4. Tu Tập Từ Từ

09/01/20172:37 SA(Xem: 9066)
4. Tu Tập Từ Từ

VIỆN  NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM
HỢP  TUYỂN LỜI   PHẬT   DẠY
TỪ  KINH TẠNG  PALI 

In The Buddha’s Words
An Anthology of Discourses from the Pali Canon

By
BHIKKHU  BODHI
Wisdom Publications – 2005
Việt dịch : Nguyên Nhật Trần Như Mai
NHÀ XUẤT BẢN HỒNG  ĐỨC 2015

 

VII

CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT
 

4. TU  TẬP TỪ TỪ

          1. Tôi nghe như vầy. Một thời Thế Tôn cư ngụ ở thành Xá Vệ (Sāvathi ), trong Rừng Kỳ Đà  (Jeta’s Grove) thuộc Vườn Cấp-Cô-Độc ( Anāthapindika).

          2. Lúc bấy giờ, người Bà-la-môn Jānussoni đi ra khỏi thành Sāvathi vào giữa trưa bằng một cỗ xe trắng do ngựa bạch kéo. Người ấy thấy du sĩ Pilotika từ xa đi đến liền hòi ông ta : “Tôn giả Vacchāyana đi đâu vào giữa trưa như vậy ?”

          -  Thưa tôn giả, tôi từ chỗ Sa môn Gotama đến đây.

          -  Tôn giả Vacchāyana nghĩ thế nào về trí tuệ sáng suốt của Sa-môn Gotama ? Sa môn Gotama có phải là bậc trí tuệ hay không ?

          - Thưa tôn giả, tôi là ai mà có thể biết về trí tuệ sáng suốt của Sa-môn Gotama ? Chỉ có những vị ngang hàng với Ngài mới có thể biết được trí tuệ sáng suốt của Sa-môn  Gotama.

          - Tôn giả Vacchāyana đã ca ngợi Sa-môn Gotama với lời ngợi ca tối thượng.

          - Thưa tôn giả, tôi là ai mà có thể ca ngợi  Sa-môn Gotama ? Trong số những vị được ca ngợi thì  Sa-môn Gotama được ca ngợi như là bậc tối thượng giữa chư thiênloài người.

          - Tôn giả Vacchāyana thấy được lý do gì để có lòng tin vững chắc như vậy đối với Sa-môn Gotama ?

          3. - Thưa tôn giả, giả sử có một người săn voi thiện xảo đi vào khu rừng có voi ở và thấy một dấu chân voi lớn, dài bề dài  và rộng bề ngang . Người ấy sẽ đi đến kết luận: ‘Đây quả thật là môt con voi lớn.’ Cũng vậy, khi tôi thấy bốn dấu chân của Sa-môn Gotama, tôi đi đến kết luận : ‘ Thế Tôn là bậc Chánh Đẳng Giác, Giáo pháp được Thế Tôn khéo giảng, và Tăng đoàn khéo hành trì. ’ Thế nào là bốn ?

          4. - Thưa tôn giả, tôi thấy ở đây có một vài người bác học thuộc dòng quý tộc thông minh, có kiến thức rộng về giáo lý của người khác, sắc bén như người chẻ từng sợi tóc; họ đi đến chỗ này chỗ kia, bác bỏ quan điểm của kẻ khác bằng biện tài sắc bén của họ.  Khi họ nghe nói : ‘Sa-môn Gotama sẽ viếng thăm ngôi làng này hay thị trấn kia,’ họ sắp đặt câu hỏi như thế này, ‘ Chúng ta sẽ đến gặp Sa-môn Gotama và hỏi câu hỏi này. Nếu khi được hỏi như vậy, Sa-môn Gotama trả lời như thế này, thì chúng ta sẽ chất vấn  giáo lý của Sa-môn Gotama bằng cách này; và nếu khi được hỏi như thế kia, và Sa-môn Gotama trả lời như thế kia, thì chúng ta sẽ chất vấn giáo lý của Sa-môn Gotama như thế kia.’

