.
Có vị tăng hỏi:- Khi vật ngã vin nhau thì thế nào?
Sư đáp:
- Về tâm tánh thì vật ngã cả hai đều quên, vì nó vô thường dễ sanh dễ diệt, sát-na (chớp mắt) không dừng thì có cái gì vin nhau ? Sanh là vật sanh, diệt là vật diệt, pháp đã được kia, thường không sanh diệt.
Tăng thưa:
- Con vẫn chưa hiểu, xin Thầy thương xót chỉ dạy ?
Sư bảo:
- Rõ được tâm mà tu hành thì tỉnh lực dễ thành, không rõ tâm mà tu hành thì phí công vô ích.
- Thế nào là pháp thân khắp tất cả chỗ ?
- Như một lỗ chân lông khắp cả pháp giới, tất cả lỗ chân lông thảy đều như thế. Nên biết, nếu tâm không thì không có một tí kẽ hở nào không phải thân Phật. Vì cớ sao? Vì pháp thân ứng hóa thành Phật không chỗ nào chẳng đến? Thế nên, phải biết đúng như thế. Như Lai dùng sức tâm tự tại, trong chỗ không khởi chuyển mà chuyển pháp luân; biết tất cả pháp thường không khởi, dùng ba thứ pháp nói đoạn, nhưng thật không đoạn mà chuyển pháp luân, biết tất cả pháp lìa biên kiến (chấp một bên) nên ở mé ly dục, nhưng không phải trừ mà chuyển pháp luân. Vào mé hư không của tất cả pháp, nên không có ngôn thuyết mà chuyển pháp luân; biết tất cả pháp là tánh Niết-bàn, nên nói rằng: tánh không tướng, tánh không tận, tánh không sanh, tánh không diệt, tánh không ngã, tánh chẳng phải chẳng ngã, tánh không chúng sanh, tánh chẳng phải chẳng chúng sanh, tánh không Bồ-tát, tánh không pháp giới, tánh không hư không, cũng không có tánh thành Phật.
Nói xong liền nói kệ:
Ở đời làm thân người,
Nơi tâm Như Lai tạng.
Chiếu soi cùng khắp nơi,
Tìm đó lại càng rỗng.
(Tại thế vi nhân thân,
Tâm vi Như Lai tạng,
Chiếu diệu thả vô phương,
Tầm chi cánh tài khoáng.)
Đến ngày 24 tháng 9 niên hiệu Thiên Gia Bảo Hựu thứ hai (1203), Sư cho hay đau bụng, nhóm chúng nói kệ:
Đạo vốn không nhan sắc,
Ngày ngày lại mới tươi,
Ngoài đại thiên sa giới,
Chỗ nào chẳng là nhà.
(Đạo bản vô nhan sắc,
Tân tiên nhật nhật khoa,
Đại thiên sa giới ngoại,
Hà xứ bất vi gia.)
Nói kệ xong, Sư ngồi kiết già thị tịch.
Tác phẩm của Sư:
1. Thích Đạo Khoa Giáo, 1 quyển.
2. Nam Tông Tự Pháp Đồ, 1 quyển.
Và hai bài kệ trên.
Thiền Sư Y SƠN
( ? - 1213 )-(Đời thứ 19, dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi)
Sư họ Nguyễn, quê ở làng Cẩm tỉnh Nghệ An, dáng người xinh đẹp, nói năng hoạt bát. Thuở nhỏ, Sư học thông sách sử, thích việc giao du, rất chú ý đến kinh điển Phật.
Năm 30 tuổi, Sư xuất gia với một vị trưởng lão trong làng. Sau đến kinh đô tham học với Quốc sư Viên Thông. Qua câu nói của Viên Thông, Sư ngộ được huyền chỉ.
Về sau, Sư tùy phương hành hóa chí tại lợi người. Nếu được tín thí cúng dường, Sư đều để vào Phật sự. Sư thường làm văn khuyến hóa rằng:
Mến danh thích lợi, đều như bọt nước mặt ghềnh,
Cấy phước gieo duyên, trọn là trong lòng hoài bão.
