Khảo Luận Nālandā: Truyền Thừa, Truyền Nhân và Giáo Pháp 2 | Hiệu đính: Tuệ Sỹ Tác giả: Võ Quang Nhân (Làng Đậu)
KHẢO LUẬN
NĀLANDĀ TRUYỀN THỪA,
TRUYỀN NHÂN
VÀ GIÁO PHÁP
Tác giả: Võ Quang Nhân (Làng Đậu)
PHẦN HAI: CÁC TRUYỄN NHÂN TỪ NALANDA
Nālandā Truyền Thừa, Truyền Nhân và Giáo Pháp
Mở Đầu 1.1 . Lời Mở Đầu của Thánh Đức Dalai Lama
Tôi thật sự đánh giá cao tập sách Việt ngữ này về lịch sử đại học Nālandā kỳ vĩ của Ấn-độ.
Đại học Nālandā là học viện cơ sở chính nuôi dưỡng sự lớn mạnh của truyền thống Phật giáo Sanskrit. Nhiều đại học giả, mà các luận giải có tầm ảnh hưởng sâu rộng của họ đến hôm nay vẫn sống còn đến nay trong tiếng Sanskrit hay trong các dịch thuật Tây Tạng, đã học và dạy tại Nālandā. 17 vị học giả được đề cập trong bài kệ xưng tụng do tôi soạn thảo: ‘Tam Tín Quang Chiếu: Lời Hướng Nguyện Lên 17 Đại Trí Giả của Nālandā Vinh Quang’ vốn là các giáo sư của Nālandā.
Một trong các đặc trưng nổi bật về đại học này là việc sử dụng luận lý học và bản thể học cũng như vai trò của nó trong việc bàn thảo và tranh luận. Những chứng liệu cho thấy rằng các học giả đã tranh luận về nhiều loại quan điểm triết học tại Nālandā, và rằng các tranh luận xảy ra giữa họ đã kiến tạo và kích thích cho việc hiểu biết sâu rộng hơn.
Một đặc trưng nổi bật khác về đại học Nālandā là tính quốc tế của nó. Danh tiếng của trường đã thu hút nhiều học giả háo hức từ phương xa. Chúng ta có các chứng liệu rõ ràng về những tăng sinh và học giả từ Tây Tạng và Trung Hoa đến để học tập tại Nālandā; ảnh hưởng của nhà trường dường như đã lan rộng đến tận Indonesia và Trung Á.
Những lúc gần đây, tôi đã tự nhận trách nhiệm khuyến khích, cổ vũ sự phục hồi các tri thức cổ Ấn-độ trong (một xã hội) Ấn-độ hiện tại. Tôi tin rằng sự kết hợp hiểu biết về sự vận hành của tâm và xúc cảm với nền giáo dục hiện đại có thể sẽ mang lại lợi ích to tát trong thế giới mà chúng ta đang sống hôm nay. Tập sách về Nālandā này sẽ là một nguồn cảm hứng trong việc theo đuổi mục tiêu này.
(Thủ ký của Thánh đức Dalai Lama)
– Ngày 10 tháng 9 năm 2018.
1.2. Lời Ngỏ cho Phần II
Trong Phần II, chúng tôi sẽ lần lượt trình bày tiểu sử, giai thoại (nếu có), và danh sách đầy đủ các công trình của những học giả lừng lẫy, vốn từng sinh hoạt hay giảng dạy tại Nālandā cũng như là các vị học giả về sau nhưng có hoạt động và sinh hoạt chứng tỏ xuất thân hay tu học theo truyền thống của học viện.
Riêng về đức Phật Thích-ca-mâu-ni, vốn là vị “sơ tổ” của mọi truyền thừa thì khó thể bỏ qua việc ghi khắc dấu chứng của Ngài trong biên khảo. Tuy nhiên, việc kể về cuộc đời hoạt động của Ngài đã được rất nhiều tài liệu nghiên cứu và trình bày. Cho nên, thay vào việc làm như thế, một số truyện kể có ý nghĩa về tiền thân của đức Phật cũng như là một số nội dung về cung cách ứng xử khéo phương tiện và hoàn mỹ của Ngài qua các kinh điển được tuyển lựa để trình bày.
Hầu hết các thông tin về các truyền nhân của Nālandā lấy từ các nguồn ghi chép trong các tài liệu lịch sử, chủ yếu từ các truyền thống Phật giáo Tây Tạng và thứ đến là từ Phật giáo Trung Hoa, một số ít hơn đến từ truyền thống Phật giáo Pali. Thông tin được kiểm chứng thêm từ các kinh luận trong Đại Tạng Kinh-Luận Adarsha Dergé. Tuy nhiên, khá nhiều thông tin về niên đại hay thời gian sống về các nhân vật, nói chung sẽ hiếm khi chính xác, đặc biệt là với những nhân vật sinh càng xa cách với thời hiện tại.
