Xưng Tán Ân Sư, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ

01/12/20236:44 CH(Xem: 1531)
Xưng Tán Ân Sư, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ

blank.
XƯNG TÁN ÂN SƯ,
HÒA THƯỢNG THÍCH TUỆ SỸ

Tâm Huy Huỳnh Kim Quang

 

Xung tán An Su HT Tue Sy 01
Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ.(Photo: Họa sĩ Nguyễn Việt Hùng, trích từ Kỷ Yếu Tri Ân HT Thích Tuệ Sỹ)

Con cúi đầu kính lễ Ân Sư, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ (1945-2023) mang theo kho tàng trí tuệ vô tận, lòng từ bi vô biên và hùng lực vô úy đã hiện thân vào thế giới này.

Từ gia tộc Phạm thếchủng tánh Bồ-đề đã ăn sâu trong lòng đất khô cằn nơi miền Trung nước Việt, Thầy lớn lên trong chốn Già-lam tịnh địa.

Nhờ thiện căn túc thế nhiều đời, Thầy được thế phát xuất gia nhập đạo từ thuở ấu thời theo bước chân siêu tuyệt của Như Lai, “đến mà không đến, đi mà không đi.”(1)

“Ba cõi bất an như nhà lửa,”(2) đất nước chìm trong chiến cuộc điêu linh, Thầy không tiêu phí tuổi thanh xuân chỉ một lòng miệt mài kinh sử.

Tri thức thường nghiệm thế gian không cản nổi chí cầu trí tuệ siêu việt của người Tăng sĩ trẻ cưu mang cốt cách xuất trần thượng sĩ.

Với diệu lực của trí tuệtâm thức bén nhạy đặc thù, Thầy quán thông triết lý Đông Tây và văn chương kim cổ, từ Homer tới Hölderlin, từ Kinh Dịch tới Đường thi, Tống từ, từ Lão Trang tới Martin Heidegger, Michel Foucault…

Nhưng Thầy không dừng lại ở đó mà bước sâu vào lãnh địa thâm diệu của Phật Pháp, từ kinh điển sơ kỳ A-hàm tới giáo thuyết Đại Thừa liễu nghĩa của Duy-ma, Thắng Man, từ các luận giải vi tế của A-tỳ-đàm, Du-già-hành tông, đến giáo nghĩa tánh không rốt ráo của Trung Luậntuyệt lộ ngôn ngữ của Thiền cơ.(3)

Ở tuổi đôi mươi Thầy đã là giáo sư thực thụ của Đại Học Vạn Hạnh và Tổng Thư Ký tạp chí Tư Tưởng, mà một thời là biểu tượng tự hào đối với hàng ngũ trí thức Việt để ngẩng đầu lên với nền văn hiến hơn bốn ngàn năm của giống nòi Lạc Việt và trước trào lưu văn minh tiến bộ của cộng đồng nhân loại.

“Truyền đăng tục diệm, tiếp dẫn hậu lai” là sứ mệnh thiêng liêng của hàng Tăng sĩ mà Thầy đã một đời tận tụy để giáo dục Tăng, Ni với vai trò Giáo Thọ Sư cho các Viện Cao Đẳng Phật Học từ Hải Đức Nha Trang đến Quảng Hương Già Lam Sài Gòn.

Rồi một thuở nọ, trước vận nước đổi thay, lòng dân bi thống vì sống trong cảnh hà chính khổ nhục đau thương, Thầy đã noi gương các bậc tiền nhân: “Bồ Tát thấy dân kêu ca, do vậy gạt lệ, xông mình vào nơi chính trị hà khắc để cứu dân khỏi nạn lầm than.”(4)

Với nội lực sở tri và sở hành Phật Pháp thâm sâu, dù ở trong lao tù Thầy vẫn an nhiên tự tại: “Trách lung do tự tại, tán bộ nhược nhàn du.”(5) Liễu ngộ bản chất các pháp đều vô ngã, như mộng, như huyễn, như quáng nắng, như sương mai nên Thầy đã ví việc bị giam trong tù như nhốt một làn khói mỏng, “dư chỉ khinh yên bán ngục khung.”(6)

