19 Khóm Mai

24/12/201112:00 SA(Xem: 7725)
19 Khóm Mai


NGƯỜI GÁNH NẮNG

Bút ký của Quách Giao
Nhà xuất bản: Hội Nhà Văn Hà Nội 2006


Khóm mai

Mãi đến chiều mười sáu tháng tư sư Viên Giác mới được phép bổn sư Thích Phước Ninh ra thăm chùa Từ Tôn nơi Hòn Đỏ. Gọi là chùa song hiện chỉ là một túp lều tranh đơn sơ giống như một lều chăn vịt nơi thôn dã. Đêm hôm ấy vành trăng mười sáu cùng trời mây cao rộng trên Hòn Đỏ chứng kiến một lễ cúng đơn sơ nhưng vô cùng chân thiết. Tiếng tụng kinh hòa cùng tiếng mõ đều đều của nhà sư làm ấm lại bầu không khí cô quạnh trên một hải đảo đìu hiu. Mặt nước biển như xanh đặc quánh lại, lóng lánh sóng nước. Đôi tiếng chim mơ hồ vọng lại dưới trời trăng. Sau chầu kinh, nhà sư lững thững đi một vòng trên sườn núi.

Đến bờ phía Tây gần con đường chạy quanh co xuống chân đảo nơi có bến đò tạm. Dưới bóng trăng sáng vằng vặc nhà sư sửng sốt nhìn thấy nơi khóm mai độc nhất trên đảo, nở hoa vàng ánh dưới trăng. Hoa trên cành nở vàng rực rỡ. Bóng hoa vàng tươi sáng, ánh trăng vàng lung linh trên khóm mai. Gió biển hiu hiu thổi về nhè nhẹ. Cành mai xao động, hoa lá rung rinh. Lặng lẽ đứng nhìn khóm mai nở thạnh, nhà sư đắm mình trong thế giới mơ huyền. Màu vàng của hoa cùng với sắc trắng trong của ánh trăng phủ kín cả khóm mai khiến cho nhà sư ngỡ là khóm mai đang được khoác một chiếc áo cà sa vàng quí báu của đức Phật ban cho nhà sư Huyền Trang khi đến được Tây phương Phật thỉnh kinh về Trung thổ.

blankKhi khai hoang hòn đảo sư Viên Mãn đã trông thấy khóm mai nầy. Khóm mai không biết mọc từ năm nào song nhìn cội mai đã cằn và nhánh mai đã cỗi thì sư biết là mai mọc ở đây đã từ lâu. Thân và cành có màu xanh đen mướt. Mới thoạt nhìn cứ ngỡ là một khóm cây hoang dại song khi nhìn kỹ thì mới biết là một khóm mai. Thân mai giống như loài mai núi nhưng cành mai thì suôn sẻ như giống mai biển. Cành dài mà không khẳng khiu. Lá dày không mỏng như mai vườn. Thân lá ngắn, xa trông giống như chè xanh lá lớn. Sắc xanh đậm đà, mới nhìn qua không thể phân biệt được là mai hay chè. Tuy không biết chắc là khóm hoa mai nhưng sư Viên Mãn vẫn để nguyên không phá đi vì đó là một cây xanh mọc giữa đám gai góc trên đảo. Một màu xanh tuy nhỏ nhoi song sẽ làm dịu mắt nhìn trong ánh sáng chói lòa trên hoang đảo.

Mùa xuân khóm mai nầy không nở hoa khiến cho nhà sư ngạc nhiên và tưởng đó chỉ là một khóm cây có vóc dáng giống như là mai. Tuy nhiên cây cũng được thường xuyên tưới nước và khóm cây cứ theo năm tháng mà nẩy nở. Sư Viên Mãn rất ít khi ở luôn trên đảo mà chỉ lên một vài hôm rồi trở về chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa trên núi Sinh Trung. Hôm nay tình cờ nhà sư đi dạo dưới trăng trên Hòn Đỏ rồi thình lình bắt gặp được cảnh mai nở vàng trong dịp lễ Phật Đản. Thật là hi hữu, thật là kỳ lạ.

Khi còn theo học nơi trường Phật học Hải Đức tại đồi Trại Thủy, sư Viên Mãn, một hôm tình cờ được nghe nhà thơ Quách Tấn ngồi đàm đạo cùng Thượng tọa Thích Trí Thủ về rừng mai trên đồi Trại Thủy:

Khi xưa mai trên đồi Trại Thủy mọc đầy kín như một khu rừng. Mùa xuân đến mai nở vàng cả núi cho nên núi có tên là Hoàng Mai Sơn. Khi mai nở, hương mai hòa lẫn vào không gian khiến lòng người quanh vùng an tịnh và hứng khởi đón hương xuân. Sau đó cuộc chiến giữa nhà Nguyễn Tây Sơn và nhà Nguyễn Gia Miêu xảy ra trong vùng khiến cho rừng mai hao hụt khá nhiều. Đến khi phong trào Cần vương nổi lên chống Pháp thì Bình Tây Đại tướng quân Trịnh Phong đóng quân trên hòn Trại Thủy và trong một trận chiến oai hùng, hòn Trại Thủy bị đốt phá và giống mai mọc trên núi lại thêm một phen bị tàn phá. Giờ đây núi không còn mai mọc. Giống mai mọc trên núi là một giống mai pha lẫn giống mai núi và mai biển. Mai biển cành suôn sẻ, hoa to cánh song lại mỏng và thưa. Còn mai rừng thì cành khẳng khiu, hoa nhiều cánh nhiều tầng song lại nhỏ hoa hơn mai biển. Mai trên đồi Trại Thủy là loại mai vừa có hoa lớn như hoa mai biển và cánh nhiều, tầng nhiều như mai rừng.