Trong phần 4, đặc biệt có các ghi nhận về cuộc đời của hai vị đại đệ tử Phật vốn có nhiều tình tiết gắn liền với thánh địa Nālandā. Dữ liệu về hai vị này được trích xuất từ luận án tiến sĩ của Thích Huyền Vi, từ sách của Nyanaponika, cũng như vài thông tin từ các trí giả hiện đại khác. Song song với những điều trên, có nhiều tình tiết liên can đến đời sống hay hành xử của các nhân vật trong biên khảo, khả dĩ được kể lại với màu sắc dường như là huyền thoại. Dù sao, chúng tôi sẽ hết sức tôn trọng sự miêu tả của các sử gia hay tác giả Tạng, Hoa, hay Ấn-độ mà không bình luận thêm về các chi tiết như thế.
Nội dung của phần II cũng sẽ góp phần miêu tả bức tranh sống động về tầm mức của những vỹ nhân đã từng sống, hoạt động, giảng dạy, hay trước tác tại Nālandā. Trong lúc trình bày, thông qua diễn tiến của các sự kiện được kể lại từ các sử gia và các học giả, chúng tôi có để tâm chắt lọc những dữ kiện có liên can đến triết lý hay nhân sinh quan mà qua đó chúng ta có thể tìm hiểu sâu hơn về quan điểm hay trường phái mà các đại sư này theo đuổi. Nhìn chung, khi viết xuống, chúng tôi gặp một hiện tượng thật sự không cân đối về lượng thông tin cho các hiền nhân khác nhau. Các vị càng nổi tiếng (như Long Thụ và Nhiên Đăng Cát Tường Trí chẳng hạn) thì càng có nhiều dữ liệu có tính phân hóa viết về họ, nên rất khó sắp xếp lọc lựa và loại trừ sai biệt. Do vậy, có thể sẽ có một ít thông tin khó kiểm nhận. Ngược lại, có nhiều vị mà chuyện kể về họ chỉ có vài dòng (như Đức Quang, Hữu Năng Quang chẳng hạn). Sự có mặt của thông tin theo thời gian cũng có nhiều 4 khác biệt, các hiền giả càng gần với thời nay bao nhiêu, thì càng có nhiều dữ liệu về đời tư của các ngài ấy hơn bấy nhiêu.
Nói tổng lược, sự trình bày về các hiền nhân được chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất gồm các học giả Phật giáo được nêu trong Kệ Hướng Nguyện của Thánh Đức Dalai Lama lên 17 Đại Trí Giả của Truyền Thừa Nālandā. Nhóm thứ hai sẽ là các hiền nhân khác thuộc truyền thống Nālandā cũng có ảnh hưởng lớn đến Đại thừa nói chung, Phật giáo Tây Tạng, và một phần Phật giáo Pāli. Tản mạn trong mỗi phần viết về các hiền nhân, đôi khi sẽ có thêm một bài viết nhỏ bổ xung về hiền nhân đó. Ngoài ra, trừ trường hợp các giáo thọ Nālandā mà hoạt động chính của họ là Giới Luật và kinh Bát-nhã, thì với các truyền nhân, nếu khả dĩ, chúng tôi sẽ cố gắng trích dẫn từ trước tác của họ một ý kệ tinh túy. Kệ này, được in nghiêng, có thể đáng để chúng ta lưu tâm học hỏi sâu hơn về tác giả hay ý nghĩa. Các câu kệ đó sẽ được ghi rõ nguồn chánh văn của lời dạy trong chú thích được như trích lừ tác phẩm nào trong Đại Tạng Luận (Tengyur). Bên cạnh, các chi tiết được kể lại, nếu đủ duyên, các trích dẫn sẽ được truy lùng và ghi lại chánh văn từ các Đại Tạng Kinh-Luận mà chủ yếu là của Dergé (nguồn Tạng ngữ) và một ít từ CBETA (nguồn Hán ngữ).
Trong các ghi nhận sưu khảo, chúng tôi có dựa trên danh mục chính từ Tạng ngữ2 là: Dergé (tib. སྡེ་དགྡེ་བསྟན་འགྱུར) (Nyingma Dergé và Tōhoku). Sau đó, nếu là các danh mục khác như Nathang (tib. སྣར་ཐང་བསྟན་འགྱུར) (Otani), và Bắc Kinh (tib. པྡེ་ཅིན.བཀའ་བསྟན་དཀར་ཆག) (Peking). Ngoài ra, có các nguồn về Đại Tạng Kinh Hán Ngữ là A Catalogue of The Chinese Translation of The Buddhist Tripitaka (Nanjio), Mục Lục Đại Chánh Tân Tu (Minh Tiến) và Đại Tạng Kinh Hàn ngữ là Mục Lục Miêu Tả Phật Giáo Hàn Quốc (Lewis) cũng được tham chiếu thêm. Riêng về các tác phẩm hay các trích dẫn về Tsongkhapa sẽ lấy từ danh mục Sungbum (གསུང་འབུམ་). Danh sách các tác phẩm của đức Dalai Lama được lấy từ trang WEB của văn phòng đại diện của ngài.