           Họ nghe nói: ‘Sa-môn Gotama sẽ viếng thăm ngôi làng này hay thị trấn kia.’ Họ đi đến gặp Sa-môn Gotama, và Sa-môn Gotama đã  chỉ dẫn, khích lệ, làm phấn khởi và làm các vị này hoan hỷ bằng một bài Pháp thoại. Sau khi họ được chỉ dẫn, khích lệ, làm phấn khởi, và làm hoan hỷ bằng một bài Pháp thoại, họ không còn đặt câu hỏi như đã định, thì làm sao họ có thể chất vấn giáo pháp của Ngài ? Thật ra, họ đã trở thành đệ tử của Ngài. Khi tôi thấy dấu chân đầu tiên của Sa-môn Gotama, tôi đi đến kết luận: ‘ Thế Tôn là bậc Chánh Đẳng Giác, Giáo pháp được Thế Tôn khéo giảng, và Tăng đoàn khéo hành trì. ’

          5. - Lại nữa, tôi đã thấy một số người Bà-la-môn học rộng, thông minh… Thật ra, họ đã trở thành đệ tử của Ngài. Khi tôi thấy dấu chân thứ hai của Sa-môn Gotama, tôi đi đến kết luận: ‘ Thế Tôn là  bậc Chánh Đẳng Giác .’…

          6. - Lại nữa, tôi đã thấy một số gia chủ học rộng, thông minh…. Thật ra, họ đã trở thành đệ tử của Ngài. Khi tôi thấy dấu chân thứ ba của Sa-môn Gotama, tôi đi đến kết luận: ‘ Thế Tôn là  bậc Chánh Đẳng Giác…’

          7. Lại nữa, tôi đã thấy một số Sa môn  học rộng, thông minh…. Họ không còn đặt câu hỏi như đã định, thì làm sao họ có thể chất vấn giáo pháp của ngài ? Thật ra, họ đã xin phép Sa-môn Goatama cho họ được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, và Sa-môn Gotama đã cho phép họ xuất gia. Sau khi được xuất gia, sống một mình, ẩn cư, tinh cần, nhiệt tâm, và quyết tâm, chẳng bao lâu họ tự tri tự chứng ngay trong bây giờ và ở đây, an trú trong mục tiêu tối thượng của đời sống phạm hạnh mà những người bộ tộc đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Họ nói như sau: ‘ Chúng ta gần như bị lạc đường, chúng ta gần như bị  diệt vong, vì trước đây chúng ta tuyên bố chúng ta là Sa-môn mặc dù chúng ta thật sự không phải là Sa-môn; chúng ta tuyên bố chúng ta là Bà-la-môn mặc dù chúng ta thật sự không phải là Bà-la-môn; chúng ta tuyên bố chúng ta là A-la-hán mặc dù chúng ta thật sự không phải là A-la-hán. Nhưng bây giờ chúng ta là Sa-môn, bây giờ chúng ta là  Bà-la-môn, bây giờ chúng ta là  A-la-hán.’ Khi tôi thây dấu chân thứ tư của Sa-môn Gotama, tôi đi đến kết luận: ‘ Thế Tôn là bậc Chánh Đẳng Giác…’

          Khi tôi thấy bốn dấu chân của Sa-môn Goatama, tôi đi đến kết luận : ‘ Thế Tôn là bậc Chánh Đẳng Giác, Giáo pháp được Thế Tôn khéo giảng, và Tăng đoàn khéo hành trì. ’

          8. Khi nghe nói như vậy, người Bà-la-môn Jānussoni bước xuống từ cổ xe ngựa trắng do ngựa bạch kéo, đắp thượng y vào một bên vai, chấp tay cung kính hướng về Thế Tôn vái lạy và nói ba lần lời tán thán như sau :“ Cung kính đảnh lễ Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ! Cung kính đảnh lễ Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ! Cung kính đảnh lễ Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ! Rất có thể có một lúc nào đó tôi sẽ đến gặp Tôn Giả Gotama để đàm luận với Ngài.”

