BA MƯƠI NGÀY THIỀN QUÁN
Joseph Goldstein
Nguyễn Duy Nhiên Việt dịch
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, Hà Nội 2008
Buổi tối thứ hai mươi lăm
Đạo
Trong đạo Lão có một câu chuyện về một thân cây mọc trên rừng. Cây ấy già và
cong queo, các cành đều cằn cỗi và đầy những vết sần sùi. Có người đi ngang qua
và nói với Trang Tử rằng cây ấy thật vô dụng, vì thân và cành đều cong vòng,
khúc khuỷu cho nên không thể dùng vào việc gì được hết.
Trang Tử đáp:
“Cây trên núi là tự vời người đến đốn phá. Mỡ chứa lửa là tự làm cho mình bị
thiêu đốt. Cây quế ăn được nên bị chặt. Cây sơn dùng được nên bị cắt. Người
biết dùng cái dùng được, mà không ai biết dùng cái không dùng được. Sự vô dụng
của cây là yếu tố bảo vệ cho nó. Vì không ai cần nó nên chẳng ai đốn xuống, nhờ
vậy mà nó được yên thân, sống thọ, hưởng trọn kiếp thiên nhiên của mình.”
“Không ai biết dùng cái không dùng được”. Không dùng được có nghĩa là gì? Nó có
nghĩa là rỗng không, không nỗ lực để trở thành một cái gì quan trọng, hay bất
cứ một cái gì khác. Đó là giải thoát tâm mình ra khỏi tư tưởng mong cầu. Trở
nên vô dụng có nghĩa là an định và để cho tự tính của mình được biểu lộ một
cách giản dị và tự nhiên.
Có một vị sư nổi tiếng ở Thái Lan đã tóm tắt thái độ này, và có lẽ trọn vẹn cả
giáo pháp trong một câu ngắn gọn. Ông nói: “Không có gì để trở thành, không có
gì để làm, không có gì để giữ.”
Chẳng có gì là quan trọng. Mọi vật đều vô thường và luôn trôi chảy, chuyển hóa.
Nếu chúng ta có thể tự giải thoát ra khỏi nỗ lực để trở thành một người nào
quan trọng, theo một đường hướng nào đó, hay là để đạt được một điều gì - không
còn ham muốn hành động, trở thành và chiếm hữu - chúng ta có thể an trú trong
sự phô bày của giáo pháp.
Đạo Lão thường bàn nhiều đến vấn đề trở nên vô hình trong cuộc sống. Có một vị
hoàng tử đi săn khỉ. Khi ông ta vừa vào đến rừng thì những con khỉ thấy bóng
dáng ông đã chạy tán loạn đi trốn hết. Nhưng duy có một con khỉ vẫn cứ ngồi yên
trên cành, không có vẻ gì sợ hãi. Hoàng tử bèn lắp tên vào cung và bắn. Nhanh
như chớp, con khỉ đưa tay ra bắt lấy mũi tên trong khi nó vẫn còn đang bay tới.
Thấy vậy, vị hoàng tử ra lệnh cho tất cả quân lính của ông lắp tên vào cung bắn
một lượt. Con khỉ bị trúng tên ngã xuống.
Bởi vì con khỉ ấy đã phô trương tài năng của nó, tự kiêu một cách vô lối, nên
tài năng ấy đã trở thành nguyên nhân cho sự diệt vong. Tương tự như vậy, khi
chúng ta hành động với một ý khoe khoang, muốn phô trương cái hay, cái giỏi của
mình, hay khi hành động phát xuất từ một sự chấp ngã, chúng sẽ tạo ra một lực
đối kháng, gây cho ta những xung đột và mâu thuẫn. Bước đi trong cuộc đời một
cách vô hình có nghĩa là không quan trọng hóa tài năng hay đức tính của mình,
không phô trương. Đây chính là thái độ của vô ngã, không có một ý niệm tự quan
trọng hay tự nỗ lực nào. Chỉ có mặt trong giờ phút hiện tại, sống hòa hợp với
hoàn cảnh chung quanh.
Một trong những khám phá quan trọng nhất khi tôi mới bắt đầu tu thiền là có rất
nhiều hành động bắt nguồn từ ý muốn tạo nên một hình ảnh về mình: trang sức
theo một lối riêng, đối xử với người chung quanh theo một cách nào đó... Tất cả
đều xoay quanh ý niệm về một cái tôi mà tôi đã bỏ công tạo dựng và cố gắng duy
trì.
