Tôn Giả A Na Luật, Đệ Nhất Thiên Nhãn (Anurudha)

24/03/201112:00 SA(Xem: 21113)
Tôn Giả A Na Luật, Đệ Nhất Thiên Nhãn (Anurudha)

THANH TINH TÂM
Lê Sỹ Minh Tùng

Tôn Giả A Na Luật, Đệ Nhất Thiên Nhãn (Anurudha)

A Na Luật sinh ra trong dòng dõi vua chúa. Khi tuổi còn nhỏ, A Na Luật là một đứa trẻ thiên tư hoạt bát và rất thông minh mẫn tiệp. Đến tuổi trưởng thành, A Na Luật là một thanh niên tướng mạo đường đường và bắt đầu hiểu được ý nghĩa cuộc đời.

Nhắc lại sau khi thành đạo thì đức Phật trở về cung thành Ca Tỳ La Vệ thuyết pháp giáo hóa và sau đó thì con Phật là La Hầu La cũng xuất gia theo Phật. Vua Tịnh Phạn bèn lập Bạt Đề lên làm Thái tử để kế nghiệp mai sau. Về sau Thái tử Bạt Đề cùng với sáu vị vương tử khác đi xuất gia, thành thử khi vua Tịnh Phạn băng hà thì anh của A Na Luậtđại tướng Ma Ha Nam lên nối ngôi.

Sức cảm hóa của Thế Tôn quá mạnh, nên sau chuyến về thăm phụ vương và gia đình thì chẳng bao lâu trong hoàng tộc rất nhiều người xuống tóc quy y theo Phật. Trước tiênNan Đà, người sẽ thay Phật làm vua tương lai, theo Phật làm sa môn, kế đến là La Hầu La làm sa di. Điều nầy làm chấn động những vương tử thanh niên trong thành. A Na Luật cũng nằm trong tình trạng ấy vì chính ông cũng muốn xuất gia theo Phật.

Trong lúc còn đang bâng khuâng, A Na Luật tìm đến anh là Ma Ha Nam mà nói:

- Thưa anh! Đức Phật trở về hoàng cung khiến cho mấy ngày gần đây, dòng họ Thích Ca chúng ta nhiều người cũng xuất gia làm sa môn để đem cam lồ pháp vũ của Phật truyền đi khắp tứ phương. Theo em nghĩ đó là một cuộc sống đầy ý nghĩa. Thái tử Nan Đà tuy có vợ đẹp là Tôn Đà Lị mà còn bỏ để gia nhập tăng đoàn. Còn La Hầu La nhỏ tuổi như vậy mà cũng xuất gia học đạo. Hai anh em ta nếu không có một người xuất gia thì thật là bất ổn. Vậy ý anh như thế nào? Đại tướng Ma Ha Nam anh dũng đã lập nhiều chiến công với quốc gia, nghe em nói bèn trả lời:

A Na Luật! Lời nói của em giống anh. Hai anh em mình nhất định phải có một người đi xuất gia mới đúng cách . Anh định bàn với em, từ nay em hãy lo hiếu dưỡng cha mẹ để anh theo Phật làm sa môn.

A Na Luật lắc đầu không chịu:

- Anh không thể xuất gia được, nước nhà rất cần anh. Tuy em cũng biết võ công nhưng sánh với anh thật là thua xa. Xin anh hãy để em xuất gia, thêm nữa tính em thì thích hợp với lối sống tịch tịnh của tăng đoàn vì em không ưa chỗ ồn ào náo nhiệt cũng như nhàm chán ngũ dục của hoàng cung.

Ma Ha Nam đành phải nhượng bộ trước lập luận của em mình, nhưng từ khi La Hầu La xuất gia thì Đức Phật đã hứa với vua Tịnh Phạn là trẻ em dưới tuổi vị thành niên mà muốn xuất gia phải có sự chấp thuận của cha mẹ. Vì thế A Na Luật chỉ còn cách là năn nỉ với vương phụ và vương mẫu để cho mình được gia nhập tăng đoàn làm tỳ kheo.

Cho dù đôi ba phen nài nỉ, A Na Luật vẫn bị từ chối nên cuối cùng ông định tuyệt thực cho đến chết. Cha mẹ A Na Luật vì thương con mà phải chịu, nhưng nói:

- Nếu như con muốn xuất gia thì hãy thương lượng với vương tử Bạt Đề. Nếu Bạt Đề xuất gia thì chúng ta cho con đi chung bằng không thì đừng đòi hỏi trông mong nữa.

Thuyết phục vương tử Bạt Đề đi xuất gia không phải là chuyện dễ bởi vì sau khi La Hầu La làm sa di thì vương tử sẽ kế ngôi vua xứ Ca Tỳ La Vệ khi vua Tịnh Phạn băng hà. Mặc dầu việc khó như thế, nhưng A Na Luật vẫn đem ý định xuất gia nói và rủ Bạt Đề cùng xuất gia với mình.

Đối với việc từ bỏ dục lạc, vinh hoa phú quý của cuộc đời để xuất gia tu đạo thì Bạt Đề cảm thấy rất khó, nhưng đối với chỗ thân tình như A Na Luật thì khó mà từ chối thẳng nên Bạt Đề suy nghĩ giây lát rồi miễn cưỡng trả lời:

A Na Luật! xuất gia làm tỳ kheo chẳng còn được lưu luyến dục lạc thế gian, ta và em đều còn trẻ làm sao đủ sức chịu nổi? Em hãy đợi vài năm, chúng ta hưởng hết những thú vui vương giả. Bảy năm sau ta sẽ xuất gia với em.