          9. Rồi người Bà-la-môn Jānussoni đi đến chỗ Thế Tôntrao đổi lời chào hỏi với Ngài. Sau khi những lời thăm hỏi xã giao chấm dứt, ông ấy ngồi xuống một bên và kể lại toàn bộ câu  chuyện giữa ông và du sĩ Pilotika. Sau khi nghe như vậy, Thế Tôn bảo ông ta :“ Này Bà-la-môn, nói như vậy thì ví dụ dấu chân voi chưa đầy đủ chi tiết. Để biết thế nào là đầy đủ chi tiết, hãy chú ý lắng nghe những gì ta sẽ nói.” – “ Thưa vâng, Tôn giả ”,  Bà-la-môn Jānussoni vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn giàng như sau:

          10. -Này Bà-la-môn, giả sử có một người săn voi đi vào khu rừng có voi ở và thấy một dấu chân voi lớn, dài bề dài  và rộng bề ngang . Người săn voi thiện xảo sẽ không đi đến kết luận: ‘Đây quả thật là môt con voi lớn.’ Vì sao vậy ? Trong một khu rừng voi ở, có những con voi cái thấp bé để lại những dấu chân lớn, và đây có thể là một trong những dấu chân của chúng. Người thợ săn đi theo dấu chân này và thấy trong rừng voi ở có dấu chân voi lớn, dài bề dài  và rộng bề ngang, và có vài cọ xát trên cao. Người săn voi thiện xảo sẽ không đi đến kết luận: ‘Đây quả thật là môt con voi lớn.’ Vì sao vậy ? Trong một khu rừng voi ở, có những con voi cái cao lớn có ngà để lại những dấu chân lớn, và đây có thể là một trong những dấu chân của chúng. Người thợ săn đi theo dấu chân này và thấy trong rừng voi ở có dấu chân voi lớn, dài bề dài  và rộng bề ngang, và có vài cọ xát trên cao, và có dấu do ngà voi cắt chém. Người săn voi thiện xảo sẽ không đi đến kết luận: ‘Đây quả thật là môt con voi lớn.’ Vì sao vậy ? Trong một khu rừng voi ở, có những con voi cái cao lớn có ngà  để lại những dấu chân lớn, và đây có thể là một trong những dấu chân của chúng. Người thợ săn đi theo dấu chân này và thấy trong rừng voi ở có dấu chân voi lớn, dài bề dài  và rộng bề ngang,  có vài cọ xát trên cao, có dấu do ngà voi cắt chém, và những cành cây bị gãy. Và người thợ săn thấy con voi đực dưới gốc cây hay ngoài trời, đang đi thơ thẩn, ngồi hay nằm, người ấy đi đến kết luận: ‘ Đây quả thật là con voi đực lớn.’

          11. Cũng vậy, này Bà-la-môn, ở đây Như Lai sanh ra trong đời, là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn. Đã chứng ngộ với tri kiến tối thắng đối với thế giới này gồm chư thiên, Ác ma, Phạm thiên, với quần chúng này gồm các Sa-môn, và Bà-la-môn, với các loài Trời và loài người, và sau khi chứng ngộ, Ngài đã tuyên thuyết cho những người khác. Ngài thuyết giảng Giáo pháp tốt đẹp lúc khởi đầu, tốt đẹp ở phần giữa, tốt đẹp ở phần cuối, với ý nghĩa và cách diễn đạt đúng đắn; Ngài hé lộ cho thấy một đời sống phạm hạnh toàn vẹnthanh tịnh.

          12.  Một người gia chủ hay con trai người gia chủ, hay một người sanh ở giai cấp khác nghe được Giáo pháp ấy. Sau khi nghe pháp, người ấy sanh lòng tín ngưỡng Như Lai. Khi có lòng tin rồi, người ấy suy nghĩ: ‘ Đời sống gia đình đông đúc và đầy bụi trầnđời sống xuất gia rộng mở phóng khoáng. Trong khi còn sống ở gia đình, không dễ gì sống đời phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, và trong sạch như vỏ sò. Vậy ta nên cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình.’