Đứng lắng nghe một nhà thơ ngồi đàm đạo với một vị chân tu, sư Viên Mãn thấy được sự hợp hòa giữa thơ và đạo. Nếu có sự hòa hợp thì không có một xa cách gì đối với đời và đạo. Ý thơ và lòng đạo hoà nhập với nhau khi hai người bạn ngồi nói chuyện tâm đắc như hai triết nhân tri kỷ.

Nhớ đến buổi bàn thơ trên đồi Trại Thủy giữa nhà thơ Quách Tấn với Thượng tọa Thích Trí Thủ, nhà sư chăm chú quan sát khóm mai già. Có lẽ đây là loại mai đã mọc trên đồi Trại Thủy ngày xưa, nay còn sót lại nơi hải đảo cô đơn này. Như vậy khóm mai nầy có thể là giống mai đã từng sống trên núi Hoàng Mai Sơn.

Hương mai càng về khuya càng nồng đượm. Ngồi xếp bằng dưới gốc mai, sư Viên Mãn lắng nghe tiếng cánh hoa rơi rụng chung quanh mình cùng với ánh trăng long lanh trên phiến lá. Ánh trăng khuya nơi hải đảo thật trong sáng. Ngắm cảnh trăng trên biển, lòng cảm thấy thảnh thơi hơn nhìn trăng trong thành phố. Khi lòng thanh tịnh, tâm sẽ thấm dần chân vị, chân hương của thiên nhiên. Lòng du khách sẽ nhập vào thiên nhiên để chan hòa cùng thiên nhiên. Nhìn xa thì biển cả mênh mông. Nhìn gần thì ánh trăng chập chờn cùng cây cỏ. Trong gió có hương, dưới trăng có cảnh. Cảnh trăng là tướng. Ánh trăng là tánh. Tánh bất biến, tướng tùy duyên. Cho nên nhiều khi ta chỉ nhìn ánh trăng lung linh trên một giọt sương mà cảm nhận thấy được trăng mênh mông trên biển rộng.

Dưới ánh trăng, bên cụm mai già, nhà sư đã thấu hiểu được mọi biến hóa của qui luật vô thường. Đồng thời nhà sư cũng đã hiểu được câu chuyện mà nhà thơ Quách Tấn đã kể lại cho Thượng tọa Thích Trí Thủ nghe khi cùng bàn đến các điển tích của cổ nhânliên hệ đến hoa mai.

Đó là câu chuyện về nhà thơ Triệu Sư Hùng:

Triệu Sư Hùng đời Hán, khi đi ngang qua núi La Phù thì trời sắp tối nên ghé vào nhà trạm bên đường để nghỉ chân. Một giai nhân y trang toàn trắng ra đón tiếp. Đêm xuống dần dần, tuyết cũng đang rơi rơi. Trong nhà trạm, một mùi hương thanh thanh dần lan tỏa. Mùi hương bay lan khắp vùng. Đêm mỗi lúc một lạnh. Giai nhân bèn mời Sư Hùng sang quán rượu bên cạnh. Một thị nữ áo xanh bưng rượu ra đãi khách. Dâng cho Sư Hùng một chén, dâng cho mỹ nhân một chén. Vừa dâng rượu vừa múa vừa ca.. Sư Hùng cao hứng uống say lúc nào không hay. Say quá gục lên bàn mà ngủ. Đến khi thức giấc thì tuyết đã ngừng rơi. Đưa mắt nhìn khắp nơi thì quán không thấy mà trạm cũng không. Giai nhân cũng không thấy mà chỉ thấy dưới bóng trăng sáng vằng vặc, một mình nằm tựa gốc mai già hoa đang nở thạnh. Trên cành có con chim xanh đang chuyền cành, miệng hót líu lo. Do đó, có nên câu chuyện người thơ gặp tiên trong rừng mai nở thạnh vào đầu xuân.

Câu chuyện con chim xanh hót trên cành, xuất xứ từ một bài thơ tứ tuyệt đời Nguyên có tên là Ức Mai.

Thiều thiều xuân tín cách Giang Nam
Tịch tịch phương tâm phụ tuế hàn
Thanh điểu bất lai tiên mộng diếu
Nguyệt minh không tự ỷ lan can.
Có nghĩa là 

Tin xuân vời vợi cách Giang Nam
Quạnh quẽ lòng hương phụ tuế hàn
Vắng bóng chim xanh xa bóng mộng
Lạnh lùng trăng sáng tựa lan can
 (Thơ dịch của Quách Tấn)

Cũng cùng ngồi dưới bóng trăng bên cạnh khóm mai mà tâm trạng của mỗi người một khác. Thế mới biết vô thường vốn nằm trong vạn vật.

 Cũng tại nơi gốc mai này nhà sư Viên Mãn đã nhặt được một bộ đồ đá gồm một lưỡi búa và một lưỡi rìu bằng đá có màu xám đậm được bào mòn trơn láng. Bộ đồ đá này được nhà sư coi như là một vật quý, tàng trữ tại chùa Từ Tôn nơi Hòn Đỏ.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
23/04/2014(Xem: 17555)
31/03/2013(Xem: 12011)
03/04/2014(Xem: 48815)
15/09/2016(Xem: 8800)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.