Tôn giả Longchen Rabjam (1308-1363) sinh ra ở Yoru thuộc phần phía Đông của miền Trung Tây Tạng, gần Tu viện Samye vĩ đại mà Đạo Sư Liên Hoa Sinh xây dựng vào thế kỷ tám. Cha Ngài là vị Yogin tên Lopon Tenpa Sung và mẹ Ngài là Sonam Gyen. Lúc thụ thai, mẹ Ngài nằm mơ thấy con sư tử lớn với mặt trời và mặt trăng trên trán, phóng ánh sáng rực rỡ soi sáng toàn bộ thế gian. Con sư tử sau đó tan thành ánh sáng, thứ tan vào Sonam Gyen và hòa vào tâm bà ấy. Từ khoảnh khắc đó, trong suốt thai kỳ, bà có những trải nghiệm mạnh mẽ về hỷ lạc, sáng suốt và vô niệm. Thân bà cảm thấy vô cùng nhẹ nhàng và tâm bà trở nên sáng tỏ và trong thai kỳ, bà chẳng cảm thấy không thoải mái hay đau đớn. Lúc Tôn giả Longchenpa chào đời, Nữ Hộ Pháp của Chân ngôn Bí mật, Không Hành Nữ trí tuệ Remati, đã xuất hiện. Bế cậu bé, Bà ấy tuyên bố rằng, “Ta sẽ bảo vệ câu bé!”. Vài giây sau, Bà ấy tan biến vào hư không.
Từ năm ba tuổi, Tôn giả Longchenpa bắt đầu học đọc và viết; năm tuổi, Ngài đã làm chủ việc đọc và viết. Từ đó trở về sau, Ngài dần dần bắt đầu học hỏi mọi lĩnh vực nghiên cứu khác. Lên bảy tuổi, Tôn giả Longchenpa thọ nhận từ cha pho giáo lý kho tàng và quán đỉnh Nyingma của Terton Nyangral Nyima Ozer, được biết đến là Tám Mệnh Lệnh – Hợp Nhất Chư Thiện Thệ (Kagye Deshek Dupa). Khi Ngài chín tuổi, mẹ Ngài qua đời.
Cha Ngài Longchenpa qua đời khi Ngài mười hai tuổi và không lâu sau, Ngài đã thỉnh cầu giới Sa Di tại Tu viện Samye cổ xưa do Đạo Sư Liên Hoa Sinh thành lập. Ngài nhận danh hiệu Tsultrim Lodro “Trì Giới Tuệ” và sau đó, cũng được biết đến là Drime Ozer, tức “Vô Cấu Quang”. Từ năm mười hai tuổi đến khi bước sang tuổi hai mươi bảy, Ngài đã học các chủ đề chung, chẳng hạn y học, chiêm tinh, lô-gic và ngữ pháp. Năm mười chín tuổi, Ngài bắt đầu nghiên cứu trong hơn sáu năm tại Sangphu Neutok, học viện tu sĩ Kadampa vĩ đại. Thời nay, chỉ còn lại những tàn tích của học viện này.
Ngài Longchenpa đã thọ nhận và nghiên cứu mở rộng mọi giáo lý của Phật Pháp bao gồm cả các giáo lý Kim Cương thừa của nhiều trường phái và truyền thừa. Nhờ các nghiên cứu mở rộng, Ngài trở nên khá uyên bác và được trao danh hiệu Longchen Rabjam nghĩa là “Cõi Bao La Uyên Bác Phổ Quát” hay “Cõi Bao La Bao Trùm Khắp”. Và khi đang cư ngụ gần Tu viện Samye vĩ đại, Ngài cũng được biết đến vào lúc này là “Vị Thọ Nhận Nhiều Trao Truyền Của Samye” (Samye Lungmangpa). Ngài có thể tụng thuộc lòng tất cả các trích dẫn liên quan từ Kinh điển và Mật điển và người ta có thể nghe thấy nhiều Lama khác nhận xét rằng, “Thậm chí đừng cố tranh luận với Ngài; Ngài thuộc lòng mọi kinh văn”.
