KHAI MỞ CÁNH CỬA GIÁO PHÁP
Một Bài Giảng Ngắn Về Tinh Túy Của Mọi Thừa
Jamyang Khyentse Chokyi Lodro[1] soạn | Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ
Kính lễ đạo sư và đấng bảo hộ Văn Thù Sư Lợi!
Ngài xé toạc tấm lưới của những tri kiến hướng về bản thân,
Và thanh kiếm trí tuệ của Ngài soi sáng tam giới –
Kho lớn chứa đựng tất cả sự thấu suốt của chư Phật chiến thắng,
Kính lễ đấng bảo hộ Văn Thù Sư Lợi!
Tôi không thể miêu tả tất cả các hệ thống Giáo Pháp
Của vô số thừa vượt khỏi sự tưởng tượng,
Nhưng ở đây, tôi sẽ cung cấp phác họa đơn thuần,
Tổng quan một phần theo lối cô đọng.
Đạo sư toàn tri, Đấng Thích Ca Sư Tử,
Đã chuyển Pháp luân theo ba giai đoạn:
Đầu tiên là để chống lại điều bất thiện,
Ở giữa là để chống lại các tri kiến về ngã,
Và cuối cùng là để chống lại mọi nền tảng của tri kiến.
Chủ đề, tức là ba sự rèn luyện,
Được giải thích thông qua mười hai nhánh của khẩu xuất sắc[2].
Trong khi một số nhắc đến thừa vĩ đại của Chân ngôn Bí mật
Như là A-tỳ-đạt-ma Nội, nó được nói là
Kiểu kinh văn của chư Trì Minh.
Xem nó tách biệt như vậy thì tốt hơn.
Những sự chuyển dịch sang Tạng ngữ tạo thành hơn một trăm tập,
Nhưng quy mô thực sự của Lời Phật chẳng thể đo lường.
Các bộ luận bình giảng về ý định của những giáo lý Phật
Bao gồm Kho Tàng Phân Loại Chi Tiết[3] của Căn Bản Thừa,
Và các bộ luận Đại Thừa của những học giả như
Sáu Sức Trang Hoàng Của Thế Gian[4] và Chư Đạo Sư Tuyệt Vời[5] –
Tựu trung lại thành một lượng lớn các tác phẩm.
Cũng có các luận giải về những Mật điển của Chân ngôn Bí mật,
Các nghi quỹ và chỉ dẫn cốt tủy với số lượng không thể tưởng tượng.
Nhờ lòng từ của chư dịch giả và học giả trong quá khứ,
Hơn hai trăm tập của những điều này đã được dịch sang tiếng Tạng.
Tất cả đã và đang đóng vai trò là nền tảng của giáo lý.
Ở Vùng Đất Cao Quý, không có sự phân biệt giữa Mới [Tân] và Cũ [Cựu].
Ở Tây Tạng, bởi chư dịch giả [Lotsawa] đã chuyển dịch trong các giai đoạn trước và sau,
Sự phân biệt Cũ-Mới xuất hiện, với giai đoạn trước Ngài Rinchen Zangpo[6]
Chỉ ra thời kỳ của Trường phái Cựu Dịch cổ xưa,
Và các bản dịch của giai đoạn sau đấy được nhắc đến là Tân.
Hầu hết các tuyển tập Luật, Kinh và Luận,
Cũng như ba bộ Ngoại Mật của Chân ngôn Bí mật,
Đã được dịch trong giai đoạn Tiền Trao Truyền.
Các Mật điển Vô Thượng Du Già, chẳng hạn như Samvara, Hevajra, Kalachakra và Yamantaka,
Đa phần được chuyển dịch trong giai đoạn sau, nhưng Trường phái Cựu Dịch cổ xưa
Cũng có một số lượng rất lớn các Mật điển Vô Thượng Du Già,
Chẳng hạn mười tám Mật điển vĩ đại[7].
Mặc dù vài học giả của những Trường phái Mới tuyên bố rằng
Các Mật điển này không chân chính,
Những vị công bằng xem chúng là chân chính.
Thực sự, tôi nghĩ thật đúng đắn khi làm vậy.
Tại sao? Bởi những bản văn này truyền tải chính xác các điểm sâu xa và bao la
Của Lời Phật và những bộ luận,
Và vì thế, vinh danh và kính trọng chúng là điều đúng đắn.
Trong Trường phái Cổ xưa của Chân ngôn Bí mật, có chín thừa tuần tự,
Điều có thể được phân chia thành hai: các thừa nguyên nhân và kết quả.
Có ba thừa nguyên nhân: thừa của chư Thanh Văn, Duyên Giác Phật và Bồ Tát.
Và Chân ngôn thừa kết quả bao gồm ba bộ Ngoại Mật,
Và ba bộ Nội Mật, thứ tận dụng các phương pháp bao la.