          13.  Khi đã xuất giathành tựu việc rèn luyệnnếp sống của vị tỷ-kheo, từ bỏ sát sanh, vị ấy tránh xa việc sát sanh; dẹp bỏ roi kiếm, sống có lương tâm, có lòng từ, vị ấy sống biết thương xót tất cả chúng sanh. Từ bỏ lấy của không cho, vị ây tránh xa việc lấy của không cho; chỉ nhận những gì được cho, chỉ mong nhận những gì được cho, bằng cách không trộm cắp, vị ấy sống trong sạch. Từ bỏ quan hệ tình dục, vị ây sống độc thân, sống riêng biệt, tránh xa việc thực hành quan hệ tình dục.

           Từ bỏ nói láo, vị ấy tránh xa việc nói láo; vị ấy nói đúng sự  thật, gắn liền với sự thật, chân thật, đáng tin cậy, là người không lừa dối ai trong đời. Từ bỏ nói hai lưỡi, vị ấy tránh xa nói hai lưỡi; nghe điều gi ở chỗ này không lặp lại ở chỗ kia để gây chia rẽ những người này, nghe điều gì ở chỗ kia không lặp lại ở chỗ này để gây chia rẽ những người kia; như vậy vị này đoàn kết lại  những người muốn chia rẽ, khuyến khích tình bằng hữu, là người vui thích hòa hợp, hoan hỷ hòa hợp, thích thú trong hòa hợp, là người nói những lời cổ động cho sự hòa hợp. Từ bỏ nói lời độc ác, vị ấy tránh xa lời nói độc ác; vị ây nói lời dịu dàng, dễ nghe, dễ thương, đi thẳng vào lòng người, vị ấy nói lời  lịch sự, được nhiều người ưa thíchđẹp lòng nhiều người. Từ bỏ nói lời phù phiếm, vị ấy tránh xa lời nói phù phiếm; vị ấy nói đúng lúc, nói lời chân thật, nói lời tốt đẹp, nói về Chánh phápGiới luật; vào đúng thời vị ấy nói những lời đáng ghi nhớ, hợp lý, ôn hòa, và lợi ích.

           Vị ấy từ bỏ không làm hại các hạt giống và cây cỏ. Vị ấy  mỗi ngày chỉ ăn một bữa,  không ăn vào buổi tối và không ăn bên ngoài thời gian qui định (10). Vị ấy từ bỏ múa hát, nghe nhạc, và xem trình diễn không thích hợp. Vị ấy từ bỏ trang sức bằng vòng hoa, trang điểm bằng dầu thơm hay thoa hương liệu . Vị ấy từ bỏ nằm giường cao giường lớn. Vị ấy từ bỏ nhận vàng bạc. Vị ấy từ bỏ nhận các hạt ngũ cốc sống. Vị ấy từ bỏ nhận thịt sống. Vị ấy từ bỏ nhận đàn bà con gái. Vị ấy từ bỏ nhận nô tỳ trai và gái. Vị ấy từ bỏ nhận dê và cừu. Vị ấy từ bỏ nhận gia cầm và heo. Vị ấy từ bỏ nhận voi, gia súc, ngựa, và ngựa cái. Vị ấy từ bỏ nhận ruộng đất. Vị ấy từ bỏ công việc môi giới đưa tin. Vị ấy từ bỏ công việc mua bán. Vị ấy từ bỏ cân đong gian lận, bán kim loại giả, đo lường gian dối. Vị ấy từ bỏ nhận  hối lộ, lường gạt, lừa đảo và mánh mung. Vị ấy từ bỏ làm tổn thương, giết hại, câu thúc, cướp đoạt, trộm cắpbạo động.

