Thư Viện Hoa Sen

15 Trên Dốc Đồi

24/12/201112:00 SA(Xem: 6974)
15 Trên Dốc Đồi


NGƯỜI GÁNH NẮNG

Bút ký của Quách Giao
Nhà xuất bản: Hội Nhà Văn Hà Nội 2006

Trên dốc đồi

Con suối cạn làm đường lên đảo nay đã thành lối mòn. Đá nhọn được thay thế hoặc bị san bằng. Đám cỏ gai đã chịu nép mình dưới bước chân đi. Tuy nắng trên hải đảo vẫn nung đốt chiếc lưng trần; những giọt mồ hôi vẫn lăn dài trên mặt trên lưng song cái nóng dường như dịu đi, cái hừng hực của khí đá như phai đi. Nhà sư đã quen với nắng nóng, cơ thể như chịu đựng được gian khổ. Con đường quanh co lên đồi trở nên thân thương quen thuộc. Khoảng cách dừng lại để nghỉ chân như định sẵn: lên, nghỉ 3 lần; xuống, thì đi thẳng một hơi. Những nơi vịn vào vách đá đều đã trở nên trơn tru bóng láng lưu lại vết tích thân thương.

Bây giờ mỗi lần lên xuống tuy không còn cần phải vịn vào đá như trước song nhà sư vẫn theo thói quen hơn là cần thiết, đưa tay vịn vào đá như một cái bắt tay chào. Câu thơ của bà Huyện Thanh Quan chợt hiện về:

Đá vẫn bền gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương

 Đã trở thành:

Đá và ta sẽ bền gan cùng tuế nguyệt
Biển và ta không cau mặt với tang thương

Con đường lên dốc ban đầucon đường đầy gian khổ, hôm nay trở nên quen thuộc thân yêu. Ngồi nhìn con đường dốc nhà sư để lòng mình nao nức nhớ đến những lối mòn nơi quê hương. Nhất là những lối mòn xuyên rừng lên núi chặt củi. Những con đường quanh co vị phải tránh cây, lách đá, men theo bờ suối, băng vượt sườn non. Dấu chân con người đã làm mòn mép đá, đã vẹt thành lối đi. Lối chân người theo năm tháng để lại trên mảnh đất núi rừng những con đường ngoằn ngoèo, tránh cây, tránh đá, tránh cả những mô đất gò mối không cần đến sức khai phá của con người. Đi trên đường mòn cũng bởi do thói quen, cũng bởi do có sẵn cho nên người dân quê không bao giờ có ý định làm lại một con đường bằng phẳng, phát quang bụi rậm, bắc cầu qua mương. Thời gian ở thôn dã dường như có thể co giãn để thích hợp với nếp sống. Gặp một tảng đá thì họ lại đi vòng để tránh, gặp một khúc sông cạn thì họ sẵn sàng lội qua.

Nhìn lối mòn lên dốc đảo, sư Viên Mãn nhớ đến thời ấu thơ, nhớ đến những buổi sáng cùng bạn bè đi chặt củi. Gà vừa gáy sáng, tiếng hú gọi nhau đi củi đã vang lên từ đầu xóm. Không rửa mặt, không ăn sáng (đâu có gì mà ăn) cả bọn đã hội nhau hồ hởi đi vào núi. Trên đường đi, tiếng nói vang lên chen lẫn tiếng cười dòn dã. Tuổi thanh niên thật tràn đầy vui vẻ. Thôn quê tràn đầy kỷ niệm. Kỷ niệm đầy vui thú nhất là kỷ niệm của những con đường.

Có những con đường băng qua đồng lúa, “sương mai ướt đẫm cỏ đường”. Những hạt sương long lanh dưới nắng ban mai như những hạt ngọc treo lơ lửng trên các cọng cỏ chỉ, cỏ mần trầu, cỏ may v.v.. Trên lòng đường bao giờ cũng đầy những chướng ngại vật tùy theo vụ mùa. Mùa cấy thì cỏ và đất phát bờ được dồn chứa tạo thành những mô lồi lõm. Mùa làm cỏ lúa, lòng đường lại được bồi thêm một lớp cỏ. Chỉ có mùa gặt thì nhờ người qua lại tấp nập cho nên lòng đường được phẳng phiu. Thời gian này lại có những con đường mới tạo, băng qua những đám ruộng mới gặt, do đoàn người gánh lúa đi tắt, băng ngang.

