● Từ Tông Huấn Á Châu Của Giáo Hoàng Gioan Phaolồ Ii Đến Hịch Xuất Quân Của Vua Quang Trung

14/10/201012:00 SA(Xem: 16022)
● Từ Tông Huấn Á Châu Của Giáo Hoàng Gioan Phaolồ Ii Đến Hịch Xuất Quân Của Vua Quang Trung

TRÍ TÁNH ĐỖ HỮU TÀI
NHƯ THỊ NGÃ VĂN
TỪ XA, NGHĨ VỀ VÀI VẤN ĐỀ CỦA PHẬT GIÁO TẠI NƯỚC TA 
NHÀ XUẤT BẢN LAO ĐỘNG - 2008,
NHÀ XUẤT BẢN TÂN VĂN - 2008
Ấn Bản Điện Tử 2009 USA

TỪ TÔNG HUẤN Á CHÂU CỦA GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLỒ II
ĐẾN HỊCH XUẤT QUÂN CỦA VUA QUANG TRUNG 
(Bài nầy không có trong ấn bản 2008 của NXB Lao Động)

Ngày 9 tháng 6 năm 2008, Hồng y Pietro Parolin, Thứ trưởng bộ Quan hệ các Quốc gia, sẽ cầm đầu một phái đoàn của Vatican để viếng thăm Việt Nam. Ngoài những buổi làm việc với phía đối tác Việt Nam, phái đoàn còn dự định làm việc với tòa Tổng Giám mục Hà Nội và tham quan đền thờ La Vang ở Quảng Trị cũng như Giáo hoàng Học viện tại Đà Lạt. 

Nguồn tin của cơ quan thống tấn Vatican về các vấn đề Á châu (new.asianews.it) cho biết chuyến đi sẽ tập trung trên 4 vấn đề chính: [i] Tài sản của Vatican và của Giáo hội Công giáo Việt Nam, [ii] Quy chế nhà nước về vấn đề thụ phong các chức sắc trong hàng giáo phẩm, [iii] Triển khai công tác giáo dục và y tế của Giáo hội, và [iv] quan trọng nhất, cụ thể hóa việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Thật ra thì 3 vấn đề đầu là điều kiện cần đàm phán để đi đến điều kiện cuối. 

Chuyến đi đến Việt Nam lần thứ 15 nầy là kết quả cụ thể cuối cùng từ ba chuyến viếng thăm có tính quyết định trong ba năm vừa qua. Một của ông Ngô Yên Thi, Trưởng ban của Ủy ban Tôn giáo Nhà nước, thăm Vatican vào ngày 27/6/2005; một của Hồng y Crescenzio Sepe, Tổng trưởng Thánh bộ Rao giảng Tin mừng cho các Dân tộc, thăm Việt Nam vào ngày 28/11/2005; và mới đây nhất là chuyến viếng thăm Vatican của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vào ngày 25/1/ 2007.

Lần nầy, trên bàn đàm phán, có lẽ cả hai bên đều phải nhắc đến vu Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt huy động giáo dân “đòi” lại Tòa Khâm sứ tại Hà Nội vào tháng 12 năm ngoái. Cả hai phía Hà Nội và Vatican đều có thế mạnh trong sự cố nầy. Vatican, ngoài những “củ cà rốt”, thì sẽ dùng vụ Tòa Khâm sứ như một “cây gậy��� để cảnh cáo nhà nước Việt Nam về thế áp lực của quần chúng giáo dân. Còn Hà Nội thì dùng vụ nầy như một yếu tố vi phạm luật pháp quốc gia để cho rằng Giáo hội Công giáo Việt Nam chưa đủ trưởng thành lịch sử (historical maturity) và cũng chưa đủ gắn bó để cùng phát triển với dân tộc trên đất nước Việt Nam nầy. Dĩ nhiên, phản ứngvai trò của quần chúng Phật tử trong vụ Toà Khâm sứ (là yếu tố mà Vatican không ngờ đến khi tung quả bóng thăm dò “Ngô Quang Kiệt”) cũng sẽ đuợc cả hai bên nhắc đến. 

Trước viễn tượng của khả năng thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường giữa Việt Nam và Vatican City, ta thử xét vấn đề nầy từ góc độ triết lý ngoại giao của Việt Nam và trên cơ sở quyền lợi lâu dàibền vững của dân tộc.

Thế giới bỗng nhỏ lại như một ngôi làng ...

Theo thống kê của Cục Tình báo Trung ương Mỹ CIA [1] thì cho đến tháng 12 năm 2005, trên toàn thế giới có tất cả 6.446.131.400 người dân, sinh sống trong 239 quốc gia. Và để có thể bao gồm được toàn thể nhân loại, CIA đã định nghĩa một quốc gia căn cứ trên 4 tiêu chuẩn tuy cơ bản nhưng lỏng lẻo sau đây: (a) có một lãnh thổ, (b) có một tập hợp dân chúng, (c) có một chính phủ, và (d) có một văn kiện pháp lý làm cơ sở vận hành dân chúng và chính phủ trong lãnh thổ đó. Với bốn tiêu chuẩn nầy, và chỉ căn cứ trên dân số mà thôi, ta có những nước cực lớn như Trung quốc (1.306.313.812 dân), hoặc cực nhỏ như Pitcairn Islands (45 dân). Riêng Việt Nam thì đứng thứ 15 với 83.535.576 dân (trên nước Đức và dưới Phi-Luật-Tân), còn “nước” Vatican City thì xếp hạng thứ 235 với 932 “dân”.

Ngoài các quan hệ song phương, giữa các quốc gia còn thiết lập những quan hệ đa phương với nhau trong một hệ thống chằng chịt những tổ chức (như Tổ chức Lao động Thế giới ILO), liên minh (như Tổ chức Minh ước Bắc Đại Tây dương NATO), hiệp hội (như Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á ASEAN), chương trình (như Chương Trình Thực Phẩm Thế Giới WFP) , diễn đàn (như Diễn Đàn Châu Á Thái Bình Dương APEC) và nhiều hình thái tổ chức khác trên cơ sở hợp tác đồng đẳng, đồng quyền và đồng lợi. Tùy bản chất của mối liên hệ và tùy tương quan quyền lực khu vực cũng như toàn cầu, mỗi quốc gia có thể gia nhập một hay nhiều tổ chức; thậm chí trong những quan hệ song phương, một quốc gia nhiều khi còn thiết lập bang giao với một nước nầy mà không quan hệ với một nước khác (điển hình như trường hợp Vatican chọn bang giao với Đài Loan thay vì Trung Quốc). 

