BA MƯƠI NGÀY THIỀN QUÁN
Joseph Goldstein
Nguyễn Duy Nhiên Việt dịch
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, Hà Nội 2008
Buổi tối thứ mười bảy
Mỗi khi có một cơn đau xuất hiện ở đâu đó trong thân, ta thường có khuynh hướng
phản ứng bằng cách căng thẳng những bắp thịt ở một nơi khác. Vì vậy, thỉnh
thoảng ta nên buông thư, thả lỏng toàn thân, từng bộ phận một, buông thả sự
căng thẳng tích tụ vì những phản ứng sâu kín đối với các cảm giác khó chịu. Nhờ
vậy ta có thể tiếp tục ngồi lại mà quán chiếu các hiện tượng một cách dễ dàng
hơn.
Hãy tận dụng những giờ ngồi yên của mình để ngồi yên hoàn toàn không cử động
hay nhúc nhích. Sự quyết tâm này sẽ làm gia tăng sức mạnh của tâm trên nhiều
lãnh vực khác nhau. Sự tinh tấn và năng lực sẽ được thêm vững mạnh, và sự yên
lặng của thân sẽ làm tăng trưởng định lực và chánh niệm. Thông thường thì thân
ta phản ứng đối với mọi cảm giác hay cảm thọ khó chịu, dù chúng thật nhỏ nhặt,
bằng cách nhúc nhích thân thể. Nhưng chúng ta ít khi ý thức được tiến trình đó:
cảm thấy hơi khó chịu, cho nên đổi tư thế một chút. Bằng cách cương quyết không
cử động trong một giờ đồng hồ, chúng ta sẽ không thể nào trốn chạy, chúng ta
buộc phải ý thức những giây phút khó chịu ấy và những phản ứng của ta đối với
chúng. Bạn cũng có thể tăng những giờ ấy lên. Nếu bạn thấy dễ dàng hơn, hãy
quyết định ngồi lâu hơn.