Rồi mùa cày đến và trên lòng đường người lại đi, dưới ruộng những con đường mòn trên gốc rạ biến mất nhường cho những luống cày đất phơi dưới nắng vàng.

Bọn trẻ đã thuộc nằm lòng những con đường ruộng đi vào núi nên chúng vừa đi vừa trò chuyện vui vẻ lòng không chút ngập ngừng. Sương mai mát lạnh đôi chân trần. Gió mai thổi phơi phới tâm hồn. Con người nơi thôn dã như sống chan hòa cùng thiên nhiên cho nên họ cảm nhận được những sự thay đổi trên cánh đồng theo từng vụ mùa. Mùa cày, hương đất nồng dưới ánh nắng pha lẫn mùi gốc rạ phơi khô. Mùa cấy cánh đồng có màu xanh chen lẫn với màu vàng đất sét của những khoảnh ruộng mới cấy, nước ruộng đục ngầu. Cây lúa chưa bén rễ, có nhiều lá úa vàng gãy cúp xác xơ trên mặt nước. Thế mà chỉ độ mươi ngày, ruộng lúa đã xanh tươi rập rờn trước gió, buổi sáng lóng lánh giọt sương mai. Đến mùa lúa trổ đòng đòng, các bông lúa ngẩng cao đầu phơ phất theo gợn gió. Trên bông lúa những hạt nhụy trắng rung rinh đón mừng ánh nắng ban mai. Chỉ trong một thời gian ngắn gié lúa đòng đòng đã ngậm sữa và trĩu mình đong đưa trước gió. Màu xanh trên cánh đồng phơn phớt chuyển sang màu vàng. 

Rồi bất chợt vào một buổi trưa, màu vàng hiện rõ dưới ánh nắng. Mùa lúa chín bắt đầu. Những gié lúa vàng óng quằn trĩu hạt đong đưa rập rờn. Một biển đầy sóng vàng chạy dập dờn đến tận cuối chân trời. Lúc bấy giờ lòng người nông dân cũng tràn ngập nỗi vui mừng vị vụ mùa đã thành đạt. Mùa gặt lại bắt đầu. Mọi công việc hằng ngày tạm thời ngưng lại và tất cả nhân lực dồn vào công việc gặt lúa mùa. Rồi vụ gặt qua và công việc đi rừng lấy củi lại tiếp tục. Cánh đồng chỉ còn trơ gốc rạ nên trên cánh đồng lại xuất hiện nhiều con đường đi tắt, băng qua các thửa ruộng. Chỉ trong một vài ngày là con đường tắt đã được hình thành. Rồi đến mùa cày vỡ những con đường mòn băng ruộng lại bị xóa đi. Con đường mòn trên bờ ruộng lại nhộn nhịp bước chân người.

Mùa cày, cánh đồng có một màu xám chen màu vàng của đất. Cảnh sắc trông đơn điệu nhưng âm thanh lại vui vẻ.Trong buổi ban mai còn nặng sương sớm, trên ven lối cỏ đường đi, tiếng dế gáy rộn ràng trong những luống cày. Mùa này là mùa của tuổi thơ. Mùa của bắt dế và đá dế. Trên các dãy ruộng khô cao, trong mỗi luống cày đều có dế. Nơi nào có tiếng dế gáy thì nơi đó có ít nhất là hai chú dế cồ đang rung cánh thách đố nhau. Chúng vừa thách đố nhau vừa tranh gọi bạn tình. Cho nên khi lật một tảng đất lớn, nếu khi bắt gặp một cô dế mái thì cứ kiên nhẫn lật tiếp các tảng đất kế bên thì chắc chắn sẽ gặp ngay ít nhất là một chú dế cồ đang xù cánh tục mái hoặc gáy vang vang. Dế khác người ở chỗ dế gáy có mục đích là gáy để kêu gọi bạn tình hay để so tiếng cùng đối thủ. Còn người thì đôi khi chỉ hát nghêu ngao riêng cho mình, hát để nhớ nhung, nhất là hát vì cảnh sinh tình. Còn hát để khiêu khích tình địch thì rất hiếm khi xảy ra.

Thời gian đi băng ngang qua cánh đồng thường mau chóng. Đến ven rừng, con đàng bao giờ cũng quanh co. Khi thì lượn qua các mảnh rừng thưa, các đồi thấp cây cối cằn cỗi chỉ mọc lưa thưa một vài bụi chà là rừng, một đôi chòm sim dại luôn luôn nở hoa màu tím. Nhìn xa thì hoa sim có màu tím đẹp song khi nhìn gần thì chỉ có màu tím đẹp còn cánh hoa, nhụy hoa đều có hình dáng đơn sơ, cứng cáp không dịu dàng bằng hoa hồng, hoa mai v.v.. Hơn nữa hoa sim lại không có hương. Cho nên hoa sim chỉ đẹp nhờ ở sắc tím màu phơn phớt, nhờ ở cây sim nở trên sườn đồi, nơi hoang vắng. Tuy không hương nhưng hoa sim được màu của hoa đã thay cho hương. 

Trước cảnh hoang sơ, trời cao đất rộng, màu tím gợi nhớ đến một mối tình dang dở, một nỗi buồn nhớ nhung xa vắng, cho nên hoa không cần phải có hương. Hoa mọc đúng chỗ, hoa nở đúng giờ là đủ cho lòng người rung cảm. Trên con đường quạnh vắng thưa bóng người, qua khỏi một khu rừng hoang vắng bổng gặp một ngọn đồi có hoa sim nở tím, nhất là trong khoảng thời gian về chiều thì những kỷ niệm xưa lại tràn về theo gió. Màu tím hoa sim trong bài thơ của Hữu Loan là màu tím của “chiều hoang biền biệt“, của mối tình tan vỡ, của nao nức kiếp người. Tuy nhiên vẫn có thi nhân nhìn màu tím hoa sim trong niềm trong sáng, trong tình tươi sáng sau cơn mưa, trong một khung trời xa vắng nhưng niềm tin vui vẫn tràn đầy:

Mưa xửng rừng thêm vắng
Mong tìm một bóng chim
Gió rung cành rụng nắng
Bừng sáng cánh hoa sim.
 ( Cánh Hoa Sim – Quách Tấn )

Nơi thôn dã, màu tím hoa sim ít làm cho lòng người thôn quê bồi hồi xúc động mà chỉ làm đẹp cho cuộc sống lao động. Nhìn hoa để thư giản tâm hồn, để cảm nhận được là khắp đó đây vẫn luôn luôn tồn tại màu hoa, sắc lá. Đặc biệt cành hoa sim tím chưa bao giờ được người dân quê cắm trên bàn thờ, chưng nơi phòng khách, và nhất là lấy hoa cài lên mái tóc để trang điểm cho cô dâu hoặc cắm hoa trong ngày vui, ngày hội. Có lẽ ngoài cái màu tím thi vị kia ra không còn một nét đẹp nào chứa đọng trong cánh hoa sim. Cánh hoa thì mỏng và chóng héo tàn. Nhụy hoa thì thưa thớt không có màu vàng như hoa mai mà chỉ là một màu xám đen. Hoa sim vừa không có hương vừa chóng tàn. Hoa sim chỉ xinh đẹp khi đang nở trên cành. Một khi hái xuống thì lẻ loi cô độc và úa tàn rất mau. Cho nên hoa sim chỉ đẹp khi ở nguyên trạng thái trên cây, có mặt cùng nhau và nhất là chỉ đẹp khi là một lùm cây trên đồi vắng, bên cạnh mương nước trong veo chen lẫn với các bụi lau, bụi dứa. Hoa sim không đẹp khi được cắm vào độc bình có lẽ một phần vì lá sim không được mịn màng xanh tươi mà lại có nhiều lông măng sờ đến nhám tay.

