- Lời Nói Đầu
- Lời Người Biên Tập
- Tỏ Ngộ
- Hòa Thượng Nuôi Rận
- Hành Động Không Suy Nghĩ
- Bắn Phật
- Tại Sao Thiền Có Vẻ Khó
- Tâm Điên Đảo
- Tâm Cố Gắng Của Thiền Sư Cổ Phong
- Quán Ếch
- Ngón Cái Và Ngón Trỏ Của Thiền Sư Mãn Không
- Y Phục Nguyên Thủy
- Những Điều Tốt
- Phong Cách Tự Nhiên
- Bồ Tát Thu Phí
- Mũi Tên Thuốc Độc
- Những Nhà Sư Tu Hành Đặc biệt
- Sự Khởi Đầu của Thế Giới Này
- Tại Sao Chúng Ta Có Mặt Ở Đây?
- Sự Sai Lầm của Lục Tổ
- Phật Thật Ở Đâu?
- Bản Thể Thiên Chúa
- Con Chó Giết Chết Triệu Châu
- Không Chứng, Không Đắc
- Không Chứng, Không Đắc, (Phần hai)
- Thiền Toán
- Tôi Muốn Chết!
- Tạo Ra Sanh Tử
- Phép Lạ Thần Thông
- Thiên Chúa Là Gì?
- Thiền và Hòa bình Thế giới
- Giữ Tâm Chẳng Động
- Tại Sao Trời Xanh?
- Ai Tạo Ra Bạn ?
- Phá Thai
- Làm gì khi mê ngủ
- Thiền Xi-Nê
- Giết Chết Cây Cối
- Thiền Sư trong tình yêu
- Luận về Nghiệp
- Bạn Là Người Máy!
- Bản Thể Không Mạnh
- Chúng Sanh Không Thể Độ Tận
- Thiền, Chiêm Tinh và Nghiệp
- Thiền sư Sùng Sơn Nhớ Thầy
- Hành Động Phóng Khoáng của Các Bậc Thầy
- Tuệ Giác trong Thiền Ba Khóa Học về Thiền Toán
- Nhớ nhà
- Học hỏi từ Las Vegas
- Một Cảm Giác Đúng về Phương Hướng
- Đau Khổ Nhiều, Nguyện Lực Lớn
- Phụ nữ không thể Thành Phật!
- Thư Gửi Nhà Độc Tài
- Cuộc Đời Niên Thiếu Của Thiền Sư Sùng Sơn
Ai Tạo Ra Bạn ?
Một Thiền sinh ở Mạc Tư Khoa (Moscow) hỏi Thiền sư Sùng Sơn: "Thiền có nói về các vấn đề xã hội và kinh tế không? Ý tôi muốn nói đây là những điều thực sự mà chúng ta cần phải quan tâm trong cuộc sống hằng ngày.”
Thiền sư đáp:
–Xã hội đến từ đâu? Kinh tế đến từ đâu? Bạn có hiểu điều đó không?
Thiền sinh im lặng một lúc, rồi nói:
– Vâng, có thể có nhiều quan điểm về vấn đề này.
–À, có nghĩa là, tất cả mọi thứ xuất phát từ suy nghĩ. Nhân loại chúng sinh tạo ra kinh tế và xã hội. Suy nghĩ của chúng ta tạo ra kinh tế và xã hội. Bởi vì mọi người dính mắc với suy nghĩ của họ, họ cũng dính mắc với những ý tưởng khác nhau về kinh tế và xã hội, cho nên họ không thể đồng ý hết cả. Ngay sau đó đấu tranh xuất hiện, và gây nên đau khổ triền miên. Đó là thái độ thông thường của nhiều người.
Nhưng Thiền thì không liên quan tới vấn đề này. Thay vào đó, ai tạo ra suy nghĩ như thế? Ai đang suy nghĩ về kinh tế? Ai đang suy nghĩ về xã hội? Ai đang suy nghĩ? Ta là gì? Không biết ... Điều đó đã có trước suy nghĩ. Còn xã hội và kinh tế là sau khi suy nghĩ. Tuy nhiên, bản chất thực sự của tôi là trước khi suy nghĩ. Đạt được mục tiêu đó là Thiền. Rồi sau đó chức năng kinh tế và xã hội của bạn có thể giúp ích cho chúng sanh. Nhưng trước tiên bạn phải thấu hiểu được con người thật của bạn.
