Phân Tích Nội Dung - Ii. Những Quan Hệ Xã Hội

02/06/201112:00 SA(Xem: 7018)
Phân Tích Nội Dung - Ii. Những Quan Hệ Xã Hội


Lê Mạnh Thát 

TOÀN TẬP CHÂN ĐẠO CHÁNH THỐNG
Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam


II. NHỮNG QUAN HỆ XÃ HỘI 

Thực vậy, Thủy nguyệt tòng sao đã dành một số thơ văn thường xếp vào loại xướng họa thù tạc. Bản thân loại thơ văn này thường không được đánh giá cao do những hạn chế về thể thức xướng họa đặt ra và yêu cầu giữ gìn về ý tứ. Dẫu vậy, nó lại có một ưu điểm lớn là cho ta thấy quan hệ xã hội của tác giả những bài thơ với những người đương thời. Trong trường hợp thiền sư Chân Đạo Chánh Thống, ưu điểm này lại phát huy tác dụng tích cực. Qua những vần thơ xướng họa thù tạc, ta thấy thiền sư Chân Đạo Chánh Thống đã có những quan hệ xã hội với ai và những người này đã có những vai trò gì trong thời đại ấy. 

Chỉ cần điểm qua tên tuổi xuất hiện trong các bài thơ, riêng trong giới Phật giáo, ta thấy xuất hiện gần như hầu hết các khuôn mặt lớn của Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX. Đó là các thiền sư Thanh Trí Huệ Giác (1858-1935?), Ngộ Tánh Phước Huệ (1875-1963), Trung Thứ (1871-1942), Giác Nhiên (1878-1979), Giác Tiên (1880-1936), Giác Bổn (?-1949), Tuệ Tạng (1889-1959), Tịnh Khiết (1890-1973), Bích Không (1894-1954), Tố Liên (1903-1977), Mật Khế (1904-1935), Đôn Hậu (1905-1992), Trí Thủ (1909-1984), Mật Nguyện (1911-1972), Viên Giác (1911-1976), Trí Đức (1921-2001), Trí Quang, Kế Châu v.v… 

Chính các vần thơ thiền sư Chân Đạo Chánh Thống viết về những người vừa kể sẽ cho ta thấy không những chí hướng của chính thiền sư, mà cả một bức tranh sinh hoạt Phật giáo. Đúng vậy, chúng thường được viết trước khi những thiền sư ấy trở thành các nhân vật lịch sử của Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX. Có vẻ như chúng là những lời tiên tri bộc lộ dự cảm của tác giả, không chỉ về tương lai của họ, mà cả về tương lai của Phật giáo Việt Nam. Chẳng hạn, hai bài thơ họa lại bài thơ tặng thiền sư Tố Liên, khi vị thiền sư này vào thăm Huế vào năm 1937 đăng trên báo Viên Âm, thiền sư Chân Đạo Chánh Thống không chỉ nói đến chí hướng “tối tăm mắt thịt xót quần sanh”, mà còn cả tấm lòng muốn phụng sự “đạo mầu âu phải tính gần xa”. 

Nhưng đây chỉ nói một cách tổng quát. Chính bài thơ đó gần 20 năm sau mới cho thấy rõ khi gặp nhau vào năm 1937, họ đã nói với nhau cụ thể những vấn đề gì. Và đó thực là một vấn đề lớn của Phật giáo Việt Nam vào thời ấy, vấn đề thống nhất Phật giáo cả nước. Khi các phái đoàn của Phật giáo ba miền về họp với nhau tại chùa Từ Đàm vào năm 1951 để thống nhất Phật giáo cả nước thành một tổ chức, gọi là Tổng hội Phật giáo Việt Nam có khuôn dấu riêng và ra nghị quyết chấp nhận lá cờ Phật giáo thế giới là lá cờ biểu trưng cho Phật giáo tại nước ta, mà ta đã thấy nói đến ở trên, giấc mơ về một nền Phật giáo thống nhất cả nước đã trở thành hiện thực. Một loạt bài thơ đã được thiền sư Chân Đạo Chánh Thống sáng tác để chào mừng thắng lợi của sự nghiệp thống nhất Phật giáo, như đã nói ở trên. 

Trong những năm 30 của thế kỷ XX, ở ba miền của đất nước đã xuất hiện ba tổ chức Phật giáo lớn là Nam kỳ nghiên cứu Phật học hội (1931), An Nam Phật học hội (1932) và Bắc kỳ Phật giáo hội (1934), nhằm tổ chức lại lực lượng Phật giáo để đáp ứng những yêu cầu của lịch sử thời bấy giờ. Thực tế chính trị lúc ấy do bọn xâm lược Pháp áp đặt lên đất nước với chế độ cai trị ba miền khác nhau. Cho nên, Phật giáo buộc phải hình thành ba tổ chức như thế. Song, những người tham gia vào các tổ chức này rõ ràng có những thao thức của họ. Họ hiểu rõ đất nước ta là một đất nước thống nhất từ bắc chí nam với một dân tộc thống nhất về mặt văn hóa

Từ đó, yêu cầu thống nhất Phật giáo như một bộ phận của một dân tộc thống nhất đã trở thành bức thiết, mà cuộc nói chuyện vào năm 1937 tại Huế giữa thiền sưthiền sư Tố Liên là một thí dụ cụ thể. Rồi sau đó thiền sư còn đi Bắc gặp các vị lãnh đạo Phật giáo ngoài ấy có lẽ để bàn tiếp những công tác Phật sự như vấn đề thống nhất vừa kể. Bằng cớ là bài thơ do thiền sư viết để họa lại bài thơ của thiền sư Trung Thứ, một trong những vị lãnh đạo hàng đầu của Phật giáo miền Bắc hoạt động tích cực cho việc ra đời của Bắc kỳ Phật giáo hội vào ngày 18 năm 1934 tại chùa Quán Sứ Hà Nội:

Đâu thường trong đó vốn dưỡng dinh

Chỉ sợ thanh văn mắc Hóa thành

Đóng mở năm lời trừ nhị chấp

Chớp loang một đấm phá vô minh

Thôi bàn dưới mắt thông và nghẽn

Dám nhắm đầu sào tử với sinh

Vui vẻ từ dung nay gặp lại

Nguyện đem pháp lạc chặn mê tình 

(Cá trung tư vị bản phi kinh

Chỉ khủng thanh văn trệ Hóa thành

Ngũ giáo khai già trừ nhị chấp

Nhất quyền hoảng diệu phá vô minh

Hưu luân mục hạ thông hoàn tắc

Cảm hướng can đầu tử hựu sinh

Thả hỷ từ dung kim tái đỗ

Nguyện tương pháp lạc trấn mê tình)

Thiền sư Trung Thứ mất vào ngày 16 tháng 3 năm Nhâm Ngọ (1942), thọ 71 tuổi. Như thế, bài thơ họa đáp trong lần ra Bắc vừa dẫn phải được viết trước năm 1942, thậm chí có thể trước năm 1939, lúc thế chiến thứ II nổ ra. Có khả năng, sau khi thiền sư Tố Liên trở về Bắc, thiền sư được mời ra Bắc thăm và gặp thiền sư Trung Thứ trong dịp ấy. Cuộc viếng thăm hẳn đã nói tới nhiều chủ đề, mà một trong số đó chắc là tình hình chính trị của thế giới lúc bấy giờ, mà những liên hệ đối với đất nước ta cũng như Phật giáo. Cho nên ta mới thấy trong hai câu luận thiền sư đề cập tới vấn đề thông và nghẽn cũng như vấn đề sống và chết.