          14.  Vị ấy hài lòng với tấm y để che thân và với đồ ăn khất thực để nuôi sống, và đi bất cứ nơi nào, vị ấy cũng chỉ đem theo y bát mà thôi. Giống như con chim, bất cứ bay đi nơi nào, chim chỉ bay với đôi cánh là gánh nặng duy nhất của nó, cũng vậy vị Tỷ -kheo hài lòng với tấm y để che thân và với đồ ăn khất thực để nuôi sống, và đi bất cứ nơi nào , vị ấy cũng chỉ đem theo y bát mà thôi. Thành tựu giới uẩn cao thượng này, vị ấy cảm nhận trong tâm niềm hỷ lạc do không phạm lỗi lầm nào.

          15. Khi mắt thấy sắc, vị ấy không nắm giữ các tướng chung và nét riêng.(11) Bởi vì, nếu vị ấy không chế ngự đôi mắt, các bất thiện pháp về tham ái hay thất vọng có thể xâm nhập, vì thế vị ấy thực hành cách chế ngự chúng, vị ấy hộ trì nhãn căn, vị ấy hành trì chế ngự nhãn căn. Khi tai nghe âm thanh….Khi mũi ngửi mùi hương…Khi lưỡi nếm mùi vị…Khi thân có sự xúc chạm…Khi ý nhận thức các pháp…., vị ấy không nắm giữ các tướng chung và nét riêng. Bởi vì, nếu vị ấy không chế ngự tâm, các bất thiện pháp về tham ái hay thất vọng có thể xâm nhập, vì thế vị ấy thực hành cách chế ngự tâm, vị ấy hộ trì ý căn, vị ấy thực hành hộ trì ý căn. Thành tựu hộ trì các căn cao thượng này, vị ấy cảm nhận trong tâm niềm hỷ lạc trong sáng, không vẩn đục.

          16.  Vị ấy trở thành một người hành động với sự tỉnh giác khi đi tới đi lui; một người hành động với sự tỉnh giác khi nhìn thẳng nhìn quanh; một người hành động với sự tỉnh giác khi co tay duỗi tay; một người hành động với sự tỉnh giác khi đắp y, mang áo bên ngoài và bình bát; một người hành động với sự tỉnh giác khi ăn, uống, nhai, nuốt; một người hành động với sự tỉnh giác khi đi đại tiện và tiểu tiện; một người hành động với sự tỉnh giác khi đi, đứng, ngổi, ngủ, thức , nói  và im lặng.

          17.  Thành tựu giới uẩn cao thượng này, thành tựu hộ trì  các căn cao thượng này, thành tựu chánh niệm tỉnh giác cao thượng này, vị ấy tìm đến một chỗ nghỉ ngơi thanh vắng: một khu rừng, dưới gốc cây, khe núi, vực sâu, hang đá, bãi tha ma, lùm cây rừng hoang, một chỗ ngoài trời, hay đống rơm.

          18.  Sau khi đi khất thực về và ăn xong, vị ấy ngồi xuống, ngồi xếp chéo chân ( kiết già) , lưng thẳng và thiết lập chánh niệm ngay trước mặt. Từ bỏ tham ái ở đời, vị ấy an trú với tâm không tham ái, vị ấy thanh tịnh tâm thoát khỏi  tham ái (12). Từ bỏ sân hận, vị ấy an trú với tâm không sân hận, có lòng từ đối với sự an vui của tất cả chúng sinh; vị ấy thanh lọc tâm thoát khỏi sân hận. Từ bỏ tâm dật dờ buồn ngủ, vị ấy an trú với tâm không dật dờ buồn ngủ,  hướng tâm về ánh sáng, chánh niệm tỉnh giác, vị ấy thanh lọc tâm thoát khỏi dật dờ buồn ngủ. Từ bỏ bất anhối hận, vị ấy an trú  không dao động với nội tâm an tịnh; vị ấy thanh lọc tâm không còn bất an hối hận. Từ bỏ nghi ngờ, vị ấy an trú không còn nghi ngờ, không phân vân do dự với các thiện pháp; vị ấy thanh lọc tâm thoát khỏi mọi nghi ngờ.