Rõ ràngBạt Đề khéo léo từ chối, nhưng A Na Luật đôi ba phen nói rõ niềm vui của cuộc đời xuất gia nên Bạt Đề hẹn từ bảy năm xưống còn một năm. Rồi từ một năm xuống còn một tháng và cuối cùng từ một tháng giảm còn 7 ngày.

Bảy ngày sau, A Na Luật cùng Bạt Đề và năm vị vương tử khác là A Nan, Đề Bà, Kiếp Tân Na, Bà SaNan Đề đồng lén bỏ nhà ra đi tìm những con đường Phật thường đến du hóa. Khi đến mé rừng thuộc làng Di Na, các vương tử cởi bỏ y phục, bảo Ưu Bà Ly cạo hết râu tóc, khoác áo cà sa và tìm đến yết kiến Phật.

Đức Phật chưa cho gia nhập tăng đoàn ngay mà bảo họ đến ở trong tịnh thất để tịnh tọa một tuần lễ cho quên hết thân thế cao sang của mình rồi sau mới chính thức cho xuất gia và ra mắt đại chúng.


Từ Chối Thiếu Nữ Cầu Hôn

Sau khi xuất gia, A Na Luật thường nghe giảng kinh điển, làm quen với lối sống đạm bạc và đối với lời dạy của Đức Phật thì hoan hỷ phụng hành.

Tuy chưa chứng thánh quả nhưng được kích động bởi niềm vui Phật pháp cũng như muốn báo ân đức Phật đã cho xuất gia nên A Na Luật dự định làm một chuyến giáo hóa phương xa. Đức Thế Tôn rất hoan hỷ và khuyến khích tôn giả cần phải có nhiệt tâm hoằng pháp lợi sanh. Vì trong khi làm việc độ sanhphương cách nuôi lớn tín tâmtín tâm có mạnh thì mới có thể hy vọng khai ngộ chứng quả thánh được. 

Một ngày nọ, A Na Luật từ tịnh xá Kỳ Viên đi đến nước Kiều Tát La. Trong suốt đoạn đường không có chỗ nào cho tỳ kheo tạm trú, A Na Luật không còn cách nào khác hơn là xin ngủ nhờ nhà dân chúng. Trong chốn đồng quê vắng vẻ và làng xóm lưa thưa, A Na Luật ghé lại một ngôi nhà có vẻ rộng rãi để xin tá túc qua đêm. Thật chẳng ngờ hôm ấy cả nhà đi vắng hết chỉ còn một cô gái trẻ tuổi ở nhà mà thôi. A Na Luật bị đặt vào hoàn cảnh tấn thối lưỡng nan vì một tỳ kheo mà lại nghỉ đêm tại ngôi nhà chỉ có một người thiếu nữ thì quá bất tiện mặc dù Đức Phật chưa chế giới đề cập đến điều nầy, còn ra đi thì ngoài trời mây đen phủ kín như sắp mưa to. A Na Luật không biết làm sao đành phải xin ở lại. Trong khi A Na Luật vào nhà không lâu thì có một ông già lỡ đường ghé vào xin tá túc nhưng cô chủ nhà quyết liệt từ chối. Thấy cô đối xử với ông già không chút lễ độ cũng không có tình người, A Na Luật không mấy hài lòng.

Ngược lại thiếu nữ đối với A Na Luật rất ân cần, mời trà mời nước cũng như hỏi gần hỏi xa. A Na Luật chỉ ngồi tịnh tọa, nhất tâm niệm Phật và mong cho trời sáng để đi khỏi nơi nầy.

Đến nửa đêm, ánh đèn dần dần mờ ảo,mông lung. Thiếu nữ đến bên A Na Luật thốt lời tình tứ:

- Em biết thầy là một sa môn và đối với sa môn mà có ý nghĩ nầy nọ thì không phải, nhưng từ khi em gặp thầy thật khó ngăn được cảm tình. Xin thầy hãy tin em, em không phải là hạng gái trắc nết trăng hoa, rất nhiều công tử đến cầu hôn mà em chẳng nhận lời ai. Em thấy thầy dung mạo thanh tân, hành vi đoan trang nên em không sợ xấu hổ mà xin nguyện tự đính hôn ước với thầy. Từ nay mời thầy cứ ở lại nhà em, ba má em nhất định rất vui mừng đấy ạ.

A Na Luật vốn dòng dõi vương tôn anh tuấn, đối với chuyện ái tình của các cô thiếu nữ, A Na Luật cũng có chút kinh nghiệm. Vốn từ thời còn ở hoàng gia, cũng có nhiều công nương bao vây xin cầu hôn, tuy nhiên A Na Luật nhận thấy ái tình chẳng vui sướng gì vì thế A Na Luật không hề bị nhiễm dục mê hoặc. Đối với A Na Luật thì chỉ có tu đạo mới thật là niềm vui an ổn nhất.

Khi lửa ái tình của thiếu nữ bộc phát thì khó mà dập tắt ngay nên A Na Luật chỉ còn cách là nhắm nghiền đôi mắt, không ngó ngàng thì cô ta mắc cỡ mà lui ra. Nhưng cô nàng lại có ý đồ bất chánh, liền tiến tới nắm tay tôn giả. A Na Luật vẫn ngồi yên như một quả núi không nhúc nhích khiến cô nọ dạn dĩ ôm choàng lấy Ngài. Lúc ấy A Na Luật mới trừng mắt nhìn cô ta trách rằng:

- Này cô nương! Cô không mắc cỡ sao? Nam nữ còn không thể làm như vậy. Huống chi tôi là người xuất gia, sao cô lại đối với tôi chẳng có chút lễ độ?

Tình ái của nam nữ trên thế gian là nguồn gốc của bể khổ sanh tử để gây ra đủ thứ phiền não, thị phi và rối răm. Cô hãy dẹp tắt lửa tình của cô và hãy nhìn lại lòng mình.