Để dẫn đạo Dân Tộc và Đạo Pháp bước vào thế kỷ hai mươi mốt, Thầy đã thừa lệnh Hòa Thượng Huyền Quang soạn Thông Điệp Hướng Về Thế Kỷ XXI mở ra viễn kiến của GHPGVNTN đối ứng với những thực trạng và thách thức mà nhân loạiĐạo Phật sẽ đối mặt trong thiên niên kỷ mới:

“Một lần nữa, Phật giáo Việt Nam ý thức rõ lực lượng và sứ mệnh lịch sử của mình đối với dân tộc và nhân loại trong thiên niên kỷ sắp tới. Lực lượng này không xây dựng trên vũ khí, bè đảng, nhằm mục tiêu tranh quyền cố vị. Lực lượng này xây dựng trên tinh thần Bi, Trí, Dũng; nói rõ là: tôn trọng sự sống, sáng suốt hành động và dũng cảm tự tồn.”(7)

Khi nội ma ngoại chướng lộng hành quấy phá, gieo tiếng ác, tạo thị phi, Thầy ‘im lặng sấm sét’ và cất bước vân du ‘Thiên Lý Độc Hành’:

“Trên đỉnh đèo cao bát ngát trông  

Rừng, mây, xanh, ngất tạnh, vô cùng

Từ ta trải áo đường mưa bụi  

Tưởng thấy tiền thân trên bến không.”(8)

Chiêm nghiệm sự thăng trầm của đời người như những điệp khúc của một bản trường ca ẩn hiện các dấu lặng tịch nhiênsiêu thoát, có lúc Thầy đã mượn lời thơ làm cung bậc để rung lên “Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm”:  

“Theo chân kiến

luồn qua cụm cỏ  

Bóng âm u  

thế giới chập chùng  

Quãng im lặng  

nghe mùi đất thở.”(9)

Khi giông bão của lòng người lắng xuống, cơn sóng cuồng nộ của ma quỷ lặng yên, nhưng đau đớn thay, ngôi nhà Giáo Hội gần như thành bình địa! Trên hoang tàn đổ nát ấy Thầy vì hai ngàn năm lịch sử Đạo Phật Việt Nam mà nhận lãnh trọng nhiệm xây dựng lại từ đầu.  

Ôi, thiên nan vạn nan! Làm sao để vực dậy nội lực của Giáo Hội giữa thời đại tràn ngập hận thù, nghi kỵ và tà thuyết? Dù thân mang trọng bệnh, nguồn mạch trí tuệtừ bi vẫn không hề suy giảm, Thầy liễu triệt được rằng chỉ có Chánh Pháp thực sự mới soi tỏ lòng người để xua tan đêm dày tăm tối tham, sân, si.

Từ bi nguyện ấy, Thầy khuyến tấn thành lập Hội Đồng Hoằng Pháp để xiển dương Chánh Pháp đến mọi người, mọi nơi. Cùng lúc, Thầy phục hồi công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam để bảo tồn và phát huy nền văn hóa truyền thống của dân tộc và làm kim chỉ nam cho việc nghiên tầm Phật Pháp.

Nhờ vậy, niềm tin của Tăng, Ni và Phật tử mười phương đối với vận đồ của Đạo Pháp và Dân Tộc được tăng trưởng và cơ đồ của Giáo Hội được dựng lại.

Trước lúc ra đi, Thầy nhắc lại hoằng nguyện: “Hư không hữu tận, ngã nguyện vô cùng.”(10) Bậc đại sĩ hiện thân trong thế giới này để tiếp tục chí nguyện “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh.” “Bồ-tát bệnh vì chúng sinh còn bệnh. Khi chúng sinh hết bệnh thì bệnh của Bồ-tát cũng hết.”(11)

Năm ấy, trên đường ngàn dặm cô thân, Thầy gõ thiền trượng mà ngâm rằng, “Ta về một cõi tâm không…”(12) Ấy là cõi tâm rỗng lặng, tịch lặng, hay Niết-bàn. Và Thầy đã lên đường “về cõi tâm không,” vào 4 giờ chiều ngày 24 tháng 11 năm 2023, giờ Việt Nam, tại Chùa Phật Ân, Long Thành, Đồng Nai, Việt Nam.