Liên Hiệp Quốc là tổ chức quốc tế tập hợp nhiều quốc gia hội viên nhất, nhưng cũng chỉ có 191 nước gia nhập, nghĩa là 79% tổng số tất cả quốc gia trên toàn thế giới. Và như vậy là có đến 48 quốc gia (21%) không gia nhập tổ chức quốc tế nầy vì nhiều lý do khác nhau. Việt Nam gia nhập tổ chức quốc tế nầy vào ngày 20 tháng 9 năm 1977. Hai nước mới gia nhập gần đây nhất (2002) là Đông Timor và Thụy Sĩ. Còn Vatican City thì chưa bao giờ là hội viên chính thức của Liên Hiệp Quốc cả. 

Trong những thập niên vừa qua, mỗi quốc gia, thông qua chính sách đối ngoại của mình, đều đã phải đối diện để xử lý những cuộc khủng hoảng ở mức độ toàn cầu như ô nhiễm môi sinh, bùng nổ thông tin, bạo lực khủng bố và bạo lực chống khủng bố, dịch tể thú vật và dịch tể trên người, phân bố tài nguyên bất đồng đều, suy cạn năng lượngthực phẩm, giảm tốc kinh tế, kiểm soát vũ khí hạt nhân, tranh chấp biên giới, mâu thuẫn tôn giáo, v.v...Tất cả làm cho cấu trúc và vận hành thế giới thêm phức tạp, thêm khó khăn. Thế giới bổng nhỏ lại như một ngôi làng, mọi gia đình đều quan hệ với nhau, mọi sự cố đều ảnh hưởng đến cả làng. Do đó mà mỗi quốc gia đều phải liên tục điều chỉnh lại chính sách ngoại giao để vừa bảo vệ quyền lợi của chính mình trong một thế giới tương thông nhiều bất trắc, nhưng cũng đủ uyển chuyển để đóng góp vào sự thịnh vượng và nền hòa bình chung của nhân loại

Ngoại giao của Vatican City – Một chức năng duy nhất

Vatican City là một quốc gia đặc biệt trong cộng đồng thế giớichức năng thần quyền và thế quyền của nó đan quyện vào nhau bất khả phân ly. Tư cách lưỡng tính đó (dual status) cho phép quốc gia nầy vừa hành xử như một nước (state) với những quy định quốc tế rõ ràng, vừa như một thánh địa tôn giáo với những quy ước uyển chuyển trong đối ngoại. Cho nên tuy lãnh địa quốc gia rất nhỏ (0,44 cây số vuông), “công dân” rất ít (932 người), ngân sách quốc gia được công bố không đến 180 triệu Mỹ kim (2004), nhưng vì sự hiện diện của hơn một tỉ giáo dân trên toàn thế giới, nên hoạt động đối ngoại của Vatican đã phủ chụp lên toàn nhân loại và lên mọi lãnh vực, kể cả những lãnh vực rất ít liên quan đến, hoặc thuộc thẩm quyền của, tôn giáo như vũ khí hạch nhân, nguyên tử năng, hàng không dân dụng, dược phẩm quân dụng, nông phẩm, vận tải đường biển, vệ tinh viễn thông, phân bố di dân, ngoại thương, sản xuất công nghệ, công pháp quốc tế, du lịch và khí tượng. 

Holy See (Thánh Địa) là định chế pháp lý chính thứctrách nhiệm lãnh đạođiều hành quan hệ ngoại giao cho Vatican City. Định chế nầy, cho đến năm 2005, đã thiết lập quan hệ với 174 nước có chủ quyền (sovereign states), Cộng đồng Âu châu và Malta. Trong số nầy, 69 nước có phái bộ ngoại giao thường trực tại Vatican City, kể cả Nga và PLO (Tổ chức Giải phóng Palestine), và là nước Âu châu duy nhất công nhận Đài Loan thay vì Trung quốc. Holy See còn là thành viên của 31 tổ chức quốc tế: 12 với tư cách hội viên, và 21 với tư cách Quan sát viên [2]

Hoạt động đối ngoại của Holy See được điều hành bởi một Hồng y Ngoại trưởng (Cardinal Secretary of State) và bao gồm 179 phái bộ ngoại giao có trụ sở thường trực trên thế giới. Chức năng của Holy See thì nhất quán, triệt để và xuyên suốt: Là công cụ đối ngoại để yểm trợ cho mục vụ truyền giáo của Vatican trên toàn thế giới. Cho nên mọi chính sách đối ngoại của nó phải phục vụ cho ưu tiên số một của Vatican là củng cố và phát triển ảnh hưởng thần quyền và thế quyền của Tòa thánh Công giáo La Mã. Điều nầy thì dễ hiểuchấp nhận được. Tuy nhiên, cũng từ đó, ta thấy nổi cộm một khác biệt rất quan trọng, đó là Công giáo La Mã là tổ chức tôn giáo duy nhất trên thế giới có một công cụ ngoại giao để tập trung vào việc truyền đạo phúc âm hóa (evangelization) . Các tôn giáo lớn khác, kể cả 5 tôn giáo cùng thờ một Chúa với Vatican (như Hồi giáo, Do Thái giáo, Tin Lành giáo, Anh giáo và Chính Thống giáo), và nhất là các tôn giáo không tin vào Chúa (như Phật giáo, Ấn Độ giáo, Bà La Môn giáo), chủ yếu chỉ truyền đạo bằng chính các cá nhân tu sĩtín đồ thông qua những tổ chức tôn giáo tự phát, còn nếu có tư cách chính phủ thì quyền lực truyền đạo cũng khiêm nhường mà thôi. 

Nếu trong quá khứ, khi Giáo hoàng có uy quyền tuyệt đối trên vua chúa và có thể cỡi trên các đợt sóng chinh phục đất đai của các đế quốc (Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Bỉ, Hòa Lan, ...) để mở rộng “vương quốc của Chúa”, thậm chí có thời kỳ còn lồng vào các cuộc chiến tranh xâm thực đó một nội dung tôn giáo (8 cuộc thánh chiến ở châu Âu, chiến tranh thực dân ở ba châu Á, Phi và Nam Mỹ) thì ngày nay[3\ , Vatican City chỉ bằng sự hiện diện trong các tổ chức quốc tế, bằng ưu quyền chỉ đạo hàng dọc xuống các Hội đồng giám mục cấp quốc gia, bằng hệ thống tài chánh ngân hàng siêu biên giới, bằng mạng lưới truyền thông đại chúng toàn cầu, bằng những liên minh chính trị kinh tế, và nhiều khi còn bằng quan hệ cá nhân với các lãnh tụ kinh tế chính trị, để tiến hành chính sách nhất điểm lưỡng diện (ngoại giao để truyền đạo) của mình.

