- Nhà có ba bà chị
- Mùi - được làm sư cô rồi!
- Câu chuyện hoàn tục của chú Hồng
- Chắc con chết quá
- Tụi bạn thân của chú Huệ Hiếu
- “Trong nhờ - đục chịu”
- Câu chuyện xuất gia lại của thầy Pháp Niệm
- Con bé Điệu ở chùa
- Tý - đợi mẹ về nha con
- Gửi em - người tu sĩ trẻ
- Ai làm gì làm - kệ đi!
- Gửi em - người sầu khổ
- Cho con đi tu - mẹ nhé!
- Xin mẹ đi tu - không nói nên lời!
- Câu chuyện thiền có thật
- Mẹ! đi tu vui lắm
- Ông sư kìa!
- Sư mà cũng...
- Nhà có ba ông anh
- Gửi em - người cô đơn nhất
- Giọt nước mắt của cụ
- Khổ gì mà khổ hoài
- Biết đâu - đừng lo
- Em ơi! đừng khóc nữa
- Câu chuyện đời - về cậu bạn thân
- Nếu tôi là họ?
- Nhà sư thương mẹ
- Bài học từ vị thiền sư
- Ba vị thầy - tôi gặp
- Thúi - còn nặng lòng với hai chữ quê hương
- Có một sự cúng dường thật dễ thương
- Hãy đi tu khi còn trẻ...
Giác Minh Luật
Nhà xuất bản Hồng Đức
Câu chuyện hoàn tục của chú Hồng
Chú Hồng vào chùa sau tôi, nên chú phải làm sư đệ vì so với tuổi đời hay tuổi đạo thì chú cũng đều nhỏ hơn tôi. Nhưng nói về sự ham tu, ham học thì chắc tôi hổng bằng chú, vì chú siêng năng lắm, lúc nào cũng cầm quyển kinh trên tay để học và khi học thì rất mau thuộc, nên mỗi lần bị mấy sư lớn dò kinh hay luật Tỳ-ni thì chú đều đứng trả bài một cách rành mạch với đôi mắt sáng trưng và giọng đọc lảnh lót dễ thương vô cùng nên lúc nào cũng được khen là thông minh và có căn lành nhiều đời với Phật pháp.
Tôi cũng thấy vui và tự hào, vì được ở chung phòng với chú và cũng chơi thân nhất với chú nữa. Nhưng người ta thường nói là người có tài thì thường có tật cũng đúng, vì chú được mang danh hiệu “ở dơ” nhất chùa, vì kẻ thù lớn nhất của chú là tắm rửa và giặt đồ, với chú - nó là một điều hết sức phi lý khi mỗi ngày ai cũng phải tốn thời gian quá nhiều cho việc tắm rửa và giặt đồ, rồi chú lý luận với tôi là hồi xưa thời Đức Phật có quy định mỗi vị xuất gia không được phép tắm rửa quá hai lần trong nửa tháng, trừ khi đau, vì thế mình tu học theo Phật thì phải biết giữ gìn giới luật.
Nghe chú nói đến đó tôi hú hồn hú vía, hai mắt tròn xoe và liền đề nghị chú dọn đồ ra khỏi phòng, vì đường tu của tôi còn dài, tương lai còn rộng nên không thể để một ngày nào đó “nằm xuống” vì mùi hương của chú sát hại được. Nghe vậy, chú sợ quá nên xuống nước năn nỉ và hứa với lòng là sẽ cố gắng hai ngày tắm một lần.
Nghe vậy tôi cũng an lòng và phát khởi từ tâm để chú được tiếp tục có nơi trú ngụ, chứ nói thật là ở cái chùa này ngoài tôi ra thì hổng ai dám hy sinh đời mình để cho chú tá túc và để sưởi ấm tình huynh đệ, chắc vì khái niệm về mùi hương của chú rất khác lạ, hổng giống như bao người phàm tục khác.