Có nhiều chi tiết thêm nữa cho từng điều trong số này,
Chẳng hạn tri kiến, thiền định, hành động và kết quả tương ứng của chúng,
Nhưng bởi đây chỉ là một nghiên cứu ngắn gọn, tôi không thể đi vào chi tiết ở đây.
Trường phái Cựu Dịch cổ xưa có ba kiểu của Từ Ngữ (Kama), Kho Tàng (Terma) và Linh Kiến Thanh Tịnh.
Trường phái Mới của Chân ngôn Bí mật cũng được gọi là truyền thống Jowo Kadam.
Các thành viên bao gồm Đức Atisha, Gyalwa Dromtonpa,
Ba Huynh Đệ[8] và vô số những vị trì giữ giáo lý khác.
Cựu Kadam hòa quyện với Sakya và Kagyu[9].
Xem đây là một nền tảng, Ngài Jamyang Tsongkhapa
Đã mở rộng dựa trên Luật, Kinh, Trung Đạo, Bát Nhã, Chân ngôn Bí mật và v.v.
Và truyền thống của Ngài lan rộng khắp nơi trên toàn thế giới.
Ngài đưa ra những tuyên bố sâu xa liên quan đến Kinh và Mật
Với sự giúp đỡ của Bổn tôn đặc biệt và nhờ sự thấu suốt phân biệt của bản thân,
Và các phẩm tính đặc biệt hiển hiện rõ ràng trong những giải thích xuất sắc của Ngài.
[Trường phái] Sakya, do năm vị trưởng lão tôn quý [10] thành lập,
Giữ gìn truyền thống Kinh và Mật của nhiều vị uyên bác và thành tựu
Của Vùng Đất Cao Quý, chẳng hạn chúa tể vĩ đại của chư Yogin – Virupa[11],
Naropa và Vajrasana[12], cũng như các thực hành Yangdak và Kila [Phổ Ba]
Của Trường phái Cựu Dịch cổ xưa, thứ thuộc về Truyền thống được-gọi-là Khon.
Sakya Pandita, ngọc báu vương miện của tất cả học giả trên thế gian này,
Đánh bại một vị dị giáo, Harinanda, trong cuộc tranh luận,
Điều mà không ai khác được biết đến là từng làm ở Tây Tạng.
Có ba nhánh giữ gìn truyền thừa này: Sakya, Ngor và Tsar.
Truyền thống của Đức Buton (Buluk), Jonang và Bodong cũng xuất phát
Từ nền tảng của trường phái Sakya,
Mặc dù có một vài khác biệt nhỏ trong quan điểm về Kinh và Mật.
Trường phái Kagyu đến từ Tổ Naropa và Maitripa.
Marpa, Mila và Dakpo là ba vị chúa tể của tất cả những [hành giả] Kagyu.
Chính từ chư vị mà bốn nhánh chính và tám nhánh phụ
Cùng những nhánh khác xuất hiện, nhưng đa phần đều xuất phát từ Phakmodrupa, đệ tử của Ngài Dakpo.
Và trong số đó, bốn [nhánh] vẫn còn duy trì mạnh mẽ và không suy giảm cho đến ngày nay –
Karma, Drukpa, Drikung và Taklung –
Trong khi các [nhánh] khác phát triển cực kỳ yếu ớt.
Vị học giả-thành tựu giả được biết đến là Khyungpo Naljor
Đã đi theo một trăm năm mươi vị thầy uyên bác và thành tựu,
Bao gồm hai Không Hành Nữ trí tuệ của Ấn Độ[13],
Chư đạo sư Rahula và Maitripa cùng nhiều vị khác.
Khi được trao truyền ở Tây Tạng, các giáo lý của Ngài trở thành Shangpa Kagyu.
Không ai ngày nay đi theo truyền thống này một cách riêng biệt,
Nhưng các quán đỉnh và khẩu truyền vẫn tiếp tục trong cả Sakya và Kagyu.
Bên cạnh đó, có truyền thống Xoa Dịu (Shije)
Của vị Ấn Độ được biết đến là Dampa Sangye,
Và Cắt Đứt (Chod), Giáo Pháp của Machik Labdron.
Như thế, có nhiều hệ thống Giáo Pháp ở Tây Tạng,
Nhưng ngoài những khác biệt trên danh nghĩa,
Thực sự không có khác biệt lớn nào giữa chúng –
Tất cả đều có cùng mục đích trọng yếu của việc tìm kiếm giác ngộ rốt ráo.
Người ta nói rằng Sakya và Gelug đặc biệt tinh thông về giảng dạy,
Trong khi Kagyu và Nyingma đặc biệt tinh thông về thực hành.
Nhưng thực sự, các học giả của thời kỳ trước kia thấy như sau:
Nyingma mở ra cánh cửa dẫn đến những giáo lý ở Xứ Tuyết.
Kadam trở thành cội nguồn của hàng triệu những vị trì giữ giáo lý.
Sakya trở thành những vị hoằng dương trọn vẹn giáo lý.
Kagyu vô song trong con đường thực hành trực tiếp[14].
