04 Cuộc Đối Thoại Trên Bãi Biển

24/12/201112:00 SA(Xem: 7096)
04 Cuộc Đối Thoại Trên Bãi Biển


NGƯỜI GÁNH NẮNG

Bút ký của Quách Giao
Nhà xuất bản: Hội Nhà Văn Hà Nội 2006

Cuộc đối thoại trên bãi biển

Một buổi chiều anh Sáu thấy một người trẻ tuổi vóc người nhỏ nhắn, đứng nơi bãi cát gần mép biển, mắt đăm đăm nhìn ra Hòn Đỏ. Ban đầu anh tưởng là một du khách đi qua dừng chân đứng ngắm cảnh trời, mây, nước. Nhưng sau khi quan sát kỹ anh thấy dường như đây là một vị sư vì bộ quần áo màu nâu và có dáng đứng như quan sát nhiều hơn là thưởng cảnh.

Anh Sáu từ từ lại gần và gật đầu mỉm cười với vị sư trẻ tuổi. Qua vài câu xã giao anh Sáu biết được danh tánh của nhà sư cùng với tâm nguyện của nhà sư mong muốn được ra thăm Hòn Đỏ để khai hoang và lập chùa tu hành trên hải đảo.

Ráng chiều đang xuống nhẹ nơi phương Tây, nhuộm thắm đỏ bầu trời rực rỡ. Anh Sáu ngước nhìn những cánh mây đọng dưới chân trời :

- Thưa chú, mấy hôm nay biển động. Muốn ra thăm đảo phải đi vào buổi sáng sớm. Buối chiều sóng dâng cao khó vào được bến. Sáng mai chú cứ đến đây vào lúc rạng đông, tôi sẽ đưa chú ra thăm Hòn Đỏ.

- Mô Phật, xin cảm ơn lòng hiếu khách của thí chủ. Đã từ lâu tôi đã có tâm nguyện là sẽ ra viếng hòn đảo này và nếu có cơ duyên thì tôi dự trù sẽ khai phá đất đai để lập một ngôi chùa nhỏ tại đảo để tu hành.

- Thưa chú, từ trước đến nay Hòn Đỏ vẫn còn hoang vu. Không một người dân địa phương nào có ý định ra sinh sống hoặc trồng tỉa vì trên đảo có rất nhiều đá mà lại ít đất, ít cây. Phần nhiều chỉ toàn là các bụi gai cằn cỗi. Cái khổ nhất là thiếu nước. Vùng này lại ít mưa nên khô hạn vẫn luôn luôn là trở ngại cho người muốn khai hoang.

Hơn nữa, dân trong vùng Cù Lao chuyên sống bằng nghề đánh cá. Nếu có gia đình nào muốn sinh sống bằng nghề làm rẫy thì đa số lại đi vào sinh sống gần các ngọn núi hoặc đồi phía Bắc kề cận sông Cái. Vùng này đất đai màu mỡ và nhất là nước ngọt lại có sẵn.

Trên Hòn Đỏ chẳng những không có nước mà vấn đề lên xuống rất cơ cực và phương tiện đi lại từ đất liền ra đảo cũng khó khăn. Tôi, ngày ba bận bơi thuyền đi qua lại và vòng theo bờ đá mà chỉ nhìn nhiều hơn là đặt chân leo lên để chỉ được nhìn thấy mấy lùm gai góc và đá chồng lên nhau.

- Mô Phật, nếu trên đó gai cỏ mọc được thì con người có thể sinh sống được. Tôi vốn cư ngụ trên núi Sinh Trung. Hằng ngày tôi đều nhìn thấy Hòn Đỏ này. Sáng, trưa, chiều, tối, nhất là những đêm có trăng, tôi đã trông thấy sinh khí bốc lên từ Hòn Đỏ. Buổi bình minh, trong ánh hồng, trên hải đảo này có muôn vàn giọt sương mai lóng lánh, tôi nhận thức được rằng nơi nào có sương đọng thì nơi đó sinh vật có thể sinh sống và phát triển.

 Buổi trưa, Hòn Đỏ như lắng mình trong vùng trời biển xanh bát ngát. Màu xanh của biển trời hứa hẹn rằng con người có thể yên lành sống trong màu hiền hòa đó. Với ánh nắng ban trưa Hòn Đỏ như một ngư dân trần mình đội nắng cùng với biển xanh.

Buổi chiều khi biển xôn xao trước muôn ngàn con sóng thì Hòn Đỏ vẫn yên lành đứng nhìn biến động của biển cả. Từ đỉnh Sinh Trung, nhìn Hòn Đỏ vào buổi chiều khi ánh dương đã dần khuất nơi chân trời mới thấy được sinh khí đã quy tụ về đây. Những dãy đá dưới chân đảo như lắng đọng sắc ráng đỏ của chiều tà, như những cánh hoa sen hồng nổi trên lòng biển thắm xanh.

Buổi tối trời Hòn Đỏ yên lặng dưới bầu trời đầy sao, đậm nét trên mặt đại dương. Trong những đêm trăng sáng, Hòn Đỏ phơi mình xanh tắm dưới ánh trăng vàng dịu dàng trong sáng.

