- Nhà có ba bà chị
- Mùi - được làm sư cô rồi!
- Câu chuyện hoàn tục của chú Hồng
- Chắc con chết quá
- Tụi bạn thân của chú Huệ Hiếu
- “Trong nhờ - đục chịu”
- Câu chuyện xuất gia lại của thầy Pháp Niệm
- Con bé Điệu ở chùa
- Tý - đợi mẹ về nha con
- Gửi em - người tu sĩ trẻ
- Ai làm gì làm - kệ đi!
- Gửi em - người sầu khổ
- Cho con đi tu - mẹ nhé!
- Xin mẹ đi tu - không nói nên lời!
- Câu chuyện thiền có thật
- Mẹ! đi tu vui lắm
- Ông sư kìa!
- Sư mà cũng...
- Nhà có ba ông anh
- Gửi em - người cô đơn nhất
- Giọt nước mắt của cụ
- Khổ gì mà khổ hoài
- Biết đâu - đừng lo
- Em ơi! đừng khóc nữa
- Câu chuyện đời - về cậu bạn thân
- Nếu tôi là họ?
- Nhà sư thương mẹ
- Bài học từ vị thiền sư
- Ba vị thầy - tôi gặp
- Thúi - còn nặng lòng với hai chữ quê hương
- Có một sự cúng dường thật dễ thương
- Hãy đi tu khi còn trẻ...
Giác Minh Luật
Nhà xuất bản Hồng Đức
Chắc con chết quá
Sáng hôm đó là một buổi sáng yên bình đến lạ kỳ, khi tiếng đại hồng chuông từng hồi vang lên như thúc giục lòng người mau thức tỉnh giấc nồng trong cơn mộng mị để vội trở về nương tựa bóng Từ bi.
Thế là cũng đến lượt mình với nghĩa vụ hương đăng (người quét dọn dưới chân Phật-đà), nhìn đồng hồ đã điểm, tôi vội lấy tấm y vàng đắp lên người và tiến lên chánh điện để lau chùi, quét dọn - nhìn ra vẻ ung dung và thoát tục làm sao.
Trong lòng chợt nghĩ, mới sáng sớm nên chắc người ta cũng ít đi chùa, vì họ còn phải lo “trăm công ngàn việc” ở đời, nên tôi cũng không vội vàng hấp tấp mà cứ từ từ vừa làm, vừa trầm tư ngẫm nghĩ rồi tự cười
khúc khích.
Đang cặm cụi lau chùi thì có một cô gái cỡ tuổi trung niên, thân hình hơi mập mạp, trắng trẻo bất ngờ đứng ngay trước mặt, ngước đầu lên nhìn cô mà tôi giật cả mình, chỉ muốn thốt lên rằng: - Ngươi là… phương nào? (đoạn này trích trong phim Tây du ký).
Tôi vội đứng dậy chỉnh trang pháp phục cho ngay ngắn đúng với phong cách nhà sư để đón tiếp vị khách vãng lai đầu tiên, rồi tôi chợt nở một nụ cười thật tươi đầy thân thiện thay cho lời chào đón một nữ thí chủ đến viếng chùa lễ Phật. Đáp lại nụ cười thanh thoát của tôi, cô chắp tay trang nghiêm cúi đầu chào lại với khuôn mặt đầy vẻ nhăn nhó pha một chút khó chịu.
Cô chỉnh trang lại quần áo, chân xếp thành hình chữ V rồi lên tiếng hỏi ngắt giọng: - Thưa sư, cho con hỏi!
Tôi nhẹ nhàng đáp: - Xin thí chủ cứ tự nhiên, có điều gì thắc mắc hãy cứ bày tỏ, với kiến thức hữu hạn có được, bần tăng xin được tiếp chuyện với người - Tôi nói trong vẻ từ tốn trang nghiêm rõ ràng từng câu từng chữ như đang chờ đợi một câu hỏi khó, nhằm thử lòng người tu sĩ này chăng.
Cô lẹ làng đáp: - Dạ không, con chỉ muốn hỏi - nhà vệ sinh ở đâu?
Nói xong cô cười khúc khích, còn tôi thì cảm giác đất trời như sụp đổ, mọi thứ như tối sầm lại, mây đen ùn ùn kéo đến để tôi có thể lặng lẽ biến mất khỏi thực tại.