Ngài Tsongkhapa như mặt trời trong việc truyền tải một cách sáng tỏ các giải thích tốt lành.
Jonang và Zhalu là những vị vua của tuyển tập Mật điển sâu sắc và bao la.
Miêu tả này phù hợp với cách mà mọi thứ thực sự là.
Các kho tàng của trường phái Nyingma là những giáo lý,
Phổ thông và đặc biệt, điều mà Đức Liên Hoa Sinh,
Vị đạo sư vĩ đại của Oddiyana, khi đến Tây Tạng, đã ban
Cho các đệ tử, đức vua và dân chúng,
Và sau đấy được chôn giấu như những kho tàng đất và tâm
Để hỗ trợ giáo lý và chúng sinh trong thời suy đồi.
Khi thời điểm chín muồi, chúng được phát lộ bởi những hóa thân thù thắng
Và phục vụ như là sự khuyến khích vì sự tốt đẹp của giáo lý và chúng sinh.
Có nhiều ví dụ về ‘linh kiến thanh tịnh’ và ‘sự trao truyền thì thầm’
Trong các truyền thống Cũ và Mới của Chân ngôn Bí mật.
Vài học giả tranh luận phản đối tính xác thực của các kho tàng.
Tuy nhiên, bởi một sự kiểm tra về mục đích và ý định cơ bản của chúng
Đã thiết lập sự xác thực ba phần của các giáo lý Terma[15],
Người ta cần cẩn trọng để tránh việc xem thường chúng
Và gây ra lỗi lầm nghiêm trọng của việc thù ghét Giáo Pháp.
Trăm Nghìn Dòng và v.v. là các bộ luận của Tổ Long Thọ,
Và những bậc thành tựu đã rút ra các bản văn của Chân ngôn Bí mật
Từ Bảo tháp Dhumathala ở Oddiyana.
Thậm chí ở Vùng Đất Cao Quý, sau đó, sự phát lộ kho tàng cũng tồn tại.
Có nhiều bằng chứng khác như vậy, nhưng tôi sẽ không đi sâu vào chi tiết.
CON ĐƯỜNG
Với tất cả những hệ thống giáo lý được miêu tả phía trên,
Tinh túy của con đường là phát khởi sự xả ly.
Về điều này, nền tảng là duy trì giới luật
Theo bất kỳ kiểu nào trong bảy bộ Biệt Giải Thoát giới
Và quán chiếu tính hiếm có của các tự do và thuận duyên.
Các Tự Do Và Thuận Duyên
Hãy quán chiếu cẩn thận về việc thật khó khăn làm sao để có thể đạt được[16]
Một sự hỗ trợ và cơ hội xuất sắc như vậy trong tương lai.
Điều quan trọng là tìm được thứ gì đó hiếm có như vậy, giống như một viên ngọc như ý.
Chết Và Vô Thường
Tuy nhiên, hoàn cảnh này sẽ không kéo dài bởi cái chết sẽ đến nhanh chóng.
Chẳng biết khi nào người già, người trẻ hay người trung niên sẽ chết.
Bởi có nhiều hoàn cảnh dẫn đến cái chết trong khi rất ít duy trì sự sống.
Hãy quán chiếu nhiều lần về sự trôi qua của thời gian, sự biến đổi của các mùa,
Tính không kiên định của sự kình địch và tình bằng hữu và nhớ về vô thường.
Hành Động Và Kết Quả
Sau khi chết, chúng ta không đơn giản biến mất vào thinh không.
Cũng không nhất thiết là con người tái sinh thành con người và ngựa tái sinh thành ngựa.
Chúng sinh lang thang bị các hành động quá khứ của họ[17] cuốn đi.
Có sự đa dạng trong các chúng sinh – về thân phận và hoàn cảnh của họ,
Sự giàu có hay nghèo đói tương đối của họ và mức độ ảnh hưởng của họ,
Cũng như các khác biệt trong vẻ đẹp và sự xuất hiện vật lý của họ –
Tất cả đều bắt nguồn từ sự đa dạng của nghiệp quá khứ,
Điều có thể là thiện, bất thiện hay kết hợp.
Các hành động thiện và ác thì có mười kiểu.
Dựa trên bốn kiểu kết quả – chín muồi, giống với nguyên nhân, quy định và sản sinh[18] –
Các hành động thiện và bất thiện tạo ra những kết quả nhất định.
Chúng ta không gặp được những kết quả của các hành động mà chúng ta không làm,
Các hành động mà chúng ta đã làm sẽ chẳng bao giờ uổng phí,
Và tác nhân của một hành động thì chắc chắn phải đối mặt với các kết quả của nó.
Về sự trình bày chi tiết hơn liên quan đến các hành động và kết quả của chúng,
Bao gồm những hành động đem đến kết quả trong chính đời này,
Và các hành động chín muồi trong đời sau hay những đời sau đó,
Xin hãy tham vấn các Kinh điển, bộ luận hay cuốn giáo khoa hướng dẫn.