Hai mươi bảy tuổi, Ngài Longchenpa thấy bản thân tự nhiên ngập tràn ý nghĩ xả ly. Ngài hiểu rằng cực kỳ uyên bác thì chưa đủ và đã đến lúc thực sự đưa vào thực hành Chân ngôn thừa, Kim Cương thừa hay “Kim Cương thừa” Chân ngôn Bí mật phi phàm. Vì thế, Ngài Longchenpa sống cuộc đời của một tu sĩ lang thang, tự tại đi đến các vùng quanh Lhasa và phụ cận, chỉ mang một túi và một chiếc lều nhỏ. Ngài đang tuân theo lối ‘Drakhor’ truyền thống, cách thức của tu sĩ hành hương, tức là đi bộ từ Tu viện này đến Tu viện khác, ban giáo lý và sau đó, tham gia vào tranh luận và trả lời các câu hỏi. Khi một Lama rất thành công trong điều này, vị ấy sẽ phát triển được danh tiếng lớn lao và được kính trọng là một quyển kinh văn Phật giáo ‘sống’. Giống như một cuốn sách Tây Tạng, những Lama như vậy thường mang những tấm ván trông giống như miếng bao kinh sách, được buộc ở phía trước và sau mà trên đó viết rằng, “Một quyển Giáo Pháp sống”.
Trong giai đoạn này của cuộc đời, Ngài Longchenpa đang tìm kiếm một đạo sư Đại Viên Mãn và trong quá trình, Ngài trải qua vô vàn khó khăn. Đạo Sư Melong Dorje “Gương Kim Cương” được xem là một đạo sư Đại Viên Mãn vĩ đại của các giáo lý truyền thừa thì thầm (Nyengyu) của truyền thống Tâm Yếu Bí Mật Của Vô Cấu Hữu (Vima Sangwa Nyingtik), nhưng Ngài đã viên tịch vào lúc này. Tuy nhiên, tâm tử hay vị kế thừa Giáo Pháp của Ngài là Rigdzin Kumaradza Yeshe Shonnu “Trì Minh Vua Trí Tuệ Trẻ Trung”, vị đã thọ nhận tất cả trao truyền về Mật điển, luận giải và chỉ dẫn cốt tủy từ Đức Melong Dorje.
Trì Minh Rigdzin Kumaradza đang sống ở khúc phía trên của Thung lũng Yarlung ở Yartodkyam, trong một khu trại với khoảng một trăm đệ tử, những vị sống ở đó trong các lều nhỏ làm từ nỉ Yak. Dường như sống trong khu trại ở thung lũng trên núi là chuyện thoải mái, nhưng sống ở đó chẳng hề thoải mái. Trong những tháng mùa đông, tuyết rơi dày và vô cùng lạnh và gió dữ đến mức không thể nhóm lửa, gây ra những khó khăn ghê gớm. Chính Đức Kumaradza cũng sống trong túp lều một người chỉ đủ lớn để Ngài có thể ngồi thẳng trong đó.
Đức Rigdzin Kumaradza đang giảng dạy Đại Viên Mãn tự nhiên theo Tâm Yếu Vô Cấu Hữu (Vima Nyingtik) cho đoàn tùy tùng đệ tử, những vị giống như một đàn tràng tự nhiên. Chư vị đều đang trụ trong thiền định của bản tính nguyên sơ, trong điều kiện tự nhiên của Đại Viên Mãn; vì thế, chư vị không giống như những chúng sinh bình phàm. Mặc dù bề ngoài, chư vị xuất hiện chỉ là một khu trại của những người ăn xin, trong khu trại đó có đạo sư thành tựu và chứng ngộ – Đức Kumaradza, vị bất khả phân với Tôn giả Vô Cấu Hữu, vị đạo sư Đại Viên Mãn từ Ấn Độ; các giáo lý [được giảng dạy] là Đại Viên Mãn và có đoàn tùy tùng đệ tử thanh tịnh thực hành Dzogpa Chenpo.
Khi Ngài Longchenpa lần đầu tiên gặp Đức Kumaradza, Ngài thỉnh cầu được thọ nhận giáo lý từ vị này. Đức Kumaradza hài lòng và bảo rằng, “Đêm qua, Ta có một giấc mơ tuyệt vời với các dấu hiệu vô cùng cát tường, điều chỉ ra rằng con sẽ đến và kết nối phụ thuộc lẫn nhau của chúng ta. Sau đó, khi Ta thấy con, Ta lập tức biết rằng con sẽ là vị trì giữ truyền thừa Giáo Pháp của Ta”. Đức Kumaradza yêu cầu Ngài Longchenpa ở bên và bảo rằng sẽ dạy Ngài.
