Phật Giáo Trúc Lâm Thời Trần: Tự ViệnNghi Lễ

06/06/20213:38 CH(Xem: 3816)
Phật Giáo Trúc Lâm Thời Trần: Tự Viện Và Nghi Lễ
PHẬT GIÁO TRÚC LÂM THỜI TRẦN:
TỰ VIỆNNGHI LỄ

Nguyễn Hồng Dương

I- TỰ VIỆN CỦA PHẬT GIÁO TRÚC LÂM THỜI TRẦN

Tháp chùa Phổ MinhLịch sử Phật giáo Việt Nam thời kỳ Đại Việt ghi nhận Phật giáo thời Trần phát triển đến đỉnh cao. Thời Trần xuất hiện những trung tâm chùa, tháp lớn như: Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh). Chùa tháp Phổ Minh (thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định). Chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều, Quảng Ninh). Chùa Vĩnh Nghiêm (còn gọi là chùa Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, Bắc Giang).

Trung tâm chùa, tháp Trúc Lâm, Yên Tử gắn liền với sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm. Đây là Thiền phái tổ hợp ba Thiền phái hiện diện đương thời (Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường). Phật giáo Trúc Lâm thời Trần vì vậy được gọi là Phật giáo nhất tông. Phật giáo Trúc Lâm gắn liền với tên tuổi ba vị tổ (Trúc Lâm tam tổ). Tổ thứ nhất: Vua Trần Nhân Tông (1258 – 1308) xuất gia năm 1299. Ngài được gọi là Phật hoàng. Tổ thứ hai, Pháp Loa (1284 – 1334). Tổ thứ ba, Huyền Quang (1254 – 1334). Yên Tử là nơi phát tích của Thiền phái cũng là trị sở nên được gọi là Trúc LâmYên Tử. Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Kỷ Hợi năm Hưng Long thứ 7 (1299)… Mùa Thu, tháng 7, xây am Ngự Dược trên núi Yên Tử. Tháng 8, Thượng hoàng (Trần Nhân Tông), từ phủ Thiên Trường lại xuất gia vào núi Yên Tử tu khổ hạnh”(1).

Yên Tử (nay thuộc thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) được xem là non thiêng. Tương truyền Yên Kỳ Sinh tu luyện ở nơi đây nên đặt tên cho núi. Theo Đại Nam nhất thống chí: “Vua Nhân Tôn nhà Trần có dựng am Tứ Tiêu còn gọi là am Ngọa Vân, Viện Thạch Thất my ngữ… Từ ngọn núi đi thẳng đến chùa Giải Oan…  Gần đấy có ba ngôi am. Am đá ở giữa rất cao rộng, là am để xá lợi vua Anh Tông. Hai am phía tả và phía hữu là chỗ ở của Pháp LoaHuyền Quang. Lại có chùa Hoa Yên, hai bên tả hữu chùa này có viện Phù  Đồ, gác chuông, lầu trống, nhà dưỡng tăng và nhà tiếp khách”(2). Cuốn: Trúc Lâm Yên Tử, Phật giáo tùng thư cho biết một số tự viện được xây dựng dưới thời Trần ở Yên Tử như: Chùa Trình (Bí Thượng) vì chùa tọa lạc ở làng Bí Thượng (phường Phương Đông, Thành phố Uống Bí, tỉnh Quảng Ninh ngày nay). Chùa Cẩm Thực (Cầm Thực), tọa lạc trên một đỉnh núi tròn ở về phía trái lộ trình vào Yên Tử. Chùa  Long Động (chùa Lân). Đây là ngôi chùa có vị trí quan trọng trong hệ thống chùa tháp Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Là nơi giảng đạo, độ tăng. Trong dân gian  có câu: Ngõ chùa Lân (to), sân chùa Muống (rộng), ruộng chùa Quỳnh (nhiều)(3).

Chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều, Quảng Ninh ngày nay) là một tự viện nổi tiếng thời Trần. Chùa được xây dựng triều Vua Lý Anh Tông (1116 – 1138). Người có công lớn trong việc tạo dựng là quốc sư Nguyễn Minh Không (1076 – 1141). Sư đúc tượng Di Lặc bằng đồng cao sáu trượng (20m) từng được coi là An Nam tứ đại khí (Tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, vạc Phổ Minh, tượng Phật Quỳnh Lâm). Chùa thực sự trở thành một trung tâm Phật giáo quan trọng của Phật giáo Trúc Lâm với sự hiện diện của Nhị tổ Trúc LâmPháp Loa. Ông là người mở mang, tu bổ chùa Quỳnh Lâm. Riêng năm 1314 ông cho xây dựng 33 cơ sở điện thờ Phật, gác chứa kinh. Năm 1316, Pháp Loa thành lập Quỳnh Lâm Viện (được xem như Trường Đại học Phật giáo đầu tiên ở nước ta). Cùng với chùa Hoa Yên ở Yên Tử, chùa Báo Ân ở Siêu Loại (Bắc Ninh), chùa Thanh Mai (Hải Dương). Chùa Quỳnh Lâm là một trong những trung tâm của Phật giáo Trúc Lâm, trở thành Đệ nhất danh lam cổ tích nước Nam.

Chùa Vĩnh Nghiêm, nhân dân quen gọi là chùa Đức La vì chùa tọa lạc ở làng này (nay thuộc xã  Trí Yên, huyện Yên Dũng, Bắc Giang). Chùa Vĩnh Nghiêm là một trong những trung tâm của Phật giáo Trúc Lâm. Ba vị tổ của Phật giáo Trúc Lâm  (Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang), trước khi đến Yên Tử đều đến chùa Vĩnh Nghiêm. Tương truyền, chùa có từ thời Lý Thái Tổ (1010 – 1028). Thời vua Trần Thánh Tông (1258 – 1278) có các vị cao tăng trụ trì và tu tạo chùa cảnh nguy nga, tráng lệ. Vua Trần Nhân Tông khi từ bỏ ngai vàng, xuất gia đã đến chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Ngọa Vân (Yên Tử) thụ giới. Hai đại đệ tử của vua là Pháp LoaHuyền Quang kế thế, tiếp tục xiển dương Phật giáo. Thời Trần, chùa Vĩnh Nghiêm niên hiệu Hưng Long thứ 12, vua Trần Nhân Tông đến chùa làm lễ kiết hạ, truyền đăng cho Pháp Loa. Năm 1313, Pháp Loa phụng chiếu đến chùa định chức tăng đồ trong toàn quốc và đặt dựng một trăm ngôi chùa lớn ở các nơi. Sau ba năm lại làm một lần như vậy. Tăng, ni có đến vài ngàn người. Vĩnh Nghiêm còn là nơi lưu giữ hồ sơ của tăng, ni (tăng tịch)(4).