Thông là thuận lợi, còn nghẽn là những trở ngại. Thuận lợi và trở ngại của các hoạt động Phật giáo lúc ấy chắc chắn tùy thuộc rất nhiều vào những diễn biến tình hình quốc tế, trước khi xảy ra thế chiến thứ II, tác động mạnh mẽ tới đất nước ta. Vì thế, những người tham gia vào hoạt động Phật giáo tất không thể nào không quan tâmtìm cách đối phó. Thông và nghẽn được nói tới trong một tình thế như vậy, bộc lộ rõ những quan tâm của giới Phật giáo lúc ấy đối với tiền đồ của dân tộc cũng như Phật giáo trong một tình hình mới của thế giới và đất nước. 

Những bài thơ, bài châm viết về các thiền sư Tịnh Khiết, Giác Nhiên, Đôn Hậu, Trí Thủ, Trí Quang, Trí Đức v.v… cũng thế. Chúng cũng giống như những lời tiên tri bộc lộ dự cảm của tác giả về vai trò rường cột của những vị ấy trong giai đoạn Phật giáo vừa qua. Chẳng hạn, khi viết bài châm về thiền sư Tịnh Khiết, vị pháp chủTăng thống đầu tiên của Phật giáo Việt Nam sau năm 1945, thiền sư đã có những lời lẽ sau:

Trăng sáng Hương giang

Mây giăng núi Ngự

Non sông đúc un

Trổi xuất bậc lạ

Biết đời ấy huyễn

Chỉ đạo báu cả

Đáng anh đáng em

Vô Trước Bà Lũ

Dựng lớn thiền phong

Chiết phục thói xấu

Dạy đủ Diêm Phù

Người anh mất dấu 

Mây ám trời trong

Biển dồi sóng dữ 

Đuốc tuệ thuyền từ

Chỉ sư cậy chỗ 

Làm giáo hội chủ 

Làm chúng trung tôn

Đạo truyền đất Việt

Ai thể sánh cùng

Việc nhà hoằng pháp

Đạo nối tông môn

Dung nghi đĩnh đạc

Mắt thấy đạo còn

Đánh hét tùy thời

Người đều kính ngưỡng

Trong sạch không tên

Ứng dụng vô lượng

Phật pháp cột rường

Sơn môn che chắn

Trong trường tuyển Phật

Lễ tôn hòa thượng

Lớp sau xứ Huế

Lâu dựa đức âm

Chẳng biết tỏ lòng

Bèn cậy bài châm

Mong rủ mắt từ

Cúi chứng lòng thành

Mãi dâng muôn cõi

Đem tấm thâm tâm

(Hương giang chi nguyệt

Ngự lĩnh chi vân

Sơn xuyên dục tú

Đỉnh xuất kỳ nhân

Giác trần thị huyễn

Duy đạo vi trân

Nghi huynh nghi đệ

Vô Trước Thế Thân

Chấn khởi thiền phong

Chiết phục tà thái

Hoá mãn Diêm phù

Kỳ huynh nan tái

Vân ám trường thiên

Ba cuồn đại hải

Huệ chúc từ phàm

Duy sư thị lại

Vi giáo hội chủ

Vi chúng trung tôn

Giáo lưu nam độ

Thục dự tỷ luân

Pháp hoằng gia vụ

Đạo kế tông môn

Nhi đoan biểu chính

Mục kích đạo tồn

Bỗng hát tùy nghi

Nhân hàm kính ngưỡng

Thanh tịnh nan danh

Ứng dụng vô lượng

Phật pháp đống lương 

Sơn môn bảo chướng

Tuyển Phật trường trung

Lễ tôn hòa thượng

Xuân thành hậu tấn

Cửu phụ đức âm

Vô dĩ biểu thành

Kiền bị chuyết châm

Nguyện thùy liên nhãn

Phủ giám quỳ thầm

Vĩnh phụng trần sát

Tương thử thâm tâm)

Hai câu kết của bài châm về thiền sư Tịnh Khiết vừa dẫn không những thể hiện chí hướng của vị thiền sư này, mà còn cả một thời đại Phật giáo của thế kỷ XX, khi đất nước và Phật giáo Việt Nam đang thực hiện những nỗ lực phi thường để tự giải phóng mình và đưa cả dân tộc lên một con đường phát triển mới. Đúng vậy, do giới Phật giáo đã có những người đem tấm lòng của mình ra phụng sự cho dân tộc và đạo pháp, nên những diễn biến về sau đã chứng thực cho những dự cảm chính xác ấy.

Trường hợp bài châm cho thiền sư Giác Nhiên cũng mang dáng dấp tương tự. Thiền sư Trừng Thủy Giác Nhiênđệ tử của thiền sư Tâm Tịnh và là thầy của các thiền sư Thiện Minh Trí Nghiễm (1922-1978), Thiện Siêu Trí Đức (1921-2001) v.v… Thiền sư đã từng tham gia các hoạt động Phật giáo của An Nam Phật học hội, Tổng hội Phật giáo Việt Nam, cuối cùng là làm Tăng thống thứ II của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, sau khi thiền sư Tịnh Khiết mất năm 1972. Bài châm do thiền sư Chân Đạo Chánh Thống viết khoảng sau năm 1954, tức trước khi thiền sư Giác Nhiên giữ một vai trò lớn trong hoạt động Phật giáo, đặc biệt là của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất. Dẫu vậy, đọc qua bài ấy, ta có dự cảm vị thiền sư ấy rồi sẽ có những đóng góp to lớn cho Phật giáo. Chúng ta hãy xem bài châm này: 

