44.02 Phẩm Tỳ Kheo Thứ Hai

01/05/201012:00 SA(Xem: 39994)
44.02 Phẩm Tỳ Kheo Thứ Hai

KINH ĐẠI BẢO TÍCH
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh
Xuất bản: Ban Văn Hóa Thành Hội TP. Hồ Chí Minh PL 2543 - DL 1999

XLIV
PHÁP HỘI BỬU LƯƠNG TỤ

THỨ BỐN MƯƠI BỐN

Hán Dịch: Bắc Lương, Sa Môn Thích Đạo Củng
Việt Dịch: Việt Nam, Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh

PHẨM TỲ KHEO THỨ HAI

Bấy giờ đức Phật bảo Trưởng lão Đại Ca Diếp: “Được gọi là Tỳ Kheo vì là người hay phá phiền não, vì hay phá ngã tưởng, nhơn tưởng, chúng sanh tưởng, nam tưởng, nữ tưởng nên gọi là Tỳ Kheo vậy.

Nầy Đại Ca Diếp! Vì có tu giới tu huệ nên gọi là Tỳ Kheo vậy.

Lại vì lìa khủng úy, vì qua khỏi tam hữu tứ lưu vậy, vì thấy lỗi họa của hữu và lưu vậy, vì lìa tất cả hữu và lưu vậy, vì ở an nơi đạo vô úy vậy, đây gọi là Tỳ Kheo.

Nầy Đại Ca Diếp! Nếu có Tỳ Kheo tự biết chẳng thành tựu các pháp như vậy và các thiện pháp khác lại lìa bỏ pháp ấy mà hành đạo khác, thì chẳng phải là đệ tử Phật, ta chẳng phải là thầy của họ.

Nầy Đại Ca Diếp! Có nhiều ác Tỳ Kheo phá hoại Phật pháp của ta chớ chẳng phải chín mươi lăm phái ngoại đạo phá hoại Phật pháp được.

Ví như sư tử là chúa muông thú, khi nó chết tất cả hổ lang điểu thú không thể ăn thịt nó được. Trong thây sư tử tự sanh các thứ trùng tự ăn thịt nó.

Cũng vậy, trong Phật pháp ta sản xuất các ác Tỳ Kheo như vậy, họ tham lợi dưỡng, vì lòng tham nên chẳng dứt ác pháp chẳng tu thiện pháp chẳng lìa vọng ngữ. Các Tỳ Kheo nầy có thể làm hư hoại Phật pháp ta.

Nầy Đại Ca Diếp! Có bốn pháp thành tựu nên biết là ác Tỳ Kheo: đó là tham, sân, si và ngã mạn vậy.

Còn có bốn pháp nên biết là ác Tỳ Kheo đó là ngạo mạn tự cao, vô tàm, vô úy và chẳng gìn lỗi nơi miệng.

Còn có bốn pháp nên biết là ác Tỳ Kheo: đó là tự điệu thông, khinh khi người, tham cầu lợi dưỡng và làm nhiều điều phi pháp.

 
Còn có bốn pháp nên biết là ác Tỳ Kheo: đó là có nhiều gian ngụy, huyễn hoặc người, làm nhiều tà mạngnói nhiều ác ngôn.

Còn có bốn pháp nên biết là ác Tỳ Kheo: đó là hiện thọ ơn người chẳng biết báo đáp, làm ơn nhỏ mong báo lớn, trước đã thọ ơn người mà chẳng ghi nhớ và xâm tổn thân hữu.

Còn có bốn pháp nên biết là ác Tỳ Kheo: đó là thọ của tín thí làm tổn thất phước báo của người, chẳng khéo giữ giới, khinh giới đã thọ, chẳng trì luật vững chắc.

Còn có bốn pháp thành tựu nên biết là ác Tỳ Kheo: đó là luận có ngã, luận có nhơn, luận có chúng sanh và luận có thọ mạng.

Còn có bốn pháp nên biết là ác Tỳ Kheo: đó là chẳng kính Phật, chẳng kính Pháp, chẳng kính Tăng và chẳng kính giới.

Còn có bốn pháp nên biết là ác Tỳ Kheo: đó là nếu Tăng hòa hiệp thì lòng chẳng vui, chẳng ưa ở một mình, ưa ở trong chúng và khi nói chuyện thường luận thế tục.

