Kinh Điều Phục Tâm Ý

12/06/20144:14 CH(Xem: 6787)
Kinh Điều Phục Tâm Ý
KINH PHÁP CÚ HÁN TẠNG
Thích Nhất Hạnh Việt dịch
Thể kệ: Nguyên Định (chữ đậm)

Kinh Điều Phục Tâm Ý

Như con rùa bảo hộ sáu vóc của nó, ta phải phòng hộ tâm ý ta như phòng hộ thành quách của mình.
 
Tâm Ý Phẩm Pháp Cú Kinh đệ thập nhất
心意品法句經第十一
Kinh Điều Phục Tâm Ý
Dịch từ kinh Pháp Cú trong Hán tạng
Phẩm thứ 11

Phẩm này có 12 bài kệ. Biết tâm ý là đầu mối của ngôn ngữ và hành động cho nên phải học cách điều phục tâm ý. Vì thế, phẩm này bổ sung cho phẩm Song Yếu (phẩm thứ 9). Bốn bài kệ đầu nói về ý như một cái gì khó nắm bắt. Nếu có chánh niệm (tuệ giác) thì mình mới có thể điều phục được ý, và làm cho tâm trở nên sáng chói. Bài kệ đầu đã có ý xiển dương giáo lý tâm tính bản tịnh. Bài thứ 6 nói về sự thực tập chánh niệm để điều phục tâm ý và giúp cho tâm ý không bị kẹt vào cái nhìn lưỡng nguyên (thiện ác, có không, sinh diệt, một nhiều,…). Bài kệ thứ 12 đưa ra hình ảnh con rùa giấu đi sáu vóc của nó để đừng bị tấn công, cũng như hành giả sử dụng chánh niệm để bảo hộ sáu căn, sáu thức, không để cho những thế lực ma quái làm hại. Hai bài số 7 và 8 không có trong bản Pali. Hai chữ kiến pháp của bài số 8 có thể dịch hoặc là ‘‘thấy được chánh pháp’’, hoặc ‘‘thấy được chân tướng các pháp’’.
 
Bài kệ 1
Ý sử tác cẩu                                 意  使  作  狗
Nan hộ nan cấm                             難  護  難  禁
Tuệ chánh kỳ bổn                       慧  正  其  本
Kỳ minh nãi đại                              其  明  乃  大
 Ý thức lăng xăng như một con vượn, khó kiểm soát. Có tuệ giác thì chuyển hóa được nó tận gốc rễ, khi ấy nó sẽ sáng chói ra một cách vĩ đại.
Ý như con vượn
Lăng xăng khó kiềm
Có được tuệ giác 
Chuyển hóa tận gốc
Ý liền chói sáng.
 
Bài kệ 2
Khinh táo nan trì                            輕  躁  難  持
Duy dục thị tùng                            唯  欲  是  從
Chế ý vi thiện                                 制  意  為  善
Tự điều tắc ninh                             自  調  則  寧
 Ý bồn chồn, khó mà nắm bắt, (chỉ có thể đi theo quán sát nó). Nếu chế ngự được ý, tự điều phục được tâm mình thì sẽ có bình an.
Ý khó nắm bắt
Chế ngự được ý
Tự điều phục tâm
Sẽ có bình an.
 
Bài kệ 3
Ý vi nan kiến                                   意  微  難  見
Tùy dục nhi hành                           隨  欲  而  行
Tuệ thường tự hộ                       慧  常  自  護
Năng thủ tức an                             能  守  即  安
 Ý vi tế khó thấy, thường đi theo tham dục. Người có tuệ giác nhờ biết tự bảo hộ bản thân thường xuyên cho nên có thể chế ngự và đạt tới an lạc.
Ý thường vi tế
Đi theo tham dục
Người trí tự chế
Đạt tới an lạc.
Bài kệ 4
Độc hành viễn thệ                          獨  行  遠  逝
Phúc tạng vô hình                          覆  藏  無  形
Tổn ý cận đạo                                 損  意  近  道
Ma hệ nãi giải                                 魔  繫  乃  解
 Ý đi một mình, có thể đi rất xa, che dấu vô hình. Khép nó đi được vào con đường đạo thì mới thoát được những ràng buộc của ma quân.
Ý đi một mình
Đi xa vô hình
Khép vào đường đạo
Thoát vòng ma vây.
  
Bài kệ 5
Tâm vô trụ tức                                心  無  住  息
Diệc bất tri Pháp                             亦  不  知  法
Mê ư thế sự                                     迷  於  世  事
Vô hữu chánh trí                            無  有  正  智
 Nếu tâm không biết an trú, không biết dừng lại, cũng không am tường chân tướng của các pháp thì sẽ bị thế sự mê hoặc, không có được chánh trí.
Tâm không an trú
Không biết dừng lại
Không biết chánh pháp
Thế sự mê hoặc
Không có chánh trí.
 