(Điếu danh thị lợi, giai như thủy thượng phù âu,
Thực phước chủng duyên, tận thị hung trung hoài bão.)
Sư trụ trì tại chùa Đại Bi, tràng Đại Thông, hạt Long Phước. Về già lại dời đến chùa Nam Mô, làng Yên Lãng trụ trì. Sư từng dạy môn đồ:
- Các ngươi nên biết, Như Lai thành đẳng Chánh Giác, đối tất cả nghĩa không còn chỗ nào quán sát, đối với pháp bình đẳng không có nghi hoặc, không tâm không tướng, không đi không dừng, không lường không ngằn, xa lìa hai bên, trụ ở trung đạo, vượt ngoài tất cả văn tự, truyền được tất cả chúng sanh lượng đẳng thân, được tất cả tam giới lượng đẳng thân, được tất cả Phật lượng đẳng thân, được tất cả ngôn ngữ lượng đẳng thân, được chân như lượng đẳng thân, được pháp giới lượng đẳng thân, được hư không giới lượng đẳng thân, được vô ngại giới lượng đẳng thân, được tất cả nguyện lượng đẳng thân, được tất cả hạnh lượng đẳng thân, được tất cả tịch diệt lượng đẳng thân.
Sư nói kệ:
Như Lai thành chánh giác,
Tất cả lượng bằng thân.
Xoay lại chẳng xoay lại,
Trong mắt con ngươi nằm.
*
Chân thân thành vạn tượng,
Vạn tượng thành chân thân.
Cung trăng cành quế đỏ,
Quế đỏ tại một vầng.
(Như Lai thành chánh giác,
Nhất thiết lượng đẳng thân.
Hồi hỗ bất hồi hỗ,
Nhãn tình đồng tử thần.
*
Chân thân thành vạn tượng,
Vạn tượng thành chân thân.
Nguyệt điện vinh đan quế,
Đan quế tại nhất luân.)
Sắp tịch, Sư gọi môn đồ bảo: “Ta chẳng trở lại cõi này nữa.” Khi ấy, cây hoa trước nhà tự nhiên rụng bông, chim yến chim sẻ kêu vang bi thảm suốt ba tuần không dừng. Khi đó, nhằm ngày 18 tháng 3, năm thứ ba niên hiệu Kiến Gia (1213), Sư an lành thị tịch.
Thiền Sư THẦN NGHI
(? - 1216)-(Đời thứ 13, dòng Vô Ngôn Thông)
Sư họ Quách, quê ở Ngoại Trại, gia đình tu hành trong sạch. Sư xuất gia thờ Thiền sư Thường Chiếu làm thầy.
Đến khi Thiền sư Thường Chiếu sắp tịch, Sư hỏi:
- Mọi người đến thời tiết này, vì sao đều theo thế tục mà chết?
Thường Chiếu bảo:
- Ngươi nhớ được mấy người không theo thế tục ?
Sư thưa:
- Một mình Tổ Đạt-ma.
Thường Chiếu hỏi:
- Có những đặc biệt gì ?
Sư thưa:
- Một mình đạp trên sóng trở về Tây.
- Núi Hùng Nhĩ là nhà ai ?
- Chỉ là chỗ chôn chiếc giày trong hòm mà thôi.
- Lừa người lấy lợi, đứng đầu là Thần Nghi.
- Đâu thể nói Tống Vân truyền dối, việc vua Trang Đế quật mồ thì sao ?
- Một con chó lớn sủa láo.
- Hòa thượng cũng tùy tục chăng ?
- Tùy tục.
- Vì sao như thế ?
- Ấy là cùng người đồng điều (đồng điều tử).
Sư bỗng nhiên tỉnh ngộ, liền lễ bái thưa:- Con đã hiểu lầm rồi.
Thường Chiếu liền hét.