Chùa, tháp Phổ Minh, chùa tọa lạc ở thôn Tức Mạc (Nam Định ngày nay). Chùa được xây dựng từ thời Lý và được mở mang với quy mô rộng lớn từ năm 1262. Bên cạnh chùa là tháp – Tháp Phổ Minh dựng năm 1035. Tháp cao khoảng 20m, gồm 14 tầng. Nền tháp và tầng thứ nhất xây bằng đá, những tầng còn lại xây dựng gạch. Mỗi tầng trổ 4 cửa vòm cuốn, giữa các tầng là gờ mái.

Dưới thời Trần, Phật giáo Nam Định trở thành một trong những trung tâm Phật giáo lớn ở Châu thổ sông Hồng. Sử cũ ghi: Năm Thiệu Long thứ 5 (1262), Thượng hoàng Trần Thái Tông về quê ban yến và thưởng cho già trẻ trong làng, thăng Tức Mạc làm phủ Thiên Trường, đổi Hành Cung Tức Mạc thành Cung Trùng Quang để làm nơi Thượng hoàng ngự. Chùa Phổ Minh ở bên Tây cung Trùng Quang – được xây dựng từ thời Lý, nổi danh với chiếc vạc đồng – một trong “An Nam đại tứ khí” được xây cất trang hoàng để làm nơi Thượng hoàng sớm hôm cúng Phật(5). Tháng Giêng năm Hưng Long thứ 11 (1303) nhân dịp vua cha – Thượng hoàng Trần Nhân Tông, từ Chiêm Thành về Thiên Trường, nghỉ tại cung Trùng Quang, vua Anh Tông cho mở hội “Vô lượng Phật pháp”, tại chùa Phổ Minh, ban phát vàng bạc, tiền, lụa cho dân nghèo, phát kinh giới cho thiên hạ(6).

Trên đây là một số ngôi chùa nổi tiếng giữ vai trò quan trọng của Phật giáo Trúc Lâm thời Trần. Thời Trần còn có hàng trăm ngôi chùa ở các vùng miền, làng quê Bắc Bộ. “Việc xây dựng chùa chiền thời Trần, sau này cũng được Nguyễn Dữ nhắc đến trong Truyền kỳ mạn lục”. Các chùa như Hoàng Giang, Đồn Cổ, Yên Sinh, Yên Tử, Phổ Minh, Ngọc Thanh… dựng lên nhan nhản khắp nơi. Những người cắt tóc làm tăng, ni nhiều bằng nửa số dân thường. Nhất là ở huyện
Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh), sự sùng thượng lại càng quá lắm: “Chùa chiền dựng lên, làng lớn có đến hơn mười chùa, làng nhỏ cũng có chừng năm, sáu, ngoài bao bằng lũy, trong tô vàng son”(7). Riêng vùng đất Ninh Bình (ngày nay), thời Trần đã có hàng chục tự viện được xây dựng mới hay sửa chữa, tôn tạo, mở rộng. Phần lớn các chùa, tháp đều do các vua Trần (Thánh Tông, Nhân Tông, Anh Tông) và một vài công chùa nhà Trần hưng công xây dựng. Tại Hành cung Vũ Lâm (nay thuộc quần thể Danh thắng Tràng An, Ninh Bình) nơi vua Trần Nhân Tông xuất gia, vua cho xây dựng một số chùa chiền như chùa Sơ, chùa Tông ở thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải; chùa Khả Lương, chùa Khai Phúc ở xã Ninh Thắng; chùa A Nậu thuộc Thành phố Ninh Bình hiện nay. Tại Ninh Bình, thế kỷ XIV, xuất hiện trung tâm Phật giáo Non Nước – Sơn Động – Tiên Long(8).

Vào thời Trần, có nhiều chùa ở ngoài hải đảo và cũng có chùa ở vùng núi cao. Đã xuất hiện một loại hình chùa hang, động như chùa Hang (xã Đông Tâm, Lục Yên, Yên Bái). Trong hang núi này, có cả một bài thơ thời Trần bằng đất nung(9). Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận, phỏng đoán con số chùa Phật giáo thời Trần như sau:

1) Chùa quốc tự: 15 chùa.
2) Chùa do vương hầu và người giàu có tạo dựng: 330 chùa.

3) Chùa do quần chúng tạo dựng: 9.000 chùa.

Như vậy, vào thời Trần có khoảng 9.500 ngôi chùa và 30.000 tăng sĩ, trung bình mỗi chùa có 3 vị tăng sĩ tu học và có những ngôi chùa nhỏ trong đó chỉ có một vị tăng sĩ trụ trì (tr. 372).

Về bình đồ tự viện Phật giáo Trúc Lâm thời Trần

Cuốn sách Chùa Việt Nam của các tác giả Hà Văn Tấn – Nguyễn Văn Kự – Phạm Ngọc Long (NXB Thế giới, 2013, các tr 27, 28, 29), cho biết nhiều tư liệu về kiến trúc, cấu trúc, bình đồ một số chùa thời Trần hiện còn tồn tại đến ngày nay. Đó là nóc nhà thượng điện Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh), nóc tòa thượng điện cùng những bức cuốn chùa Thái Lạc (chùa Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên) và nhà thượng điện khá nguyên vẹn chùa Bối Khê (Thanh Oai, Hà Nội).