Bài kệ 6
Niệm vô thích chỉ                           念  無  適  止
Bất tuyệt vô biên                         不  絕  無  邊
Phước năng át ác                           福  能  遏  惡
Giác giả vi hiền                               覺  者  為  賢
 Nếu biết thực tập chánh niệm để dừng tâm lại, giữ cho nó không bị kẹt vào hai thái cực, thì phước đức sẽ có khả năng ngăn chặn được cái ác và giác ngộ thành bậc hiền giả.
Thực tập chánh niệm
Để dừng tâm lại
Giữ không bị kẹt
Vào hai thái cực
Phước ngăn chặn ác
Giác ngộ thành hiền.
 
Bài kệ 7
Phật thuyết tâm Pháp                    佛  說  心  法
Tuy vi phi chân                              雖  微  非  真
Đương giác dật ý                            當  覺  逸  意
Mạc tùy phóng tâm                        莫  隨  放  心
 Bụt dạy, tâm ý tuy mầu nhiệm vi tế, nhưng không có gì chắc thật. Ta phải ý thức về cái bôn ba của nó, đừng để cho nó phóng túng.
Tâm ý vi tế
Không gì chắc thật
Bôn ba đây đó
Đừng để phóng túng.
Bài kệ 8
Kiến Pháp tối an                         見  法  最  安
Sở nguyện đắc thành                     所  願  得  成
Tuệ hộ vi ý                                  慧  護  微  意
Đoạn khổ nhân duyên                   斷  苦  因  緣
 Thấy được chân tướng các pháp thì đạt tới an ổn tối thượng, thành đạt được sở nguyện. Người có trí tuệ biết hộ trì tâm ý vi tế của mình và chấm dứt các điều kiện đưa tới khổ đau.
Thấy pháp đạt an
Thành tựu sở nguyện
Người trí giữ tâm
Chấm dứt khổ đau. 
 
Bài kệ 9
Hữu thân bất cửu                          有  身  不  久
Giai đương quy thổ                        皆  當  歸  土
Hình hoại thần khứ                       形  壞  神  去
Ký trụ hà tham                               寄  住  何  貪
 Thân này không tồn tại lâu dài, sẽ trở lại thành đất. Khi hình hài hủy hoại thì thần thức phải đi, đó là chuyện phó thác, gửi gắm tạm thời, đừng có tham đắm.
Thân này sẽ mất
Trở lại thành đất;
Hình hài hủy hoại
Thần thức ra đi
Phó thác tạm thời
Đứng có tham đắm.
Bài kệ 10
Tâm dự tạo xứ                                心  豫  造  處
Vãng lai vô đoan                            往  來  無  端
Niệm đa tà tích                           念  多  邪  僻
Tự vi chiêu ác                                 自  為  招  惡
Tâm tạo ra xứ sở, tới lui không đầu mối, cái liên tưởng thường đưa ta đi về hướng tà quấy để rồi tự mình chiêu lấy nghiệp quả ác.
Tâm tạo xứ sở
Tới lui bất thường
Niệm hướng tà quấy
Chiêu lấy quả ác.
 
Bài kệ 11
Thị ý tự tạo                                     是  意  自  造
Phi phụ mẫu vi                               非  父  母  為
Khả miễn hướng chánh                 可  勉  向  正
Vi phước vật hồi                            為  福  勿  回
 Tất cả đều do tâm ý mình tự tạo tác ra, cha mẹ không làm gì để giúp mình được. Phải cố gắng hướng về nẻo chính, để làm việc phước đức, đừng đi ngược lại.
Tâm ý tự tạo
Cha mẹ không giúp;
Gắng về nẻo chính
Làm việc phước đức
Đừng đi ngược lại.
 
 
Bài kệ 12
Tạng lục như quy                           藏  六  如  龜
Phòng ý như thành                        防  意  如  城
Tuệ dữ ma chiến                             慧  與  魔  戰
Thắng tắc vô hoạn                         勝  則  無  患
 Như con rùa bảo hộ sáu vóc của nó, ta phải phòng hộ tâm ý ta như phòng hộ thành quách của mình. Chỉ có tuệ giác mới có khả năng chiến thắng ma quân và sau chiến thắng đó sẽ không còn hoạn nạn nữa.
Rùa giữ sáu vóc
Phòng hộ tâm ý
Như giữ thành quách
Tuệ giác thắng ma
Thắng rồi hết nạn.









Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.