"Tất cả các pháp đều bắt nguồn từ một nguyên nhân đầu tiên (a primary cause), kết hợp với một điều kiện duyên (a condition), và sau đó cho ra một kết quả (a result appears). Nếu bạn đạt được nguyên nhân đầu tiên trong tâm bạn, và có một số hiểu biết về điều kiện duyên, ngay đó bạn đạt được bản chất của kết quả này. Nếu bạn đạt được kết quả, làm thế nào để thay đổi tình huống của bạn? Làm thế nào để bạn lấy đi nguyên nhân đầu tiên? Khi bạn có thể làm điều đó, thì mọi thứ đều không có vấn đề. Trước hết, hiểu được nguyên nhân đầu tiên, điều kiện duyên và kết quả. Vì vậy, tôi hỏi bạn, tại sao bạn đi vào thế giới này? "
Thiền sinh trả lời.
– Bởi vì cha mẹ tôi đã sanh ra tôi.
– Cha mẹ của bạn ư? Cha mẹ của bạn từ đâu đến? Thiên Chúa tạo ra họ ư?
– Họ đến từ ông bà của tôi.
– Ông bà đến từ đâu?
Thiền sinh không thể trả lời. Thiền sư hỏi tiếp:
– Vậy nguyên nhân đầu tiên là gì?
Thiền sinh đáp:
–Tuyệt đối là nguyên nhân đầu tiên. Cái tuyệt đối là không thể đặt tên. Thầy không thể nói trực tiếp nó là gì. Đó là điều mà không thể diễn tả.
Thiền sư bật cười.
–"Ha ha ha! Nếu bạn không thể đặt tên tuyệt đối, thì tại sao bạn mở miệng nhiều thế? Tuyệt đối của bạn quá ồn ào! (Tiếng cười từ giảng đường.) Đây là sự sai lầm của một cái nhìn đơn thuần về trí thức, về kiến thức cho mọi vấn đề. Không nên tạo ra suy nghĩ. Đó là lý do tại sao trong Kinh Thánh nói, "Hãy yên lặng và biết rằng ta là Đức Chúa Trời. Như vậy tuyệt đối xuất hiện rõ ràng. Chúng tôi gọi đây là "chỉ không biết."
Nhưng nếu bạn suy nghĩ, thậm chí suy nghĩ quá nhiều, hoặc nói từ "tuyệt đối", tức là bạn đã đánh mất đi “chân tuyệt đối”. Suy nghĩ của bạn tạo ra đối lập, nhị nguyên. Nếu bạn có được tuyệt đối, bạn đạt được tất cả các pháp. Tuyệt đối có nghĩa là không có đối lập, không có cao thấp, không đến, không đi, không có lời nói và chữ nghĩa. Bạn mở miệng đã là một sai lầm lớn. Vì vậy, bạn có thể làm gì? "
Thiền sinh vẫn khăng khăng cố chấp: "Tôi có thể phạm những sai lầm, nhưng những gì tôi muốn nói là ..."
Thiền sư ngắt lời:
–Ha ha ha! Bạn vẫn thích suy nghĩ quá nhiều! Ha ha ha! (Tiếng cười từ giảng đường.) Vì vậy, tôi hỏi bạn rất mạnh mẽ, bạn là gì? Bạn là ai?
Thiền sinh đáp: “Một con người.”
Sư hỏi: “Một con người là gì?”
Thiền sinh không thể trả lời được.
–Đó là điểm đáng lưu ý. Bạn phải đạt được Chân ngã của bạn. Sau đó, bạn sẽ thấu đạt tất cả các pháp.
