Thư Viện Hoa Sen

● Nhân Ngày Hội Lớn Của Nhân Loại, Nhớ Về Tập Ngũ Đai Thư Của Thiền Sư Kiếm Sĩ Musashi

14/10/201012:00 SA(Xem: 15311)
● Nhân Ngày Hội Lớn Của Nhân Loại, Nhớ Về Tập Ngũ Đai Thư Của Thiền Sư Kiếm Sĩ Musashi

TRÍ TÁNH ĐỖ HỮU TÀI
NHƯ THỊ NGÃ VĂN
TỪ XA, NGHĨ VỀ VÀI VẤN ĐỀ CỦA PHẬT GIÁO TẠI NƯỚC TA 
NHÀ XUẤT BẢN LAO ĐỘNG - 2008,
NHÀ XUẤT BẢN TÂN VĂN - 2008
Ấn Bản Điện Tử 2009 USA

Phần Một

NHÂN NGÀY HỘI LỚN CỦA NHÂN LOẠI,
NHỚ VỀ TẬP NGŨ ĐẠI THƯ
CỦA THIỀN SƯ KIẾM SĨ MUSASHI


Viết, nhân được nghe Bát Nhã Tâm Kinh tụng bằng 12 thứ tiếng khác nhau tại Hội nghị Phật giáo Quốc tế về ngày Phật Đản của Liên Hiệp Quốc (International Buddhist Conference on the United Nations Day of Vesak – Bangkok, 10-5-2006)

Cứ từ từ mà thấm nên tôi không biết mình trở thành một Phật tử, trong cái nghĩa thông tục nhất, từ lúc nào. Và vì “Phật tử” là một tiến trình đang thành, trải bao A tăng kỳ kiếp, chứ không phải có HữuChungThủy, có một hình thái lễ nghi thế tục để bắt đầu hay chấm dứt ... nên đến giờ nầy, trong sự nhiệm mầu lãng đãng của một ngày lễ Phật Đản trên xứ Thái Lan xa xôi, tôi vẫn thấy mình đang lang bạt đâu đó trên con đường tìm Đạo, lo nhìn mây bay nước chảy, thích nghe câu tranh cãi tiếng biện luận, và nhất là quan tâm đến cái Mình to Ta đẹp hơn là xã Tâm để đi vào sự tĩnh mặc huyền diệu của con đường dài chứng ngộ trước mắt.

Cho nên trong ngày Hội lớn, rất lớn, nầy của nhân loại, ngày mà cách đây hơn 25 thế kỷ, có một con người bình thường ra đời để sau nầy sẽ chợt đứng dậy, rủ bỏ thân xác đong đưa mà xé toang vũ trụ vọng thức bụi bặm của nhân thế để xây dựng con đường Chánh đạo Giải thoát, tôi bỗng thấy mình như vượt thoát ra được khỏi cơn hôn mê trầm ám để nhất định dành một ngày, dù chỉ một ngày ngắn ngủi trong một năm dài bôn ba, để, nói như một vị Thiền sư, “lần dỡ kinh xưa sách cũ mà đuổi bóng ra khỏi hình”.

Người nói câu văn phi khoa học nhưng rất đạo học đó là Thiền sư Kiếm sĩ Miyamoto Musashi, đệ nhất kiếm khách Nhật Bản của thế kỷ thứ 16. Và kinh xưa sách cũ là tập Ngũ Đai Thư của vị Phật tử lạ lùng nầy. 

Chuyện của vị Thiền sư nầy thì hoang đườngbí ẩn như một huyền thoại, dù ông chỉ sống cách chúng ta hơn 400 năm. 

Miyamoto Musashi ra đời vào năm 1584 tại tỉnh Mimasaka, cách Đông Kinh 40 dặm về phía Tây Nam. Thân phụ của ông vốn là một lãnh chúa ngang tàng, đầu đội trời chân đạp đất, “biên thùy một cõi” trên hòn đảo lớn Kyushu dưới triều đại của Shogun Nobunaga. Musashi mồ côi cả cha lẫn mẹ năm mới lên bảy tuổi và được vị cậu ruột là một vị Hòa thương mang vào chùa nuôi nấng dạy dỗ. Gần giống như Lý Công Uẩn của nước ta 3.000 dặm gần đó và 600 năm trước đây. 