Có nắm bắt được chức năng nầy của nền ngoại giao của Holy See thì ta mới có thể giải thích được những quyết định ngoại giao cực kỳ nghịch lý của Tòa thánh Vatican như không kêu gọi hòa bình tại Đông Timor, im lặng trước Hiệp ước tài giảm binh bị START II, hợp tác và khuyến khích Đức Quốc xã tiêu diệt dân Do Thái, ủng hộ chính quyền Eisenhower về dự định ném 6 quả bom nguyên tử chiến thuật tại Điện Biên phủ, hợp tác với Mỹ để khuynh loát Ba Lan, chống đối “phải đạo” quyết định Mỹ xâm lăng Irak của tổng thống Georges Bush, ... Tuy nghịch lý, nhưng xuyên suốt các thái độ khó hiểu nầy như “một sợi chỉ đỏ” là chủ trương hại đạo người, lợi đạo mình nhất quán

Tông huấn Á châu – Thủ tiêu văn hóa bản địa

Tại Á châu (nơi số tín đồ Công giáo chiếm 2.2% trên tổng số 3.3 tỉ người), chính sách ngoại giao của Holy See nằm trong một sách lược truyền đạo tổng thể được chỉ đạo bởi văn kiện “Ecclesia in Asia” (Tông Huấn Giáo Hội Tại Châu Á [4] ), do chính Giáo hoàng Gioan-Phaolồ II chính thức ban hành nhân chuyến công du mục vụ tại Ấn Độ vào tháng 11 năm 1999. 

Trong số các quốc gia Á châu, Việt Nam sẽ là đối tượng hàng đầu của Tông Huấn nầy vì hội đủ ba lý do chính đã tạo ra hoàn cảnh chín mùi cho kế hoạch truyền đạo của Vatican:

(i) Lịch sử gần 400 năm hình thành đầy oan trái của giáo hội Việt Nam địa phương, đặc biệt lên đến cao điểm dưới chế độ kỳ thị tôn giáo Ngô Đình Diệm, vẫn còn hằn in những vết thương sâu dài chưa kết thành sẹo mà dân tộc Việt Nam chưa thể nào quên được. 

(ii) Số lượng tín đồ cuồng tín đứng hàng thứ nhì tại châu Á (sau Phi Luật Tân), nhưng lại đứng hàng thứ nhất thế giới về số 117 “thánh tử đạo” do chính cố Giáo hoàng Gioan Phaolồ II gấp rút tấn phong hàng loạt chỉ trong vòng một năm. 

(iii) Chế độ chính trị Xã hội Chủ nghĩa “vô thần” đương quyền đang tiếp tục “đổi mới” kinh tế với tất cả những yếu kém hoặc sơ hở xã hộicạm bẫy văn hóa để tìm cách hội nhập theo cung cách Tây phương vào xu thế toàn cầu hóa.

Ta biết rằng “Tông Huấn” là văn kiện mang tính chất giáo huấn của Giáo hoàng (vị “chăn dắt chủ chiên”) cho các vị chức sắc giáo phẩm và tín đồ (“con chiên”) tuân theo mà làm. Nội dung của Tông Huấn Á châu [5] đề cập đến từ những vấn đề lớn như kinh tế, chính trị, xã hội đến những vấn đề nhỏ như nợ nước ngoài, thông tin đại chúng, môi trường. Thậm chí cả những vấn đề nhỏ như AIDS, mại dâm, ma túy ...cũng được nhắc đến. Tuy nhiên, trọng điểm của Tông Huấn dĩ nhiênvấn đề văn hóa, nhấn mạnh một số tiền đề lý luận, các nhận thức văn hóa chỉ hướng, và những phương thế tiếp cận với văn hóa Á châu để thủ tiêu, rồi thay thế, những nền văn hóa bản địa nầy:

• Ngay từ phần nhập đề, bất chấp hệ quy chiếu lịch sử – nhân văn rằng cách đây 2000 năm chưa có một thực tại địa lý gọi là “Á châu”, Tông Huấn đã xác nhận chắc nịch một tiền đề nửa thần học nửa lịch sử rằng Thật vậy, chính tại châu Á, ngay từ đầu, Thiên Chúa đã mặc khải và thực hiện ý định cứu độ của Ngài ... Ngài sai con duy nhất của mình xuống, là Đức Giêsu Cứu Thế mang hình hài người Á châu. Tiền đề khiên cưởng nầy rất cần thiết cho Tông Huấn, sau nầy, đóng chốt một kết luận rất hàm hồ nhưng cũng rất hấp dẫn vừa cho cả “dân Chúa” lẫn “dân ngoại”: Chúa đã có mặt nơi các dân tộc ấy một cách nào đó rồi . . . mà chỉ có Chúa mới biết (Số 21). Tiền đề đó cũng là một lời hiệu triệu động viên và kích thích các thừa sai rằng Không cá nhân nào, không dân tộc nào, không văn hóa nào có thể dửng dưng trước tiếng gọi của Đức Giêsu (Số 14).

• Cũng trong phần nhập đề nầy, đoạn số 1 với tiêu đề Kế hoạch kỳ diệu của Thiên Chúa tại châu Á, Tông Huấn mô tả quá trình truyền đạo và vạch ra mục tiêu của Giáo hội tại Á châu như sau: Nếu trong thiên niên kỷ thứ nhất, thánh giá đã được trồng trên đất Âu châu, trong thiên niên kỷ thứ nhì, thánh giá được trồng trên đất Mỹ châu và Phi châu, thì chúng ta có thể cầu xin trong thiên niên kỷ thứ ba, Giáo hội sẽ gặt được một mùa gặt lớn trên lục địa vừa rộng lớn vừa tràn trề sức sống nầy. (Số 1). Điểm đáng nói là Tông Huấn đã tránh không đề cập đến quá trình “trồng thánh giá” đó đã diển ra bằng những cuộc thánh chiến đẫm máu, bằng những tòa án dị giáo độc ác, bằng những giáo triều dâm loạn và hiếu sát ... đã đẩy Âu châu vào Thời đại tăm tối (Dark Age) và đã tiêu diệt văn hóa, cưởng chiếm đất nước của bao nhiêu dân tộc tại Nam và Trung Mỹ. Lại càng không nhắc gì đến tình trạng suy sụp và khủng hoảng vừa bên trong vừa bên ngoài hiện nay của Giáo hội Công giáo La Mã tại Bắc Mỹ và Âu châu mới thật sự là lý do chính để Giáo hội ... di tản chiến thuật qua châu Á nghèo nàn về kinh tế nhưng phong phúsung mãn về tôn giáo !