Cuối cùng, trong phần II một số thông tin được khai thác bởi công nghệ Máy học (Machine Learning) và Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence). Tuy nhiên, do công nghệ hiện đại này vẫn chưa hoàn mỹ, các thông tin thu được đều được hiệu đính lại cho chính xác . Do có rất nhiều dữ liệu cổ, đa dạng, và phức tạp, khó tránh khỏi thiếu sót. Kính mong nhận được các phê phán hay hỗ trợ từ các bậc trí giả và độc giả. Xin chân thành cảm tạ.
Mùa Thu năm 2022, Làng Đậu Cung Kính
Nội dung sách bao gồm:
1. Giới Thiệu chung
1.1 Lời Mở Đầu của Thánh Đức Dalai Lama
1.2 Lời Giới Thiệu từ học giả Lhakdor
1.3 Mục đích và nội dung biên khảo
2. Kệ Hướng Nguyện của Thánh Đức Dalai Lama Lên 17 Đại Trí giả của Truyền Thừa Nālandā
3. Khai Ngữ của Thánh Đức Dalai Lama Về Truyền Thừa Nālandā
4. Lược Sử, Nguồn Gốc Tên Gọi, và Mối Tương Quan của Nālandā với Đại thừa / Mật tông
4.1. Nguồn gốc và ý nghĩa của thuật ngữ Nālandā
4.2. Lược sử hình thành, phát triển và suy tàn
4.3 Nālandā và Mật tông.
4.4 Nālandā và Đại thừa
5. Các Sách Lược và Mối Quan Hệ Đối Ngoại
5.1. Sách lược, tổ chức, và quan hệ với các hình thái dân sự hay chính trị bên ngoài khuôn viên nhà trường
5.2. Sách lược và ứng xử với các tôn giáo khác
6. Tổ Chức Giáo Dục, Tu Học, và Sinh Hoạt Nội Bộ
6.1 Cấu trúc quản trị hành chánh
6.2 Tổ chức học đường, phân khoa và thư viện
6.3 Đời sống tăng sinh, giáo thọ, và nhân sự
6.4 Tác phẩm tiêu biểu do các đại sư Nālandā soạn thảo
7. Đại Học Vikramaśilā (Siêu Giới) – “Bào đệ” của Nālandā
7.1 Lịch sử Vikramaśilā và quan hệ với Nālandā
7.2 Danh mục các thủ văn có khả năng xuất xứ từ Vikramaśilā
7.3 Danh nhân của Vikramaśilā.
7.4 Kiến Trúc và di chỉ khảo cổ Vikramaśilā
8. Ảnh Hưởng Nālandā đến Các Nơi Khác
8.1 Ảnh hưởng Nālandā đến Tây Tạng
8.2 Ảnh hưởng Nālandā đến Trung Hoa
8.3 Ảnh Hưởng của Nālandā đến các vùng khác
9. Các Đại Trí giả Nālandā
10. Địa Hình, Di Chỉ Khảo Cổ, Kiến Trúc, và Nghệ Thuật
11. Hậu Duệ của Nālandā: Chân Truyền và Mô Phỏng
11.1 Nội dung chân truyền từ Nālandā – Phật giáo Tây Tạng
11.2 Ngoại tướng, mô phỏng theo Nālandā – Các đại học hiện mang tên Nālandā
12. Phụ Lục
12.1 Chánh văn Tạng ngữ Kệ Hướng Nguyện của Thánh đức Dalai Lama lên 17 Đại Trí giả của truyền thừa Nālandā
12.2 Ví dụ điển hình về một tranh biện của Nālandā
12.3 Ngoại đạo Kumārila Bhaṭṭa
12.4 Nội dung thạch văn của vua Yaśōvarmadēva
12.5 Trích nội dung thạch văn tìm thấy trong bảo tháp Bhadracarīpra-ṇidhāna (TK.10) tại Nāland
12.6 Kinh văn giải thích nguồn gốc Thời Luân (Kālacakra)
12.7 Danh mục các đời vua triều đại Pāla
13. Tài Liệu Tham Khảo
13.1 Dạng sách in, sách điện tử
13.2 Tài liệu Online Internet
13.3 Tài liệu truyền hình và truyền âm
14. Sách Dẫn
Xem phần trước:
KHẢO LUẬN NĀLANDĀ: TRUYỀN THỪA, TRUYỀN NHÂN VÀ GÍAO PHÁP Nālandā Tradition Biên Khảo: Võ Quang Nhân Hiệu Đính: Thích Tuệ Sỹ
.
- Từ khóa :
- Nālandā
- ,
- truyền thừa
- ,
- Truyền nhân
- ,
- Giáo Pháp
- ,
- Khảo Luận