Tối nay, tôi và chú ai cũng vui lắm, vì hồi sáng lúc điểm tâm được Sư phụ thông báo là năm sau tôi và chú sẽ đủ tuổi để được thọ giới Sa-di, được đắp y và trở thành nhà sư.
Nghe đến đó, tôi và chú ai cũng hạnh phúc và hồi hộp vô cùng, vì rằng hạnh phúc lớn nhất của những người tập sự xuất gia như tôi và chú là khi được lên lớp, được đắp y, nên dẫu biết vẫn còn cả năm nhưng ai cũng hạnh phúc và đợi chờ đến thời khắc thiêng liêng đó, vì chắc để ba mẹ được vui, được tự hào khi thấy con mình đã trưởng thành và trở thành một nhà sư mà ba mẹ hằng mong ước. Nên đêm nay mặc dầu trời đã quá khuya mà tôi và chú ai cũng ngồi ngay góc bàn để hăng say học luật Sa-di và 24 bài oai nghi, để thi đua và để đợi chờ.
Chú Hồng quay sang tôi hỏi: - Nè! Sư huynh, sư huynh có nghĩ đệ sẽ trở thành thủ khoa cho kỳ thọ giới lên lớp sắp tới không?
Tôi cười nhẹ đáp: - Chắc không và 100% là không.
Chú ngơ ngác nhìn tôi đáp trả: - Tại sao huynh nói kỳ vậy, làm nhụt chí quá.
Tôi cười trả lời với giọng hơi nghiêm túc: - Vì chắc đệ đã vô tình hay cố ý quên rằng, đệ đang ngồi cạnh một đối thủ đáng gờm như huynh đây.
Nghe đến đó chú cười to và chạy đến thọt lét tôi, nhột quá tôi la toáng lên và hai huynh đệ cười hí hửng đầy hạnh phúc như những chú chim non đang thi đua bay lượn trên bầu trời xanh và cùng nhau đóng góp những âm điệu thanh thao, thích thú cho cuộc đời.
Thế là tôi và chú cũng bắt đầu đi ngủ vì trời cũng đã quá khuya, mỗi người nằm trên một cái giường gỗ nhỏ đơn giản đủ cho một người nằm, được xếp ở hai góc tường của căn phòng.
Tôi với tay tắt đèn, căn phòng cũng đã chìm trong bóng đêm mù mịt và sự yên lặng đầy hùng tráng ngoài những tiếng ve kêu lúc to, lúc nhỏ đầy ầm ĩ bên ngoài.
Nhưng tôi không tài nào nhắm mắt được nên vội lên tiếng hỏi như thăm dò để coi thử chú Hồng đã ngủ chưa.
- Hồng nè! Hồng! Hồng! Tôi kêu nhỏ một cách liên hồi như thế. Nhưng đáp lại là tiếng ngáy từng hồi như còi xe lửa báo hiệu trước giờ lăn bánh xúc động, nghẹn ngào được phát ra từ cái miệng của chú.
Nghe vậy, tôi thầm trách: - Trời, cái người gì mà mới nằm xuống là ngủ như chết, một mai lỡ có thích khách lẻn vào phòng ám sát tôi rồi cột sợi dây vào cổ tôi rồi kéo quanh chánh điện ba vòng mà tôi có cố gắng kêu cứu từng hồi trong nấc nghẹn đi nữa thì chắc chú cũng vẫn còn an lành trong giấc ngủ quá - chơi kỳ.
Tự nhiên nghĩ tới đó, tôi lạnh cả người và sợ quá chừng quá đỗi khi nằm nghe tiếng kêu đầy thê lương của chú đang phát ra, tự nhiên chú Hồng giật mình đáp trong mê ngủ: - Gì, gì huynh, huynh kêu gì, có thích khách hả, ở đâu, ở đâu?
Nghe vậy, tôi mắc cười đáp: - Cái gì ông tướng, tự nhiên thích khách ở đâu ra, riết rồi nhiễm phim Trung Quốc quá nha!
