Khéo Truyền Thông Để Giúp Người Thân Thay Đổi Tích Cực

09/06/20157:00 CH(Xem: 4059)
Khéo Truyền Thông Để Giúp Người Thân Thay Đổi Tích Cực

THÍCH NHẬT TỪ

CHÌA KHÓA HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH

Nhà xuất bản Hồng Đức 2015

KHÉO TRUYỀN THÔNG ĐỂ GIÚP NGƯỜI THÂN THAY ĐỔI TÍCH CỰC

Bạch Thầy! Gia đình còn vài năm trở lại đây luôn xảy ra sóng gió. Mọi việc bắt nguồn từ em trai của chồng con. Chú ấy đã có vợ và 2 con nhưng không tu chí làm ăn, suốt ngày chơi bời lêu lổng. Cách đây 1 năm vợ chồng chú ấy ly thân, vợ về nhà ngoại còn chú ấy thì chuyển hẳn về nhà bố mẹ chồng con. Thôi thì anh em một nhà, lúc hoạn nạn không thể bỏ nhau được nhưng con khó có thể chấp nhận chuyện chú ấy đi về tùy hứng, có hôm 1h sáng đi chơi về gọi cửa ầm ĩ, rồi say xỉn bỏ xe máy ngoài cửa làm chồng con sợ mất lại phải dậy cất vào, tự ý sử dụng tiền của công ty đi chơi bời tiêu pha mà không nói với chồng con một lời (hai anh em làm chung),... và vô số những chuyện khó chịu khác mà con không thể kể hết được. Con góp ý với chồng và mẹ chồng thì mọi người đều gạt đi, tỏ ý bệnh vực ra mặt. Gần đây con của chú ấy bị mắc bệnh hiểm nghèo, cả nhà chồng con cứ loạn hết cả lên. Chồng con nói sẽ chạy chữa cho cháu dù có phải bán nhà và tuyên bố đó là trách nhiệm của một mình chồng con vì anh ấy có lỗi với dòng họ do không có con trai (chỉ có chú ấy có con trai). Con hiểu và chia sẻ tình yêu thương và sự bao bọc mà chồng con dành cho em và cháu nhưng con nghĩ cái gì cũng phải đúng mực. Cháu bé ấy không chỉ là cháu của chồng con mà còn là con của cô chú ấy, là cháu của 2 bên nội ngoại nên việc chữa chạy cho cháu bé là trách nhiệm của cả đại gia đình. Và điều làm con tổn thương nhất là chồng con luôn mồm nói: “Vì anh không có con trai nên giờ chúng ta phải lo cho con chú ấy”. Con sẵn sàng chung tay với chồng và gia đình nhà chồng giúp đỡ cháu bé nhưng không phải với lý do “không đẻ được đích tôn cho nhà chồng”. Con suy nghĩ như vậy có gì sai không, thưa Thầy? Mong Thầy cho con lời khuyên.

Trần Thị Thu Thủy, Nha Trang

Trước nhất, tôi chân thành chia sẻ với những khó khăn và thử thách mà chị đang đối diện trong gia đình chồng. Vì là vấn đề liên hệ đến cả gia đình nhà chồng, do đó, chị đừng vội bận tâm đến vấn đề ứng xử đúng hay sai của em chồng và phản ứng của cha mẹ chồng. Những vấn đề tế nhị như trong câu chuyện của chị, “đúng hay sai” không đủ khả năng giải quyết được vấn đề mà chị nêu ra. Do đó, để khắc phục tình trạng này, chị nên lưu tâm một số điều sau đây:

Trách nhiệm giúp đỡ nhau vì tình thân quyến

Ở đây cần nhận diện rằng chồng chị giúp em trai của anh ấy là vì tình thân quyến nên “lúc hoạn nạn không thể bỏ nhau được”, hơn nữa, con của em chồng chị đang mắc bệnh hiểm nghèo. Do đó, việc gia đình chồng cưu mang cha con của em chồng chị là chuyện hiển nhiên. Điều rất tốt trong tình huống này là chị đã thể hiện “hiểu và chia sẻ tình yêu thương và sự bao bọc” của chồng chị dành cho em chồng và cháu của chồng. Nhờ sự hiểu và thông cảm đó, chị đã chấp nhận và sống chung với khó khăn của gia đình chồng trong thời gian qua.

Sự chịu đựng của chị đã vượt quá cái ngưỡng cho phép khi em chồng “không tu chí làm ăn, suốt ngày chơi bời lêu lổng” đang khi chị phải sống chung trong gia đình nhà chồng với tư cách là một thành viên. Thông thường, các bất đồng về lối ứng xử giữa các thành viên trong một gia đình tất yếu xảy ra không ở thời điểm này thì sẽ ở thời điểm khác. Đó là quy luật mà chị nên làm quen, ít nhất trong tình trạng vợ chồng chị không thể ở riêng mà phải sống chung với gia đình chồng. Tình thương của cha mẹ chồng dành cho em trai của chồng và 2 đứa con của cậu ấy trong tình trạng cậu ấy đã “ly thân” và con cậu ấy đang bị bệnh hiểm nghèo, là tình thươngtrách nhiệm của cha mẹ dành cho con. Có lẽ vì điều này mà cha mẹ chồng đã không quan tâm đến điều quan trọng không kém là góp ý và giúp đỡ em chồng vượt qua thói quen sống thiếu trách nhiệm và không có tương lai.