Sư lại thưa:
- Con thờ Hòa thượng nhiều năm, mà không biết người truyền đạo này buổi đầu là ai ? Cúi xin Hòa thượng chỉ dạy việc thứ lớp truyền pháp, khiến học giả biết được nguồn gốc.
Thường Chiếu khen Sư có lòng khẩn thiết, bèn lấy Chiếu Đối Bản của Thiền sư Thông Biện ra và ghi những điều trong tông phái làm thành Nam Tông Tự Pháp Đồ để chỉ dạy Sư. Sư xem qua xong, liền hỏi:
- Phái Nguyễn Đại Điên, phái Nguyễn Bát Nhã, vì sao không thấy trong Đồ-Bản này ?
Thường Chiếu đáp: - Ý của Thông Biện ắt có lý vậy.
*
* *
Thường Chiếu tịch, Sư về trụ trì chùa Thắng Quang làng Thị Trung, Kim Bài. Nơi đây, Sư diễn hóa tông thừa, đồ chúng theo học rất đông.
*
* *
Đến ngày 18 tháng 2 năm Bính Tý, nhằm niên hiệu Kiến Gia thứ sáu (1216) đời Lý Huệ Tông, Sư gọi đệ tử là Ẩn Không đến lấy Đồ-Bản của Thường Chiếu trao cho dặn: “Phương này hiện nay tuy loạn, ngươi khéo giữ Đồ-Bản này, cẩn thận đừng để cho binh lửa làm hoại, ắt là Tổ phong của ta không mất vậy.”
Nói xong Sư tịch.
Đại Sĩ THÔNG THIỀN
(? - 1228)-(Đời thứ 13, dòng Vô Ngôn Thông)
Sư họ Đặng quê làng Ốc, An La. Sư cùng Quách Thần Nghi ở chùa Thắng Quang đồng thờ Thiền sư Thường Chiếu ở chùa Lục Tổ làm thầy.
Một hôm Sư vào thất thưa hỏi rằng:- Thế nào biết rõ Phật pháp ?
Thường Chiếu đáp:
- Phật pháp không thể biết rõ, đây đâu có pháp biết. Chư Phật như thế, tu tất cả pháp mà không thể được.
Sư ngay câu nói này lãnh ngộ yếu chỉ.
*
* *
Sư trở về cố hương, học giả nghe pháp tụ hội rất đông. Phàm có người thưa hỏi, Sư thảy đều dùng tâm ấn tâm.
Có vị tăng hỏi:- Thế nào là người xuất thế ?
Sư đáp:
- Đâu chẳng nghe người xưa nói: “Chỉ xem năm uẩn đều không, tứ đại vô ngã, chân tâm không tướng, không đi không lại, khi sanh tánh chẳng đến, khi tử tánh chẳng đi, yên tĩnh tròn lặng, tâm cảnh nhất như.” Chỉ hay như thế, liền đó chóng liễu ngộ, không bị ba đời ràng buộc, bèn là người xuất thế. Cần thiết chẳng được có một mảy may thú hướng.
*
* *
Có vị tăng khác hỏi:- Thế nào là nghĩa vô sanh ?
Sư đáp:
- Phân biệt các uẩn này tánh nó vốn không tịch, vì không, nên không thể diệt, đây là nghĩa vô sanh.
- Thế nào là lý vô sanh ?
- Do việc điều uẩn, mới hiểu tánh không, tánh không chẳng thể diệt, ấy là lý vô sanh.
- Thế nào là Phật ?
- Tâm vốn là Phật, do đó ngài Huyền Trang nói: “Chỉ liễu ngộ tâm địa nên hiệu là Tổng Trì, ngộ pháp vô sanh gọi là Diệu Giác.”
*
* *
Đến niên hiệu Kiến Trung thứ tư (1228), đời Trần Thái Tông, vào lúc tháng 7, Sư tịch.
Thiền Sư HIỆN QUANG
(? - 1221)-(Đời thứ 14, dòng Vô Ngôn Thông)
Sư tên Lê Thuần, quê ở thành Thăng Long, tiếng nói êm ái, dung mạo xinh đẹp, mồ côi từ thuở nhỏ, nếm đủ mùi gian nan. Năm mười một tuổi được Thiền sư Thường Chiếu đem về nuôi và nhận làm học trò. Sư tư chất rất thông minh, mỗi ngày đọc hàng vạn chữ. Không đầy mười năm, Sư thông suốt Tam học. Nhưng về tông chỉ của Thiền môn, Sư chưa kịp suy cứu thì Thiền sư Thường Chiếu đã qui tịch. Về sau, mỗi khi biện luận với ai đến chỗ thâm yếu, bị bắt bẻ, Sư trả lời không được, Sư hối hận tự than:
- Ta cũng như con nhà giàu to, lúc cha mẹ còn sống, chỉ biết ăn chơi lơ đễnh, đến khi cha mẹ mất đi, thành ra mờ mờ mịt mịt, chẳng biết của cải nhà mình để đâu, rốt cuộc chỉ là kẻ nghèo thiếu.
Từ đó Sư dạo khắp tùng lâm, tham tầm thiện tri thức. Đến chùa Thánh Quả gặp Thiền sư Trí Thông nói cho một câu, Sư liền phát minh tâm địa, bèn ở lại đây hầu hạ.
Sau vì nhận món đồ của bà Công chúa Hoa Dương, mà tiếng ong ve nổi lên vang dậy. Sư nghe rồi tự nghĩ:
- Phàm cùng người thế tục tới lui, ắt chẳng khỏi bị hủy nhục. Xét lại ta phải chịu như thế sao? Bồ-tát đối với Phật pháp hoặc rộng hoặc lược, là kẻ sĩ trung dung vô lượng, mà vẫn còn buồn khóc thay! Nếu không tỉnh giác mạnh mẽ, lấy nhẫn nhục làm áo giáp, lấy tinh tấn làm binh khí, thì lấy gì để đánh ma quân, dẹp phiền não, cầu được Vô thượng bồ- đề ?
Rồi Sư vào thẳng trong núi Uyên Trừng, phủ Nghệ An theo Thiền sư Pháp Giới thọ cụ túc.
Một hôm, Sư thấy thị giả bưng cơm, sẩy tay làm rơi xuống đất, sợ quá thị giả lấy tay hốt cơm vẫn còn lộn đất. Sư tự hối nói:
- Ta sống không làm lợi ích gì cho ai, luống nhọc người cung cấp, đến phải như thế.
Từ đây Sư mặc bằng lá cây, ăn các thứ trái lượm được, không dùng cơm nữa. Trải qua mười năm như thế.
Sau vì muốn tìm chỗ riêng để an dưỡng tuổi già, Sư vào sâu trong núi Từ Sơn kết cỏ làm am mà ở. Mỗi khi đi kinh hành dưới rừng, Sư dùng gậy quảy một túi vải, ngồi nằm chỗ nào các loài dã thú trông thấy đều nép phục.
Vua Lý Huệ Tông kính trọng đạo đức của Sư sắp bày đủ lễ đón tiếp. Sư ẩn tránh, sai thị giả đáp lời sứ rằng:
- Bần đạo sống nhờ đất vua, ăn lộc của vua, được xuất gia thờ Phật, đã trải nhiều năm, công đức chưa thuần thục, thật lấy làm hổ thẹn. Nếu bảo ra yết kiến vua, chẳng những không bổ ích về việc trị dân, lại chuốc lấy sự chê bai của chúng sanh. Huống là, hiện nay Phật pháp thạnh hành, những bậc thầy mẫu mực trong đạo đã tụ họp về cấm túc uy nghi trong điện các. Xét lại phận hèn quê mùa này, một lá y nương trong núi hành đạo, đâu dám đến nơi ấy.
Từ đó, Sư quyết định không xuống núi.
Có vị tăng hỏi:- Hòa thượng từ ngày ở núi này đến giờ làm việc gì ?