Vội hít thở sâu lấy lại bình tỉnh, tôi nhẹ nhàng đáp: - À, cô cứ đi thẳng, quẹo trái, quẹo phải, rồi quẹo trái, quẹo phải thì tới, nhớ đừng đi lộn vô phòng trụ trì là được. Chúc cô “thượng lộ bình an”.
Và thế, tôi với cô tạm chia tay từ đây cho đến
một ngày.
Tôi đang ngồi trong phòng đọc lại những vần thơ của Ôn Tuệ Sỹ:
“Giữa thiên đường rong chơi lêu lổng
Cõi vĩnh hằng mờ nhạt rong rêu
Ta đi xuống quậy trần hoàn nổi sóng
Đốt mặt trời vô hạn cô liêu”…
Tôi ngồi đọc to rõ một cách chăm chú, như để thả hồn mình đi lạc vào thế giới thơ ca của một bậc tài danh đáng kính. Thì bỗng nhiên có tiếng gõ cửa gọi hồn về:
- Cốc! Cốc - một vị sư gõ cửa phòng bảo: - Sư huynh á, có một nữ thí chủ cần gặp huynh, cô đang đợi huynh ở phòng khách.
Nghe mà yếu bóng vía, vì ngoài mấy phòng kế bên của các huynh đệ thì đều tấp nập Phật tử ra vào, còn phòng mình lúc nào cũng vắng tanh như “phòng bà đanh” vì có bao giờ thấy ai đòi tìm gặp mặt. Nên cứ ngồi “rong chơi lêu lổng” một mình mà “đốt mặt trời vô hạn cô liêu” là thế.
Tôi cũng vội mừng, chứ không huynh đệ lại nghĩ: Sư này sống sao mà không ai muốn tìm gặp mặt. Nghĩ đến đây, tôi vội lấy y khoác trên mình và bước những bước chân thiền hành xuống cầu thang mà tiếp đón vị khách lạ lẫm không hề biết mặt hay tên.
Ôi! Người con gái của thuở nào,... tôi vội thốt lên trong sự bất ngờ khi gặp lại cô - một nữ thí chủ đã từng khiến tôi như muốn quên đi thế giới thực tại là đây.
Thấy tôi, cô cười và nhẹ nhàng chào hỏi: - Sư vẫn khỏe chứ, lâu rồi không gặp lại sư.
Tôi từ tốn đáp: - Dạ, sư vẫn khỏe - mà lòng chợt nghĩ, mới gặp cô có một lần trong một phút giây ngắn ngủi mà cô làm như đã thân thiết nhau từ thuở nào.
- Thưa sư, con đến để nhờ sư một việc.
Nghe cô nói xong, tôi như muốn tiếp tục thốt lên: - Ngươi là... phương nào. Rồi tôi chợt cười thầm mà cô chẳng hề hiểu được.
- Sư ạ, con có việc này không biết thổ lộ cùng ai, mà cũng không biết làm sao giãi bày, con khổ tâm lắm. Mong sư thương tình mà giúp đỡ cho con những lời khuyên. Vì đây là chuyện khó nói, nên con không dám chia sẻ cùng ai, như sư biết đó, ở ngoài đời họ nhiều chuyện lắm, bữa nay tâm sự với họ thì ngày mai cả làng, cả xóm đều biết, nên chỉ có sư, chỉ có tâm sự với sư là an toàn nhất.
Nghe xong, tôi tự hỏi: - Có chuyện đó nữa hả? Nhưng cũng thấy thương cho cô nên vội nhẹ nhàng chia sẻ như một người đang tập thấu hiểu nỗi đau của người khác:
- Có việc gì cô cứ từ từ chia sẻ, giúp được gì cho cô - sư sẽ sẵn lòng.
- Dạ, chuyện là thế này. Con có yêu một người con trai, và anh ấy cũng rất yêu con, chúng con đến với nhau trong tình yêu chân thật từ đáy lòng. Nhưng cuộc tình của chúng con sao quá chông gai và trắc trở khi hai bên gia đình không chấp nhận và nhất là có một người đàn ông khác - ảnh tên là Phúc, ảnh lại rất yêu con và tìm đủ mọi cách để phá hoại cuộc tình này, có lần anh ta còn cho người theo dõi và gây ra bao điều khổ đau để làm cho con cảm thấy nhục nhã mà từ bỏ tình yêu của con đang dành cho người con yêu nhất. Chắc con chết quá, sư ơi!
Nói xong, cô lấy hai tay ôm chầm lấy mặt như
muốn khóc.
