Thư Viện Hoa Sen

Vai Trò Quần Chúng Nhân Dân Trong Phong Trào Phật Giáo Miền Nam Năm 1963 (Ths. Nguyễn Thị Thanh Huyền)

09/06/201312:00 SA(Xem: 10978)
● Vai Trò Quần Chúng Nhân Dân Trong Phong Trào Phật Giáo Miền Nam Năm 1963 (Ths. Nguyễn Thị Thanh Huyền)

HỌC VIỆN PHẬT GIÁO VIỆT NAM TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH &
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP. HCM

NHÌN LẠI PHONG TRÀO
PHẬT GIÁO MIỀN NAM NĂM 1963
NHÀ XUẤT BẢN PHƯƠNG ĐÔNG – 2013

Phần II
BỐI CẢNH LỊCH SỬ, SỰ KIỆN, NHÂN VẬT, VĂN HỌC
TRONG PHONG TRÀO PHẬT GIÁO Ở MIỀN NAM NĂM 1963


VAI TRÒ CỦA QUẦN CHÚNG NHÂN DÂN
TRONG PHONG TRÀO PHẬT GIÁO MIỀN NAM NĂM 1963

ThS. Nguyễn Thị Thanh Huyền 
Khoa Lý luận Chính trị, Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế


Nghiên cứu phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963, từ trước tới nay, hầu hết các công trình, bài nghiên cứu tập trung đề cập về nguyên nhân, phương pháp đấu tranh, tính chất, đặc điểmý nghĩa lịch sử của nó; rồi sự ủng hộ của lực lượng cách mạng, của miền Bắc và của cộng đồng quốc tế đối với phong trào; song vai trò của quần chúng nhân dân trong phong trào này thực tế còn là một sự hụt hẫng. Góp phần khỏa lấp vấn đề đã đặt ra, chính là nội dung của tham luận này.

SỰ KIỆN MỞ ĐẦU PHONG TRÀO

Trong âm mưu đẩy lùi Phật giáo, ngày 6-5-1963, bằng Công điện số 9195, chính quyền Ngô Đình Diệm ra lệnh cấm treo cờ Phật giáo thế giới vào dịp Đại lễ Phật đản 1963. Thi hành công điện này, 12 giờ ngày 7-5-1963, từ Văn phòng Cố vấn chỉ đạo miền Trung Ngô Đình Cẩn, Tỉnh trưởng Thừa Thiên đã ra lệnh cho Trưởng ty Cảnh sát Quốc gia thành phố Huế huy động cảnh sát mật vụ triệt hạ cờ Phật giáo tại các tự viện, tư gia ở thời điểm đang được treo nhiều nhất để đón mừng Đại lễ Phật đản. Ngay lập tức, quần chúng Phật tử Huế đã kéo đến chùa Từ Đàm chất vấn giới lãnh đạo Phật giáo rằng: “Theo thông tư của Ban tổ chức có lời kiểm ký của tỉnh tòa, chúng tôi được phép và đã treo cờ, đèn, tại sao bây giờ bị triệt hạ, xé bỏ và khủng bố? Chúng tôi phải tuân lệnh nào đây, khi những kẻ đi triệt hạ, xé bỏ và khủng bố chúng tôi lại chính là cảnh sát trực thuộc Tỉnh tòa”(1). Quần chúng Phật tử yêu cầu giới lãnh đạo Phật giáo phải có ngay một thái độ, một hành động để phản đối cái mệnh lệnh vô lý và thâm độc trên đây của chính quyền Ngô Đình Diệm.

Trước đòi hỏi của quần chúng Phật tử, giới lãnh đạo Phật giáo yêu cầu Tỉnh trưởng Thừa Thiên hoặc đại diện đến chùa Từ Đàm để trả lời về những việc đã xảy ra. Viên tỉnh trưởng đã lẩn tránh. Ngay lúc đó một phái đoàn Phật giáo cùng với số quần chúng Phật tử kéo đến tỉnh tòa để yêu cầu giải quyết. Tin này được loan đi rất nhanh, quần chúng Phật tử vừa căm phẫn, vừa thấy cần phải hậu thuẫn cho giới giới lãnh đạo Phật giáo, nên đã tấp nập đổ về phía tỉnh tòa. Khí thế của quần chúng ngày hôm ấy được mô tả qua đoạn hồi kí sau đây: “Phố phường như một cuộc động quân. Khắp các đường phố, từ trong thành, Đông Ba, Gia Hội từng đoàn người lũ lượt kéo qua cầu Tràng Tiền. Từ Vĩ Dạ lên, ở trên Ga xuống, phía Kho Rèn, An Cựu về, dân thị xã và vùng phụ cận đổ xô về phía tỉnh đường đông nghịt cả người, đông một cách đáng sợ, như cuồng phong, như bão tố lên…”(2).

Non 18 giờ ngày 7-5-1963, khi giới lãnh đạo Phật giáo đến tỉnh tòa thì con đường phía trước đã đầy người và càng lúc càng đông hơn. Khi bên trong tỉnh tòa, giới lãnh đạo Phật giáo đang chất vấn viên tỉnh trưởng thì ở bên ngoài quần chúng đã phá tung cửa chính, ào vào tỉnh tòa. Viên tỉnh trưởng buộc phải nhượng bộ. Đứng trên thềm ban công tỉnh tòa, trước đông đảo quần chúng, viên tỉnh trưởng tuyên bố: “Tỉnh tòa cho hai xe thông tin đi loan báo để đồng bào treo giáo kỳ lại như cũ”(3). Ngay khi ấy, một lá cờ Phật giáo cỡ lớn được phất cao trước sân tỉnh tòa cùng với tiếng hoan hô của quần chúng. Công điện triệt hạ cờ Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm đã bị nhân dân Huế làm mất hiệu lực ngay từ cuộc đụng độ đầu tiên.

Với cuộc biểu tình này, lần đầu tiên Phật giáo đã công khai phản đối chính sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Nó đánh dấu sự mở đầu phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963, trong đó quần chúng đóng vai trò chủ động.

- Từ cuộc biểu tình sáng ngày 8-5-1963 đến sự ra đời bản Tuyên ngôn ngày 10-5-1963 tại Huế.

Tối ngày 7-5-1963, một cuộc hội nghị mật của giới lãnh đạo Phật giáo được tổ chức tại chùa Từ Đàm. Hội nghị đã quyết định cuộc rước Phật sáng hôm sau (8-5-1963) từ chùa Diệu Đế lên chùa Từ Đàm “sẽ là một cuộc biểu tình có tổ chức, chính thức mở màn cho cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam dưới hình thức công khai”(4).

Sáng ngày 8-5-1963, cuộc rước Phật từ chùa Diệu Đế lên chùa Từ Đàm bắt đầu từ 6 giờ 30. Khi đoàn rước Phật qua cầu Gia Hội vào đường Trần Hưng Đạo thì một số biểu ngữ xuất hiện:

Cờ Phật giáo quốc tế không thể bị triệt hạ”.