Còn có bốn pháp nên biết là ác Tỳ Kheo: đó là cầu lợi, cầu danh, cầu nhiều tri thức và chẳng an trụ thánh chủng.


Còn có bốn pháp nên biết là Ác Tỳ Kheo: đó là hệ thuộc nơi ma, bị ma làm hại, ngủ nghỉ nhiều và làm lành chẳng mừng.

Còn có bốn pháp nên biết là ác Tỳ Kheo: đó là hủ bại trong Phật pháp, tâm nhiều siểm khúc, bị phiền não hại và lìa Sa Môn quả.

Còn có bốn pháp nên biết là ác Tỳ Kheo: đó là bị dâm dục thiêu đốt, bị sân khuể thiêu đốt, bị ngu si thiêu đốt và bị tất cả phiền não thiêu đốt.

Còn có bốn pháp nên biết là ác Tỳ Kheo: đó là đi nhiều vào xóm dâm chẳng biết tội lỗi, chẳng biết tri túc dầu học vấn nhiều, chẳng biết tri túc nơi vật cần dùngthường có lòng bỏn xẻn chẳng hay bố thí.

Còn có bốn pháp nên biết là ác Tỳ Kheo: đó là từ tối vào nơi tối, từ si vào nơi si, chẳng thấy thánh đế lòng nhiều nghi hoặc và bị sanh tử cột trói đóng cửa Niết bàn.

Còn có bốn pháp nên biết là ác Tỳ Kheo: đó là thân nhiều gian hành, khẩu nhiều gian hành, ý nhiều gian hành và nghi thức nhiều gian hành.

Những gì là thân gian hành? An tường mà đi là thân gian hành. Chẳng ngó hai bên là thân gian hành. Nếu ngó hai bên chẳng quá một tầm là thân gian hành. Tà mạng mặc y là thân gian hành. Siểm khúc đi nơi không nhàn mà chẳng cầu pháp hành không nhàn, siểm khúc khất thực mà chẳng quán tướng khất thực, siểm khúc mặc y phấn tảo mà chẳng biết là vì tàm quí, siểm khúc đi nơi núi rừng dưới cây mà chẳng biết phân biệt thập nhị duyên hành, siểm khúc uống thuốc cũ bỏ mà chẳng cầu pháp dược cam lộ đây gọi là thân nhiều gian hành.

Những gì gọi là khẩu nhiều gian hành? Như nói rằng: họ biết tôi, họ thỉnh tôi, như sở cầu tôi đã được, tôi chẳng cầu lợi dưỡng mà thọ đưa đến cho tôi, đồ cúng dường tế diệu tôi đều được, nhiều lợi dưỡng tôi đều được, tôi thường hành thiện pháp đáng thọ cúng dường, tôi vấn đáp giỏi, tôi hay thuận hay nghịch pháp tướng, với tất cả pháp tôi hiểu nghĩa và phi nghĩa, nếu họ hỏi tôi như vậy tôi có thể đáp như vậy, tôi đáp rồi chế phục họ khiến họ nín lặng, tôi nói như vậy rồi có thể khiến đại chúng vui đẹp cũng khiến mọi người khen thiện tai khiến đại chúng ấy thỉnh tôi cúng dường, cúng dường rồi còn khiến thí chủ thỉnh tôi nhiều lần.

Nầy Đại Ca Diếp! Nếu người chẳng điều phục khẩu mà có nói ra điều gì, tất cả lời nói đều chẳng phải chánh ngôn, là khẩu nhiều gian hành.

Những gì là ý nhiều gian hành? Lòng luôn nghĩ tưởng tham cầu lợi dưỡng y bát ẩm thực ngọa cụ y dược mà miệng nói tôi chẳng cầu tất cả lợi dưỡng, lòng thì cầu nhiều mà dối nói tri túc, đây gọi là ý nhiều gian hành”.

Đức Thế Tôn nói kệ rằng:

Lòng cầu lợi dưỡng
Miệng nói tri túc
Tà mạng cầu lợi
Thường không vui sướng
Lòng họ nhiều gian
Khi dối mọi người
Tâm mà như vậy
Đều chẳng thanh tịnh
Chư Thiên Long Thần
Người có thiên nhãn
Chư Phật Bồ Tát
Đều thấy biết rõ.

Nầy Đại Ca Diếp! Ác Tỳ Kheo như vậy rời lìa thiện pháp nghi thức mà làm hạnh tà mạng phải đọa ba ác đạo.

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.