Tốt lành thay

Quạt từ gió xuân,

Thấm bi mưa hạ 

Trăng thu quạnh tròn

Tùng đông mướt lạ

Lớn trùm sa giới

Chẳng đến chẳng đi

Nhỏ tới vi trần

Không mùi không tiếng 

Tuổi nhỏ theo Phật

Phước trí gồm tu

Một hiểu nhập thần

Thầy trò trao nhận

Giữ bát mang y

Trời người lợi khắp

Giao kệ bàn kinh

Đạo thông tăng tục

Tăng cang ngày ấy

Biển chúng đều cậy

Hòa thượng lúc này

Giới châu rộng vải

Diêm phù dạy đủ

Thẳng tới vô dư

Bốn chúng thỉnh cầu

Tháp lưu đất ấy 

(Phi hưu tai

Từ phiến xuân phong

Bi triêm hạ vũ

Thu Nguyệt cô viên

Đông tùng độc tú

Đại chu sa giới

Phi khứ phi lai

Tế nhập vi trần

Vô thanh vô xú

Đồng niên hướng Phật

Phước trí khiêm tu

Nhất ngộ nhập thần

Sư tư thọ thọ

Phi y trì bát

Lợi phổ nhân thiên

Phó kệ đàm kinh

Đạo thông truy tố

Tăng cang dỉ nhật 

Hải chúng hàm y

Hòa thượng đương thì

Giới châu quảng bố

Diêm phù hóa mãn

Trực đáo vô dư

Tứ chúng kiền cầu

Tháp lưu tư độ)

Đặc biệt đối với bực tiền bốithiền sư Giác Tiên, người đã đứng ra thành lập trường Cao đẳng Phật học Tây Thiên, thiền sư Chân Đạo Chánh Thống có một niềm kính trọng thật là sâu xa kỳ lạ, khi đề bài tán lên bức ảnh của vị thiền sư ấy với nhan đề Bài tán đề trên tượng hòa thượng Giác Tiên chùa Trúc Lâm (số 21: Trúc Lâm tự Giác Tiên hoà thượng tiếu tượng tán):

Ánh thiêng riêng tỏ

Vượt hút căn trần

Hiện phàm hiện thánh

Theo tục theo chân

Xương trắng thêm thịt

Người chết sống lên

Tán thán chẳng kịp

Lớn thay sư ân

(Linh quang độc lộ

Huýnh thoát căn trần

Hiện phàm hiện thánh

Ứng tục ứng chân

Năng nhục bạch cốt

Năng sanh tử nhân

Tán thán mạc cập

Đại tai sư ân)

Không chỉ đối với những vị thiền sư thuộc lớp trước như Trung Thứ, Giác Nhiên, Tịnh Khiết, mà đối với những người đồng thời với mình như Bích Không, Giác Bổn, Tố Liên, Mật Khế, Đôn Hậu v.v… và đặc biệt đối với những người sau nhỏ hơn từ mười đến hai mươi tuổi, thiền sư vẫn có một niềm ưu ái, một kỳ vọng và tin tưởng lớn vào thế hệ tương lai, khi viết về họ. Ta đã đọc qua trường hợp thiền sư Tố Liên. Đối với thiền sư Bích Không, với tư cách là một pháp huynh, cùng đắc pháp với thiền sư Ngộ Tánh Phước Huệ, thiền sư Chân Đạo Chánh Thống đã có những vần thơ thăm hỏi dạt dào tình cảm ngay khi thiền sư Bích Không mới treo ấn từ quan để xuất gia, thiền sư đã làm bài Tặng Bích Không pháp đệ quải quán quy thiền: (Tặng pháp đệ Bích Không treo mũ về thiền, số 40)

Hán học thương thay đã xế rồi

Đêm tàn gác sách ngọn đèn côi 

Nửa đời mưa gió mơ trần khiếp

Nghìn tuổi y quan hoạn lộ rời 

Thiệp thế đâu ngăn lui tới mệt

Hiểu lòng mới biết chẳng ta ngươi 

Tạm dùng văn tự rời văn tự

Phật Ấn như nay Tô lão thôi

(Hán học kham lân nhật dĩ phô

Dạ lan văn các nhất đăng

Bán sinh phong vũ kinh trần mộng

Thiên tải y quan yếm hoạn đồ

Thiệp thế hà phường lai khứ quyện

Tri tâm thỉ giác ngã nhân

Quyền thi văn tự ly văn tự

Phật Ấn như kim tích lão Tô)

Để hiểu bài thơ này, cần biết rõ đôi chút về thân thế của thiền sư Bích Không. Thiền sư xuất thân từ một gia đình, mà Quốc triều hương khoa lục đã nhận xét: “Cha con anh em cùng thi đậu”. Cha là Hoàng Hữu Xứng đậu cử nhân năm 1852, sau làm quan đến Tham tri, được gia hàm Thượng thư, đổng lý biên tập bộ Đại Nam cương giới vựng biên. Anh là Hoàng Hữu Bính đậu cử nhân năm 1879 rồi đậu hoàng giáp năm 1889, tác giả văn bia chùa Sắc Tứ Tịnh Quang tại Quảng Trị, mà bản rập hiện còn lưu giữ tại viện Hán Nôm. Thiền sư đỗ tú tài khoa thi Hán học cuối cùng của triều Nguyễn vào năm Mậu Ngọ (1918), rồi làm việc một thời giancuối cùng xuất gia vào khoảng năm 1930. Năm 1935 thọ cụ túc giới tại giới đàn chùa Sắc Tứ Tịnh Quang Quảng Trị. Những năm tiếp theo thiền sư đã tham gia vào các hoạt động tổ chức các hội Phật giáo ở Nam Trung bộ như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phan Thiết, Lâm Đồng, và các tỉnh Bắc Trung bộ như Nghệ An, Thanh Hóa. Chính trong thời gian hoạt động thành lập trường sơ cấp và trung cấp Phật học Phổ Đà, mà thiền sư Chân Đạo Chánh Thống đã gửi bài thơ Dự Đà Nẵng phiếm Mỗ pháp khế (số 68), mà truyền bản hai tập ghi là Ký thám Đà thành Mỗ pháp khế 

Gió bấc đêm đêm rét thấu xương

Nhớ người chỉ cậy mộng mơ trông

Mây cây bao xiết vô cùng hận

Vời vợi non Trà tới sông Hương

(Dạ dạ kim phong triệt cốt hàn

Hoài nhân chỉ tác mộng trung khan

Kỷ đa vân thọ vô cùng hận

Hương thủy Trà sơ lộ diễu mang)