Nghe những lời cô nói, tôi cảm thấy thương cảm vô cùng, đúng là một cuộc tình đẹp như “Ngưu lang - Chức nữ” đầy chông gai và nước mắt. Tôi nhẹ nhàng an ủi:
- Cô ạ, tình yêu là thứ mà đã khiến cho con người ta phải tốn hao biết bao nhiêu là nước mắt và nó cũng là nỗi đau lớn nhất của thế giới loài người chúng ta. Có người phải điên loạn vì yêu, cho đến chết cũng vì yêu chỉ để chứng minh một tình yêu bất diệt, nhưng với tinh thần Phật dạy thì chúng ta phải biết quán chiếu vào sâu của vấn đề, phải biết nhận diện nó để tìm ra hướng giải quyết tốt nhất trong sự thấu hiểu nỗi đau của chính mình và người khác. Nên cô phải cố gắng bình tâm suy nghĩ thật kỹ để cùng tìm ra giải pháp trong sự lắng nghe từ hai phía.
Tôi từ tốn hỏi: - Nhưng anh Phúc đó là gì của cô mà lại đi phá hoại tình yêu của cô như thế.
Cô hơi ngạc nhiên trước câu hỏi, rồi vội trả lời trong vẻ ngượng ngùng:
- Dạ, chồng con.
Trời, nghe xong tôi chỉ muốn nói lời chia tay trước người con gái ấy.
Lấy lại bình tỉnh, tôi hỏi tiếp:
- Rồi mấy người theo phá cô là ai?
- Dạ, đó là mấy đứa con của con.
Rồi, thôi rồi, tôi chỉ muốn thốt lên một câu: - Chắc sư chết quá, cô ơi!
Thế là tôi cũng an ủi, chia sẻ với ý muốn mong cô phải cố gắng mạnh mẽ vượt qua tình yêu cá nhân này để hy sinh cố sống vì chồng, vì con, vì hai bên gia đình và coi như đó là cái duyên nghiệp của mình để bằng lòng và sống với nó, phải cố gắng ngồi lắng nghe những ưu tư nỗi niềm của chồng để hai người tìm ra hướng giải quyết mà sưởi ấm lại tình yêu của thuở nào mà mình cũng đã từng thề non hẹn biển, cũng như xây dựng lại đời sống gia đình thêm êm ấm. Còn nếu đến bước đường cùng khi cảm thấy hai bên sống bên nhau mà chỉ mang lại khổ đau cho nhau thì thôi! - Em đi đường em, anh đi đường anh, còn mấy đứa con đi đâu thì tùy hai người quyết định.
Cuối cùng, tôi tặng cô một câu nói để cô dễ nhớ: - Món quà ý nghĩa nhất mà cha mẹ có thể dành tặng cho những đứa con của mình, chính là niềm hạnh phúc của đời sống vợ chồng.
Nói xong, tôi thấy cô vui tươi trở lại, cảm ơn ríu rít tạm biệt ra về và còn hẹn ngày gặp lại để thăm sư.
Cách một khoảng thời gian khá lâu, vào dịp ngày rằm tháng giêng đầu năm có một cuộc điện thoại vang lên:
- Alo, sư xin nghe.
- Sư hả, con nè, con là cô gái hỏi sư: - Nhà vệ sinh ở đâu nè, sư còn nhớ con không. Nghe xong là biết ngay, cái người mà đã từng nói với tôi: - Chắc con chết quá, sư ơi!
Tôi đáp:
- Dạ, cô khỏe chứ, gọi thăm sư à.
- Dạ, con đang hướng dẫn chồng và mấy đứa con của con đi chùa, gia đình con đang tiến vào cổng, sư ra đón tiếp tụi con nhé!
Nghe xong, tôi vội lấy y đắp lên mình và bước vội xuống để đón tiếp cô và gia đình. Đứng trên chánh điện nhìn về phía cổng, tôi thấy cô đang cố gắng chen lấn trước đám đông với mồ hôi đầm đìa trên khuôn mặt để tiến vào chánh điện, trên tay còn cầm ba cây nhang khổng lồ vươn cao như ngọn đuốc thiêng bùng cháy.
Nhìn cô, tôi chỉ biết lắc đầu ngao ngán tự hỏi:
- Phải chăng cô đang tính hỏa thiêu Thiếu Lâm tự? - rồi đứng cười một mình. Hì hì...