5. Các Gia Đoạn Tu Tập Cao Hơn Với Ví Dụ

09/01/20172:38 SA(Xem: 8955)
5. Các Gia Đoạn Tu Tập Cao Hơn Với Ví Dụ

VIỆN  NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM
HỢP  TUYỂN LỜI   PHẬT   DẠY
TỪ  KINH TẠNG  PALI 

In The Buddha’s Words
An Anthology of Discourses from the Pali Canon

By
BHIKKHU  BODHI
Wisdom Publications – 2005
Việt dịch : Nguyên Nhật Trần Như Mai
NHÀ XUẤT BẢN HỒNG  ĐỨC 2015

 

VII

CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT
 

5. CÁC GIA ĐOẠN TU TẬP CAO HƠN VỚI VÍ DỤ

           12. - Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ấy tìm đến một chỗ nghỉ ngơi thanh vắng: một khu rừng, dưới gốc cây, khe núi, vực sâu, hang đá, bãi tha ma, lùm cây rừng hoang, một chỗ ngoài trời, hay đống rơm.

          13.  Sau khi đi khất thực về và ăn xong, vị ấy ngồi xuống, ngồi xếp chéo chân ( kiết già) , lưng thẳng và thiết lập chánh niệm ngay trước mặt. Từ bỏ tham ái ở đời, vị ấy an trú với tâm không tham ái, vị ấy thanh tịnh tâm thoát khỏi  tham ái …( như trong phần số 18 ở mục số 5) vị ấy thanh lọc tâm thoát khỏi mọi nghi ngờ.

          14. Này các Tỷ-kheo, như một người vay nợ để  kinh doanh, việc kinh doanh thành công nên người ấy có thể trả hết nợ cũ, và vẫn còn tiền để nuôi  dưỡng vợ ; khi nghĩ đến điều này, ông ta vui sướng hoan hỷ. Hoặc giả sử có một người bị bệnh, đau đớn trầm trọng, ăn uống không tiêu, cơ thể suy yếu, nhưng sau đó ông ta khỏi bệnh và ăn uống được bình thường và cơ thể hồi phục sức lực; khi suy nghĩ về điều này, ông ấy thấy vui sướng hoan hỷ. Hoặc giả sử có người bị giam cầm tù tội, nhưng sau đó người này được trả tự do, an toàn bảo đảm, không bị mất tài sản; khi suy nghĩ về điều này, người ấy thấy vui sướng hoan hỷ. Hoặc giả sử có một người nô lệ, không tự chủ được mà phải lệ thuộc vào người khác, không thể đi nơi nào người ấy muốn, nhưng sau đó người này được giải thoát khỏi làm nô lệ, được tự chủ, độc lập với người khác, trở thành một người tự do, có thể đi lại tùy ý; khi suy nghĩ về điều này, người ấy thấy vui sướng hoan hỷ. Hoặc giả sử có một người giàu có nhiều tài sản phải đi  vào con đường băng qua sa mạc, nhưng sau đó ông ta băng qua sa mạc an toàn bảo đảm, không bị mất mát tài sản; khi suy nghĩ về điều này, người ấy thấy vui sướng hoan hỷ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi năm chướng ngại trong tâm chưa được đoạn trừ, vị Tỷ-kheo thấy chúng như một món nợ, một chứng bệnh, một nhà tù, một sự nô lệ, và như một con đường băng qua sa mạc. Nhưng khi năm chướng ngại ấy đã được đoạn trừ trong tâm, vị ấy cảm thấy như được thoát nợ, như được khỏi bệnh, như được ra khỏi nhà tù, như được giải thoát khỏi làm nô lệ, và như đi vào một mảnh đất bình an.

          15.  Sau khi đã từ bỏ năm chướng ngại, những phiền não làm trí tuệ yếu đuối, xa lánh các dục lạc giác quan, xa lánh các bất thiện pháp, vị ấy chứng và trú Sơ thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, vẫn còn tầm và tứ. Vị ấy làm cho niềm hỷ lạc do ly dục sanh này tẩm ướt, thấm nhuần, tràn đầy sung mãn thân này, khiến cho không một chỗ nào trên thân của vị ấy không thấm nhuần hỷ lạc do ly dục sanh. Giống như một nhân viên  hầu tắm khéo léo hay là người đệ tử của nhân viên hầu tắm, sau khi chất đầy bột tắm vào chậu kim loại và từ từ rắc nước vào, người ấy nhồi bột cho đến khi nước thấm ướt cục bột tắm, nhúng nước nó, để cho nước thấm nhuần từ trong ra ngoài, nhưng cục bột không bị chảy thành giọt; cũng vậy, vị Tỷ-kheo làm cho niềm hỷ lạc do ly dục sanh này tẩm ướt, thấm nhuần, tràn đầy sung mãn thân này, khiến cho không một chỗ nào trên thân của vị ấy không thấm nhuần hỷ lạc do ly dục sanh.

          16. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị tỷ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Nhị thiền, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, với tịnh tínnhất tâm , không còn tầm và tứ. Vị Tỷ-kheo làm cho niềm hỷ lạc do định sanh này tẩm ướt, thấm nhuần, tràn đầy sung mãn thân này, khiến cho không một chỗ nào trên thân của vị ấy không thấm nhuần hỷ lạc do định sanh. Cũng như có một hồ nước, nước trong hồ dâng lên và không có lỗ thông cho nước chảy ra từ phương đông, tây, bắc, nam, và thỉnh thoảng còn dược bù đắp bằng những cơn mưa, rồi suối nước mát từ hồ ấy dâng lên sẽ tẩm ướt, thấm nhuần, tràn đầy và làm sung mãn hồ nước, khiến cho không có chỗ nào của hồ nước là không thấm nhuần ngọn nước mát; cũng vậy, vị Tỷ-kheo làm cho niềm hỷ lạc do định  sanh này tẩm ướt, thấm nhuần, tràn đầy sung mãn thân này, khiến cho không một chỗ nào trên thân của vị ấy không thấm nhuần hỷ lạc do định sanh.