Lời nói nghiêm nghị của A Na Luật khiến thiếu nữ hổ thẹn cúi đầu hối hận. Sau đó, xin A Na Luật tiếp dẫn cho mình quy y Phật làm Ưu Bà Di (tín nữ).

Tình cảm nam nữ là tập quán của loài người, nhưng người tu chân chính phải vượt khỏi tính người tầm thường thì mới tiếp thọ được tính Phật cao siêu mầu nhiệm. Từ đó về sau A Na Luật không dám ngủ lại ban đêm ở nhà nhân gian.


Bị Mù Vì Lời Nguyện

Đạo tâm của A Na Luật rất kiên cố cho dù gặp sắc đẹp mà cũng không xao động. Nhưng một hôm trong một buổi giảng kinh của Thế Tôn, A Na Luật ngủ gục tại tỏa làm Đức Thế Tôn ở xa nhìn thấy bèn nói:

Dốt thay kẻ mê ngủ

Thu mình trong vỏ sò

Một giấc ngủ ngàn năm

Không nghe danh hiệu Phật.

Người tỳ kheo kế bên bèn xô nhẹ A Na Luật làm tôn giả hoảng kinh thức dậy, Đức Thế Tôn bèn hỏi:

A Na Luật! Ông đi xuất gia vì sợ phép nước hay vì sợ đạo tặc?

A Na Luật vội đứng lên cung kính thưa:

- Thưa không phải.

Phật lại hỏi:

- Bạch Thế Tôn! Vì con nhàm chán sanh lão bịnh tử và muốn giải thoát ưu bi khổ não.

Phật dạy:

Mọi người đều khen ông không vì nữ sắcphạm giới, chắc ông tự mãn điều ấy lắm, ông xem, trong khi ta thuyết pháp mà ông ngủ ngon như vậy.

A Na Luật nghe Phật quở liền quỳ xuống chấp tay thưa:

- Bạch Thế Tôn! Xin từ bi lượng thứ cho sự ngu si giải đãi của con. Từ nay về sau, cho đến lúc chết con không ngủ trở lại nữa!

Đối với đệ tử biết nhận lỗi sám hối thì đức Phật rất hoan hỷ. Kể từ khi A Na Luật phát nguyện, Đức Phật thường cổ động an ủi và khuyên tôn giả nên gắng dụng công vì việc tu hành mà muốn thành tựu thì không thể buông lơi và dĩ nhiên cũng không thể quá gấp rút. Từ đó về sau A Na Luật dụng công chăm chỉ từ sáng đến tối và từ đêm đến ngày không ngừng nghỉ.

Khi tu hành mà không ngủ một lúc, hoặc một hai ngày thì chẳng sao, nhưng lâu ngày chày tháng, tuy sức người có thể miễn cưỡng cầm cự được, nhưng sắc thân tứ đại sẽ bị kiệt quệ và mang bịnh. Quả thật ít lâu sau, vì không ngủ nghê gì cả, hai mắt của A Na Luật bị sưng húp làm cho nhức nhối khó chịu.

Đức Phật biết tôn giả chuyên cần dụng công đến sưng mắt nên Ngài rất lo lắng. Một hôm Đức Phật cho gọi A Na Luật vào rồi dạy:

A Na Luật! Ta nói với ông tu hànhgấp rút thì không xong mà thái quá thì cũng không được.

A Na Luật thưa: 

- Con đã từng phát nguyện trước Đức Thế Tôn nên con không thể làm trái lời nguyện.

Phật dạy:

- Ông đừng quan tâm đến vấn đề phát nguyện, con mắt mới quan trọng.

Tuy Đức Phật từ bi nói như vậy, nhưng A Na Luật vẫn không chịu ngủ. Đức Phật lại tìm phương tiện nói:

- Này A Na Luật! Tất cả chúng sinh phải có thức ăn mới sống, còn lỗ tai dùng âm thanh làm thức ăn, lỗ mũi dùng mùi hương làm thức ăn, lưỡi dùng vị nếm làm thức ăn, thân dùng xúc chạm làm thức ăn và con mắt dùng ngủ nghỉ làm thức ăn. Ông không ngủ không được vì con mắt sẽ thiếu nhu cầu mà ngay cả Niết Bàn cũng cần đến thức ăn huống chi con mắt.

A Na Luật thưa:

Niết Bàn ăn những gì?

Niết Bàn cần dùng thiền duyệt pháp hỷ làm thức ănthiền duyệt sẽ đưa đến được cảnh giới vô vi tịch tịnh.

A Na Luật bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Con không ngủ cũng chẳng hại gì, xin Ngài cứ yên tâm!

Lòng từ bi của Phật, A Na Luật rất cảm kích, nhưng tôn giả không muốn làm trái lời nguyện. A Na Luật cứ thức mãi đến lúc đôi mắt sưng đỏ, Đức Thế Tôn thấy thế bèn cho mời ngự y Kỳ Bà đến trị bịnh cho tôn giả. Kỳ Bà khám bịnh xong bảo A Na Luật chỉ cần ngủ trở lại thì mắt sẽ lành ngay, nhưng A Na Luật vẫn kiên quyết không ngủ. Chẳng bao lâu hai mắt của tôn giả trở thành mù lòa không còn thấy gì cả.

A Na Luật đã chứng minh rằng với quyết tâm sắt đátâm nguyện tu đạo kiên cố cho dù phải hy sinh đôi mắt mà vẫn không lùi bước để trái với lời nguyện của mình. Đức phật chỉ nói một câu mà tôn giả đã phụng hành như thế thì đủ biết lòng cung kính của tôn giả đối với Đức Phật như thế nào.