Nhưng cơ chế nghiệp lực đã vận hành kỳ ảo khiến cho con đường tu chứng của ông phải kinh qua một trở ngại lớn, một thử thách dài trong thời đại loạn lạc bấy giờ, đó là phải trở thành kiếm khách số một trong số hơn tám vạn Samurai đang tranh nhau thư hùng. Nghĩa là trở thành một Độc cô cầu bại, cô đơn vác kiếm đi lang thang khắp xứ Phù Tang, thành tâm mong tìm được một đối thủ đánh bại được mình ! 

Cho nên chỉ tự học trong sân chùa vào những đêm thanh vắng mà mới 13 tuổi ông đã xẻ đôi thân xác Kihei, đệ nhất dũng sĩ của quân trường Shinto Ryu. Năm 16 tuổi, ông đánh bại Akiyama, trưởng tràng của kiếm phái Tadashima. Sau ngày đó, với nghịch giới sát sanh vần vũ trên đầu, ông bỏ chùa, lưng mang kiếm gỗ, một thân một bóng lên đường thực hiện cuộc hành trình chứng ngộ của một Võ sĩ đạo thời chinh chiến. Cuộc hành trình bi hùng tuyệt đẹp nầy sẽ mở lối khai đường cho kiếm pháp Nhật Bản, nâng kiếm thuật lên đỉnh cao kiếm đạo, và giúp Kiếm sĩ hóa thân thành Thiền sư

Không vợ con và không hành lý. Cũng không sợ hãi và không giận hờn. Chỉ với hai bộ quần áo tả tơi dưới chiếc nón rộng vành, và một thanh kiếm gỗ đã săn cứng lại vì gió sương chiến trận, ông đã lang bạt trong núi cao hang sâu của miền Hokkaido băng giá, trong rừng dày bão dữ của vịnh Kyushu, trong cung cấm nghiêm nhặt lòe ánh thép của các lãnh chúa, và đọ kiếm 129 trận không một lần chiến bại. Lần duy nhất có làm ông ngẩn ngơ trong thoáng chốc là khi dùng kiếm gỗ chèo thuyền ra đảo Ogura, ông đã phải nhờ đến ánh nắng quái của chiều tà và tiếng sóng đập vào ghềnh đá để phân tâm đối thủ và giúp ông chém chết được Kojiro, chưởng môn lừng lẫy của kiếm phái Tadaoki. Đó là lần duy nhất ông phải vận dụng thiên nhiên để cho đường kiếm của mình phá được thế thủ vững chắc và kín đáo của một kỳ phùng địch thủ.

Năm đó ông 29 tuổi, và từ đó ông được giới kiếm sĩ Nhật Bản tôn xưng là Kiếm Thánh. Nhưng cũng từ đó, ông bẻ kiếm và suy nghiệm về thanh kiếm như một cá thể hữu tình, về múa kiếm như một con đường tĩnh thức để tự giải thoát mình ra khỏi xao động của cuộc đời. Ông để ra 30 năm trời để suy nghiệm, sống âm thầm vô danh trong một làng đánh cá hẻo lánh, hành xử như một lão già khật khùng. Và đến năm 59 tuổi thì ông bỏ làng vào động đá Reigendo để bắt đầu viết tác phẩm duy nhất của đời ông. Tác phẩm dày chỉ 10 trang giấy bổn mà ông phải mất hai năm trời mới hoàn thành. Một tuần sau đó, ông từ giã cõi đời, ung dungtự tại giải nghiệp để tan biến vào trời đất. Năm đó là năm 1645.

Cuốn sách ông viết có tựa đề là Ngũ Đai Thư (Go Rin No Sho - Cuốn sách về Năm Vòng đai), gồm 5 chương: chương Thổ, Thủy, Hỏa, Phong và chương Hư Vô. Trong phần mở đầu, ông viết vài dòng ngắn ngủi và khiêm cung về cuộc đờithân phận của ông rồi tự thú rằng “Tất cả chiến thắng của tôi từ trước đến nay có lẽ nhờ trời cho, hoặc nhờ tôi khéo tay, vì mãi cho đến năm 50 tuổi tôi mới chứng ngộ được kiếm đạo chân thực... Tôi viết cuốn nầy mà cố tình quên đi kinh Phật dạy và lời Khổng viết, lại càng không nhớ đến bất kỳ một chiêu thức kiếm pháp nào ... Tôi chỉ quy chiếu vào Tâm mà viết”

Bốn chương đầu, Thổ Thủy Hỏa và Phong, ông nhận định về thanh kiếm như một ngoại vật vô thường, đó nhưng không đó; về người múa kiếm như một tha nhân vô ngã, vừa có thật vừa không có thật; về kiếm thuật như một nghệ thuật vô hình vô tướng; và về các kiếm phái khác như cõi ta bà chứa đầy mộng ảo bào ảnh. Cũng trong bốn chương nầy, ông luận về các sách lược đấu kiếm thông qua hai phạm trù diệu hữuchân không, cho rằng trong vọng tâm, kiếm và kiếm sĩ đều có thật, nhưng không thật có vì giả hợp. Cho nên có đấu kiếm mà vẫn không có kiếm đấu.

