CÔNG HẠNH CỦA MỘT THIỀN SƯ
Minh Mẫn
Vậy là thoáng chốc đã 49 ngày trên bầu trời Thừa Thiên vắng bóng một Thiền sư. Trên thế gian đã vĩnh viễn một bóng hình không còn tồn tại những dư âm ca tụng – chống đối một hiện tượng; so với Đức Đạt Lai Lạt Ma uy tín bởi lãnh đạo tinh thần của dân tộc Tạng lưu vong; Thiền sư lưu vong tự thân làm nên kỳ tích cho một dân tộc, một Phật giáo Việt Nam “tay không mà nước lã đã khuấy nên hồ”!
Hồn thiêng sông núi, nước Việt không phải vô cớ sản sanh lắm nhân tài mọi thời đại đều xuất hiện, hoặc lộ diện hoặc tiềm ẩn.Xuất thân từ cửa Phật, Thiền sư T.Nhất Hạnh thuở còn là chú Tiểu, cũng đã phát xuất lòng từ đối với những động vật nhỏ bé. Khi thọ Sa Di cũng đã quan tâm đến sự trường tồn của Đạo Phật. Người luôn có những ý tưởng đi trước thời đại, mặc dù gặp lắm gian truân trong cửa Thiền do quan điểm bảo thủ cố chấp của vài bậc tiền bối..Muốn đóng góp, xây dựng xã hội và Phật giáo, ngài đã trang bị kiến thức thời đại; mạnh dạn tiến thân vào xã hội công nghiệp, góp tiếng nói hòa bình cho dân tộc.
Thập niên 66, được sự ủy nhiệm của GHPGVNTN, vận động giải trừ chiến tranh hai miền Nam-Bắc. Thiền sư đã liên kết với mục sư Martin Luther Martin để vận động hòa bình và chống chiến tranh VN. (Luther King, Jr. là Mục sư Baptist, nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi, và là người đoạt Giải Nobel Hoà bình năm 1964. Ông là một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ cũng như lịch sử đương đại của phong trào bất bạo động. Wikipedia).
Thiền sư đã giải trình trước Quốc hội Hoa Kỳ, từng gặp Đức Giáo Hoàng và các nhà chính trị, các nhà bất đồng chính kiến và giới sinh viên phản chiến. Song song với hoạt động Quốc tế, người cũng thành lập Đại học Vạn Hạnh, trường Thanh niên Phụng sự xã hội, được thanh niên, sinh viên tham gia đến các vùng nông thôn xây dựng lại sự đổ nát bởi chiến tranh,các đoàn viên đã có nhiều hy sinh thân mạng giữa 2 phía (quốc gia và CS lúc bấy giờ. Dĩ nhiên đoàn “cán bộ Bình định Nông thôn của quốc gia miền Nam cũng làm công tác như thế, đó là sự lập lờ gây nhiều hiểu lầm cho phía Mặt trận Giải phóng Miền Nam VN). Sống quá lý tưởng do xa cách quê hương, người đã có những sáng kiến mà xã hội đương đại không thể chấp nhận, do đó, ngài phải lưu vong suốt 40 năm.
Những năm sau khi đất nước thống nhất, Thiền sư trở lại quê hương mang tâm nguyện giải kết những oan trái cho những người đã đổ máu vì lý tưởng. “Trai đàn Bạt độ giải oan” ba Miền không ngoài hàn gắn vết thương cho dân tộc. Những người nằm xuống của hai miền đều là con Lạc cháu Hồng, đã từng vinh danh lý tưởng cá biệt mà “gà nhà bôi mặt đá nhau”. Thế hệ nặng mùi chủ nghĩa đã xa rồi, thế hệ kế thừa trẻ trung hơn, cởi mở hơn, trong cũng như ngoài nước đều muốn chung tay xây dựng đất nước sau nhiều chục năm tụt hậu.Nhiều nghệ sĩ, thương nhân về đầu tư, tuy nhiên, một vài lãnh đạo địa phương với óc bảo thủ, quan liêu đã đánh mất cơ hội chiêu nạp những đại gia như Trịnh Vĩnh Bình…Dĩ nhiên vừa mở cửa không thiếu những cán bộ chưa quen phong cách thị trường tự do, vẫn chưa thoát khỏi cách điều hành “hợp tác xã” lỗi thời, vì thế làm chậm bước tiến cải cách tác phong công nghiệp.
