BA MƯƠI NGÀY THIỀN QUÁN
Joseph Goldstein
Nguyễn Duy Nhiên Việt dịch
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, Hà Nội 2008
Buổi tối thứ mười lăm
Trong khi ngồi thiền, việc giữ cho thân được an tịnh có một ảnh hưởng rất lớn
đến sự an tịnh của tâm. Một phương cách để gia tăng định lực là trước mỗi giờ
ngồi thiền bạn nên nhất quyết rằng mình sẽ không thay đổi thế ngồi trong suốt
một giờ đó. Những lần đầu có thể rất khó khăn, nhưng nếu bạn có một nghị lực
vững mạnh, bạn có thể ngồi và quan sát bất cứ chuyện gì xảy ra. Cho dù bạn có
cảm thấy tâm mình trở nên bất an, bồn chồn, căng thẳng hay đang đương đầu với
cái đau, điều trọng yếu là khi đã quyết định một việc gì rồi bạn hãy giữ nó cho
đến cùng. Định lực và sự tinh tấn của bạn sẽ được tăng trưởng mãnh liệt, và sau
vài lần ngồi như vậy bạn sẽ cảm thấy việc ngồi yên trở nên dễ dàng hơn.
Hãy giữ cho tâm bạn luôn ở trong trạng thái bất bạo động khi quán chiếu bất cứ
đối tượng nào. Được như vậy thì sẽ không có gì là chướng ngại hay khó khăn. Mọi
đối tượng của thân hay tâm, trong hay ngoài, đều đi qua trong một không gian
chánh niệm. Đừng vận dụng tâm để chạy theo hay trốn tránh bất cứ đối tượng nào:
đó là sự bất động của tâm ý. Khi ấy, tâm ta sẽ trở nên tĩnh lặng và quân bình,
và nhờ đó ta có thể nhìn thấy một cách rõ ràng, trong mỗi giây phút, sự sinh
diệt của từng hơi thở, từng cảm thọ, tư tưởng, cảm giác, âm thanh, mùi vị và
hình ảnh.
Hãy ý thức được dòng vô thường. Không có gì để ta nắm bắt, không có gì để quyến
luyến. Trong đoạn cuối của sách Mount Analogue có một ví dụ cho ta thấy sức
mạnh của sự vô thường và một thái độ thích hợp cho ta:
“Đừng bao giờ dừng lại trên một triền núi cao. Cho dù bạn có nghĩ rằng bàn chân
mình đang đứng vững vàng, vì khi bạn dừng lại để thở và nhìn trời cao, thì đất
dưới chân cũng đang bắt đầu lún xuống vì sức nặng của bạn. Những viên đá sỏi sẽ
rơi ra từ từ và rồi đột nhiên tất cả sẽ sụp đổ dưới chân bạn và phóng bạn đi
như một chiếc tàu hạ thủy. Ngọn núi lúc nào cũng chờ đợi một cơ hội để quật ngã
bạn.”
Không có thì giờ để cho ta ngừng nghỉ, nắm bắt, dù chỉ trong phút chốc. Mỗi khi
ta cố gắng níu kéo một cái gì, ta sẽ bị lôi cuốn, trôi lăn theo những ý nghĩ, ý
niệm và sự tưởng tượng về nó.
Khóa tu này đã kéo dài gần nửa thời gian rồi. Thường thì vào khoảng nửa chương
trình, không cần biết khóa tu dài bao lâu, tâm ta thường sinh ra chán nản, hơi
lười biếng, dễ duôi và bồn chồn đôi chút. Ta tự nghĩ rằng: “Mình đã cố gắng
tinh tấn từ lúc mới bắt đầu đến giờ, lúc này mình có thể nghỉ ngơi một chút.”
Hãy có chánh niệm về việc này. Đây là lúc để ta gia tăng nghị lực, chứ không
phải là lúc để giải đãi. Hãy nghĩ lại công phu tu tập của bạn trong hai tuần
vừa qua. Hãy nhớ lại giai đoạn mới bắt đầu, ngồi yên trong một tiếng đồng hồ là
khó khăn đến thế nào. Bây giờ thì bạn đã phát triển được một sức mạnh trong
tâm, một năng lực của định và quán. Giai đoạn đầu của khóa tu là để xây dựng
nền móng, để vượt qua những khó khăn thô lậu, những trở ngại không cho bạn ngồi
yên trong một tiếng đồng hồ. Những khó khăn đó đã được ta vượt qua một phần nào
rồi. Tâm ta đã tĩnh lặng xuống. Nó bắt đầu thẩm thấu, bắt đầu quán chiếu và
thấy được tiến trình hoạt động của thân tâm. Trí tuệ đang trưởng thành. Sự biến
đổi của thân tâm rất khó có thể nhận diện được, vì nó thay đổi một cách vô thức
trong từng giây phút. Nhưng sự tu tập đang dần dần trở nên sâu sắc. Trong thời
gian còn lại, chúng ta có thể hoàn tất được nhiều điều lắm. Lúc này ta phải
biết vận dụng năng lực để giữ cho tâm mình đừng rơi vào tình trạng mê ngủ, hôn
trầm.