06 Trên Đỉnh Đảo

24/12/201112:00 SA(Xem: 6675)
06 Trên Đỉnh Đảo


NGƯỜI GÁNH NẮNG

Bút ký của Quách Giao
Nhà xuất bản: Hội Nhà Văn Hà Nội 2006

Trên đỉnh Đảo

blankHòn Đỏ là một hòn núi đá. Trước kia nối liền với dãy núi Cù Lao. Sau nhiều năm tháng bị biển xâm thực cắt đôi chia Hòn Đỏ ra khỏi đất liền. Nhìn những dãy đá đỏ au trên sườn núi Cù Lao không một ai có thể phủ nhận là Hòn Đỏ và núi Cù Lao là hai hòn núi có chung cội nguồn. Hòn Đỏ trở thành một hải đảo và chung quanh đảo nước triều lên xuống hằng ngày đã bào mòn tất cả những đất cát. Chung quanh chân đảo nhiều tầng đá to lớn chồng chất lên nhau. Nhiều nơi như có sự sắp đặt trớ trêu của tạo hóa là có hòn nhỏ nằm nâng đỡ hòn lớn. Mới trông, khó có ai tin được rằng những tảng đá này đã nằm như thế từ xưa đến nay. Toàn thể cấu trúc giống như những hải đảo khác. Đá dưới chân đều bị bào mòn và những hòn trên đỉnh chỉ bị nắng mưa mài nhẵn mà thôi.Theo vết tích còn để lại thì xưa kia mực nước biển đã dâng ngập đến nửa hòn đảo. Cho nên đa số mặt bằng trên chóp đảo còn xen lẫn giữa đá và đất. Mùa mưa ở Nha Trang không có nhiều cơn mưa dữ dội hoặc kéo dài suốt tháng nên vẫn còn lại một vùng rộng, đất chen lẫn với đá tảng.

 Sư Viên Mãn là người dân Phú Yên, sư đã từng sống trên những ngọn đồi sỏi đá ở các huyện Tuy An, Sơn Hòa v.v.. nơi đã được dân cư địa phương khai phá bằng kinh nghiệm, biến các sườn đồi thành những vùng canh tác cây màu. Việc dùng đá xây thành cấp bậc để ngăn chận đất để sản xuất đã là một đặc thù của các đồi núi Phú Yên. Dùng kinh nghiệm này nhà sư đã thực hiện cách khai phá trên đỉnh Hòn Đỏ.

 Trước tiên nhà sư lượm và chuyển những tảng đá nằm ngổn ngang trên mặt đất, trong các lùm bụi để sắp thành một bức tường đá chung quanh chỏm mặt đảo. Ban đầu là đi thu nhặt những hòn đá có thể tích nhỏ. Sau phải dùng xà ben hoặc cuốc có mỏ sắt nhọn như các phu đường sắt để trục các tảng đá có chân ăn sâu dưới mặt đất. Nhiều hòn đá trên mặt thì nhỏ nhắn song càng đào sâu xuống chân đá càng to lớn ra. Nhiều lúc phải đào sâu đến 2, 3, mét và mất cả hàng tuần. Khi đào xong được gốc thì còn phải dùng cây làm đòn đứng xeo đá lăn xuống chân đảo. Lầm lủi một mình, nhà sư đã đơn độc đối phó với thiên nhiên khắc nghiệt. Đất đào được nhà sư đem đổ vào một nơi bằng phẳng để dùng cho việc trồng tỉa. 

Đôi lúc công việc lăn đá cần phải nhờ đến sự giúp sức của các bạn chài, bỏ lưới chung quanh đảo khi họ cặp thuyền vào nghỉ trưa nơi các hốc đá dưới chân đảo. Nhiều lúc nhà sư phải đào thành những con mương lớn để di chuyển các hòn đá lớn bằng cách xeo lần lần, bằng cách trượt từ từ trên một mặt bằng có độ xiên cao.. Rất may mắn là độ nghiêng của sườn đồi lại khá thuận tiện cho việc lăn đá xuống chân đảo. Những cây xeo đá thì đi mua nơi các vựa cây nơi bờ đầm chợ Xương Huân. Vác được cây xeo lên núi cũng là một kỳ công..

Cây có độ dài từ 3 đến 4 mét cho nên đem được lên đến đỉnh núi thì thật là gian lao. Nhiều lúc phải luồn cây qua khe suối rồi leo lên dốc tìm cách kéo cây lên. Nhiều khi không thể nào đem cây lên hướng này được nên đành phải đưa cây xuống để tìm hướng khác đưa lên. Nhờ được cây cứng và dài nên nhà sư có được một trợ lực về sức đẩy nên nhiều tảng đá lớn mà chỉ có một mình nhà sư cũng đẩy được đá xuống chân núi. Nhiều lúc cần làm đường ray dẫn đường cho đá đi theo hướng cố định nhà sư phải tốn công sức nhiều ngày. Công việc dời đá cứ tuần tự mà tiến hành, không nôn nóng không chậm trễ như là công việc hằng ngày. Cho nên phải cần đến thời gian năm năm việc di dời đất đá để có mặt bằng mới thành tựu. Du khách hôm nay đi lại thong thả ung dung trên đỉnh hải đảo Hòn Đỏ đâu có biết rằng xưa kia nơi này đá mọc chập chùng, lối đi chật hẹp, gai góc mọc đầy mà con người cô độc này đã suốt nhiều năm dài cặm cụi khuân từng viên đá, xeo từng tảng đá để có được một mặt bằng rộng rãi đầy cây xanh bóng mát như hôm nay.

 Công việc dời đá song song với việc đắp nền cho khu dựng Phật đàn. Những viên đá nhỏ, khi đào được đều dùng trong việc làm nền cho khu Phật đàn.. Với diện tích độ 10 mét vuông thì khu nền Phật đàn được thành hình nhanh chóng. Chỉ trong vòng 3 tháng thì khu nền đã thành hình. Cứ một lớp đá là một lớp đất xen vào để có mặt bằng phẳng..Những đêm có trăng, đỉnh đồi tràn ngập ánh vàng, gió biển thổi về ngào ngạt mùi mặn nồng, nhà sư lặng lẽ khuân đá đi đắp các kệ lên xuống trên các con đường lên xuống hoặc thành đá quanh sân.

 Khi trăng lên đúng đỉnh đồi, bầu trời xanh thẳm, gió khơi đã thổi lạnh, trên các vách đá đã ướt đẫm sương khuya. Nhà sư dừng tay ngồi nghỉ bên đống đá, ngước nhìn bầu trời đầy sao, lòng thanh thản và yên tĩnh vô cùng. Những cụm đá, bờ đất như thì thầm cùng nhà sư, trìu mến nhìn nhà sư như các trẻ thơ nhìn thương yêu người tạo thành ra nó. Cảnh vật trên đỉnh đảo trầm lặng, bất chợt từ đâu vẳng lại tiếng con dế mèn gáy. Nơi xa vắng này tiếng dế cất lên như gần gũi thân yêu. Kỷ niệm thời ấu thơ phút chốc lại tràn về trong lòng người tu hành. Sư nhớ đến tiếng dế gáy lẻ loi nơi cánh đồng vắng trong mùa cày phơi đất tháng ba. Trong thời thơ ấu, nhiều lúc sư không khỏi ngỡ ngàng tự hỏi là trong các vụ mùa, khi nước đồng lênh láng thì các con dế mèn này sống ở đâu để đến vụ cày phơi đất, lại râm ran gáy từ nơi này đến nơi khác

