- Mục Lục Toàn Bộ
- Tập 1
- Thay Lời Tựa Và Lời Nói Đầu
- Nghi Thức Sám Hối Và Nghi Thức Trì Tụng
- 01. Phẩm Thế-chủ Diệu-nghiêm Thứ Nhất
- 02. Phẩm Như-lai Hiện-tướng
- 03. Phẩm Phổ-hiền Tam-muội
- 04. Phẩm Thế-giới Thành-tựu
- 05. Phẩm Hoa-tạng Thế-giới
- Tập 2
- 06. Phẩm Tỳ-lô-giá-na
- 07. Phẩm Như-lai Danh-hiệu
- 08. Phẩm Tứ-thánh-đế
- 09. Phẩm Quang-minh Giác
- 10. Phẩm Bồ-tát Vấn Minh
- 11. Phẩm Tịnh Hạnh
- 12. Phẩm Hiền Thủ
- 13. Phẩm Thăng Tu-di Sơn-đảnh
- 14. Phẩm Tu-di Sơn-đảnh Kệ Tán
- 15. Phẩm Thập-trụ
- 16. Phẩm Phạm-hạnh
- 17. Phẩm Sơ Phát-tâm Công-đức
- 18. Phẩm Minh Pháp
- 19. Phẩm Thăng Dạ-ma Thiên-cung
- 20. Phẩm Dạ-ma Cung Kệ Tán
- 21. Phẩm Thập-hạnh
- Tập 3
- 22. Phẩm Vô Tận Tạng
- 23. Phẩm Thăng Đâu-suất Thiên-cung
- 24. Phẩm Đâu-suất Kệ Tán
- 25. Phẩm Thập Hồi-hướng (Phần Đầu)
- Tập 4
- 25. Phẩm Thập Hồi-hướng (Phần Sau)
- 26. Phẩm Thập-địa
- Tập 5
- 27. Phẩm Thập-định
- 28. Phẩm Thập-thông
- 29. Phẩm Thập-nhẫn
- 30. Phẩm A-tăng-kỳ
- 31. Phẩm Thọ Lượng
- 32. Phẩm Chư Bồ-tát Trụ Xứ
- 33. Phẩm Phật Bất-tư-nghì
- 34. Phẩm Như-lai Thập Thân Tướng Hải
- 35. Phẩm Như-lai Tùy Hảo Quang-minh Công-đức
- 36. Phẩm Phổ-hiền Hạnh
- Tập 6
- 37. Phẩm Như-lai Xuất Hiện
- 38. Phẩm Ly Thế Gian
- Tập 7
- 39. Phẩm Nhập Pháp-giới (Phần Trên)
- Tập 8
- 39. Phẩm Nhập Pháp-giới (Phần Dưới)
- 40. Phẩm Nhập Bất-tư-nghì Giải-thoát Cảnh-giới Phổ Hiền Hạnh Nguyện
KINH HOA NGHIÊM
Hán Dịch: Đại-Sư Thật-Xoa-Nan-Đà
Việt Dịch: HT Thích Trí Tịnh
Phật Học Viện quốc
THỨ BA MƯƠI LĂM
Bấy giờ đức Thế Tôn bảo Bửu Thủ Bồ Tát rằng:
Phật tử! Như Lai Ứng Đẳng Chánh Giác có tùy hảo tên là Viên Mãn Vương. Trong tùy hảo này phóng đại quang minh tên là Xí Thạnh, có bảy trăm vạn a tăng kỳ quang minh làm quyến thuộc.
Phật tử! Lúc ta làm Bồ Tát, ở cung trời Đâu Suất, ta phóng đại quang minh tên là Quang Tràng Vương chiếu mười Phật sát vi trần số thế giới. Trong những thế giới đó, chúng sanh nơi địa ngục gặp được quang minh này thời liền hết khổ được mười thứ thanh tịnh nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý cũng như vậy.
Họ đều vui mừng hớn hở. Từ địa ngục chết, họ sanh về cõi trời Đâu Suất. Trong cõi trời này có cái trống tên là Thậm khả ái nhạo. Khi những trời mới sanh xong thời cái trống đó phát âm bảo họ rằng: Này các Thiên Tử ! Do người chẳng phóng dật, ở chỗ đức Như Lai gieo căn lành, ngày trước gần gũi các thiện tri thức nên nhờ oai lực của đức Tỳ Lô Giá Na Bồ Tát, các người thoát khỏi địa ngục mà sanh về đây.
