Sn 5.6 Upasiva-manava-puccha Các Câu Hỏi của Upasiva

28/10/201810:09 SA(Xem: 4089)
Sn 5.6 Upasiva-manava-puccha Các Câu Hỏi của Upasiva
NGUYÊN GIÁC
Dịch Việt & Chú Giải
KINH NHẬT TỤNG SƠ THỜI
Nhà xuất bản Ananda Viet Foundation

 

Sn 5.6: UPASIVA-MANAVA-PUCCHA

CÁC CÂU HỎI CỦA UPASIVA

 

 

Làm cách nào vượt qua  trận lụt lớn? Đức Phật dạy rằng hãy tỉnh thức và không nương tựa bất kỳ một pháp nào. Không một pháp nào? Thiền sư Phật Quả Viên Ngộ là người soạn ra tuyển tập công án Bích Nham Lục, vẫn thường nói rằng chư Phật không một pháp trao cho người.

Trong tác phẩm “Sáu Cửa Vào Động Thiếu Thất” của Bồ Đề Đạt Ma, bản Việt dịch của Trúc Thiên, nơi những trang đầu tiên có ghi hai câu thơ của Thiền Tông Trung Hoa:

Tịch diệt thể vô đắc

Chân không tuyệt thủ phan.

(Thể Niết bàn không chứng đắc

Chân không chặt đứt tay leo.)

Đó là nơi không thể vin tay vào đâu được. Đó là nơi không có gì đê được (vô đắc) vì vốn đã có sẵn trong thể vắng lặng (trong tâm). Hễ còn vin vào bất kỳ pháp nào, dù là dính tới bất kỳ sắc thanh hương vị xúc pháp nào, đều sẽ hỏng (vì là, hễ vin vào bất cứ gì, là trên đầu mọc thêm đầu, trên tâm lại chồng thêm tâm).  Và vì không hề nương vào một pháp nào, nên mới vào được Cửa Không Cửa.

Kinh dạy có nhiều pháp tới giải thoát.

Như phổ biến hiện nay là Tứ Niệm Xứ (niệm Thân, niệm Thọ, niệm Tâm, niệm Pháp). Pháp này dạy trong Kinh MN 10, và một số kinh khác.

Kinh MN 10, bản dịch HT Minh Châu, viết: "Này các Tỷ-kheo, không cần gì nửa tháng, một vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này trong bảy ngày, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hai là nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn."

Như Lục Niệm Pháp (niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thiên, niệm Thí).

Kinh SN 9.11, bản dịch Thanissaro viết: “Keeping your mind on the Teacher, the Dhamma, the Sangha, your virtues, you will arrive at joy, rapture, pleasure without doubt. Then, saturated with joy, you will put an end to suffering & stress.” (Chú tâm vào Đức Phật, Giáo Pháp, Tăng Già, Giới Đức [của ngươi], ngươi sẽ chứng đạt niềm vui, cực kỳ an lạc, xa lìa ngờ vực. Rồi, bao trùm trong niềm vui đó, ngươi sẽ kết thúc sầu khổlo âu). Bản dịch Sujato là: “Thinking about the Teacher, the teaching… you’ll make an end to suffering.” (Thinking about = hướng tâm về, không mang nghĩa lý luận hay biện luận).

Như Thập Niệm Pháp (niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thiên, niệm Thí, niệm Hơi Thở, niệm Sự Chết, niệm Thân, niệm Tịch Tĩnh). Đức Phật nói rằng chỉ cần một pháp niệm, theo bất kỳ pháp nào trong Thập Niệm đều đủ để giải thoát.

Chúng ta từng đọc Kinh AN 10.2 với lời Đức Phật dạy rằng chỉ cần giữ giới thanh tịnh, và không cần khởi lên ước muốn gì hết (tâm hành xứ diệt) rồi sẽ tự động đắc quả A La Hán.

Tới đây, chúng ta cũng thấy nơi Kinh AN 1.287-296, bản Anh dịch Thanissaro, viết: “One thing — when developed & pursued — leads solely to disenchantment, to dispassion, to cessation, to stilling, to direct knowledge, to self-awakening, to Unbinding. Which one thing? Recollection of virtue.” (Một pháp -- khi được tu tập và vun bồi -- dẫn đi một hướng đơn độc tới nhàm chán, ly tham, tịch lặng, biết trực tiếp, giác ngộ, Niết Bàn. Một pháp nào? Đó là Niệm Giới.)

Pháp Niệm Sự Chết, nói trong Kinh AN 6.20, bản dịch Sujato, viết: “Mindfulness of death, when developed and cultivated in this way, is very fruitful and beneficial. It culminates in the deathless and ends with the deathless.” (Niệm sự chết, khi tu tập và vun bồi như thế, sẽ hiệu quả lớn, và rất lợi ích. Tận cùng là tới bất tử, thể nhập vào bất tử.)

Niệm Phật cũng đủ. Như trong Kinh Tăng Chi (AN 1.296-305), Phẩm Một Pháp, bản dịch ngài Minh Châu: “Một pháp ấy là gì? Chính là niệm Phật. Chính một pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.”

Hay là, như trong Kinh MN 52 và Kinh AN 11.17, Đức Phật dạy 11 pháp tu giải thoát, trong đó Thiền Tâm Từ là một cửa giải thoát, vin vào đây để nhận ra pháp ấn Vô Thường, là hoàn tất.

Tuy nhiên, tất cả các pháp vừa dẫn đều niệm có đối tượng, vin vào cảnh (uẩn-xứ-giới).

Trong khi đó, các tổ sư Thiền Tông nói rằng không một pháp nào để trao cho người, và học nhân phải bước lên đầu sào trăm trượng, rồi bước thêm một bước nữa (để rời cả sào).

Thiền Tông còn gọi, đó là Cái Chết Lớn, vì uần-xứ-giới đều biến mất, thân/tâm/thế giới đều biến mất trong tâm người tu (không còn gì để nương vào). Cái Chết Lớn này, trong bài Kệ 1076 trong Kinh Sn 5.6 được Đức Phật dạy là, theo bản dịch Bodhi: When all phenomena have been uprooted, all pathways of speech are also uprooted (Khi tất cả các pháp [tất cả hiện tượng] đã bị bứng gốc rễ, tất cả ngôn ngữ nói năng cũng bị bứng gốc rễ). Y hệt như lời của Bồ Đề Đạt MaHuệ Năng.

Bản Kinh Sn 5.6 nơi đây nói là chớ vin vào bất kỳ cảnh nào (phi đối tượng), không nói là niệm gì, mà chỉ nói là “tỉnh thức, nhìn về không một pháp nào, nương vào ‘không một pháp nào’ để qua bở”:

-- Bodhi dịch: Contemplating nothingness, mindful (Upasiva, said the Blessed One),  supported by ‘there is not’, cross over the flood;

-- Khantipalo dịch: Mindfully do you no-thingness regard, rely on “there-is-not” to go across the flood;

-- Thanissaro dịch: Mindfully focused on nothingness, relying on 'There isn't,' you should cross over the flood;

-- Anandajoti dịch: “Looking to nothingness, and being mindful, Upasīva,” said the Gracious One, “depending on nothing, cross over the flood”;

Bài Kệ 1070 trong Kinh này với lời Đức Phật dạy ngài Upasiva:

“…hãy tỉnh thức, nhìn về không một pháp nào, nương tựa “không một pháp nào” mà vượt qua dòng nước lũ. Rời dục lạc, bỏ nói năng, ngày đêm liên tục nhìn cho cạn kiệt tham ái…”

Nghe y hệt như lời chư Tổ Thiền Tông dạy pháp tham thoại đầu, nhìn liên tục ngày đêm xem gốc rễ tâm tham ái từ đâu ra, tới một lúc gốc rễ sẽ tự bứng lên, và đó vốn là cái rỗng rang tịch lặng.

Nhóm chữ “ngày đêm liên tục nhìn cho cạn kiệt tham ái” là dịch theo:

-- bản dịch Bodhi “night and day see into the destruction of craving,”

-- bản dịch Khantipalo là “see craving’s exhaustion by night and by day,”

-- bản dịch Thanissaro là “keep watch for the ending of craving, night & day.”

-- bản dịch Anandajoti là “day and night you must look for the end of suffering.”

Chỉ nhìn thôi, chỉ nhìn là đủ. Là các pháp tự vận hành. Đó là pháp tham thoại đầu của Thiền Tông, nhìn tận cội nguồn khi tâm tham chưa sinh khởi, trong khi buông hết tất cả uẩn-xứ-giới để không dựa vào bất kỳ pháp nào hết.

Hai bài Kệ 1074 và 1076 trong Kinh Sn 5.6 này, theo Luận thư Nidd II (dịch theo Bodhi), là câu trả lời của Đức Phật về cảnh giới giải thoát: Đức Phật không trả lời trực tiếp rằng cảnh giới giải thoáthư vô hay hằng hữu, chỉ nói rằng không thể nói là về đâu, y hệt như khi ngọn lửa biến mất, không thể định dạng hay nói năng gì về cảnh này.

 

Tóm lược ý kinh: Liên tục tỉnh thức, không nương vào bất kỳ pháp nào.

Kinh này gồm các bài kệ từ 1069 tới 1076.

 

1069. [Upasiva] Ô ngài Thích Ca, con đơn độc, không gì nương tựa, con không thể vượt qua dòng nước lũ lớn này. Hỡi Bậc Nhìn Thấu Suốt Tất Cả, hãy chỉ con phương tiện để vượt qua trận lụt.

 

1070. [Đức Phật] Hỡi Upasiva, hãy tỉnh thức, nhìn về không một pháp nào, nương tựa “không một pháp nào” mà vượt qua dòng nước lũ. Rời dục lạc, bỏ nói năng, ngày đêm liên tục nhìn cho cạn kiệt tham ái.

 

1071. [Upasiva] Người nào ly ái dục, không nương tựa vào một pháp nào, đã buông bỏ toàn bộ tất cả các thứ khác, hướng về tự do tối thượng, nơi vẫn còn tưởng – có phải người đó sẽ vẫn trụ nơi đó mà không rơi khỏi nơi đó?

 

1072. [Đức Phật] Người nào ly ái dục, không nương tựa vào một pháp nào, đã buông bỏ toàn bộ tất cả các thứ khác, hướng về tự do tối thượng, nơi vẫn còn tưởng –người đó sẽ vẫn trụ nơi đó mà không rơi khỏi nơi đó.

 

1073. [Upasiva] Nếu người đó vẫn trụ nơi đó mà không rơi khỏi nơi đó trong rất nhiều năm, xin Bậc Nhìn Thấu Suốt Tất Cả trả lời cho con, người đó sẽ được mát lạnh thanh lươngtự do nơi đó, hay có phải ý thức của người như thế sẽ biến mất [trong trạng thái đó]?

 

1074. [Đức Phật] Y hệt ngọn lửa khi gió thổi tắt, sẽ an nghỉ và không còn có thể được nhận ra, y hệt như bậc Trí Tuệ giải thoát khỏi thân và tâm, sẽ an nghỉ và và không còn có thể được nhận ra.

 

1075. [Upasiva] Đối với người đã tới an nghỉ như thế, có phải vị đó không còn hiện hữu? Hay vị đó vĩnh viễn hằng hữu không bệnh? Kính xin Đức Phật giảng cho con, vì ngài hiểu tận tường Pháp này.

 

.1076. [Đức Phật] Hỡi Upasiva. Không thể đo lường nào đối với người đã tới nơi an nghỉ giải thoát, không có gì người ta có thể mô tả về người đó, nơi tất cả các pháp đều hoàn toàn được gỡ bỏ, nơi tất cả mọi đường ngôn ngữ cũng hoàn toàn được gỡ bỏ.

 

Hết Các Câu Hỏi của Chàng Trai Upasiva

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
10/08/2011(Xem: 44795)
18/04/2016(Xem: 25064)
02/04/2016(Xem: 9671)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.