Đức Phật Vá Y Cho A Na Luật

Từ khi trở thành mù lòa thì cuộc sống của A Na Luật bỗng trở thành vô cùng khó khăn, ngay cả những việc bình thường như vá y hay đi khất thực.

Trong tăng chúng có nhiều vị tỳ kheo khỏe mạnh thì mỗi khi đi khất thực về thường đem phần cơm dư chia cho các tỳ kheo bịnh thành thử đối với việc ăn uống thì A Na Luật cũng tạm yên tâm. Từ khi bị mù lòa, không trông thấy mọi vật khiến A Na Luật không còn bị ngoại cảnh làm lay động nên tôn giả một lòng chỉ chú tâm tinh tấntu đạo.

Một hôm, ba y của A Na Luật đã rách nát và mấy lần tôn giả định vá lại, nhưng con mắt không thấy đường thì làm sao xỏ kim. Đang lúc còn đang bâng khuâng thì gặp lúc A Nan đi ngang qua. A Nan thấy vậy mới nói:

- Này anh A Na Luật! Ba y của anh rách hết rồi sao không vá lại. Đức Phật có dạy là y phục mới hay cũ không cần, nhưng cần phải chú trọng cho tề chỉnh sạch sẽ.

A Na Luật trả lời:

- Thưa anh A Nan! Tôi đã thử vá mấy cái y, nhưng con mắt tối đen không xỏ chỉ được, nếu anh có rãnh đến giúp tôi một phen được chứ?

A Nan rất hoan hỷ nhận lời và hẹn ngày đến vá y.

A Nan về đến tịnh xá Kỳ Viên định tìm thêm một vị tỳ kheo nữa để giúp A Na Luật, nhưng thiên nhĩ của Đức Phật đã nghe hai người đối đáp nên khi vừa gặp A Nan thì Ngài liền hỏi:

- Này A Nan! Sao ông không nói với ta đi vá y giúp A Na Luật?

A Nan nghe Phật hỏi bất ngờ vội thưa:

- Bạch Thế Tôn! Ngài là bậc tôn quý, những việc vụn vặt của đệ tử chúng con không dám làm bận rộn Thế Tôn. Con và các tỳ kheo đều muốn giúp A Na Luật vá y nên con đang dự định đi.

Phật dạy:

A Nan ! Ông đừng nên nói thế, ta cũng như các ông cũng là một phần tử trong tăng đoàn. Ta sẽ đi với ông vậy ông khỏi đi tìm nhiều người làm chi.

Đức Phật nói lời ấy khiến A Nan vô cùng cảm động. Mục Kiền Liên đứng kế bên cũng cảm kích lòng từ bi sâu thẳm của Đức Phật. Các vị đều nguyện theo Phật đến giúp A Na Luật.

Phật đến núi Ba La La và nói với A Na Luật:

A Na Luật! Ông đem hộp kim chỉ ra đây. Ta đến để giúp ông vá y.

Nghe tiếng Đức Phật, A Na Luật bất ngờ hoang mang và trong đôi mắt mù lòa bỗng ứa vài giọt lệ nên không biết phải nói thế nào đây.

Đức Phật xâu kim và lấy vải trong hộp ra đo cắt. A Nan giúp phụ may luôn. Trong vòng một ngày, Đức Phật đã vá xong ba y cho A Na Luật.

Một người là tôn sư, là bậc Thế Tôn phước đức viên mãn, còn một người là đệ tử, là tỳ kheo mù lòa, trong tình sư đệ tương quan. Thầy thì từ bi bác ái, còn đệ tử cung kính đã biểu hiện tình sư đệ của nhà Phật và nêu lên một tấm gương sáng chói ngàn đời.



Nguyên Nhân Làm Nữ Nhân Bị Đọa Lạc

Tuy A Na Luật bị mù lòa đôi mắt, nhưng tâm thì rất sáng suốt lạ thường vì vậy đối với những sinh hoạt hằng ngày thì tôn giả gặp nhiều điều không vừa ý. Đức Phật từ khi giúp tôn giả vá ba y thì Ngài càng quan tâm nhiều hơn. Chính Đức Phật đã dạy cho tôn giả tu tập môn:” Kim Cang Chiếu Minh Tam Muội” và chẳng bao lâu A Na Luật chứng được thiên nhãn thông. Bấy giờ, tôn giả cảm thấy hoàn toàn hân hoan cảm kích không lời nào tả cho hết. Thấy vậy, Đức Phật càng hoan hỷ và từ đó Ngài mới được yên lòng.

Nhờ có thiên nhãn nầy đã giúp cho tôn giả có thể thấy rõ mọi vật ở khắp nơi ngay cả tam thiên đại thiên thế giới. A Na Luật mất nhục nhãn mà được thiên nhãn làm cho tất cả chúng tăng hết lòng ái mộkính trọng. Việc chứng được thiên nhãn thông chẳng những do chí nguyện kiên quyết tu hành của tôn giả mà một phần cũng do sức từ bi của Phật gia hộ. Từ đó, A Na Luật không còn lo lắng về việc vá y nữa, chẳng những thế bây giờ tôn giả có thể nhìn thấy nhiều nơi mà người khác không thể thấy được. Đặc biệt trong kinh A Di Đà có nói tôn giả dùng thiên nhãn để thấy được thế giới Cực LạcTây phương. Vì thế sau nầy, chúng sanh có thể tin tưởng vào cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà để cầu được vãng sinh.

Thiên nhãn của tôn giả chẳng những thấy được thế giới Cực Lạc, mà cũng có thể thấy mọi sinh hoạt ở dưới đia ngục. Một hôm, tôn giả nhìn thấy rất nhiều phụ nữ bị đọa trong địa ngục, bèn đến hỏi Phật:

- Bạch Thế Tôn! Hôm nay con thấy rất nhiều phụ nữ bị sa đọa vào địa ngục. Theo con thấy người phụ nữ rất dễ tin theo lời Phật dạy cũng như người nữ nhiều lòng nhân hơn nam giới thì cớ sao họ lại bị đọa địa ngục nhiều hơn?