Bài thơ nhắc đến những kỷ niệm về sông Hương, mà họ đã từng có từng cùng nhau đi thuyền, làm thơ xướng họa, như bài Họa vần pháp đệ Bích Không lúc đi thuyền trên sông Hương (số 38)

Khói ráng bơi rồi rộng khoảng trông

Chiều về neo đậu để ăn cùng 

Từ đâu gió nhẹ theo đùa sóng

Vô cớ trăng cao lạnh xuống sông

Bờ cách lâu đài kinh mộng cũ

Ngang trời cò trắng thích bay ngông

Lòng thiền Hương nguyệt hay gì giống

Nửa có tương quan nửa chửa từng

(Nhất trạo yên hà nhãn giới khoan

Vãn lai hệ lãm thả gia xan

Vi phong hà xứ tùy ba động

Hạo phách vô ngân nhập thủy hàn

Cách ngạn lâu đài kinh tạc mộng

Hoành thiên âu lộ ái dư nhàn

Thiền tâm Hương nguyệt tri hà tợ

Bán thị tương quan bán vị quan)

Về sau, khi mặt trận Huế vỡ vào năm 1947, thiền sư Bích Không đã ra Nghệ An, ở chùa Linh Vân, tức chùa Diệc. Ngôi chùa này là nơi, mà gần 150 năm trước Nguyễn Du đã làm bài Văn tế thập loại chúng sinh và cũng là nơi thiền sư Bích Không đã gầy dựng một phong trào Phật giáo mạnh mẽ vào những năm 30. Ngày rằm tháng 9 năm Giáp Ngọ (1954), thiền sư mất ở đó, không bao giờ gặp lại người pháp huynh thân yêu của mình nữa. Người đệ tử của thiền sưthiền sư Tâm Trí Viên Giác Chiêu Nhân (1911-1976), do không theo thầy mình ra Nghệ An, đã thờ thiền sư Chân Đạo Chánh Thống làm thầy y chỉ và được ban kệ đắc pháp qua bài Tứ pháp điệt Tâm Trí tự Viên Giác hiệu Chiêu Nhiên đại sư kệ (số 32)

Y bát gia phong nửa tối truyền

Dung thông Tâm Trí hiểu chân thuyên

Không rời thấy đạo lên Viên Giác

Pháp pháp Chiêu Nhiên ấy thật quyền

(Y bát gia phong bán dạ truyền

Dung thông Tâm Trí hội chân thuyên

Bất ly kiến đạo đăng Viên Giác

Pháp pháp Chiêu Nhiên tức thật quyền)

Ngoài thiền sư Bích Không, thiền sư Chân Đạo Chánh Thống đã có những quan hệ chặt chẽ với các thiền sư Đôn Hậu và Trí Thủ. Bài thơ sớm nhất còn giữ được của thiền sư viết về thiền sư Đôn Hậu là khi vị thiền sư này về làm trụ trì chùa Linh Mụ vào năm 1946. Đó là bài Bính Tuất hạ phỏng Đôn Hậu pháp lữ tân nhậm Thiên Mụ tự chủ (số 38)

Sông cong trong lắng bọc Kỳ viên

Tháp báu tầng tầng tỏ Phước Duyên

Mây ráng xa vây cây cối núi

Xóm thôn trông xuống khói nhà lên 

Rực vàng sáng ngọc ơn vua nặng

Trao kệ bàn kinh biết đạo viên

Bạn cũ hai mươi nay hóa chủ

Trời Nam lại gặp sáng trăng thêm

(Trừng thanh giang khúc ủng Kỳ viên

Bảo tháp tầng tầng biểu Phước Duyên

Viễn đái vân hà trùng lãnh thọ

Phủ lâm thôn lạc vạn gia yên

Huy kim hoán bích thần ân trọng

Phó kệ đàm kinh giác đạo viên

Tráp tải cố nhân tân hóa chủ

Huống phùng dạ nguyệt đảng viêm thiên)

Quan hệ giữa hai vị thiền sư này cho đến thời điểm 1946 đã trải qua 20 năm. Chính nhờ thời gian quan hệ lâu dài như thế, mà ta tìm thấy một bài thơ mang tính hài hước khá vui nhộn, lại đầy ý vị thiền, một bài thơ chỉ có thể viết giữa những người bạn có quan hệ thân thiết với nhau. Đó là bài Trào Đôn Hậu pháp lữ (số 290):

Rộng tung mưa pháp bắc nam ta 

Cận trạng thế nào chửa rõ ra 

Nghe nói thiền huynh hay cơm ép

Trưa thì ba chén, trước trưa ba

(Hoằng triêm pháp vũ bắc nhi nam

Cận trạng như hà ngã vị am

Văn đạo thiền huynh năng cưỡng phạn

Ngọ trung tam trản, ngọ tiền tam)

Nếu hai vị thiền sư Bích Không và Đôn Hậu chỉ giữ lại một số những bài thơ như vừa trích trong Thủy nguyệt tòng sao, thì thiền sư Trí Thủ đã giành được một chỗ đứng tương đối đặc biệt dưới ngòi bút của thiền sư Chân Đạo Chánh Thống. Cả chục bài thơ hiện còn giữ được trong truyền bản ba tập. Từ bài sớm nhất viết lúc thiền sư Trí Thủ về làm trú trì chùa Ba La vào năm Mậu Dần (1938) dưới nhan đề Mậu dần Trí Thủ pháp khế nhậm Ba La tự chủ chi tặng họa vận, thiền sư Chân Đạo Chánh Thống đã nhắc tới sự kiện thiền sư Trí Thủ đỗ thủ sa di trong giới đàn Từ Vân ở Đà Nẵng vào năm 1929, rồi trở thành giảng sư nổi tiếng vào những năm sau tại trường Phật học Tây Thiên, để từ đó đảm nhận chức vị trú trì tổ đình Ba La do thiền sư Viên Giác Nguyễn Khoa Luận sáng lập:

Bạn hoa ưu bát giữa bao người

Chẳng thẹn giao y gánh vác rồi

Sân tuyết pháp truyền nơi Tổ đó

Tay hoa đạo hợp tự Phật thôi

Như nay cự phách trên trường giảng

Nhớ trước giới đàn đạt cao ngôi 

Thử đem thuyền đạo chèo Nam Phổ

Sóng sáng sắc trăng muôn khoảnh dồi

(Quân thị nhân trung ưu bát la

Truyền y bất quý tác đương gia

Pháp thừa sơ tổ đình tiền tuyết

Đạo khế năng nhân thủ lý hoa

Giảng tịch nhi kim xưng cự phách

Phật trường ức tự chíêm cao khoa

Thí tương pháp trạo hoành Nam Phố

Nguyệt sắc quang hà vạn khoảnh ba)

