Phẩm 25 Tức Giận

16/01/20193:41 SA(Xem: 3504)
Phẩm 25 Tức Giận

KINH PHÁP CÚ BẮC TRUYỀN 
ĐTK/ĐCTT, N°. 0210 
Soạn tập: Tôn giả Pháp Cứu 
Hán dịch: Đời Ngô, Thiên Trúc Sa-môn Duy-kỳ-nan 
Việt dịch: Thích Đồng Ngộ - Thích Nguyên Hùng
Nhà xuất bản Ananda Viet Foundation 2019

QUYỂN HẠ
(gồm 18 phẩm, từ phẩm 22 đến phẩm 39 | 402 bài kệ)
Việt dịch: Thích Nguyên Hùng
 

Phẩm 25

TỨC GIẬN[1]

 

 

[568a] Phẩm này có tên chữ Hán là Phẫn nộ, gồm 26 bài kệ. Nội dung nói về: thấy tai hại sân hận, hãy khoan dung nhân từ; trời hộ vệ, người thương.

 

 

405.

Tức giận không thấy pháp

Tức giận không biết đạo

Ai trừ được tức giận

Phước lạc thường theo thân.

 

406.

Tham dục không thấy pháp

Ngu si chuốc luỵ phiền

Tham sân si diệt hết

Phước đức lớn vô biên.

 

407.

Ai kềm được cơn giận

Như hãm xe lao nhanh

Là người đánh xe rành

Khéo bỏ tối vào sáng.

408.

Nhẫn nhục thắng sân hận

Hiền thiện thắng hung tàn

Bố thí thắng xan tham

Chân thật thắng hư dối.

 

409.

Tâm không giận, không dối

Không tham tranh với đời

Được ba việc ấy rồi

Chết sanh về thiên giới.

 

410.

Ai khéo giữ thân mình

Tâm từ, không sát hại

Chết sinh về thiên giới

Đến đó, hết bi ai.

 

411.

Tâm ý thường tỉnh giác

Siêng tu học ngày đêm

Lậu hết, tâm giải thoát

Là đến được niết-bàn.

 

412.

Người ta ưa chỉ trích

Vốn là lẽ trong đời

Đã chê kẻ lắm lời

Lại khinh người ít nói

Ghét luôn người hòa nhã

Thiên hạ chẳng chừa ai.

 

413.

Phàm phu còn ham muốn

Chẳng điều phục tâm mình

Bởi lợi danh trói buộc

Nên khen chê nảy sinh.

 

414.

Người minh triết mở lời

Ngợi khen bậc hiền thiện

Người trí tuệ giữ giới

Không nói lời thị phi.

 

415.

Chớ buông lời phỉ báng

Bậc La-hán chơn thường

Đế Thích, Phạm vương

cõi Người xưng tụng.

 

416.

Thường cẩn trọng giữ thân

Để ngăn ngừa sân giận

Thân từ bỏ việc ác

Tiến tu đức hạnh lành.

 

417.

Cẩn trọng khi nói năng

Để ngăn ngừa sân giận

Từ bỏ lời nói ác

Thường tụng tập pháp lành.

 

418.

Cẩn trọng giữ tâm mình

Để ngăn ngừa sân giận

Từ bỏ tâm niệm ác

Chỉ tư duy niệm lành.

419.

Giữ khẩu nghiệp, bản thân

Thường chế phục tâm ý

Hành đạo bỏ tâm sân

Nhẫn nhục là bậc nhất.

 

420.

Diệt sân, lìa kiêu mạn

Dứt tham ái buộc ràng

Không vương vào danh sắc

Khổ hết trú niết-bàn.

 

421.

Hóa giải mọi sân giận

Chế ngự tính tham dâm

Trút bỏ mọi si ám

Người này luôn được an.

 

422.

Hết giận ngủ ngon giấc

Lòng thanh thản bình an

Giận hờn, gốc rễ độc

Người tu tâm dịu dàng

Lời hay được xưng tán

Đoạn dứt hết nguy nan.

 

423.

Cùng chí hướng, thân gần[2]

Mới hay toàn làm ác

Sau lại nổi tức giận

Lửa bức não thiêu thân.

424.

Ai không biết hổ thẹn

Phá giới, hay giận hờn

Bị giận hờn dẫn dắt

Như mùa vụ quay vòng.

 

425.

Có sức làm quân gia

Gầy hao chọn nhu hòa

Nhẫn nhục hơn tất cả

Nên thường hay nhẫn nhục.

 

426.

Bị mọi người phỉ nhổ

Có sức, hãy khiêm cung

Nhẫn nhục mạnh vô cùng

Nên thường hay nhẫn nhục.

 

427.

Người tranh giành với ta

Có ba điều đáng sợ[3]

Khi họ đầy sân nhuế

Phải diệt giận trong ta.

 

428.

Cả hai cùng thân cận

Ta khuyên nhủ người kia

Biết họ còn tức giận

Ta phải kiềm chế thân.

 

429.

Kẻ ngu dùng lời ác

Muốn hơn bậc thánh hiền

Ai muốn điều phục họ

Giữ im lặng mặc nhiên.

 

430.

Phàm những người xấu ác

Lấy giận trả oán hờn

Không lấy giận trả giận

Là người sáng suốt hơn..



[1] Tương đương Pāli, phẩm 17, Kodhavagga.

[2]Tham khảo : 志 同 道 合 之 人(本来)相 互 亲 近,(却)假 装 不 知 故 意 为 恶;後来分别之後留下愤恨,(余恨)之火燃烧自我烦恼不已 (https://site.douban.com)。Xem thêm Pháp cú Nhật ngữ : あしきなかまを もつゆえに , http://www.geocities.jp/higefuji2767/hokku-25.htm.

[3] Giữa ta và người kia có ba cái sợ lớn: hoặc mình, hoặc người kia, hoặc cả hai sẽ bị tổn thất bởi cái giận.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.