Chấp nhận và tránh các hành động nhất định và kết quả của chúng
Là tinh túy của Giáo Pháp và là một điểm then chốt sâu xa
Điều tóm lược Tứ Đế và duyên khởi.
Những Thử Thách Của Luân Hồi
Bởi các hành động nghiệp, chúng ta trôi lăn trong sáu cõi chúng sinh,
Thứ bao gồm ba cõi thấp và ba cõi cao.
Nói đơn giản, chẳng có gì, dù chỉ lớn bằng một vi trần,
Trong khắp Dục, Sắc và Vô Sắc Giới mà không có lỗi lầm[19].
Chúng sinh khắp nơi bị giày vò bởi khổ của khổ,
Khổ của thay đổi và khổ đau phổ quát của sự [tồn tại có] điều kiện,
Và mỗi loài trong sáu loài có những nỗi khổ riêng.
Bất thiện tạo ra khổ đau như là kết quả;
Thiện hạnh bị vấy bẩn dẫn đến tái sinh trong các cõi cao hơn;
Và các hành động không sai đường của thiền định bình phàm
Đưa người ta đến dhyana và các cõi Vô Sắc tương ứng.
Nhưng, bởi cội nguồn của luân hồi vẫn chưa bị từ bỏ,
Ham muốn và tham lam đẩy người ta vào sự tồn tại và họ rơi trở lại luân hồi.
Vì thế, ở trong ba trạng thái này của vòng luân hồi
Thì giống như ở trong hầm lửa hay ổ rắn độc.
Đừng thèm khát những lạc thú của luân hồi,
Mà hãy phát triển lòng quyết tâm thoát khỏi sự tồn tại có điều kiện.
Đi Theo Một Đạo Sư
Nền tảng để bắt đầu trên con đường đến giải thoát
Là đi theo và nương tựa một đạo sư tâm linh –
[Người] được điều phục nhờ nghiên cứu, đức hạnh, thấm đượm Bồ đề tâm,
Với tri kiến thanh tịnh và chân chính, vô cùng chu đáo,
Có khả năng cắt đứt những phóng chiếu, được quán đỉnh và giữ gìn thệ nguyện Samaya.
Hãy đi theo một đạo sư như vậy và làm theo mọi mệnh lệnh của Ngài.
Phát triển niềm tin và lòng sùng mộ đem đến những phẩm tính tích cực,
Vì thế, điều quan trọng là đi theo một đạo sư xuất sắc.
Những chỉ dẫn của đạo sư giống như cam lồ bất tử:
Đừng cho phép bất cứ điều gì bạn thọ nhận trở nên uổng phí,
Mà hãy đưa tất cả vào thực hành, quán chiếu và thiền định.
Nghe thôi thì chưa đủ để đem đến lợi lạc,
Giống như cơn khát không thể hết nếu không uống.
Vì thế, hãy duy trì nhập thất cô tịch trên núi.
Quy Y
Nền tảng của con đường là quy y.
Đây là nền tảng và sự hỗ trợ cho mọi giới luật;
Nó là thứ phân biệt Phật tử với những vị ngoại đạo,
Và cung cấp sự bảo vệ với tất cả chư thiên và con người[20].
Nó là thứ đem đến mọi điều tích cực trong đời này và hơn thế nữa.
Hãy giao phó bản thân hoàn toàn cho Đức Phật là vị thầy,
Giáo Pháp linh thiêng là sự bảo vệ và Tăng đoàn là những vị dẫn dắt.
Đừng chỉ đơn thuần nói suông, mà hãy cảm nhận sự tin tưởng chân chính,
Và giữ gìn các giới luật quy y một cách hiệu quả.
Phát Bồ Đề Tâm
Thực hành chính yếu của con đường Đại thừa là Bồ đề tâm –
Giống như bơ từ việc đánh sữa Giáo Pháp linh thiêng.
Không có Bồ đề tâm, bất kỳ thực hành Kinh hay Mật nào được tiến hành
Cũng chẳng có tinh túy, giống như thân cây chuối lá.
Bên cạnh đó, những chúng sinh tồn tại khắp hư không
Trong vô số đời từ vô thủy,
Đã từng là cha mẹ của chính chúng ta vô số lần
Và đem đến cho chúng ta lợi lạc không thể tưởng tượng.
Vì thế, hãy trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng bi mẫn lớn lao
Với tất cả chúng sinh – bạn, thù và trung gian.
Hãy hoàn toàn hiến dâng thân, khẩu và ý cho thiện hạnh,
Vun bồi ý định xuất sắc của việc làm lợi lạc chúng sinh khác,
Và liên tục trì tụng những lời nguyện vô cùng cao quý.
Tích Lũy Công Đức Và Tịnh Hóa
Điều quan trọng là, như một phương pháp phát triển tri kiến chân chính,
Bạn cần dấn thân tích lũy công đức và tịnh hóa che chướng.
Hãy tiến hành bảy nhánh, dâng lễ lạy, đi nhiễu, tụng Kinh,
Trì các Mật chú đà-ra-ni và Sám Hối Lỗi Lầm Của Bồ Tát.