Chị nên tiếp tục trải nghiệm sự cảm thông về tình trạng này để không cảm thấy ngột ngạt khi gia đình chồng “tỏ ý bênh vực ra mặt” lối sống thiếu ý thức của em chồng. Đừng quá bận tâm vào hành vi và ứng xử của cậu ấy như thế chị sẽ có thể sống thoải mái hơn trong gia đình chồng, đang khi chị không có sự lựa chọn nào tốt hơn trong tình huống này. Đừng để sự chịu đựng này là một ức chế tâm lý. Hãy chịu đựng tích cực để tìm ra giải pháp thích hợp.

Truyền thông bằng thông cảm

Quan điểm “cái gì cũng phải đúng mực” của chị đối với việc em chồng “đi về tùy hứng”, “gọi cửa ầm ĩ”, “say xỉn”, “chơi bời tiêu pha” và “những chuyện khó chịu khác” là một ứng xử mang tính “công bằng” trên nền tảng hiểu và cảm thông. Trong thực tế, có những tình huống dở khóc dở cười không thể giải quyết bằng sự công bằngthành công được. Ngoài công bằng, người ta cần sự khôn khéo trong truyền thông để đạt được mục đích tốt đẹp cho các bên có liên quan.

Cha mẹ chồng vì quá thương nỗi đau ly thân của con trai và căn bệnh bệnh hiểm nghèo của con cậu ấy, nên thay vì nhắc nhở cậu ấy tu chí làm ăn, khắc phục hậu quả của sự đổ vỡ để gây dựng tương lai thì xem ra cha mẹ chồng đã dành cho cậu ấy sự thiên vị. Vì là con dâu trong gia đình chồng, đang khi cha mẹ chồng thương em chồng không đúng cách, chị khó có thể truyền thông thành công với cha mẹ chồng việc giúp đỡ em chồng thay đổi lối sống “chơi bời”, “tùy hứng”.

Vì nhiều lần chị đã bị cha mẹ chồng “gạt đi” lời góp ý, do đó, thay vì tiếp tục góp ý với mẹ chồng vốn thương em chồng không đúng cách, chị nên khéo léo góp ý riêng với chồng chị ở chỗ riêng tư, để cha mẹ chồng không tự ái và chồng chị không bị cảm giác khó chịu.

Để truyền thông với chồng thành công, chị không cần thiết phải để tâm đến nhận thức “đúng hay sai” về quan điểm chồng chị ứng xử với em chồng và cháu chồng. Là người ngoài cuộc, ai cũng dễ dàng nhận ra quan điểm “vì anh không có con trai nên giờ chúng ta phải lo cho con chú ấy” là một ứng xử bất bình đẳng giới. Đang khi, chồng và gia đình chồng “cứ loạn hết cả lên” vì chứng bệnh hiểm nghèo của cháu bé, việc chị phân tích thái độ đúng sai về bất bình đẳng giới với chồng là điều không cần thiết, nếu không muốn nói việc đó không giải quyết được vấn nạn mà chị đang lưu tâm.

Ai cũng biết nhận thức của chị nêu ra trong câu chuyện này là đúng và cái gì cũng phải đúng mực, nhưng nỗi khổ niềm đau mà gia đình chồng đang đối diện đã làm cho họ không tìm ra lối ứng xử tích cực hơn có khả năng giải quyết được vấn đề. Trong tình huống này, trước nhất chị nên giải phóng cảm giác bị tổn thương về nhận thức bất bình đẳng giới của chồng, đồng thời, chị nên tiếp tục thể hiện sự quan tâm với nỗi đau của gia đình chồng, giúp đỡ cháu bé như đứa con ruột của chị để chồng chị và gia đình chồng nhận ra được tình thương đặc biệt này. Thỉnh thoảng, chị nên khen tặng chồng về trách nhiệm và sự hy sinh mà anh ấy đã dành cho đứa cháu đang bệnh nặng. Lối ứng xử khôn ngoan này giúp chồng chị cảm thông tích cựcgắn bó với sự chịu đựng của chị về nỗi đau của cháu anh ấy và cuộc sống của cha cháu bé.

Hãy đợi cho đến lúc việc chăm sóc và giúp đỡ cho cháu anh ấy vượt qua cơn bệnh hiểm nghèo kết thúc, việc truyền thông với chồng về lối sống thiếu trách nhiệm của em chồng mới có tác dụng. Khi bị “loạn hết cả lên”, người trong cuộc đã không còn đủ bình tĩnh để lắng nghe lời góp ý, do đó, các chia sẻ mang tính đúng hay sai, hợp lý hay không hợp lý sẽ khó có tác dụng thay đổi tình huống. Khéo léo sử dụng ngữ điệu nhẹ nhàng, lời nói từ ái, thể hiện sự cảm thông, chia sẻ trách nhiệm, tâm ý cao thượng,... chị sẽ dành được trái tim của chồng. Tiếp tục duy trì sự truyền thông theo phong cách này, lời góp ý chân thành của chị sau đó dễ được lắng nghe và có khả năng trở thành hiện thực.

Chúc chị sớm vượt qua thử thách này. Chúc cháu chị sớm bình phục để mọi nỗ lực, cảm thông, giúp đỡ và sự chịu đựng tích cực của chị được hồi đáp bằng sự thay đổi có ý nghĩa từ em chồng và gia đình chồng.
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.