Chúng tôi đã đến lúc bị bắt buộc phải tranh đấu cho chủ trương tôn giáo bình đẳng”.

Phản đối chính sách bất công gian ác”.

Chúng tôi không từ chối một hy sinh nào”, v.v…

Nội dung của những khẩu hiệu trên đây cho thấy cuộc đấu tranh của quần chúng Phật tử ngay từ đầu đã trực tiếp đối đầu với chính quyền Ngô Đình Diệm và khẳng định quyết tâm đấu tranh dù phải hy sinh.

Nhờ sự chỉ đạo hết sức bí mật, nên ngay cả một số vị sư trong Ban Tổ chức Đại lễ Phật đản tại Huế cũng không hay biết những biểu ngữ trương lên là do lệnh của ai, hay do chính quần chúng Phật tử tự động làm lấy. Một số vị sư trong ban tổ chức yêu cầu quần chúng hạ các biểu ngữ xuống, nhưng sau đó các biểu ngữ lại được trương lên và nhiều hơn, mỗi khẩu hiệu đã được đọc to lên và hô nhiều lần, nhất là khi đi ngang qua tỉnh tòa và Tòa Đại biểu Chính phủ, cứ thế cho đến khi đoàn biểu tình về tới chùa Từ Đàm.

Tại Lễ đài chùa Từ Đàm, trước đông đảo quần chúng đang sục sôi khí thế đấu tranh, trước khi cử hành lễ chính thức, trước máy vi-âm, Thượng tọa Thích Trí Quang, Hội trưởng Hội Phật giáo Trung Phần, đọc và giải thích từng câu biểu ngữ và khẳng định: “Nguyện vọng của Phật giáo đồ rất chính đáng và có tính cách xây dựng, không những có lợi ích cho Phật giáo, các tôn giáo khác, mà còn lợi ích cho cả chính phủ nữa”(5). Ông lên tiếng tố cáo chính quyền Ngô Đình Diệm kỳ thị Phật giáo và đòi thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo. Với tư cách là Hội trưởng Hội Phật giáo Trung Phần, Thượng tọa Thích Trí Quang nói tiếp: “Tôi ra lệnh từ nay về sau tất cả các đạo hữu được treo cờ Phật giáo tại các chùa và khuôn hội cũng như tại các tư gia theo thông tư của Bộ Nội vụ. Lệnh này tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước chính quyền vì tôi là Hội trưởng Hội Phật giáo Trung Phần. Vậy các đạo hữu đã thỏa mãn những yêu sách trên chưa? Nếu chưa thì tôi xin nhường máy vi âm để các đạo hữu tự do phát biểu ý kiến”(6). Quần chúng Phật tử đồng tình và hoan hô nhiệt liệt. Các quan chức chính quyền Ngô Đình Diệm tham dự buổi lễ có “Đại biểu Chính phủ miền Bắc Trung nguyên Trung Phần Hồ Đắc Khương, Tư lệnh Vùng 1 Chiến thuật Lê Văn Nghiêm và Tỉnh trưởng Thừa Thiên. Họ đã không có phản ứng gì với bài diễn vănbuổi lễ kết thúc yên lặng”(7). Về sự kiện này, chính Bộ trưởng Nội vụ chính quyền Ngô Đình Diệm, khi trả lời phỏng vấn của Phái đoàn Liên Hiệp Quốc đến miền Nam điều traVụ Phật giáo”, đã tiết lộ: “Ông Thích Trí Quang đã lên máy phóng thanh và đọc lớn những khẩu hiệu, hết cái này đến cái khác, rồi đọc một bài diễn văn dữ dội chống báng chính phủ; tất cả những lời ông ta nói và những tràng pháo tay của quần chúng được ghi vào băng nhựa” và các viên chức cao cấp của địa phương “đã ở lại trên khán đài, mặc dù bị phỉ báng trong những khẩu hiệu và bài diễn văn”(8).

Theo chương trình đã loan báo, buổi lễ Phật đản tổ chức tại chùa Từ Đàm sẽ được Đài phát thanh Huế truyền thanh lại vào 20 giờ 05 phút cùng ngày. Tuy nhiên, đến giờ đó, chương trình truyền thanh lại buổi lễ Phật đản đã bị chính quyền Ngô Đình Diệm cắt bỏ. Khi tin này loan ra, quần chúng từ nhiều nơi kéo nhau đổ về phía Đài phát thanh Huế. Khoảng 21 giờ, Đài phát thanh Huế đã bị đông đảo quần chúng Phật tử bao vây. Một số Phật tử đã vào thẳng bên trong Đài chất vấn viên Giám đốc Đài về lý do hủy bỏ chương trình phát thanh buổi lễ Phật đản. Lúc đầu viên Giám đốc cho biết do trở ngại về kỹ thuật, nhưng trước sự chất vấn quyết liệt của quần chúng, viên Giám đốc Đài đuối lý và khiếp sợ, phải thú nhận chương trình thay đổi vì có lệnh của chính quyền.

Khi tin này được loan ra, quần chúng càng căm phẫn. Nhiều khẩu hiệu phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm được quần chúng đồng thanh hô lớn. Cùng lúc này, viên Tỉnh trưởng Thừa Thiên đến Đài phát thanh để tìm cách dàn xếp, đã bị quần chúng phản đối dữ dội. Trong lúc cuộc đàm phán đang diễn ra bên trong Đài phát thanh giữa giới lãnh đạo Phật giáo và viên tỉnh trưởng thì ở bên ngoài xe tăng, binh lính và cảnh sát được điều động đến, mở cuộc đàn áp. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của viên phó tỉnh trưởng phụ trách quân sự, cuộc đàn áp diễn ra hết sức khốc liệt. Hậu quả là 8 Phật tử thiệt mạng và nhiều người bị thương. Về cuộc đàn áp này, một nhân chứng kể lại: “Cảnh tượng khủng khiếp thê thảm phía trước Đài phát thanh Huế lúc ấy thật không bút mực nào tả cho xiết; một dám đông hỗn loạn như đàn ong vỡ tổ; tiếng la thét, tiếng chân chạy, vật lộn xen lẫn tiếng súng nổ của súng lớn, súng nhỏ, tiếng kêu rú kinh hoàng của những người bị đạn, tiếng xác người đổ xuống trên mặt đường, rồi là tiếng động cơ ầm ĩ của một đoàn xe tăng kéo đến; chúng dày xéo lên tất cả, chúng đè bẹp tất cả, có một số em nhỏ yếu đuối không chạy kịp đã ngã gục trên đường đi của chúng, xác thân bị nghiền nát dưới những làn xích sắt”(9).

Cuộc đàn áp đẫm máu tại Đài phát thanh Huế vẫn không làm lung lay ý chí đấu tranh của quần chúng Phật tử. Họ kéo về phía Bắc cầu Trường Tiền, trên đường Trần Hưng Đạo, tiếp tục cuộc biểu tình. Chính tường trình của Tư lệnh Sư đoàn I Bộ binh kiêm Tư lệnh Khu XI chiến thuật gởi Tư lệnh Quân đoàn I kiêm Tư lệnh Vùng I chiến thuật chính quyền Sài Gòn, mặt nào giúp chúng ta thấy rõ ý chí đấu tranh của quần chúng: “Sau những tiếng nổ trên thềm và trước sân Đài phát thanh, kèm theo nhiều tiếng rên la ầm ĩ, hàng ngàn người đứng ở dốc cầu và trên cầu,... xô đẩy nhau và về hết bên phố để rồi tựu lại gây náo động và biểu tình vang dậy ... Lực lượng an ninh thành phố quá ít, dân chúng làm nhiều việc hỗn loạn, xô đẩy cảnh sát, giật súng binh sĩ làm trò đùa. Trong lúc ấy thì một số thương gia đường Trần Hưng Đạo và Phan Bội Châu (nay là đường Phan Đăng Lưu - LC chú thích) lại hoan hô và đứng ra tổ chức biểu tình. Người cắm cờ trên xe chạy, có thương gia ném cờ và biểu ngữ từ trên lầu xuống cho người biểu tình, có thương gia lại chạy ra lôi kéo mời mọc đám quá khích vào uống nước giải khát rồi đi! Quang cảnh lúc ấy có thể khiến mọi ngườicảm tưởng là họ vừa chiếm xong được thành phố sau một cuộc cách mạng ???... Nói về binh sĩ giữ trật tự thì có binh sĩ lại xúi giục dân chúng: Cứ đi qua đi, không ai bắn đâu mà sợ!”(10).

Ngày hôm sau (9-5-1963), hầu hết các trục đường chính của thành phố Huế đều có đông đảo quần chúng Phật tử biểu tình, trong đó có “nhiều đoàn thanh thiếu nhi Phật tử cầm biểu ngữ đi biểu dương từ Thành Nội ra Đông Ba, Gia Hội, lên Trần Hưng Đạo và sang hữu ngạn lên chùa Từ Đàm”(11). Họ tố cáo sự tàn bạo của chính quyền Ngô Đình Diệm và yêu cầu giới lãnh đạo Phật giáo tiếp tục cuộc đấu tranh để bảo vệ Đạo pháp, chỉ đến lúc giới lãnh đạo Phật giáo đến Đài phát thanh kêu gọi và hứa sẽ tổ chức cuộc meeting vào ngày mai (10-5-1963), quần chúng mới chịu giải tán: “Tôi tha thiết kêu gọi các đạo hữu, kể từ giờ phút này cho đến sáng ngày mai, không được tụ tập ngoài đường, phải ở trong nhà và đợi lệnh của tôi. Tôi tuyên bố tuyệt thực ngay từ bây giờ, tôi tuyên bố tuyệt thực từ phút này cho đến khi nào lệnh tôi được thi hành. Các đạo hữu giải tán ra về để Ban Trị sự tranh đấu với chính quyền và tổ chức cuộc meeting vào ngày 10-5-1963”(12).

Đúng như lời cam kết của giới lãnh đạo Phật giáo, sáng ngày 10-5-1963, một cuộc meeting lớn được tổ chức tại chùa Từ Đàm. Quần chúng Phật tử các phường và xã phụ cận đổ về, trong phút chốc sân chùa Từ Đàm đông nghẹt cả người(13). Quần chúng giương cao nhiều biểu ngữ tố cáo sự tàn bạo của chính quyền Ngô Đình Diệm; mặt khác, nội dung khẩu hiệu tỏ rõ quyết tâm tranh đấu một mất một còn của quần chúng Phật tử:

Chúng tôi đã quá biết ai giết chúng tôi”.

Đả đảo hành động sát nhân, vu khống”.

Hãy giết chúng tôi đi!

Máu đã chảy, chúng tôi sẵn sàng đổ máu”(14).

Trước đông đảo Phật tử, trong lời khai mạc, Thượng tọa Thích Trí Quang, Hội trưởng Hội Phật giáo Trung Phần, khẳng định một lần nữa về chủ trương đấu tranh hòa bình, bất bạo động, không đặt một tôn giáo nào làm đối tượng mà chỉ nhằm mục đích công bằng xã hội: “Cấm không được hô khẩu hiệu, không được bạo độngchúng ta đều không có vũ khí, nếu ai gây bạo động thì dầu có chết chúng ta cũng không bỏ hàng ngũ, có chết cũng nhẫn nhục chịu đựng. Tuyệt đối không trả thù, không phản đối. Nếu có kẻ xen lộn vào hàng ngũ chúng ta mà gây bạo động và tôi cũng cảnh cáo những kẻ bạo động ấy, mọi người nên tuyệt đối theo sự điều khiển của tôi”(15). Tiếp theo, đồng bào Phật tử giương cao cờ và biểu ngữ, Thượng tọa Trí Quang công bốBản Tuyên ngôn của Tăng, tín đồ Phật giáo Việt Nam”, gồm 5 nguyện vọng, trong đó đòi chính quyền Ngô Đình Diệm phải thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo. Tuyên ngôn khẳng định quyết tâm đấu tranh của Tăng, tín đồ Phật giáo miền Nam: “Những điểm trên đây là nguyện vọng tối thiểu và thiết tha nhất của toàn thể tăng, tín đồ Phật giáo trong cả nước. Chúng tôi sẵn sàng hy sinh cho đến lúc nào những nguyện vọng hợp lý trên đây được thực hiện”(16).

Rõ ràng sau cuộc đàn áp đẫm máu của chính quyền Ngô Đình Diệm tại Đài phát thanh Huế đêm 8-5-1963, quần chúng Phật tử Huế vẫn không hề nao núng, cuộc đấu tranh của họ vẫn được tiếp tục với mức độ cao hơn, thúc đẩy cho sự ra đời Tuyên ngôn ngày 10-5-1963.

CUỘC TỰ THIÊU CỦA HÒA THƯỢNG THÍCH QUẢNG ĐỨC (11-6-1963)

Sau hơn một tháng đối đầu với chính quyền Ngô Đình Diệm, giới lãnh đạo Phật giáo đã thực hiện nhiều hình thứcbiện pháp đấu tranh, từ “Thỉnh nguyện thư”, “rước linh” hàng tuần đến tuyệt thực, đàm phán,... nhưng vẫn không lay chuyển được chế độ bạo trị Ngô Đình Diệm. Năm nguyện vọng mà giới lãnh đạo Phật giáo đưa ra trong bản Tuyên ngôn ngày 10-5-1963 vẫn không được giải quyết. Trong các cuộc biểu tình, tuyệt thực, quần chúng càng bị khủng bố nặng nề hơn, phong trào đang đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt. Để đưa phong trào tiến lên, ngày 11-6-1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức đã anh dũng tự thiêu tại ngã tư đường Lê Văn Duyệt – Phan Đình Phùng (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám và Nguyễn Đình Chiểu). Lực lượng Diệm được điều động đến để hòng phá tan cuộc tự thiêu, nhưng bị thất bại vì quần chúng đã kiên quyết bảo vệ bằng cách vây quanh nhà sư nhiều vòng. Có người nằm lăn trước xe cứu hỏa, xe cảnh sát để không cho chính quyền can thiệp.