Nếu bạn cố gắng với đầy đủ bốn sức mạnh[21],
Bạn sẽ tẩy sạch và tịnh hóa ác hạnh, che chướng, lỗi lầm và vi phạm.
Hãy dâng cúng dường Mandala, tinh túy của sự tích lũy tư lương.
Về tất cả những tích lũy với sự tham chiếu quan niệm này,
Nhận ra cách mà ba phạm vi là không thật,
Và hòa nhập tính Không nhờ sự sáng suốt
Đem đến sự tích lũy trí tuệ.
Sự tích lũy công đức giúp thành tựu Sắc thân,
Và sự tích lũy trí tuệ giúp thành tựu Pháp thân.
Thiền Samatha
Để nỗ lực cho sự tích lũy và tịnh hóa như vậy
Và tạo ra tri kiến chân chính trong tâm,
Trước tiên hãy tìm kiếm sự duy trì an bình (samatha) nhờ chín giai đoạn[22],
Vượt qua năm lỗi lầm[23] và áp dụng tám biện pháp[24],
Và khi có sự tập trung nhất tâm với và không với sự hỗ trợ,
Định – hỷ lạc, rõ ràng và vô quan niệm – sẽ khởi lên.
Bản thân điều này sẽ chỉ đàn áp các phiền não tinh thần.
Thiền Vipasyana
Sau đấy, bởi xác quyết tri kiến bằng sự sáng suốt (vipasyana)
Tiêu trừ vô minh do chấp ngã,
Thứ là gốc rễ của sự tồn tại vô thủy,
Bạn cần thiền định về tính Không với sự chắc chắn.
Để vượt qua chấp ngã bên trong,
Tức suy nghĩ về “Tôi là”,
thứ khởi lên dựa trên sự hội tụ của năm uẩn,
Điều quan trọng là áp dụng sự phân tích chuẩn xác và tỉ mỉ.
Sử dụng lập luận lô-gích của Trung Đạo, hãy kiểm tra
Xem liệu ngã và các uẩn giống hệt hay khác biệt và v.v.
Nhờ đó, khi bạn xác định sự thiếu vắng của một cái ngã cá nhân,
Hãy xem xét tính đồng nhất của các hiện tượng nhìn nhận và được nhìn nhận,
Bằng cách dùng tâm mổ xẻ các uẩn thành những thành phần thêm nữa,
Và đạt được sự tin chắc về ý nghĩa của sự không đồng nhất,
Hãy xác định cách mà mọi hiện tượng bên trong luân hồi và Niết Bàn
Về bản chất là không sinh.
Hãy hiểu lô-gích sâu xa của sự khởi lên phụ thuộc –
Cách mọi thứ bắt nguồn trong sự bình đẳng hoàn hảo,
Và cách mà, từ trạng thái của tính Không không sinh,
Các hiện tượng thấy được và nghe được khởi lên một cách tự nhiên, không chướng cản.
Khi bạn đạt được sự hiểu và kinh nghiệm
Về cách mà tính Không chẳng tách biệt với sự khởi lên phụ thuộc,
Sau đấy, không bị vấy bẩn bởi bất kỳ bám chấp nào, hãy ổn định càng lâu càng tốt
Trong hư không của Trung Đạo, thoát khỏi sự tỉ mỉ quan niệm hóa.
Nói ngắn gọn, điều mà chúng ta gọi là tri kiến chân chính
Là sự hợp nhất bất khả phân của sự sáng suốt thông tuệ
Và sự an bình nhất tâm, không dao động,
Trong đó có trí thông minh thấy rõ
Thứ luân phiên giữa phân tích và nghỉ ngơi.
Đây là mục đích của thiền định về Trí Tuệ Ba-la-mật,
Mẹ của tất cả chư Phật.
Nhờ tri kiến vượt khỏi mọi quan niệm như tám thái cực[25],
Thiền định ổn định theo điều này một cách không xao lãng,
Và hành động của con đường cao quý xuất sắc của chư Bồ Tát,
Chúng ta đạt được những kết quả của năm con đường [đạo] và mười giai đoạn [địa],
Đạt giác ngộ vĩ đại, thứ chẳng nằm ở sự tồn tại cũng chẳng ở sự an bình,
Và tự nhiên hoàn thành lợi ích của bản thân và chúng sinh khác.
Bất Bộ Phái
Chao ôi! Ngày nay, trong giai đoạn cuối cùng của năm sự suy đồi,
Nhiều vị trì giữ giáo lý đã về cõi tuyệt đối,
Và thế giới ngập tràn những kẻ như tôi, người thốt ra điều vô nghĩa.
Chư A-tu-la cười sằng sặc,
Và chư thiên từ ái chạy tán loạn.
Bởi những giáo lý của Đức Phật giờ chẳng hơn gì ngọn đèn được vẽ,
Cầu mong những vị có lòng đại bi lưu tâm!
