- Lời Giới Thiệu
- Buổi Tối Thứ Nhất Lời Dạy Mở Đầu
- Buổi Tối Thứ Hai Bát Chánh Đạo
- Buổi Sáng Thứ Ba Bài Thực Tập: Cảm Thọ
- Buổi Tối Thứ Tư Sự Chú ý Đơn Thuần
- Buổi Sáng Thứ Năm Bài Thực Tập: Tư Tưởng
- Buổi Tối Thứ Năm Khái Niệm Và Thực Tại
- Buổi Sáng Thứ Sáu Bài Thực Tập: Đối Tượng Của Cảm Giác
- Buổi Tối Thứ Bảy Những Mẩu Chuyện
- Buổi Sáng Thứ Tám Bài Thực Tập: Tác ý
- Buổi Sáng Thứ Chín Bài Thực Tập: Ăn Trong Chánh Niệm
- Buổi Tối Thứ Chín Năm Triền Cái
- Buổi Sáng Thứ Mười Bài Thực Tập: Quán Tâm Thức
- Buổi Tối Thứ Mười Dũng Sĩ
- Buổi Sáng Thứ Mười Một Trò Chơi Định Tâm
- Buổi Tối Thứ Mười Hai Ba Trụ Pháp: Ba-la-mật
- Buổi Tối Thứ Mười Ba Sự Tương Đồng
- Buổi Tối Thứ Mười Bốn Tứ Diệu Đế
- Buổi Tối Thứ Mười Lăm Sự Cương Quyết Nửa Vời
- Buổi Tối Thứ Mười Sáu Nghiệp Báo
- Buổi Tối Thứ Mười Bảy Bài Thực Tập: Hôn Trầm
- Buổi Tối Thứ Mười Tám Sự Trong Sạch Và Hạnh Phúc
- Buổi Tối Thứ Mười Chín Tín Ngưỡng
- Buổi Tối Thứ Hai Mươi Mốt Thập Nhị Nhân Duyên
- Buổi Tối Thứ Hai Mươi Hai Cái Chết Và Lòng Từ Bi
- Buổi Tối Thứ Hai Mươi Lăm Đạo
- Buổi Tối Thứ Hai Mươi Sáu Thất Giác Chi
- Buổi Tối Thứ Hai Mươi Chín Con Đường Của Phật
- Buổi Sáng Thứ Ba Mươi Kết Thúc
BA MƯƠI NGÀY THIỀN QUÁN
Joseph Goldstein
Nguyễn Duy Nhiên Việt dịch
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, Hà Nội 2008
Buổi sáng thứ ba mươi
Bạn không thể ở mãi trên đỉnh núi cao. Rồi bạn cũng phải đi xuống, vậy sao phải
bận tâm leo lên? Đó là vì, ở trên cao ta có thể biết được những gì bên dưới,
nhưng ở dưới thấp thì không bao giờ biết được cái gì ở trên cao.
Ta leo lên, ta chứng kiến; khi trở xuống ta không còn thấy nữa, nhưng ta đã
được thấy. Đem những gì đã được thấy khi còn ở trên cao áp dụng vào đời sống
dưới thấp là cả một nghệ thuật. Khi không còn thấy, ít nhất ta vẫn còn biết.
Mount Analogue
Câu hỏi bây giờ là: làm sao để phối hợp sự hành thiền tích cực vào đời sống
hằng ngày? Câu trả lời rất giản dị: Hãy giữ chánh niệm. Mặc dù chung quanh có
rất nhiều điều làm ta phân tâm, những giác quan ta có trăm ngàn đối tượng,
nhưng nếu ta không có sự ưa thích, không có sự ghét bỏ, không có sự mong mỏi
nào, thì tâm ta sẽ vẫn giữ được sự an tĩnh và quân bình. Chánh niệm là thành
trì bảo vệ kiên cố nhất.
Có những cách giúp ta duy trì được sự quân bình và an tĩnh trong tâm. Quan
trọng nhất là ngồi thiền thường xuyên mỗi ngày. Ngồi mỗi ngày hai lần trong
vòng một tiếng đồng hồ, hay lâu hơn, sẽ duy trì định lực và chánh niệm mà ta đã
bỏ công vun trồng trong một tháng qua.
Ngay sau khi kết thúc một khóa thiền tích cực nhiều ngày như thế này, bạn có
thể sẽ cảm thấy rằng ngồi một hay hai tiếng mỗi ngày chẳng khó khăn gì, nhưng
khi bạn trở về với công việc làm ăn thường ngày, việc ấy sẽ không dễ dàng như
bạn tưởng. Nó đòi hỏi một tinh thần kỷ luật và sự tinh tấn. Hãy cố gắng giữ cho
việc ngồi thiền được ưu tiên nhất trong ngày. Mỗi ngày, hãy sắp đặt những sinh
hoạt khác chung quanh giờ ngồi thiền của bạn, thay vì ép nó vào giữa hai công
việc cần làm nào đó. Bạn sẽ bắt đầu kinh nghiệm được việc ngồi thiền mỗi ngày
có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống.
Nếu bạn có thể sắp xếp một thời gian nhất định trong ngày để ngồi thiền sao cho
không bị quấy rầy, điều đó sẽ giúp ích rất nhiều. Nếu bạn có được thói quen
ngồi thiền vào một giờ nhất định, bạn sẽ ít bỏ lỡ hơn. Thời gian tốt nhất là
khi vừa thức dậy, dùng việc ngồi thiền để chuẩn bị cho một ngày chánh niệm; và
một giờ ngồi thiền vào buổi tối để thân tâm ta được nghỉ ngơi, tươi mát trở
lại. Nhưng cũng có thể vào bất cứ lúc nào thuận tiện cho bạn. Hãy thực nghiệm.
Điều quan trọng là giữ cho sự thực hành được liên tục. Việc ngồi thiền đều đặn
mỗi ngày có một giá trị vô cùng.
Còn một số việc khác bạn có thể làm để phối hợp sự tu tập vào đời sống hằng
ngày. Hãy giữ chánh niệm trong một số việc hằng ngày của bạn, chẳng hạn như khi
ăn. Cố gắng ít nhất ăn một buổi cơm trong im lặng mỗi ngày. Đây sẽ là thời gian
để ta thực tập sống có ý thức, có chánh niệm, và làm sống dậy những khuynh
hướng tốt trong tâm mà ta đã vun trồng trong khóa tu một tháng này.
Bằng sự thực tập chánh niệm một cách thường xuyên, bạn làm giảm đi những thói
quen xấu đã tích tụ lâu ngày.
Trong cuộc sống hằng ngày ta thường đi bộ rất nhiều. Hãy vận dụng thời gian này
để hành thiền. Khi đi, bạn không cần phải bước thật chậm và niệm “dở lên, bước
tới, đặt xuống”, chỉ trừ khi nào thật thuận tiện. Bạn chỉ cần chú ý đến cử động
của toàn thân, hay cảm giác sự đụng chạm của mỗi bước chân. Một lần nữa, hãy
thực nghiệm.
Trong ngày, nếu có những lúc căng thẳng hay mệt mỏi, hãy nhớ đến hơi thở. Cứ mở
mắt, đừng cố ý phô trương là mình đang tập thiền. Chú ý đến sự phồng xẹp ở bụng
hay hơi thở ra vào, dù chỉ trong một vài phút. Tâm ta sẽ trở lại an tĩnh và thư
thái.
Sau một thời gian, bạn sẽ thấy rằng chánh niệm bắt đầu có mặt trong bất cứ việc
làm nào. Giáo pháp là một cuộc sống trọn vẹn. Không phải chỉ có những khi ngồi
thiền hay các khóa tu tập tích cực mới là thực hành giáo pháp. Giáo pháp có mặt
trong tất cả và chúng ta phải biết sống hòa hợp với sự hiểu biết đó.
Hạt giống trí tuệ và từ bi mà ta vun trồng có một sức mạnh rất lớn. Chúng sẽ
kết quả một cách biến thiên và bất ngờ. Những khi bạn cảm thấy đang bị lôi
cuốn, vướng víu vào những rối ren của cuộc sống, sẽ có một ý thức chánh niệm tự
nhiên khởi lên. Ánh sáng của chánh niệm ấy sẽ giúp bạn tự thấy được chính mình
và cả tấn tuồng đời đang diễn ra chung quanh. Hãy giữ sự giản dị và thoải mái.
Với một tâm tĩnh lặng và an lạc, giáo pháp sẽ tự nhiên phô bày.
Có những điều suy nghiệm có thể giúp ta thêm tinh tấn, cố gắng sống trong giây
phút hiện tại. Thứ nhất là suy nghiệm về sự thật vô thường. Hãy nhớ đến cái
chết không thể tránh khỏi, và tự tánh thay đổi của mọi hiện tượng trong từng
giây, từng phút. Giữ ý thức về dòng biến chuyển, về sự thật là mọi vật đều đang
ở trong một trạng thái biến đổi không ngừng, tâm ta sẽ được an ổn và quân bình
trong mọi hoàn cảnh. Bạn sẽ bớt đi khuynh hướng tự xét đoán mình và phê bình kẻ
khác, không còn những thành kiến phân loại người khác và hoàn cảnh chung quanh.
Bạn sẽ kinh nghiệm được một lối sống mới, cởi mở và trống không hơn, phản ứng
một cách tự nhiên và hiệu quả hơn trong hiện tại mà không cần phải vác theo
gánh nặng của thành kiến, khái niệm từ quá khứ.