Chiều ngày 11-6-1963, Ngô Đình Diệm ra lệnh phong tỏa các chùa, nhất là chùa Xá Lợi, nơi đặt thi hài của Thích Quảng Đức. Tuy vậy, trên những con đường dẫn về chùa Xá Lợi, cảnh sát đã bị làn sóng người tràn ngập. Đám tang của Thích Quảng Đức được định vào ngày 16-6-1963, giới lãnh đạo Phật giáo dự định tổ chức vào dịp này một cuộc biểu tình lớn để phản kháng chính quyền Ngô Đình Diệm không chịu giải quyết những nguyện vọng đã đề ra. Lo sợ một sự bùng nổ lớn vào ngày 16-6-1963, chính quyền Ngô Đình Diệm buộc phải ký với giới lãnh đạo Phật giáo một Thông cáo chung vào 1 giờ 30 sáng ngày 16-6-1963. Về cơ bản, Thông cáo chung thỏa mãn 5 nguyện vọng mà Phật giáo đã đưa ra trong Tuyên ngôn ngày 10-5-1963. Đứng về phương diện thương thuyết, việc ký Thông cáo chung là một thắng ợi lớn của phía Phật giáo.

Mặc dầu có lời kêu gọi của giới lãnh đạo Phật giáo, yêu cầu Tăng Ni, Phật tử ở nhà, vì 5 nguyện vọng đã “đạt được” và đám tang của Thích Quảng Đức được hoãn lại, nhưng quần chúng quá hiểu rõ những thủ đoạn lừa bịp của chính quyền Ngô Đình Diệm, sáng ngày 16-6-1963, 700.000 người dân Sài Gòn vẫn đổ ra đường phố, kéo về chùa Xá Lợi, nơi đặt thi hài của Thích Quảng Đức. Cuộc xô xát giữa quần chúng và các lực lượng cảnh sát đặc biệt của Diệm trên các đường phố diễn ra hết sức quyết liệt. Thanh niên, sinh viên, học sinh, phụ nữ, bà già đã hăng hái chiến đấu hàng giờ đồng hồ. Điều này cho thấy tinh thần đấu tranh của quần chúng thực sự được nuôi dưỡng với cuộc tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức. “Quần chúng hòa vào nhau như nước trong đại dương và trong tình yêu người ta tự thấy mình lớn lên và không còn sợ hãi nữa”(17). Song chính quần chúng cũng xả mình bảo vệ để cuộc tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức được thành công và phát huy “tinh thần Quảng Đức” liền sau đó, góp phần buộc chính quyền Ngô Đình Diệm phải ký kết Thông Cáo chung dù đây chỉ là sự nhượng bộ tạm thời.

CUỘC ĐẤU TRANH ĐÒI THỰC THI THÔNG CÁO CHUNG

Hơn một tháng Thông cáo chung được ký kết, song chính quyền Ngô Đình Diệm vẫn không chịu thi hành, trái lại càng gia tăng những thủ đoạn xảo quyệt để đánh lừa quần chúng, nhằm tiến tới đè bẹp phong trào. “Chiến tranh một phía” từ phía chính quyền Ngô Đình Diệm không cho phép giới lãnh đạo Phật giáo hòa hoãn được nữa. Từ ngày 14 đến ngày 16-7-1963, giới lãnh đạo Phật giáo liên tục ra các thông bạch kêu gọi quần chúng Phật tử tiếp tục cuộc đấu tranh trở lại.

Hưởng ứng lời kêu gọi của giới lãnh đạo Phật giáo, các cuộc đấu tranh của Tăng Ni, Phật tử trên toàn miền Nam diễn ra với qui mô và cường độ cao hơn trước. Tại Sài Gòn, chiều ngày 16-7-1963, gần 200 Tăng Ni biểu tình trước tư dinh Đại sứ Mỹ. Họ nêu khẩu hiệu đòi chính quyền Mỹ phải chịu trách nhiệm trước chính sách áp bức Phật giáo tại miền Nam. Sau cuộc biểu tình, họ trở về chùa Xá Lợi tham gia cuộc tuyệt thực.

Ngày 17-7-1963, nhịp độ cuộc đấu tranh gia tăng, Tăng NiPhật tử từ chùa Xá Lợi bằng nhiều ngả đường khác nhau, kéo đến tập hợp trước chợ Bến Thành. Họ căng lên nhiều biểu ngữ đòi chính quyền Ngô Đình Diệm phải thi hành đầy đủ và nghiêm chỉnh Thông cáo chung. Đại diện của đoàn biểu tình đã lên tiếng tố cáo: “Chúng tôi tới đây để tỏ cùng quốc dân đồng bào biết rằng bản Thông cáo chung đã ký kết hơn tháng nay nhưng chính phủ đã không thực thi nghiêm chỉnh mà còn dùng đủ mọi thủ đoạn để khủng bố, bao vây, bắt bớ, đàn áp, xuyên tạc Phật giáo đồ”(18). Đông đảo quần chúng từ chợ đổ ra và từ các ngả đường kéo đến nhập cuộc tham gia đấu tranh, khí thế vô cùng sôi nổi. Tăng Ni bị cảnh sát bắt quẳng lên xe và họ đã chống trả quyết liệt bằng cách siết chặt lấy tay nhau.

Không khuất phục được ý chí đấu tranh của Tăng NiPhật tử, Giám đốc Cảnh sát Sài Gòn Trần Văn Tư bày trò thương lượng bằng cách hứa sẽ chở họ về chùa Xá Lợi. Nhưng khi họ lên xe, chúng lại cho xe chạy về hướng Lục tỉnh. Biết mình bị lừa, Tăng NiPhật tử đã phản đối bằng cách đập cửa xe, đạp thắng, gạt tay lái, mở cửa xe phóng xuống đường. Kết cục, xe phải dừng lại, Tăng NiPhật tử thoát khỏi xe tập hợp lại, tiếp tục đấu tranh. Chính quyền Ngô Đình Diệm đã điều động một lực lượng lớn cảnh sát đến đàn áp. Tăng NiPhật tử bị đánh đập, bị bắt quẳng lên xe chở về An dưỡng địa Phú Lâm. Tường thuật về cuộc đàn áp dã man này, tờ Start and Strips số ra ngày 18-7-1963, viết: “Với sự trợ lực của lính mũ sắt, cảnh sát chiến đấu đã dùng báng súng và gậy gộc đánh các người biểu tình rồi túm cổ vất họ lên xe cam nhông của nhà binh đang đậu bên cạnh. Tăng Ni, đàn bà và trẻ con bị cảnh sát đánh ngã lăn ra đường. Rất nhiều người đổ máu. Cà-sa vàng của Tăng Niáo dài của đàn bà bị xé rách tả tơi trong khi họ bị dồn lên xe”(19). Ở An dưỡng địa, Tăng NiPhật tử vẫn tiếp tục đấu tranh. Bốn ngày sau, chính quyền Ngô Đình Diệm buộc phải trả họ về lại chùa Xá Lợi.

Trong lúc Tăng NiPhật tử đang cương quyết đẩy mạnh cuộc đấu tranh đòi chính quyền Ngô Đình Diệm thực thi Thông cáo chung, đồng bào các tôn giáo khác cũng đồng thanh lên tiếng tố cáo chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo và bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với cuộc đấu tranh của Phật giáo. Ngày 20-7-1963, Đoàn Sinh viên Liên giáo ra Lời hiệu triệu tố cáo chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo. Lời hiệu triệu khẳng định: “Đoàn Sinh viên Liên giáo chúng tôi gồm đủ thành phần của các tôn giáo: Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Tin Lành giáo, Cao Đài giáo, Bahai giáo, ... được thành lập với mục đích ủng hộ Phật giáo đấu tranh ôn hòa đòi tự do tín ngưỡnghành giáo”(20). Ngày 25-7-1963, một nhóm 17 tín đồ Thiên Chúa giáo gồm nhiều thành phần xã hội khác nhau đã gởi thư đến giới lãnh đạo Phật giáo, tố cáo chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo là phản lại tinh thần của Phúc âm: “Mặc dầu chúng tôi là đồng bào Công giáo, nhưng ngay từ khi xảy ra những cuộc tàn sát, đàn áp dã man của nhà cầm quyền đối với đồng bào Phật tử, chúng tôi rất đau lòng vì chính những kẻ xuẩn động đã gây ra thảm cảnh và những tiếp diễn của những thảm cảnh đó là những người đã được ánh sáng Phúc âm rọi tới như chúng tôi. Còn đâu trong con người họ tinh thần công bằng, bác ái, kính Chúa yêu người như mình ta vậy? Họ đã phản bội tinh thần Công giáo của chúng tôi”(21).

Tiếp theo, ngày 30-7-1963, ngày Lễ Chung thất của Thích Quảng Đức, khắp các thành phố, thị xã ở miền Nam quần chúng Phật tử đã nhất loạt đình công, bãi thị để phản kháng chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo. Tại Huế, ngày 27-7-1963, chính quyền Ngô Đình Diệm cho phổ biến trên đài phát thanh lệnh cấm quần chúng tham gia ngày Lễ Chung thất Thích Quảng Đức. Tuy nhiên, Huế Quảng Đức từ chùa Từ Đàm đến chùa Diệu Đế, có tới 15.000 người tham gia, ngang nhiên đi qua trung tâm thành phố, hai bên đường có hương án, dân chúng quỳ lạy, chiêm ngưỡng sự hy sinh cao cả của Thích Quảng Đức(22). Tại Sài Gòn, từ 5 giờ sáng quần chúng đã tấp nập đổ về chùa Xá Lợi, “ngoài thanh niên ra, hầu hết những người đến dự lễ là đàn bà. Họ đều trẻ, khá hấp dẫnduyên dáng trong bộ áo dài và quần trắng, hoặc cả bà già nhăn nheo, răng nhuộm đen vì ăn trầu. Tất cả đều đính băng tang màu vàng ở ngực, một biểu tượng để tiếc thương Hòa thượng Thích Quảng Đức”(23). Sau buổi lễ, giới lãnh đạo Phật giáo phát đi một bản tuyên ngôn khẳng định một lần nữa: “Phật giáo đồ Việt Nam quyết định không lìa bỏ tinh thần thuần túy tôn giáo bằng cách áp dụng nghiêm chỉnh phương pháp ‘bất bạo động’ để đưa phong trào đến mức thành công”(24).

Trước sự chuyển biến mạnh mẽ của phong trào và sự gia tăng đàn áp khốc liệt của chính quyền Ngô Đình Diệm, giới lãnh đạo Phật giáo thấy rằng đã đến lúc không chỉ đấu tranh đòi bình đẳng tôn giáo, mà phải đấu tranh lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm. Trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài, một vị sư trong Uỷ ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo khẳng định: “Chúng tôi phải chuẩn bị cho thật tốt trước lúc chúng tôi bắt đầu cuộc tấn công. Tôi không biết lúc nào cuộc đấu tranh của chúng tôi sẽ kết thúc. Chúng tôi đã nhận được một số thư của một số sĩ quan quân đội. Họ nói ủng hộ chúng tôi”(25).

Trong lúc cuộc đấu tranh của Phật giáo đang phục hồi và phát triển mạnh thì Đại sứ Mỹ Frederick E. Nolting trong một cuộc trả lời phỏng vấn của Don Baker (UPI), đã bào chữa cho chính quyền Ngô Đình Diệm. Nolting nói: “Hơn hai năm tôi sống tại Việt Nam, tôi chưa bao giờ nhận thấy dấu hiệu nào chứng tỏ có sự kỳ thị tôn giáo”(26). Cùng với Nolting, ngày 3-8-1963, trong một cuộc nói chuyện với Phụ nữ bán quân sự, Trần Lệ Xuân, vợ Ngô Đình Nhu, lên tiếng công kích, nhục mạ Phật giáo, rằng “hoạt động của Phật giáo là một hình thức phản bội xấu xa ...”(27). Về việc Thích Quảng Đức tự thiêu, Trần Lệ Xuân cho là “nướng sư”. Trả lời phỏng vấn của ký giả báo New York Times, Trần Lệ Xuân nói: “Tôi còn đánh sư gấp mười lần như thế nữa à. Phương pháp giải quyết vấn đề Phật giáo là phớt tỉnh, không cần biết tới”(28).

Những lời lẽ xa cách sự thật của Nolting và những sự nhục mạ, vu khống, hăm dọa Phật giáo của Trần Lệ Xuân như “lửa đổ thêm dầu”, càng làm cho quần chúng thêm căm phẫn, phong trào Phật giáo do đó càng lên mạnh. Ngày 4-8-1963, Đại đức Thích Nguyên Hương tự thiêu tại Đài Chiến sĩ trước tỉnh đường Bình Thuận. Quần chúng đã đấu tranh quyết liệt để giành lại thi thể của nhà sư tự thiêu. Ngày 12-8-1963, tại chùa Xá Lợi, nữ sinh Mai Thị Tuyết An tự chặt tay trái của mình để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm. Ngày 13-8-1963, Đại đức Thích Thanh Tuệ tự thiêu tại chùa Phước Duyên (Hương Trà, Thừa Thiên). Cuộc đấu tranh giành lại thi thể của nhà sư đã làm 30 người bị thương nặng phải đưa vào bệnh viện. Ngày 15-8-1963, tại Huế, gần 1.000 sinh viên, học sinh biểu tình phản đối vụ chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp vụ tự thiêu tại chùa Phước Duyên. Cùng ngày hôm đó, Ni sư Diệu Quang tự thiêu tại Ninh Hòa gần Nha Trang. Một cuộc tuần hành lớn tại Nha Trang đòi chính quyền Ngô Đình Diệm trả lại thi thể và bút tích của Ni sư. Cuộc biểu tình đã bị chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp làm 30 người bị thương và trên 200 người khác bị bắt.

Ngày 16-8-1963, tại Huế, theo lời kêu gọi của giới lãnh đạo Phật giáo, tất cả chợ búa, trường học, xí nghiệp và công tư sở đều nhất loạt tổng đình công. Chính quyền Ngô Đình Diệm ban hành lệnh giới nghiêm và thiết quân luật. Cùng ngày, nhà sư Thích Tiêu Diêu tự thiêu tại chùa Từ Đàm. Ngày 17-8-1963, Viện trưởng Viện Đại học Huế bị bãi chức. Cùng ngày, các khoa trưởng thuộc Đại học Huế và toàn thể giảng viên Viện Hán học ra tuyên cáo lên án chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo, tuyên bố từ chức và nghỉ việc. Tiếp theo, toàn thể giảng viên và sinh viên Viện Đại học Huế từ chức, bãi khóa. Ngô Đình Diệm cử Trần Hữu Thế ra thay Cao Văn Luận làm Viện trưởng đã bị giảng viên và sinh viên Huế tẩy chay với khẩu hiệu: “Trần Hữu Thế cút đi!”. “Cuộc đấu tranh dũng cảm của 40 giáo sư ở Huế từ chức để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của bọn Cẩn – Diệm … đã nêu cao tính khí khái của người trí thức”(29). Phong trào bất hợp tác ở Huế trở nên toàn diện, mọi guồng máy xã hội đều bị tê liệt.

Cuộc đấu tranh đòi thực thi Thông cáo chung với sự tham gia của hầu hết các tầng lớp xã hội, đã vạch trần chính sách gian trá của chính quyền Ngô Đình Diệm, góp phần giữ vững phong trào trước sự đàn áp quyết liệt.

CHÍNH QUYỀN NGÔ ĐÌNH DIỆM THỰC HIỆN “KẾ HOẠCH NƯỚC LŨ” (ĐÊM 20 RẠNG NGÀY 21-8-1963) VÀ PHẢN ỨNG CỦA NHÂN DÂN MIỀN NAM

Gần ba tháng rưỡi kể từ khi phong trào bùng nổ, chính quyền Ngô Đình Diệm đã sử dụng mọi biện pháp để đè bẹp phong trào. Tăng NiPhật tử bị giết hại, bắt bớ ngày càng tăng, nhưng cuộc đấu tranh vì chính nghĩa của Phật giáo ngày càng phát triển sâu rộng. Từ Nam chí Bắc cũng như khắp nơi trên thế giới, nhân dân và chính phủ các nước không phân biệt chế độ chính trị đều hướng về cuộc đấu tranh của Phật giáo và lên án gay gắt chế độ Ngô Đình Diệm, một chế độ mà đặc điểmlà hối mại quyền thế, gia đình trị, tham nhũng, khinh miệt thuộc hạ và tàn nhẫn đối với đòi hỏi của nhân dân”(30). Chế độ bạo trị Ngô Đình Diệm đang ở vào thế cô lập hơn bao giờ hết.

Để cứu nguy chế độ, chính quyền Ngô Đình Diệm tiến hành “Kế hoạch nước lũ”: “Cương quyết thanh trừng các phần tử phản bội và quá khích trong các giới Tăng Ni, công chức, giáo sư, sinh viên, cũng như trong các đoàn thể nhân dân” nhằm giải quyết dứt điểm “Vụ Phật giáo”; “thời gian ấn định cho việc thực hiện xong kế hoạch là từ 21-8 đến 30-9-1963”(31). Đúng như kế hoạch đã vạch ra, đêm 20 rạng ngày 21-8-1963, chính quyền Ngô Đình Diệm cho quân tấn công đồng loạt các ngôi chùa được dùng làm cơ sở đấu tranh trên khắp miền Nam.

Tại Sài Gòn, chùa Xá Lợi, Trụ sở của Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo, cuộc tấn công diễn ra hết sức dữ dội. Mặc dầu đã được mật báo cho biết chính quyền Ngô Đình Diệm sẽ mở cuộc tấn công, nhưng giới lãnh đạo Phật giáo cùng với quần chúng Phật tử không ai chịu rời hàng ngũ. Khi cuộc tấn công diễn ra, Tăng NiPhật tử đã chống trả rất mãnh liệt, cho đến lúc kiệt sức thì bị bắt tống lên xe đưa vào trại giam.

Ở chùa Ấn Quang, theo “Phiếu đệ trình” của Tư lệnh Quân đoàn III Sài Gòn thì cuộc tấn công của lực lượng Diệm cũng vấp phải sự kháng cự hết sức quyết liệt của Tăng Ni, Phật tử: “Việc khám xét chùa Ấn Quang cũng gặp trở ngại vì chùa đã tổ chức phòng thủ và báo động. Khi lực lượng an ninh tiến vào chùa thì gặp một hàng rào kẽm gai có truyền điện nên một số nhân viên ta bị điện giật và bị thương. Một số Tăng Ni canh gác trong sân chùa dùng gậy định chống trả lúc đầu, nhưng sau đó lại rút lên lầu. Các sư liền sử dụng máy phóng thanh kêu gọi đồng bào quanh vùng thức dậy để chứng kiến quân đội tấn công vào nhà chùa. Trong chùa đánh trống mõ ầm ĩ để báo độngsử dụng điện thoại để liên lạc với các nhà chùa khác.

Các Tăng Ni tiếp tục ném đá và ve chai vào các toán an ninh. Đặc biệt là các Tăng Ni có ném một chất hóa học cay mắt và một chai a-xít vào trung đội an ninh trong lúc tiến công vào chùa nhưng may không có nhân viên nào bị thương”(32).

Tại Huế, cứ điểm quan trọng của Phật giáo, chính quyền Ngô Đình Diệm cho quân chiếm đóng thành phố. Dân chúng lập tức đổ ra đường đánh mõ báo động. Từ Đàm, ngôi chùa “bản doanh” của phong trào bị tấn công dữ dội lúc thi hài của nhà sư Thích Tiêu Diêu vừa tự thiêu chưa được chôn cất. Cuộc kháng cự của Tăng Ni, Phật tử diễn ra rất mãnh liệt kéo dài từ nửa đêm cho đến gần sáng lực lượng Diệm mới phá được vành đai phòng thủ để tiến vào trong chùa. Các chùa Diệu Đế, Báo Quốc, Linh Quang cũng bị tấn công và cũng vấp phải sự phản ứng dữ dội của Tăng Ni, tín đồ Phật tử.

