BA MƯƠI NGÀY THIỀN QUÁN
Joseph Goldstein
Nguyễn Duy Nhiên Việt dịch
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, Hà Nội 2008
Buổi tối thứ mười sáu
Có một người hỏi đức Phật rằng tại sao có người sinh ra lại giàu có, trong khi
những người khác nghèo khổ; có người được thân thể khỏe mạnh, trong khi kẻ khác
lại ốm yếu, bệnh tật? Tại sao có người đẹp đẽ và có người lại xấu xí? Tại sao
có người nhiều bạn hữu, trong khi người khác lại chẳng có ai? Điều gì có thể
giải thích được sự sai biệt này giữa mọi người với nhau?
Đức Phật trả lời rằng mỗi người đều là kẻ thừa kế, nhận lấy những nghiệp báo mà
chính họ đã tạo ra trong quá khứ. Thật ra, chính vì những việc làm trong quá
khứ mà chúng ta mới sinh ra trong cõi này. Cuộc sống mà chúng ta đang kinh
nghiệm trong giờ phút hiện tại đây chính là kết quả huân tập của những việc làm
trong quá khứ.
Đức Phật còn giải thích thêm rằng những hành động như thế nào sẽ đưa đến những
kết quả như thế nào. Ngài nói, những ai làm việc giết hại sẽ bị chết yểu. Những
ai phóng sinh sẽ có một cuộc sống trường thọ. Những người gây khổ đau cho kẻ
khác sẽ sinh ra ốm yếu bệnh tật. Những ai theo con đường không bạo động, sẽ có
một cuộc sống khỏe mạnh. Đức Phật dạy rằng, những ai tham lam ích kỷ sẽ có một
cuộc sống nghèo khó. Những ai biết bố thí, rộng rãi sẽ được giàu có sung túc. Đây
chính là sự vay trả theo luật nhân quả. Mỗi hành động đều tạo thành một kết
quả.
Những ai buông thả theo sự tức giận, luôn sử dụng ngôn ngữ thô lỗ sẽ có một vẻ
ngoài khó coi, xấu xí. Còn những ai thực hành tâm từ bi, ăn nói dịu dàng, sẽ có
một vẻ ngoài đẹp đẽ, sáng sủa. Chúng ta là người nhận lãnh kết quả những hành
động của chính mình trong quá khứ. Những người thường có hành động bất hòa, tà
dâm, trộm cắp, sẽ phải giao du với những kẻ mê muội, không có nhiều bạn hữu và
sẽ không có cơ hội gặp Phật pháp. Còn những ai biết giữ giới luật sẽ gặp những
hoàn cảnh thuận tiện, giao du với những thiện tri thức và được nhiều sự giúp đỡ
trong cuộc sống. Những ai không bao giờ biết thắc mắc về cuộc sống này, không
hề tìm hiểu bản tâm, cũng không để ý phân tách tự thể của sự vật chung quanh,
sẽ sinh ra với sự ngu si và mê muội. Còn những ai biết thắc mắc, tìm hiểu, luôn
đi tìm câu trả lời về ý nghĩa chân thật cuộc sống này, sẽ sinh ra làm người
sáng suốt, khôn ngoan. Tóm lại, tất cả chỉ là sự vận hành của luật nhân quả.
Không có ai ở trên trời quyết định số mạng, vận mệnh của ta hết. Hiểu được luật
nhân quả, ta sẽ có thể tự tạo lập số mệnh cho mình. Có những con đường dẫn ta
đến nơi cao thượng, an lạc; cũng có những con đường đưa ta xuống chốn khổ đau.
Khi chúng ta hiểu được điều này, ta được tự do hoàn toàn trong sự chọn lựa của
mình.
Có bốn loại nghiệp chánh tác dụng đến đời sống chúng ta. Loại thứ nhất được gọi
là nghiệp tái sinh. Chúng là sức mạnh quyết định cảnh giới cho kiếp sống sắp
tới của ta, được tạo ra bởi những hành động mà ta đã làm. Những hành động này
có khả năng dẫn ta tái sinh vào cảnh giới của người, hoặc những cảnh giới thấp
hơn, hoặc cảnh giới của chư thiên, hoặc của loài a-tu-la.
Loại thứ hai là nghiệp trợ duyên. Đây là những hành động có ảnh hưởng duy trì
và trợ lực cho nghiệp tái sinh. Thí dụ như ta có một nghiệp tái sinh tốt và
được sinh vào cảnh giới người. Đây là một cảnh giới có hạnh phúc. Nghiệp trợ
duyên là những việc làm giúp cho kiếp sống làm người của ta được thuận lợi hơn.
Chúng duy trì cho nghiệp tái sinh được tốt và trợ lực cho các hạnh phúc được
khởi sinh.
Loại thứ ba là nghiệp bổ đồng. Nó có ảnh hưởng ngăn trở nghiệp tái sinh. Giả sử
ta có những thiện duyên và được tái sinh làm con người, nhưng chúng ta lại bị
đủ mọi khó khăn, đau đớn, khổ cực. Đó là ảnh hưởng của nghiệp bổ đồng. Nghiệp
tái sinh dẫn đến cảnh giới tốt có đầy thiện duyên, nhưng chúng bị ảnh hưởng của
nghiệp bổ đồng làm suy yếu và trở ngại, khiến ta gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn.
Nhưng nghiệp bổ đồng cũng có tác dụng ngược lại. Giả sử có người bị tái sinh
vào cảnh giới súc sinh. Đây là một nghiệp tái sinh xấu, vì bị sinh vào một cảnh
giới thấp hơn. Nhưng nghiệp bổ đồng khiến cho kiếp thú đó lại trở nên rất dễ
chịu, cũng giống như những con vật được nâng niu, chìu chuộng trong xã hội Tây
phương. Những con vật này đôi khi lại còn được sung sướng, đầy đủ hơn nhiều
người khác trên thế giới. Loại nghiệp này có tác dụng làm trở ngại nghiệp tái
sinh xấu. Nó có ảnh hưởng hai chiều.
Loại nghiệp cuối cùng được gọi là nghiệp tiêu diệt. Nó có khả năng tiêu diệt
hoàn toàn năng lực của một nghiệp khác. Giả sử bạn bắn một mũi tên vào không
trung. Mũi tên bay theo một sức đẩy nhất định nào đó, và nếu không bị ngăn trở,
nó sẽ tiếp tục bay cho đến khi hết sức rồi sẽ rơi xuống. Nghiệp tiêu diệt cũng
như một chướng ngại vật chận đứng sức bay của mũi tên và làm nó rơi xuống đất.
Có những người bị chết yểu. Những người này có thể có nghiệp tái sinh và nghiệp
trợ duyên tốt đẹp, nhưng vì một hành động xấu nào đó trong quá khứ mà nghiệp tiêu
diệt đã làm ngưng đường bay của mũi tên, tiêu diệt mọi năng lực của các nghiệp
tốt khác.
Vào thời đức Phật, có một câu chuyện thí dụ cho ta thấy sự hoạt động của những
nghiệp này. Có một người cúng dường thực phẩm cho một vị A-la-hán. Nhưng sau
khi dâng thực phẩm lên, ông lại cảm thấy tiếc rẻ, hối hận. Trong bảy kiếp liên
tiếp sau đó, ông ta được sinh ra làm người giàu có nhờ kết quả của việc cúng
dường. Cúng dường cho một bậc giác ngộ được phước báu rất lớn. Nhưng kết quả
của sự hối hận, tiếc rẻ là mặc dù ông ta sinh ra giàu có nhưng lúc nào cũng keo
kiệt, hoàn toàn không hưởng được sự sung túc của mình. Những nghiệp khác nhau
đem lại những kết quả khác nhau, tùy thuộc vào trạng thái tâm của ta lúc ấy.
Nghiệp tái sinh rất quan trọng và cần được hiểu rõ, vì nó có tác dụng quyết
định cảnh giới tái sinh của ta. Đây là loại nghiệp hoạt động rất mạnh trong
giây phút cuối cùng của sự sống. Trong giây phút lâm chung, có bốn loại nghiệp
có thể khởi lên:
Thứ nhất là trọng nghiệp, có thể là nghiệp thiện hay nghiệp ác. Trọng nghiệp
thuộc về ác có năm thứ, được gọi là ngũ nghịch đại tội. Đó là: giết cha, giết
mẹ, giết A-la-hán, chia rẽ Tăng chúng và gây thương tích cho đức Phật. Chỉ một
trong năm tội này có khả năng vượt trên mọi hành động trong quá khứ và quyết định
việc tái sinh. Chúng chắc chắn sẽ tạo quả trước nhất nên gọi là trọng nghiệp.
Những trọng nghiệp thuộc về thiện là kết quả của việc tu tập đạt được trạng
thái thiền định và duy trì cho đến khi lâm chung. Kết quả của nghiệp này là
được tái sinh vào cảnh giới của chư thiên.
Trọng nghiệp bao giờ cũng giữ một địa vị ưu thế hơn mọi loại nghiệp khác. Những
trọng nghiệp khác thuộc về thiện là kết quả của những giai đoạn giác ngộ khác
nhau. Chúng không quyết định chắc chắn cảnh giới tái sinh của ta, nhưng điều
chắc chắn là sẽ giúp đi lên những cảnh giới tốt đẹp hơn. Chúng ngăn chặn sự tái
sinh vào những thế giới thấp kém.
Những loại nghiệp không có một trọng nghiệp nào để làm điều kiện tái sinh thì
được gọi là cận tử nghiệp, tức là nghiệp tạo bởi những hành vi cuối cùng trước
khi lâm chung. Nói một cách khác hơn, trong giờ phút lâm chung, nếu ta chợt nhớ
đến những việc làm thiện, hay có ai nhắc nhở ta về những việc làm thiện, hoặc
là ngay trước khi lâm chung ta làm một điều gì tốt, chúng sẽ trở thành nghiệp
quyết định sự tái sinh.