Tất cả những vị trân trọng các giáo lý của Đức Phật
Cần nỗ lực trong việc giảng dạy và thực hành Giáo Pháp trao truyền và chứng ngộ, và trong sự xả ly, nghiên cứu và hoạt động.
Họ không bao giờ được quên mười hoạt động Giáo Pháp[26],
Và họ cần nỗ lực cầu nguyện, dâng cúng dường và tích lũy công đức.
Tăng đoàn cần phải hòa hợp và tránh tranh cãi bộ phái.
Đừng thiên vị hay chia rẽ và đừng thúc đẩy xung đột trong các giáo lý.
Hãy tránh mọi kiểu phỉ báng Giáo Pháp.
Hãy nhận ra rằng tất cả những khía cạnh khác nhau của giáo lý, rộng mở như đại dương,
Là để rèn luyện tâm và hãy thực hành chúng tương ứng.
Với thân, khẩu và ý điềm tĩnh, kỷ luật và thư thái,
Luôn luôn duy trì chính niệm, cảnh giác và tận tâm.
Theo giấc mơ tiên tri của Vua Krkin[27],
Mười tám trường phái đã xuất hiện trong những vị Thanh Văn ở Vùng Đất Cao Quý
Đem đến sự bất đồng trong giáo lý,
Kết quả là, chúng dần dần suy giảm.
Ở Tây Tạng, về phía Bắc, ma quỷ bộ phái
Đã thâm nhập Sakya, Gelug, Kagyu và Nyingma,
Và những bất hòa làm hư hỏng và sai lạc giáo lý,
Tàn phá đời này và các đời tương lai, dẫn bản thân và chúng sinh khác đến ác hạnh.
Bởi điều này thậm chí chẳng liên hệ chút nào với mục đích thực sự,
Khi giữ gìn giáo lý của Đức Phật, người ta cần hoàn toàn từ bỏ nó.
Như là kết quả của sự thành tựu cấp độ vô úy của Đức Phật,
Không ai có thể phá hủy giáo lý từ bên ngoài[28].
Nhưng, như các Kinh điển tuyên bố, chúng vẫn có thể bị phá từ trong,
Giống như xác sư tử bị phá hủy bởi những con trùng trong bụng của nó.
Vì thế, hãy giữ điều này trong tâm và chấp nhận và tránh điều mà bạn cần.
Nếu những vị chủ hộ dâng cúng dường lên Tam Bảo
Và với mong ước đem đến lợi lạc, hãy cố gắng làm thiện,
Điều đó sẽ đem đến công đức trong đời này và mọi đời tương lai.
Giờ đây, tôi đã cận kề cái chết và chịu gánh nặng của tuổi già.
Dù tôi có những ước nguyện cao quý vì giáo lý của Đức Phật,
Tôi chắc chắn chẳng có năng lực đem đến lợi lạc thực sự.
Nhưng tôi vẫn sẽ bền bỉ cầu nguyện Giáo Pháp phát triển.
Cội nguồn thù thắng của lợi lạc và hạnh phúc ở Xứ Tuyết
Là Đức Tenzin Gyatso[29] – cầu mong cuộc đời Ngài trụ vững bền.
Cầu mong Panchen Lama, đấng bảo hộ Vô Lượng Quang,
Cũng như Ngài Karmapa, Jamgon Sakyapa,
Và những vị trì giữ giáo lý vĩ đại khác đều trường thọ.
Cầu mong tất cả hoạt động giác ngộ của chư vị sẽ phát triển và lan rộng.
Cầu mong những vị cai trị, thượng thư và dân chúng Vùng Đất Cao Quý
Tận hưởng hạnh phúc, sự huy hoàng và thịnh vượng của thời đại hoàng kim,
Và cầu mong giáo lý của Đức Phật một lần nữa lại lan tỏa rộng khắp.
Cầu mong trống Pháp vĩ đại của Tam Tạng dội vang,
Và cầu mong sự cát tường để nó chạm đến đỉnh cao của sự tồn tại.
Như vậy, Khai Mở Cánh Cửa Giáo Pháp này
Được viết lại một cách ngẫu nhiên với ý định cao quý
Theo thỉnh cầu của Văn Phòng Chính Trị Sikkim[30],
Bởi Chokyi Lodro ngu dốt,
Người mang danh hiệu vị tái sinh của Đức Jamyang Khyentse[31]
Và đến từ vùng đất Đại Tây Tạng.
Cầu mong thiện hạnh này giúp đỡ giáo lý và chúng sinh.
Sarvadā maṅgalaṃ! Śubhaṃ!
Adam Pearcey chuyển dịch Tạng-Anh năm 2020 với sự giúp đỡ hào phóng của Khyentse Foundation và Terton Sogyal Trust.
Nguồn Anh ngữ: https://www.lotsawahouse.org/tibetan-masters/jamyang-khyentse-chokyi-lodro/opening-the-door-of-dharma.
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.