          17. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, bằng cách ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, vị Tỷ-kheo chứng và trú Tam thiền, thân cảm nhận được lạc thọ mà các bậc thánh gọi là ‘ xả niệm lạc trú’. Vị  Tỷ-kheo làm cho niềm lạc thọ không có hỷ  tẩm ướt, thấm nhuần, tràn đầy sung mãn thân này, khiến cho không một chỗ nào trên thân của vị ấy không thấm nhuần niềm lạc  thọ không có hỷ. Cũng giống như trong một hồ sen xanh, đỏ hay trắng, một số bông sen sanh ra và lớn lên trong nước, phát triển trong nước, không bị ra khỏi nước, và nguồn nước mát tẩm ướt, thấm nhuần, tràn đầy sung mãn từ ngọn đến gốc, khiến cho không có chỗ nào của tất cả bông sen ấy không thấm nhuần dòng nước mát; cũng vậy, vị  Tỷ-kheo làm cho niềm lạc thọ không có hỷ  tẩm ướt, thấm nhuần, tràn đầy sung mãn thân này, khiến cho không một chỗ nào trên thân của vị ấy không thấm nhuần niềm lạc  thọ không có hỷ.

          18. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, bằng cách  từ bỏ khổ và lạc, và với sự diệt trừ  hỷ và ưu đã cảm nhận từ trước, vị Tỷ-kheo chứng và trú Tứ thiền, một trạng thái không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Vị ấy ngồi thấm nhuần toàn thân với tâm thanh tịnh trong sáng, khiến cho toàn thân không có chỗ nào là không thấm nhuần tâm thanh tịnh trong sáng. Cũng giống như một người ngồi với tấm vải trắng trùm kín từ đầu xuống chân, khiến cho không có phần nào của thân thể người ấy là không được phủ kín bằng tấm vải trắng; cũng vậy, vị  Tỷ-kheo ngồi thấm nhuần  toàn thân với tâm thanh tịnh trong sáng, khiến cho toàn thân không có chỗ nào là không thấm nhuần tâm thanh tịnh trong sáng.

          19.  Khi tâm đã định tĩnh, thuần tịnh, không cấu uế, sạch phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, đạt đến mức bình thản như vậy, vị ấy hướng tâm đến Túc mạng minh. Vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ, một đời, hai đời … ( giống như bài trước, phần 23) . Như vậy, vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ với nhiều phương diện và nét đặc thù. Cũng giống như một người đi từ làng mình sang làng khác, và rồi trở về lại làng của mình, người ấy có thể suy nghĩ như sau : ‘ Ta đi từ làng của mình đến làng kia, ở đó, ta đứng như vậy, ngồi như vậy, nói như vậy, giữ im lặng như vậy; và từ làng đó ta trở về lại làng của mình .’ Cũng thế, vị Tỷ-kheo nhớ lại nhiều đời sống quá khứ… Như vậy, vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ với nhiều phương diện và nét đặc thù.

          20.  Khi tâm đã định tĩnh, thuần tịnh, không cấu uế, sạch phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, đạt đến mức bình thản như vậy, vị ấy hướng tâm đến trí tuệ về sự sanh tử của chúng sanh….( giống như bài trước, phần 24) . Như vậy,  với Thiên nhãn minh, thanh tịnh siêu phàm, vị ấy thấy sự sống chết của chúng sanh , người thấp hèn, kẻ cao sang, người xinh đẹp, kẻ xấu xí, người may mắn, kẻ bất hạnh,  vị ấy hiểu tất cả  là tùy theo nghiệp của họ. Cũng giống như hai ngôi nhà với cửa lớn và một người có mắt tốt đứng ở giữa, người ấy thấy những người khác đi vào đi ra và đi qua đi lại, cũng vậy, với Thiên nhãn minh, thanh tịnh siêu phàm, vị Tỷ-kheo  thấy sự sống chết của chúng sanh… và vị ấy hiểu tất cả  là tùy theo nghiệp của họ.

          21. Khi tâm đã định tĩnh, thuần tịnh, sáng suốt, sạch phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vị ấy hướng tâm đến việc đoạn diệt các lậu hoặc( lậu tận thông ). Vị ấy hiểu như thật rằng: ‘ Đây là khổ ’…( như bài trước, phần 25-26) Vị ấy hiểu : ‘ Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm, không còn trở lại trong bất cứ hình thái hiện hữu nào.’

           Cũng giống như trong một dãy núi có một hồ nước, trong sáng, thuần khiết, không uế nhiễm, vì thế một người có mắt tốt có thể nhìn thấy các vỏ sò, đá, sạn, và những đàn cá bơi lội qua lại hay đứng yên, người ấy có thể suy nghĩ : ‘ Đây là hồ nước trong sáng, thuần khiết, không uế nhiễm, và có những vỏ sò, đá, sạn, và những đàn cá bơi lội qua lại hay đứng yên.’ Cũng vậy, vì Tỷ-kheo hiểu như thật rằng: ‘ Đây là khổ….’ Vị ấy hiểu : ‘ Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm, không còn trở lại trong bất cứ hình thái hiện hữu nào.’

                              ( Trung BK I, kinh số 39:Đại Kinh Xóm Ngựa, tr.601-610 )

.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
11/11/2010(Xem: 188948)
01/04/2012(Xem: 34453)
08/11/2018(Xem: 13373)
08/02/2015(Xem: 51499)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.