Chú cũng cười to đầy khoái chí, thế là đêm nay tôi và chú cùng thức, cùng đồng điệu với nhau trong từng lời tâm sự đêm khuya giữa hai người con trai hiền lành, dễ thương quá chừng quá đỗi - im lặng một hồi, tôi lên tiếng hỏi:
- Này chú Hồng, tại sao mà chú đi tu vậy, rồi ước mơ của chú sau này là gì?
Chú cười to, bảo tôi: - Huynh sến quá.
Tôi gượng cười và đáp: - Không đâu, vì thật sự hồi trước huynh thấy đệ được mẹ dắt vào chùa này để xin Sư phụ cho ở lại tu học, chứ không phải là người xuất gia ở đây. Nên chắc đệ cũng đã đi tu từ hồi rất nhỏ rồi nhỉ.
Chú cũng bắt đầu mở lòng và chia sẻ: - Đúng rồi huynh, đệ xuất gia từ năm lên mười, nhưng lúc đó đi tu cũng vì thương mẹ, mẹ bắt đệ phải vào chùa, phải đi tu để mẹ được an lòng.
Nghe vậy, tôi thắc mắc: - Nhưng tại sao phải bắt chú đi tu khi chú không hề ham thích?
Chú im lặng một lúc rồi trả lời: - Chuyện là ba của đệ ngoại tình với người con gái khác - chú nói trong vẻ hồn nhiên - ba á hả, ngày nào cũng đi đi về về trong vòng tay với người con gái đó, lúc đó mẹ đau khổ lắm, tối nào thấy mẹ cũng khóc và năn nỉ ba hãy trở về với gia đình và hãy sống vì con. Nhưng ba hổng có chịu, ba nói là ba chán mẹ rồi, mẹ già rồi nên hổng còn xinh đẹp như xưa nữa, nên ba phải tự tìm cho mình niềm vui mới, mẹ mà hổng chịu chấp nhận để ba lấy thêm vợ bé thì ba sẽ sống với người con gái kia.
Rồi trong khoảng thời gian đó, mẹ đau khổ lắm, ngày nào mẹ cũng ra ngoài đầu ngõ để đợi ba về, rồi mẹ khóc. Cho đến một ngày, ba dắt người con gái đó về nhà và đánh mẹ, rồi đuổi mẹ ra khỏi nhà, khi ấy mẹ ngồi bệt dưới đất mà khóc, khóc nhiều lắm, mẹ nói là tại sao ba lại đối xử với mẹ như thế, ba là con người phụ bạc, vong ân bội nghĩa, rồi mẹ chửi ba là loài cầm thú chứ không phải con người, rồi mẹ bồng đệ trên tay với mấy bộ quần áo để rời xa quê hương, xa gia đình để ra đi tha phương lập nghiệp.
Im lặng một hồi, chú Hồng nói tiếp trong nước mắt:
- Mẹ dắt đệ đi khắp mọi trên những con đường của Sài Gòn dưới ánh đèn đêm mà không biết phải đi đâu về đâu. Khi ấy, đệ chỉ thấy mẹ khóc, mẹ khóc thật nhiều, vừa đi vừa khóc rồi mẹ ôm đệ vào lòng, mẹ nói mẹ thương đệ nhiều lắm, mẹ sẽ sống và cố sống để nuôi con - nói đến đó chú Hồng khóc nghẹn.
Tôi hỏi tiếp: - Nhưng bây giờ mẹ chú đâu, và sao chú lại đi tu thế này?
Chú đáp: - Dạ, được một thời gian, thì mẹ đệ đi bán vé số, đi đâu mẹ cũng dắt đệ theo cùng, có khó khăn cách mấy đệ cũng không bao giờ than thở, vì đệ muốn mẹ được vui, đệ không muốn mẹ phải khổ nữa, đệ nói với mẹ là sau này lớn lên chút nữa thì đệ sẽ đi bán một mình để mẹ ở nhà và đệ sẽ đi kiếm thật nhiều tiền để mẹ được có đầy đủ vật chất như người ta chứ không phải khổ như thế này nữa.