Thiền sinh tiếp tục hầu chuyện Thiền sư. Ngài tiếp tục:
–Nếu bạn càng mở miệng, bạn càng tạo thêm nhiều sai lầm. Vì vậy, thực hành Thiền có nghĩa là tìm nguyên nhân đầu tiên này. Nguyên nhân đầu tiên là tuyệt đối, không có thứ gì để tạo tác với suy nghĩ của bạn. Vì vậy, thậm chí cố gắng sử dụng một từ để diễn tả nó cũng là một sai lầm.
Thuở xưa, khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, ngài ngự trên đỉnh núi Linh Thứu. Một hôm có hơn một ngàn thính chúng đã vân tập để chuẩn bị nghe Ngài nói pháp. Mọi người đều rất vui mừng. Họ hỏi nhau, "Không biết Đức Thế tôn sẽ tuyên bày Pháp thoại gì nhỉ?" "Ngài sẽ chỉ dạy điều gì cho chúng ta hôm nay?" Đức Phật đã ngồi vững chãi trên pháp tòa, toàn thể hội chúng trở nên yên lặng, chờ đợi Ngài tuyên dương Diệu pháp. Một phút trôi qua, Đức Phật vẫn ngồi yên. Hai phút nữa trôi qua. Rồi ba phút. Nhưng Đức Phật vẫn không mở miệng. Có lẽ cho đến mười phút, cuối cùng Ngài cúi xuống, chọn một cành hoa được đặt trong giỏ hoa bên cạnh và cầm nó đưa lên ngang đầu mình. Không ai hiểu điều gì, chỉ có Tôn giả Ma ha Ca Diếp ngồi từ phía cuối xa mỉm cười. Sau đó, Đức Phật tuyên bố: –"Ta có Chánh pháp Nhãn tạng, nay truyền lại cho Ma ha Ca Diếp."
Đức Phật đưa lên một cành hoa: điều này biểu hiện thế nào? Nụ cười Ma ha Ca Diếp có yếu nghĩa gì?
Thiền sinh từ nãy giờ vẫn im lặng. Sư nói tiếp:
–Vâng, bạn không hiểu! Ha! Ha! Ha! Nếu bạn đạt được điểm đó, bạn đạt được Chân ngã của bạn. Bạn đạt được Chánh đạo, và cuộc sống chính xác. Chúa Giê-su nói: "Ta là Con đường, Chân lý và Sự sống." Thiền cùng một quan điểm: Phải khám phá Chân ngã của bạn, tìm ra Chân lý và Chánh đạo. Các Ki-tô hữu phụ thuộc vào Thiên Chúa để tìm kiếm điều này. Thiền thì không phụ thuộc vào bất cứ điều gì. Phương hướng của chúng tôi: “Ta là gì?" Chỉ không–biết, một trăm phần trăm.
Nhiều người cho rằng ‘Tâm không–biết’ là một trạng thái của Phật giáo huyền bí. Thuở xưa, Socrates thường đi bộ quanh thành phố Athèns, qua các vùng quê và thị trấn mua bán. Ông chỉ nói với mọi người: "Các bạn phải hiểu biết chính mình! Các bạn phải hiểu biết chính mình!" Nhưng không ai hiểu ý của ông là gì. Vì vậy, một hôm có một môn sinh trẻ hỏi ông: "Thưa thầy, Thầy thường bảo rằng, Các bạn phải hiểu biết chính các bạn. Vậy thầy đã hiểu biết chính thầy chưa ạ?" Socrates trả lời: "Không, tôi không biết chính tôi, nhưng tôi hiểu cái không–biết này". Cho nên, tâm không–biết rất quan trọng. Nó không phải phương Đông hay phương Tây, Phật giáo hay Thiên chúa giáo.
Đức Phật đã cầm một cành hoa đưa lên: không ai hiểu. Đó là tâm không–biết. Về sau, Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma đến Trung Quốc và cuối cùng gặp Lương Vũ đế (梁 武 帝) (464–549). Đế hỏi Tổ sư: "Trẫm đã xây dựng nhiều chùa, cung dưỡng bốn món cần dùng: ăn, mặc, ở, bệnh cho hàng ngàn chư Tăng. Vậy trẫm đã tạo ra được bao nhiêu công đức? Bồ Đề Đạt Ma nói: "Không có công đức gì cả." Hoàng đế hoàn toàn bị sốc, bởi vì điều này dường như đối nghịch lại những gì ông suy nghĩ về Phật giáo đã quan tâm khuyến tấn dạy bảo mà ông từng nghe được, đó là sự tích lũy công đức thông qua những hành động tốt đẹp. Do vậy Đế hỏi:
–Nếu việc làm của trẫm đã không thể hiện một chút công đức nào, thì Chân lý thánh thiện cao quý nhất (thánh đế đệ nhất nghĩa) của giáo lý đạo Phật là gì?"
