- Nhà có ba bà chị
- Mùi - được làm sư cô rồi!
- Câu chuyện hoàn tục của chú Hồng
- Chắc con chết quá
- Tụi bạn thân của chú Huệ Hiếu
- “Trong nhờ - đục chịu”
- Câu chuyện xuất gia lại của thầy Pháp Niệm
- Con bé Điệu ở chùa
- Tý - đợi mẹ về nha con
- Gửi em - người tu sĩ trẻ
- Ai làm gì làm - kệ đi!
- Gửi em - người sầu khổ
- Cho con đi tu - mẹ nhé!
- Xin mẹ đi tu - không nói nên lời!
- Câu chuyện thiền có thật
- Mẹ! đi tu vui lắm
- Ông sư kìa!
- Sư mà cũng...
- Nhà có ba ông anh
- Gửi em - người cô đơn nhất
- Giọt nước mắt của cụ
- Khổ gì mà khổ hoài
- Biết đâu - đừng lo
- Em ơi! đừng khóc nữa
- Câu chuyện đời - về cậu bạn thân
- Nếu tôi là họ?
- Nhà sư thương mẹ
- Bài học từ vị thiền sư
- Ba vị thầy - tôi gặp
- Thúi - còn nặng lòng với hai chữ quê hương
- Có một sự cúng dường thật dễ thương
- Hãy đi tu khi còn trẻ...
Giác Minh Luật
Nhà xuất bản Hồng Đức
Nhà sư thương mẹ
Sáng chủ nhật, tôi cho lớp học tiếng Anh ở Bangkok được nghỉ sau buổi kiểm tra vào tuần trước (thông báo cho nghỉ mà mấy đứa mừng như trúng số - nghĩ mà đau cả lòng). Biết tôi không đi dạy, sư Bath - một vị sư người Thái mời tôi về thăm nhà của sư, vì cũng đã lâu lắm rồi sư chưa có dịp về thăm mẹ và mấy đứa em.
Tôi cùng sư ra đến bến xe để mua vé, thì mỗi người được miễn 50% giá vé (quy định riêng cho người xuất gia), nhưng cũng gặp đâu được hai cô người Thái phát tâm cúng dường luôn phần còn lại, nên tính ra được miễn phí toàn phần, còn được khuyến mãi thêm hai chai nước khoáng “hoan hỷ ghê”.
Ngồi trên xe tôi thấy sư Bath lấy trong giỏ ra hai chiếc đồng hồ điện tử đeo tay cũng còn mới, sư cứ cầm nó một cách cẩn thận mà ngắm tới ngắm lui cho thật kỹ, một hồi thì bỏ vào giỏ, được vài phút thì lại lấy ra mà ngắm tiếp. Tôi thấy thắc mắc nên hỏi thử.
Tôi nói: - Sư mua chi hai cái đồng hồ dữ vậy, còn ngắm tới rồi lại ngắm lui hoài.
Sư cười nhẹ: - Dạ, con mua cho hai đứa em nhỏ ở nhà. Mấy đứa nó mong ước có cái đồng hồ điện tử mấy tháng nay rồi, con cứ hứa tới, hứa lui, đến hứa lèo, nay mới mua được cho hai đứa em, cứ nghĩ tới cảnh khi đem về tặng cho hai đứa, chắc nó mừng lắm nên con cũng thấy vui trong lòng.
Tôi vội hỏi thêm: - Vậy sư không mua gì để về tặng mẹ à.
Sư vội đáp: - Dạ, có chứ. Mua cho mẹ cái gối êm và hai hộp sữa không đường, (như sữa Ông Thọ ở Việt Nam mình) - Nói rồi sư còn mang ra để khoe với tôi.
Tôi cười thầm và ghẹo sư: - Sư giàu quá nha, mua đủ thứ, về quê ai cũng có quà chắc vui lắm ha.
Sư bỗng nhiên trầm buồn một lúc, sư bảo: - Dạ, thì cũng nhờ mấy nay có mấy Phật tử cúng dường cho sư đóng tiền học đầu năm, đóng xong còn dư được một phần tiền mà mấy Phật tử dặn là để mua thức ăn khi cần. Nghĩ thương cho hai đứa em thèm cái đồng hồ điện tử để coi giờ đi học, mà con thì cũng lỡ hứa lèo mấy tháng nay nên đã lấy phần tiền đó mua cho hai đứa, còn mẹ thì lớn tuổi nằm cái gối tre nên tối nào cũng khó ngủ và đau đầu, nên con kiếm mua cho mẹ cái gối êm để mẹ có cái mà nằm cho an giấc.
Nói xong, sư nhìn tôi với sự thổ thẹn mà bảo: - Con làm vậy có lỗi với Phật tử không sư.
Tôi cười nhẹ như để an ủi sư: Lỗi gì đâu, mua hết rồi thì vài bữa lo mà ăn mì gói thay cơm chứ sao.
Nghe tôi nói vậy, sư cũng an lòng một chút mà ngồi im cho đến khi đi lạc vào khu vườn “mộng mơ” đầy nghiêng ngả hồi nào mà tôi cũng không hay,... do chắc tôi cũng vậy.
Gần đến nơi, tài xế thông báo chuẩn bị xuống xe.