Trong suốt giai đoạn này của cuộc đời, Ngài Longchenpa đã trải qua mọi kiểu vất vả, gian khổ và khó khăn. Ví dụ, vào thời kỳ trước, ở Tây Tạng cũng như ở Ấn Độ, khi ai đó thọ nhận Giáo Pháp, đóng phí Giáo Pháp như một sự cúng dường cho những giáo lý được thọ nhận là điều bắt buộc. Dâng các cúng dường là một phương tiện thiện xảo để tích lũy công đức, mặc dù ngày nay ở phương Đông, không có tiền phí [để tham gia] sự trao truyền giáo lý, điều dựa vào sự đóng góp của các tín đồ. Ngày nay, chúng ta cúng dường một Mandala cho giáo lý hay quán đỉnh, nhưng vào thời kỳ này, người ta thường cúng dường bột lúa mạch hay ngũ cốc. Như chúng ta thấy trong tiểu sử của Dịch giả Marpa, Ngài Marpa phải cúng dường hai mươi sáu gánh lúa mạch do Yak thồ như là tiền phí Giáo Pháp để thọ nhận quán đỉnh Hevajra và sáu gánh để thọ Kim Cương Du Già Nữ (Vajrayogini) từ một đạo sư Sakya.
Do đó, khi Ngài Longchenpa ở bên Đức Kumaradza, cúng dường một khoản phí Giáo Pháp đến đạo sư là phong tục và mặc dù cực kỳ uyên bác, Ngài Longchenpa không có những thí chủ giàu có. Ngài giống như chúng ta ở đây trong trung tâm nhập thất, hoàn toàn tập trung vào việc nghiên cứu Giáo Pháp, cố gắng thọ nhận giáo lý từ chư đạo sư và sau đó thực hành một cách chân chính. Ngài Longchenpa khi ấy sống như một người ăn xin và chẳng có gì để cúng dường khi Đức Kumaradza sắp ban các quán đỉnh Đại Viên Mãn. Ngài sống bên ngoài, chịu đựng tuyết lớn và các yếu tố khắc nghiệt, chỉ có một chiếc bao tải mà Ngài dùng như là nệm thiền định vào ban ngày và túi ngủ vào ban đêm. Ngoại trừ y áo và chiếc bao tải này, Ngài Longchenpa chẳng có gì khác; nhưng bên trong, Ngài vốn đã sở hữu sự giàu có của Dzogpa Chenpo, Đại Viên Mãn.
Dĩ nhiên, những cúng dường tiền phí Giáo Pháp bằng ngũ cốc này không phải dành riêng cho Đức Kumaradza mà để nuôi toàn bộ tập hội. Điều đó giống như khi chúng ta bước vào nhập thất ở đây và chúng ta cần ai đó tài trợ các chi phí sinh hoạt của chúng ta và những vị trong trung tâm nhập thất, để chúng ta có thể nhất tâm thiền định theo giáo lý Đại Viên Mãn. Ngài Longchenpa nhắc đến trong các trước tác rằng bởi không có tiền phí Giáo Pháp, Ngài trải qua nhiều khó khăn. Ngài nghĩ, ‘Đạo sư tôn quý sắp ban giáo lý, nhưng tôi lại chẳng có gì để cúng dường. Dường như tôi chẳng có công đức; vì thế, tốt hơn là tôi rời đi trước vào sáng mai, trước khi bình minh. Nếu không, các đệ tử khác sẽ không hài lòng và sẽ gây khó dễ cho tôi nếu tôi chẳng có gì để cúng dường vì giáo lý’. Nhưng đêm đó, Đức Kumaradza, nhờ sức thần thông, thấy điều mà Ngài Longchenpa đang dự định. Đức Kumaradza gọi thị giả và nói rằng chính Ngài sẽ trả phần phí của Lama Samyepa – như Tôn giả Longchenpa thường được biết đến khi ấy.