Theo số liệu của chính quyền Ngô Đình Diệm, số Tăng Ni, giáo sư và sinh viên bị bắt trong đêm đồng loạt tấn công chùa nói trên chỉ tính riêng Sài Gòn và Huế đã lên tới 1.323 người (728 người ở Sài Gòn và 595 người ở Huế).

Những ngày sau 21-8-1963, cả Sài Gòn rung động trước sự phát triển của phong trào. Nhiều bộ trưởng, khoa trưởng, giáo sư đại học từ chức. Ngày 22-8-1963, một nhóm giáo chức Sài Gòn rải truyền đơn lên án chính quyền Ngô Đình Diệm tấn công chùa và kêu gọi trí thức vùng dậy đấu tranh. Về phía sinh viên, ngày 24-8-1963, tại Trường Đại học Khoa học, 1.200 sinh viên đến trường thi vào năm dự bị, nhưng không chịu vào phòng thi, họ xé phiếu báo danh, hô các khẩu hiệu: “Đả đảo chính phủ” và hô hào bãi khóa. Tại Trường Đại học Dược khoa, 700 sinh viên đến trường nhưng không chịu vào lớp. Tại trường Đại học Y và Nha khoa, sinh viên đã xông vào phòng hội đồng xé đề thi và làm lộ đề thi toán. Tại Trường Đại học Luật khoa, có trên 1.200 sinh viên họp mít-tinh lên án chính quyền Ngô Đình Diệm và kêu gọi bãi khóa để đấu tranh.

Để đẩy lùi cao trào nổi dậy của sinh viên, chính quyền Ngô Đình Diệm ra lệnh đóng cửa các trường đại học và cao đẳng, lùng bắt cán bộ chỉ đạo phong trào. Tuy vậy, sáng ngày 25-8-1963, bất chấp lệnh giới nghiêm của chính quyền Ngô Đình Diệm, thanh niên, sinh viên, học sinh từ nhiều hướng khác nhau đổ về trước chợ Bến Thành biểu tình chống chính quyền Ngô Đình Diệm. Cuộc đàn áp diễn ra, thanh niên, sinh viên, học sinh đã chống trả quyết liệt. Cảnh sát Diệm bắn vào đoàn biểu tình, nữ sinh Quách Thị Trang hy sinh, có tới 2.000 nam nữ sinh viên, học sinh bị bắt đưa về giam tại Trung tâm Huấn luyện Quang Trung.

Sau cuộc đàn áp ngày 25-8-1963, nhìn bên ngoài, chính quyền Ngô Đình Diệm có vẻ làm chủ tình hình, song trên thực tế phong trào đang tìm đối sách thích hợp trước sự khủng bố dã man của chính quyền Ngô Đình Diệm. Ngày 7-9-1963, học sinh các trường trung học ở Sài Gòn bãi khóa. Tại Trường Trung học Võ Trường Toản, học sinh đánh nhau hàng giờ với cảnh sát chiến đấu và đã hô những khẩu hiệu đòi Mỹ chấm dứt viện trợ cho chính quyền Ngô Đình Diệm. Rất nhiều học sinh bị bắt tống lên xe đưa đến trại giam. Buổi chiều cùng ngày, phụ huynh những học sinh bị bắt đã tụ tập trước Nha Tổng Giám đốc Cảnh sát, biểu tình đòi con. Đoàn biểu tình đã chỉ trích Mỹ ủng hộ Ngô Đình Diệm.

Ngày 8-9-1963, học sinh Trường Trung học kỹ thuật Cao Thắng bãi khóa. Trong lúc học sinh đang hô hào bãi khóa và biểu tình, cảnh sát chiến đấu được huy động đến bao vây và đàn áp. Học sinh đã dùng búa và các khí cụ khác của nhà trường để chống lại. Hai bên giao tranh suốt buổi sáng làm cho một số cảnh sát Diệm mang thương tích trầm trọng. Cùng ngày, học sinh Trường Chu Văn An bãi khóa và biểu tình, căng biểu ngữ viết bằng máu tố cáo chính quyền Ngô Đình Diệm chà đạp tự do tín ngưỡng, đòi Mỹ ngưng viện trợ cho Diệm. Học sinh đã dùng những dụng cụ có sẵn chống lại sự tấn công của cảnh sát. Hai đợt tấn công đầu của cảnh sát Diệm đều bị đẩy lùi. Đợt thứ ba, chính quyền Ngô Đình Diệm huy động thêm lực lượng mới đàn áp được. Có tới 1.200 học sinh bị bắt đưa về trại giam.

Trong điều kiện lưới mật vụ cũng như lực lượng chống biểu tình của chính quyền Ngô Đình Diệm giăng ra dày đặc, trong quần chúng xuất hiện những hình thức đấu tranh mới, như các bà mẹ đã lấy bong bóng kết theo những biểu ngữ mang nội dung chống Diệm thả lên không trung; hoặc là những tấm áp-phích hí họa mô tả chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm; hoặc ở chợ Bến Thành có hình thức thả khỉ mang tên của những anh em gia đình họ Ngô, v.v… Rõ ràng trước sự đàn áp quyết liệt của chính quyền Ngô Đình Diệm, nhất là với “Kế hoạch nước lũ” khi mà hầu hết giới lãnh đạo Phật giáo đều bị bắt đưa vào trại giam, song lực lượng quần chúng tiếp tục được mở rộng, với những biện pháp mang tính sáng tạo nhằm đối phó trước những luật lệ phát-xít của chính quyền Ngô Đình Diệm, ở đây vai trò quần chúng cũng được thể hiện rất rõ nét.

Từ phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 với những sự kiện lịch sử tiêu biểu như đã trình bày, chúng ta rút ra một số nhận định chủ yếu sau đây:

Một là, phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 đã thu hút hàng triệu người tham gia, không phân biệt chính kiến, xu hướng, tôn giáo, như các nhà tư sản dân tộc, trí thức, thanh niên, sinh viên, học sinh, phụ nữ, công nhân, nông dân, tiểu thương. Ngay cả một số đông viên chức, sĩ quan cao và binh sĩ trong bộ máy chính quyền Ngô Đình Diệm và cả những tín đồ Thiên Chúa giáo cấp tiến cũng tích cực tham gia. Sự tham gia đông đảo của quần chúng với đầy đủ các giới cho thấy “phong trào đấu tranh của đồng bào Phật giáo ở miền Nam đã vượt khỏi ranh giới đơn thuần tôn giáo mà hình thành một phong trào yêu nước rộng rãi trong toàn dân”(33).