Trong Tôn giáo cũng thế, khi Làng Mai thâm nhập vào Việt Nam, không lệ thuộc quản lý của Ban Tôn giáo chính phủ thông qua GHPGVN, thêm vào đó, một vài vị lãnh đạo GH đương thời không muốn đón nhận dòng tu khác lạ truyền thống với uy tín quốc tế. Cái chính là tự thân Làng Mai không có người tư vấn để Làng Mai hiểu được tập quán của Phật giáo trong nước. Phong cách bình đẳng theo phương Tây không cho phép một tu sĩ trẻ đứng trước mặt một Hòa thượng hay một chức săc Tôn giáo trao đổi ngang hàng; những thái cách như là bình thường trong xã hội công nghiệp bị xem là thiếu tôn ti trật tự trong nhà chùa. Rất nhiều những sơ xuất đã gây mất cảm tình với nhiều bậc lãnh đạo Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ.Còn rất nhiều nguyên nhân tế nhị đã đẩy Làng Mai khỏi đất mẹ.
Sáng kiến táo bạo của Thiền sư góp ý cải cách xã hội tuy bộc trực, thẳng thắn, Trung ương đón nhận nhưng không thể một sớm một chiều áp dụng.Những ý tưởng đi trước thời đại, có giá trị tương lai, nhưng hiện thực trở thành chướng ngại cho người! đôi khi bị xem là “diễn biến hòa bình do đặc tình Tôn giáo từ ngoài đem vào trong nước thực hiện”
***
Dĩ nhiên có sự chống đối từ bên ngoài khi Thiền sư về VN; cũng như chống đối khi người vận động hòa bình cho đất nước. Có người đặt vấn đề tại sao Thiền sư không bảo miền Bắc chấm dứt tấn công miền Nam? Người xuất thân từ miền Nam, có quyền gì kêu gọi phía Bắc!Trong bài giảng, ngài sơ suất về con số người dân ở Bến Tre khi bị bom thả, chắc gì Thánh nhân không lỡ lời khi nói!.
Việc Thiền sư vận động hòa bình, kết hợp phong trào phản chiến ở các nước phương Tây, thuần túy là do lòng từ, nhưng vô tình trùng khớp với kế hoạch Mỹ hỗ trợ hoặc tổ chức ngầm phong trào phản chiến để có cớ rút khỏi Việt Nam. Suốt 20 năm tham chiến tiêu hao xương máu và khí tài mà vẫn không thấy ánh sáng cuối đường hầm. Người Mỹ cứ đổ tiền, đồng minh đổ quân vào mà không phân biệt ai là dân, ai là địch.Phía Bắc Trung Quốc và Liên Xô hậu thuẩn kiên cố, bền vững, kéo dài không thời hạn, chi bằng buông miền Nam, bắt tay với Trung Quốc, để phân rã Liên bang Xô Viết vẫn hơn,với lý do trên, không lạ gì Trường sa của miền Nam lúc bấy giờ bị Trung quốc chiếm cứ mà hạm đội 7 của Mỹ ở Thái Bình Dương vẫn án binh bất động.