Khi chúng ta thấy rằng Longchenpa khiêm nhường phải ngủ trong bao tải cũ giữa mùa đông Tây Tạng, chứ đừng nói đến những khó khăn của Tổ Milarepa, chúng ta thấy rằng các hành giả vĩ đại đã trải qua khó khăn ghê gớm. Ngày nay, chúng ta có thể có những quan niệm lãng mạn và nghĩ rằng khi Ngài Longchenpa sống trong khu trại của Đức Rigdzin Kumaradza, mọi chuyện cũng không khó khăn lắm. Nói về điều đó thì dễ, nhưng những vị có mặt đã phải trải qua hoàn cảnh khắc nghiệt khi thực hành không ngừng nghỉ trạng thái tự nhiên của Đại Viên Mãn. Mỗi ngày, Ngài Longchenpa chui vào và chui ra khỏi bao tải, chẳng nghĩ đến việc liệu Ngài có chết vì sự khắc nghiệt của các yếu tố hay không. Ngài đã trải qua vô vàn khó khăn để thọ nhận giáo lý Đại Viên Mãn và thực sự đưa chúng vào thực hành.
Trước khi chúng ta tiếp tục với tiểu sử của Ngài Longchenpa, ở điểm này, thật xứng đáng khi nhắc đến rằng trong suốt cuộc đời, Ngài Longchenpa đã trao nhiều lời khuyên then chốt cho các đệ tử hiện tại và tương lai. Ví dụ, Ngài đã viết lại ba điểm trọng yếu vì lợi lạc của các hành giả trong tương lai. Ngắn gọn, ba điểm này là:
1) Cầu nguyện đến đạo sư tâm linh vì sự gia trì;
2) Xem đạo sư là hiện thân của Tam Bảo và vì thế, cầu nguyện đến đạo sư để tịnh hóa các che chướng và tích lũy công đức;
3) Giữ gìn thệ nguyện Samaya, giới luật tâm linh của giáo lý Kim Cương thừa.
Từ điểm thứ nhất, người ta nói rằng vua của mọi lời cầu nguyện là diễn tả niềm tin và lòng sùng mộ với chư đạo sư tâm linh. Để hiểu cuộc đời của Tôn giả Longchenpa, thật hữu ích nếu biết rằng khi đang thực hành, Ngài Longchenpa đã liên tục cầu khẩn mãnh liệt đến Đức Kumaradza và chư đạo sư truyền thừa, tinh tấn hòa tâm trong thực hành Đạo Sư Du Già với lòng sùng mộ chân thành. Ngày nọ, trong khóa nhập thất sáu năm, một kinh nghiệm không tạo tác về lòng sùng mộ phi phàm khởi lên trong Ngài và Ngài cảm thấy tâm Ngài và tâm trí tuệ của Đức Rigdzin Kumaradza trở thành một, bất khả phân. Đây là cách mà Ngài Longchen Rabjam đạt được sự chứng ngộ chân chính về trạng thái tự nhiên của Đại Viên Mãn.
Từ khoảnh khắc đó, Ngài luôn luôn trụ trong định trong mọi hoạt động, dù đang ngồi, đi hay ngủ. Do đó, chúng ta có thể hiểu được tầm quan trọng lớn lao mà Ngài Longchenpa dành cho điểm đầu tiên trong ba điểm trọng yếu của Ngài, tức có niềm tin và lòng sùng mộ với chư đạo sư. Đó là cách mà chúng ta thọ nhận sự gia trì của đạo sư và chư đạo sư truyền thừa, thứ là nền tảng để chứng ngộ Giáo Pháp.
Điểm thứ hai là người ta cần cầu nguyện đến đạo sư như là hiện thân của Tam Bảo và theo cách này, tịnh hóa các che chướng và tích lũy công đức. Bởi đạo sư là nền tảng để tích lũy công đức lớn lao, điều vô cùng quan trọng là thực hành Đạo Sư Du Già để tích lũy công đức và tịnh hóa tất cả che chướng. Đạo Sư đại diện cho toàn bộ các cội nguồn quy y, Tam Bảo – Phật, Pháp và Tăng, Tam Căn Bản – đạo sư, Bổn tôn và Không Hành Nữ; và Tam Thân, tức các “thân giác ngộ”. Do đó, nhờ cầu nguyện và phụng sự đạo sư và nhờ thực hành Giáo Pháp, dâng và quán tưởng các cúng dường và v.v. người ta tích lũy công đức bao la cần để đạt giác ngộ. Giống như vậy, tất cả nghiệp, ác hạnh, lỗi lầm và che chướng được tịnh hóa nhờ sự gia trì của đạo sư. Ngài Longchenpa đang nói với chúng ta trong cả điểm thứ nhất và thứ hai rằng nếu chúng ta muốn đạt kinh nghiệm và chứng ngộ, chúng ta cần nỗ lực chân thành trong thực hành Đạo Sư Du Già.
Điểm thứ ba mà Ngài Longchenpa viết về liên quan đến khả năng vi phạm các Samaya, giới luật tâm linh của truyền thống Kim Cương thừa Chân ngôn Bí mật. Ngài nói với chúng ta trong một vài giáo lý rằng ngày nọ, Ngài cãi cọ với một huynh đệ kim cương. Cãi cọ hay đánh nhau với các anh chị em kim cương là một trong những sa sút Mật thừa và sẽ tạo ra che chướng nghiệp trong tâm. Vì thế, Ngài Longchenpa lập tức dâng lời sám hối và xin lỗi huynh đệ kim cương mà Ngài đã xung đột.
Về sau, trong nhiều giáo lý, Ngài Longchenpa nhắc đến rằng đôi khi, dù chẳng phải do lỗi của bản thân, vẫn có những người sẽ không thích chúng ta. Nếu chúng ta nổi tiếng, có thể có những người đố kỵ với chúng ta và muốn được như chúng ta và những người có thể thù hằn hay thậm chí phỉ báng chúng ta. Bất kể chúng sinh khác cảm thấy thế nào với chúng ta, Ngài Longchenpa khuyến khích chúng ta không tranh cãi hay tìm lỗi của các anh chị em kim cương, bởi chúng ta có thể bị cuốn đi bởi ác ý, ác tâm hay cảm giác tồi tệ về họ. Ngài khuyên chúng ta giữ các giới luật tâm linh thật tốt và tránh xung đột với các anh chị em kim cương.
Bây giờ, trở lại câu chuyện cuộc đời Tôn giả Longchen Rabjam: Khi được chấp nhận là đệ tử, Ngài Longchenpa đã sống cùng Đức Kumaradza trong sáu năm và thọ nhận toàn bộ các trao truyền chính yếu của giáo lý Đại Viên Mãn. Đặc biệt, dưới sự dẫn dắt của Đức Kumaradza, Ngài Longchenpa đã thực hành toàn bộ con đường Đại Viên Mãn của Tâm Yếu Bí Mật Của Vô Cấu Hữu, từ các thực hành nền tảng (Ngondro) cho đến những thực hành Đại Viên Mãn chính yếu của Trực Tiếp Cắt Đứt (Trekchod) và Trực Tiếp Vượt Qua (Thogal). Đức Kumaradza đã dạy Ngài Longchenpa theo Chỉ Dẫn Truyền Miệng Của Sự Hướng Dẫn Kinh Nghiệm Vĩ Đại (Mengak Nyongtri Chenmo), điều dẫn dắt sự hành trì của đệ tử từng bước một qua các giai đoạn của kinh nghiệm đến chứng ngộ. Tuân theo truyền thống này, Ngài Longchenpa đã thực hành cho đến khi Ngài có thể thực sự trải nghiệm các giáo lý của tri kiến, thiền định và hành động mà Ngài thọ nhận nhờ sự gia trì vĩ đại của Đức Rigdzin Kumaradza.
Sau khi thọ nhận giáo lý Đại Viên Mãn từ đạo sư Kumaradza, Ngài Longchenpa bắt đầu hoàn thành thực hành trong một khóa nhập thất sáu năm tại Chimphu, thỉnh thoảng đến gặp Đức Rigdzin Kumaradza để thỉnh gia trì và lời khuyên. Sau đấy, tại thánh địa Gangri Thodkar, Núi Tuyết Sọ Trắng, Ngài Longchenpa đã hoàn thành giai đoạn của thực hành Đại Viên Mãn được biết đến là “giác tính tột bực”. Vào một thời điểm sau đó, Ngài Longchenpa thành tựu giai đoạn “cạn kiệt mọi hiện tượng vào Pháp tính”, cấp độ linh kiến thứ tư theo con đường Trực Tiếp Cắt Đứt đến Thanh Tịnh Nguyên Sơ (Kadak Trekchod). Trạng thái tự nhiên không tạo tác của Đại Viên Mãn đã sinh ra trong tâm Ngài. Ngài trở thành Phật hoàn toàn giác ngộ nhờ con đường Đại Viên Mãn, hiện thân sống động của Pháp thân Phật Phổ Hiền.
Khi đã đạt chứng ngộ nhờ thực hành Đại Viên Mãn, năm ba mươi mốt tuổi, Ngài bắt đầu giảng dạy Giáo Pháp và tiếp tục làm vậy cho đến cuối đời, khi Ngài năm mươi sáu tuổi. Ngài đã dạy Đại Viên Mãn cho hàng nghìn đệ tử may mắn trong các vùng xung quanh Lhasa và Tu viện Samye vĩ đại và cả ở Bhutan. Tại Bumthang ở Bhutan, Ngài thành lập ngôi chùa được biết đến là Tharpa Ling. Ngôi chùa được gọi là “Tharpa Ling”, tức “Giải Thoát Tự” bởi nhiều chúng sinh đã bước vào con đường đến giải thoát tại chính thánh địa này. Trong thời gian gần đây, Dodrupchen Rinpoche thường ban nhiều giáo lý và quán đỉnh từ truyền thống Tâm Yếu tại Tharpa Ling, nơi gần một ngôi làng được gọi là Samling. Tựu trung lại, Ngài Longchenpa đã thành lập tám địa điểm Giáo Pháp ở Bhutan; những trung tâm nhập thất và Tu viện này được biết đến là “Tám Chùa Ling”. Như một phần của kết nối nghiệp với Bhutan, vị tái sinh tiếp theo của Ngài Longchenpa, vị phát lộ kho tàng vĩ đại – vua Terton Pema Lingpa, cũng sinh ở Bhutan.
Sau khi trở về Tây Tạng từ Bhutan, Ngài tiếp tục ban quán đỉnh và chỉ dẫn cho nhiều chúng sinh may mắn. Trong thời gian này, Ngài đã biên soạn vô vàn bản văn và luận giải cho mọi trường phái Phật giáo ở Tây Tạng. Tuy nhiên, đặc biệt, nhờ các trước tác, đối thoại và giảng dạy, Ngài giữ gìn truyền thừa giáo lý và thực hành của Dzogpa Chenpo – Đại Viên Mãn. Trong nhiều phẩm tính giác ngộ, Ngài Longchenpa được xem là một hóa hiện của Văn Thù Sư Lợi, vị Phật của trí tuệ, vị đến làm sáng tỏ và giữ gìn những giáo lý Dzogpa Chenpo. Khi Ngài trở lại Tây Tạng, truyền thừa trao truyền Đại Viên Mãn chính yếu của Ngài Longchenpa được trao cho đệ tử Khenchen Khyabdal Lhundrub và tiếp tục trong truyền thừa không gián đoạn cho đến ngày nay.
Ngài Longchen Rabjam viên tịch vào năm 1363 tại Samye Chimpu, khu rừng và trung tâm nhập thất của Đạo Sư Liên Hoa Sinh và các đệ tử, trong những ngọn núi phía trên Tu viện Samye vĩ đại. Lúc này, Ngài yêu cầu các đệ tử sắp xếp vài cúng phẩm và muốn được ở một mình. Khi họ thỉnh cầu được ở lại, Ngài Longchenpa bảo rằng họ có thể ở lại nhưng họ không được om sòm mà cần đơn giản thực hành, khi Ngài sắp xả bỏ thân hư huyễn đã héo mòn. Sau đó, trong tư thế Pháp thân sư tử, Ngài đã giải thoát vào cõi giới nguyên sơ.