Hai là, phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 với sự tham gia của hầu hết mọi tầng lớp xã hội, đã cho chính quyền Kennedy thấy rằng trên thực tế chính quyền Ngô Đình Diệm không có sức thu phục nông dân mà ngay ở thành phố chính quyền này cũng mất hết chỗ dựa xã hội. Điều này giải thích tại sao Mỹ phải thực hiện chính sách “thay ngựa”, ủng hộ nhóm tướng lĩnh trong quân đội Sài Gòn làm cuộc đảo chính (1-11-1963), giết chết anh em Ngô Đình Diệm, dựng lên chính quyền tay sai mới với hy vọnghiệu quả hơn để duy trì ách thống trị của chúng ở miền Nam. Bàn về âm mưu của Mỹ trong việc gạt bỏ anh em Ngô Đình Diệm, Tổng Bí thư Lê Duẩn viết: “Sau trận Ấp Bắc, Mỹ bắt đầu hoang mang. Tuy vậy, chúng còn nghĩ rằng không thắng được là vì lý do chính trị. Chúng cho rằng lực lượng quân sự gồm quân đội tay sai cộng với cố vấn Mỹ, có đủ sức chống lại ta, nếu một cơ sở chính trị tốt tạo thêm tinh thần chiến đấu cho quân nguỵ. Để hòng cải thiện chính trị ngày càng tồi tệ, Mỹ đã vứt bỏ Diệm, Nhu”(34).

Ba là, trong phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963, quần chúng nhân dân đã giữ một vai trò hết sức quan trọng. Quần chúng đã chủ động làm cho phong trào bùng nổ, đã sáng tạo ra nhiều hình thứcbiện pháp đấu tranh linh hoạt. Bất chấp sự đàn áp khốc liệt của chính quyền Ngô Đình Diệm, quần chúng đã có mặt trong hầu hết mọi tình huống khó khăn để góp phần giữ vững và đưa phong trào tiến lên. Sự tham gia đông đảo và hầu hết mọi tầng lớp nhân dân miền Nam đã làm cho phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 có một vị trí xứng đáng trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975).

****

1. Thích Trí Quang. Cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam. Tuần báo Hải Triều Âm, số 2, ngày 30-4-1964, tr. 4.
2. Quý Linh. Mở đầu cuộc đấu tranh Phật giáo. Trước cơn sóng gió. Ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Trung Phần, Huế, 1964, tr. 18.
3. Thích Trí Quang, Tuần báo đã dẫn, tr. 10.
4. Thích Trí Quang, Tuần báo đã dẫn, tr. 5.
5. Quốc Tuệ. Công cuộc đấu tranh của Phật giáo Việt Nam. Tác giả xuất bản, Sài Gòn, 1964, tr. 43
6. Tường trình số 0465/KXICT/2/2/M ngày 16-5-1963 của Đại tá Đỗ Cao Trí, Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh, kiêm Tư lệnh Khu XI Chiến thuật gởi Thiếu tướng Tư lệnh Quân đoàn 1, kiêm Tư lệnh Vùng I Chiến thuật. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu Đệ I CH - 8169, tr. 4.
7. Ellen J. Hammer. A Death in November (American in Vietnam in 1963). E. P. Duton, New York, 1987, tr. 112.
8. Võ Đình Cường. Vi phạm nhân quyền tại miền Nam Việt Nam (bản dịch). Hùng Khanh xuất bản, Sài Gòn, 1966, tr. 73-74.
9. Nguyễn Thanh. Sự thật cuộc đấu tranh Phật giáo Việt Nam. Nxb Hoa Đạo, Sài Gòn, 1964, tr. 27.
10. Tường trình đã dẫn, tr. 6.
11. Tường trình đã dẫn, tr. 8.
12. Tường trình đã dẫn, tr. 9.
13. Theo tường trình số 0465/KXICT/2/2/M ngày 16-5-1963 của Đại tá Đỗ Cao Trí, Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh, kiêm Tư lệnh Khu XI Chiến thuật gởi Thiếu tướng Tư lệnh Quân đoàn 1, kiêm Tư lệnh Vùng I Chiến thuật, thì số người tham gia cuộc meeting lên đến 10.000 người.
14. Cẩm Thủy. Những trang nhật ký trong “Trước cơn sóng gió”. Ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Trung Phần xuất bản, Huế, 1964, tr. 39.
15. Tường trình đã dẫn, tr. 9.
16. Bản Tuyên ngôn ngày 10-5-1963 của tăng, tín đồ Phật giáo. Trung tâm lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu SC. 04-HS. 8352.
17. Tâm Phong. Nhớ lại cuộc vận động của Phật giáo. Tuần báo Hải Triều Âm, số 18, ngày 24-8-1964, tr. 10.
18. Nguyễn Lang. Việt Nam Phật giáo sử luận, tập III. Nxb. Văn học, Hà Nội, 1994, tr. 440.
vẫn là nơi sôi động. Ngày đó, một cuộc tuần hành rước di ảnh Thích
19. Tuệ Giác. Việt Nam Phật giáo tranh đấu sử. Nxb. Hoa Nghiêm, Sài Gòn, 1985, tr. 220.
20. Lời hiệu triệu của Đoàn Sinh viên Liên giáo gởi toàn thể sinh viên, học sinh miền Nam. Tài liệu lưu tại chùa Từ Đàm, Huế.
21. Quốc Tuệ, Sđd., tr. 239.
22. Gặp Thượng tọa Thích Trí Thủ. Nguyệt san Liên Hoa, số ra ngày 30-11-1963, tr. 108.
23. Jerrold Schecter. The New Face of Buddha. John Weatherhill, Tokyo 1967, tr. 193.
24. Nam Thanh. Cuộc đấu tranh của Phật giáo Việt Nam. Viện Hóa đạo xuất bản, Sài Gòn, 1964, tr. 111-112.
25. Jerrold Schecter, Sđd., tr. 196.
26. Quốc Tuệ, Sđd., tr. 298.
27. Jerrold Schecter, Sđd, tr. 196.
28. Quốc Tuệ, Sđd., tr. 307.
29. Những văn kiện chủ yếu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (từ tháng 12-1963 đến tháng 10-1964). Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1964, tr. 54.
30. Đỗ Đức Thái. Thảm họa Việt Nam (Chính trường và chiến trường). Chicago, Illinois), 1985, tr. 118.
31. Kế hoạch thanh toán vụ tranh chấp bạo động của Tổng hội Phật giáo Thừa Thiên. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu SC.04-HS. 8466.
32. Phiếu đệ trình số 0289 của Tư lệnh Quân đoàn III Sài Gòn ngày 22-8-1963. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu TM-HS.209.
33. Những văn kiện chủ yếu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (từ tháng 12-1963 đến tháng 10-1964). Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1964, tr. 66.
34. Lê Duẩn. Thư vào Nam. Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1985, tr. 69.

 


Tạo bài viết
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: