13 Trồng Xoài Trên Đảo

24/12/201112:00 SA(Xem: 7238)
13 Trồng Xoài Trên Đảo


NGƯỜI GÁNH NẮNG

Bút ký của Quách Giao
Nhà xuất bản: Hội Nhà Văn Hà Nội 2006

Trồng xoài trên Đảo

Gió đưa mười tám lá xoài 
Mười hai lá mít lạc loài về đây.

Câu ca dao này tuy không hiểu được cặn kẽ nguồn gốc và ý nghĩa song cứ mỗi lần nghĩ đến, sư Viên Mãn vẫn thấy bâng khuâng trong lòng. Lá mít, lá xoài của quê hương vẫn bàng bạc trong hồn. Hình ảnh này thân thương như khi có người nhắc đến bờ tre, con sông đầu làng. Hơn nữa hai tiếng lạc loài đã nói lên thân phận của kẻ không nhà như cây mít cây xoài xa vườn, xa nơi lớn lên. Nhà sư chợt nhớ đến những cây xoài, cây mít trên chùa Linh Quang nơi núi Xuân Đài tỉnh Phú Yên. Chùa Linh Quang nổi tiếng là một ngôi danh lamthắng cảnh đẹp. Núi Xuân Đài nằm ở phía Nam huyện Đồng Xuân, nối tiếp từ Thạch Lãnh chạy xuống, núi gò liên tục, làng xóm nối dài, ruộng vườn xen trộn. Chùa Linh Quang còn có danh là chùa Đá Trắng, vì đá trên núi phần nhiều mang sắc trắng. Trong sân chùa và quanh chùa có giống xoài tượng rất ngon. Vỏ mỏng, thịt dẻ và hương thơm. Đặc điểm là để được lâu, hương không phai và vị vẫn thắm. 

Trước đây giống xoài này hằng năm phải đem về Huế cống vua. Cho nên xoài trên chùa bị chức sắc trong làng quản lý. Khi mùa xoài có trái, các phu dân phải túc trực tại chùa để canh gác. Họ phải đếm từng nụ xoài lúc mới tượng trái và chăm nom cho đến khi xoài già mới làm lễ hái trái và dùng ngựa chở xoài trong các giỏ tre ủ xoài cùng với lá sầu đông để đến khi về tới Huế thì xoài vừa chín vàng da. Do được bảo vệ nghiêm nhặt cho nên tuy chùa có danh là có xoài quý song nhà chùa không bao giờ được hái trái cúng dâng Phật trong các mùa xoài. Tuy nhiên năm nào chùa cũng có trái xoài để cúng. Đó là không rõ nguyên nhân nào khi mùa xoài được hái sạch để dâng vua thì trên cây xoài luôn luôn còn sót lại những trái chín vàng mắt thường không bao giờ được thấy. Đêm trước đó, sư cụ nhà chùa sau tuần kinh đêm ra đứng nơi hiên chùa. Bỗng một mùi hương xoài chín dìu dịu thoảng đến. Sao trên trời như sáng tỏ thêm, gió hiu hiu thổi nhẹ. 

blankSáng hôm sau, thức dậy sớm, sư cụ ra đứng dưới gốc xoài đưa mắt nhìn lên cành cao, thì bỗng nhiên thấy thấp thoáng trong cành lá tươi xanh nhấp nháy ánh vàng dao động. Nhìn lên cây thì sư cụ trông thấy một chùm xoài chín đang đong đưa trước gió. Và từ đấy hằng năm sau ngày hái xoài hiến vua, chư đệ tử trên chùa lại đua nhau quan sát cành xoài và nhất là đêm đêm quanh quẩn bên gốc xoài để chờ đợi hương xoài thoảng đến. Những người có tấm lòng mộ đạo thì cho đó là tấm lòng che chở vật quí của đất để dâng cho Phật. Kẻ có tấm lòng thực tế thì bảo rằng đó là tấm lòng thành kính của những người canh giữ đã cố ý khi hái trái đã để sót lại trong đám lá xanh rậm cho chùa và phải đợi đến khi xoài chín, màu vàng mới lộ ra và hương thơm của xoài mới báo thức cho nhà chùa tìm hái để dâng Phật. Nhờ có những trái xoài còn sót lại mà giống xoài trên chùa Đá Trắng mới được nhân rộng ra khắp vùng núi Xuân Đài. Tuy đã xa chùa, song tiếng ngon của xoài Đá Trắng vẫn lưu truyền trong nhân gian mãi mãi.