Khi chư đạo sư vĩ đại, những vị đã đi theo con đường Đại Viên Mãn, viên tịch, chư vị trực tiếp giác ngộ trong sự trực tiếp của nền tảng. Có hai cách mà chư vị có thể hiển bày sự thành tựu Phật quả. Một trong số chúng được gọi là “Phật quả hiển bày hoàn toàn” (Ngonpar Dzogpa’i Sangye) và cách còn lại được biết đến là “Phật quả chân chính và trọn vẹn” (Yangdakpa’i Sangye). Không có sự khác biệt trong phẩm tính giữa hai cách hiển bày giác ngộ lúc lâm chung này, nhưng chúng khác biệt trong cách hiển bày.
Trong hai cách này, cách trước hiển bày nhiều dấu hiệu và để lại xá lợi vì lợi lạc của chúng sinh. Cách sau là khi đạo sư mang thân cầu vồng, chẳng để lại xá lợi hay thi hài. Thay vì để lại thi hài, cả giới bất tịnh thô lâu và giới thanh tịnh vi tế hoàn toàn tan hòa vào thân kim cương của ánh sáng cầu vồng, có bản tính của trí tuệ kim cương. Ngài Longchenpa đã viên tịch theo cách trước và vì thế, Ngài để lại xá lợi và tro cốt vì lợi lạc và để truyền cảm hứng cho các đệ tử của Ngài và vì đệ tử và hữu tình chúng sinh trong tương lai.
Khi Ngài Longchenpa viên tịch, có mọi dấu hiệu cát tường của sự viên tịch được biết đến là “Phật quả hiển bày hoàn toàn”, bao gồm cầu vồng, ánh sáng, sấm, trái đất rúng động và những cơn mưa hoa rơi xuống từ trời. Sau khi thân Ngài được trà tỳ, như là dấu hiệu của sự viên tịch vào nền tảng nguyên sơ, năm kiểu xá lợi được tìm thấy trong tro cốt trà tỳ. Trong số đó, có những xá lợi nhỏ trông như châu báu và trông như ngọc trai được gọi là Ringsel và có nhiều phần lớn hơn được biết đến là Kudung hay Dungchen. Kiểu sau lại có năm loại, tức những loại tro cốt khác nhau được biết đến là Shari Ram, Serri Ram, Bari Ram, Nyari Ram và Churi Ram. Chúng được cho là đại diện cho năm gia đình Phật và sự hiện diện của chúng chỉ ra sự chứng ngộ của đạo sư về năm thân giác ngộ và năm trí nguyên sơ. Cũng như tất cả năm kiểu tro cốt lớn hơn này, có vô số xá lợi Ringsel như những viên ngọc nhỏ không thể bị phá hủy được tìm thấy trong tro trà tỳ của Ngài Longchenpa sau khi chúng nguội.
Như một dấu hiệu rằng thân, khẩu và ý của Ngài Longchenpa hoàn toàn giác ngộ là ba kim cương và bất phả phân với Pháp thân Phổ Hiền, mắt, lưỡi và tim Ngài hòa thành một khối, lớn bằng nắm tay. Xá lợi linh thiêng này vẫn nguyên vẹn trước lửa và được truyền lại qua các đệ tử của Ngài Longchenpa và hiện thuộc sở hữu của Thái Hậu Bhutan. Xương sọ của Ngài Longchenpa vẫn nguyên vẹn sau khi trà tỳ, tạo thành xá lợi thiêng như đá, màu trắng vàng. Như thế, tất cả dấu hiệu cát tường của Phật quả hiển bày hoàn toàn đều hiện diện trong các xá lợi và tro cốt của Ngài Longchenpa. Điều đó đúng như trong Mật Điển Tro Cốt Thân Rực Rỡ (Kudung Barwai Gyud), một trong mười bảy Mật điển của Phần Chỉ Dẫn Đại Viên Mãn, điều miêu tả các dấu hiệu được tìm thấy trong xá lợi trà tỳ của vị đã chứng ngộ về Dzogpa Chenpo. Đây là miêu tả ngắn gọn về cuộc đời và sự giải thoát của Ngài Longchen Rabjam.
Nguồn Anh ngữ: Longchenpa’s Life Story do David Christensen chuyển dịch Anh ngữ trong cuốn sách The Fearless Lion’s Roar.
Pema Jyana (Liên Hoa Trí) chuyển dịch Việt ngữ.
[1] Về Nyoshul Khen Rinpoche, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a35078/tieu-su-van-tat-nyoshul-khenpo-jamyang-dorje.