Bồ Đề Đạt Ma đáp: “Chả có gì là thánh thiện cả, chỉ rỗng không bao la.” Hoàng đế càng thêm sửng sốt. Bèn hỏi: “Nếu nói rỗng không, vậy người đang đối diện trẫm là ai?” Bồ Đề Đạt Ma trả lời: “Không–biết”. Nhận thấy cơ duyên chưa đến, sau đó Bồ Đề Đạt Ma đi về hướng Bắc Ngụy, tìm một hang động gần chùa Thiếu Lâm và ngồi quay mặt vào vách đá trong chín năm. Chỉ đi thẳng—không biết.
Thế thì, tâm không–biết của Socrates, tâm không–biết của Đức Phật, tâm không–biết của Bồ Đề Đạt Ma, tâm không–biết của bạn, tâm không–biết của tôi, và tâm không–biết của tất cả mọi người, mọi chúng sanh, thảy đều giống nhau, cùng một Tâm không–biết. Khi bạn được sinh ra, bạn từ đâu đến? Khi bạn chết đi rồi, bạn lại về đâu? Ta là ai? KHÔNG BIẾT. Đó là Nguyên điểm.
Tâm không–biết rất quan trọng. Khi bạn đang suy nghĩ, tâm bạn và tâm tôi khác nhau. Khi bạn cắt đứt mọi suy nghĩ, tâm bạn và tâm tôi đều giống nhau. Nếu bạn giữ tâm không–biết 100 phần trăm, sau đó tâm không-biết của bạn, tâm không–biết của tôi, tâm không–biết của Socrates, tâm không–biết của Phật tất cả cùng Một tâm. Tâm không–biết quét sạch tất cả mọi vọng tưởng: không suy nghĩ. Tâm không–biết là trước khi suy nghĩ. Trước khi suy nghĩ của bạn là bản thể của bạn, và trước khi suy nghĩ của tôi là bản thể của tôi, —Nó cũng là bản thể của cành hoa này, bản thể của vũ trụ và bản thể tất cả các pháp. Nếu bạn giữ tâm không–biết 100 phần trăm, tại thời điểm đó, bạn là vũ trụ, vũ trụ là bạn. Bạn và tất cả các pháp đã trở thành Một. Chúng tôi gọi đó là Nguyên điểm (Đập gậy Thiền xuống bàn.)
Tuy nhiên không–biết không phải là không biết gì hết. Không–biết là Nguyên điểm. Tên của Nguyên điểm là không–biết. Tất cả mọi thứ xuất phát từ Nguyên điểm và trở về Nguyên điểm. Mọi người có thể nói rằng Nguyên điểm này là Tâm, là Chúa, là Phật, là tuyệt đối, là năng lượng, hoặc tự nhiên, hoặc bản thể, hoặc sự thánh thiện, ý thức, tự ngã, linh hồn, hoặc tất cả các pháp v.v… Nhưng Nguyên điểm này là trước khi suy nghĩ. Vì vậy, không có tên và không có hình thức, không có lời nói hoặc chữ nghĩa, bởi vì thời điểm này là trước khi suy nghĩ. (Đập gậy Thiền xuống bàn.) Khi bạn giữ tâm không–biết 100 phần trăm, bạn và tất cả mọi thứ đã trở thành Một. Đó là Tâm Thiền. Chỉ đi thẳng—Không–biết. Ngay đó, bạn và tất cả các pháp trở thành Một.