Cứ mỗi buổi sáng tinh sương, sư cùng chúng bạn đi lật từng hòn đất trên các luống cày để bắt những chú dế than hoặc dế lửa. Lúc ban đầu sư không phân biệt được đâu là dế cồ đâu là dế mái. Cứ thấy dế nhảy là vồ. Bắt được con nào cho vào hộp diêm bọc sẵn trong túi. Sau này được bè bạn chỉ cho: dế đực gọi là dế cồ, cánh có vằn ngoằn ngoèo bóng láng như tóc các cậu có mái tóc quăn. Cuối thân con cồ có ba cái lông nhỏ. Đầu dế đực to và bóng láng. Còn dế cái gọi là dế mái thì cánh không có vằn ngoằn ngoèo mà chỉ có các gân chạy xuôi từ trên xuống dưới và sau lưng có một cọng dài, cuối có một nụ nhỏ thường chổng lên trời. Khi biết được các điểm đặc biệt này thì nhìn là biết ngay dế cồ hay dế mái. Dế cồ còn phân biệt nhiều loại: dế cồ than màu đen bóng, dế cồ lửa màu vàng óng, đôi khi có pha màu nâu đậm. Dế than thường lớn con hơn dế lửa. Con dế nhỏ thường hay gọi là dế ốc tiêu. Loại này gáy rất lớn và đánh nhau rất hăng say. Do đó có danh từ ốc tiêu để dành cho các trẻ em nhỏ bé mà dám đánh cả những bạn lớn hơn mình. Đó là bé ốc tiêu.

Dế bắt về, được nhốt riêng mỗi con trong một hộp diêm. Trên nắp hộp thường có xoi một vài lỗ nhỏ để thông hơi. Dế thường được nuôi bằng giá sống, cỏ mần trầu, cỏ ống hoặc đôi khi nuôi bằng cơm. Dế thường gáy vào ban đêm. Khi gặp địch thủ hoặc thắng trận thì dế gáy inh ỏi. Trái lại khi gặp dế mái thì sau khi gáy vài tiếng chào mừng, dế cồ thường cọ cánh rè rè vài cái ngắn gọn mà bọn trẻ thường gọi là” tục mái” như các chú gà cồ.

Đa số trẻ em đều thích chơi dế. Nhất là để được nghe tiếng dế gáy ngoài việc cho chúng đá với nhau. Từ “đá dế” thay cho việc hai con dế cắn nhau. Thật ra trong khi chúng cắn nhau chúng cũng có đôi phen dùng hai chân sau (càng) để hất đối thủ phải lăn nhào. Khi dế gáy thì chúng dùng đôi cánh cọ vào nhau gây thành một loạt âm thanh giòn giã, đôi khi lảnh lói và trầm bổng khác nhau. Trẻ chuyên môn có thể nghe tiếng gáy của dế mà biết được con nào là dế than, con nào là dế lửa và con nào là dế cụ, con nào là dế ốc tiêu. Thường thì dế cồ than có cánh dày và lớn nên có tiếng dài và trầm. Dế ốc tiêu có cánh mỏng nên âm thanh lảnh lói, tiếng nghe rổn rảng và bay xa, như tiếng cười của trẻ con, đôi khi như tiếng cười của các cô thôn nữ trên cánh đồng lúa lúc sang mùa gặt.

Nhiều trẻ em nơi thôn dã sống cùng với thiên nhiên nên rất thông thuộc việc bắt dế. Ban đêm khi nghe một tiếng dế gáy thì sáng hôm sau lập tức chạy ra nơi đã được định hướng tìm thấy một viên đá, một đống cây khô hoặc một mô đất cày, là lật lên túm lấy chú dế gáy khi hôm. Đặc tính của loài dế là ít khi di chuyển chỗ ở, tối gáy nơi nào là sáng trú tại nơi đó, 

 Ngoài việc bắt dế để cho chúng đá nhau (ở ngoài Bắc gọi là chọi) trẻ em còn có một sở thích là nghe dế gáy. Mỗi hộp diêm nuôi một con dế. Ban đêm chúng thi nhau gáy suốt đêm, khi một con gáy thì lần lượt các con khác cùng gáy theo như một dàn hợp xướng, đầy âm điệu nhịp nhàng. Thời hậu chiến đã có một nhà thơ sáng tác một tác phẩm có tên là Nhạc Dế. Tuy thơ không tả nhạc của con dế mà chỉ nói lên một thế giới âm nhạc thiên nhiên.