Phật tử! Dưới bàn chân của Bồ Tát có thiên bức luân tên là Quang minh phổ chiếu vương. Nơi đây có tùy hảo tên là Viên Mãn Vương thường phóng bốn mươi thứ quang minh. Trong đó có một quang minh tên là thanh tịnh công đức có thể chiếu ức na do tha Phật sát vi trần số thế giới, tùy những nghiệp hành, những dục lạc của chúng sanh đều làm cho họ được thành thục.
Chúng sanh nơi A Tỳ địa ngục gặp quang minh này thời đều mạng chung sanh về cõi trời Đâu Suất.
Đã sanh thiên rồi, thời nơi trống phát âm bảo họ rằng: Lành thay! Lành thay! Các Thiên Tử ! Tỳ Lô Giá Na Bồ Tát nhập ly cấu tam muội, các Thiên Tử nên đảnh lễ.
Các Thiên Tử nghe tiếng trống phát âm khuyến cáo như vậy đều nghĩ rằng: Lạ lùng ít có, nhơn gì mà phát tiếng vi diệu như vậy.
Thiên cổ liền bảo các Thiên Tử rằng: Tiếng của ta phát ra là do sức những thiện căn làm thành.
Chư Thiên Tử! Như ta nói ta mà không chấp ta, không chấp của ta, tất cả chư Phật cũng như vậy, tự nói là thật mà chấp ngã và ngã sở.
Chư Thiên Tử! Như âm thanh của ta chẳng từ phương Đông đến, chẳng từ mười phương đến, nghiệp báo thành Phật cũng như vậy, chẳng phải từ mười phương đến.
Chư Thiên Tử! Như các người xưa ở địa ngục, thân và địa ngục chẳng phải mười phương đến, chỉ do các người điên đảo, ác nghiệp, ngu si, triền phược mà sanh thân địa ngục, đây không căn bổn, không có chỗ nào đến.
Chư Thiên Tử! Do oai đức lực của Tỳ Lô Giá Na Bồ Tát nên có quang minh phóng ra, nhưng quang minh này chẳng phải từ mười phương đến. Cũng vậy, tiếng thiên cổ ta phát ra cũng chẳng phải từ mười phương đến, chỉ do sức tam muội thiện căn, sức oai đức Bát nhã Ba la mật mà xuất sanh âm thanh, thanh tịnh như vậy, thị hiện những tự tại như vậy.
Chư Thiên Tử! Như núi Tu Di, trên đảnh có cung điện thượng diệu của tam thập tam thiên, các đồ vui sướng, nhưng những đồ vui này chẳng phải từ mười phương đến. Cũng vậy, tiếng thiên cổ ta chẳng phải từ mười phương đến.
Chư Thiên Tử! Ví như ức na do tha Phật sát vi trần thế giới đều nghiền ra thành vi trần.
Ta vì chúng sanh như số vi trần ấy, theo sở thích của họ mà thuyết pháp khiến họ rất vui mừng.
Ta đối với họ chẳng sanh mỏi chán, chẳng sanh thối khiếp, chẳng sanh kiêu mạn, chẳng sanh phóng dật.
Chư Thiên tử! Tỳ Lô Giá Na Bồ Tát trụ ly cấu tam muội cũng như vậy. Nơi bàn tay hữu trong một tùy hảo phóng một quang minh xuất hiện vô lượng thần lực tự tại. Tất cả Thanh Văn, Bích Chi Phật còn chẳng biết được huống là các chúng sanh.
Chư Thiên Tử! Các người nên qua cúng dường và gần gũi Bồ Tát đó, chớ có tham đắm nơi đồ vui ngũ dục. Tham nơi đồ vui ngũ dục thời chướng những thiện căn.
Chư Thiên Tử! Ví như kiếp hỏa đốt cháy núi Tu Di tiêu tan không còn sót. Sự tham dục ràng buộc nơi tâm cũng như vậy, trọn chẳng thể sanh lòng niệm Phật.
Chư Thiên Tử! Các người nên phải biết ơn và báo ơn. Những chúng sanh chẳng biết ơn và báo ơn phần nhiều bị hoạnh tử đọa vào địa ngục.