Giữ tâm không–biết 100 phần trăm, bạn và tất cả các pháp đã là Một. Vào thời điểm đó, cây gậy Thiền này, âm thanh này (đánh xuống bàn), và tâm bạn, chúng giống nhau hay khác nhau?
Một người nào đó hét lên từ phía cuối hội trường: "Vâng, giống nhau." Một người khác hét lên, "Chúng khác nhau."
Thiền sư gạn hỏi: "Giống nhau hay khác nhau? Nếu bạn nói “giống nhau” cây gậy này cũng sẽ cho bạn ăn ba mươi hèo. Nếu bạn nói “khác nhau” cây gậy này cũng sẽ đánh bạn ba mươi lần (đánh xuống bàn). Đó là trước khi suy nghĩ. Nó không có lời nói hoặc chữ nghĩa. Bạn mở miệng đã là một sai lầm. Ngậm miệng, nó cũng không phải là cách làm ảo thuật, hoặc biểu hiện thần thông. Chỉ giữ một tâm không–biết, sau đó bạn sẽ thấu hiểu điểm này.
Bản thể của âm thanh này (đánh xuống bàn), bản thể của tâm bạn, Bản thể của cây gậy Thiền này, bản thể của vũ trụ, bản thể của năng lượng, tất cả đều giống nhau. Tất cả bản thể này là trước khi suy nghĩ, những lời nói và những tên gọi không thể xúc chạm vào nó. Nó rất dễ dàng. Vì vậy, sự mở miệng của bạn không cần thiết. Giống hay khác nhau? Trả lời câu hỏi đó rất đơn giản. Có quá nhiều sự hiểu biết, tức là có quá nhiều vấn đề. Nếu bạn không–biết, thì không có vấn đề. Ha ha ha! Vì vậy, chỉ đi thẳng—không biết, sau đó bạn có thể đào sâu sự hiểu biết của bạn và nó
sẽ trở thành tuệ giác.
Tất cả những người Nga mà tôi đã gặp ở đất nước Liên Xô này họ rất thông minh, có lẽ quá thông minh. Tuy nhiên, sự hiểu biết khôn ngoan chỉ là thu lượm những ý tưởng của người khác. Chẳng hạn khi bạn còn trẻ, người ta đã dạy cho bạn "Bầu trời màu xanh, và suốt đời bạn đi đây đó đều nói,"Bầu trời màu xanh”.
Điều đó rất thú vị! Ha ha ha! Nhưng bầu trời này không bao giờ nói: "Tôi màu xanh.” Mọi người đều nói: “Bầu trời màu xanh,” hoặc “Cây xanh”, hay tiếng chó sủa: "Gâu! Gâu!" Ai đó đã dạy bạn tin rằng bầu trời màu xanh, và vì vậy bạn cũng tin rằng bầu trời màu xanh. Nhưng tất cả những điều này chỉ là ý tưởng, ý tưởng của người khác gán cho nó trở thành thói quen, và đó là tất cả những sự khác biệt từ người khác. Chẳng hạn, người Hàn Quốc chúng tôi nói tiếng chó sủa: "Mung! Mung!" Người Nhật nói tiếng chó sủa: "Wong! Wong! Wong!" Người Ba Lan nói con chó sủa, "How! How! How! "Người Mỹ nói con chó sủa: Woof! Woof! Người Việt Nam nói chó sủa: "Gâu! Gâu!" Mọi người đều có những âm thanh khác nhau, và đều có ý tưởng khác nhau khi diễn tả tiếng chó sủa. Nhưng con chó này không bao giờ cho biết chính xác tiếng sủa của nó có một cái tên riêng nào cả; nó chỉ sủa. Chính con người tạo ra từ ngữ và âm thanh này, cộng với một ý tưởng và trở nên dính mắc với nó. Vì vậy, họ không thể nhìn thấy từ ngữ sống (của tiếng sủa) này như nó đang là.
Vậy trước khi có những từ ngữ và âm thanh này là gì? Điều đó là “Cái gì” trước khi nghĩ đến? Thiền có nghĩa là khám phá trước–suy nghĩ, trọng điểm ban đầu. Nếu bạn đạt được điểm này, bạn thấu đạt tất cả các pháp.