Tôi với sư đón chiếc xe tuk tuk (xe như dạng xe lam hồi xưa ở Việt Nam), nó chạy vào trong sâu tít mù u trên con đường làng, không thấy sương mù cho thêm lãng mạn mà toàn là khói bụi mịt mù đầy âm u với vô vàn ổ voi, kèm thêm điệu nhảy ngồi - cực kỳ ê ẩm.
Tới nơi, cũng độ chiều tà về giữa “cánh đồng bất tận” có một mái nhà tranh đằng xa tít, sư và tôi mang trên tay cái giỏ xách với một ít quà y như cảnh quay trong cái MV ca nhạc “Mẹ ơi! Con đã về”.
Một hồi, có mấy đứa em chạy ra la vọng tới: Anh Bath đã về, anh Bath đã về,... rồi hùa nhau ra, thấy tôi, mấy đứa em khựng lại chắp tay chào cho ra vẻ lịch sự - xong, nó lại la hét lên vui mừng như trẩy hội.
Nhìn cảnh đó, tôi đã thầm nghĩ tới cái cảnh, rồi đây sư Bath sẽ lấy trong túi ra hai cái đồng hồ, trong sự sung sướng và vui mừng của hai đứa em khi nhìn thấy trong ngất ngây và hạnh phúc. Y như những gì tôi nghĩ, sư Bath vội lấy ra cho hai đứa em, nhìn hai đứa hạnh phúc quấn quít bên anh Bath mà nói lia lịa Cạp Cun Cáp, Cạp Cạp Cun Cáp (cảm ơn), tôi vừa vui, vừa bùi ngùi xúc động thương vô cùng cho hình ảnh của những đứa em đợi người anh tu sĩ của mình về thăm nhà, mà mấy đứa đâu có biết là để mua hai cái đồng hồ đó là anh Bath của nó, phải ăn mì gói chắc cũng cả tháng để bù lại.
Tôi nghe trong nhà vọng ra tiếng gọi: - Bath đó hả con, con về rồi hả con.
Sư Bath trả lời: - Dạ me, me ơi con đã về (me tiếng Thái tức là mẹ).
Nói rồi, sư Bath cùng tôi cúi đầu xuống bước vào bên trong nhà (vì nhà lá nên hơi thấp và âm u), thấy tôi, mẹ sư Bath vội ngồi dậy chắp tay xá chào, thấy cụ yếu nên tôi vội chạy đến đỡ cụ nằm xuống lại (đỡ xong mới chợt nhớ là bên Thái mấy sư không được đụng vào phụ nữ) hèn chi thấy mẹ sư ngượng ngùng và cáp cáp mấy lần, tôi mới chợt nhớ.
Sư Bath vội ngồi xuống ngay giường của mẹ, rồi vội tháo cái gối êm ra để nó phồng lên với nụ cười đầy mãn nguyện khi để mẹ nằm lên chiếc gối mới.
Nhìn cảnh mẹ sư Bath nằm hẩm hiu trên giường, sư thì ngồi bên cạnh pha sữa cho mẹ, mà lòng tôi không biết phải diễn tả thế nào, nhớ đến câu “hiểu người hiểu ta”, nên tôi vội bước ra ngoài chơi với mấy đứa nhỏ, để hai mẹ con “hàn huyên tâm sự”.
Được một hồi, thì sư Bath bước ra để cùng tôi trở về lại trường cho kịp giờ.
Ngồi trên xe, mà hình ảnh hồi nãy lại cứ ùa về, tính là không nên hỏi, nhưng suy nghĩ một hồi tôi vội quay sang sư Bath.
- Tại sao sư không ở nhà chăm sóc mẹ đang bệnh, còn hai em nhỏ nữa?
Biết là không nên hỏi như thế, nhưng lòng tôi lại cứ áy náy và thương cho người mẹ và hai đứa em đang hẩm hiu sống dưới mái nhà tranh nghèo như thế.
Nghe tôi hỏi xong, khuôn mặt sư buồn rười rượi, sư bảo: - Thật sự, con không đành lòng để bỏ mẹ và mấy đứa em để đi tu thế này. Nhưng con không thể làm khác hơn được, vì đây là ước nguyện cuối cuộc đời của mẹ.
Tôi lại hỏi tiếp: - Tại sao?
Thì thấy sư vội rưng rưng nước mắt, sư bảo: - Vì mong ước lớn nhất của cuộc đời mẹ là khi thấy con mình đến tuổi trưởng thành cũng được đi tu như người ta (truyền thống của Thái), để đắp trên mình tấm y của Phật, để trở thành một nhà sư, mẹ bắt Bath phải đi tu để trả hiếu cho cha mẹ.
Nói xong, sư im lặng rồi gục mặt xuống.
Tôi lại tự hỏi: Tại sao mẹ sư Bath lại làm như vậy.
Suy nghĩ một hồi đến khi tôi chợt ngộ ra: thật sự, mẹ của sư chỉ muốn sư được trưởng thành trong môi trường đạo đức, được đi trọn con đường học vấn và được có chỗ nương tựa để trở thành người tốt. Và hơn hết là không muốn con mình phải khổ khi không còn có mẹ.
Ôi! Đúng là: Lòng mẹ bao la như biển Thái Bìnhrạt rào.