Chư Thiên Tử! Các người xưa kia ở trong địa ngục nhờ quang minh chiếu đến thân mà thoát nơi kia sanh về đây. Các người phải mau hồi hướng tăng trưởng thiện căn.
Chư Thiên Tử! Như ta, thiên cổ chẳng phải nam, chẳng phải nữ, mà có thể hiện vô lượng vô biên sự bất tư nghì. Cũng vậy, chư Thiên Tử các người chẳng phải nam nữ mà hay thọ dụng những thứ cung điện viên lâm thượng diệu.
Như thiên cổ ta chẳng sanh chẳng diệt, sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy, chẳng sanh chẳng diệt. Các người nếu có thể hiểu được như vậy, nên biết là đã được nhập vô y ấn tam muội.
Chư Thiên Tử nghe tiếng trống trên đây xong, đều được chưa từng có. Liền hóa làm một vạn lùm mây hoa, một vạn lùm mây hương, một vạn lùm mây âm nhạc, một vạn lùm mây tràng, một vạn lùm mây lọng, một vạn lùm cây ca tụng, rồi cùng nhau qua cung điện của Tỳ Lô Giá Na Bồ Tát ngự, đồng chắp tay cung kính đứng qua một phía muốn được chiêm ngưỡng Bồ Tát mà chẳng được thấy.
Bấy giờ có vị Thiên Tử bảo rằng: Tỳ Lô Giá Na Bồ Tát đã ẩn nơi đây mà sanh xuống nhơn gian nơi cung của nhà vua Tịnh Phạn, ngự lầu các chiên đàn ở thai bà Ma Gia phu nhơn.
Chư Thiên Tử dùng thiên nhãn xem, thấy thân Bồ Tát ở nhà vua Tịnh Phạn tại nhơn gian. Phạm Thiên, Dục Thiên chầu hầu cúng dường.
Chư Thiên Tử đều nghĩ rằng: Nếu chúng ta chẳng đến thăm viếng thưa hỏi Bồ Tát, mà ái trước nơi Thiên cung này dầu chỉ một niệm cũng là không nên.
Mỗi mỗi Thiên tử cùng quyến thuộc mười na do tha người sắp sửa xuống Diêm Phù Đề.
Trống thiên cổ phát âm bảo rằng: Chư Thiên Tử! Đại Bồ Tát chẳng phải mạng chung ở đây mà sanh nơi kia. Chỉ dùng thần thông tùy tâm sở nghi của các chúng sanh làm cho họ được thấy.
Như ta hiện nay chẳng phải mắt thấy mà hay phát âm. Đại Bồ Tát nhập ly cấu tam muội cũng như vậy, chẳng phải mắt thấy mà hay thị hiện thọ sanh các nơi, lìa phân biệt, trừ kiêu mạn, không nhiễm trước.
Chư ThiênTử nên phát tâm Vô thượng Bồ đề, trị sạch ý mình, gìn oai nghi lành, sám hối trừ tất cả nghiệp chướng, phiền não chướng, báo chướng, kiến chướng.
Dùng hết pháp giới chúng sanh số thân, đầu, lưỡi, dùng hết pháp giới chúng sanh số thân nghiệp lành, ngữ nghiệp lành, ý nghiệp lành, sám hối trừ những chướng tội lỗi.
Chư Thiên Tử nghe lời này rồi được chưa từng có, tâm rất hoan hỷ mà hỏi thiên cổ rằng: Đại Bồ Tát làm thế nào sám hối trừ tất cả tội ác?
Do sức thiện căn tam muội của Bồ Tát, thiên cổ phát âm bảo rằng: Chư Thiên Tử! Bồ Tát biết các nghiệp chẳng từ phương Đông đến, chẳng từ mười phương đến mà đồng chứa nhóm ở nơi tâm. Chỉ từ điên đảo sanh, không có trụ xứ. Bồ Tát quyết định thấy rõ như vậy không có nghi lầm.
Như thiên cổ ta nói nghiệp, nói báo, nói hạnh, nói giới, nói hỷ, nói an, nói các tam muội. Chư Phật và Bồ Tát cũng như vậy, nói ngã, nói ngã sở, nói chúng sanh, nói tham sân si, nói các loại nghiệp. Mà thiệt ra không ngã, không ngã sở. Những nghiệp tạo ra, quả báo của sáu loài, tìm cầu mười phương đều chẳng thể được.