.Lúc bấy giờ, Phó Tổng thống Bush sẵn sàng gặp lãnh đạo tương lai của Xô Viết trong thời gian công cán tại Geneva- M. S. Gorbachev. Không chỉ gặp phó Tổng Thống Bush, - M. S. Gorbachev còn gặp bà Thatcher và giáo hoàng Roma John Paul II. Ông Gorbachev thú nhận: “Tôi cho rằng không có một cá tính mạnh mẽ như Reagan thì tiến trình phân rã Liên Xô sẽ không thay đổi.Và Tổng Thống Reagan,về sau, trong hồi ký của mình nhắc lại sự kiện này, Reagan đã kể lại rằng ông ta đã thực sự bị sốc vì vui mừng. Thực ra ông ta đến cuộc gặp ấy mà không tin rằng tại Reykjavik, Gorbachev đã báo tin một bộ phận chống Xô viết trong giới thượng lưu Matxcova chấp thuận việc phá tan Liên Xô.” (Wikipedia).
***
Sau đệ nhị Thế chiến, bàn cờ quốc tế đã sắp xếp phân chia địa giới; một số nước bị chia đôi như Nam - Bắc Triều Tiên, Đông-Tây Đức trong đó có Nam-Bắc Việt Nam. Cho thấy chúng ta chỉ là con cờ được an bài bởi các nước lớn và đổ máu xương cho chủ thuyết các nước lớn. Do đó, GHPGVNTN ngoài vấn đề tổng hợp các hệ phái, đào tạo Tăng tài, phát triển Phật giáo, còn quan tâm đến tình hình đất nước mà lời mở đầu Hiến chương đã nêu: “Giáo-Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất không đặt sự tồn tại của mình nơi nguyên vị cá biệt, mà đặt sự tồn tại ấy trong sự tồn tại của nhân loại và dân tộc.”
Từ đó không lạ gì Phật giáo đã dấn thân vào vận động hòa bình, Thiền sư T.Nhất Hạnh đại diện tiếng nói của Phật giáo lúc bấy giờ phổ biến trong các nghị trường và phong trào chống chiến tranh. Đó là một trong những nguyên nhân Thiền sư bị gán cho:”ăn cơm Quốc gia thờ ma Cộng sản”. Những mãnh đời thất sũng cũng quy chụp Phật giáo tiếp tay cho Cộng sản; dĩ nhiên Phật giáo buổi giao thời vẫn là nạn nhân, các vị lãnh đạo GHPGVNTN đã một đời trả giá cho sự hy sinh khi đứng giữa hai lằn đạn.
***
Khi sứ mạng vận động hòa bình đã xong, Thiền sư tiếp tục đóng góp cho phương Tây một lối sống hòa bình từ nội tâm – “Hiện pháp lạc trú”. Giòng Thiền mới được Thiền sư sáng tạo theo tinh thần Phật giáo giúp cho cuộc sống công nghiệp bớt căng thẳng; con người thực hiện cảm nhận hòa bình từ nội tâm, đã kết nạp được những thiền sinh Israel và Palestin cùng cộng trụ, xóa nhòa ranh giới phân biệt hận thù. Rất nhiều thiền sinh trên thế giới chung sống dưới mái nhà Làng Mai; các ngành nghề dân sự, quân sự, bán quân sự, trí thức, nghị sĩ, lãnh đạo đều tiếp nhận trang bị cho mình một tâm trạng an lạc thanh thoát.
Tóm lại,không phải vô cớ Thế giới công nhận và tôn vinh Thiền sư T,Nhất Hạnh là một trong những danh nhân văn hóa, đóng góp cho xã hội nhiều phương diện rất hữu ích và hiệu quả. Chưa cần biết quả vị Niết bàn thế nào, trước mắt đem lại một cụộc sống an lạc trong một xã hội đầy căng thẳng, đó là một trong những công hạnh của Thiền sư không thể phủ nhận. Dân tộc VN, PGVN nên hãnh diện đã có một bậc xuất chúng, tại sao chúng ta không trân trọng đón nhận???
MINH MẪN 05/3/2022 .
(Kỷ niệm 49 ngày Thiền sư thị tịch)