Đến những bài thơ làm khi thiền sư Trí Thủ đã trở thành giám viện của Phật học viện Hải Đức ở Nha Trang vào năm 1957 trở đi, thiền sư Chân Đạo Chánh Thống vẫn giữ một thái độ ưu ái đối với vị giám viện này, như bài Nha Trang Phật học giám viện Trí Thủ chi thám (số 204) đã cho thấy:

Cửa thiền khỏe mạnh giống bồi vun

Chẳng kém ba sinh đá ấy hồn 

Kia cõi chưa từng quên cõi đó 

Có lời chính muốn rõ lời không 

Người bên quàng gọi non sông cách

Tớ tự sâu hay đạo nghĩa còn

Nếu hỏi năm kia gì được đó

Già gồm nghèo bệnh chúng trung tôn

(Tài bồi pháp chủng tráng thiền môn

Bất á tam sinh thạch thượng hồn

Tha đồ vị tằng vong thử độ

Hữu ngôn chính dục hiển vô ngôn

Bàng nhân mạn vị sơn hà cách

Tự ngã thâm tri đạo nghĩa tồn

Nhược vần niên lai hà sở đắc

Lão khiêm bần bệnh chúng trung tôn)

Niềm ưu ái và kỳ vọng ở lớp hậu tấn không chỉ dành riêng cho những thiền sư như Trí Thủ, mà còn dành cho những người đã từng theo học với thiền sư qua một thời gian nào đó trong quá trình học tập của mình. Trong chùm thơ đề tặng trên các bức ảnh nhỏ, mà ta thấy chép ở cả hai truyền bản dưới nhan đề Tiểu ảnh đề tặng (số 108 và số 193), ngoài thiền sư Trí Thủ ta thấy có cả những thiền sư lúc ấy còn rất trẻ, mới trên dưới 30 tuổi, nhưng đã bắt đầu đứng ra đảm trách những công tác lãnh đạo Phật giáo như Mật Nguyện, Trí Đức, Trí Quang v.v… 

Thực vậy, chùm thơ này đã thấy xuất hiện trong truyền bản hai tập, như thế nó phải có mặt trước năm Quý Tỵ (1953), khi truyền bản này ra đời vào tháng giêng năm ấy. Từ đó chúng phải được viết ra trong khoảng trước năm 1953 và sau năm 1949, khi đại giới đàn Báo Quốc được tổ chức và những thiền sư như Trí Đức lần đầu tiên thọ đại giới. Chỉ cần đọc qua những bài thơ ấy, ta có thể thấy niềm ưu ái và kỳ vọng vừa nêu đã thể hiện như thế nào. Nếu thiền sư Trí Thủ đã được đề tặng với những câu:

Chẳng không chẳng có 

Tức giả tức chân

Coi đó là ai

Trí Thủ thượng nhân

(Phi không phi hữu

Tức tục tức chân

Giám thử y thùy

Trí Thủ thượng nhân)

thì đối với thiền sư Trí Đức, ta đọc thấy những dòng:

Chẳng mình chẳng người

Chẳng rời chẳng tức

Chứng đó là ai

Nhân giả Trí Đức

(Phi tự phi tha

Bất ly bất tức

Chứng thử thùy hà

Nhân giả Trí Đức)

còn về thiền sư Trí Quang, lời đề như một câu đối mang nhiều thiền vị:

Thủy Nguyệt tùy duyên

Diệu hữu thành phi hữu

Trí Quang chiếu khắp

Chân không chẳng phải không

(Thủy Nguyệt tùy duyên

Diệu hữu hoàn phi hữu

Trí Quang phổ chiếu

Chân không bất thị không)

Riêng đối với thiền sư Mật Nguyện, không chỉ đề trên ảnh:

Bích Phong pháp vậy vượt tình vị

Mật Nguyện làm sao định giả chân

(Bích Phong pháp dĩ siêu tịnh vị

Mật Nguyện vân hà định giả chân)

mà trong cuộc sống, thiền sư Chân Đạo Chánh Thống đã bộc lộ những ưu ái. Trong một mùa mưa thu vào khoảng năm 1954-1955, trước chùa Quy Thiện một vạt nấm mối mọc lên. Thiền sư đã cho hái gửi biếu cho thiền sư Mật Nguyện trong bài thơ Hựu tặng Linh Quang tự chủ (số 150)

Tàn lọng đầy sân, mối hiến thành

Đúng hay đức lớn cảm quần sanh

Mà nay chia tới Linh Quang điện

Chùa bếp canh chay hầu đủ làm

(Tán cái doanh đình nghị hiến thành

Tín tri đức đại cảm quần sanh

Nhi kim phân chuyển Linh Quang điện

Già bị thiên trù tác tố canh)

 Những lời đề ảnh trên, hơn chục năm sau trở thành như những lời dự báo chính xác. Thiền sư Chân Đạo Chánh Thống đã trông thấy tương lai của Phật giáo và đất nước ở trên các khuôn mặt còn non trẻ của những vị thiền sư vừa dẫn trên các bức ảnh, mà mình đang đưa bút viết lên. 

Không chỉ bên tăng, thiền sư Chân Đạo Chánh Thống còn viết về các vị xuất gia của nữ giới với một niềm ưu ái và kỳ vọng không kém. Hiện tại, Thủy nguyệt tòng sao còn giữ hai bài thơ viết về hai ni sư nổi danh không kém, đó là ni sư Diệu Không (1905-1997) và ni sư Thể Quán (1920-1986). Hai vị ni sư này đều xuất thân từ những danh gia vọng tộc của vùng đất miền Trung và đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp phát triển Phật giáo từ những năm 1930 trở về sau. Bản thân họ cũng là những cây bút có tên tuổi. Về ni sư Diệu Không, thiền sư Chân Đạo Chánh Thống đã viết: 

Cửa son buông muộn cành hoa đi

Mặt đẹp lòng thơm nhớ thiếu thì

Sớm chán gốc trần quên thế lợi

Những vun cây đạo mặc điền y

Lại đâu vất vưởng hay người giỏi

Há lấy tầm thường xem nữ nhi

Trăm thước đầu sào thêm bước nữa 

Chờ hiềm thay đổi để trì nghi

(Hầu môn vãn phóng nhất hoa chi

Diễm chất phương tâm ức thiếu thì

Tảo yếm trần căn vong thế lợi

Vị tài đạo thọ trước điền y

Hoàng năng lạc phách tri nhân kiệt

Ninh bả tầm thường khán nữ nhi

Bách xích can đầu trùng tiến bộ

Mạc hiềm biến dịch tiện trì trì)

Bài thơ này chắc chắn phải được viết ra sau năm 1944 khi vị ni sư này đã thọ đại giới tại giới đàn Thuyền Tôn tổ chức vào năm ấy, sau 12 năm thọ giới sa di ni. Chính trong thời gian này ni sư Thể Quán đi xuất gia sau khi nhờ sự giúp đỡ của Thái hậu Đoan Huy mà lánh mình ở gác Khương Ninh, nơi thờ Phật dành cho các Thái hậu và Hoàng hậu của triều Nguyễn trong đại nội. Điểm đặc biệtni sư ấy là con của Thượng thư Thái Văn Toản (1885-1952), người đã dựng nên chùa Quy Thiện vào năm Đinh Sửu (1937) và mời thiền sư Chân Đạo Chánh Thống làm trú trì. Hẳn sau việc ra đi từ gác Khương Ninh và chính thức xuất gia, mà thiền sư đã làm bài thơ Tặng Thể Quán tỳ kheo ni (số 197) với những câu:

Miệng cọp ra rồi việc đáng bi 

Duyên lành duyên ác hẹn đúng kỳ 

Cơ thiền đã vậy suông tam thế

Trần mộng phiền sao luận bốn tri

Bút viết ánh châu nên tự gắng

Mắt trông kim tướng hãy còn nghi

Mới sinh thấy nói ao sen tắm

Sau đó khó chi chứng Bảo trì 

(Hổ khẩu trung lai sự khả bi

Ác duyên tín hỷ thiện duyên kỳ

Thiền cơ chí dĩ không tam thế

Trần mộng hà phiền luận tứ tri

Bút hạ châu quang ưng tự lệ

Nhãn tiền kim chứa thả tồn nghi

Sinh sơ kiến thuyết liên trì dục

Hậu thử vô nan chứng Bảo trì)

Bên cạnh giới Phật tử xuất gia vừa dẫn, ta đã thấy thiền sư Chân Đạo Chánh Thống còn có những quan hệ rộng rãi với những nhân sĩ và trí thức Phật giáo khác của thời mình. Ta có Sào Nam Phan Bội Châu (1869-1942), Thúc Giạ Thị Ưng Bình (1877-1961), Trạch Chi Ngô Đình Nhuận, Bạch Mai Phan Ngọc Hoàn (1893 - 1977), Minh Trai Trần Tiễn Hy (1909 - 1994) v.v… 

Thiền sư đã từng gặp nhà chí sĩ Phan Bội Châu, lúc ông bị an trí tại Huế từ năm 1925 cho đến khi mất vào năm 1940. Thiền sư đã nhắc lại cuộc nói chuyện của mình với nhà chí sĩ ấy về vấn đề tâm, mà bài thơ Nguyệt hạ đàm tâm (số 301) ghi lại như sau:

Dưới nguyệt đàm tâm nhớ chí ngôn

Tiên sinh đâu chỗ khóc trung hồn 

Anh hùng khí phách rốt khôn mất 

Quốc sĩ tinh thần quý tự tôn

Tuổi trẻ tớ từng xuông lưới tục

Lúc già ai liệu đến thiền môn

Chưa bình biển hận chịu đâu hại

Ngựa ký nên hay chí vẫn còn

(Nguyệt hạ đàm tâm ức chí ngôn

Tiên sinh hà xứ điếu trung hồn

Anh hùng khí phách chung nan tử

Quốc sĩ tinh thần quý tự tôn

Tráng tuế ngã tằng anh thế võng

Mộ niên thùy liệu đáo thiền môn 

Vị bình hận hải dung hà hại

Lão ký ưng tri chí thượng tồn)

Bài thơ này rõ ràng không đề cập gì đến vấn đề chữ tâm. Nó chủ yếu ghi lại những cảm hoài về phía nhà chí sĩ, bộc lộ chính những xúc cảm của thiền sư trước những gì mà nhà chí sĩ đã nói. Ngoài cụ Phan Sào Nam, còn một người Phật tử tại gia, mà thiền sư Chân Đạo Chánh Thống dành nhiều tình cảm và thời gian để xướng hoạ, đó là cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị. Một loạt bài viết về nhà thơ này, mà số lượng lên tới 18 bài, trong đó chủ yếu là các bài xướng hoạ, đã được tập hợp lại trong Thủy nguyệt tòng sao. Điều đáng ngạc nhiên là một số bài xướng họa có ghi ngày tháng đã không tìm thấy trong Lộc minh đình thi thảo. Chẳng hạn, bài Hoạ Thúc Giạ tướng công thất nguyệt bát nhật tảo khởi vận (số 46). Bài này của Ưng Bình phải có tên Thất nguyệt bát nhật tảo khởi, nhưng không còn tìm thấy được nữa. Cũng thế, những bài hoạ khác không có ghi ngày tháng, nhưng có trích một câu thơ của chính Thúc Giạ, ta hiện không tìm thấy trong Lộc minh đình thi thảo. Ví dụ, bài Thứ Thúc Gịa tướng công trùng dương vận (số 88)

Mậu Tý (1948) gặp năm, nay lại thu

Cười ta mỗi tuổi mãi mộng du

Bánh đề yên ủi lòng mong những

Biển lấp chưa đền ý chẳng như

Buồn nhạn cuối trời sương mất lớp

Hải âu vô cớ bãi thêm ưa

Thần non lời gởi thôi đừng nhạo

Ngày khác ta rồi đầu bạc phơ

 (Tuế phùng Mậu Tý hựu kim thu

 Tiếu ngã niên niên lữ mộng du

 Giả dục đề canh liêu tự ký

 Vô như điện hải vị năng thù

 Thiên niên thất trừ bi sương nhạt

 Sa tế vong cơ tiện hải âu

 Chí ngự sơn linh hưu tiến tiếu

 Tha thời ngã diệc tuyết đôi đầu)

Câu cuối của bài thơ vừa dẫn thiền sư có lời chua: “Tướng công có câu: “Chỉ khủng sơn linh tiếu bạch đầu” (Chỉ sợ thần non cười đầu bạc)”, nhưng ta cũng không tìm thấy bài thơ của Thúc Gịa Thị trong Lộc minh đình thi thảo. Bài duy nhất có trong số thơ xướng họa còn tìm thấy ở Lộc minh đình thi thảo là bài Vịnh Bắc sử Tô Tần, mà nguyên bản đọc:

Thập thướng Tần thơ dĩ yếm trì

Quy lai hành sắc chính kham bi

Toàn gia nhược cố nan trung nhật

Lục quốc chung vô ấn bội thì

Trắc nhĩ bồng môn thê tự hối

Khuynh thân liễu lộ tẫu hà si

Viêm lương thế thái đô như thị

Sử tại duy quân sự cánh kỳ

 Bài họa của thiền sư Chân Đạo Chánh Thống với nhan đề Hoạ Thúc Giạ tướng công vịnh Tô Tần vận đọc:

Bất cập Điền Văn hối dĩ trì 

Đương niên thích cổ nhất hà bi

Âm phù tụng biến ninh vô sách

Tung ước danh cao tự hữu thì

Lưu Triệu thù ân hoàn vị báo

Khứ Yên để sự tổng do si

Phiên giao lục quốc quy Tần bính

Kiến địa như quân giả tối ty

(Chẳng kịp Điền Văn hối chậm rồi

Đâm đùi năm ấy thật buồn thôi

Âm phù đọc khắp sao không chước

Tung ước tên cao tự có thời

Ở Triệu ơn nhiều còn chưa đáp

Bỏ Yên việc ấy bởi ngu ơi

Về Tần sáu nước người đà khiến

Chỗ thấy như ông cũng thấp thôi)

Sự tình này chứng tỏ Lộc minh đình thi thảo đã không thu thập hết các bài thơ chữ Hán của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị. Dẫu thế, giữa hai người chắc chắn đã có những quan hệ thơ văn khá thắm thiết, mà ta có thể thấy qua số lượng bài thơ do thiền sư Chân Đạo Chánh Thống viết ra và được chép lại trong Thủy nguyệt tòng sao, một số lượng không nhỏ.

Ngoài hai nhân vật vừa nêu, những người có tên tuổi khác xuất hiện trong Thủy nguyệt tòng sao, ta ngày nay chưa có điều kiện tìm hiểu rõ về thân thế và sự nghiệp của họ. Đặc biệt người đã đọc và bình điểm tác phẩm ấy là cụ Mặc Si Nguyễn Huy Nhu. Chúng ta chỉ biết một cách chung chung là cụ gốc người Nghệ Tĩnh, từng đậu tiến sĩ và làm quan với nhà Nguyễn, về sau làm hội trưởng Hội cổ học Việt Nam trong khoảng những năm 1956-1964 và tham gia giảng dạy ở viện Đại học Huế. Dẫu thế, qua bốn bài tứ tuyệt, mà cụ đã làm để tặng cho tác giả Thủy nguyệt tòng sao, cũng cho thấy một phần nào tình cảm của cụ đối với thiền sư, mà cụ cho là danh sĩcao tăng:

Chùa đẹp vây quanh ở bốn bên

Sớm chuông tối trống cạnh tai rền

Đọc sư khắp quyển toàn câu đẹp

Danh sĩ cao tăng ấy kẻ tên

(Phạm vũ trang nghiêm nhiễu tứ lân

Thần chung mộ cỗ nhĩ biên tần

Độc sư mãn quyển lâm lang cú

Danh sĩ cao tăng thử nhất nhân)

Một người khác có quan hệ rất thân thiết với thiền sư Chân Đạo Chánh Thống là Huyện doãn Ngô Đình Nhuận. Cụ Ngô Đình Nhuận, có tên tự là Trạch Chi, người Lệ Thủy, Quảng Bình, từng đậu cử nhân và làm quan với triều Nguyễn tới chức tri huyện. Dòng họ Ngô Đình này cũng là dòng họ của Ngô Đình Diệm, nhưng hầu hết họ đều là những Phật tử thuần thành. Trong số các tác phẩm tặng cho vị Huyện doãn này, ta đã bàn đến ở trên câu đối liên quan đến quan điểm chính trị của thiền sư. Ở đây chúng tôi xin trích bài Đêm trung thu năm Tân Tỵ (1941) cùng Huyện doãn Ngô Trạch Chi nghe đàn trên lầu bên sông (số 39: Tân Tỵ trung thu dạ đồng Ngô Trạch Chi huyện doãn giang lâu thính cầm cảm phú) để cho thấy quan hệ thân thiết ấy đã diễn ra như thế nào. Họ đã dìu nhau lên lầu cạnh sông Hương để nghe đàn, nhưng những khắc khoải về tiền đồ đất nước, về nỗi đau dân tộc cũng không rời lòng họ:

Tay nắm dìu nhau bước tới lầu

Nghe đàn vô cớ nỗi buồn đau

Trong như tiếng quốc mong quê cũ

Nhỏ tựa thuyền cô góa phụ sầu

Suông ngóng thanh xuân còn mắt biếc

Luống lo tuổi xế oán phau đầu

Bao nhiêu thanh sắc theo dòng cũ

Mây đứng nhạn sa thảy bọt xao

(Tương tương ác thủ thướng giang lâu

Thính khúc vô đoan vị để sầu

Thanh tợ đề quyên hoài cố quốc

Tế như ly phụ khấp cô châu

Phương niên đồ vọng lưu thanh nhã

Vãn tiết không lao oán bạch đầu

Thanh sắc kỷ đa truy vãng sự

Đình vân lạc nhạn tổng phù âu)

Ngoài cụ Trạch Chi Ngô Đình Nhuận, thiền sư cũng có quan hệ lâu dài với một gia đình Phật tử khác khá nổi tiếng ở Huế là cụ Minh Trai Trần Tiển Hy. Cụ Hy là cháu nội của Phụ chính đại thần Trần Tiển Thành (1830-1884) và là con của Tổng đốc Trần Tiển Hối. Hai người có lẽ đã chơi thân với nhau từ nhỏ, mà về sau người thì là học sĩ kiêm thầy thuốc, còn người thì là thiền sư và nhà thơ, như bài thơ thiền sư viết tặng cho cụ Hy vào tháng 7 năm Kỷ Hợi (1959) đã ghi nhận:

Quay đầu biết bạn thuở còn thơ

Học sĩ anh từng, tớ kẻ tu

Bèo dạt chim bay nên định khó

Chân trời góc biển tự buồn ưu

Đến già Phật tử ta là vậy

Tài lạ thần y anh thế ru

Hai bịnh thân tâm nên trị đủ

Khóc buồn đường rẽ cười Dương Chu

(Hồi thủ tri giao ức thiếu thì

Quân vi học sĩ ngã thiền sư 

Bình tung điểu tích thành nan định

Hải giác thiên nhai độc tự bi

Đáo lão ngã ưng vi Phật tử

Kỳ tài quân hựu tác thần y

Thân tâm lưỡng bịnh nghi khiêm trị

Tiếu sát Dương Chu khấp lộ kỳ)

Tất nhiên trong khi quan hệ với những nhân sĩ trí thức Phật giáo như thế, thiền sư Chân Đạo Chánh Thống đã nhiều lần đàm luận, xướng hoạ, nghe đàn, chơi cờ, leo núi, đi thuyền, thậm chí cả uống rượu với họ nữa. Và thiền sư làm những việc này một cách ung dung tự tại, không một chút khiên cưỡng, sa đà hay giấu giếm. Có một lần quá chén, thiền sư vẫn tỉnh táo để làm một bài thơ về rượu với điều kiện do đối tác đặt ra khá ngặt nghèo là không dùng chữ rượu. Để thấy sự tỉnh táo thế nào, ta hãy đọc lại bài thơ này:

Hại gì Nguyễn Tịch làm quân bếp

Giày rách phù danh vẫn cứ say

Áo ngựa ngàn vàng cho tớ đổi

Giang hồ muôn dặm đưa anh đây

Ân cần chén gượng đâu khuyên được

Lảo đảo bệnh nhiều há đứng ngay

Bát địa vẫn say vui lửa định

Sơn tăng đâu dám tỉnh riêng tây

 (Bất phương Nguyễn Tịch tác trù binh

 Tệ tỉ phù danh thặng hữu tinh

 Cừu mã thiên kim dung ngã hoán

 Giang hồ vạn lý tải quân hành

 Cưỡng bôi khởi vị ân cần khuyến 

 Đa bệnh na năng lảo đảo đình

 Bát địa thượng hàm tam muội lạc

 Sơn tăng ninh cảm độc vi tinh)

 
MẤY NHẬN XÉT

Qua phân tích nội dung của Thủy nguyệt tòng sao ở trên, ta có thể rút ra một số nhận xét về tác phẩm này.

 Thứ nhất, Thủy nguyệt tòng sao với tư cách một tác phẩm văn học sưu tập hầu như toàn bộ thơ văn của thiền sư Chân Đạo Chánh Thống, tất nhiên cần phải được đối xử trong tư cách ấy. Có thể nói nó là một trong những tác phẩm văn học viết bằng chữ Hán cuối cùng của thời kỳ nền Hán học tại Việt Nam suy tàn và trên bối cảnh chính sách diệt chủng văn hoá đang được thực dân Pháp cùng bè lũ tay sai ráo riết áp đặt đối với dân tộc ta. Nó thể hiện một phần nào phản ứng của giới trí thức Phật giáo đối với chính sách đồng hoá diệt chủng thâm độc đó. Do vậy, ta có thể thấy một phần nào những tình tự, nguyện vọng của họ đối với dân tộc và đạo pháp của thời đại họ. 

Thứ hai, không chỉ là một tác phẩm văn học, Thủy nguyệt tòng sao còn là một tác phẩm về tư tưởng. Điều này cũng dễ hiểu thôi, bởi vì trong truyền thống phương Đông với chủ trương thi dĩ ngôn chí, tác phẩm văn học nào lại không mang nặng tính tư tưởng, thể hiện một quan điểm, một lập trường. Quan điểm xuyên suốt của Thủy nguyệt tòng sao là đem thâm tâmphụng sự đạo pháp, phụng sự dân tộc, thông qua con đường giáo dục để chỉnh đốn lại các tệ nạn trong cũng như ngoài Phật giáo. Và nền giáo dục ấy phải là một nền giáo dục tổng hợp rộng mở, không chỉ đóng khung trong các hạn chế của giáo lý hay nội điển. Những phát triển về sau của nền Phật giáo Việt Nam từ giữa những năm 50 của thế kỷ XIX(?) trở đi đã ít nhiều chịu ảnh hưởng của một quan điểm giáo dục như thế. 

Thứ ba, Thủy nguyệt tòng sao cho ta một bức tranh khá sinh động về Phật giáo thế kỷ XX. Như đã nói, phần lớn những nhân vật Phật giáo thế kỷ XX đã xuất hiện trong tác phẩm này. Từ những bực trưởng lão lớp trước như Phước Huệ, Trung Thứ…cho đến những người hậu tấn lớp sau như các thiền sư Trí Thủ, Mật Nguyện, Trí Đức, Trí Quang…, tác giả Thủy nguyệt tòng sao đã có một biệt nhãn, một niềm ưu ái kỳ vọng lớn lao đối với họ trước vận mệnh của Phật giáo Việt Nam.

Thứ tư, xuyên qua bức tranh Phật giáo ấy, Thủy nguyệt tòng sao đã để lộ ra những tình cảm, những xúc độngthiền sư Chân Đạo Chánh Thống đã thể hiện qua quan hệ với các pháp lữ của mình. Những tình cảm, những xúc động này không chỉ diễn ra trước những vấn đề lớn lao của đất nước và đạo pháp, mà qua các việc hết sức bình thường của cuộc sống như biếu nhau một ít nấm mối mọc trước chùa, hoặc một cây quạt v.v…Chính những xã giao nhỏ nhặt này đã tạo nên mối đoàn kết cần thiết cho các hoạt động lớn lao của Phật giáo và đất nước. 

Trên đây là một số đóng góp, mà nội dung Thủy nguyệt tòng sao có thể đem lại cho những người nghiên cứu. Tất nhiên, chúng tôi chưa phân tích hết toàn bộ thơ văn của tác giả. Nhưng chừng ấy nội dung cũng đủ xác lập Thủy nguyệt tòng sao như một cột mốc đáng chú ý của lịch sử Phật giáo cũng như văn họctư tưởng Việt Nam. Chúng tôi hi vọng những nghiên cứu về sau sẽ làm sáng tỏ đầy đủ hơn nữa đối với một số vấn đềthiền sư Chân Đạo Chánh Thống quan tâm, đặc biệt vấn đề nhân thân của một số những Phật tử tại gia đã có quan hệ với thiền sư, mà trong lần xuất bản này chúng tôi chưa có cơ hội tìm hiểu kỹ.
 


--------------------------------------------------------------------------------
 
[1] Cao Huy Thuần, Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam (1857-1914), Hà Nội: Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2002, tr. 443.

[2] Nguyễn Xuân Thọ, Bước đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam (1858-1897), Tác giả xuất bản, 1995, tr. 436.

[3] Ý kinh

[4] Thiền quán

[5] Lúc đại hộinghị quyết ra lệnh khắc khuôn dấu cho thiền gia cả nước và treo cờ Phật giáo mới được sáng tạo.

[6] Lê Mạnh Thát, Toàn tập Trần Thái Tông, Tp. Hồ Chí Minh: NXB Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2004, tr. 340 và 636. 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.