Chú nói xong, tự nhiên tôi cũng khóc ròng vì bỗng dưng thấy nhớ mẹ vô cùng.
Hồng nói tiếp: - Thời gian sau, mẹ bắt đệ phải đi học, mẹ nói là đệ mà hổng đi học thì sau này sẽ không có tương lai và sẽ khổ giống như mẹ, rồi mẹ bảo là mẹ sẽ gửi đệ vô chùa cho một Sư phụ mà mẹ vô tình quen được khi đi bán, rồi thầy có hứa là sẽ cho đệ đi học và nuôi dưỡng đệ nên người, sau này trưởng thành rồi nếu đệ không muốn tu nữa thì có thể hoàn tục để về lo cho mẹ.
Nhưng được vài năm sau, thầy bị bệnh nặng qua đời, các chú trong chùa đều phải tự tìm cho mình ngôi chùa khác để có chỗ nương tựa, và thế là đệ được gửi đến ngôi chùa dưới quê này theo lời giới thiệu của một sư huynh.
Nghe chú kể đến đây, tôi cũng hình dung được con đường xuất gia của chú, rồi tôi hỏi tiếp:
- Rồi sau này ước mơ của chú là gì?
Chú cười tươi và đáp: - Ước mơ của đệ lớn lắm nha, nhưng trước mắt đệ sẽ học và tu cho thật giỏi để mẹ được vui và sẽ hãnh diện về đệ, rồi sau này khi được lên lớp Sa-di thì đệ sẽ xin thầy trụ trì cho đi học các trường Phật học để trở thành một vị thầy giỏi có tài có đức đặng giáo hóa chúng sanh.
Hồng nói xong, tôi mừng và hạnh phúc lắm. Vì tôi cũng ước mơ giống như Hồng, tôi ước mơ nhiều lắm, mơ sau này lớn lên tôi sẽ trở thành một nhà sư, sẽ được đi du học như mấy sư huynh lớn và sau đó sẽ đi khắp mọi nơi để giảng dạy và hoằng pháp lợi sanh để mang hạnh phúc, niềm vui và đạo đức đến với tất cả mọi người hầu giúp đời bớt khổ.
Sau cuộc nói chuyện đêm khuya, tôi và chú Hồng cũng tự thiếp đi hồi nào không hay.
Sáng sớm tinh mơ vào khoảng 3 giờ sáng, được chào đón bằng một cơn mưa nặng hạt, tôi và Hồng ai cũng đắp chăn kín mít trong cái hơi lạnh đầy thích thú, mơ ngủ, rồi đến khi mở mắt dậy tôi và Hồng mới giật mình nhớ lại và liền lật đật chạy xuống bếp thì kết quả là đống củi khô đã bị mưa tạt ướt hết. Tôi nhìn Hồng với vẻ ngơ ngác:
- Hồng ơi! Giờ này lấy đâu ra củi nữa để nấu cơm hả Hồng? Hồng cũng nhìn tôi mà không nói nên lời.
Thế là bữa cơm sáng nay cho đại chúng bị dọn trễ vì tôi và Hồng phải đợi trời sáng để lấy chiếc xe đạp chạy lên xóm trên xin củi từ một số nhà Phật tử quen để đem về nấu, thế là ăn cơm xong, tôi và Hồng bị phạt quỳ hương, vì cái tội bất cẩn không lấy bạt nhựa để che củi lại trước khi đi ngủ, hai huynh đệ quỳ bên nhau được một hồi lâu, thì tôi thấy Hồng bị đau chân rồi tự nhiên Hồng rơi nước mắt, Hồng bảo:
- Huynh ơi! Đi tu sao mà khổ thế này hả huynh?
Tôi vội ngăn lời nói của Hồng: - Không được Hồng à, Hồng không được nghĩ như thế, đây là bài học về tính kỷ luật và ý thức trách nhiệm mà Thầy đang thầm dạy cho mình đó, với lại mình đang là tập sự xuất gia còn nhỏ nên phải được trải qua quá trình rèn luyện khắc khổ, thử thách ban đầu thì sau này lớn lên mới đủ bản lĩnh, vững chãi để chống chọi lại bao cái khổ ở đời mà trở thành những thạch trụ tòng lâm để mọi người nương tựa chứ, đúng không Hồng? Tôi nói như an ủi, để Hồng được vui mà không còn nghĩ đến điều tiêu cực, buồn chán nữa. Vì tôi biết Hồng đang rất đau chân và thầm trách thầy sao lại xử phạt nặng như vậy.
Vài ngày sau, tôi thấy vẻ mặt của Hồng buồn lắm, đêm nay Hồng không ngủ được nên ngồi dậy mở đèn sáng trưng, tôi thấy lạ quá nên cố gặng hỏi:
- Hồng ơi! Đệ bị gì mà khuôn mặt ủ rũ quá vậy, mà giờ này khuya rồi sao không đi ngủ để sáng mai còn dậy sớm nấu ăn.
Nghe tôi hỏi, Hồng ngồi im với khuôn mặt đầy tâm sự, rồi Hồng nói trong nghẹn ngào:
- Huynh ơi! Sáng mai đệ sẽ ra đời, đệ sẽ hoàn tục, huynh nhớ ở lại giữ gìn sức khỏe và tu học tốt nha. Rồi Hồng òa lên khóc.
Nghe xong, tôi lật đật ngồi dậy, vén mùng lên chạy đến ngồi bên Hồng, nắm lấy tay và nhìn vào mắt Hồng hỏi vội:
- Tại sao, tại sao Hồng lại nói như thế hả, Hồng có biết là tôi buồn lắm không hả, Hồng hèn nhát lắm, Hồng hổng phải như tôi nghĩ, Hồng hổng muốn lên lớp, hổng muốn đắp y và hổng muốn làm nhà sư hả, rồi Hồng có biết là Hồng hoàn tục rồi tôi biết chơi với ai nữa hả. Nói xong, tôi cũng khóc to như Hồng vậy.
Hồng đáp lớn: - Huynh đừng có hỏi nữa được không? Huynh có biết là đệ buồn lắm không?
Tôi cũng nói to trong vẻ giận dỗi: - Ừ, thì Hồng đi đâu đi đi, tôi hổng chơi với Hồng nữa, tôi giận Hồng luôn rồi, đồ hèn nhát.
Thế là tôi và Hồng chỉ ngồi im trong phòng với một bóng đêm im lìm, không ai nói với ai lời nào trong nỗi buồn phủ kín trên chiếc bàn với ngọn đèn điện leo lét. Một hồi lâu Hồng mở lời trước:
- Huynh ơi! Sáng nay, mẹ gọi điện nói chuyện với đệ, mẹ nói là hôm trước khi đi bán mẹ bị chiếc xe Honda tông vào chân mẹ, nên bây giờ chân mẹ bị đau nhức không còn đủ sức đi bán nữa, mấy ngày nay chỉ một mình ở nơi phòng trọ.
- Huynh ơi! Đệ phải làm sao hả huynh, phận làm con mà huynh, đâu thể nào để mẹ mình phải một mình cô đơn, hẩm hiu, buồn tẻ trong lúc khó khăn như thế được. Huynh ơi! Đệ thương huynh nhiều lắm, nhưng mong huynh hãy hiểu cho nỗi lòng của đệ, cho hoàn cảnh của đệ mà để cho đệ được an lòng mà ra đi, đệ sẽ hoàn tục, đệ sẽ về để phụng dưỡng mẹ. Rồi Hồng òa lên khóc.
Nghe Hồng nói, tôi chỉ biết im lặng nắm chặt tay của Hồng vì tôi thấy thương cho Hồng quá. Tôi nghẹn nói: - Hồng ơi! Bao nhiêu ước mơ, bao nhiêu lý tưởng về tương lai, về đạo pháp, mà huynh đệ mình chỉ mới vài ngày trước đây thôi đã cùng kể cho nhau nghe, đã cùng nhau thổn thức, cùng nhau khát vọng về tương lai, rồi hứa với nhau sẽ cùng nhau nỗ lực, nhưng giờ đây Hồng lại nỡ từ bỏ tất cả để ra đi như thế này sao, Hồng nỡ để tôi một mình bước đi với những ước mơ mà mình đã cùng nhau hứa hẹn như thế này sao, nhưng Hồng ơi! Dù sao tình mẫu tử vẫn là trên hết, Hồng hãy về, hãy đi đi để lo cho mẹ của Hồng đi, vì nếu là tôi thì tôi cũng sẽ làm như Hồng vậy, ra đời rồi, Hồng ráng mà sống tốt nha Hồng, đừng bao giờ quên tôi, quên người sư huynh này nha Hồng. Nói rồi, tôi im lặng vì nghẹn lời.
Thế là Hồng cũng đã hoàn tục, giờ đây trong căn phòng chỉ còn lại một mình tôi, đêm nào khi với tay tắt đèn để đi ngủ, tôi cũng tưởng tượng là Hồng vẫn còn đang nằm trên chiếc giường đối diện, rồi Hồng sẽ ngáy, ngáy từng hồi, rồi tôi sẽ kêu nhẹ: - Hồng, Hồng ơi! Hồng ngủ chưa, tôi ngủ không được Hồng ơi! Hồng còn thức không? Nhưng tôi đã không bao giờ còn có cơ hội để được nghe Hồng đáp trả nữa - Đệ nè huynh, huynh ngủ không được hả, có thích khách hả... mà thay vào đó là sự im lặng, im lặng đến vô cùng trong nỗi buồn tẻ và quạnh hiu khi được bao phủ bởi bóng đêm mù mịt.
Rồi cũng đến ngày tôi được thọ giới đắp y Sa-di trở thành một nhà sư, tôi hạnh phúc lắm, hạnh phúc hơn bao giờ hết, vì tôi biết mẹ sẽ rất vui và hạnh phúc, nhưng rồi tôi chợt nhớ tới Hồng, tôi vội lật đật gọi điện cho Hồng.
- Hồng ơi! Hôm nay tôi được thọ giới đắp y rồi
nè Hồng.
Bên kia đầu dây, Hồng trả lời: - Ồ vậy hả, chúc mừng sư huynh nha, sư huynh thật hạnh phúc khi được giữ tròn tâm nguyện của đời mình, còn đệ… Nói tới đây tôi bỗng nghe Hồng nghẹn lại và khóc.
Tôi bảo: - Hồng nè, thôi đừng nghĩ tới nó nữa, mỗi người mỗi duyên mà, Hồng cũng vì chữ hiếu thôi, chứ không thì giờ này tôi với Hồng ai cũng được trở thành nhà sư hết rồi, đúng không Hồng.
Hồng cười nhẹ đáp: - Ừ ừ, đúng rồi! Hồng nhớ chùa, nhớ huynh, nhớ những đêm thao thức cùng huynh học bài, học luật để thọ giới. Huynh ơi! Đệ nhớ huynh nhiều lắm.
Rồi Hồng khóc. Nghe Hồng nói vậy làm tôi cũng khóc theo, để từng dòng nước mắt rơi xuống chiếc y mới mà mình đang mặc như để lưu dấu một thời với những kỷ niệm đầu đời trong nước mắt giữa của tôi và Hồng.
Trước khi tắt máy, tôi bảo: - Hồng nè, nhớ đừng có ở dơ nữa nha, nhớ mỗi ngày mỗi tắm đó, chứ hổng ai mà chịu nổi mùi hương của Hồng giống như tôi đâu. Thế là Hồng cười to khoái chí.