Phật dạy:

- Này A Na Luật! Trong Phật pháp, người nữ dễ tin theo lời Phật dạysự thật, nhưng người nữ bình thường dễ tạo tội nhiều hơn. Người nữ có ba thứ tâm lớn hơn nam giới:

1)Thứ nhất, mỗi sáng sớm thức giấc, tâm tham lam của họ rất nặng vì họ mong rằng tất cả tài bảo trên thế giới đều gom vào nhà họ.

2)Thứ hai, lúc ban trưa, tâm tật đố của họ tăng rất mạnh vì họ cảm thấy rằng toàn thể nhân loại đều làm chướng ngại cho mình. 

3)Thứ ba, lúc xế chiều tâm dâm dục của họ lẫy lừng vì lúc nào cũng mong có người dựa kề bên mình.

A Na Luật! Tâm tham lam, tật đố và dâm dục của nữ nhân rất dễ chiêu cảm họ phạm tội. Đó là nguyên nhân khiến họ đọa địa ngục rất nhiều.

A Na Luật chứng thánh quảđạt được thiên nhãn nên trở thành bậc đệ tử thượng thủ trong tăng đoàn. Nhưng khi bàn về thiên nhãn thông với Xá Lợi Phất thì tôn giả Xá Lợi Phất vẫn răn dạy A Na Luật như thường. Một hôm A Na Luật đến hỏi Xá Lợi Phất:

- Thưa tôn giả! Tôi dùng thiên nhãn thanh tịnh có thể thấy được ba ngàn đại thiên thế giới. Tôi được chánh niệm tinh tấn không lay động, hiện tại thân thể tôi khinh an như dạo chơi trong trời đất tịch mịch và tâm tôi đã lìa chấp trước cũng như không còn tán loạn. Xin hỏi tôn giả đó có phải là ly phiền não đắc giải thoát không?

Xá Lợi Phất là bậc thượng thủ đệ nhất trong tăng đoàn, thường hay thay Phật thuyết pháp nên khi nghe A Na Luật nói thế bèn bày tỏ ý kiến:

Tôn giả A Na Luật! Vừa rồi ông nói nhờ có thiên nhãn nên thấy rõ ba ngàn đại thiên thế giới, đó là tâm ngã mạn. Ông nói ông có chánh niệm bất động, đó là tâm kiêu ngạo. Ông nói tâm ông lìa chấp trước, không còn tán loạn, đó là tâm cuồng vọng. Theo sự hiểu biết của tôi, cần phải xa lìa tâm ngã mạn, tâm kiêu ngạo, tâm cuồng vọng thì mới thật là lìa phiền não đắc giải thoát.

Đối với lời dạy của Xá Lợi Phất, A Na Luật chẳng những không giận mà còn rất cảm kích. Tôn giả biết rằng lời nói của Xá Lợi Phấtlời nói của bậc chân chánh thấy đạo. Điều nầy chứng tỏ A Na Luật là một người rất khiêm tốn vậy.



Tu Nơi Rừng Sâu Tịch Mịch

Năm đó nhân vào mùa an cư kiết hạ thứ mười, Đức Phật trụ tại nước Câu Diệm Di và chúng đệ tử lúc ấy nổi lên chia rẽ lẫn nhau một cách mãnh liệt. Thấy thế, Đức Phật phải đem chuyện nhẫn nhục của vua Trường Thọ để nhắc nhở cho mọi người. Phật dạy:” Đem oán hận để trả thù cho oán hận thì oán hận kia không bao giờ dứt, chỉ có từ bi nhẫn nại mới dập tắt lửa oán thù”.

Lời Phật dạy đã làm nhiều người cảm độngtừ bỏ tâm sân hận, nhưng vẫn còn một số ít không chịu nhường nhịn và hòa giải với mọi người. Khi ấy Đức Phật lại nhớ đến đức nhẫn nhục khiêm tốn của A Na Luật, Ngài bèn đi bộ một mình đến khu rừng Ba Lợi Da Sa La thuộc nước Bạt Kỳ để thăm A Na Luật đang tu tập trong đó.

Trong rừng Ba Lợi Da Sa La, ngoài A Na Luật còn có Bạt Đề và Kiếp Tần La cùng tu một chỗ. Cả ba đều là anh em chú bác với nhau, khi còn tại gia họ rất thân thiện, nay đã xuất gia thì họ càng thân thiện hơn. Ba vị có một lời minh ước là luôn luôn tuân theo lời chỉ dạy của Đức Thế Tôn để tu hành cho mau đạt thành chánh quả.

A Na Luật hiện tại là một vị A La Hán, còn Bạt ĐềKiếp Tân Na cũng đã khai ngộ trong mùa an cư kiết hạ của năm đầu xuất gia. Họ nay đã trở thành ba vị thánh giả cùng sống chung một nơi và cùng sinh hoạt an tịnh hòa nhã trong một khu rừng sâu tịch mịch.

Ba vị cùng đính ước chung là bình thường không ai nói chuyện với ai và cứ năm ngày thì họ hợp mặt để luận bàn đạo lý một lần. Họ trình bày cũng như trao đổi sự tu hành tâm đắc, hay cần sửa đổi bất cứ sinh hoạt cuộc sống hằng ngày. Thường ngày, các vị đi vào làng khất thực, nếu vị nào trở về trước thì trải sàng tòa, châm nước trong lu, sắp đặt bồn nước rửa chân và để vải chùi chân bên lu nước. Thọ trai xong, nếu thức ăn còn dư thì để một nơi cao ráo để người về sau nếu ăn không no sẽ lấy thức ăn đó để ăn tiếp.