• Sau đó, bằng thái độ trịch thượng của tâm cảnh đế quốc thần quyền của thế kỷ thứ 17, Tông Huấn đánh giá tình trạng tôn giáo tại Á châu như sau: Do Thái giáo, Hồi giáo, Ấn giáo, Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo, Bái Hỏa giáo (Zoroastrianism), đạo Giaina (Jainism), đạo Sikh và Thần đạo (Shintoism). Các giá trị tôn giáo mà các đạo ấy giảng dạy thì đang chờ được hoàn thành trong Đức Giêsu Kitô (Số 6); và xác định một khả thể rằng Phật giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo thật sự đều đang khai sáng mọi người ... điều ấy không loại trừ việc họ được kêu gọi đến nhận lãnh đức tin và phép Rữa như Chúa hằng mong muốn hết cho mọi người (Số 31). Hai đánh giá hoang tưởng đó là để Tông Huấn đi đến một kết luận khiên cưỡng khác rằng ẩn sâu trong các dân tộc, các nền văn hóa và các tôn giáo Á châu nầy luôn luôn có một sự khao khát “nước hằng sống”, một sự khao khát do chính Chúa Thánh Thần khơi dậy và chỉ mình Đức Giêsu Cứu Thế mới có thể thỏa mãn (Số 18). Rõ ràng hơn, đoạn số 2 của Tông Huấn còn viết: Đức Kitô là trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. Ngài là đấng cứu chuộc duy nhất của thế giới, khác hẳn vói các vị sáng lập các tôn giáo khác. (Số 2) ... Các giá trị tôn giáo mà các đạo ấy giảng dạy đang chờ được hoàn thành trong Đức Giêsu Kitô (Số 6). 

• Còn về mặt chính trị thì Tông Huấn phân tích rằng Tại Á châu ngày nay, tình hình chính trị vô cùng phức tạp, với đủ mọi ý thức hệ, từ những hình thức chính phủ dân chủ đến những hình thức cai trị thần quyền, các chế độ độc tài quân sự và các ý thức hệ vô thần đang có mặt rất rõ ... tại một số nơi, Kitô hữu không được phép giới thiệu Đức Giêsu cho người khác (Số 8) để, từ đó và do đó, cất lên lời hiệu triệu xuất quân chính trị rằng ...khắp nơi tại châu Á, càng ngày người ta càng ý thức hơn rằng mình có khả năng thay đổi những cơ chế bất công đó ... ngày càng có nhiều người đòi hỏi tham gia chính phủ ... Chúa Thánh Thần luôn giúp đỡ và hổ trợ các nỗ lực của dân chúng muốn thay đổi xã hội nhằm thỏa mãn khát vọng của họ là được sống dồi dào hơn như Chúa hằng mong muốn (Số 8).

• Sau đó, trên cơ sở quyền năng của Chúa Thánh thần biến đổi , tái tạo xã hộivăn hóa loài người ...”, Giáo hoàng kêu gọi các con chiên phải “… gieo hạt giống chân lý vào các dân tộc, tôn giáo, văn hóa và triết lý của họ (Số 15). Và đi xa hơn, vì Chúa Thánh thần thống nhất mọi hạng người với những phong tục tập quán khác nhau (Số 17) ... Chúa Thánh thần từng hoạt động tại châu Á (Số 18), nên Tông Huấn nhìn nhận rằng Vấn đề cho Kitô giáo gặp gở các văn hóatôn giáo lâu đời của địa phương đã trở nên cấp thiết. Đây là một thách đố lớn đặt ra cho việc phúc âm hóa, nhưng là loại thách đố dễ giải quyết vì các hệ thống tôn giáo ở đây như Phật giáo, Ấn Độ giáo đã mang tính chất cứu độ rõ rệt. Ở đây, khi đánh đồng ý niệm (mỗi người) tự độ của Phật giáo với (chỉ Thiên Chúa mới) cứu độ được của Công giáo, cũng như khi cố tình quên đi rằng nội dung cốt lỏi của Phật giáogiải thoát chứ không phải cứu độ (Phật thuyết: “Cũng như nước đại dương chỉ có một vị mặn, giáo pháp của ta chỉ có một vị là giải thoát”) 

Giáo hội Công giáo La Mã đã nhập nhằng đánh đồng các giá trị của tôn giáo Á châu với giá trị của Kitô giáo để dễ ... truyền đạo ! Ta đã thấy sự nhập nhằng gian dối nầy nơi một số Linh mụctrí thức Công giáo dân Việt Nam ở hải ngoại trong nỗ lực đồng hóa Thiên Chúa với khái niệm “Trời” và “Ngọc hoàng Thượng đế” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, cũng như một Linh mục giáo sư Việt Nam đoan quyết rằng thi hào Nguyễn Du đã được gợi hứng từ...Kinh thánh để sáng tác ra Truyện Kiều!

Cuối cùngphương pháp tiến hành mùa gặt lớn: (i) Về chính trị thì tiếp cận hai mặt “đánh đánh – đàm đàm” vừa đòi hỏi tham gia chính phủ nhưng lại vừa phát động việc thay đổi cơ chế , (ii)về tôn giáo thì liên tôn để cải đạo người dân trên quan điểm Kitô giáo, đối thoại liên tôn không phải chỉ là một cách để giúp các bên hiểu biết nhau và làm giàu cho nhau, mà còn là một phần trong chính sứ mạng phúc âm hóa của Giáo hội (Số 31), (iii) về xã hội thì núp sau chiêu bài đấu tranh có điều kiện cho công bằng xã hội, Giáo hội phải làm hết sức mình để khắc phục những tệ đoan ấy, để hành động thay mặt những người bị bóc lột nhiều nhất và để tìm cách dẫn những con người nhỏ bé ấy đến với tình yêu của Đức Giêsu (Số 34). Quyết tâm của Tông Huấn đã rõ: Sẽ san bằng đám cỏ văn hóa bản địa để trường kỳ bắt đầu mùa gặt lớn vì Trái tim Giáo hội sẽ không bao giờ nghỉ ngơi bao lâu toàn bộ châu Á chưa tìm được sự nghỉ ngơi trong Đức Kitô (Số 10).

