- Mục Lục
- 01 Vào Chuyện
- 02 Quê Hương
- 03 Gia Đình Anh Sáu
- 04 Cuộc Đối Thoại Trên Bãi Biển
- 05 Trên Hòn Đỏ
- 06 Trên Đỉnh Đảo
- 07 Phát Quang
- 08 Gánh Nước Lên Đồi
- 09 Ăn Rong Trên Đảo
- 10 Gánh Đất Lên Đảo
- 11 Tư Duy Dưới Trăng
- 12 Trồng Tỉa Trên Đảo
- 13 Trồng Xoài Trên Đảo
- 14 Trôi Giữa Biển Khơi
- 15 Trên Dốc Đồi
- 16 Đào Giếng Trên Đảo
- 17 Mẹ
- 18 Lễ Vu Lan Trên Đảo
- 19 Khóm Mai
- 20 Thích Nữ Nhất Chi Mai
- 21 Đêm Ba Mươi Tết
- 22 Nương Chân Trên Đảo
- 23 Về Thăm Chốn Cũ
- 24 Trở Lại Thăm Chốn Ân Tình
- 25 Người Thứ Ba Trở Lại
- 26 Thay Lời Kết
NGƯỜI GÁNH NẮNG
Bút ký của Quách Giao
Nhà xuất bản: Hội Nhà Văn Hà Nội 2006
MỤC LỤC
01 Viết thay lời Tựa |
15 Trôi giữa biển khơi |
Kính tặng chùa Từ Tôn (Hòn Đỏ)
Thân tặng các bạn
Lê Triều Phương, Đoàn Thị Gái
Phan Hồng Châu, Lê Thị Mỹ Anh
Mến tặng hiền nội
Trần Thị Phong Hương
Viết thay lời Tựa
Trong cuốn Xứ Trầm Hương, nhà thơ Quách Tấn khi viết về chùa chiền ở Khánh Hòa đã có những nhận xét là Khánh Hòa có lẽ là tỉnh nhiều chùa hơn tất cả các tỉnh Miền Nam Trung Việt và chùa có mặt hầu hết trên khắp xã phường trong tỉnh. Các tổ khai sơn đều là người Việt, phần nhiều có sự nghiệp để lại cho đời.
Như chùa Linh Sơn tại thôn Hiền Lương huyện Vạn Ninh có ngài Hòa thượng Đại Bửu, pháp hiệu là Kim Cang Đại lão Tổ sư, lập chùa năm Cảnh Hưng thứ 22 (1761) và để lại câu chuyện ngồi tu thiền dưới cây Kén bên cạnh có một con hổ đến tìm nơi sinh nở, tự nhiên.
Tại huyện Ninh Hòa có Hòa thượng Liễu Đức, pháp hiệu Huệ Giáo, tổ khai sơn chùa Thiên Đức. Người đương thời gọi ngài là Hòa thượng Đò vì ngài đã ra công làm một cây cầu để dân làng sử dụng tránh đi đò nhiều phiền phức. Đồng thời ngài cũng ra công đào một cái giếng nước trên đồi cho dân trong vùng Bình Tây vốn là vùng gần biển và ruộng muối nên thiếu nước ngọt để uống. Nước giếng rất ngọt và không bao giờ cạn. Để nhớ ơn, nhân dân gọi giếng là Giếng Thảo. Sống với ngài còn có đôi cọp mun rất hiền từ với muôn loài.
Cũng tại huyện Ninh Hòa có chùa Thiên Sơn, tổ khai sơn là ngài Trừng Nghệ, hiệu Nhơn Sơn. Hòa thượng thường đi vân du vài ba tháng mới về chùa một lần, có khi về mà không vào chùa chỉ ngồi thiền ở cổng tam quan rồi lại ra đi. Việc ăn uống rất đơn sơ: chỉ một vốc cơm khô, một nắm lá cây cũng đủ một bữa. Khi mẹ mất, nhà sư đến ngồi thiền định bên mộ, giữa đất trời, suốt một năm tròn. Sau đó lại vào núi Chí Tôn ngồi kiết già rồi tịch trên tảng đá cao, người khô cứng như một gốc cây khô.
Tại Nha Trang, chùa Hải Đức có vị Đại sư Bích Không, pháp danh Trừng Đàn đậu Tú tài năm 1918, trải qua nhiều năm khó khăn cực nhọc mới khởi công xây dựng chùa trên Hòn Trại Thủy. Khởi công năm 1943 và hoàn tất năm 1945. Trước đó Đại sư phải bôn ba đi tìm khắp tỉnh để chọn địa điểm cho cảnh thiền môn vừa hợp với cảnh tu tâm dưỡng tánh của các bậc xuất gia, vừa tiện cho việc độ tha của hành nguyện đại thừa.
Tại Diên Khánh cũng có những ngôi chùa có rất nhiều kỳ tích đáng ghi, như chùa Vạn Thiện với câu chuyện của ngài Thiện Khoáng, chùa Thiên Lộc với sự tích Bà Sáu, chùa Linh Quang với chuyện ngài Nhơn Nguyện, xuất gia lúc 9 tuổi, hơi tối dạ, trước tu ở chùa Kim Long (Ninh Hòa) sau vào trụ trì và trùng tu chùa Linh Quang. Ngài chỉ ăn rau muống sống và ớt đúng vào giờ ngọ nên có tên gọi là Hòa thượng Rau.
Còn rất nhiều ngôi chùa có nhiều sự việc đáng cho khách tham quan lưu tâm mỗi khi đến thăm viếng.
Riêng tại Nha Trang, cận kề một danh thắng là Hòn Chồng, có Hòn Đỏ là một hòn đảo hoang vu đầy cỏ gai và đá tảng, không có nước và bóng cây. Đây là một hòn đảo chết. Tuy nhiên vào năm 1960 lại có một nhà sư tìm lên khai thác đảo để lập chùa.
Trải qua nhiều năm tháng, cặm cụi lao động một mình nhà sư này đã gầy dựng thành một hòn đảo có màu xanh và một ngôi chùa nhỏ nhoi ẩn mình trong cây lá. Đó là chùa Từ Tôn và người xây dựng là nhà sư Thích Viên Mãn.
Khi in cuốn Xứ Trầm Hương (năm 1969) nhà thơ Quách Tấn chưa biết đến ngôi chùa này. Viết tiếp theo thân phụ, ông Quách Giao muốn ghi lại những công lao của một vị sư đã âm thầm tạo dựng một ngôi chùa trên một hoang đảo.
Những sự việc đã xảy ra, những tâm tư của người trong cuộc đều do nhà sư Thích Viên Mãn kể lại.
Hòn Đỏ hiện nay là một danh thắng của thành phố Nha Trang, trên đảo lại có thêm một ngôi chùa được một vị sư dày công xây dựng. Phải có những giờ phút đứng giữa nắng giữa khí nóng hừng hực của đá, chúng ta mới cảm nhận được nổi kham khổ của những tháng ngày lao động trên đảo và những gì ông Quách Giao ghi lại chỉ là những đường nét mong manh trong bức tranh thiên nhiên khắc nghiệt giữa trời bể thẳm xanh.
Cái nhan đề Người Gánh Nắng cũng chỉ đủ để gợi nên một chút trần ai, một niềm ý chí, trong cõi đời bao la bát ngát này.
Nha Trang, ngày 10 tháng 10 năm 2006
Lê Triều Phương