Sư đáp bài kệ:
Hứa Do tập theo đức,
Nào biết đời mấy xuân,
Vô vi sống đồng rộng,
Người tự tại thong dong.
(Na dĩ Hứa Do đức,
Hà tri thế kỷ xuân.
Vô vi cư khoáng dã,
Tiêu diêu tự tại nhân.)
Đến mùa xuân năm Tân Tỵ, niên hiệu Kiến Gia thứ mười một (1221) đời Lý Huệ Tông, trước khi thị tịch, Sư ngồi ngay thẳng trên gộp đá nói kệ:
Pháp huyễn đều là huyễn,
Tu huyễn đều là huyễn,
Hai huyễn đều chẳng nhận,
Tức là trừ các huyễn.
(Huyễn pháp giai thị huyễn,
Huyễn tu giai thị huyễn,
Nhị huyễn giai bất tức,
Tức thị trừ chư huyễn.)
Nói kệ xong, Sư an nhiên mà hóa. Môn nhân là Đạo Viên sắm đủ lễ táng Sư trong hang núi.
Thiền Sư TỨC LỰ
(Đời thứ 14, dòng Vô Ngôn Thông)
Sư quê ở Chu Minh, lúc nhỏ thông minh đọc hết các sách thế tục. Một hôm, Sư bỏ hết sở học, theo làm đồ đệ Đại sĩ Thông Thiền thưa hỏi chỗ huyền yếu.
Thường đến ngày giải hạ Sư đặt bẫy, bắt được một con chim Mãi Quỹ đem về dâng cho thầy.
Thông Thiền kinh ngạc bảo:
- Ngươi đã làm tăng, sao lại phạm tội sát sanh? Làm sao tránh khỏi quả báo ngày sau ?
Sư thưa:
- Con chính khi ấy chẳng thấy có vật này, và cũng chẳng thấy có thân con, cũng chẳng biết có quả báo sát sanh, cho nên mới làm thế này.
Thông Thiền biết Sư là pháp khí bèn cho vào thất, mật truyền tâm ấn rằng:
- Ngươi nếu dùng đến chỗ đất ấy, dù có tạo tội ngũ nghịch, thất giá, cũng được thành Phật.
Có vị tăng bên cạnh nghe trộm lời này, bèn kêu to rằng:
- Khổ thay, dù có việc thế ấy, tôi cũng chẳng nhận.
Thông Thiền lên tiếng bảo:
- Trộm! Trộm! Đâu nên, phi nhân sẽ gặp cơ hội tốt.
Sư nghe câu nói ấy liền lãnh ngộ.
Sau Sư trở về chùa Thông Thánh làng Chu Minh, phủ Thiên Đức trụ trì. Ở đây, Sư giảng dạy cho môn đồ tông chỉ Thiền tông. Có người học trò lanh lợi là cư sĩ Ứng Thuận kế thừa tông của Sư.
Cư Sĩ ỨNG THUẬN VƯƠNG
(Đời thứ 15, dòng Vô Ngôn Thông)
Ông tên Đỗ Văn, quê phường Hoa Thị, kinh đô Thăng Long. Tánh tình khoáng đạt không chịu đeo đuổi theo việc đời. Ban đầu làm chức quan trong triều Chiêu Lăng (Trần Thái Tông), đến hàng Trung phẩm Phụng ngự.
Khi rảnh việc, ông dốc chí học thiền, tay không rời kinh sách, sưu tầm cùng tận ý Tổ, thấu suốt tâm tông. Ông làm đệ tử Thiền sư Tức Lự ở chùa Thông Thánh và thông suốt mật chỉ. Do đó, Thiền sư Tức Lự chẳng ngại đem tâm ấn trao truyền cho ông.
Sau khi đắc truyền, ông là người tai mắt trong tùng lâm, đồng loạt với Quốc sư Nhất Tông, Thiền sư Tiêu Dao, Thiền sư Giới Minh, Thiền sư Giới Viên ấy vậy.