Riêng chương thứ năm Hư Vô và cũng là chương cuối cùng, chỉ dài có nửa trang giấy, ông đề cập đến Kiếm Đạo như một con đường giải thoát rồi ông kết thúc cuốn sách như sau: “Biết rằng cái gì Có chính là Không Có, mà cái Không Có chính là Có, tức là biết được Đạo vậy. Nhưng lúc biết được chính cái Đạo cũng không có nốt thì mới hoàn toàn chứng ngộ. – Năm Shoho đệ nhị, tháng thứ Năm, ngày thứ Mười hai, Miyamoto Musashi cẩn ký”. 

Chưa hề đọc Bát Nhã Tâm Kinh, chỉ múa kiếm để giết người rồi buông kiếm để quán chiếu, thế là “đồ tể” kiếm thánh Musashi bỗng trở thành thiền sư Musashi. Cho nên khi ông buông bút chấm dứt cuốn sách trong động đá quạnh hiu, 129 nhát kiếm oan nghiệt chém chết 129 mạng người bỗng chỉ còn là những nghiệp chướng nhân quả lồng lộng. Mười sáu năm tung hoành trong chốn gió tanh mưa máu bỗng trở thành mười sáu năm trùng trùng duyên khởi. Ông đã đứng dậy, thanh thoát nhẹ tay phủi đám bụi hồng. Cho Tâm trong Tâm tĩnh. Cho Tâm không còn là Tâm.

Cuốn Ngũ Đai Thư, từ đó, trở thành sách gối đầu cả trong tự viện của Tăng sĩ lẫn trong cung điện của quân vương. Trở thành cẩm nang không thể thiếu của các nhà lãnh đạo chính trị cũng như kinh tế tài chánh của Nhật Bản trong suốt bốn thế kỷ qua. Gần đây hơn, khi xuất hiện tại phương Tây (A Book of Five Rings – The Overlook Press, Woodstock, New York), tác phẩm của ông được giới doanh nhân Mỹ gọi là Japan’s Answer to the Harvard MBA (Câu trả lời của Nhật Bản cho bằng MBA của đại học Harvard); và tạp chí Times đã ví von rằng On Wall Street, when Musashi talks, people listen (trên con đường có Thị trường chứng khoán Mỹ, khi Musashi cất tiếng thì mọi người phải im lặng lắng nghe).

“Tội nghiệp” cho thiền sư Musashi: Con người Tây phương duy lý và độc thần chỉ hiểu và vận dụng được phần Thuật hời hợt của bốn chương đầu của cuốn sách để tranh nhau chiếm ưu thế quyền lợiquyền lực mà không hiểu được phần Đạo tinh túy của chúng. Nói gì đến chương thứ Năm ! Chương khẳng định với Wall Street rằng “Có tiền mà không có tiền mới thật có tiền. Có quyền mà không có quyền mới thật có quyền”.

Kiếm sĩ Musashi đã chém chết 129 người và suy nghiệm 30 năm mới trở thành Phật tử Musashi. Tôi nhất định không tin rằng con đường tìm Đạo thì luôn luôn truân chuyên như thế. Tám vạn bốn ngàn pháp môn trùng trùng điệp điệp mà điểm đi cũng như điểm đến đều khởi tại Tâm, thì khó hay dễ, thành hay bại có lẽ là do chính tại mình. 

Cho nên trong ngày Hội lớn, rất lớn, nầy của nhân loại, tôi muốn kéo 400 năm về dồn lại trong một ngày vui hôm nay, bá cổ quàng vai Phật tử Musashi mà cùng nhau cười ha hả dưới ánh trăng rằm vằng vặc của mùa Phật ra đời. Để cùng ông chuếnh choáng “đồng ca” điệp khúc Gate, Gate, Paragate, Parasamgate, Bodhi Svaha ... 

7-2006
Tạo bài viết
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: