Phẩm 32 Ái Dục

16/01/20193:45 SA(Xem: 4414)
Phẩm 32 Ái Dục

KINH PHÁP CÚ BẮC TRUYỀN 
ĐTK/ĐCTT, N°. 0210 
Soạn tập: Tôn giả Pháp Cứu 
Hán dịch: Đời Ngô, Thiên Trúc Sa-môn Duy-kỳ-nan 
Việt dịch: Thích Đồng Ngộ - Thích Nguyên Hùng
Nhà xuất bản Ananda Viet Foundation 2019

QUYỂN HẠ
(gồm 18 phẩm, từ phẩm 22 đến phẩm 39 | 402 bài kệ)
Việt dịch: Thích Nguyên Hùng
 

Phẩm 32:

ÁI DỤC[1]

 

 

[570c] Phẩm ÁI DỤC gồm 33 bài kệ. Nội dung phẩm này: khinh miệt ân ái dâm; người đời bị nó dắt, sinh tai họa khôn lường.

 

 

543.

Rong ruổi theo tà hạnh

Dục ái thêm nhánh cành

Lửa ái dục lan nhanh

Như khỉ chuyền hái trái.

 

544.

Vì ái, khổ muôn vàn

Tham dục vướng thế gian

Ngày đêm lo buồn mãi

Như cỏ tranh mọc tràn.

 

545.

Người say đắm ái ân

Chưa từng dứt dục tình

Buồn lo, thêm sầu não

Tí tách ngập ao sâu.

546.

Đời sở dĩ buồn lo

Bởi khổ đau muôn hướng

Do ái kia triền phược

Lìa ái hết buồn lo.

 

547.

Không lo, tâm an lạc

Không ái, hết trần gian

Không lo, không vướng lụy

Không ái, sống bình an.

 

548.

Ái buộc ràng đến chết

Bởi quyến thuộc họ hàng

Suốt dặm dài buồn tủi

Ái khổ mãi đeo mang.

 

549.

Người vì đạo tu hành

Chớ say đắm ái ân

Phải nhổ tận gốc ái

Đừng để rễ nảy cành

Chớ như cắt lau sậy

Khiến tâm dục lại sanh.

 

550.

Như gốc cây sâu, chắc

Dù chặt, vẫn còn lên

Tâm ái chưa trừ hết

Đau khổ còn chịu thêm.

 

551.

Khỉ vượn bắt khỏi rừng

Thoát lại về chốn ấy

Chúng sanh cũng thế đấy

Thoát ngục, lại chui vào.

 

552.

Dòng ái dục chảy hoài

Cùng kiêu mạn trần ai

Tư tưởng nhuốm dục vọng

Đâu còn thấy đúng sai.

 

553.

Dòng tâm ý chảy tràn

Ái kết tựa dây đan

Chỉ có tuệ chân thật

Mới chận dòng tràn lan.

 

554.

Lặn hụp trong bể ái

Tâm tư cứ miên man

Bể ái sâu không đáy

Già chết còn thêm tăng.

 

555.

Nhánh cành ái chưa dứt

Lấy tham dục bón thêm

Oán thù nuôi chồng chất

Cuốn kẻ ngu ngày đêm.

 

556.

Dẫu gông cùm địa ngục

Dẫu vách sắt tường đồng

Nghiệp ái nhiễm vợ con

Còn chắc bền hơn thế.

557.

Ngục ái quá bền chặt

Mấy ai thoát được ra

Chỉ có người đoạn ái

Mới hay thường lìa xa.

 

558.

Thấy sắc tâm vấn vương

Đâu thấy lẽ vô thường

Kẻ ngu mê sắc đẹp

Nào biết sắc tợ sương.

 

559.

Cuộn mình trong dục lạc

Như kén quấn thân tằm

Bậc trí khéo đoạn dứt

Mọi thống khổ mất tăm.

 

560.

Kẻ buông thả tâm mình

Thấy dâm dục là tịnh

Nghiệp ái càng thêm nặng

Tự xây ngục cho mình.

 

561.

Bậc trí khéo đoạn dục

Thường nhớ nó nhiễm ô

Phá dâm tà hang ổ

Đoạn nỗi lo luân hồi.

 

562.

Vây mình trong lưới ái

Trùm kín cả thân tâm

Trói buộc mình ở đó

Như cá rúc vào nơm.

563.

Bị già chết rập rình

Như nghé con khát sữa

Lìa dục, diệt ái ân

Ái dục đâu tìm nữa.

 

564.

Bậc đại trí đi trọn

Con đường phá ngục

Thoát nhị biên rối mù

Bước lên bờ giải thoát.

 

565.

Kẻ phi pháp chớ thân

Ái dục cũng đừng gần

Người chưa vượt ba cõi

Sẽ còn mãi tái sanh.

 

566.

Thấy rõ tất cả pháp

Mà không vướng pháp nào

Tâm thoát ly ái dục

Tỏ thông thánh ý cao.

 

567.

Thí nào hơn pháp thí

Vị nào hơn pháp vị

Lạc nào hơn pháp lạc

Ái tận hết khổ đau.

 

568.

Kẻ bị dây tham buộc

Không thể đến bờ kia

Tham dục gây tai họa

Cho mình và muôn loài.

569.

Tâm ái dục là ruộng

Hạt giống, dâm, nộ, si

Ai vượt qua tức thì

Được phước không hạn lượng.

 

570.

Ít bạn, nhiều của cải

Mối họa cho người buôn.

Tránh giặc dục hại thân

Người trí diệt tham muốn.

571.

Tham muốn của thân tâm

Đâu chỉ có ngũ dục [2]

Người khéo đoạn tuyệt

Mới xứng danh anh hùng.

 

572.

Không dục, không lo sợ

Lòng một cõi thênh thang

Ái dục thôi gút mắc

Thoát khỏi vực nguy nan.

 

573.

Dục, ta biết gốc ngươi

Ngươi từ tư tưởng sanh

Ta không còn tơ tưởng

Thì ngươi hết chỗ sanh.

 

574.

Đốn cây không tận gốc

Chồi nhánh sẽ lại sanh

Đốn cây luôn gốc, ngọn

Tỳ-kheo vào niết-bàn.

575.

Gốc ái chưa đoạn tận

Ít nhiều còn nhánh cành

Tâm vướng mắc càng nhanh

Như nghé con tìm mẹ.


[1] Tương đương Pāli, phẩm 24, Taṇhāvagga.

[2] Ngũ dục, năm đối tượng của sự tham muốn (ngũ dục): tài, sắc, danh, thực, thuỳ.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.