Rõ ràng là nói gì thì nói, làm gì thì làm, Tông Huấn Á châu đã không những vi phạm chủ quyền của các quốc gia Á châu mà còn trịch thượng xem thường các giá trị văn hóa, tôn giáo, triết lý Á châu, và xem tất cả các giá trị nầy như là chướng ngại vật cần thủ tiêu cho tiến trình phúc âm hóa toàn bộ châu Á. 

Nói như Mac Kher, “Tông huấn Á châu là một lời tuyên chiến chống nền văn hóa Á đông, các tôn giáo Á đông, và xã hội Á đông nói chung, Ấn Độ giáo nói riêng” [6]

Ý đồ của Tông Huấn đã rõ, các mặt trận ngoại giao của Holy See đã bắt đầu, Việt Nam sẽ đối trị ra sao ?

Ngoại giao Việt Nam – Một motto ba vế

Dù những nghị quyết về đổi mới được khai sinh từ năm 1986 trong khuôn khổ của Đại hội VI, nhưng những nghị quyết nầy chỉ thật sự đi vào cuộc sống và phát huy được hiệu quả khi nhà nước Việt Nam, từng bước một trong 5 năm sau đó, mạnh dạn triển khai một loạt các chính sách về kinh tế tài chính xã hội, và nhờ đó đã nâng tiến độ phát triển kinh tế trong suốt thập niên 90’s lên cao để trở thành một quốc gia phát triển nhanh và bền vững nhất trong vùng Đông Nam Á.[7] 

Song song với, và hỗ trợ cho, công cuộc hóa thân gian lao và triệt để đó là một chính sách ngoại giao có thể tóm tắt trong một motto ba vế, được công bố chính thức cho bạn mới và thù xưa đều biết: “Đóng lại quá khứ, hướng về tương lai – Đa diện hóa và đa phương hóa nhưng không can dự vào nội tình của nhau – Làm bạn với tất cả mọi người để phát triển quốc giaxây dựng hòa bình và thịnh vượng trên toàn thế giới”. Chính sách nầy đã giúp Việt Nam phá vỡ được vòng vây ngoại giao và kinh tế của Mỹ và các đồng minh Tây phương trong giai đoạn đầu và, sau đó, đã biến Việt Nam trở thành đối tác ngoại giao cần thiếtbình đẳng của chính hai kẻ cựu thù Pháp và Mỹ [8] . 

Trong khung cảnh tái phân bố địa chính toàn cầu sau chiến tranh lạnh với sự ra đời của nhiều nước mới, hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 167 nước. Với ưu tiên hàng đầu quyết bảo đảm an ninh lãnh thổ quốc gia, Việt Nam đã, trước hết, đặt trọng tâm vào việc kiện toàn những mối quan hệ tốt đẹp với ba nước láng giềng Lào, Cambốt và Trung quốc. Sau đó là các nước vùng Đông, Nam và Đông Nam Á, cũng như mở rộng ra vùng Châu Á Thái Bình Dương. Đồng thời, Việt Nam cũng tiến đến việc thắt chặt lại quan hệ với các nước trong khối Xã hội Chủ nghĩa cũ, các nước mới thuộc khối Tư bản Tây phương, và nhất là tham gia tích cực vào các tổ chức quốc tế. Việt Nam đã trở thành hội viên chính thức (hoặc quan sát viên thường trực) của 45 tổ chức vùng và quốc tế [9] . Đó là chưa kể sự tham dự của Việt Nam (dưới hình thức “ngoại giao nhân dân” – people diplomacy) vào hàng trăm tổ chức khác như thể thao, văn học, nghệ thuật, tôn giáo, xã hội, giáo dục, khoa học, công nghệ, …... ở tầm khu vực hoặc quốc tế. Đặc biệt, Việt Nam đã trở thành hội viên chính thức của Tổ chức Liên Hiệp Quốc năm 1977 (và được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng khoáng đại LHQ năm 1997), Công ước Bali năm 1992, ASEAN và AFTA năm 1995. Cũng từ năm nầy, Việt Nam hoàn toàn hội nhập vào cộng đồng quốc tế khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ và ký Hiệp định khung (Framework Agreement) với Cộng đồng Âu châu. Một thắng lợi ngoại giao khác, dù lãnh vực tác động là kinh tế và mậu dịch, là việc Việt Nam trở thành hội viên thứ 150 của tổ chức WTO kể từ ngày 11-1-2007. Ngoài ra, với số phiếu thuận 183/192, Việt Nam trở thành thành viên với nhiệm kỳ 2-năm của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc.

Triết lý đối ngoại của Việt Nam:
Năm truyền thống nội sinh

Nhìn lại lịch sử nước ta kể từ thời lập quốc cho đến nay (mà quá trình của nó chủ yếu mang nội dung quân sử), các chính sách và hoạt động ngoại giao đã luôn luôn là một công cụ hiệu quả, một thành tố bất khả phân ly trong cuộc đấu tranh toàn diện chống ngoại xâm để bảo toàn độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ. Ngay cả trong thời bình, các chính sách ngoại giao nầy cũng được huy động để hổ trợ cho công cuộc phát triển đất nước và mở rộng biên cương. Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, Minh Mạng, Hồ Chí Minh ... đã là những kiến trúc sư kiệt xuất thiết kế nên những chiến lược ngoai giao tuyệt vời trong những giờ phút tổ quốc đối mặt với họa xâm lăng. 