THƯ MỤC
Các Ấn bản Tây Tạng được sử dụng:
- gSung ‘bum – ‘Jam dbyangs chos kyi blo gros. “‘Theg pa mtha’ dag gi snying po mdo tsam brjod pa chos kyi sgo ‘byed” trong ‘Jam dbyangs chos kyi blo gros kyi gsung ‘bum. 12 vols. TBRC W1KG12986. Bir, H.P.: Khyentse Labrang, 2012. Vol. 9: 49–64. [Ấn bản Sungbum]
- bSam ‘phel – ‘Jam dbyangs chos kyi blo gros. Theg pa mtha’ dag gi snying po mdo tsam brjod pa chos kyi sgo ‘byed. TBRC W1KG3866. 1 vols. [s.l.]: [bsam ‘phel nor bu], [n.d.]. [Ấn bản Samphel]
Nguồn thứ cấp:
- Aris, Michael. 1977. “Jamyang Khyentse’s Brief Discourse on the Essence of All the Ways: A Work of the Ris-med Movement” trong Kailash, 5 no. 3. 205–228.
- Dzongsar Jamyang Khyentse Chokyi Lodro. Opening the Dharma: A Brief Explanation of the Limitless Vehicles of the Buddha. (Dzongsar Jamyang Khyentse Chokyi Gyatso dịch [sang Anh ngữ]. Diane Bowen chỉnh sửa và chú giải với sự trợ giúp của Yong Siew-Chin). Gyalshing, India: Dzongsar Library, Dzongsar Institute, 1984.
- Jamyang Khyentse Rinpoche Cho-kyi Lodoe. “Opening of the Dharma: A Brief Explanation of the Essence of the Buddha's Many Vehicles” (Geshey Ngawang Dhargay, Sharpa Tulku, Khamlung Tulku, Alexander Berzin & Jonathan Landaw chuyển dịch [sang Anh ngữ]) trong H.H. the Dalai Lama, First Panchen Lama, Jamyang Khyentse Rinpoche and Kalu Rinpoche. Four Essential Buddhist Texts, New Delhi: Library of Tibetan Works and Archives, 1982 (ấn bản được sửa lại, xuất bản lần đầu tiên 1981). 3–22.
[1] Về Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro, tham khảo https://thuvienhoasen.org/p38a34033/cau-chuyen-ngan-gon-ve-cuoc-doi-va-su-giai-thoat-cua-duc-jamyang-khyentse-chokyi-lodro.
[2] gsung rab yan lag bcu gnyis. 1) các Kinh điển; 2) những tóm lược thi ca (geya); 3) các tiên tri (vyakarana); 4 các bài giảng bằng thi kệ (gatha); 5) các tuyên bố có chủ tâm (udana); 6) các miêu tả về bối cảnh (nidana); 7) sự chứng nhận về chứng ngộ (avadana); 8) các miêu tả mang tính lịch sử (itivrttaka); 9) những miêu tả về các đời quá khứ (jataka); 10) các giải thích chi tiết (vaipulya); 11) các bài giảng tuyệt vời (abidhutadharma); và 12) những giải thích dứt khoát (upadesa).
[3] bye brag bshad mdzod, tức Mahavibhasa, một bộ luận A-tỳ-đạt-ma chính yếu với độ dài đáng kể, thứ đã được dịch sang tiếng Trung nhưng không tồn tại bằng Tạng ngữ cho đến thế kỷ Hai mươi.
[4] ‘dzam gling rgyan drug. Thường được liệt kê là những vị sau đây: Nagarjuna [Long Thọ], Aryadeva [Thánh Thiên], Asanga [Vô Trước], Vasubandhu [Thế Thân], Dignana [Trần Na] và Dharmakirti [Pháp Xứng].
[5] rmad byung slob dpon. Điều này thường liên quan đến hai đạo sư – Shantideva [Tịch Thiên] và Chandragomin [Nguyệt Cung].
[6] Theo Rigpawiki, Lotsawa Rinchen Zangpo (958-1055) – một trong những dịch giả vĩ đại nhất của giai đoạn Tân Dịch ở Tây Tạng.
[7] Bản dịch này theo Ấn bản Sungbum. Dòng này bị bỏ và vì thế không nằm trong các bản dịch khác, điều đều dựa trên Ấn bản Samphel. Điều này liên quan đến mười tám Mật điển Mahayoga chính yếu, thứ nằm trong Tuyển Tập Mật Điển Cổ Xưa (Nyingma Gyubum).
[8] Tức Potowa Rinchen Sal (1027/31-1105), Chengawa Tsultrim Bar (1033/8-1103) và Puchungwa Zhonnu Gyaltsen (1031-1106).
[9] Bản dịch ở đây là sa bkar. Ấn bản Samphel: sa kar; Ấn bản Sungbum: sa dkar.
[10] Năm vị Tổ sáng lập của trường phái Sakya: Sachen Kunga Nyingpo (1092-1158), Sonam Tsemo (1142-1182), Drakpa Gyaltsen (1147-1216), Sakya Pandita Kunga Gyaltsen (1182-1251) và Chogyal Pakpa Lodro Gyaltsen (1235-1280).
[11] Theo Rigpawiki, Virupa là một trong tám mươi tư đại thành tựu giả của Ấn Độ và là một cội nguồn quan trọng của những giáo lý được truyền lại trong Lamdre của trường phái Sakya.
Ngài cũng được biết đến với danh hiệu Tutop Wangchuk. Là viện trưởng của Đại học Nalanda, Ngài bí mật thực hành Chân ngôn trong đêm và cuối cùng có linh kiến về [Phật Mẫu] Nairatmya, vị trao cho Ngài các quán đỉnh tiếp theo. Bởi hành vi Mật thừa gây tranh cãi sau sự kiện này, Ngài rời Đại học và mang danh hiệu Virupa (Vị Xấu Xí).
[12] rdo rje gdan pa. Điều này rõ ràng liên quan đến vị đạo sư Ấn Độ thế kỷ 11, cũng được biết đến là Amoghavajra và Vajrasana Hậu. Ngài là một đạo sư của Bari Lotsawa Rinchen Drak (1040-1112).
[13] Tức Niguma và Sukhasiddhi.
[14] Ấn bản Samphel: gseng lam; Ấn bản Sungbum: gsang lam.
[15] Tức chúng được xác thực trong nhận thức trực tiếp, nhờ suy luận và nhờ thẩm quyền về bản văn.
[16] Theo Ấn bản Samphel: rnyed par dka’ ba’i tshul la legs par bsam/. Dòng này bị thiếu trong Ấn bản Sungbum.
[17] Theo Ấn bản Samphel: ‘phen pa yin. Ấn bản Sungbum: ‘phen pa yi.
[18] Theo Dzongsar Khyentse Rinpoche, lấy ví dụ, bốn kết quả nghiệp của sát sinh (tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành động) là
(1) Tái sinh trong một cõi thấp hơn.
(2) Khi đã tái sinh làm người thì trải qua bệnh tật, yểu mạng và bị giết hại.
(3) Bởi đã có xu hướng sát sinh, lại tiến hành sát sinh.
(4) Sinh ra ở một đất nước diễn ra nhiều sự sát sinh, nơi mà thuốc không hữu hiệu và đồ ăn không cung cấp chất dinh dưỡng.
[19] Theo Ấn bản Sungbum: skyon med. Ấn bản Samphel: rkyen med.
[20] Theo Ấn bản Samphel: kun gyi bsrungs. Ấn bản Sungbum: kun gyis blangs.
[21] Tức bốn sức mạnh của sự ăn năn, hành động đối trị, kiềm chế và hỗ trợ.
[22] sems gnas pa’i thabs dgu: 1) ổn định tâm; 2) thường xuyên ổn định; 3) liên tục ổn định; 4) hoàn toàn ổn định; 5) điều phục; 6) xoa dịu; 7) xoa dịu tỉ mỉ; 8) tập trung nhất tâm; và 9) ổn định trong sự bình thản.
[23] 1) lười biếng; 2) quên đối tượng của sự tập trung; 3) đần độn và bối rối; 4) không áp dụng cách đối trị bởi quá thư giãn và 5) áp dụng cách đối trị nhiều lần bởi quá tập trung và không có sự hài lòng đơn giản để nghỉ ngơi.
[24] ‘du byed brgyad. 1) mong ước; 2) nỗ lực; 3) niềm tin; 4) dễ uốn nắn; 5) chính niệm; 6) cảnh giác; 7) chú ý và 8) bình thản.
[25] Tám thái cực của sự tỉ mỉ quan niệm là những tri kiến rằng các hiện tượng 1) ngừng, 2) khởi, 3) không tồn tại, 4) vĩnh cửu, 5) đến, 6) đi, 7) nhiều và 8) duy nhất.
[26] Tức là sao chép các bản văn, dâng các món cúng dường, làm từ thiện, nghiên cứu, đọc, ghi nhớ, giải thích, tụng lớn, quán chiếu và thiền định.
[27] Điều này liên quan đến một vị vua cùng thời với Phật Ca Diếp. Vị vua này có vô số giấc mơ tiên tri. Trong một giấc mơ như vậy, ông ấy thấy một mảnh vải bị xé thành mười tám mảnh, điều được giải mã thành một tiên tri rằng các đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni sẽ tạo thành mười tám trường phái khác nhau.
[28] Theo Ấn bản Samphel: phyi nas. Ấn bản Sungbum: phyi nang.
[29] Tức Đức Dalai Lama thứ mười bốn.
[30] Đây là nhà ngoại giao Ấn Độ Apa Pant hay Apasaheb Balasaheb Pant (1912-1992).
[31] Tức Đức Jamyang Khyentse Wangpo, tham khảo https://thuvienhoasen.org/p38a33069/tieu-su-van-tat-duc-jamyang-khyentse-wangpo-1820-1892-.