Sau khi thu dọn gọn ghẽ, tự mình rửa tay rửa chân, sửa sang tọa cụ và vào trong tịnh thất niệm Phật hay tọa thiền. Người về tiếp theo, nếu ăn chưa no thì ăn tiếp thức ăn người trước để lại. Nếu có lợi dưỡng khác thì cũng để dành như vậy, ăn rồi rửa chén bát, lau khô cất riêng một nơi, quét dọn chỗ ngồi ăn, dẹp cất y bát, rửa chân tay, trải tọa cụ tọa thiền tu tập như người trước. Cho đến xế chiều, người xuất thiền trước bèn đến lu xem trong lu còn nước hay hết. Nếu hết thì xách thêm, một người xách không nổi thì đưa tay ra dấu, kêu thêm người giúp. Hai người im lặng khiêng nước xong, im lặng trở về phòng. Và cứ như thế, sinh hoạt của các vị trong chốn rừng u tịch đều đặn trôi qua.

Đức Phật không thích chỗ sân si ồn ào chợt nhớ đến A Na Luật nên đi đến khu rừng hòa bình của ba vị tôn giả. Ngoài bìa rừng có người canh giữ, ông ta không biết Đức Phậtbình thường Ngài đi giáo hóa các nơi đều có đệ tử theo sau. Hôm nay, đức Phật đi một mình, nên trong lúc bất ngờ thì ông ta không ngờ đó là Đức Phật quang lâm, bèn cản lại:

- Xin Ngài đừng vào đây, trong rừng nầy có ba vị thánh đang tu tập.

Đức Phật mĩm cười, từ tốn trả lời:

- Ông hãy vào nói với họ có người đến thăm chắc chắn họ rất mừng khi thấy ta.

Người giữ rừng vào trước báo tin, A Na Luật nhìn ra thấy chính là Phật Đà quang lâm thì rất mừng rỡ. Ba người vội vàng ra nghinh tiếp, A Na Luật đỡ y bát, Bạt Đề trải tòa, còn Kiếp Tân Na múc nước rửa chân. Đức Thế Tôn được sự đón tiếp thành kính của ba vị đệ tử, Ngài rửa tay chân xong liền an tọa rồi hỏi thăm về cách sinh hoạt và sự tu tập của ba vị. Ba vị thật tình trình bày và Đức Thế Tôn nghe xong thì hoan hỷ khen ngợi:

- Các ông tu hành hòa hợp như thế, cuộc sống đầy an lạc, không tranh cãi trầm tịch. Mỗi người nhất tâm nhất đức mà tu tập thì thật trên đời không có cái nào đẹp hơn.

Đức Phật khen xong lại nói thêm về sự tu hành của Ngài trong kiếp quá khứ để khích lệ ba người. Từ một nơi gây gỗ đến một nơi yên tỉnh hòa bình làm Đức Phật rất hoan hỷ và đối với sự thăm hỏi bất ngờ của Đức Thế Tôn càng làm cho A Na Luật thật vui mừng và phấn khởi.



Cảm Hóa Kẻ Cướp

Sau khi chứng thiên nhãn, tôn giả A Na Luật không phải hoàn toàn ở trong chốn rừng núi để lo tu tập cho riêng mình mà trong tâm tôn giả luôn luôn muốn báo đáp ân đức của Phật đã cho tôn giả niềm vui Phật pháp bằng cách đi hoằng pháp lợi sanh ở những nơi chưa có đệ tử Phật đến.

Bề ngoài A Na Luật có vẻ lạnh lùng, nhưng trong tâm thì nhiệt tình vô hạn. Tôn giả không kể là hoàng cung vua chúa, hay gia trang của trưởng giả cho đến núi sâu, rừng thẳm cũng đều thấy hình bóng của A Na Luật một thời giảng kinh thuyết pháp độ sanh.

Như tại làng Ma Na Đề thuộc nước Chiêm Bà có người đau nặng, sau khi nghe tôn giả thuyết pháp liền dứt hết lo buồn phiền não và sau đó hết bịnh. Từ việc đem lại niềm vui cho bệnh nhân, tôn giả cũng phải đối đầu với bọn hung ác trên đường hành đạo.

Ngày xưa khi A na Luật xin ngủ đêm tại một nhà thường dân, đã bị thiếu nữ trong nhà dụ dỗ lôi kéo, từ đó tôn giả phát nguyện không ghé nhà ai ban đêm. Điều nầy đối với một vị tỳ kheo đi hóa đạo thật là bất tiện mặc dù A Na Luật đã quen với nếp sống đơn giản là ngày ăn một bữa và đêm ngủ dưới bóng cây.

Một hôm, A Na Luật đang du hóa tại một làng quê đến chiều tối thì đi qua khu rừng kế bên để tọa thiền. Đêm hôm ấy trên không trăng soi mờ nhạt, mặt đất in bóng cây lưa thưa và gió thổi lao xao, tôn giả khép mắt ngồi yên đợi cho trời sáng. Đêm càng sâu càng vắng và bóng dáng tôn giả chìm lẫn trong rừng cây tịch mịch. Bỗng từ xa có nhiều tiếng người xì xào bước về phía tôn giả. Khi khoảng cách giữa họ và tôn giả không còn xa mấy, thì tôn giả nhận ra đây chính là bọn cường hào thảo khấu vừa đi cướp bóc về. A Na Luật thở dài một tiếng làm kinh động bọn đạo tặc đang chuẩn bị chia chác với nhau. Vì tiếng thở dài của tôn giả làm cho bọn cường tặc biết có người nghe lén hành động đạo tặc của chúng nên chúng lên tiếng hỏi ngay:

- Các bạn! Chúng ta bị lộ rồi, thật là xui xẻo, chúng ta phải giết ngay tên nầy mới được.

