Sn 4.10 – Purabheda Sutta Kinh Trước Khi Thân Tan Rã

28/10/201810:02 SA(Xem: 2987)
Sn 4.10 – Purabheda Sutta Kinh Trước Khi Thân Tan Rã
NGUYÊN GIÁC
Dịch Việt & Chú Giải
KINH NHẬT TỤNG SƠ THỜI
Nhà xuất bản Ananda Viet Foundation

 

Sn 4.10 – PURABHEDA SUTTA

KINH TRƯỚC KHI THÂN TAN RÃ

 

 

Nói thân tan rã, là nói về sự chết hay khi hấp hối. Kinh khởi đầu với một người hỏi Đức Phật rằng phải nhìn thấy gì (kiến) và giữ giới (sila) như thế nào để được bình an – người bình an còn gọi là người tối thắng. Luận thư đời sau (theo bản dịch của Bhikkhu Bodhi) giải thích rằng duyên khởi kinh là do Đức Phật nhận thấy một số chư thiên trong hội chúng khởi tâm thắc mắc, “Nên làm gì trước khi thân này tan rã?” Đức Phật mới dùng thần thông tạo ra hình ảnh một vị Phật đi cùng với 1,250 tỳ khưu tụ hội trên không trung, và Đức Phật Thích Ca dùng thần thông để vị Phật (trên không, do thần thông tạo ra) đặt câu hỏi để Ngài nói bài kinh này. Vị Phật trên không đó được ngài Bodhi dịch là “a mind-created buddha” – nghĩa là, một vị “hóa Phật do tâm tạo” hay “huyễn Phật do tâm tạo” bỗng hiện trên bầu trời và nêu câu hỏi cho Đức Phật Thích Ca trả lời, thuyết kinh. Phải chăng hình ảnh hóa Phật này là một Đức Phật A Di Đà hay một Đức Phật Dược Sư?

Kinh này đặc biệt, hầu hết, không dạy là phải làm gì. Mà tập trung dạy là không, dạy là chớ, dạy là đừng. Nghe văn phong, có thể nghĩ tới Bát Nhã. Vì có vẻ như làm gì cũng sai, và không làm bất cứ gì mới là đúng. Duy có lời Đức Phật dạy: luôn luôn tịch lặng và tỉnh thức. Tức là chỉ và quán, quân bình. Đây cũng là chỗ để suy nghĩ, bởi vì rất nhiều nhà sưhọc giả thế giới từ thế kỷ 19 tới giờ nhấn mạnh vào quán (vipassana) hơn là chỉ (samatha). Đức Phật còn gọi người giải thoát là người Bình An, có vẻ nhấn mạnh yếu tố tịch tĩnh hơn là quán chiếu.

Đối chiếu, cũng sẽ thấy rất nhiều lời dạy của Thiền Tông trong này. Kinh Sn 4.10 tuy ngắn, nhưng gói trọn nhiều lời dạy của Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Nhân Tông, Huệ Năng, Lâm Tế, Dogen, Hakuin…  Nếu tóm gọn một lời, theo Thiền Tông sẽ là: Tỉnh tỉnh lặng lặng sống với tâm không biết. Cũng là Tâm vô tâm; kinh này gọi là không nương tựa gì, dù là nương tựa giáo thuyết. Thậm chí, Đức Phật nhấn mạnh, hãy xa lìa tất cả kiến. Trong khi Thiền Tông gọi là Thấy Tánh (Tánh Không, còn gọi là Thực Tướng Vô Tướng, hay Y Tha Tánh Duyên Khởi), trong kinh này Đức Phật gọi là nhận ra Pháp.

Ý đó, ghi trong bài Kệ 856, y hệt như trong Kinh Kim Cang, bản dịch Bodhi:

He has no dependences – having known the Dhamma, he is independent.

(Dịch: Người này không nương tựa gì [vô sở trụ] – nhận ra Pháp, người này độc lập.)

Nơi đây vắng bật những cái đã biết, đã học trong quá khứ hay đã mơ mộng về tương lai, và cũng không bận tâm với khoảnh khắc hiện tại; do vậy không có gì để so sánh thấp cao hay ngang bằng. Chỉ có cái tâm tỉnh thức lặng lẽ hiện tiền, người này sống với những cái chưa từng biết, và do vậy từng khoảnh khắc đều hiện ra mới tinh. Với tâm như thế, vắng bặt tất cả tham sân si mạn nghi. Tâm y hệt như lá sen, không giọt nước nào trụ lại. Vì là tỉnh thức với tâm không biết, nên trước mắt thấy rỗng rang vắng bặt tất cả sắc thọ tưởng hành thức.

Tóm lược ý kinh: Không tham sân. Không dính gì với quá, hiện, vị lai. Không dính gì tới xúc (từ mắt tai mũi lưỡi thân ý). Không dựa vào kiến nào. Không tài sản. Không thấy mình cao, thấp, hay ngang bằng gì. Tâm không chỗ trụ, sẽ nhận ra Pháp. Tịch lặng, tỉnh thức.  

Kinh này gồm các bài kệ từ 848 tới 861.

 

848

(Câu hỏi)

Nhìn thấy thế nào và hành xử thế nào

một người sẽ được gọi là bình an?

Tôi xin hỏi, và thưa Ngài Gotama,

xin dạy cho biết về người tối thắng.

 

849

(Đức Phật đáp)

Người đã không còn tham ái

trước khi thân tan rã

không dựa vào những gì trong quá khứ

không toan tính tư lường trong hiện tại

cũng không ước muốn gì ở tương lai.

 

850

Không còn giận dữ, sợ hãi

không còn khoe khoang, hối tiếc

họ là người trí, nói với điềm tĩnh

không lời nào ngã mạn, dao động

 

851

không mong muốn gì cho tương lai

không sầu muộn gì cho quá khứ

cô tịch giữa các xúc (từ mắt tai mũi lưỡi thân ý)

không bị dẫn đi bởi các kiến (quan điểm, lý thuyết).

 

852

không dính mắc, không lừa gạt

không tham muốn, không keo kiệt

không thô bạo, không kình chống

cũng không dùng lời tổn thương

 

853

không chạy theo các niềm vui

không tự hào, không ngã mạn

không dễ tin người, không mê đắm gì

luôn luôn dịu dàng, thông minh

 

854

rèn luyện không vì muốn được gì

không phiền hà khi thiếu thốn

không lòng tham nào khởi lên

cũng không chạy tìm các thức ăn ngon

 

855

Luôn luôn tỉnh thức và tịch lặng

Do vậy, không hề nghĩ gì về mình

là bằng ai, hơn ai, hay thua ai

không hề chút gì là tự hào

 

856

Với người không dựa vào bất cứ gì

nhận biết ra Pháp, người này độc lập.

Không chút tham muốn nào còn trong tâm

dù [tham] hữu hay vô, dù [tham] trở thành hay không trở thành.

 

857

Ta gọi người như thế là Bình An

người không bận tâm với thọ lạc

người, do vậy, không còn bị trói buộc

và đã vượt qua mọi dính mắc.

 

858

Người đó không có con trai hay gia súc

không có đồng ruộng hay đất đai

Với người này, không gì được tìm thấy

để họ cất giữ hay quăng bỏ.

 

 

859

không bận tâm những lời người khác

cùng với các ẩn tu, các Phạm hạnh

bình phẩm về họ,

người này không dao động vì bất kỳ lời ai nói.

 

860

Không tham và không keo kiệt,

người tịch tĩnh này tự nói là

mình cao hơn, ngang bằng, hay thấp hơn

Xa lìa mọi so sánh, đối chiếu

 người này không còn khởi tâm so sánh gì nữa.

 

861

Không lấy gì trên đời làm của mình

không buồn vì những gì mình không có

không dính gì tới bất kỳ giáo thuyết nào

người đó thực sự được gọi là Bình An.

 

Hết Kinh Sn 4.10

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
10/08/2011(Xem: 44910)
18/04/2016(Xem: 25494)
02/04/2016(Xem: 9771)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.