Hoà Thượng Thích Mật Thể - Thích Đồng Bổn

23/06/201112:00 SA(Xem: 25589)
Hoà Thượng Thích Mật Thể - Thích Đồng Bổn


HOÀ THƯỢNG THÍCH MẬT THỂ 

(1912 - 1961)
 Thích Đồng Bổn



Ngài Mật Thể, pháp danh Tâm Nhất, pháp tự Mật Thể, tên thật là Nguyễn Hữu Kê, sinh năm 1912 ở làng Nguyệt Biều, quận Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. Chánh quán huyện Tống Sơn, Gia Miêu ngoại trang, tỉnh Thanh Hóa, thuộc dòng Thích Lý của Cụ Nguyễn Hữu Độ. Gia đình Ngài qui hướng đạo Phật, cụ thân sinh và người anh ruột đều xuất gia

Thuở nhỏ, Ngài được gia đình cho học chữ Nho, Quốc ngữ, và chữ Pháp đỗ bằng Tiểu học (Primaire). Năm 12 Tuổi (1924), cụ thân sinh đem Ngài về chùa Diệu Hỷ (Huế) cho xuất gia làm Tiểu (Điệu). Với bẩm chất thông minhcần mẫn tu học, Ngài tiếp thu nhanh chóng kinh luật căn bản dành cho chú Tiểu

Năm lên 16 tuổi (1928), Ngài được nhập chúng tu học ở chùa Từ Quang với Hòa thượng Giác Bổn. Nhận thấy khả năng học tập xuất sắc của Ngài, nên Hòa Thượng Giác Bổn cho Ngài vào tu học ở chùa Trúc Lâm với Hòa thượng Giác Tiên. Khi vào học ở tòng lâm này, như cá gặp nước, như rồng gặp mây, lại được gần thầy bên bạn học hỏi chuyên cần, nên Ngài vượt xa bạn cùng lớp. 

Năm Canh Ngọ 1930, khi Ngài 18 tuổi, được Hòa thượng Giác Tiên, trú trì chùa Trúc Lâm - Huế chính thức thế độ nhận làm đệ tử và cho thọ Sa Di giới, ban pháp danh Tâm Nhất, pháp tự Mật Thể. 

Năm 1932, Hòa thượng Giác Tiên thỉnh Đại lão Hòa thượng Phước Huệ - chùa Thập Tháp Di Đà, tỉnh Bình Định ra chủ giảng Phật Học Đường ở chùa Trúc LâmTây Thiên. Ngài được đặc cách theo học lớp Cao Đẳng Phật Học này. 

Năm 1933, Ngài được mời làm giảng sư Hội An Nam Phật Học và giảng dạy tại trường Tiểu học Phật giáo của sơn môn Thừa Thiên

Năm 1935, Hòa thượng Bổn Sư viên tịch, đến năm 1937 Hòa thượng Phước Huệ vì tuổi cao sức yếu trở về Bình Định an tĩnh. Đây là bước ngoặc mới trong đời Ngài. Với hoài bão lớn lao, Ngài quyết chọn con đường du học để bồi dưỡng thêm kiến thức. Ngài xin phép các sư huynh Mật Khế, Mật Nguyện, Mật Hiển sang Phật Học Viện Tiêu SơnTrung Quốc để nghiên cứu học hỏi thêm dưới sự chủ trì của Hòa Thượng Tinh Nghiêm. 

Năm 1938, chiến tranh Hoa - Nhật xảy ra không cho phép Ngài cư trú lâu ở đất Trung Hoa. Ngài trở về Việt Nam tiếp tục làm giảng sư cho hội An Nam Phật Học và bắt đầu sự nghiệp trước tác, phiên dịch các tác phẩm Ngài mang từ Trung Hoa về. Ngài còn viết các bài nghiên cứu về đạo Phật đăng trong các tạp chí Phật giáo xuất bản trong nước thời bấy giờ. 

Năm 1941, Ngài được mời vào giảng dạy tại Phật Học Đường Lưỡng Xuyên- Trà Vinh. Sau đó Ngài trở ra Huế và đi thu thập tài liệu nơi các Tổ đình ở Bình Định, Phú Yên, Thừa Thiên, Hà Nội..v.v. để viết về Sử Phật giáo

Năm 1943, tác phẩm Phật Giáo Việt Nam Sử Lược của Ngài được Nhà xuất bản Tân Việt ấn hành. Sách được Quốc sư Phước Huệ tán ngữ và Trần văn Giáp đề tựa. 