Những chiến lược ngoại giao nầy, tuy thay đổi theo thời đạiđiều kiện lịch sử nhưng đều là phần thể hiện sinh độngsáng tạo của một triết lý ngoại giao (diplomacy philosophy) tùy duyênbất biến, mang trong người ba đặc tính nhân bản, dân tộc và hòa bình. Triết lý nầy còn phóng ra cho bạn và thù năm châu bốn biển hình ảnh của một dân tộc Việt Nam hiếu hòa nhưng không chủ bại, quyết thắng nhưng không hiếu chiến, hội nhập nhưng không hòa tan. Triết lý nầy có thể tóm tắt trong năm truyền thống nội sinh của lịch sửvăn hóa Việt Nam: [10] 

• Lấy dân làm gốc, nương dựa vào dân để tiến hành một nền ngoại giao nhân dân.
• Nắm chắc nguyên lý độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ để đối phó với mọi tình huống.
• Phất cao ngọn cờ yêu nước và công lý để đoàn kết dân tộc và những lực lượng yêu chuộng hòa bình và tiến bộ trên thế giới.
• Xiễn dương nền nhân bản truyền thống của văn hóa Việt Nam, hòa hiếu không hận thù để đóng lại quá khứ hướng về tương lai.
• Xem Việt Nam là một thành phần của nhân loại, kết hợp sức mạnh của tổ quốc với sức mạnh của thời đại để giải quyết nhu cầu từng giai đoạn mà quyền lợi quốc gia đòi hỏi. 

Giai tầng lãnh đạo quốc gia của nước ta, từ các triều đại phong kiến thuở xa xưa cho đến thời đại toàn cầu hóa ngày nay, nói chung đều lấy một vài hay toàn bộ cả năm nguyên lý chỉ đạo nầy để triển khai thành chính sách đối ngoại của Việt Nam. Đó là những nguyên lý nằm trong cẩm nang dựng nước và giữ nước vốn đã được tôi luyện để dẹp thù trong, ngăn giặc ngoài, mà nghiệm thu chói lọi nhất là Việt Nam vẫn tồn tại vững vàng để cùng với bạn bè năm châu nhịp nhàng bước vào thiên niên kỷ mới. 

Cho đến năm 2005 ...

Năm 2005, Việt Nam đã quyết định nối lại đàm phán với Vatican ở cấp cao trong một bối cảnh mới. Mới về cả mục đích đàm phán, nội dung đàm phán, và tiến độ đàm phán. Tuy nhiên, trong lúc ý đồ và sách lược của Vatican thì đã khá rõ ràng thì về phía Việt Nam, như thường lệ, chúng ta vẫn không có được những thông tin rõ ràng ngoài các văn bản và tuyên bố chung chung bằng ngôn ngữ ngoại giao vô thưởng vô phạt. 

Dầu vậy, bản thân quyết định nầy, tự nó, cũng đã có thể cho ta thấy rằng chính sách ngoại giao của Việt Nam (đối với Vatican) đã đi chệch khỏi, nếu không muốn nói là đi ngược lại, triết lý nền móng của nó. Điều nầy có phản ánh một thay đổi sâu rộng ngay cả trong triết lý trị nước của nhà nước Việt Nam, lực lượng lãnh đạo quốc gia hiện nay không ?

• Nói là “lấy dân làm gốc” thì làm sao nhà nước Việt Nam có thể bang giao với một Vatican vốn chỉ muốn biến “dân Việt” thành “dân Chúa”, thành “tôi tớ hèn mọn của Chúa” trong mùa gặt lớn, và chỉ muốn tròng lên cổ nhân dân ta một dấu thập ác làm căn cước nô lệ thần quyền suốt đời

• Nói là “độc lập dân tộc” thì làm sao nhà nước Việt Nam có thể bang giao với một Vatican vốn chỉ muốn thọc sâu vào nội tình nước ta để thay đổi thể chế, thay đổi xã hội, và thay đổi cả văn hóa (tức là cách sống) của nhân dân Việt Nam.

• Nói là “phất cao ngọn cờ yêu nước” thì làm sao nhà nước Việt Nam có thể bang giao với một Vatican vốn đã toa rập với hết thực dân Pháp đến đế quốc Mỹ, tạo ra một đạo quân thứ năm tay sai bản xứ, để xâm lăng, tàn phá và đô hộ đất nước ta, gây ra những tội ác cho dân tộc ta.

• Nói là “xiễn dương nền nhân bản của truyền thống văn hóa” thì làm sao nhà nước Việt Nam có thể bang giao với một Vatican đã và đang áp đặt một nền thần học bắt tín đồ cúi rạp mình run sợ trước Thiên Chúa, tước bỏ bản vị con người, và lấy tội lỗi con người làm cơ sở sống đạo.

• Nói là “kết hợp sức mạnh của tổ quốc với sức mạnh của thời đại” thì làm sao nhà nước Việt Nam có thể bang giao với một Vatican mà nền thần học đã và đang bị thời đại cho vào sọt rác, đang bị các nước Tây phương phế thải, vì đang bị khủng hoảng toàn diện về giáo lý, giáo quyền, giáo chế và giáo sản trước những tiến bộ của thời đại [11] . 

Như vậy, rõ ràngbang giao với Vatican thì đi ngược lại với cả năm nguyên lý chỉ đạo của triết lý ngoại giao, cũng là năm triết lý trị nước, mà nhờ đó tổ quốc đã vượt thắng bao thử thách để còn vinh quang tồn tại cho đến ngày nay. 

Bang giao với Vatican – Một thách thức văn hóa

Hiện nay, Việt NamHoly See vẫn còn đang trong quá trình đàm phán, nội dung thảo luận không được phổ biến, do đó chúng ta không thể biết được mỗi bên sẽ “được” gì và “mất” gì ? Thậm chí không biết việc thiết lập bang giao có kết quả hay không ? Nhưng ít nhất là trong 6 tháng vừa qua, tuy chưa chính thức bang giao nhưng Vatican đã “được” một ít, và trên bàn đàm phán, ngoài những “được” trong chính sách vĩ mô, chắc là có những vấn đề cụ thể phải giải quyết như thiết lập một Tòa Khâm sứ của Tòa thánh tại Hà Nội, nới rộng địa bàn hoạt động của “thánh địa” LaVang, mở thêm nhiều giáo phận mới trên toàn bộ ba miền, xây dựng thêm nhiều chủng viện đào tạo linh mục, và quan trọng nhất, triển khai thế đứng và hoạt động của hai chân đạo và đời của Giáo hội Công giáo Việt Nam

Còn về phía Việt Nam, nhà nước sẽ phải đối diện với một số thách thức không thể không giải quyết một khi bang giao được thiết lập:

• Làm sao biện minh được những nghịch lý lịch sửvăn hóa cho một số bộ phận đông đảo trí thức, văn nghệ sĩ và quần chúng Việt Nam về sự hiện diện của kẻ cựu thù văn hóa trên đất nước. Đúng là trong chính trị, và nhất là trong kinh tế, không ai bạn muôn đời cũng không ai thù muôn kiếp. Nhưng cũng đúng là trong văn hóa thì khác, nhất là kẻ cựu thù đó vẫn tiếp tục nuôi ý đồ khống chế đời sống tâm linhvăn hóa của dân tộc.