Ví như tiếng thiên cổ ta chẳng sanh chẳng diệt, chư Thiên tạo ác chẳng nghe tiếng khác mà chỉ nghe tiếng địa ngục giác ngộ. Cũng vậy, tất cả các nghiệp chẳng phải sanh, chẳng phải diệt, tùy có tu tập thời thọ lấy quả báo.
Như thiên cổ ta phát âm, trong vô lượng kiếp chẳng thể cùng tận, không gián đoạn, đều không có lai không có khứ. Nếu có khứ lai thời có đoạn thường. Tất cả chư Phật trọn không nói có pháp đoạn thường. Trừ dùng phương tiện để thành thục chúng sanh.
Như thiên cổ ta phát âm tùy tâm chúng sanh trong vô lượng thế giới đều khiến được nghe.
Cũng vậy, tất cả chư Phật tùy tâm chúng sanh đều khiến được thấy.
Như có cái gương pha lê tên là Năng chiếu, gương này trong sạch sáng suốt, lớn vô lượng vô biên bằng mười thế giới. Trong các quốc độ, tất cả hình tượng của núi sông, của mọi loài, nhẫn đến ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục đều hiện trong gương đó.
Này chư Thiên Tử! Các người nghĩ thế nào? Những ảnh tượng kia có thể cho là đến vào trong gương rồi từ gương mà đi chăng?
Đáp rằng: Không thể nói thế được.
Này chư Thiên Tử! Cũng vậy, tất cả các nghiệp dầu hay xuất sanh các quả báo mà không chỗ đến và đi.
Ví như nhà huyễn thuật, huyễn hoặc mắt người. Phải biết các nghiệp cũng như vậy.
Nếu biết được như trên đây, thời là chơn thiệt sám hối tất cả tội ác đều được thanh tịnh.
Lúc nói pháp này, Chư Đâu Suất Thiên Tử trong trăm ngàn ức na do tha Phật sát vi trần số thế giới được vô sanh pháp nhẫn. Vô lượng bất tư nghì vô số Lục Dục Thiên Tử phát tâm Vô thượng Bồ Đề.
Trong thời Lục Dục, tất cả Thiên nữ đều bỏ thân nữ phát tâm Vô thượng Bồ Đề.
Bấy giờ chư Thiên Tử nghe nói Phổ Hiền quảng đại hồi hướng, vì được Thập địa, vì được chư lực trang nghiêm tam muội, vì dùng ba nghiệp thanh tịnh bằng số chúng sanh mà sám hối trừ tất cả những trọng chướng, nên liền thấy trăm ngàn ức na do tha Phật sát vi trần số hoa sen thất bửu.
Trên mỗi mỗi hoa sen đều có Bồ Tát ngồi kiết già phóng đại quang minh. Mỗi mỗi Bồ Tát nơi mỗi tùy hảo phóng đại quang minh bằng số chúng sanh. Trong quang minh đó có chư Phật bằng số chúng sanh ngồi kiết già theo tâm của chúng sanh để thuyết pháp. Mà còn chưa hiện sức chút ít phần của ly cấu tam muội.
Bấy giờ chư Thiên Tử đem những hoa trên, lại ở trên thân mỗi lỗ lông hóa làm những mây hoa đẹp bằng số chúng sanh cúng dường đức Tỳ Lô Giá Na Như Lai bằng cách rải hoa lên chỗ Phật. Tất cả hoa đó đều dừng ở trên thân Phật. Những mây hương rưới khắp vô lượng Phật sát vi trần số thế giới.
Nếu có chúng sanh nào thân được thấm hương thời được an lạc như Tỳ Kheo nhập đệ Tứ thiền, tất cả nghiệp chướng đều tiêu diệt. Nếu có ai được ngửi, thời đối với năm trần sắc, thinh, hương, vị và xúc, trong đó có năm trăm phiền não, ngoài đó cũng có năm trăm phiền não, kẻ tham nhiều có hai vạn một ngàn phiền não, kẻ sân nhiều có hai vạn một ngàn phiền não, kẻ si nhiều có một vạn hai ngàn phiền não, kẻ đẳng phần có một vạn hai ngàn phiền não, rõ biết tất cả đều hư vọng. Biết như vậy rồi được thành tựu hương tràng vân tự tại quang minh thanh tịnh thiện căn.
Nếu có chúng sanh nào thấy lọng đó thời gieo được một thanh tịnh kim võng chuyển luân vương một hằng hà sa thiện căn.
Phật tử! Bồ Tát trụ nơi ngôi Chuyển luân vương này thời giáo hóa chúng sanh trong trăm ngàn ức na do tha Phật sát vi trần số thế giới.
Phật Tử! Như đức Nguyệt Trí Như Lai ở Minh Cảnh thế giới, thường có tứ chúng ở các thế giới khác hóa hiện thân họ đến nghe pháp. Như Lai này rộng vì họ mà diễn thuyết những sự bổn sanh, chưa từng có một niệm gián đoạn. Nếu có chúng sanh nào nghe danh hiệu Nguyệt Trí Phật, thời được sanh về thế giới của Phật đó.
Cũng vậy, Bồ Tát an trụ nơi ngôi thanh tịnh kim võng chuyển luân vương, nếu có ai gặp được quang minh, thời ắt được bực Bồ Tát Đệ Thập địa, vì do sức thiện căn tu hành từ trước.
Phật Tử! Như người được Sơ thiền, dầu chưa mạng chung đã thấy cung điện ở Phạm Thiên mà được thọ an lạc nơi phạm thế.
Đại Bồ Tát an trụ nơi ngôi thanh tịnh kim võng chuyển luân vương phóng ma ni kế thanh tịnh quang minh.
Nếu có chúng sanh nào gặp được quang minh này đều được bực Bồ Tát đệ Thập địa, thành tựuvô lượng trí huệ quang minh, được mười thứ thanh tịnh nhãn, nhẫn đến mười thứ thanh tịnh ý, đầy đủ vô lượng thậm thâm tam muội, thành tựu nhục nhãn thanh tịnh như vậy.
Phật Tử! Giả sử có người đem ức na do tha Phật sát nghiền làm vi trần, một vi trần là một cõi, lại đem vi trần số Phật sát đó nghiền làm vi trần. Những vi trần này đều để trên bàn tay tả, cầm đi qua phương Đông khỏi ngần ấy vi trần số thế giới mới bỏ xuống một vi trần, đi mãi đến hết số vi trần ấy, chín phương kia cũng như vậy. Mười phương tất cả những thế giới như vậy, hoặc dính vi trần hoặc chẳng dính đều đem hiệp làm một Phật độ.
Này Bửu Thủ! Phật độ như vậy có thể nghĩ bàn được chăng?
Bạch Thế Tôn! Phật độ như vậy rộng lớn vô lượng kỳ đặc ít có chẳng thể nghĩ bàn được.
Nếu có chúng sanh nào nghe ví dụ này mà hay sanh được lòng tin hiểu, phải biết lại là kỳ đặc ít có.
Phật nói: Như vậy! Như vậy! Như lời của ngươi nói, này Bửu Thủ! Nếu có thiện nam tử thiện nữ nhơn nghe ví dụ này mà sanh lòng tin thời ta thọ ký cho người ấy quyết định sẽ thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Sẽ được Như lai Vô Thượng trí huệ.
Này Bửu Thủ! Giả sử lại có người đem ngàn ức Phật sát vi trần số Phật độ rộng lớn như trên đã nói nghiền làm vi trần, rồi đem vi trần này y theo ví dụ trước mỗi mỗi bỏ xuống nhẫn đến hiệp làm một Phật độ. Lại nghiền làm vi trần. Thứ đệ như vậy lần lượt đến tám mươi lần. Tất cả Phật độ quảng đại như vậy có bao nhiêu vi trần, nhục nhãn thanh tịnh nghiệp báo của Bồ Tát, trong một niệm đều có thể thấy rõ. Cũng thấy trăm ức Phật sát rộng lớn vi trần số Phật như gương pha lê trong sạch sáng suốt chiếu mười phương Phật sát vi trần số thế giới.
Này Bửu Thủ! Như vậy đều là phước đức thiện căn của thanh tịnh kim võng Chuyển luân vương tam muội làm thành.