Mãi đến năm 1944, lúc 32 tuổi Ngài mới thọ Cụ Túc giới tại giới đàn chùa Thuyền Tôn do Hòa thượng Thích Giác Nhiên làm Đàn đầu. Ngài đứng đầu các giới tử và được chọn làm thủ Sa Di. Cũng vào năm này, Ngài được mời làm trú trì chùa Phổ Quang-Huế. 

Năm 1945, Cách Mạng Tháng Tám nổ ra, Ngài tham gia phong trào Phật giáo Cứu quốc ở Thừa Thiên- Huế. 

Tháng giêng năm 1946, khi Chính Phủ Lâm Thời tổ chức Tổng tuyển cử, Ngài ra ứng cử ở Thừa Thiên và đắc cử làm đại biểu Quốc Hội nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa khóa đầu tiên. Đây cũng là lần đầu tiên một Tăng sĩ Phật giáo trực tiếp tham gia chính trường. Cũng năm 1946, Ngài được mời làm Chủ tịch Ủy ban Phật giáo Cứu quốc tỉnh Thừa Thiên

Là người có chí nguyện lớn, Ngài chủ trương phải cải tổ sơn mônnóng lòng trước quá trình đổi mới chế độ Tăng già còn diễn tiến chậm. Tuy có nhiều va chạm nhưng Ngài không nản lòng, luôn ôm hoài bão cao xa đưa Phật giáo phát triển hòa nhập thời đại và mở ra hướng đi mới cho hàng Tăng sĩ trẻ. Chính vì thế Ngài đã viết và cho xuất bản nhiều tác phẩm nhằm mục đích cách tân và mở rộng tầm nhìn cho Tăng sĩ thời bấy giờ. 

Với một bút pháp tài hoa và tâm hồn khoáng đạt, Ngài đã thu hút nhiều trí thức văn nhân ưu tú đến làm bạn tâm giao như Trần Văn Giáp, Phạm Quỳnh, Khái Hưng. Chính trong những lần tương ngộ này mà tư tưởng Phật giáo đã gắn liền với họ, thể hiện qua các tác phẩm như cụ Trần Văn Giáp với cuốn Phật Giáo Việt Nam ; cụ Phạm Quỳnh với các bài nghiên cứu về đạo Phật đăng trong tạp chí Nam Phong ; Khái Hưng với Hồn Bướm Mơ Tiên... 

Năm 1947, khi mặt trận chống Pháp ở Huế bị tan vỡ, Ngài chia tay từ biệt với anh em Phật tử và Tăng sĩ đồng chí hướng, ra vùng kháng chiến, theo cách mạng xây dựng phong trào Phật giáo tại miền Bắc. 

Sau hiệp định Genève, năm 1957, Ngài được về an trú ở Nghệ An. Trong thời gian ở Nghệ An, Ngài đã phiên dịch và trước tác khá nhiều kinh sách, nhưng vì hoàn cảnh chiến tranh, những tác phẩm này đã bị thất lạc, chỉ còn lại quyển “Thế giới quan Phật giáo”. Tác phẩm này được in tại miền Nam năm 1967 do tạp chí Vạn Hạnh xuất bản. 

Năm 1961, Ngài mất tại Nghệ An vì bệnh, thọ 48 tuổi đời với 36 năm xuất gia làm Tăng sĩ. Các tác phẩm Ngài còn để lại đến nay tiêu biểu cho sự nghiệp đời Ngài như: 

- Việt Nam Phật Giáo Sử Lược, Thích Mật Thể
- Phật Học Dị Giản. 
- Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa
- Phật Giáo Khái Luận
- Phật Giáo Yếu Lược. 
- Cải Tổ Sơn Môn Huế. 
- Xuân Đạo Lý
- Mật Thể Văn Sao (do Lệ Như sưu tập)
- Thế Giới Quan Phật Giáo
 
 
 

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam 
Phật Lịch 2539 – 1995 
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX - TẬP I 
Thích Đồng Bổn Chủ biên 
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành
http://www.thuvienhoasen.org/danhtang1-giaidoan4-34.htm

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.