Sau khi ổn định chỗ ăn ở trên Hòn Đỏ, sư Viên Mãn nhớ đến giống xoài nơi chùa Đá Trắng nên có một ước nguyện là sẽ trồng đầu tiên trên hải đảo này giống xoài quí của quê hương. Nhân một chuyến về thăm quê nhà, bằng cách tháp tùng một ghe thuyền buôn thương phẩm, đi từ bến Cù Lao về Sông Cầu, nhà sư đã thoã ước nguyền.

Thuyền rời bến vào buổi chiều tháng ba âm lịch. Gió nồm đã thổi hiu hiu, thuyền ra khơi trong trời quang mây tạnh. Trên thuyền chỉ có vị sư và ông thương gia có tiệm buôn ngay dưới chân núi Sinh Trung. Tình cờ mẹ nhà sư khi đi làm, biết được vị thương gia có chuyến ghe về Phú Yên nên tin cho sư Viên Mãn biết và nhà sư đến xin được tháp tùng. 

Thuyền căng buồm ra khơi, xuôi theo chiều gió đi thẳng một mạch đến sáng thì cặp bến Sông Cầu. Trong thời gian thuyền cất hàng và mua hàng, nhà sư đã lên đường về thăm chùa Bảo Sơn rồi ghé chùa Linh Quang để xin mua hột xoài giống. Nhà chùa biếu tặng được 14 hột và một cây rựa dày bản để dùng trong việc phát hoang. Thành công trong việc có được giống xoài đặc biệt, và nhất là được sự cổ võ nồng nhiệt của chư tăng nơi chùa Linh Quang về ý định khai hoang lập tự trên hải đảo Hòn Đỏ, sư Viên Mãn hăm hở trở lại Sông Cầu theo thuyền về Nha Trang. Đi và về chỉ có 5 ngày đêm. Mọi việc êm xuôi như con thuyền thuận gió.

 Sư Viên Mãn đem mười bốn hột xoài ủ vào trong một bồn đất nơi ang nước tại chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa. Tại nơi đây sẽ đầy đủ nước tưới, bóng mát và được sư chăm sóc của mẹ già của sư mỗi khi sư bận trên hải đảo. Kết quả rất khả quan là cả mười hột đều nẩy mười mầm non xanh tốt. Và nhà sư đã đem hột xoài nẩy mầm lên Hòn Đỏ.

Sáng hôm nay, khi đem nước tưới đến khu ươm hột xoài thì nhà sư phát hiện ra 14 hột xoài đã đâm rễ. Mỗi hạt xoài đều có một rễ dài, trắng muốt to bằng mút đũa, cắm sâu vào lòng đất. Hôm qua sự kiện này chưa có. Thế mà chỉ trong một đêm mọi việc đã xảy ra. Thiên nhiên thật là kỳ lạ. Khi ta chú tâm thì không nhận thấy, mà khi ta hờ hững lơ là đôi phút thì hiện tượng lại hiện ra. Trong vườn hoa đôi lúc ta bận việc không chú ý đến thì bỗng một hôm ta thấy cả khóm hoa đã đầy nụ hoa. Cũng như có nhiều khóm hoa ta chưa kịp thấy nụ thì hoa nở đã đầy cành.

Những rễ xoài đã đâm xuống đất song mãi đến mười hôm sau hai lá xoài mới thoát ra khỏi cái vỏ cứng khô.. Cây xoài con đã thành hình trọn vẹn . Mỗi cây xoài con lại được đem trồng vào một chiếc giỏ mồm bò. Chiếc giỏ này được đan bằng tre có nhiều lỗ dùng để đeo vào mồm con bò mỗi khi đi ra đồng để tránh việc bò ăn lúa khi đi đường. Đôi khi giỏ được đan bằng dây mây để có được độ bền cao. Độ lớn của thân giỏ chỉ vừa khít với chiếc mồm của con bò và được đeo vào mõm bằng một sợi dây mây quấn ngang qua giữa hai sừng bò.