Ngoài việc nghe dế gáy, các trẻ em còn say mê trong việc đá dế.Thật ra là cho dế cắn nhau. Hai chú dế đá nhau (còn gọi là chọi nhau) được bỏ vào một cái hộp không chật lắm mà cũng không rộng lắm. Thường có tên gọi là sân đá dế. Trước khi dế được đưa vào sân đá, chủ nhân thường dùng một que nhỏ (đôi khi là một chân nhang) cắm nhẹ vào sau vòng cổ của dế và thổi nhẹ cho chú dế phình rộng đôi cánh và khi được thả vào sân thì dế khuỳnh cánh ra gáy re re. Khi nhìn thấy đối thủ cũng được làm như mình, vừa xong nhịp gáy thì đôi bên xông vào nhau. Trước tiên là đọ càng. Gọi là trương càng đọ sức vì hai chú dế trước tiên giương rộng hai càng cọ với nhau như để đo sự rộng hẹp của cặp càng nhiều khi trông giống như hai võ sĩ thượng đài cụng găng chào nhau. Hai chú dế ít khi nhân nhượng nhau tuy đôi lúc càng hai bên chênh lệch một to một nhỏ. 

Cái dũng khí của dế là phải cắn nhau trước khi chịu thua. Chỉ khi nào thua một vài độ chú dế thua mới chịu chạy dài khi đụng râu cùng đối thủ mạnh hơn. Cặp râu của dế rất quan trọng. Thường con dế nào bị mất râu hay bị cụt râu thì khả năng chiến đấu có phần giảm sút. Trẻ em rất thích thú khi nhìn thấy con dế nào trước khi lâm trận, vừa gáy xong thì đưa chân trước ra vuốt hai cái râu trông giống như vị nguyên soái trong tuồng hát bội đưa hai tay cuốn cong hai lá cờ lệnh cắm sau lưng trước khi xưng tên họ để giao chiến. Một đôi khi sau khi bị thổi gió và được đặt xuống sân đá, dế vẫn không xù cánh gáy râm rang thì chú chủ sẽ dùng một que con trên đầu có một cục sáp nhỏ gắn vài sợi tóc vo qua lại cặp râu để kích thích. Lập tức chú dế giương cao rộng đôi càng xông lên chiến đấu. Lúc so càng đôi khi hai chú dế cũng so nhau tiếng gáy. Tiếng gáy như reo vui, như khiêu khích, như thách đố trước khi xung trận. So càng, gáy thi xong, chúng dùng đôi càng cắn chặt lấy nhau. Nhiều khi trận chiến âm thầm chịu đựng cho đến lúc một trong hai chú dế vùng ra bỏ chạy. Một đôi khi chúng vừa cắn nhau vừa dùng chân, đá, búng và chồm lên nhau để làm đối phương hoảng sợ bỏ chạy. 

Cuộc chiến đấu có khi còn dữ dội đến nỗi có kẻ bị cắn gãy chân, lòi ruột. Thường thì cuộc giao đấu kết thúc từ ban đầu vị khi thấy đối phương càng to, tiếng gáy hùng dũng và thái độ chiến đấu hăng say nên đối thủ bỏ chạy khỏi phải giao đấu. Sau nhiều lần thổi gió, nhiều lúc chú dế bị nắm râu mép thổi vài hơi, đôi khi lại được chủ cho nếm một ít nước bọt để gọi là “tăng lực” song khi thả xuống thì chỉ kịp giơ càng đọ sức rồi lanh chân chạy trốn. Kẻ chiến thắng bao giờ cũng giương cánh gáy, vuốt râu và đôi lúc lại “túc túc gọi mái”.

 Cái thú chọi dế ngoài việc xem dế đá, bọn trẻ còn được dịp hò reo cổ vũ cho dế “phe ta”. Có lúc sau trận đá dế lại có trận đánh nhau vị ganh tức. Phe thắng thì hân hoan, phe thua thì đổ lỗi cho nhau và cuối cùng thì xảy ra trận ẩu đả. Rồi ai về nhà nấy cùng hẹn nhau vào sáng hôm sau. Chiều và tối hôm ấy bọn trẻ lại đi sùng lục khắp nơi để tìm ra tiếng gáy của những chú dế có tiếng gáy lảnh lói và âm vang.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
23/04/2014(Xem: 17555)
31/03/2013(Xem: 12011)
03/04/2014(Xem: 48815)
15/09/2016(Xem: 8800)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.