BA MƯƠI NGÀY THIỀN QUÁN
Joseph Goldstein
Nguyễn Duy Nhiên Việt dịch
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, Hà Nội 2008
Buổi tối thứ hai mươi mốt
Vì sự bí mật của sinh, lão, bệnh, tử mà các đức Phật xuất hiện trong cuộc đời.
Không một thế giới nào mà không bị chi phối bởi sự thật này, và sự giác ngộ của
đức Phật chỉ có mục đích duy nhất là thấu hiểu nguyên nhân gốc rễ của nó. Một
trong những phần uyên thâm của giáo lý đạo Phật là mô tả về sự luân chuyển
không ngừng của sợi dây xích hiện hữu, được gọi là pháp nhân duyên.
Có mười hai nhân duyên, nên thường gọi là Thập nhị nhân duyên, bao gồm: vô
minh, hành, thức tái sinh, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh và
lão bệnh tử.
Hai nhân duyên đầu tiên nói về các nhân được gieo trong những kiếp quá khứ và
làm điều kiện cho kiếp sau này. Trước hết là vô minh. Vô minh có nghĩa là u
tối, không thấy chân lý, không hiểu giáo pháp, không biết Tứ diệu đế. Vì không
ý thức được sự việc một cách rõ ràng, không thấy đuợc sự thật khổ đau, gốc rễ
của nó và phương pháp giải thoát, cho nên vô minh làm điều kiện cho nhân thứ
hai trong chuỗi 12 nhân duyên là hành.
Hành có nghĩa là ý chí, ý muốn bắt đầu cho những hành động của thân, khẩu và ý.
Những hành động này phát sinh do các tâm thiện hay bất thiện. Hành là do vô
minh tạo nên. Vì không hiểu được sự thật nên ta tạo tác đủ các nghiệp. Nghiệp
lực của những hành động này lại làm điều kiện cho mắt xích thứ ba trong chuỗi
các nhân duyên là thức tái sinh.
Thức tái sinh có nghĩa là tâm thức đầu tiên khi ta mới sinh. Vì vô minh làm
điều kiện cho nghiệp lực mà ta đã tạo tác trong kiếp trước, thức tái sinh sẽ
khởi lên trong giây phút thụ thai. Tâm hành là nhân và thức tái sinh là quả.
Đây là một liên hệ có điều kiện của luật nhân quả.
Vô minh sinh ra tâm hành, tạo nên nghiệp lực. Nghiệp lực ấy làm phát sinh thức
tái sinh, là điều kiện bắt đầu cho đời sống này. Vì có tâm thức đầu tiên ấy mà
hiện tượng danh sắc được khởi lên với đầy đủ mọi phần tử của thân và mọi yếu tố
của tâm. Rồi từ hiện tượng danh sắc mà lục nhập phát sinh. Lục nhập sẽ hình
thành từ những quan năng của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, được phát triển
trong giai đoạn còn là bào thai.
Thức tái sinh trong giây phút thụ thai làm điều kiện phát sinh hiện tượng danh
sắc. Vì sự có mặt của danh sắc mà lục nhập sinh ra. Lục nhập là sự tiếp nhận
của những giác quan (căn) khi tiếp xúc với những đối tượng của chúng (trần),
như là mắt với màu sắc, tai với tiếng động, mũi với mùi, lưỡi với vị, thân với
cảm giác, ý với tư tưởng. Rồi lục nhập lại làm điều kiện cho xúc, vì xúc đòi
hỏi cả ba yếu tố: căn (giác quan), trần (đối tượng của giác quan) và thức (sự
nghe, thấy, ngửi, nếm, cảm giác và suy nghĩ). Như vậy, lục nhập làm phát sinh
xúc.
Rồi sự tiếp xúc giữa căn với trần làm phát sinh cảm thọ, hay thọ. Thọ tức là
những cảm giác dễ chịu, khó chịu hay trung hòa xảy ra trong từng sát-na của
tâm, khi có sự xúc chạm. Dù sự tiếp xúc có qua những cánh cửa giác quan hay là
qua ý thức, thọ lúc nào cũng có mặt, và nó là một tâm hành cơ bản. Cho nên, xúc
làm điều kiện phát sinh thọ.
Bởi vì có thọ nên mới có ái. Ái là lòng tham dục, ham muốn, khao khát một vật
gì. Chúng ta muốn những gì? Đó là những hình ảnh, âm thanh dễ chịu, những mùi
vị thơm ngon, những cảm giác, tư tưởng tươi mát, nhẹ nhàng... Chúng ta muốn vứt
bỏ những gì gây khó chịu. Chúng ta khao khát hoặc trốn tránh những đối tượng
khác nhau của lục nhập.
Ái là điều kiện phát sinh thủ. Thủ có nghĩa là nắm giữ, muốn lấy làm của mình.
Bởi vì chúng ta có tham dục với các đối tượng của sáu giác quan, nên ta muốn
chiếm giữ, nắm bắt. Ta nhận chúng là mình, gắn bó với chúng.
Rồi bởi vì thủ mà ta bắt đầu tạo nghiệp, tiếp tục những hành động trong kiếp
trước đã tạo nên thức tái sinh cho kiếp này. Như vậy, thọ sinh ái, ái sinh thủ,
và thủ làm điều kiện cho hữu, tức là một sự hiện hữu tiếp nối, làm năng lực cho
hạt giống luân hồi, thức tái sinh cho kiếp sau. Từ những nghiệp lực được tạo
nên do thủ mà có sinh.
Vì sinh nên mới có bệnh tật, chán nản; có tàn hoại và đau đớn; có khổ đau, có
già chết.
Và bánh xe luân hồi tiếp tục xoay tròn như thế, kéo theo một chuỗi nhân duyên
vô ngã.
Vấn đề của đức Phật khi đi tìm chân lý - và của tất cả chúng ta hôm nay - là
làm sao tìm được một lối thoát ra khỏi cái vòng nhân duyên luẩn quẩn này.
Trong đêm giác ngộ dưới gốc Bồ-đề, đức Phật đã đi ngược lại dòng nhân duyên để
tìm ra một lối thoát. Tại sao có già, có bệnh, có chết? Vì có sinh. Tại sao có
sinh? Vì có hành phát khởi do tham, sân, si. Nhưng tại sao chúng ta lại vướng
víu vào những hành động này? Vì có hữu. Tại sao có hữu? Vì có ái. Tại sao có
ái? Vì có thọ, vì những cảm giác dễ chịu, khó chịu khởi lên. Tại sao có thọ? Vì
có xúc. Tại sao có xúc? Vì có lục nhập, và mọi hiện tượng danh sắc.