Kết cấu các nhà thượng điện này khá giống nhau, có một gian hai chái với bốn cột cái khá lớn và hai cột quân, có hai bộ vì đỡ hai mái. Bộ vì đều làm theo kiểu giá chiêng, gồm một câu đầu khoe tỳ chịu lực lên đầu hai cột cái. Bên trên câu đầu là hai trụ giá chiêng, tức hai trụ trốn, thường được chạm khắc đẹp. Ở chùa Thái Lạc, các trụ trốn này được chạm thành hình các em bé quỳ gối nâng tòa sen. Hai trụ trốn này đội một rường hơi cong gọi là rường bụng lợn hay con cung. Lồng giữa hai trụ giá chiêng là tấm ván hình lá đề… Có người cho rằng những nhà thượng điện nói trên chính là nếp chùa thời Trần, có 4 mái, với bộ khung bằng gỗ mà các cột là thành phần chịu lực. Chưa thấy dấu vết tường chịu lực. Chùa thời Trần có mái lợp ngói mũi hài mà không, hoặc hiếm, lợp ngói ống. Xung quanh các chùa thời Trần, có thể có tường xây bao, trên lợp ngói ống hoặc trên lợp ngói mũi hài, giống như vòng tường hiện còn quanh tháp Huệ QuangYên Tử.

Tuy nhiên, các ngôi chùa thời Trần có thể là một cụm kiến trúc phức tạp hơn.

Một ngôi chùa khác cho thấy mặt bằng của một ngôi chùa đó là chùa Lắm trên đảo Thừa Cống thuộc tỉnh Quảng Ninh, trong vịnh Bái Tử Long.

Chùa Lắm có hai mặt bằng kiến trúc, chênh nhau gần 4m về độ cao. Ở mặt bằng thứ nhất có tam quan và nhà tổ. Nền tam quan rộng 5m, dài 11m, quanh nền kè đá. Mặt nền còn đầy những mảnh ngói mũi hài nhỏ, dấu vết còn lại của kiến trúc bên trên. Nhà tổ dài 54m, ước có 15 gian, nền cũng được kè đá. Từ tam quan theo con đường đá dài 55m thì đến chân bậc cấp lên chùa. Bậc cấp lên chùa xếp bằng các viên đá ngang ngắn. Đi hết 34 bậc, ta đến sân chùa bắt đầu bước vào mặt bằng kiến trúc thứ hai: Sân chùa rộng, không lát gạch, nhưng bằng phẳng, sâu vào 15,8m. Hai bên sân chùa có hai ngọn tháp đã đổ, chỉ còn  nền vuông, có móng kè đá, mỗi cạnh dài 3,6m. Trên nền ngọn tháp phía đông, còn có rất nhiều viên gạch trang trí rồng phượng và hoa lá. Cửa ngọn tháp này trông về hướng Nam với những bậc cấp còn khá nguyên vẹn. Ngay dưới chân tháp phía Đông Nam sân chùa có một nền hình vuông, mỗi cạnh 3,9m. Có thể đó là dấu vết nhà bia, vì ở sân chùa, còn thấy con rùa đá đội bia vỡ làm 8 mảnh. Không tìm thấy bia.

Qua sân là tới chùa Hộ, tức nhà tiền đường, dài 31m, rộng 8m. Nền chùa cao hơn sân 0,5m, cũng được kè đá xung quanh. Từ dưới sân bước lên hiên chùa, phải qua bậc tam cấp xếp đá rộng 1,2m, hai bên có hai tay vịn bằng đá chạm rồng nổi. Cả hai cột rồng này đều bị vỡ mất đầu. Chùa Hộ còn có hai cửa xép hai bên, lòng cửa rộng 2m. Lên cửa xép cũng qua tam cấp lát đá có tay vịn hai bên. Nhưng ở đây tay vịn chạm hình sóc dài đuôi. Cả bốn con sóc đều chung một phong cách thời Trần, đơn sơ, mập mạp. Trên nền chùa Hộ, chỉ còn có hai hòn đá tảng kê chân cột hình vuông, cạnh dài 0,5m. Nhờ những hòn đá tảng này, có thể biết mỗi gian chùa Hộ rộng khoảng 2,5m, và như vậy, nếp nhà này có cả thảy 9 gian.

Từ chùa Hộ, sang ngôi nhà giữa, mà những người khảo sát gọi là chùa Phật, phải qua một con đường rộng 4m, hai bên có lan can đá chạm nhưng nay đã bị đổ.

Chùa Phật chỉ mở một cửa hướng Nam, nằm trên trục thẳng với của chùa Hộ. Hai bên cửa cũng có hai tay vịn bằng đá chạm rồng. Nền chùa Phật cao hơn nền chùa Hộ mà cũng cao hơn nền ngôi nhà phía sau đó. Nền chùa Phật gần hình vuông, dài 12m, rộng 11,5m. Cả bốn mặt nền được kè đá thành hai cấp. Một đường hiên chạy quanh bốn mặt rộng 0,5m và thấp hơn 0,3n tạo thành cấp thứ nhất của nền chùa. Cấp thứ hai cũng được kè đá cẩn thận cả bốn mặt.

Trên nền chùa Phật còn có 11 hòn đá kê cột (lẽ ra là 16 hòn nhưng mất 1 hòn ở hàng giữa và 4 hòn ở hàng ngoài phía trước). Bốn hòn ở giữa lớn hơn cả. Hòn lớn nhất có cạnh dài 0,8m, các hòn khác nhỏ hơn chút ít.

Nếp nhà cuối cùng được những người khảo sát gọi là thượng điện, tựa lưng vào vách núi. Nền nhà dài 29,6m có hai cửa lên ở hai đầu. Mỗi cửa rộng 4m, có 4 bậc. Phía trước là hàng hiên dài suốt nền chùa, rộng tới 3m.

Cách phía Đông Bắc khu chùa vài chục mét, có một nền nhà bếp nhỏ với ba gian, xung quanh có kè đá. Cạnh đó là một bể nước ngọt hình chữ nhật 10m, dài 31m. Cả bốn mặt bể đều được kè đá vững chãi.

Tuy ngôi chùa không còn hiện diện, nhưng dấu tích còn lại cho thấy bình đồ như sau: Sau tam quan là một ngôi chùa với ba nếp nhà xây theo kiểu chùa chữ tam. Trong ba nếp nhà này thì nếp nhà giữa là nhà thượng điện hay nhà chính điện. Ngôi nhà này có nền gần hình vuông, với 4 cột cái và 12 cột quân, ở giữa có bệ đá hoa sen khiến liên tưởng tới nhà thượng điện chùa Bối Khê. Nền của ngôi nhà này cũng được đắp cao hơn nền hai nếp nhà kia như ở nhà thượng điện chùa Bối Khê. Vì vậy hoàn toàn có căn cứ để nghĩ rằng, nếu các kết cấu gỗ còn lại thì ta sẽ gặp ở đây một kiến trúc tương tự nhà thượng điện chùa Bối Khê hay chùa Dâu.

Như vậy chùa thời Trần không chỉ vẻn vẹn một nếp nhà vuông mà là một cụm kiến trúc gồm nhiều ngôi nhà. Trước và sau chính điện là kiến trúc trung tâm, có thể còn có tiền đường, hậu đường và những ngôi nhà khác. Ở chùa Lắm, ngôi chính điện có thể được lợp ngói lưu ly phủ men xanh, nói lên vị trí đặc biệt của nó so với những ngôi chùa khác chỉ được lợp ngói mũi hài. Ngoài bình đồ chữ tam, chùa thời Trần còn có bình đồ chữ công1. Từ thế kỷ XVI đã xuất hiện kiểu chùa “nội công, ngoại quốc” với các ngôi nhà có các tên gọi như ngày nay: tiền đường, thiêu hương, hậu đường cùng hành lang chạy dọc hai bên. Kiểu chùa này phát triển với quy mô lớn ở thế kỷ XVII.

Tượng và bài trí tượng trong các ngôi chùa Phật giáo thời Trần

Tư liệu của các tác giả cuốn Chùa Việt Nam cho biết: Các bậc thờ bằng đá chạm cánh sen trong các Phật điện thời Trần phần nào cho thấy quy mô Phật điện cũng như việc bài trí tượng thờ Phật giáo thời Trần. Bởi vì bệ thờ đặt ở Phật điện có thể là một thứ bàn thờ nhưng có khả năng các tượng Phật được bày lên đó. Thời Trần không còn những bệ đá nhỏ có tòa sen tròn đặt một tượng như Phật điện thời Lý.

Hiện không đủ tài liệu để biết các loại tượng thờ trong các chùa thời Trần. Pháp Loa đã đúc hơn 1.300 pho tượng và làm lễ hội nghìn Phật ở chùa Quỳnh Lâm trong 7 trong 7 đêm, nhưng không rõ là loại tượng gì. Chỉ biết Pháp Loa đã đúc tượng Di Lặc. Tất nhiên theo đó phải là tượng A Di Đà và tượng Thích Ca, văn bia chùa Đại Bi núi Vân Lỗi do Phạm Sư Mạnh (thế kỷ XIV) soạn nhắc đến tượng Tam thế và việc đúc một pho tượng Đại Bi (tượng Quan Âm) bằng vàng. Văn bia tháp Viên Thông cũng như Tam tổ thực lục nói đến việc đúc tượng Thiên Thủ Đại Bi, tức tượng Quan Âm nghìn mắt, nghìn tay. Đây là lần đầu tiên tài liệu Phật giáo Việt Nam nhắc đến loại tượng này. Loại tượng này xuất hiện dưới ảnh hưởng của Mật giáo. Bởi Phật giáo thời Trần trong thời kỳ Pháp Loa đã phát triển các yếu tố Mật giáo.

Các chùa thời Trần cũng có tượng Kim CươngHộ Pháp. Trên các mô hình tháp đất nung phủ men chùa Chò và Bát Tràng (quận Long Biên – Hà Nội) ở 4 cửa tầng dưới, mỗi cửa đều có hai Kim Cương đứng gác. Văn bia chùa Thiện Long (1226) nói đến tượng “Thần Thiện chống kiếm cầm qua, đứng trước mặt Phật”. Chùa Thiện Long có tượng Tiên Nữ (Apsara) và tượng Mỹ Âm (Madhenrasvara). Trong khi ở các chùa khác, tiên nữ và nhạc công chỉ có trên các phù điêu trang trí. Văn bia chùa Thiện Long cũng có câu “tôn giả mày to, tóc bạc, được vẽ lên vách như người sống”.

Chùa thời Trần còn có tượng Trúc Lâm đệ nhất (tức Trần Nhân Tông) do vua Trần Anh Tông đúc hai tượng bằng vàng, một để ở chùa Báo Ân và một để ở chùa Vân Yên. Tháp Huệ Quang trên núi Yên Tử (Quảng Ninh) hiện nay còn pho tượng Trần Nhân Tông bằng đá. Về niên đại vẫn còn tranh luận thời thời Trần hay thời Lê. Một số chùa thời Trần còn có tượng các nhà sư, hay tượng các thí chủ có công xây dựng chùa, chẳng hạn như ở chùa Dâu, xã Đinh Xá (tỉnh Hà Nam) trên tấm bia niên hiệu Đại Trị (1358 – 1369).

Sau khi trưng dẫn một loạt tư liệu về tượng trong chùa thời Trần, Hà Văn Tấn cho rằng: “Có lẽ thời Trần cũng như thời Lý chưa có một cách xếp đặt thống nhất các tượng thờ trong chùa. Tuy nhiên có thể nghĩ rằng, bàn thờ Phật thời Trần đã có một số tượng đông đúc hơn và đa dạng hơn thời Lý”(10).