Vậy là:

“Việc cần làm đã làm xong,”(13) Thầy quảy dép độc hành trên đường thiên lý,

Đỉnh Lăng-già(14) lung linh bóng nguyệt thấp thoáng cánh chim nhạn lướt về Tây.

Ôi, lời thơ năm xưa nay đã hóa thành Thiên nhạc ngân vang tận những tầng trời cao vút để cung tiễn bước chân trở về của vị hóa thân Đại Sĩ.

 “Đã đi thì đã đi rồi

Thượng phương trùng điệp thấy gì nữa đâu…”(15)   

Con cúi đầu đảnh lễ Giác Linh Thầy tôn kính và lạy tạ ân đức giáo hóa cao dày của Thầy.

Học trò của Thầy

Tâm Huy Huỳnh Kim Quang

 

 

_______________

 

(1)Kinh Kim Cang: “Như Lai giả vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ.” (Như Lai là không từ đâu đến, cũng không đi về đâu.)

(2) “Tam giới bất an do như hỏa trạch,” Kinh Pháp Hoa.

(3)Các dịch phẩm và sáng tác phẩm Phật học tiêu biểu của HT Thích Tuệ Sỹ gồm: 4 bộ Kinh A-hàm (Trường A-hàm, Trung A-hàm, Tạp A-hàm, và Tăng Nhất A-hàm), Kinh Duy-ma-cật Sở Thuyết, Kinh Thắng Man giảng giải, Luận Câu Xá, Trung Luận, Thành Duy Thức Luận, Huyền Thoại Duy-ma-cật, Triết Học Tánh Không, Thiền Luận tập 2&3, Thiền Định Phật Giáo, Tổng Quan Về Nghiệp…

(4)Lục Độ Tập Kinh, Giáo Sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát dịch Việt.

(5)Tuệ Sỹ, Ngục Trung Mỵ Ngữ (thơ), Trách Lung (lồng chật).

(6) Tuệ Sỹ, Ngục Trung Mỵ Ngữ (thơ), Tự Vấn.

(7) Thông Điệp Hướng Về Thế Kỷ XXI, www.phatviet.info.  

(8)Tuệ Sỹ, Thiên Lý Độc Hành (thơ).

(9)Tuệ Sỹ, Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm (thơ).

(10) Trích lời nguyện của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ trong Di Chúc Tang Lễ.

(11) Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết, Tuệ Sỹ dịch.

(12) Câu thơ đầu trong tập thơ “Thiên Lý Độc Hành” của Thầy Tuệ Sỹ (1945-2023) đã được xuất bản vào năm 2021.

(13) Trích từ tứ định cú trong Kinh A-hàm: “Ngã sanh dĩ tận, phạm hạnh dĩ lập, sở tác dĩ biện, bất thọ hậu hữu.” (Sanh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, không còn đời sau nữa)

(14) Lăng-già (Lanka) là tên một ngọn núi nằm trên Đảo Tích Lan (Sri Lanka). Truyền thuyết kể rằng lúc Đức Phật còn tại thế đã đến đây để giảng Kinh Lăng-già (Laṅkāvatārasūtra – Nhập Lăng-già Kinh). Đây là bộ kinh được Tổ Bồ-đề-đạt-ma (Bodhidharma) mang từ Ấn Độ sang Trung Hoa vào cuối thế kỷ thứ 5 và đầu thế kỷ thứ 6 để truyền đạo Thiền.

(15) Phạm Công Thiện, “Trên Tất Cả Đỉnh Cao Là Lặng Im,” 2009.

 

 

 

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.