Cứ mang vác theo một hình ảnh về mình là một gánh nặng gây ra một sự mâu thuẫn,
đối chọi giữa con người thật của mình trong giây phút hiện tại với hình ảnh mà
mình mong muốn. Vấn đề không phải là hành động một cách vô hình, mà là hành
động với một sự vô ngã, giúp ta an trú trong giáo pháp, trong đạo lớn. Chẳng có
gì đặc biệt để ta trở thành, chẳng có gì đặc biệt để ta làm, chẳng có gì đặc
biệt để ta nắm giữ.
Chúng ta có thể buông bỏ những hình ảnh về mình, buông bỏ những phóng ảnh, và
mọi nỗ lực để duy trì chúng. Hãy an trú trong hiện tại và để cho nó tự hiển lộ
không có một mảy may thành kiến nào về con người thật của mình.
Suzuki Roshi trong quyển “Zen Mind Beginner’s Mind” (Thiền tâm, sơ tâm) có đưa
ra một thí dụ về sự thư thái và bao la của tâm ấy. Ông nói rằng cách hay nhất
để kiểm soát một con bò là cho nó một đồng cỏ thật rộng. Khó mà có thể kiểm
soát được một con bò trong một khoảng không gian nhỏ bé và giới hạn. Nhưng nếu
bạn cho nó một bầu trời bao la thì khoảng trời rộng lớn ấy sẽ giữ con bò lại.
Cũng vậy, một cách để kiểm soát tâm mình là để cho nó được thoải mái. Không cần
gì phải nhốt hay kiềm hãm nó lại trong một khoảng không gian chật hẹp. Hãy thư
thái và để cho nó tự nhiên hiện hữu, thoát ra ngoài mọi cố gắng, ý niệm muốn
đạt một việc gì. Hãy cho nó một cánh đồng cỏ bao la và nhìn nó tỏa bày. Thái độ
cố gắng để thực hiện một điều gì, để trở thành một người nào, đôi khi cũng lan
tràn trong lãnh vực tu hành. Ý niệm tăng tiến, thủ đắc là một chướng ngại rất
lớn cho sự tu tập. Tất cả cũng vì ta không hiểu được tự thể rỗng không của mọi
vật, của đạo lớn.
Văn hào Wei Wu Wei đã diễn tả một cách hàm súc về vấn đề an trú trong hiện tại
và không cần nỗ lực. Ông nói: “Cái mà ta đang tìm kiếm là sự tìm kiếm.” Không
có cái gì ở bên ngoài ta để cho ta tìm kiếm, nắm giữ hay là đạt đến. Ông nói:
“Chỉ có một câu hỏi, và hỏi tức là trả lời.” Hỏi tức là việc xảy ra trong giờ
phút hiện tại. Và đó cũng là câu trả lời cho câu hỏi. Câu trả lời không phải là
một cái gì “ở bên ngoài” mà ta cần phải tìm kiếm hay khám phá. Câu trả lời cho
câu hỏi trọng đại “ta là ai” chính là việc nêu lên nghi vấn ấy.
Điều này giúp ta hiểu được truyền thống thiền (Zen) và việc sử dụng các công
án, là những vấn đề không thể giải quyết. Chúng ta bắt tâm mình phải suy nghĩ
về những câu hỏi mà không thể nào có một sự giải đáp hợp lý được, như là: “Hãy
nói cho ta nghe về tiếng vỗ của một bàn tay?” Khi ta đi tìm câu trả lời bằng
cách cố gắng giải quyết vấn đề tức là ta đã không hiểu gì hết. Câu hỏi mà vấn
đề đưa ra, nghi vấn của một công án, tự nó chính là câu trả lời. Và sự thật thì
lời giải đáp cho một công án là không có câu trả lời nào hết! Nó chính là khả
năng ứng đối hoàn toàn trong giây phút hiện tại. Đây cũng là mục đích sự tu tập
của chúng ta: hoàn toàn sống trong giờ phút hiện tại - trong câu hỏi và trong
câu trả lời. Không phải đi tìm giải đáp bằng cách mong cầu một loại tri thức,
một sự hiểu biết hay kiến thức nào cả, nhưng là kinh nghiệm một cách trọn vẹn
tiến trình xảy ra trong giờ phút hiện tại.
Trở ngại to tát nhất cho sự an định là cố chấp vào một hình ảnh, ý niệm về mình
và những mơ tưởng về một nhân vật mà mình muốn được trở thành. Chúng làm phức
tạp một cách không cần thiết cái kinh nghiệm giản dị của việc sống trong hiện
tại. Thường thì những người trên đường tu tập thường bị chấp kẹt vào một hình
ảnh: một hình ảnh về một nhà tu, một thiền sư, một đạo sư mà họ tự tạo nên, rồi
cố buộc mình phải hành động, sống theo như vậy.
Trong thời gian tu tập ở Ấn Độ, tôi có ba vị thầy khác nhau. Qua những vị thầy
tôi học được một bài học vô cùng quan trọng: không có một phương pháp duy nhất.
Sự giác ngộ không được diễn tả qua một cá tính, hay một tác phong duy nhất. Mỗi
vị thầy đều có một cá tính riêng, theo một cách thức hoàn toàn khác nhau. Mỗi
ngưòi đều là hiện thân của trí tuệ, tình thương và sức mạnh, nhưng hoàn toàn
không có một ý niệm rằng hiện thân này phải được biểu hiện bằng cách này hay
cách khác.
Wei Wu Wei nói rằng đức khiêm tốn chính là sự vắng mặt của một cá nhân kiêu
hãnh. Nó không phải là một vị thế của thân hay của cá tính. Sự khiêm tốn thật
sự chính là vô ngã. Những vị thầy của tôi biểu lộ sự “vắng mặt” này theo một
lối riêng tự nhiên của họ. Sự nhận hiểu giáo pháp có thể biểu lộ qua nhiều cách
khác nhau, giúp ta hiểu rằng không có một đường lối nhất định buộc ta phải
theo. Trong sự tinh luyện này, ta không phải đảm đương hay bắt chước theo một
tác phong nào hết. Cứ thoải mái và để cho những cá tính của ta hiển bày một
cách tự nhiên, hãy để giáo pháp phô bày. Không có việc gì để làm, không có ai
để trở thành và cũng không có gì để giữ lấy. Với thái độ đó, ta có thể làm, có
thể trở thành và có thể giữ lấy một cách vô cùng tự tại.
Có một câu chuyện thiền nói về ý niệm chấp có mình và người khác. Ngài tổng đốc
Kyoto đến thăm một vị thiền sư, nhờ người thị giả đưa danh thiếp vào. Trên danh
thiếp có ghi tên ông với hàng chữ “Tổng đốc Kyoto”. Vị thiền sư xem xong nói:
- Ta không biết người này là ai cả! Ngươi hãy bảo ông ấy cút đi cho khuất mắt
ta!
Người thị giả ra kể lại với lời xin lỗi. Tổng đốc nói: “Không! Đó là lỗi của
ta.” Rồi ông lấy bút gạch bỏ hàng chữ “Tổng đốc Kyoto”.
- Xin ông trình lại với thiền sư giúp tôi.
Vị thiền sư xem danh thiếp rồi kêu lên:
- Ồ! Hóa ra là ông ấy! Mời ông ấy vào ngay, ta đang muốn gặp!
Khi tự cho mình là “Tổng đốc Kyoto”, người này đã xa lìa đạo pháp. Và khi tự
giới thiệu mình như trong giờ phút hiện tại, không hình ảnh, không chức tước,
không ý niệm, thì lập tức ông được gặp thiền sư. Khả năng ứng xử không bị giới
hạn trong một hình ảnh nào luôn giúp ta có được sự tự tại trong các mối liên
hệ. Chúng ta rất thường tự dồn ép bản thân và người khác vào những ngăn chứa
tâm lý - “Hắn là như vậy đó, tôi biết quá mà!” Vì thế, liên hệ của ta với người
khác trở nên cố định, qua tấm màn thành kiến. Nhưng sự vật thì thay đổi trong
mỗi giây phút: tâm ta, thân ta, hoàn cảnh chung quanh ta.... Ta phải biết uyển
chuyển thoát ra khỏi các thành kiến về mình hay người khác, để cho những thay
đổi này cùng sự hiểu biết của ta được cởi mở và không ngăn ngại.