Cả bọn rút dao ra, cầm lăm lăm trên tay sáng ngời và tiến gần đến chỗ ngồi A Na Luật. Tôn giả liền nói lớn:

- Các ngươi muốn giết ta thì hãy đến giết đi, nhưng khi ta chết rồi thì các ngươi cũng không toàn mạng.

Bọn cướp nghe nói kinh hãi, đưa mắt nhìn nhau, chẳng biết phải đối phó ra sao. Sau cùng tên đầu đảng xem xét lại một lúc rồi mới nói:

- Ông là ai? Lại chen vào phá hoại việc làm của chúng ta đêm nay?

A Na Luật nghiêm trang trả lời:

- Ta là sa môn, đang tịnh tọa tại chỗ nầy. Nếu nói rằng ta thấy các ngươi làm quấy thì được, còn nói ta phá hoại việc làm của các ngươi thì không đúng.

Tên đầu đảng hỏi:

- Ông sẽ đi tố cáo chúng ta phải không?

Tôn giả đáp:

- Ta chẳng cần đến quan phủ tố cáo làm gì. Tuy ta không báo cáo các ngươi và quan tại địa phương không biết hành động của các ngươi, nhưng nhân quả báo ứng chẳng tha cho các ngươi bao giờ. Ta xót thương cho các ngươi sau nầy chịu nhiều quả khổ bi thảm. Thật đáng tiếc thay!

Lời nói của tôn giả đánh thức lương tâm của bọn cướp khiến chúng vứt bỏ hết khí giới, lòng hung ác biến đi và được thế bằng bản chất thuần lương trung hậu. Tất cả lãnh thọ lời dạy của tôn giả và đồng phát nguyện quy y Phật để trở lại cuộc sống của những người dân lương thiện, tử tế.



Phật Dạy Bát Đại Nhân Giác

Đối với A Na Luật thì việc hoằng pháp lợi sanh rất quan trọng cho việc phát huy Phật giáo đến khắp mọi người, nhưng tôn giả không bao giờ sao lãng việc tu học cho chính mình. Một hôm, tôn giả ở lại nước Chi Đề và đang tịnh tọa tại làng Sấu Thủy Chử thì chợt tư duy về ý nghĩa chữ Đạo. A Na Luật tự hiểu rằng: Đạo chẳng phải do tham dụcđạt đượccần phải do tri túc mới đạt đến. Đạo không thể tìm cầu ở những nơi ồn áo náo nhiệt mà chỉ ở những nơi vắng vẻ an nhàn mới thấy được đạo. Cầu đạo thì phải cần tinh tấn, chánh niệm cũng như phải tu họctrí tuệ mới mong đạt được.

Lúc tôn giả đang tu duy về chữ Đạo, thì Đức Thế Tôn ở tại vườn Lệ Dã thuộc nước Bà Kỳ Sấu dùng tha tâm thong biết được tâm sở cầu của tôn giả bèn đặc biệt ngự đến làng Sấu Thủy Chử để khen A Na Luật đã tư duy chân chánh và khởi niệm chân chánh. Một lần nữa, tôn giả lại được vinh hạnh tự thân Đức Phật quang lâm đến chỗ cư ngụ của mình.

A Na Luật đem vấn đề suy nghĩ của mình ra trình và thỉnh Phật ấn chứng. Tôn giả thưa:

- Bạch Thế Tôn! Sống trong tăng đoànlục hòa mà không nghĩ đến lợi riêng và quên bản ngã thì điều ấy chúng con làm được cũng như đối với chúng sanh phải hết lòng từ bi nhân ái thì điều ấy chúng con đã biết. Nhưng, Bạch Thế Tôn! Chúng tại gia rất đông và hàng đệ tử xuất gia đi vào xã hội để hoằng pháp lợi sanh cũng rất đông thế thì làm thế nào để họ cũng được giác ngộ, tấn nhập Niết Bàn. Xin Đức Phật từ bi khai thị.

Đức Thế Tôn bèn hoan hỷ giảng Bát Đại Nhân Giác:

A Na Luật! Ông hỏi điều ấy rất hay. Ông đã nghĩ đến vấn đề cho người tu học Bồ Tát đạo, ta sẽ vì ông nói Bát Đại Nhân Giác cho hàng đệ tử Phật chí thành tụng niệm cả ngày lẫn đêm:

Ø Điều thứ nhất: Các ông đối với thế giannhân sinh nên quán vô thường, vô ngã, nỗi khổ, lý khôngbất tịnh. Nên rời xa sanh tử để cầu được giác ngộ.

Ø Điều thứ hai: Các ông cần phải biết căn nguyên của nỗi khổ vốn là đối với tham dục thế gian không chịu rời bỏ. Các ông nên ít muốn vô vi thì thân tâm mới được tự tại.

Ø Điều thứ ba: Các ông cần xét kỹ tâm không biết chán đủ của mình, suốt ngày do tham cầu mà tạo tội. Nếu có thể an bần thủ đạo, tri túc thường lạc, lấy trí tuệ làm sự nghiệp thì cuộc sống mới được bình an.

Ø Điều thứ tư: Các ông không được làm biếng hay trễ nãi trong khi làm việc lành và đối với sự lợi ích cho người không nên thối tâm. Phải tiêu diệt phiền não, hàng phục ma chướng mới có thể ra khỏi lao ngục của ba cõi.

Ø Điều thứ năm: Các ông cần phải nhận định cho rõ ràngsanh tử luân hồi rất đáng sợ nên cần phải chuyên tâm tu học để thấu triệt đạo lý nầy rồi phát tâm giáo hóa chúng sanh để đem an lạc đến cho họ.