Về quản lý tự viện

Phật giáo Trúc Lâm thời Trần do là Phật giáo nhất tông với việc hình thành hệ thống tăng già khá quy củ đã là điều kiện thuận lợi cho việc quản lý tự viện. Nếu như ở các chùa làng do mỗi chùa một sư (nhất tăng, nhất tự) thì ở các trung tâm Phật giáo như Vĩnh Nghiêm, Bổ Đà, Non Nước, đặc biệttrung tâm Phật giáo Quỳnh Lâm đã hình thành nên một tổ chức gồm một số chức vị đảm nhận những công việc khác nhau mà tự viện đặt ra.

Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận (tr 323) cho biết: Chức vị cao nhất của tự việnViện chủ, có khi gọi là giám viện hay trụ trì. Vị giảng sư quan trọng nhất trong các vị giáo thụ được gọi là giảng chủ. Lo việc điều hành tổ chức là vị trị sự. Vị trị sư viên phụ trách sắp đặt công việc về ruộng vườn. Vị tri tạng chịu trách nhiệm về thư viện, kinh sách. Vị thủ khố chịu trách nhiệm về các kho chứa sản vật và tài vật của tự viên. Vị thư ký hay thư trạng chịu trách nhiệm về các văn kiện, thư tín và sứ điệp. Vị tri liệu chịu  trách nhiệm về phân phối và quản trị phòng ốc. Vị tri chúng rất quan trọng, có khi gọi là thủ chúng, chịu trách nhiệm điều hợp tăng chúng về các vấn đề liên hệ đến tập thể đại chúng. Vị duy na hướng dân các buổi lễ, điều khiển các nghi thức tụng niệm. Vị duyệt chúng phụ tá vị duy na. Tăng chúng luân phiên nhau làm những công việc hàng ngày được gọi là các trị nhật. Những vị tuổi nhỏ mới gia nhập được giao cho trách vị thị giả để giúp đỡ các vị lớn tuổi trong việc trà nước, dọn dẹp. Tự viện PGTLTT về cơ bản áp dụng thanh quy của Bách Trượng Hoài Hải đã được áp dụng từ thời Lý.

Hà Nội, tháng Chín, Canh Tý

PGS.TS. Nguyễn Hồng Dương – Viện Nghiên cứu Tôn giáo – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 3/2021
Còn nữa…

——————-

CHÚ THÍCH:
(1) Đại Việt sử ký toàn thư, trọn bộ, NXB Thời đại, Hà Nội, 2013, tr 329.
(2) TT.TS. Thích Thanh Quyết, PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh (Đồng chủ biên), Trúc Lâm Yên Tử, Phật giáo tùng thư, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2018, tr 79 – 83.
(3) Báo cáo tổng hợp Đề tài: Giá trị di sản mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà tỉnh Bắc Giang, Mã số ĐTĐL. G01/2014 chủ nhiệm Đề tài: TS. Nguyễn Thị Quế Hương, Hà Nội, 2017, Bản vi tính, tr 48 – 49.
(4) Báo cáo tổng hợp Đề tài: Giá trị di sản mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà tỉnh Bắc Giang, Sđd, tr 48 – 49.
(5) Đại Việt sử ký toàn thư, trọn bộ, Sđd, tr 288 – 289.
(6) Đại Việt sử ký toàn thư, trọn bộ, Sđd, tr 337.
(7) Hà Văn Tấn – Nguyễn Văn Kự – Phạm Ngọc Long, Chùa Việt Nam, NXB Thế giới, Hà Nội, 2013, tr 26.
(8) Nguyễn Đại Đồng, Nguyễn Hồng Dương, Nguyễn Phú Lợi (Đồng chủ biên), Lịch sử Phật giáo Ninh Bình, NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2017, tr 106 – 119.
(9) Hà Văn Tấn – Nguyễn Văn Kự – Phạm Ngọc Long, Chùa Việt Nam, Sđd, tr 29.
(10) Hà Văn Tấn – Nguyễn Văn Kự – Phạm Ngọc Long, Chùa Việt Nam, Sđd, tr 28 – 31.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Đại Việt sử ký toàn thư (trọn bộ) 2013, Hà Nội, NXB Thời Đại.
2. Nguyễn Đại Đồng, Nguyễn Hồng Dương, Nguyễn Phú Lợi (Đồng chủ biên), 2017, Lịch sử Phật giáo Ninh Bình, Hà Nội, NXB Tôn giáo.
3. Nguyễn Lang, 2012, Việt Nam Phật giáo sử luận, Hà Nội, NXB Phương Đông.
4. TT.TS. Thích Thanh Quyết, PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh (Đồng chủ biên), 2018, Trúc Lâm Yên Tử, Phật giáo tùng thư, Hà Nội, NXB Khoa học xã hội.
5. Hà Văn Tấn – Nguyễn Văn Kự – Phạm Ngọc Long, 2013, Chùa Việt Nam, Hà Nội, NXB Thế giới.

II. NGHI LỄ CỦA PHẬT GIÁO TRÚC LÂM THỜI TRẦN

Vài nét tổng quan

Hợp nhất ba Thiền phái hiện diện lúc đương thời cũng có nghĩa là nghi lễ Phật giáo Trúc Lâm thời Trần (PGTLTT) khế hợp nghi lễ của ba Thiền phái đó. Một cái nhìn tổng thể, cả ba Thiền phái đều có nguồn gốc từ Trung Hoa nên nghi lễ căn bản giống nhau. Tuy vậy do ảnh hưởng của người sáng lập, đặc biệt là sự khế hợp với tín ngưỡng, văn hóa truyền thống Việt Namnghi lễ Phật giáo của mỗi Thiền phái có những nét đặc thù.

Có thể điểm qua nhận xét của Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận về đặc thù thiền giáo, Thiền học của ba Thiền phái để thấy được phần nào nghi lễ Phật giáo của mỗi Thiền phái.

Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi bắt nguồn từ tư tưởng Bát nhã, Tam luậnHoa nghiêm, có khuynh hướng thiên trọng về Mật giáo theo tinh thần bất lập văn tự nhưng vẫn chú trọng nghiên cứu kinh luận, chủ trương thực tại siêu việt không hữu, chú trọng việc truyền thụ tâm ấn, có khuynh hướng nhập thế giúp dân và biết sử dụng các thuật phong thủy, sấm vĩ. Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi hầu như chỉ chịu ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ mà ít chịu ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa. Đây là Thiền phái có tính cách dân tộc Việt Nam, vừa biểu lộ được sinh hoạt tâm linh siêu Việt của Phật giáo vừa biểu lộ được đời sống thực tếđơn giản của quần chúng nghèo khó(1).

Thiền phái Vô Ngôn Thông nhấn mạnh thuyết đốn ngộ, chú trọng con người có thể, trong một giây lát, đạt được quả vị giác ngộ, khỏi cần đi qua nhiều giai đoạn tiệm tiến. Thiền học Vô Ngôn Thông chịu ảnh hưởng sâu đậm của Tịnh giáo… cũng như Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Thiền phái Vô Ngôn Thông rất gần gũi với đời sống xã hội, tham dựđời sống nhập thế trong khi vẫn duy trì được sinh hoạt tâm linh độc lập của mình(2).

Thiền phái Thảo Đường mà người sáng lập thuộc truyền thống thiền của Thiền sư Tuyết Đậu Minh Giác (mất 1052) ở Trung Hoa, ông thuộc Thiền phái Vân Môn. Một đặc điểm của phái Tuyết Đậu là chủ trương dung hợp Phật giáoNho giáo nhằm vào sự hoằng dương Thiền học trong giới trí thứcthi ca từ đó ảnh hưởng đến hai Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu ChiVô Ngôn Thông(3).

Các nhà nghiên cứu Phật giáo Việt Nam đều chủ trương rằng Phật giáo Việt Namkết hợp Thiền, Tịnh, Mật. Nếu như Thiền Phật giáo Việt Nam tồn tại và phát triển trên các bình diện thiền giáo (hệ thống tăng già) Thiền học (giáo lý), nghi lễ, tự viện thì Tịnh độ tôngMật tông chỉ tồn tại như một pháp tu với những nghi lễ đặc thù.

Những biểu hiện cụ thể nghi lễ Phật giáo Trúc Lâm thời Trần

Trước hết phải kể đến nghi thức sám hối trong những thời khóa của một ngày. Nhiều chùa thực hiện khoa nghi sám hối sáu thời trong một ngày. Ấy là áp dụng Lục thời sám hối khoa nghi do Trần Thái Tông soạn thành sách. Sách trình bày một nghi thức sám hối chia làm sáu phần, mỗi phần dành một thời gian. Trần Thái Tông sáng tác để tự mình sử dụng, sau đó lưu hành để các Phật tử dùng. Mỗi lần thực hành một khoa nghi khoảng 20 phút. Sám hối không phải là xin tội với Phật mà gạn lọc, thức tỉnh bản thân. Suốt sáu nghi thức sám hối, nhu cầu sám hối thì ít, nhu cầu thức tỉnhtinh chuyên thì nhiều.

Sám hối là một hình thức tu trì của Phật tử tại giaxuất gia. Đương thời Phật giáo đã có một số khoa nghi về sám hối chẳng hạn như Từ bi thủy sám nhưng Trần Thái Tông một ông vua với quá nhiều nỗi niềm uẩn khúc, nhận thấy những khoa nghi sám hối đã có không hợp với mình nên đã lập ra khoa nghi riêng. Ở đó vẫn có kệ dâng hương, kệ dâng hoa, nhưng còn có những bài kệ của một số thời trong sáu thời như kệ cảnh sách giờ Dần, lễ chúc hương buổi sớm. Về vấn đề này Nguyễn Lang nhận xét: “Mỗi nghi thức bắt đầu bằng bài kệ cảnh giác, rồi đến lễ dâng hương, một bài kệ dâng hương, một bài trần bạch có tác dụng cảnh sách, một lời sám hối, một bài kệ khuyên thỉnh, một bài kệ tùy hỷ, một bài kệ hồi hướng, một bài kệ phát nguyệncuối cùng là một bài kệ vô thường. Văn cú rất diễm lệ, hình ảnh rất phong phú, tư tưởng rất sâu sắc. Sáu nghi thức là sáu hòn bích ngọc. Lục thời sám hối khoa nghi của Trần Thái Tông là một sám pháp gọn gàng, thực tiễn, đẹp đẽ và thực dụng”(4).

Theo chúng tôi, cần thiết phải đề cập đến một nghi lễ khác, nghi lễ truyền y pháp cho Pháp Loa, vị tổ thứ hai của Trúc Lâm. Vào cuối đời, khi tuổi cao, sức yếu, Trần Nhân Tông/ Trúc Lâm/ Tổ thứ nhất, Trúc Lâm đã viết tâm kệ và lấy y bát truyền cho Pháp Loa, chính thức ủy Pháp Loa kế thế trụ trì chùa Siêu Loại làm tổ thứ hai. Pháp hội có sự chứng kiến của Vua Anh Tông. Việc này được ghi trong sách Tam tổ thực lục:

“Năm Mậu Thân, niên hiệu Hưng Long thứ 16, vào ngày mồng một tháng Giêng, Pháp Loa phụng mệnh làm người nối pháp trụ trì chùa Siêu Loại ở giảng đường Cam Lộ. Bắt đầu buổi lễ, mọi người làm lễ ở Tổ đường; đại nhạc được tấu lên. Các loại danh hương được xông đốt… Điều Ngự (Trần Nhân Tông – NDH) đưa Pháp Loa vào lạy ở Tổ đường xong, cùng xuống thực đường để ăn cháo sáng. Xong buổi triêu thực, nhạc tấu lên, trống lớn nổi dậy, đại chúng chư tăng được triệu tập cùng lên pháp đường: lúc đó vua Anh Tông đã ngự giá tới chùa; ngôi chủ khách đã phân xong, mọi người cùng ngồi. Anh Tông lúc đó đóng vai trò một vì đàn việt lớn của Phật pháp, ngồi vào ghế khách của pháp đường; quốc phụ thượng đế cùng với các quan cùng đứng ở dưới sân. Điều Ngự thăng đường thuyết pháp: Thuyết pháp xong, Điều Ngự rời pháp tòa, dắt Pháp Loa cho ngồi trên pháp tòa ấy, rồi đứng chắp tay đối diện Pháp Loa làm lễ thăm hỏi. Sau khi Pháp Loa đáp bái lại. Điều Ngự trao pháp y cho Pháp Loa khoác vào. Bấy giờ Điều Ngự ngồi xuống ghế Khúc Lục một bên để nghe Pháp Loa thuyết pháp. Xong rồi, Điều Ngự đem Sơn Môn (Giáo hội) Yên Tử vào chùa Siêu Loại ủy cho Pháp Loa kế thế trụ trì, làm tổ thứ hai phái Trúc Lâm”(5).

Sự hiện diện của nhà vua trong pháp hội, những nghi thức được tiến hành mà sách Tam tổ thực lục ghi lại cho thấy không chỉ tính đặc thù mà ở đó còn toát lên tính dân tộc của nghi lễ Phật giáo đương thời.

Có thể xem lục thời sám hốipháp hội Truyền y pháp cho Nhị tổ Pháp Loa được ghi lại trong sử sách đương thời là hai biểu hiện đặc thù của nghi lễ PGTLTT.

Ngoài ra còn là các nghi lễ khác, đáng kểnghi lễ tụng niệm buổi chiều và buổi tối gọi là hai buổi công phu (nhị thời công phu) được tăng sĩ thực hiện ở nhiều chùa. Theo đó là các nội dung thần chú các kinh buổi sáng như: Thủ Lăng nghiêm, Đại Bi Tâm, Như Ý Bảo Luận Vương, Tiêu Tại Cát tường, Công Đức Bảo Sơn, Chuẩn Đề, Dược Sư Quán Đỉnh, Quan Âm Linh Cảm, Thất Phật Diệt Tội, Vãng sinh Tịnh độ, Đại Cát Tường Thiên Nữ, Tâm Kinh Bát nhã, Niệm Phật Thích Ca, Đỉnh lễ Chư Phật, Hồi hướng. Thời khóa buổi chiều bao gồm tụng, niệm các kinh: Kinh A Di Đà, Thần chú Vãng sinh Tịnh độ, Sám pháp Hồng Danh, Nghi thức Thí Thực Mông Sơn, Tâm kinh Bát nhã, Niệm Phật A Di Đà, Đỉnh lễ Chư Phật, Hồi hướng Cực lạc, Tam Quy.

Nhìn vào những phần nội dung tụng niệm của hai thời khóa trong một ngày của một tăng sĩ cho thấy sự tổng hợp của ba tông phái Thiền, Tịnh, Mật.

Theo Tam tổ thực lục, Pháp LoaHuyền Quang đều trì tụng thần chúniệm Phật A Di Đà. Trì tụng thần chú là để gia trì định lực, niệm Phậtđể tâm bất loạn. Từ nội dung hai thời khóa trên, Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận (tr. 374) nhận xét “Mật giáo và Tịnh độ giáo đã lấn át thiền, dù rằng Mật giáoTịnh độ giáo đã được xem như đồng hóa với Thiền”. Thời Trần, PGTLTT, các tổ đình và tự viện lớn đều tổ chức an cư kết hạ thời gian từ rằm tháng Tư đến rằm tháng Bảy. Đây là thời kỳ các tăng sĩ được đào tạo hay thuộc về một tổ đình, tự viện đều trở về kết hạ. Hành giả mỗi kỳ hạ được tính thêm một tuổi đạo. Ngoài ra một số chức vị theo tuổi hạ mà được thỉnh cầu: Trải qua 5 hạ được thỉnh cầu danh hiệu a xà lê. Một vị được thỉnh cầuHòa thượng phải trải qua ít nhất 10 hạ. Một số chùa tổ chức kết Đông cũng theo thời gian ba tháng cho những vị không thể về trong kết hạ.

Phật giáo Trúc Lâm dưới thời Nhị tổ Pháp Loa xương minh trên tất cả các lĩnh vực. Pháp Loa dành nhiều thời gian chú giải nhiều kinh điển, sáng tác nhiều sách giáo khoa Phật họcbiên tập nhiều nghi thức. Về nghi thức có thể kể đến tác phẩm: Pháp sự khoa văn về các nghi thức và sớ điệp dùng trong những lễ lược Phật giáo(6). Pháp Loa còn là người nêu gương “ngày đêm trì chú lễ Phật”.

Vị tổ thứ ba của Phật giáo Trúc LâmHuyền Quang, về nghi lễ có cuốn Công văn tập, tuyển tập các bài văn sớ điệp dùng trong các nghi lễ Phật giáo.

Từ thời Lý một số nghi lễ Phật giáo trở thành quốc lễ, tiêu biểuLễ Phật đản. Người có công biến lễ Phật đản thành quốc lễ là vua Lý Thánh Tông. Nghi thức lễ Phật đản gồm các bước lễ tắm Phật cử hành vào buổi sáng tại chùa Diên Hựu (chùa Một Cột), Vua, Hoàng hậu, các Hoàng tử, công chúa cùng triều đình đến dự. Dân chúng các nơi trở về. Sau Lễ Tắm Phật là lễ phóng sinh. Vua đưa tay vào lồng bắt rồi thảm chim, trong khi dân chúng tung hô “vạn tuế” rồi cùng thả chim rợp trời. Buổi tối có lễ phóng đăng thả hàng ngàn đèn trôi trên sông hồ(7). Thời Trần nghi lễ Phật đản, thời Lý tiếp tục được Phật giáo Trúc Lâm duy trì.

Do Phật giáo buổi đầu gắn với tín ngưỡng nông nghiệp trồng lúa nước của cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ (tín ngưỡng Tứ Pháp) với việc cầu cho phong đăng, hòa cốc (mưa thuận, gió hòa), từ thời Lý, tiếp theo là thời Trần, khi thiên tai xảy ra hạn hán lụt lội, một số nhà vua đã có những việc làm gắn với nghi lễ Phật giáo như ăn chay giữ giới, tụng kinh, phóng sinh, cầu đảo với mong muốn chư Phật, chư Bồ tát ngăn chặn tai ương. Có khi nhà vua trực tiếp đến chùa cầu đảo, cũng có khi cho rước Phật Tứ Pháp (chủ yếu là Pháp Vân) về kinh đô làm lễ cầu đảo.

Tiến trình tiếp nhận nghi lễ Phật giáo từ các tăng sĩ Ấn Độ, sau này là Phật giáo Trung Hoa là tiến trình nghi lễ Phật giáo từng bước dân tộc hóa. Một trong những biểu hiện của dân tộc hóa nghi lễ Phật giáo của Phật giáo Việt Nam đó là kể hạnh. Kể là kể chuyện, hạnh là hành trạng các vị tổ sư. Hình thức này được biết đến bắt đầu từ Phật giáo thời Trần và đã được giới Phật tử bình dân tiếp tục duy trì đến ngày nay. Thời Trần chữ Nôm đã khá phát triển. Hạnh tích Trúc Lâm Tam tổ cũng như hạnh tích một số thánh tăng được sáng tác bằng chữ Nôm dưới dạng văn vần đề Phật tử dễ đọc, dễ nhớ. Nguyễn Lang trong Việt
Nam Phật giáo sử luận viết: Văn kể hạnh là văn đặc biệt của nhà chùa, đó là lối văn hát; giọng của các già lớn tuổi xen vào giọng của các thiếu nữ. Ngoài ra còn có một lối hát gọi là hát kệ.

KẾT LUẬN

Phật giáo Trúc Lâm thời Trần tiếp cận từ chiều cạnh Tự việnnghi lễ cho thấy:

Về phương diện tự viện hình thành nên những trung tâm Phật giáo nổi tiếng. Phần lớn các trung tâm tự viện, chùa gắn liền với tháp thờ Phật với quy mô xây dựng rộng lớn, kiến trúc, điêu khắc đẹp đẽ, giàu tính thẩm mỹ. Có thể kể đến các trung tâm như Vĩnh Nghiêm, Quỳnh Lâm, Non Nước, đặt biệt là chùa tháp Phổ Minh. Trên cơ sở của bình đồ tự viện thời đại trước đó, bình đồ tự viện Phật giáo Trúc Lâm kế thừa, hoàn chỉnh hơn. Bình đồ kiến trúc ngoài dạng hình chữ tam, chữ công còn có bình đồ kiến trúc kiểu “nội công, ngoại quốc”. Về tượng, có lẽ ít có thời kỳ nào mà tượng Phật được tạo tác nhiều như PGTLTT. Chỉ tính riêng thời kỳ Nhị tổ Pháp Loa, Tổ đã tạo tác tới hơn 1.300 pho tượng. Vì vậy mà Hà Văn Tấn nhận xét“Có thể nghĩ rằng bàn thờ Phật thời Trần đã có một số tượng đông đúng hơn và đa dạng hơn thời Lý”. Tự viện Phật giáo thời Trần nhất là những trung tâm Phật giáo như chùa Quỳnh Lâm được quản lý quy củ. Các tự viện đều áp dụng thanh quy của Bách Trượng Hoài Hải, một thanh quy Phật giáo Việt Nam thực hiện từ thời Lý.

Về phương diện nghi lễ, do dung nhiếp ba Thiền phái (Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường) nên một cách tổng quát nghi lễ PGTLTT là sự khế hợp ba Thiền phái trên. Đó còn là sự kết hợp giữa Thiền phái với nghi lễ Tịnh độ tôngMật tông. Song nghi lễ PGTLTT có những đặc thù riêng thể hiện qua “Lục thời sám hối”, qua truyền đăng, qua khế hợp với nghi lễ dân gian và Việt hóa nghi lễ Phật giáo với nhiều biểu hiện mà kể hạnh là một ví dụ.

Tiếp cận tự việnnghi lễ là tiếp cận từ phương diện tôn giáo học qua đó thấy được tiến trình vận động của hai phương diện này trong các phương diện hay thành tố của Phật giáo Việt Nam ở một thời kỳ lịch sử cụ thể.

Hà Nội, tháng Chín, Canh Tý

(Tiếp theo tạp chí NCPH số 167 và hết)
PGS.TS. Nguyễn Hồng Dương – Viện Nghiên cứu Tôn giáo – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 5/2021

—————–

CHÚ THÍCH:
(1) Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB Phương Đông, Hà Nội, 2012, tr 111.
(2) Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Sđd, tr 137.
(3) Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Sđd, tr???
(4) Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Sđd, tr 90.
(5) Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Sđd, tr 229 – 230.
(6) Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Sđd, tr 252.
(7) Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Sđd, tr 389.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Đại Việt sử ký toàn thư (trọn bộ) 2013, Hà Nội, NXB Thời Đại.
2. Nguyễn Đại Đồng, Nguyễn Hồng Dương, Nguyễn Phú Lợi (Đồng chủ biên), 2017, Lịch sử Phật giáo Ninh Bình, Hà Nội, NXB Tôn giáo.
3. Nguyễn Lang, 2012, Việt Nam Phật giáo sử luận, Hà Nội, NXB Phương Đông.
4. TT.TS. Thích Thanh Quyết, PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh (Đồng chủ biên), 2018, Trúc Lâm Yên Tử, Phật giáo tùng thư, Hà Nội, NXB Khoa học xã hội.
5. Hà Văn Tấn – Nguyễn Văn Kự – Phạm Ngọc Long, 2013, Chùa Việt Nam, Hà Nội, NXB Thế giới.

 






.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.