          19.  Sau khi đã từ bỏ năm chướng ngại ( triền cái), những phiền não làm trí tuệ yếu đuối, xa lánh các dục lạc giác quan, xa lánh các bất thiện pháp, vị ấy chứng và trú Sơ thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, vẫn còn tầm và tứ . Này Bà-la-môn, đây gọi là dấu chân của Như Lai, dấu cọ xát của Như Lai, dấu cắt chém của Như Lai, nhưng vị thánh đệ tử không đi đến kết luận: ‘Thế Tôn là bậc Chánh Đẳng Giác, Giáo Pháp được Thế Tôn khéo giảng, và Tăng đoàn khéo hành trì. ’

          20.  Lại nữa, vị tỷ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Nhị thiền, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, với tịnh tínnhất tâm , không còn tầm và tứ. Này Bà-la-môn, đây gọi là dấu chân của Như Lai, dấu cọ xát của Như Lai, dấu cắt chém của Như Lai, nhưng vị thánh đệ tử không đi đến kết luận: ‘Thế Tôn là bậc Chánh Đẳng Giác… ’

          21.  Lại nữa, bằng cách ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, vị Tỷ-kheo chứng và trú Tam thiền, thân cảm nhận được lạc thọ mà các bậc thánh gọi là ‘ xả niệm lạc trú’. Này Bà-la-môn, đây cũng gọi là dấu chân của Như Lai…, nhưng vị thánh đệ tử không đi đến kết luận: ‘Thế Tôn là bậc Chánh Đẳng Giác… ’

          22.  Lại nữa, bằng cách  từ bỏ khổ và lạc, và với sự diệt trừ  hỷ và ưu đã cảm nhận từ trước, vị Tỷ-kheo chứng và trú Tứ thiền, một trạng thái không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này Bà-la-môn, đây cũng gọi là dấu chân của Như Lai…, nhưng vị thánh đệ tử không đi đến kết luận: ‘Thế Tôn là bậc Chánh Đẳng Giác… ’

          23.  Khi tâm đã định tĩnh, thuần tịnh, không cấu uế, sạch phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, đạt đến mức bình thản như vậy, vị ấy hướng tâm đến Túc mạng minh. Vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ, một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, , nhiều hoại kiếpthành kiếp: Vị ấy nhớ rằng’ Tại nơi đó ta có tên như thế này, thuộc bộ tộc này, với diện mạo như thế này, được nuôi dưỡng như thế này, cảm thọ khổ lạc như thế này, thọ mạng như thế này; và qua đời từ chỗ đó, ta  tái sanh vào nơi khác; và ở nơi đó ta có tên như thế này, thuộc bộ tộc này, với diện mạo như thế này, được nuôi dưỡng như thế này, cảm thọ khổ lạc như thế này, thọ mạng như thế này; và qua đời từ chỗ đó, ta  tái sanh vào nơi đây.’ Như vậy, vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ với nhiều phương diện và nét đặc thù. Này Bà-la-môn, đây cũng gọi là dấu chân của Như Lai…, nhưng vị thánh đệ tử không đi đến kết luận: ‘Thế Tôn là bậc Chánh Đẳng Giác…’’