- Thưa chú, như vậy Hòn Đỏ đối với chú là một địa linh song đối với dân làm nghề biển của chúng tôi thì nơi đây chúng tôi đã từng leo lên, đã từng quan sát, đã từng đi chặt cây lấy củi cho nên chúng tôi thấy nó khô cằn, gai góc, không có một chút hy vọng gì để lên đó lập nghiệp. Tại nơi đây, cá dưới biển có thể nuôi sống chúng tôi, nước ngọt trong làng có thể cung cấp đầy đủ cho cuộc sống của chúng tôi thì hà cớ gì chúng tôi phải lên một vùng thiếu nước thiếu đất để sinh sống.

Trong cộng đồng người làng Cù Lao này đều có chung một ý tưởng là vùng đất ở hải đảo Hòn Đỏ vẫn là một hải đảo đầy đá, đầy cơ cực dành cho con người khi muốn khai phá nó. Muốn khai khẩn đất đai thì lên non lên núi chớ ai lại lên hòn đảo đầy đá này.

- Mô Phật, tôi vẫn tin rằng bất cứ nơi nào có được con người góp sức vào thì nơi đó có thể sinh sống được. Nhìn từ xa, Hòn Đỏ là một hải đảo đầy sinh khí. Nhờ ở địa thế gần bờ nên việc thiếu nước có thể khắc phục được với quyết tâm của con người. Hòn Đỏ thiếu cây xanh thì chúng ta trồng cây xanh. Hòn Đỏ thiếu đất thì chúng ta bồi bổ thêm. Hòn Đỏ chỉ cần đến một tấm lòng yêu mến thiên nhiên, một ý chí cương quyết biến nơi này có thể sinh sống được. Khi cây cối mọc lên thì sẽ có con người lai vãng, sẽ là nơi đến để thanh thản tâm hồn.

Đã từ lâu tôi nguyện rằng cuộc đời tôi sẽ gắn liền với hải đảo này. Nó trơ trọi với mọi người nhưng không trơ trọi với tôi, Hôm nay gặp được anh, tôi tin rằng tôi đã gặp được duyên lành. Mối lương duyên của tôi với Hòn Đỏ sẽ nhờ có anh mà hợp thành. Sáng mai, tôi sẽ đợi anh ở đây. Mong anh giúp cho tôi được toại nguyện.

- Thưa chú, sáng mai tôi có thể giúp chú qua đảo và cùng chú lên đảo quan sát địa thế. Còn việc khai thác thì vị tôi bận kế sinh nhai nên chắc là không thể cùng chú khai hoang Hòn Đỏ được vả lại tôi còn có gia đình. Chú cứ yên tâm ở lại trên đảo một vài hôm, tôi sẽ tiếp tế nước uống cho chú hằng ngày.

- Mô Phật, vạn sự khởi đầu nan, tôi chấp nhận cảnh gian nan lúc ban đầu. Được gặp anh ngày hôm nay tôi rất phấn khởi và tin tưởng rằng sự mong ước của tôi sẽ thành hiện thực.

Tôi không phải là nhà địa lý, nhưng tôi nhìn cảnh vật bằng tấm lòng, bằng đôi mắt của một nhà tu hành. Nơi nào tâm hồn mình đã chan hòa thì nơi đó sẽ là nơi mình trú ngụ.

Tôi không có tâm địa đi chiếm đất, vị đất là của trời, của chung của mọi chúng sinh không dành riêng cho ai. Đất chưa có duyên thì đất sẽ còn khô khan cằn cỗi. Khi đất gặp được duyên lành thì đất sẽ trở thành hữu dụng, sẽ trở thành cảnh quan tươi tốt để mọi người cùng chung hưởng. Tôi mong muốn nơi hiu quạnh, cằn táo này sẽ có một ngôi chùa, một cảnh quan xanh mát để tất cả mọi người cùng đến tu tâm dưỡng tánh, học Phật, để giác ngộ trước cuộc sống phức tạp của cuộc đời. Hòn đảo này dù có khô cằn nhưng tâm hồn ta sẽ được thanh thản hơn trước biển cả bao la, trước thiên nhiên rộng lớn. Mọi ưu phiền trong lòng sẽ được vơi đi.

Tôi không có tài thuyết pháp.Tôi đã được sư phụ Thích Phước Ninh giảng dạy trong những ngày theo thầy đi đây đó. Sư phụ tôi thường nhân thấy cảnh này đã chỉ dạy cho tôi đoạn kinh nọ; nhân sự việc ấy để nói đến lời kệ kia. Có nhiều vấn đề phức tạp mà thầy đã làm sáng mắt tôi bằng những ví dụ giản đơn và chứng nghiệm lời dạy của đức Phật thật thâm trầm. Nhiều câu nói tầm thường mà thầy đã gợi trong lòng tôi những suy tư cả tuần cả tháng tôi mới hiểu thấu đáo. Trong công việc hằng ngày tôi đã học được nơi thầy tôi nhiều điều bổ ích cho việc thấu hiểu kinh kệ. Tôi rất thích thú khi được nghe thầy kể các câu chuyện về các bậc đại giác đã đắc đạo trong khi lao động tầm thường như giã gạo, gánh nước, chẻ củi v.v..

Câu chuyện giữa hai người chấm dứt khi bóng tối đã tràn ngập khắp vùng Hòn Đỏ.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
23/04/2014(Xem: 17555)
31/03/2013(Xem: 12011)
03/04/2014(Xem: 48815)
15/09/2016(Xem: 8800)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.