• Làm sao biện minh được những mất mát đau thuơng của các chiến sĩ đã bỏ mình trong hai cuộc chiến 30 năm chống xâm lăng dành độc lập để được sống trong nề nếp văn hóa dân tộc, mà giờ nầy khói hương tưởng nhớ họ vẫn còn nghi ngút trên các bàn thờ từ Bắc chí Nam. Và hàng triệu nạn nhân khác do chính sách đối xử bất công để cướp của cướp đất của Giáo hội Công giáo trong quá khứ, mà nay vì bang giao nên cũng sẽ cần được thanh lý. 

• Làm sao giải tỏa được mối nghi ngờ của Trung Quốc, người láng giềng Xã hội Chủ nghĩa to lớn và khó chịu ở phương Bắc, một quốc gia quyết tâm “dân tộc hóa” Công giáo. Đồng thời, làm sao biện minh về mối giao hảo với Vatican, một đồng minh thân cận của Mỹ, đã từng góp phần đắc lực vào việc làm sụp đổ lực lượng Cọng sản quốc tế.

• Làm sao ngăn chận được đợt tấn công mới của các thế lựcdiễn biến hòa bình quốc tế, người Việt Kitô giáo “chống Cọng chết bỏ” ở nước ngoài, và thành phần “đối lập chế độ” bên trong, nương vào “chiến thắng” mới mẽ của Tòa thánh, để thừa thắng xông lên vận động quần chúng trong và ngoài nước chống đối chế độ.

• Làm sao kiểm soát được sự thao túng của đội quân “chất xám” và “chất xanh dollar” phản động của Công giáo hải ngoại đã và sẽ tìm cách xâm nhập vào cơ cấu của chính bộ máy Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và hàng trăm tổ chức đoàn thể nhân dân ngoại vi của đảng ... để thi hành kế hoạch kỳ diệu của Vatican [12] đang muốn biến Việt Nam thành mùa gặt lớn với những hệ lụy vô lường của nó. 

• Làm sao giải quyết được việc hoàn trả rất nhiều địa ốc và cơ sở Công giáo mà Nhà nước đã hóa giá cho các cơ quan chính phủ và tư nhân chiếm hữu từ hơn 50 năm qua. Đồng thời, cũng phải lấy các biện pháp hoàn trả các cơ sở tương tự cho các tôn giáo khác để đoàn kết dân tộc, tránh tình trạng kỳ thị tôn giáo.

• Làm sao đối phó được tình trạng gia tăng tệ nạn xã hội khi cặp bài trùng “đạo Chúa” và “Tây phương hóa bừa bãi” công phá nền tảng đạo đứcan ninh xã hội trên toàn cõi Việt Nam

Hãy đọc phúc trình thê thảm của chính “người Tây phương theo đạo Chúacảnh báo về tác hại ghê gớm của cặp bài trùng nầy: Tháng 10 năm 2005, khoa học gia về tiến hóa Gregory S. Paul đã trình bày trong một nghiên cứu khoa học cho tạp chí Journal of Religion and Society thuộc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo của đại học Creighton (bang Nebraska) về mối tương quan hai chiều giữa “sự phổ quát của tính tôn giáo” (popular religiosity) và “sự lành mạnh có thể định lượng của xã hội” (quantifiable societal health) trong 18 quốc gia dân chủ theo đạo Chúa, trong đó có cả Mỹ. 

Trong nghiên cứu đó, sự “phổ quát tôn giáo” được căn cứ trên 3 yếu tố: số bách phân của tín đồ tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, tần số cầu nguyện Thiên Chúa và tần số chịu các thánh lễ. Còn “sự lành mạnh có thể định lượng được” thì căn cứ trên 5 tệ đoan xã hội: số lượng các tội sát nhân, bệnh truyền nhiễm sinh lý, trẻ vị thành niên bị mang thai, phụ nữ phá thaitử vong của trẻ em. [13]

Bản nghiên cứu nầy kết luận rằng quốc gia nào càng tin Chúa thì xã hội càng nhiều tội ác. Và Mỹ, quốc gia sùng bái Thiên Chúa và tin tưởng vào Kinh thánh đông nhất và cuồng nhiệt nhất, thì đứng đầu bảng về 4 (trong 5) lãnh vực nghiên cứu là tội sát nhân, bệnh truyền nhiễm sinh lý, trẻ vị thành niên mang thai, và phụ nữ phá thai

Đó mới chỉ là một số trong nhiều thách thức vừa có tính nguyên tắc vừa có bề rộng hiện thực mà nhà nước Việt Nam phải giải quyết. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của nhà nước Việt Nam là một khi đã công nhận Vatican thì làm sao để giải thích được tính chính thống của nhà nước trong vai trò lãnh đạoquản lý đất nước như Hiến pháp quy định. Tính chính thống đó, khác với tính hợp hiến và hợp pháp, thì không do văn bản quy định mà bắt nguồn từ vai tròtrách nhiệm lịch sử của đảng Cọng sản trong hai cuộc chiến tranh dành độc lập khi đảng xả thân hoàn thành sứ mạng hợp lòng dân hợp thời đại lúc bấy giờ. Đó là hai cuộc chiến tranh, mà ở nội dung sâu thẳm nhất, là hai cuộc chiến tranh văn hóa. Thắng lợi lẫy lừng của đảng trao lại cho dân tộc, do đó và trên hết, là thắng lợi văn hóa. Nay, bang giao với Vatican, tính chính thống đó phải được hiểu như thế nào ? 

Để kết thúc bài viết, xin bạn đọc trở về giữa lòng thủ đô Hà Nội ngàn năm văn vật, trái tim Thăng Long của cả nước. Tại góc đường Nguyễn Lương Bằng và Đặng Tiến Đông, có tượng đài vua Quang Trung được trang trọng xây dựng trên gò Đống Đa cũ của mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789. Trong khuôn viên tượng đài uy nghi nầy có đặt một tảng đá lớn, khắc lại một phần câu nói quyết liệt nhất trong hịch xuất quân của người anh hùng áo vải cờ đào Nguyễn Huệ trước khi tiến đánh quân Thanh xâm lược: “Đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng. Đánh cho chúng chinh luân bất phản, đánh cho chúng phiến giáp bất hoàn. Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”

“Để dài tóc” và “để đen răng” là để được làm người Việt Nam sống với văn hóa của chính dân tộc mình. Cẩm nang khôn ngoan giữ nước của người xưa còn gởi gắm lại đó, nhưng không biết người nay, giữa lòng thủ đô Hà Nội và cả nước, có còn ai quan tâm đến một hiểm họa to lớn sắp xảy đến cho Tổ quốc Việt Nam không ?

[1] www.cia.gov/cia/publications/factbook/rankorder/2119rank.html
[2] Theo www.vatican.va/news_services/press/documentaxione/documents/corpo-diplomatico 
Hội viên (12): CTBTO, IAEA, ICMM, IGC, INTELSAT, ITU, OPCW, UNCTAD, UNHCR, UNIDROIT, UPU, và WIPO. Quan sát viên (21): FAO, ICAO, IFAD, ILO, IMO, IOM, ISDR, LU, UNCHS, UNCOPUOS, UNCSD, UNDCP, UNEP, UNESCO, UNIDO, UNO, WFP, WHO, WMO, WTO, và WToO (World Tourist Organization, Madrid, Spain). 

[3]Sam Harris, The End of Faith, W.W. Norton & Co., New York, 2005, trang 26: Trong năm 2005, trên thế giới có 12 cuộc đụng độ vũ trang có màu sắc tôn giáo thì đạo thờ Chúa đã chiếm đến 11 cuộc “thánh chiến”: ở Palestine (Do Thái giáoHồi giáo), ở Balkans (Công giáo và Chính Thống giáo), cũng ở Balkans (Chính Thống giáo và Hồi giáo), ở Bắc Ireland (Công giáo vàTin Lành), ở Kashmir (Hồi giáoẤn Độ giáo), ở Sudan (Tin LànhHồi giáo), ở Nigeria (Tin LànhHồi giáo), ở Ethiopia (Tin LànhHồi giáo), ở Sri Lanka (Ấn Độ giáo Tamil và Phật giáo Sinhalese), ở Indonesia (Tin LànhHồi giáo), ở Caucasus (Chính Thống giáo và Hồi giáo) và cũng ở Caucasus (Công giáo và Hồi giáo). 

[4] Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Antoine Nguyễn Ngọc Sơn, được tải đi trên mạng Internet qua các trang nhà Công giáo như Vietcatholic ...

[5] Trích dẫn trong tiểu mục nầy chủ yếu lấy từ một phần của bài viết “Nhận Định về Văn Kiện Tông Huấn Giáo Hội tại Châu Á” của Ngô Triệu Lịch, in trong tuyển tập ba tác giả Kitô Giáo – Kế Hoạch Cải Đạo Á Châu, Á Châu xuất bản 2005, Giao Điểm phát hành, PO Box 2188, Garden Grove, CA.92842, USA. Phần nhấn mạnh là của tác giả.

[6] “Ecclesia in Asis” is a Declaration of War against Asian culture, Asian religions, and Asian society in general, and Hinduism in particular. Mac Kher, http://www.buddhismtoday.com/english/dialogue/005-pope.htm 

[7]http://wdsbeta.worldbank.org/

[8] Ngoại trưởng Mỹ Warren Christopher, vào nhiệm kỳ thứ nhất của Tổng thống Bill Clinton, trong bài diễn văn đọc tại Viện Quan hệ Quốc tế ở Hà Nội ngày 6 tháng 8 năm 1995, đã nhắc lại lời tuyên bố nổi tiếng của Phó Thủ tướng Lê Mai trước đó tại Washington DC (Vietnam is a Nation, no longer a War) như một khẳng định về bản chất giao hảo mới giũa hai quốc gia Việt Mỹ. 

[9] Hội viên (39): APEC, APT, ARF, AsDB, ASEAN, CP, FAO, G-77, IAEA, IBRD, ICAO, ICRM, IDA, IFAD, IFC, IFRCS, ILO, IMF, IMO, Interpol, IOC, ISO, ITU, MIGA, NAM, OPCW, PBEC, UNO, UNCTAD, UNESCO, UNIDO, UPU, WCL, WCO, WFTU, WHO, WIPO, WMO, và WToO (World Tourist Organization, Madrid, Spain). Quan sát viên (3): ACCT, IOM, và WTO.

[10] Dịch tóm từ bản Anh ngữ của Tòa Đại sứ Việt Nam tại Anh quốc www.vietnamembassy.org.uk/diplomatic.html 

[11] Cho bài viết này, chỉ xin liệt kê ra đây 15 tác giả quen thuộc: 1. The Vatican Empire, Nino Lo Bello; 2. American Freedom and Catholic Power, Paul Blanshard; 3. Pope, Premier, President, Roland Flamini; 3. Catholicisme et Sociétés Asiatiques, Alain Forest & Yoshiharu Tsuboi; 4. The Roman Catholic Church in Colonial Latin America, Richard E. Greenleaf; 5. The Catholic Church in World Politics, Eric O. Hanson; 6. The Missionaries: God Against the Indians, Norman Lewis; 7. a. Catholic Imperialism and World Freedom, b. The Vatican's Holocaust, Avro Manhattan; 8. Công giáo Chính sử: 2000, Trần Chung Ngọc; 9. The Politics of the Vatican, Peter Nichols; 10. Christ or Evil? The Corrupt Face of Christianity in Africa, Anene Obianyido; 11. The Holy Humbugs, Padchi; 12. Missionaries, Julian Pettifer & Clive Prince; 13. The Roman Catholic Church in Modern Latin America, Karl M. Schmit; 14. Công Giáo Trên Bờ Vực Thẳm, Charlie Nguyễn; 15. The Keys of This Blood, Malachi Martin.

[12] Ngoài Vatican, có thể còn phải cảnh giác cả “Ngoại viện Mỹ cho các nước kém mở mang được coi như một loại đế quốc mới: không phải là đế quốc quân sự nhưng là đế quốc đô-la; nó không toan tính thiết lập một văn phòng chính trị kiểu thực dân nữa. Thay vào đó, nó mua chuộc nhữngchính trị gia bản xứxen vào nội tình quốc gia bằng các phương cách kinh tế... Nó cũng có hiệu quả như thực dân quân sự nhưng khó lột mặt nạ hơn” – Mục sư Robert McAfee Brown, Vietnam: Crisis of Conscience, Associate Press, New York, trang 24. 

[13] Rosa Brooks – The Dark Side of Faith, nhật báo Los Angeles Times, số ra ngày 1 tháng 10 năm 2005

6-2008
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.