Ở thôn quê khi ươm cây giống, người ta thường dùng giỏ này để tiện việc di chuyển và nhất là để tiện dụng khi cây đã lớn thì có thể đem trồng luôn với cây khỏi phải bứng cây và nhờ ở giỏ có nhiều lỗ nên rễ cây thoải mái mọc tự nhiên. Và vì làm bằng tre nên rất chóng mục mỗi khi được chôn xuống đất.

Hố trồng xoài đã được chuẩn bị từ lâu. Đó là những cái hố được đào tại những vị trí thích hợp: nhiều đất ít đá và gần các tảng đá to. Như vậy để tránh các cơn gió mưa dữ dội trên đảo mỗi khi mùa dông bão tháng chín tháng mười. Mỗi hố rộng hơn một mét đường kính và sâu đến nửa mét. Một đôi chỗ bên dưới là một tảng đá lớn, khi đó lại phải di chuyển vị trí trồng đến một chỗ khác. Khó khăn như thế cho nên mỗi ngày chỉ đào có một hố mà thôi.

Ba tháng sau thì 14 cây xoài đã được trồng trong những hố xoài khắp vùng trên đảo. Phải cần đến sự chăm sóc hằng ngày kéo dài đến hai năm, 14 cây xoài mới chắc chắn được sống trên Hòn Đỏ. Tuy nhiên trong khoảng thời gian này vì thiếu nước nên xoài chỉ phát triển theo mùa mưa và vì bên dưới đá tảng nhiều nên sau một thời gian cho trái được vài năm thì đa số cây xoài đã chết dần. Hiện còn lại duy nhất là cây xoài nằm trên khu đất gần nền chùa. Tàn xoài tỏa rộng tươi mát xum xuê. Hằng ngày nhà sư kê ghế bố nằm dưới gốc cây mắt nhìn ra bể để lòng nhớ về quê hương Phú Yên, nơi có vườn xoài Đá Trắng (mặc dù nay không còn nữa). Nằm dưới tàn xoài, nhìn những cành lá lao xao trong nền trời xanh cao rộng, lòng nhà sư được ấm êm sống lại những tháng năm có những buổi trưa hè nằm dưới bóng xoài nơi chùa Linh Quang ở Đá Trắng.

Cây xoài trên Hòn Đỏ này mỗi năm ra một lần trái, hương vị trái chín vẫn còn đọng chất thanh ngọt của chùa xưa mặc dù trái nhỏ hơn, ít sai hơn song vẫn còn hình dáng của những trái xoài đã được đem về Huế dâng lên vua ngự thiện. Đa số trái của cây xoài này đều được dâng lên cúng Phật và đem về các chùa lớn như Long Sơn, Hải Đức, Kỳ Viên v.v.. các nơi này đã từng cưu mang nhà sư Viên Mãn.

Khi các cây xoài gốc Đá Trắng Phú Yên chết, nhà chùa được các Phật tử miền Nam cung cấp cho hột giống xoài cát Hòa Lộc để trồng thay thế. Tuy nhiên khí hậu và thổ nhưỡng ở đây không được thích hợp cho nên giống xoài Hòa Lộc chỉ có tàn chớ ít trái. Đây là sự trùng hợp với sở nguyện của nhà chùa. Trồng cây cho bóng mát. Những cây xoài phương Nam tuy trái không thắm ngọt như xoài Đá Trắng song vẫn tỏa tàn che mát đạo chúng. Trồng xoài trên hải đảoViên Mãn chỉ có một ao ước là có bóng mát trên hoang đảo này và nếu có được mùa trái thì trước là để cúng Phật sau là để chia cho chúng sinh. Du khách mỗi lần thăm viếng đảo đều có được một cảm giác lâng lâng khi đặt mình đong đưa trên chiếc võng cột tòn ten dưới gốc xoài. Nỗi nhớ quê hương Phú Yên được ru yên dưới bóng xoài trên hoang đảo và làm dịu đi lòng thương nhớ quê nhà của nhà sư sống một mình.

Những cây xoài trước đây chỉ mọc chung quanh chùa mà bây giờ đã được trồng lan xa ven dọc theo các con đường trên đảo.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
23/04/2014(Xem: 17554)
31/03/2013(Xem: 12011)
03/04/2014(Xem: 48815)
15/09/2016(Xem: 8800)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.