- Nhà có ba bà chị
- Mùi - được làm sư cô rồi!
- Câu chuyện hoàn tục của chú Hồng
- Chắc con chết quá
- Tụi bạn thân của chú Huệ Hiếu
- “Trong nhờ - đục chịu”
- Câu chuyện xuất gia lại của thầy Pháp Niệm
- Con bé Điệu ở chùa
- Tý - đợi mẹ về nha con
- Gửi em - người tu sĩ trẻ
- Ai làm gì làm - kệ đi!
- Gửi em - người sầu khổ
- Cho con đi tu - mẹ nhé!
- Xin mẹ đi tu - không nói nên lời!
- Câu chuyện thiền có thật
- Mẹ! đi tu vui lắm
- Ông sư kìa!
- Sư mà cũng...
- Nhà có ba ông anh
- Gửi em - người cô đơn nhất
- Giọt nước mắt của cụ
- Khổ gì mà khổ hoài
- Biết đâu - đừng lo
- Em ơi! đừng khóc nữa
- Câu chuyện đời - về cậu bạn thân
- Nếu tôi là họ?
- Nhà sư thương mẹ
- Bài học từ vị thiền sư
- Ba vị thầy - tôi gặp
- Thúi - còn nặng lòng với hai chữ quê hương
- Có một sự cúng dường thật dễ thương
- Hãy đi tu khi còn trẻ...
Giác Minh Luật
Nhà xuất bản Hồng Đức
Câu chuyện xuất gia lại của thầy Pháp Niệm
Thế là mấy huynh đệ chúng tôi cũng ngồi cạnh bên nhau với phút giây ấm áp, mầu nhiệm vô cùng trong đêm thiền trà dưới trăng cùng với thầy.
Vâng, vị thầy mà chúng tôi ngồi bên cạnh tối hôm nay chính là thầy Pháp Niệm - người Canada gốc Việt, xuất gia tu học tại Pháp với Sư ông Nhất Hạnh từ những năm đầu tiên khi thành lập Làng Mai. Thầy nhẹ nhàng, khả kính và dễ thương lắm, vì giọng nói của Thầy ấm - ấm vô cùng và nhẹ - nhẹ cũng vô cùng - với lại được nuôi dưỡng bởi tình thương của Sư ông từ những ngày đầu tiên ấy nên thầy thông tuệ và tinh anh với vốn kiến thức Phật pháp lẫn kinh nghiệm tu học hành đạo dày dạn. Thầy nhẹ nhàng hỏi từng người: Where are you from? - Who you are?... chẳng hạn và từ tốn kể cho chúng tôi nghe về một câu chuyện.
Chuyện là: Hồi xưa, có một vị thầy sống trong đại chúng, khi ấy thầy rất thanh thản và nhẹ nhàng, thường mời các vị thầy bạn của mình vào phòng để đàm đạo, thiền trà và thực tập chánh niệm.
Khi ấy Thầy hạnh phúc và bình an lắm nha.
Cho đến một ngày, do một nhân duyên thầy trụ trì mất, nên thầy được tiếp nối lãnh trách nhiệm trụ trì và giữ chức vụ gì đó trong Giáo hội để chăm lo đại chúng và công việc Phật sự chung, từ đó thầy tất bật với trăm công ngàn việc, nội vụ đến ngoại giao, Phật sự đến thời sự, nói chung là thầy bận lắm, bận đến nỗi thầy cảm thấy việc mình làm là vì Giáo hội, vì người khác, vì đạo, vì chúng sanh.
Do suy nghĩ thế mà thầy có lý do chính đáng để có thể than thở, để bận bịu khi có người hỏi thăm như thầm muốn nhận được sự kính phục từ người khác.
Cho nên, từ đó thầy không còn mời người bạn nào đến đàm đạo hay thiền toạ, thiền đàm gì cả như để hàm ý cho mọi người biết là mình đang rất bận, bận lắm luôn.
Cách một thời gian khá lâu như thế, những người bạn đạo của thầy mới thắc mắc và đến hỏi:
- Sao lâu quá rồi chúng con không thấy thầy cùng chúng con ngồi lại bên nhau, bên tình huynh đệ, bên tách trà và an trú cùng nhau với năng lượng của đại chúng trong phút giây thiền toạ.