Ø Điều thứ sáu: Các ông phải biết rằng người nghèo khổ rất nhiều lòng oán hận. Bồ tát phải đem tài vật cứu tế cho họ, dùng tinh thần an ủi họ và dạy họ không nên ghi nhớ hận thù cũng như không nên oán trách người khác.

Ø Điều thứ bảy: Các ông trong cuộc đời đừng để cho ngũ dục đánh ngã. Không kể là tại gia hay xuất gia, đừng chạy theo đắm nhiễm dục lạc của thế gian và cần có nếp sống thanh tịnh tinh khiết.

Ø Điều thứ tám: Các ông đừng làm kẻ ích kỷ, nên phát tâm từ bi để độ khắp tất cả chúng sanh và nguyện cho chúng sanh bớt khổ cũng như đừng vì lợi riêng mình mà cầu an lạc.

Ø Nhân lời thưa hỏi của tôn giả A Na LuậtĐức Phật đã giảng tám điều cần yếu cho người tu học Bồ Tát đạo. Chúng sanh theo đó mà tu hành để cải thiện sinh hoạt hằng ngày khiến cho nếp sống của họ trở nên an lạctự tại.



Lời Sau Cùng Với Đức Phật

Sự hoạt động tích cực của tôn giả bên ngoài tăng đoàn như thế nào thì bên trong Đức Phật cũng đãi ngộ tôn giả như thế ấy. Tôn giả cùng các vị đại đệ tử của Phật như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên… là những tấm gương sáng cho Phật giáo trải dài mấy ngàn năm trong lịch sử.

Khi giác hạnh của Đức Phật đã viên mãn thì Ngài đã 80 tuổi và Đức Thế Tôn quyết định nhập diệt tại thành Câu Thi Na bên rừng cây Long Thọ thì tôn giả A Na Luậttôn giả A Nan đều có mặt bên cạnh.

Lúc ấy nhằm ngày rằm tháng hai, Đức thế Tôn nằm nghiêng giữa hai cây Long Thọ có hoa đỏ thắm phủ trên thân Ngài trên đỉnh núi phía Tây với trăng tròn chiếu sáng. Các đệ tử vây quanh bốn bên và quỳ lớp lớp từ trong ra ngoài để nghe Đức Phật thuyết giảng lần cuối cùng. Ngài dặn dò cặn kẽ các đệ tử nên giữ trì giới, hoằng pháp lợi sanh, tinh tấn tu tập, nêu cao đức tính nhẫn nhụcgiữ gìn khẩu nghiệp. Cuối cùng, như còn lo ngại cho hàng đệ tử về sau, Đức Phật dạy:

- Này các tỳ kheo! Đối với pháp ta đã giảng dạy, các ông cố gắng noi theo chớ đừng quên lãng. Ta ví như ông lương y chẩn bịnh cho thuốc mà lành bệnh hay không chẳng phải lỗi ở thầy, ta cũng như người dẫn đường tài giỏi để dẫn người đi đến đường lành, còn đi hay không chẳng phải là lỗi ở người hướng dẫn. Này các tỳ kheo! Những pháp như tứ diệu đế, mười hai nhân duyên ta đã nói đó đều là chân lý mà ta đã chứng ngộ và nó sẽ là ngọn đèn sáng cho thế gian và cũng là chiếc thuyền vượt qua biển khổ. Người nào hiểu rõ không còn nghi ngờ đối với các pháp đó là đã vào đạo. Nay ta sắp nhập diệt, nếu các ông còn có điều gì nghi ngờ hãy mau ra thưa hỏi, ta sẽ giải thích cho.

Đức Phật đã tha thiết hỏi đi hỏi lại ba lần trong đêm vắng lặng, nhưng đại chúng đều lặng thinh không một lời thưa hỏi. Thật ra đại chúng đều là những đệ tử theo Phật lâu năm nên đối với các pháp căn bản không còn chỗ nào không hiểu. Lúc ấy, tôn giả A Na Luật là người đủ tư cách đại diện cho tăng đoàn, bèn quỳ gối mặt rồi chắp tay cung kínhbạch Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn! Đệ tử chúng con đều đã hiểu sâu pháp tứ diệu đếmười hai nhân duyênchân lý của vũ trụ nhân sinh. Trên thế gian nầy, mặt trời có thể lặn, mặt trăng có thể nóng, tuyết sơn có thể biến thành biển cả và đại địa có thể thành gò đất, nhưng giáo pháp tứ diệu đếmười hai nhân duyên của Phật thì không bao giờ thay đổi.

Đức Phật an tịnh nghe A Na Luật thưa xong thì trên gương mặt lộ vẻ hoan hỷ vì câu trả lời của A Na Luật đã đáp ứng được sự lưu tâm của Ngài trong suốt 49 năm hành cước hóa độ chúng sanh. Sau khi Đức Phật nhập diệt thì tôn giả cùng với 500 vị đại A La Hán lo kết tập kinh điển trong núi Kỳ Xà Quật, nhưng không thấy nói đến sự tích của tôn giả về sau kể cả việc quan trọng như tôn giả nhập diệt ở đâu và khi nào? Thật là một điều đáng tiếc!

Tôn giả A Na Luậtý chí kiên cường không lay chuyển. Cho dù có mù đi đôi mắt mà không hề thối tâm khiến cho đại chúng hết lòng cảm phục. Mất nhục nhãn mà được thiên nhãn giúp cho tôn giả tu hànhtruyền đạo vô cùng an tường tự tại. Tôn giả A Na Luật quả thật xứng danh là vị thượng thủ trong giáo đoàn.
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
11/11/2010(Xem: 188948)
01/04/2012(Xem: 34455)
08/11/2018(Xem: 13373)
08/02/2015(Xem: 51500)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.