THUYẾT TRÌNH VÀ THAM LUẬN
3. PHẬT GIÁO NHẬP THỀ VÀ SỰ PHÁT TRIỂN
PHẬT GIÁO TRONG NỀN TOÀN CẦU HÓA
Hòa thượng THÍCH TRÍ QUẢNG
Phó chủ tịch hội đồng trị sự Trung Ương GHPGVN
Trưởng ban Phật giáo Quốc tế Trung Ưong
Khái niệm “Hội nhập” và “Toàn cầu hóa” được nhắc đến và bàn luận trên phương tiện truyền thông đại chúng càng ngày càng nhiều trong thời đại ngày nay. Có hai khuynh hướng trái ngược nhau về vấn đề toàn cầu hóa. Một số người e ngại rằng việc toàn cầu hóa sẽ dẫn đến tình trạng các cường quốc giàu có sẽ chi phối, chèn ép các nước nhỏ, nghèo, dẫn đến việc áp đặt, cướp mất chủ quyền. Nhưng ngược lại, đại đa số các quốc gia lại nhận thức rằng trong thế giới văn minh ngày nay, vấn đề quan hệ giữa người với người, giữa các quốc gia với nhau là điều rất cần thiết. Thật vậy, mối quan hệ tương tác giữa các nước, giữa các khu vực sẽ tạo điều kiện để các quốc gia bổ sung và hỗ trợ cho nhau về tư tưởng, văn hóa, chính trị, kinh tế, v.v…, để có thể học hỏi lẫn nhau, tìm ra được những điều tốt đẹp giúp nhau cùng phát triển đời sống của người dân trong nhiều lãnh vực. Con đường hợp tác cùng có lợi là giải pháp tích cực của việc toàn cầu hóa vậy. Tuy nhiên, trong mối quan hệ phát triển giữa các quốc gia, không thể nào tránh khỏi một số văn hóa không lành mạnh gây tác động xấu, hoặc những sinh hoạt không còn thích hợp với thời đại văn minh sẽ bị đẩy lùi.
Riêng Phật giáo hiện diện trong bối cảnh toàn cầu hóa, đứng giữa hai khuynh hướng trái ngược như vậy, sẽ có quan điểm như thế nào ? Chúng ta đều biết Phật giáo chủ trương lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Vì vậy, dưới cái nhìn của người đệ tử Phật được soi sáng bởi trí tuệ thì mối tương quan tương duyên giữa mọi người với nhau, giữa con người với các loài, với thế giới bên ngoài là điều quan trọng và rất cần thiết. Thật vậy, sự hội nhập vào môi trường toàn cầu, nghĩa là xây dựng mối tương quan sâu rộng với nhiều nước, nhiều người, từ đó chúng ta mới có cơ hội tiếp cận và hiểu thêm được sự văn minh của thế giới và sử dụng được cái hay cái đẹp vào đời sống để hoàn thiện bản thân mình và những người xung quanh, đưa xã hội mình cùng đi lên.
Khi đức Phật còn tại thế, Ngài đã tìm hiểu, học hỏi và tiếp nhận những nền văn minh có trước. Điển hình là Ngài đã trực tiếp tham vấn hai nhà hiền triết nổi danh đương thời là ông Ka - la - ma và Uất - đầu –lam - Phất. Chính nhờ mối quan hệ và tìm hiểu ấy mà đức Phật đã nhận chân rõ sự sai lầm của tư tưởng ngoại đạo thời bấy giờ, để từ đó Ngài tìm ra chân lý giải thoát cho chính mình và ảnh hưởng mạnh mẽ cho cả xã hội đương thời.
Từ tác động sâu xa vào xã hội, từng bước đức Phật đã mở rộng đạo lực của Ngài sang các tôn giáo khác, để chỉ dạy họ nhận thấy những ý nghĩ và hành động sai lầm của chính họ, giúp họ hoàn thiện đời sống tri thức và đạo đức, giúp cho tổ chức của họ ngày một phát triển mang đến lợi ích cho nhiều người. Nhờ sự quan tâm và chỉ dạy đúng đắn hoàn toàn của đức Phật, một số nhà lãnh đạo tôn giáo không những quy ngưỡng đức Phật một cách tự nhiên, như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ca Diếp, v.v… mà còn từ bỏ cuộc sống tu hành sai lầm, trở về nếp sống thánh thiện theo Phật, lấy trí tuệ làm sự nghiệp.
Và sau khi Phật Niết bàn, những người đệ tử chân chánh thừa kế sự nghiệp vô ngã vị tha của đức Phật, ngoài nền văn minh Ấn Độ, họ đã tiếp thu thêm nền văn minh của Trung Đông, Ai Cập, Hy Lạp mà hình thành nên tư tưởng Đại thừa Phật giáo. Và trên con đường truyền bá chánh pháp, sang đến nước Trung Hoa, các nhà truyền giáo lại tiếp thu thêm nền văn minh lừng danh của bản địa là các tư tưởng triết học của Khổng, Mạnh, Lão, Trang, để đưa tư tưởng của Phật giáo Đại thừa lên đỉnh cao rực rỡ. Hơn nữa tại Trung Hoa, cũng như phát triển tốt đẹp sang các nước như Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam.
Với phương châm lấy trí tuệ làm sự nghiệp, nếu nói theo ngôn ngữ ngày nay, thật sự đạo Phật đã thể hiện tinh thần toàn cầu hóa. Và chính nhờ vào ngọn đuốc trí tuệ của chánh pháp mà hàng đệ tử Phật trên con đường hoằng hóa độ sinh, sống với tinh thần vô ngã và vị tha, nên đã tiếp thu văn minh nhân loại theo khuynh hướng “hội nhập và toàn cầu”. Cốt lõi này thường được các nhà truyền giáo thể nghiệm gọi là tùy duyên nhưng bất biến đã giúp cho Phật giáo tồn tại và phát triển hơn hai ngàn năm. Cho đến ngày nay, Phật giáo vẫn tiếp tục là kim chỉ nam hướng dẫn loài người sống an vui hạnh phúc trên hành tinh này.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa của thời hiện đại, thiết nghĩ nếu ứng dụng sự hiểu biết trong sáng và chuẩn xác theo chánh pháp, cũng như với đức hạnh vì sự sống lợi ích cho muôn loài, đạo Phật chẳng những không hề bị lỗi thời, mai một, mà trái lại, Phật giáo chúng ta có thể đóng góp lợi ích thiết thực cho cuộc sống của nhân loại được hòa bình, phát triển, an vui trong ngôi nhà chung trong lành, xanh sạch trên trái đất này.