          24.  Khi tâm đã định tĩnh, thuần tịnh, không cấu uế, sạch phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, đạt đến mức bình thản như vậy, vị ấy hướng tâm đến trí tuệ về sự sanh tử của chúng sanh. Với Thiên nhãn minh, thanh tịnh siêu phàm, vị ấy thấy sự sống chết của chúng sanh , người thấp hèn, kẻ cao sang, người xinh đẹp, kẻ xấu xí, người may mắn, kẻ bất hạnh,  vị ấy hiểu tất cả  là tùy theo nghiệp của họ, như thế này: “ Những chúng sanh làm các ác hạnh về thân, khẩu, ý, phỉ báng các bậc thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến, sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, sẽ tái sanh vào cõi khốn khổ, cõi hung dữ, cõi thấp kém, địa ngục. Còn những chúng sanh làm những thiện hạnh về thân, khẩu, ý, không phỉ báng các bậc thánh, theo chánh kiến, và làm những nghiệp theo chánh kiến, sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết sẽ được tái sanh vào cõi tốt đẹp, vào Thiên giới.” Như vậy, với thiên nhãn thuần tịnh siêu phàm, vị ấy thấy sự sống chếttái sinh của chúng sanh, người thấp hèn, kẻ cao sang, người xinh đẹp, kẻ xấu xí, người may mắn, kẻ bất hạnh, và  vị ấy hiểu tất cả  là tùy theo nghiệp của họ. Này Bà-la-môn, đây cũng gọi là dấu chân của Như Lai…, nhưng vị thánh đệ tử không đi đến kết luận: ‘Thế Tôn là bậc Chánh Đẳng Giác… ”

          25.  Khi tâm đã định tĩnh, thuần tịnh, không cấu uế, sạch phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, đạt đến mức bình thản như vậy, vị ấy hướng tâm đến trí tuệ về sự đoạn tận các lậu hoặc. Vị ấy hiểu như thật rằng: ‘ Đây là khổ. Đây là nguồn gốc của khổ. Đây là sự chấm dứt khổ. Và đây là con đường đưa đến chấm dứt khổ.’ Vị ấy hiểu như thật rằng:  “Đây là lậu hoặc. Đây là nguồn gốc của lậu hoặc. Đây là sự diệt trừ các lậu hoặc. Đây là con đường đưa đến diệt trừ các lậu hoặc.”

           Này Bà-la-môn, đây gọi là dấu chân của Như Lai, dấu cọ xát của Như Lai, dấu cắt chém của Như Lai, nhưng vị thánh đệ tử không đi đến kết luận: ‘Thế Tôn là bậc Chánh Đẳng Giác, Giáo pháp được Thế Tôn khéo giảng, và Tăng đoàn khéo hành trì. ’ Tuy thế, vị ấy đang trong tiến trình để đi đến kết luận như vậy.

          26.  Khi vị ấy biết và thấy như vậy, tâm của vị ấy được giải thoát khỏi những lậu hoặc của dục lạc giác quan, thoát khỏi lậu hoặc của hiện hữu, thoát khỏi lậu hoặc của vô minh. Khi tâm đã được giải thoát như vậy, vị ấy biết được rằng: ‘’ Ta đã giải thoát.’ Vị ấy hiểu : ‘ Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm, không còn trở lại trong bất cứ hình thái hiện hữu nào.’

           Này Bà-la-môn, đây gọi là dấu chân của Như Lai, dấu cọ xát của Như Lai, dấu cắt chém của Như Lai. Đến thời điểm này, vị thánh đệ tử  đi đến kết luận: ‘Thế Tôn là bậc Chánh Đẳng Giác, Giáo pháp được Thế Tôn khéo giảng, và Tăng đoàn khéo hành trì. ’(15)  Này Bà-la-môn, tới thời  điểm  này ví dụ dấu chân voi đã đầy đủ mọi chi tiết.

           Khi  nghe như vậy, Bà-la-môn bạch Thế Tôn: “ Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama ! Tôn giả Gotama đã làm sáng tỏ Giáo pháp bằng nhiều cách, giống như ngài đã dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, làm hiển lộ những gì bị che kín, chỉ đường cho những kẻ bị lạc đường, hay giương cao ngọn đèn trong bóng tối để những người có mắt có thể thấy  sắc. Con xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp, quy y Tăng. Xin Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử, từ nay cho đến lúc mệnh chung, con xin trọn đời quy ngưỡng.

          ( Trung BK I- Kinh số 27: Tiểu Kinh Ví Dụ Dấu Chân Voi, tr. 391-408)

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
11/11/2010(Xem: 188948)
01/04/2012(Xem: 34455)
08/11/2018(Xem: 13373)
08/02/2015(Xem: 51500)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.