Suy nghiệm thứ hai là về lòng từ bi. Khi bạn ứng xử với cha mẹ, bạn bè hay người
lạ, hãy nhớ rằng trên một bình diện sâu xa không có “tôi” và “anh”, không có
“chúng ta” và “họ”; tất cả chỉ là một thực thể trống rỗng. Từ sự trống rỗng
này, phát tỏa tình thương đối với muôn loài. Nhiều yếu tố khổ đau trong sự liên
hệ tình cảm của ta đối với người khác sẽ rơi rụng, khi ta thực tập phát triển
lòng từ bi trong cuộc sống.
Đức Phật có đưa ra một hình ảnh để thí dụ về sự cởi mở, nhân ái có thể giữ cho
ta được an lạc và quân bình. Nếu bạn bỏ một muỗng muối vào trong ly nước, nước
trong ly sẽ có vị mặn. Nhưng nếu bạn bỏ bấy nhiêu muối, hay nhiều hơn thế nữa,
vào một hồ nước lớn, vị của nước vẫn không thay đổi. Tương tự như vậy, khi tâm
ta hẹp hòi và cố chấp, bất cứ một sự đụng chạm nào cũng đều có ảnh hưởng xáo
trộn mạnh mẽ. Khi tâm ta có một khoảng không gian thênh thang thì những đụng
chạm tiêu cực gấp mấy lần thế cũng không gây ảnh hưởng. Từ bi là một đức tính
nhu thuận và rộng khắp mà ta luôn có thể ban bố trong cuộc sống.
Sự suy nghiệm thứ ba là đức khiêm tốn, hay là sự vô hình. Bạn không cần phải vỗ ngực xưng mình là ông hay bà “thiền sĩ”, là một nhân vật quan trọng. Trang tử có viết:
“Thế cho nên bậc chân nhân làm việc không gây thiệt hại cho ai, mà cũng không ân huệ cho ai. Không động vì lợi mà cũng không coi người canh cửa là hèn. Không vì tiền của mà tranh, cũng không lấy sự nhún nhường làm quý. Công việc không nhờ vả vào ai, mà cũng không lấy việc tự lập làm quý, không khinh kẻ tham lam. Đức hạnh khác người thế tục, nhưng chẳng chuộng sự khác lạ. Không hùa theo đám đông mà cũng không khinh người xiểm nịnh. Tước lộc của đời không đủ để khuyến khích, hình phạt chẳng đủ để sỉ nhục. Họ biết phải trái không có chỗ phân được, lợi nhỏ không có chỗ định được. Cổ nhân có nói: “Người có đạo thì lặng lẽ, bậc chí đức thì không mong gì cả, còn người đại nhân thì không có mình: họ đã hợp tất cả làm một.”
Bạn sẽ khám phá ra rằng càng vô hình chừng nào, cuộc sống lại càng giản dị và thư thái chừng ấy. Một lần nữa, tôi lấy từ Trang Tử:
“Một người đi thuyền qua sông. Một chiếc thuyền không người lái từ đâu trôi đến, đụng vào mạn thuyền của ông. Cho dù có là người nóng tính đến đâu, ông cũng sẽ không giận. Nhưng nếu thấy bên thuyền kia có người, ông sẽ hét lên, bảo người kia bẻ lái. Nếu không nghe, ông sẽ tiếp tục la hét, chửi mắng, nóng giận. Tất cả chỉ khác nhau ở chỗ thuyền bên kia có người. Nếu là một chiếc thuyền không thì chắc chắn sẽ không có sự nóng giận, la mắng.
“Nếu biết đem cái lòng trống không mà đối xử với đời thì ai mà ngăn trở mình, ai lại muốn làm hại mình?”
Hãy làm một chiếc thuyền không, băng qua dòng sông cuộc đời bằng sự cởi mở, trống không và thương yêu, “thì ai mà ngăn trở mình, ai lại muốn làm hại mình?”
Có nhiều người hỏi tôi, làm sao để nói cho người khác nghe về giáo pháp. Một đức tính vô cùng quan trọng trong việc trao đổi ý kiến là phải biết lắng nghe, biết thông cảm với hoàn cảnh và với người khác. Bằng một tâm thinh lặng, khi chúng ta thật sự biết chú ý, một phương tiện truyền thông thích hợp sẽ trở thành rõ rệt. Đừng chấp chặt vào một khái niệm đặc biệt nào của giáo pháp, hay là giữ bất cứ một thiên kiến nào. Đừng dựa vào một nơi nào. Đôi khi ta chỉ cần một cuộc đối thoại tầm thường, trao đổi giản dị và thoải mái. Học cách lắng nghe là một nghệ thuật rất cao. Hãy giữ sự cởi mở và chấp nhận kẻ khác. Một thái độ vô ngã và chịu tiếp nhận có thể đem lại cho ta một tầm hiểu biết và chia sẻ rộng rãi.
Theo nghĩa đen thì danh từ Vipassana có nghĩa là nhìn thấy sự vật một cách rõ ràng, không phải chỉ có tiến trình của thân tâm, mặc dù đây là điều căn bản, mà là thấy mọi sự cho thật sáng suốt, những người chung quanh, mối quan hệ, hoàn cảnh. Đạo ở đây là sống một cuộc sống không tham, không sân, không si; sống với chánh niệm, với tỉnh thức cùng với một sự an lạc và tình thương. Tự thân chúng ta là một chân lý đang phô bày, và một tháng tu học, hay là cả một đời người, chỉ là sự bắt đầu của một nhiệm vụ to tát: thực hiện sự tự giác.
Đại trí thì bao trùm, tiểu trí thì giới hạn; lời lẽ hay đẹp thì khích lệ, lời lẽ vụn vặt thì tầm phào... Khi chúng ta tỉnh thức, các giác quan rộng mở. Ta bị lôi cuốn vào sự sinh hoạt và thân tâm ta phân tán. Đôi khi ta ngập ngừng, đôi khi ta lén lút, đôi khi ta bí mật. Nỗi sợ nhỏ gây nên sự ưu tư, nỗi sợ lớn gây nên sự kinh hoảng. Lời của ta phóng ra như những mũi tên, như là mình có thể biết đâu là phải, đâu là quấy. Ta bám víu vào quan niệm của mình, như thể là mọi sự đều tùy thuộc vào đấy. Nhưng rồi ý kiến của ta cũng không thường hằng, như mùa thu, mùa đông... chúng từ từ qua đi.
Ta bị mắc kẹt giữa dòng nước cuốn và không thể trở về. Ta bị cột nút lại như một ống nước cũ bị nghẹt cứng; ta đang đi gần đến cái chết mà không có cách nào thu hồi lại tuổi trẻ của mình. Vui mừng và giận dữ, sầu khổ và hạnh phúc, hy vọng và sợ hãi, bất lực và sức khỏe, khiêm nhường và cương quyết, như những tiếng nhạc trổi lên từ thân rỗng của ống sậy, hay những thân nấm mọc lên từ vùng đất ẩm đen, luôn xuất hiện trước mắt ta ngày đêm. Nào ai biết chúng từ đâu đến? Nhưng đừng lo! Cứ để mặc chúng! Làm sao ta có thể hiểu hết tất cả chỉ vỏn vẹn trong một ngày?
[1] Nguyên tác Hán văn: Chí đạo vô nan, duy hiềm giản trạch. Đãn mạc tăng ái, đỗng
tự minh bạch. Tín tâm minh – Tam tổ Tăng Xán.
[2]
Bất dụng cầu chân, duy tu tức kiến. Tín tâm minh, Tam tổ Tăng Xán.
[3] Câu chuyện này được kể lại đầy đủ trong kinh Đại bát Niết-bàn, quyển thứ 15,
phẩm thứ 8 (Phạm hạnh), phần 1. Bản dịch Hán văn của ngài Đàm-vô-sấm, bản Việt
dịch của Đoàn Trung Còn và Nguyễn Minh Tiến, NXB Tôn giáo. Đây là con voi hung
dữ nổi tiếng của vua A-xà-thế, có tên là Hộ Tài.
[4] Nguyên tác Hán văn: Nhữ quán tự bản tâm, mạc trước ngoại pháp tướng. Pháp vô tứ
thừa, nhân tâm tự hữu đẳng sai. Kiến, văn, chuyển tụng thị Tiểu thừa. Ngộ Pháp,
giải nghĩa, thị Trung thừa. Y Pháp tu hành, thị Đại thừa. Vạn pháp tận thông,
vạn pháp cụ bị, nhất thiết bất nhiễm, ly chư pháp tướng, nhất vô sở đắc, danh
Tối thượng thừa. Pháp Bảo Đàn Kinh, phẩm Cơ duyên.
[5]
Nguyên tác Hán văn: Phật hướng tánh trung tác, mạc hướng thân ngoại cầu. Tự
tánh mê, tức thị chúng sanh: tự tánh giác, tức thị Phật. Pháp Bảo Đàn Kinh,
phẩm Nghi vấn.
[6]
Nguyên tác Hán văn: Đại gia khởi bất đạo: chúng sanh vô biên thệ nguyện độ.
Nhẫm ma đạo: Thả bất thị Huệ Năng độ. Thiện tri thức! Tâm trung chúng sanh, sở
vị tà mê tâm, cuống vọng tâm, bất thiện tâm, tật đố tâm, ác độc tâm. Như thị
đẳng tâm, tận thị chúng sanh. Các tu tự tánh tự độ, thị danh chân độ. Pháp Bảo
Đàn Kinh, phẩm Sám hối.