Trong lúc vừa xong công việc Phật sự ở chùa, với vẻ mặt mệt mỏi và thở hổn hển, thầy trả lời:
- À, dạo này lên làm trụ trì rồi nên bận rộn quá, vừa việc này đến việc kia, nên mệt mỏi và căng thẳng quá, thời gian đâu mà thiền trà với thiền toạ, ngắm trăng với ngắm sao hả thầy.
Nghe xong, mấy người bạn của thầy hội ý rồi trả lời:
- Chúng con nghĩ thầy nên xuất gia lại một lần nữa.
Với vẻ mặt ngơ ngác, Thầy trụ trì quay sang hỏi:
- Tại sao phải xuất gia lại?
Một thầy đại diện trả lời:
- Thì hồi xưa khi thầy đi tu là muốn thoát khỏi sự ràng buộc, đau khổ và mệt mỏi đầy nhàm chán của cuộc đời khi mình bị trói buộc bởi trăm ngàn nhân duyên, nay thầy đã giác ngộ để đi tìm con đường giải thoát và trở về dưỡng nuôi - khám phá phút giây an lạc và hạnh phúc của nội tâm. Nhưng giờ, chúng con thấy thầy làm việc trong sự áp lực, mệt mỏi và khổ đau thì phải chăng thầy nên xuất gia lại một lần nữa.
- Ừ thì,... tôi căng thẳng, mệt mỏi, lo lắng là vì đại chúng, vì đạo, vì chúng sanh.
Vị thầy bạn nói tiếp:
- Thầy không có an lạc, không tự tại, không thảnh thơi trong công việc và không tự mình có thời gian để chế tác hạnh phúc cho chính mình thì thầy làm sao có thể mang hạnh phúc, bình an, tự tại cho người khác và cho cả chúng sanh.
- Có chăng thì cũng chỉ là những việc bên ngoài mang lý do vì... mà thôi, chứ thực chất bên trong chỉ được bao bọc bởi sự hào nhoáng trên danh nghĩa là trách nhiệm - là hy sinh.
Vị thầy trụ trì ngơ ngác đáp:
- Ừ, đúng rồi, chắc tôi phải xuất gia lại lần nữa quá.
Kể từ đó, vị thầy trụ trì đã biết quay về nương tựa hải đảo tự thân, biết dừng lại, biết trân trọng, biết sưởi ấm lại tình thương của đại chúng, của những người huynh đệ đang chung sống bên cạnh mình.
Nói đến đây, thầy Pháp Niệm nhẹ cười, uống ngụm trà và im lặng.
Còn tôi thì ấn tượng và xúc động vô cùng với câu nói: Xuất gia lại - mà tự nói thầm với lòng mình rằng: chắc thỉnh thoảng khi nào tôi cảm thấy khó khăn, mệt mỏi hay áp lực điều gì đó thì tôi cũng phải tập xuất gia lại để không quên mục đích và lý tưởng của người xuất gia
tu học.
Cũng thế, trong đời khi nào bạn cảm thấy mệt mỏi, chán nản và hay thở than nhiều về điều gì đó thì cũng tập nói với lòng mình rằng chắc con phải tập làm mới lại chính mình.
Tức là cái gì làm cho tâm hồn mình trở nên nặng nề quá thì hãy từ từ làm cho nó nhẹ bớt đi, hoặc chuyển sang một hướng khác tích cực hơn, còn nếu không thì bỏ luôn đi cho nó khoẻ, chứ khổ răng mà khổ rứa cũng chẳng được gì.
Xuất gia lại nha! Làm mới lại nha! Tôi ơi! Bạn của
tôi ơi!
Thầy Pháp Niệm ơi! Cảm ơn thầy nhiều nha.
Rồi tôi chợt thấy thầy cười duyên, nụ cười vi tiếu của Bụt thật dễ thương.
Tôi xin lưu ý rằng: Xuất gia lại ở đây theo nghĩa thể tánh xuất gia chứ hổng phải là thân tướng xuất gia nha.