Tuy nhiên hoa sim lại đẹp và duyên dáng khi hoa ở vào trong trạng thái hòa hợp với thiên nhiên. Qua khoảng đồng ruộng xanh rì sắc lúa bổng nhìn thấy khóm hoa sim nở tím cả bờ mương, nước trong leo lẻo, lơ thơ mấy khóm dứa dại đong đưa lá, chắc chắn du khách sẽ dừng chân thưởng thức vẻ đẹp của hoa với màu tím đơn thuần của đồng quê mộc mạc. Du khách đi qua một truông vắng không một hơi gió thổi, lồng lộng trên đầu một màu nắng gay gắt, bỗng nhiên gặp một dãy đồi thoáng gió, mọc đầy các bụi sim nở đầy hoa tím. Thiên nhiên tươi đẹp trong cảnh vật đa tình.

Trên cành hoa sim, những cánh hoa hiu hiu rung động trong cơn gió nhẹ nhàng đưa. Hoa như cười trong ánh nắng, hoa đang nhẹ nhàng phô sắc, dịu dàng rung động trong yên tịnh của núi đồi. Cho nên muốn thưởng thức cái đẹp của hoa sim, du khách cần phải đến nơi không gian của hoa sống, đến đúng lúc con người cần đến loài hoa tím đẹp này. Một buổi sáng tinh mơ, một buổi chiều tắt nắng, một buổi tạnh mưa trong nắng trưa.. Hoa sim sẽ làm bừng nở hương vị trong tâm hồn ta khi ta bất chợt gặp gỡ, khi ta không chờ mong mà gặp gỡ, khi ta đang khô héo mảnh lòng.

Ước mong của nhà sư là sau này khi trên đồi có nước có cây cỏ sinh sống thì trên lối mòn của chùa có đôi lùm sim dại, đôi nhánh hoa bìm bìm để bốn mùa có hoa, có trái gợi nhớ đến đồng quê, đơn sơ mộc mạc.

Hình bóng quê hương không hề phai nhạt trong lòng vị sư. Quê hương của nhà sư cũng khô cằn như ngọn đồi này song lại tràn đầy kỷ niệm thân thương. Tự nhiên nhà sư mỉm cười sung sướng vì đi đâu mình cũng mang trong lòng hình ảnh làng quê, vẫn thương vẫn nhớ về quá khứ. Trên đỉnh đồi khô cằn này mình vẫn ước vọng lập một quê hương bé nhỏ mà mình đã từng sống trong những tháng ngày thơ ấu. Nụ cười trên môi nhà sư nở tự nhiên. Một nụ cười vô ngại. Vô ngại vì tự nó chợt đến và chợt đi trong khi trí không có thời gian suy nghĩ phê phán. Hòn sỏi nằm bên sườn dốc trông giống hệt như hòn sỏi trên sườn đồi chùa Đá Trắng.

Nó nằm yên lành giữa cỏ cây, không bơ vơ lạc lõng và như đã từng vượt qua ngàn dặm để theo thầy đến đây. Lòng nhà sư xao động như vừa gặp lại cố tri. Mọi đất đá, cỏ cây trên Hòn Đỏ dường như là một phần của tạo vật trên chùa Bửu Sơn nơi làng cũ đem phân chia cho nơi này. Cúi xuống nắm lấy một ít đất, lòng nhà sư cảm thấy ấm áp vô cùng. Nhà sư thầm nhủ: ta không xa lạ và đơn chiếc nơi này. Đất đá nơi này cũng là đất đá nơi quê hương chùa cũ, nơi ta đã qui y đầu tiên. Đất đá nơi này đã chờ đợi ta từ lâu. Cuộc gặp gỡ ngày hôm nay chỉ là cuộc trùng phùng sau nhiều tháng ngày xa cách.

 Một nguồn cảm khái nhè nhẹ theo gió biển từ bể xa đưa vào len trong tâm trí. Nhà sư đứng lên, lần theo triền dốc lên đỉnh đồi tiếp tục công việc hằng ngày.

Tạo bài viết
23/04/2014(Xem: 18737)
31/03/2013(Xem: 12553)
03/04/2014(Xem: 49917)
15/09/2016(Xem: 9788)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: